Bị cáo Lê Anh Tú tại toà. Ảnh: Thoibao.de Thoibao.de
Ông Lê Anh Tú, bị cáo thứ hai trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh bác bỏ cáo buộc của toà là trực tiếp tham gia bắt người. Do đó, Toà thượng thẩm Berlin đã bắt đầu trưng ra các bằng chứng mới, cũng như mời thêm nhiều nhân chứng để lấy lời khai.
Thêm nhiều bằng chứng trước Toà
Cập nhật tình tiết mới nhất trong các phiên xét xử, nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức, người luôn theo sát vụ án này cho biết:
“Tòa đang tiếp tục xử vụ này và chưa có dấu hiệu kết thúc sớm. Bởi vì khi ông ấy (Lê Anh Tú – PV) không nhận tội thì người ta phải trưng toàn bộ bằng chứng ra, thì khả năng là vụ án này còn kéo dài thêm nhiều tuần nữa.”
Trong phiên xử mới nhất diễn ra hôm 2/1 vừa qua, toà tung ra nhiều bằng chứng mới cho thấy chính ông Tú là người biết trước kế hoạch bắt cóc, trực tiếp lái chiếc xe bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cũng như chở cựu cán bộ ngành dầu khí này tới Slovakia.
Một trong các bằng chứng quan trọng là mẫu DNA của ông Tú được tìm thấy trên ghế cầm lái của chiếc xe bảy chỗ, dùng để bắt Trịnh Xuân Thanh.
Chiếc xe 7 chỗ được cho là chở Trịnh Xuân Thanh có nhiều vệt máu. Ảnh: Bùi Thanh Hiếu
Ngoài ra, nhà báo Lê Trung Khoa cho biết thêm, dữ liệu từ chiếc điện thoại di động của ông Lê Anh Tú đã bắt sóng các trạm thu phát sóng điện thoại tại địa điểm và thời điểm xảy ra vụ bắt cóc.
Từ đó, Toà xác định ông Tú đã tham gia vào quá trình bắt người ở công viên trung tâm thủ đô Berlin rồi chở về Sứ quán Việt Nam tại Berlin.
Dữ liệu từ điện thoại di động còn cho thấy ông Tú chở ông Trịnh Xuân Thanh và một số mật vụ Việt Nam đến Bratislava, thủ đô Slovakia. Hành trình này được các camera trên đường cao tốc ở Bratislava ghi lại. Và từ đây thì ông Trịnh Xuân Thanh bị đưa ra khỏi khối Schengen bằng một chiếc máy bay do chính phủ Slovakia cho ông bộ trưởng Công an Tô Lâm mượn.
Hiếu Bá Linh, một nhà báo ở Đức, người có mặt trong phiên toà hôm 2/1 cho biết các luật sư bào chữa cho ông Lê Anh Tú tìm mọi cách để “vô hiệu hoá” các bằng chứng mà toà đưa ra.
Luật sư cho rằng các video từ camera trên đường cao tốc bắt được hình ảnh của ông Lê Anh Tú không thể coi là bằng chứng hợp pháp. Bởi vì nó vi phạm luật bảo vệ quyền riêng tư. Theo phía luật sư, những camera trên cao tốc dùng để kiểm soát giao thông, nhưng phía công tố viên lại lấy dữ liệu này để làm bằng chứng, như vậy là bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, ông Hiếu còn cho biết trong phiên toà mới nhất, các luật sư còn chính thức đệ đơn yêu cầu toà triệu tập các nhân vật khác liên quan đến vụ án, như ông Đào Quốc Oai, Lê Thanh Hải hay thậm chí là Trịnh Xuân Thanh ra toà đối chất. Những người này hiện đang chịu án hoặc lẩn trốn ở Việt Nam:
“Luật sư biết là không thể nào triệu tập được họ nhưng mà vẫn thách thức tòa, yêu cầu những nhân chứng này phải có mặt ở tòa để xác nhận là ông Lê Anh Tú có tham gia vụ bắt cóc hay không. Tức là bây giờ luật sư dùng nhiều thủ thuật để vô hiệu hóa các bằng chứng.
Sau khi Đức mở phiên toà xét xử ông Lê Anh Tú, mạng báo Euractiv.sk của Slovakia loan tin ngày 1/12 cho biết Cơ quan Hình sự Quốc gia nước này đã mở lại hồ sơ “điều tra tham nhũng có dính líu đến vụ một người Việt được cho bị bắt cóc hồi năm 2017”. Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ Robert Kalinak bị nghi ngờ dù biết rõ nội tình mà vẫn đồng ý cho phía Việt Nam mượn máy bay, rồi còn yêu cầu Ba Lan cho bay qua không phận nước này với lý do công vụ dù ông bộ trưởng Robert Kalinak không có mặt trên đó.
