Tiểu Lục Thần Phong
Khi tôi về. Thời gian nghỉ phép quá ngắn ngủi nên tranh thủ tận lực đi đây đi đó để tận mắt thấy, tận tai nghe. Tôi thu thập khá nhiều những chi tiết, thông tin, tư liệu để mà viết; những thông tin tiêu cực có, tích cực có với trực giác khá bén của mình, tôi lựa chọn những gì tốt và thật nhất, có một điều là “Sự thật mất lòng”, sự thật khó nghe, nghịch nhĩ nên cũng dễ bị phản ứng cực đoan, nhất là với dân mít nhà mình, đừng nói là quan quyền chức sắc, ngay cả dân đen con đỏ cũng thế.
Người mình sống dưới sự nhồi sọ, tuyên truyền một chiều đã lâu, cộng với tính cách của người mình nó thế cho nên người mình khó chấp nhận ý kiến trái ngược, lời phản biện… cho dù đó là lời thật, lời mang tính cách xây dựng. Người mình cả quan lẫn dân chỉ thích khen, dù là đãi bôi, thích lời ngọt dối trá; hễ mà nói thật hay đụng đến sự kiện gì đó thì dễ lên đồng tập thể lắm!
Người mình có cái lối tự hào rất vô lối, rất cực đoan và ấu trĩ. Tỷ như thắng một trận đá bóng là cả nước xuống đường ầm ĩ, cả dân lẫn quan đều tự sướng, khoác lác đại ngôn “ Đặt cả châu Á dưới gót giày”, “ Thành quả của sự chỉ đạo sáng suốt…” Trong khi ấy những vấn đề dân tình quốc sự mang tính sống còn thì chẳng ai nói đến, tất cả thờ ơ như thể chuyện của ai chứ chẳng liên can gì đến mình.
Khi tôi về, dĩ nhiên là có cả đi chùa lễ Phật. Từ Sài Gòn cho đến các tỉnh thành, chùa chiền giờ rất “Hoành tráng” (chữ người trong nước), sơn son thếp vàng rất hào nhoáng, chưng bày la liệt tượng La Hán, sư tử Tàu, pháp khí Đài Loan, đèn đá Hàn quốc…Chùa chiền giờ to lớn đồ sộ, những ngôi chùa như cung vàng điện ngọc, những pho tượng khổng lồ… Rồi chưng bày la liệt cây kiểng, bon sai.
Tôi viếng chùa Nam Thiên Nhất Trụ tự, ngôi chùa do những người Bắc di cư 1954 xây dựng ở Thủ Đức. Trong sân chùa có cây thị to hai người ôm. Người ta khắc biển đồng ghi tên ông Q chủ tịch cúng dường. Tôi cảm thấy lòng mình đau không sao tả. Cây thị cả trăm năm tuổi, to lớn như thế, tự dưng bị cắt ngọn, cưa thân, bứng từ rừng đem về cúng dường. Cái này phải nói là công đứt chứ công đức gì ở đây!
Nghệ thuật bonsai của người Nhật vốn tỉ mẩn, tinh tế, nhỏ nhắn… khi du nhập vào Việt Nam thì biến tướng kinh dị. Bonsai Việt giờ toàn những cây khổng lồ vài người ôm, họ lên rừng đào bới, cưa cụt, đem về làm bonsai. Ngay tại sài Gòn hay đi dọc đường quốc lộ I tôi thấy nhiều điểm bán cây cảnh chưng bày rất nhiều những bonsai khổng lồ, những cây cổ thụ hàng trăm năm hay hơn nữa bị cắt ngọn, xẻ thân, trảm gốc để cho vào chậu. Người ta săn lùng khắp núi rừng để tìm cây cổ thụ quý đem về làm bonsai.
