Nguyễn Gia Việt
***
Đường xá sạch trơn, không ai xả rác. Ra đường ăn mặc lịch lãm, con nít được dạy vệ sinh, ý thức và tôn trọng. Mọi người biết nhìn về cái chung của cộng đồng, biết yêu thương và lòng trắc ẩn, bao dung
Người dân VNCH được rèn luyện tinh thần dân tộc Việt, rất tự trọng dân tộc, biết tự ái, biết giữ thể diện quốc gia để không làm tổn hại nó. Nền giáo dục nhân bản là rèn luyện con người có nhân cách, biết mắc cỡ, có thái độ sống phù hợp với đạo lý, biết đúng sai, giới hạn, biết ngừng ở mức độ vừa phải. Một người có giáo dục, có nhân cách sẽ là một công dân tốt, có tình yêu quê hương đất nước, sống liêm sĩ. Một nền giáo dục mà không dạy đạo đức thì nó tạo ra xã hội có đạo đức bị băng hoại, con người lương tri và lương năng cũng mất. Khi đạo đức biến mất thì xã hội sẽ không có trật tự, an ninh, thường xảy ra trộm cướp, giết người, con người mất dạy, ý thức buông bỏ, con người không tôn trọng nhau khiến cho cuộc sống của con người đầy dẫy sự đau khổ và bất an
Người dân có lương tri và tri thức sẽ so sánh và luôn công tâm trong nhận thức. VNCH đã không còn nhưng dư âm của nó vẫn còn như ngày hôm qua, tươi rói, sinh động, hiển hiện và sáng chói. Cái di sản của Việt Nam Cộng Hòa để lại cho con cháu, dân tộc vẫn còn đó và không có một người nào có khả năng bác bỏ
Miền Nam Việt Nam, Quốc Gia Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa chỉ tồn tại có 21 năm (1954 tới 1975) nhưng đã để lại những bài học nhân bản, đạo đức và tiến bộ trong lòng những người Việt tiến bộ và yêu quê hương
Tri ơn và nhớ người lính VNCH, những người đã bỏ thanh xuân, tuổi trẻ, máu xương của mình để ráng giữ cái hay cái tốt, cái căn bản của dân tộc Việt
“Có những người anh tôi chưa biết tên
Tha thiết cuộc đời đôi môi thắm duyên
Quê hương trong khói lửa mùa chinh chiến
Quên tình yêu riêng xông pha chiến tuyến”
Từ Bến Hải tới Cà Mau, chiến trận đì đùng, khói sương tan nát, chiến tranh vô tận nội đô Sài Gòn, trẻ ngủ không ngon giấc, già khắc khoải từng đêm, mắt mẹ long lanh nước mắt. Người lính Việt Nam Cộng Hòa đã đặt chân trên từng tấc đất quê hương, từ cao nguyên đèo heo hút gió, miền Trung khô cằn sỏi đá cho tới vùng sình lầy Hậu Giang, đâu đâu cũng thấy hình ảnh người lính chiến kiêu hùng đáng yêu. Ai cũng có mẹ già, em thơ và một mái nhà, là một người con hiếu tử mà anh hùng
“Tôi có mẹ già ở xa xôi lắm
Tôi có đàn em bé bỏng dại khờ
Đời trai lính chiến vất vả đây đó
Lâu lắm rồi chưa có lần về thăm nhà”
Người lính Việt Nam Cộng Hòa rất oai vệ và lãng mạn, họ là những trai hùng thời chinh chiến, thương yêu anh lính chiến với nón sắt giày botte de sault anh dũng, thiện chiến. Xóm làng đều hướng về các anh
“Hôm nay tin các anh về
Thôn xóm vui mừng và ngàn chim hót líu lo
Người em ngỡ giấc mơ bèn ra con đò
Bâng khuâng đón các anh về
Nước mắt lưng tròng khi tiếng cười dậy đôi môi
Tim lạnh từ xa xôi sưởi nồng lòng tôi”
Người lính Việt Nam Cộng Hòa đã ngửng cao đầu cầm súng chiến đấu anh dũng trong 21 năm với cảnh bom rơi đạn xới, đối diện nguy hiểm từng giờ để bảo vệ Miền Nam. Đó là bảo vệ mảnh đất cha ông khai phá, nói như Anh Việt Thu là: “Ðể ông cha còn nắm đất phủ mình”
Thương lắm người lính Việt Nam Cộng Hòa. Trong binh pháp các bạn sẽ hiểu, khi bạn chủ động tấn công chiếm đất và bình định cai trị đối phương sẽ dễ dàng hơn khi bạn phải đứng một chỗ và phòng thủ đối phương tràn xuống bằng biển người
“Bảy ngàn đêm giấc ngủ chưa tròn.
