“Lịch sử được viết bởi những người chiến thắng, nhưng một đất nước không thể thật sự hàn gắn bằng cách xóa bỏ một nửa quá khứ của mình.”

 

Nghia M. Vo

Trúc Lam biên dịch

 

 

Lịch sử không chỉ là ghi nhớ những chiến thắng. Để việc hòa giải có thể xảy ra, chính quyền Hà Nội phải ngừng phân biệt đối xử với những người đã chiến đấu cho miền Nam Việt Nam. 

Tháng 4 đánh dấu 50 năm kể từ khi Sài Gòn sụp đổ, và những vết thương từ chiến tranh Việt Nam vẫn còn đó ‒ không chỉ đối với những người Mỹ đã chiến đấu ở đó, mà còn đối với những người đã mất tất cả khi chiến tranh kết thúc qua việc khai tử miền Nam Việt Nam.

Đối với những người đã cùng chiến đấu với người Mỹ, năm thập niên qua đã được định nghĩa bằng sự phân biệt đối xử và chối bỏ dưới chế độ cộng sản Việt Nam. Họ không được vinh danh là cựu chiến binh mà bị đối xử như những kẻ phản bội hoặc con rối của Mỹ.

 

Lịch sử được viết bởi những người chiến thắng, nhưng một đất nước không thể thật sự hàn gắn bằng cách xóa bỏ một nửa quá khứ của mình. Để hòa giải diễn ra, chính quyền Việt Nam phải thừa nhận nỗi đau khổ của những người đã chiến đấu cho miền Nam Việt Nam ‒ họ không phải là kẻ thù, mà là đồng bào của mình.

 

‘Chảy máu nội thương của nước Việt Nam hiện đại’

Sự sụp đổ của Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

 

Trong khi các cựu chiến binh Bắc Việt được tôn vinh, những người đồng cấp của họ ở miền Nam ‒ có tới khoảng 400.000 viên chức và sĩ quan trải qua nhiều năm trong các trại cải tạo ‒ đã bị tước bỏ các quyền lợi, công việc ở các cơ quan chính phủ và phẩm giá cơ bản của con người. Hàng trăm ngàn người khác đã bị đưa đến “các khu kinh tế mới”, giống như trại cải tạo dành cho thường dân. Khoảng 2 triệu thuyền nhân đã phải chạy trốn ‒ trong số đó có hơn 500.000 người đã chết hoặc mất tích.

Ảnh: Quân Cộng sản Bắc Việt bắt giữ những người lính VNCH vào ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn, sau đổi tên thành TPHCM. Nguồn: AFP

 

Nhà sử học Christopher Goscha cho rằng “sự chảy máu nội thương này của Việt Nam thời hiện đại là bằng chứng cho thấy sự hòa giải dân tộc đã thất bại“.

 

Tài sản của các cá nhân và của doanh nghiệp, đất đai và tài khoản ngân hàng đã bị tịch thu. Các địa điểm tưởng niệm bị phá hủy, nghĩa trang bị xúc phạm, âm nhạc và hiện vật văn hóa bị hủy hoại, và nông nghiệp đã được tập thể hóa dẫn đến một thập niên đói kém hồi thập niên 1980.

 

Ở một đất nước nghèo, nơi những người nghèo và người giàu cùng tồn tại, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mới, tự hào thể hiện dân chúng đều nghèo như nhau, với những người nghèo mới nhất là người dân sống dưới chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam.

 

Với các cựu chiến binh VNCH, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, 130.000 người đau khổ và mất hết tài sản, họ đã di tản tới các nước khác. Những làn sóng người tị nạn khác đã tham gia cùng họ, làm gia tăng quy mô của các cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Họ làm việc chăm chỉ, nhận một hoặc nhiều công việc chân tay để từ từ leo lên các nấc thang xã hội. Họ gửi tiền về quê nhà để giúp đỡ những người thân nghèo khó.