Cả dân lẫn quan đều chơi bonsai khổng lồ, những biệt phủ, dinh, village của quan lại càng sính bonsai khổng lồ, mới đây nhất người ta tung lên mạng biệt phủ ông bí thư Đồng Nai với loạt bonsai khổng lồ cả trăm tỉ đồng, ngoài bonsai khổng lồ ra các quan và đại gia còn sính chưng nhà gỗ, sập, đôn, ngai, bình phong, tượng… toàn danh mộc gỗ quý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân rừng trọc núi lở, lũ lụt bất thần, hạn hán…
Những năm gần đây các vị tai to mặt lớn cứ lên ti vi tự sướng:”Thế nước đang lên”, “ Có bao giờ được như thế này chăng?”… Thật tình mà nói thế nước đang lên, lên không ngừng, càng ngày càng lên, lên không biết đâu là hạn mức cuối cùng…Thế nước đang lên nên: sài Gòn, Hà Nội, Quy Nhơn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sapa… đều ngập hết ráo, Riết rồi dân cũng đành “ Sống chung với ngập” như đã từng “ Sống chung với cướp giật”, “ Sống chung với tham những”, “ Sống chung với phiền toái”…
Không sống chung thì cũng phải chịu chứ giờ biết chạy đi đâu? Rừng cạo sạch, xẻ núi san đồi để quan gia bán đất, phân lô, cất biệt phủ, lập biệt trại… Còn trong thành phố thì xây dựng vô tội vạ mà không cần làm đường thoát nước, thậm chí còn lấp rạch, lấn sông để phân lô bán nền, bởi vậy Ngập là đương nhiên, không ngập mới là lạ.
Khi tôi về, những người bạn ngày xưa của tôi bảo:” Việt kiều giờ chơi không lại Việt cộng đâu!” Việt cộng giàu kinh khủng lắm, tiển bạc nhiều vô kể”. Điều ấy hòan toàn đúng, những đại gia, quan gia, Việt Cộng con… ăn chơi như những ông trời con, vung tay chi tiêu mát trời ông địa, tiền bạc với họ như vô hạn. Việt kiều không có cửa! Việt kiều chỉ có giá vào thập niên tám mươi và chín mươi, ngày nay mất giá lắm rồi. Những năm ấy Việt Nam đóng cửa với thế giới bên ngoài, cả nước đói kém lạc hậu, chưa có tầng lớp nhà giàu mới, bây giờ thì mọi sự đã khác!
Việt kiều không đủ tiền và cũng không đủ máu mặt lẫn máu liều để chơi như Việt Cộng con. Giờ xứ mình người có tiền ăn chơi rất bạo, được phục vụ tận giường như những ông hoàng. Hải ngoại có tiền cũng không có được những món ăn chơi như Việt Cộng con. Những quán karaoke, những tiệm mát xa vô cùng lộng lẫy và sang trọng mà hải ngoại không có, dĩ nhiên là những thú ăn chơi, mọi nhu cầu đều được đáp ứng.
Nhân chuyện Việt kiều tôi lại thấy buồn cười cho hai chữ Việt kiều. Có những cái sai nhưng riết rồi thành quen. Khi người Hoa đến nước ta sinh sống ta gọi họ là Hoa kiều, tương tự vậy ta gọi là Pháp kiều, Mỹ kiều, Úc kiều… Tức là những người nước ngoài đến nước mình sinh sống. Đằng này mình đi đến nước người ta sinh sống mà lại tự mình gọi mình là kiều, thật vô lý! Người bản địa gọi ta là kiều thì mới phải! Ấy thế mà bao nhiêu năm nay chúng ta cứ tự gọi mình là Việt kiều! Việt kiều xưa là ôm chân đế quốc, đu càng, chạy theo bơ thừa sữa cặn…
Ngày nay cũng khác rồi, Việt kiều giờ là “Khúc ruột ngàn dặm”, “ Việt kiều yêu nước” nhưng đây là Việt kiều Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Canada… Còn như những người Việt nghèo ở Cambodia, laos… thì chẳng được vậy đâu, cũng là ruột nhưng là ruột thừa!
Khi tôi về, trời đất! Sài Gòn giờ toàn bảng hiệu tiếng Anh, thương hiệu ngoại quốc, ngay cả quán cà phê tí teo cũng toàn chữ đế quốc: Milk & Tea, take away, oolong tea… Sài Gòn giờ thương hiệu nước ngoài nhiều như ở nước ngoài, từ cao cấp cho đến thường thường bậc trung, thậm chí bình dân cũng đầy nhóc luôn. Cao cấp nhất vẫn là: Mỹ, Anh, Canada, Úc, Pháp, Nhật… xoàng hơn thì là Thái, Tàu.
Giới trẻ sài Gòn giờ tiếp xúc với văn hóa phương tây nên phong cách sống cũng khá thoáng và cời mở khác với lớp người lớn. Phong cách thịnh hành và thời thượng nhất có lẽ đang theo phong trào Kpop của Hàn Quốc.