Các nhân chứng khai gì?
Một bài viết trên mạng báo Taz của Đức, được đăng ngày 28/12 cho biết xuất hiện tại toà trong vai trò là nhân chứng có vợ của ông Trịnh Xuân Thanh – bà Trần Dương Nga.
Bà Nga nói trước toà về điều kiện sống trong tù ở Việt Nam của ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Thanh đã bị biệt giam trong suốt ba năm đầu sau khi bị bắt đưa về Việt Nam. Phòng giam rộng chừng bốn mét vuông với một ô cửa nhỏ ở phía trên cao. Mỗi tháng ông Thanh được thăm gặp một lần và được một lần gọi điện về cho người thân.
Từ năm 2021, ông Thanh được chuyển đến một phòng giam bình thường, và được nói là điều kiện giam giữ khá hơn. Ông bị giam chung với 25 thường phạm khác. Mỗi ngày, các tù nhân phải đi lao động cũng như tham gia các lớp học cải tạo. Tuy nhiên, Ông Thanh vẫn không được liên hệ với luật sư của mình.
Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết thêm rằng làm chứng trước toà còn có ông Vũ Đình Duy, em họ ông Trịnh Xuân Thanh, cũng là một cựu lãnh đạo cơ quan thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ông Duy hiện đang bị Việt Nam truy nã với tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ”. Ông rời Việt Nam đến Châu Âu vào cuối năm 2016. Ông Khoa nói:
“Ngoài ra còn có ông Vũ Đình Duy đang bị truy nã ở Việt Nam cũng ra làm chứng trong vụ án này. Ông ấy nói rằng đã gặp ông Lê Anh Tú rất nhiều lần khi sang Cộng hòa Séc. Bản thân ông Tú đã đến Đức và rất thân thiết với ông Đào Quốc Oai, mà Lê Anh Tú được cho là người lái xe cho ông Đào Quốc Oai đó.”
Trước năm 2017, ông Đào Quốc Oai sinh sống ở Cộng hoà Séc, cũng là một nghi can trong vụ án này. Ông ta được cho là đã biết trước kế hoạch bắt cóc và tìm thuê xe để tiến hành vụ việc. Hiện, ông này được cho là đã về Việt Nam lẩn trốn sau khi gây án.
Ông Nguyễn Hải Long, người từng bị kết án ba năm 10 tháng tù giam hồi năm 2018 vì đã tham gia trợ giúp mật vụ Việt Nam trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cũng được toà án Đức mời ra toà làm chứng. Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Khoa cho biết, khi cảnh sát đến cửa hàng của ông Long nằm trong khu chợ Sapa ở Prague (thủ đô Cộng hoà Séc) thì được biết là ông này đã về Việt Nam sinh sống từ sau khi mãn hạn tù.
Ông Lê Trung Khoa nói rằng vụ án này chưa kết thúc bởi còn nhiều mật vụ tham gia vụ án đang bị Đức truy nã, ví dụ như ông tướng Đường Minh Hưng của Việt Nam hay là ông Đào Quốc Oai đang trốn ở Việt Nam… Ông khẳng định toà án Đức sẽ điều tra, xét xử vụ án cho đến cùng:
“Đức là một nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập cho nên bên Tư pháp học cứ thế mà làm và không có điều gì có thể can thiệp được, từ bất cứ một nơi nào vào trong việc điều tra xét xử và truy tố này.”
Toà Thượng thẩm Berlin bắt đầu xét xử ông Lê Anh Tú từ ngày 2/11/2022. Ông này bị cho là đã hỗ trợ và tiếp tay cho việc tước đoạt quyền tự do và hoạt động như một mật vụ.
Sở dĩ ông Tú bị bắt và xét xử sau khi vụ án xảy ra đã năm năm là vì ông này đã về Việt Nam lẩn trốn ngay sau khi vụ án xảy ra. Khi vừa quay trở lại Prague vào tháng sáu năm nay, ông Tú ngay lập tức bị bắt và dẫn độ sang Đức.
Với việc ông Tú không nhận tội, trước mắt, các phiên toà tiếp theo đã được lên lịch đến cuối tháng 1/2023, nhưng không ai biết liệu quá trình xét xử vụ án này sẽ kéo dài bao lâu.
RFA (03.01.2023)