 

Tại khu thương mại lớn nhất của người Việt ở Nam California, Thống đốc George Deukmejian đã mang các biển báo lối vào Little Saigon ở Quận Cam hồi năm 1988, như một sự ghi nhận về sự đóng góp kinh tế của những người tị nạn. Các cộng đồng Little Saigon khác đã xuất hiện trên khắp nước Mỹ, mang đến những thay đổi về ẩm thực và văn hóa cho nước Mỹ.

 

Những người tị nạn Việt Nam đã đấu tranh để bảo tồn nền văn hóa của họ và kỷ niệm sự sụp đổ của Sài Gòn cũng như sự mất mát của những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giành tự do. Hiện nay, các đài tưởng niệm cộng đồng ở Mỹ thừa nhận và khôi phục sự hiện diện của người dân miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến Việt Nam.

Những người miền Nam bỏ chạy sang Mỹ đã phát triển mạnh mẽ, xây dựng các doanh nghiệp thành công, đóng góp cho học thuật và bảo tồn di sản của họ bằng những cách mà họ không thể thực hiện được dưới chế độ cộng sản Việt Nam. Thành công của họ là bằng chứng cho thấy, niềm tin của họ vào nền dân chủ và thị trường tự do là đúng đắn. Nhưng đối với những người còn ở lại Việt Nam, chiến tranh chưa bao giờ thật sự kết thúc.

 

Quân đội Cộng sản Bắc Việt bắt những người lính Việt Nam Cộng hòa và đưa họ đến trại giam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn, bị đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Chính quyền Hà Nội chưa bao giờ nghiêm túc về việc hòa giải vì các cựu chiến binh VNCH bị đối xử như những công dân hạng hai, họ không được hỗ trợ việc làm, hỗ trợ kinh tế và xã hội. Ngay cả hiện tại, các nỗ lực hỗ trợ những cựu chiến binh bị lãng quên này vẫn bị ngăn cản.

 

Hòa giải là cụm từ được nói trên lý thuyết nhưng chưa bao giờ được thực hiện.

Thất bại của Mỹ ở Việt Nam năm 1975 ‒ và ở Afghanistan năm 2021 ‒ đã chứng minh rằng, sức mạnh quân sự đơn thuần không thể chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bạo động. Hỏa lực có thể lật đổ chính phủ, nhưng không thể xây dựng xã hội ổn định. Sai lầm của Mỹ là họ tin rằng, họ có thể áp đặt sự ổn định thông qua vũ lực, mà không cần đầu tư dài hạn để xây dựng lại những đất nước bị tàn phá.

 

Khi chúng ta suy ngẫm về kỷ niệm 50 năm ngày chiến tranh kết thúc, Mỹ nên ghi nhận và hỗ trợ các cựu chiến binh VNCH, những người vẫn bị thiệt thòi ở nơi họ sinh ra. Những người đàn ông này đã hy sinh mọi thứ để chiến đấu bên cạnh những người lính Mỹ. Họ xứng đáng được ghi nhận, thay vì bị bỏ rơi. Chính quyền Hà Nội cũng nên ngừng phân biệt đối xử với các cựu chiến binh này.

 

Lịch sử không chỉ là ghi nhớ chiến thắng, mà lịch sử cần thừa nhận những phí tổn của cuộc chiến, thừa nhận cuộc sống [của một số người] đã bị thay đổi vĩnh viễn ‒ và người dân vẫn đang chờ công lý.

 

Nghia M. Vo

Trúc Lam biên dịch

 

USA Today  (03.04.2025)

 

 

______

Tác giả: Nghĩa M. Võ là bác sĩ đã về hưu, là nhà nghiên cứu độc lập và là tác giả chuyên viết về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Sách của ông đã được xuất bản gồm “Thuyền nhân Việt Nam năm 1954 và 1975-1992” (The Vietnamese Boat People, 1954 and 1975-1992), “Sài Gòn: Lịch sử” (Saigon: A History) và “Việt Nam của tôi, Việt Nam của anh” (My Vietnam, Your Vietnam). Ông hiện đang sống ở Virginia, Hoa Kỳ.