Sài Gòn cũng như nhiều thành phố khác, giờ đại gia, nhà giàu mới rất nhiều, hình thành nên một tầng lớp trung lưu mới, sống rất xa hoa, đua đòi và làm nhiều trò lố bịch khi mà trình độ văn hóa và thẩm mỹ không phát triển tương ưng với tiền bạc, nói cách khác là tiền bạc nhiều mà văn hóa thấp quá! Những nhà giàu mới này, có một số nhờ sản xuất kinh doanh tự thân, còn lớp cực giàu, triệu phú, tỷ phú…thì giàu là nhờ mua bán đất đai, cạp đất, biến đất công hay tài sản công thành của riêng, chẳng thấy triệu phú hay tỷ phú nào đi lên từ công nghệ hay kỹ thuật cao (high tech, Digital, chip…).
Chuyện đất đai xứ mình giờ cũng rất dễ sợ, nhà nhà tranh nhau, người người giành giật. Cha con từ nhau, mẹ con đốt nhau, xử nhau, anh em chém nhau, quan lại cướp đất dân, dân oan mất đất kêu oan quỳ lạy ở công đường, tự tử tại công đường… Giờ đụng đến đất đai rất dễ bị giết, bị tù đày. Giá đất đai cũng lùng bùng lỗ tai, toàn là tiền tỷ, chục tỷ…Đất đai của dân dù là nhà ở, mồ mả, ruộng vườn, từ đường… nhưng đều có thể mất như chơi với mỹ từ quy hoạch. Nhiều người sau quy hoạch tiền đền bù không đủ mua cục đất chọi chim.
Khi tôi về, chứng kiến nhiều người bạn thuở ấu thời nghèo mạt rệp nhưng giờ thành đại gia. Một trong những cách giàu mau nhất, có thể nói qua đêm đổi đời ấy là nhờ “Cổ phần hóa”. Rất nhiều công ty quốc doanh vốn là tài sản nhà nước, tài sản quốc gia nhưng sau khi cổ phần hóa thì trở thành tài sản cá nhân. Không chỉ một mình giám đốc giàu mà cả gia đình anh em của giám đốc đều giàu, dĩ nhiên là phải chia cổ phần cho những quan chức ở địa phương đó.
Tôi có người bạn là một trong hai trăm người giàu nhất Việt Nam. Anh ta ngày xưa đi học không có nổi chiếc xe đạp, khi ra trường xin vào làm một công ty đá granite dần dần lên chức và sau khi cổ phần hóa công ty thì lập tức đổi đời. Tôi có thể liệt kê thêm hàng loạt vụ đổi đời sau khi cổ phần hóa nhưng thôi, đây chỉ là một bài ký nói cái cảm xúc của mình về những điều mắt thấy tai nghe và tận thân chứng kiến chứ không phải bản báo cáo.
Tôi vào viện ung bứu thăm vợ một người bạn, cảnh tượng diễn ra trước mắt thật thê thảm và kinh hoàng, lớp lớp người nằm, ngồi chờ chực khắp các hành lang, thậm chí tràn ra cả vỉa hè ngoài viện. Bệnh nhân các tỉnh thành phải đón xe lên viện lúc bốn giờ sáng để lấy số thứ tự chờ khám. Không chỉ ở viện ung bứu, hầu như các bệnh viện khác cũng đều quá tải như thế.
Vợ người bạn được bác sĩ chẩn đoán ung thư vú và bác sĩ xếp lịch bốn tháng sau mới tới lượt mổ, cũng trong ngày hôm ấy bác sĩ cho biết nếu mổ dịch vụ thì nộp tiền và mổ ngay trong tuần, dĩ nhiên là mổ dịch vụ thì tốn tiền gấp nhiều lần. Bạn tôi đồng ý, thế là vợ anh ta được mổ ngay trong tuần ấy.
Đồng tiền quả là có sức mạnh vạn năng, giờ xứ mình hai chữ dịch vụ rất phổ cập và hữu hiệu: khám dịch vụ, mổ dịch vụ, điều trị dịch vụ, nằm phòng dịch vụ, xếp hàng dịch vụ, giấy tờ dịch vụ,.. Dịch vụ ở đây tức là đi tắt, chen ngang, chi tiền nhiều để được xếp trên trước, dĩ nhiên là người giàu, tầng lớp giàu, người nhiều tiền mới chịu nổi dịch vụ như thế!
Càng đi càng thấy và nghe bao nhiêu chuyện thật chẳng biết nói sao trọn cái cảm xúc của mình, những cảm xúc lộn xộn, lung tung và rối bời. Chỉ biết là mình khó có thể tái hòa nhập, khó có thể sống được trong cái môi trường như thế này.
Tiểu Lục Thần Phong
(Ất Lăng thành, 11/22)