Giấc ngủ hao mòn, cơn mơ thành bại, mắt còn đỏ hoe”
“…Nam Việt Nam đã chống cự hữu hiệu trong 25 năm, và họ đã không phải luôn luôn được người Mỹ giúp. Tôi nghĩ ít có xã hội nào bền bỉ chịu đựng được một cuộc chiến đấu lâu dài như vậỵ. Quân lực VNCH đã chiến đấu can đảm và vững mạnh trong một số trận đánh mà chúng ta còn nhớ, thí dụ như trận An Lộc
Quân đội ấy đã chiến đấu giỏi và can đảm ở nhiều trận đánh khác mà chúng ta không còn nhớ địa danh. Quân lực ấy đã can đảm và chiến đấu trong hàng ngàn trận đánh nhỏ, và giữ vững hàng ngàn tiền đồn hẻo lánh ở những nơi mà cái tên nghe rất xa lạ với người Mỹ. Hàng trăm ngàn người của quân lực ấy đã tử trận. Hơn nửa triệu người của quân lực ấy đã bị thương. Và trong những tuần lễ chót, khi mà người Mỹ nào cũng biết là cuộc chiến đấu đã thua rồi thì vẫn còn những đơn vị của quân lực ấy tiếp tục chiến đấu, thí dụ tại Xuân Lộc
Nhờ có những sự chiến đấu ấy mà người Mỹ và một số người Việt lựa chọn mới an toàn thoát đi được. Rốt cuộc, quân lực ấy đã tài giỏi hơn sự ước lượng của người ta. Phía mạnh hơn chưa chắc đã là phía tốt hơn”.(Hết trích)
Chân lý rõ ràng, phía mạnh hơn chưa chắc đã là phía tốt hơn. Nhứt là về chánh trị, đạo lý, văn hóa và tánh người
“Ai đâu ngờ, sau tiếng súng,
đời lại thêm một thời nát tan
Non sông buồn, đã điêu tàn,
thêm máu lệ chứa chan một lần”
Trong hồi ký Nguyễn Hiến Lê, ông học giả vốn không ưa ông Thiệu đã thuật lại :
“Mười hai giờ tôi bắt đài phát thanh, được tin tướng Trần Văn Trà vào dinh Độc Lập, Đại tướng Dương văn Minh với vài nhân viên trong nội các ra tiếp, bảo:
– Chúng tôi chờ các ông tới để bàn giao.
