Giáo dân Công giáo tập trung biểu tình phản đối việc thay đổi Tổng giám mục ở Hà Nội do sức ép của chính quyền hôm 13/5/2010 (minh họa) Reuters
Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự đấu tranh cho tự do tôn giáo ở trong nước nhưng không được chính quyền công nhận, cùng với bốn tổ chức hải ngoại ký thư chung thúc giục Hà Nội tôn trọng các cam kết quốc tế và cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Thư ngỏ được công bố ngày 6/12, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (10 tháng 12).
Ông Lê Quang Hiển, Chánh Thư ký Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy và thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, nói với RFA:
“Tình hình nhân quyền cũng như những năm trước, là không được tôn trọng. Riêng đối với tôn giáo của tôi, Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, luôn bị sách nhiễu”
Ông cho biết trong khi nhóm Phật giáo Hoà Hảo thuộc sự quản lý của Nhà nước được tổ chức các buổi lễ của tôn giáo một cách long trọng thì chính quyền tỉnh An Giang luôn hạn chế Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tụ tập trong các sự kiện này.
Bản Lên tiếng cho biết Nhà nước Việt Nam “đang triệt để khai thác việc quốc gia này mới đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ để tuyên truyền về những cái gọi là thành quả và uy tín của Việt Nam trong lãnh vực nhân quyền” trong khi trên thực tế thì “tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn tiếp tục tồi tệ.”
Ông Trương Minh Trí, Chủ tịch Liên hội Người Việt Canada, một trong bốn tổ chức hải ngoại ký tên vào bản lên tiếng nhận định:
“Cộng đồng hải ngoại muốn lên tiếng để nhắc nhở với dư luận ngoài nước và quốc nội rằng Việt Nam còn những vấn đề vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và đòi hỏi cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Đây là dịp tốt để nói về vấn đề đó, nhất là vừa rồi Việt Nam mới đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.
Chúng ta cũng nêu vấn đề nhân quyền để nhắc nhở thế giới rằng Việt Nam cần phải xứng đáng hơn nếu là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.”
Các tổ chức nói Nhà nước Việt Nam hiện nay theo thể chế độc đảng dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản và không có kế hoạch thay đổi mô hình độc đoán này. Chế độ thực hiện bắt giữ và giam cầm một cách tuỳ tiện người bất đồng chính kiến và người hoạt động nhân quyền, cản trở hoạt động của xã hội dân sự.
Bản Lên tiếng cũng dẫn báo cáo của Uỷ ban Nhân quyền LHQ và một số tổ chức nhân quyền như Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW), Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết hiện Việt Nam đang giam giữ khoảng 290 tù nhân chính trị và lương tâm, trong đó có 23 nhà báo.
Chính phủ Việt Nam không tôn trọng qui trình xét xử công bằng đối với những trường hợp bị tuyên án tử hình, không cung cấp thông tin về việc giảm án cho tử tù, và không công khai dữ liệu về án tử hình. Việt Nam là nước ban hành và thực thi án tử hình nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á, và thuộc nhóm nước nhiều án tử hình nhất trên thế giới.
Ông Trương Minh Trí nói, để chính quyền Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền, cộng đồng người Việt hải ngoại cần theo dõi sát sao tình hình Việt Nam và vận động chính quyền và các chính trị gia nơi mình sinh sống để gây sức ép lên Hà Nội.
Ông cho biết bốn tổ chức ký tên đại diện cho các cộng đồng người Việt lớn nhất trên thế giới trong khi thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam đại diện cho các tổ chức tôn giáo độc lập ở Việt Nam.
Bản Lên tiếng cho biết chính quyền Việt Nam kiểm soát chặt chẽ xã hội dân sự. Tuy cả nước có 70 ngàn tổ chức quần chúng nhưng đều phải chịu sự chi phối và chỉ đạo của Đảng Cộng Sản còn những tổ chức xã hội dân sự độc lập bị đàn áp và các thành viên chủ chốt bị bỏ tù.
Các tổ chức ký tên nói Nhà nước Việt Nam rất miễn cưỡng tạo điều kiện cho việc thành lập một nghiệp đoàn độc lập. Mặc dù năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền thương lượng tập thể thế nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước 87 về quyền tự do lập hội.
Trước tình hình trên, các tổ chức kêu gọi Nhà nước Việt Nam, trên cương vị một thành viên của LHQ và thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, tôn trọng và thực thi các công ước quốc tế mà chế độ đã ký và phê chuẩn như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), và Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Năm tổ chức kêu gọi Việt Nam trả tự do lập tức và vô điều kiện cho tất cả những tù nhân bị giam giữ hay kết án chỉ vì đã bày tỏ quan điểm và lập trường một cách ôn hòa cũng như chấm dứt ngay lập tức tất cả những biện pháp đàn áp đối với những cá nhân và tổ chức thực thi và bảo vệ quyền tự do căn bản như ngôn luận, hội họp, tín ngưỡng, lập hội…
Việt Nam cần chấp nhận vai trò thiết yếu của các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong các lãnh vực như tôn giáo, môi trường, sinh hoạt nghiệp đoàn, và truyền thông; tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự đóng góp vào tiến trình phát triển đất nước mà không bị cản trở hay đàn áp, năm tổ chức ký tên nói.
RFA (07.12.2022)
Bản Lên Tiếng của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại & Quốc Nội:
https://viettudomunich.org/2022/12/08/ban-len-tieng-cua-cong-dong-nguoi-viet-hai-ngoai-quoc-noi/