Trần Văn Trà đáp “Các ông còn gì trong tay nữa mà bàn giao?” (Hết trích)
Học giả Nguyễn Hiến Lê viết một câu “Tin đó làm cho tôi rất buồn…”. Buồn vì lỡ một cơ hôi, buồn vì thói ngạo mạn đã thắng lý trí và tầm nhìn
Trong “Chân dung người lính Việt Nam Cộng Hòa” tác giả Sơn Tùng viết;
“Cuộc chơi rõ rệt không công bằng, nhưng người lính VNCH vẫn miệt mài chiến đấu và hy sinh. Cho đến khi hoàn toàn bị trói tay
Cuộc chơi tàn. Những người lành lặn bị lùa vào các trại cải tạo. Đui, què, mẻ sứt…không còn được ai nhắc tới, biết tớị, những người chết không yên, mồ mả bị đào xới lăng nhục” (Hết trích)
Một người lính VNCH khác kể:
“Thời gian cuối tháng 3/75 tôi bị thương ở ngã ba Dầu Giây phải điều trị 2 tuần lễ trở về nhà chỉ vỏn vẹn có 3 ngày
Vì tình hình chiến trường cứ dồn dập những tin bất lợi cho quân ta, càng ngày càng mất thêm nhiều tỉnh lỵ, thành phố. Tôi quyết định trở lại đơn vị nơi mà bạn bè đã từng kề vai chiến đấu, sống chết có nhau đang chờ đợi
Lần trở lại này đặc biệt tôi mua 5 cây thuốc lá Capstan, 5 ký cà phê vì tôi đoán thời gian những ngày tới mình phải thức khuya nhiều cho cuộc chiến
Ngày từ giã gia đình lên đường, ba tôi dẫn ra tiệm hủ tíu ăn sáng với ông, ba tôi nói : “tình hình rất cam go, nhiều nơi đã mất, không còn hy vọng, con nên ở nhà.” Tôi cúi đầu tiếp tục ăn, không dám nhìn thẳng vào gương mặt lo âu của ông
Ăn xong, tôi nói: “Thưa ba con đi!” Tôi nghĩ làm sao bỏ anh em đã cùng chiến đấu, làm sao nỡ nhìn anh em chết đuối dưới lằn đạn quân thù.
“Bước chân đi, không dám nhìn, trở lại lần nữa, bước chân đi, xin chấp nhận niềm bất hạnh đó….”(Hết trích)
Ông viết về ngày tháng 4
“Tôi thất thểu lê từng bước mà nghe lòng mình tan nát, vết thương ngoài không thấy đau bằng vết thương trong lòng quặn thắt lên từng đợt
Thôi đã hết trong ngày tàn cuộc chiến…”(Hết trích)
Sau 1975 tới nay, người Miền Nam vẫn nghe nhạc lính một cách công khai, nó hay, nó oai hùng. Người lính VNCH không lên gân, người lính VNCH anh dũng cũng biết yêu, biết vui biết buồn, biết mệt biết mỏi. Đó là di sản của Miền Nam
“Hò… ơi nào ai biết chăng
Những kẻ ngày xưa đã âm thầm
Hiến dâng cả đời trai giữa sa trường
Giờ còn lại chi đây….”
Những người lính VNCH xưa trẻ nhứt thì nay cũng đã 70 tuổi hơn, tóc đã bạc hơn nửa mái đầu, tay run, chưn mệt, mắt mờ. Những thương phế binh VNCH chết từ từ. Lịch sử sang trang, xóa dấu vết chăng? Không hề !
Ký ức xót xa, nghẹn ngào, uất hận, thương nhớ, kỷ niệm đó nó không hề phai. Người đã từng đổ xương máu thì sao đành đoạn quên họ được, đó là tiền hiền rồi. Nó không phải thù oán, trả thù, ghi hận mà nó quyện lại thành di sản, thành ý chí, bài học máu xương đặng rút tỉa kinh nghiệm để cho con cháu hoạch định ra tương lai của mình
Viết về người lính VNCH không bao giờ hết, không bút mực nào tả xiết ,trong hình ảnh đó là của ông bà, cha mẹ, chú bác của chúng ta. Xin tưởng nhớ và tri ơn những người lính VNCH đã bỏ cả tuổi xuân, máu xương đặng bảo vệ mảnh đất này cho con cháu .
“Tội nghiệp đời trai chưa thỏa chí
Sa trường dung ruổi đã phơi thây
Đoàn quân hùng liệt nay về đất
Hồn vẫn quanh co giẫm lối gầy
Chiều chiều đứng ngóng ngàn mây nổi
Mà khóc quê hương khuất bến bờ
Đêm hát vang lừng nơi chiến địa
Mộng hoàng hôn khép giữa hư vô .. ’.
Nguyễn Gia Việt