Hoàng Sa dưới quyền kiểm soát của Trung cộng 49 năm và hành động của Hà Nội
Người dân Hà Nội tưởng niệm ngày Trung cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa. Ảnh chụp ngày 19/1/2017. AFP
Cách đây đúng 49 năm, ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung cộng dùng vũ lực cưỡng chiếm tất cả các đảo ở quần đảo Hoàng Sa, trước đó thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. 74 thủy thủ Việt Nam Cộng Hòa tử trận, 16 thủy thủ bị thương và 48 thủy thủ bị bắt làm tù binh. Phía Trung cộng có 18 thủy thủ tử trận, 67 thủy thủ bị thương.
Mười bốn năm sau, ngày 14 tháng 3 năm 1988, Việt Nam lại mất đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa vào tay Trung cộng. Trong trận này, Trung cộng dùng trọng pháo và súng phòng không tiêu diệt 64 chiến sĩ Công binh và Hải quân Việt Nam trên đảo.
Nhiều năm trời, một số người Việt Nam thắp hương tưởng niệm những chiến sĩ hải quân hy sinh, luôn bị phía nhà nước Việt Nam ngăn cản.
Năm nay, vào ngày 19 tháng 1, tổ chức đảng Việt Tân tại Hoa Kỳ đưa ra Bản Lên tiếng, kêu gọi nhà nước Việt Nam phải có hành động cụ thể và mạnh mẽ để thế giới không quên Trung cộng đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực.
Vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, tôi nghĩ rằng, kể từ trận đánh 14/ 3/1988 khi Trung cộng chiếm bảy thực thể trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhà nước Việt Nam có tiến bộ trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Kể từ đó đến nay, chúng ta chưa mất thêm một thực thể nào. Việt Nam cũng đã củng cố thêm nhiều điểm chiếm đóng ở biển Đông để củng cố thế trận an ninh quốc phòng của mình. – Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc
Bản Lên tiếng kêu gọi cùng nhau mạnh mẽ lên án hành vi xâm lược của Trung cộng và đòi hỏi nhà nước Việt Nam thực hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền lợi kinh tế và cuộc sống của ngư dân trên Biển Đông; không ngăn chặn các sinh hoạt quần chúng nhằm vinh danh sự hy sinh của các binh sĩ trong hai trận chiến Hoàng Sa và Trường Sa hay phản đối hành vi xâm lược của Trung cộng.
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, tác giả một số cuốn sách về biển đảo Việt Nam như: “Hoàng Sa – Trường Sa – Luận cứ và sự kiện”; “Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”… nêu nhận định của ông với RFA sáng 19 tháng 1 năm 2023:
“Vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, tôi nghĩ rằng, kể từ trận đánh 14/ 3/1988 khi Trung cộng chiếm bảy thực thể trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhà nước Việt Nam có tiến bộ trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Kể từ đó đến nay, chúng ta chưa mất thêm một thực thể nào. Việt Nam cũng đã củng cố thêm nhiều điểm chiếm đóng ở biển Đông để củng cố thế trận an ninh quốc phòng của mình.”
Bản Lên tiếng đồng thời đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải quốc tế hóa việc Trung cộng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và vô cớ tấn công ngư dân bằng cách mạnh mẽ lên án các hành vi bất hợp pháp của Bắc Kinh trước Liên Hiệp Quốc và kiện Trung cộng ra tòa án Quốc tế. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói về vấn đề này:
“Vấn đề nghiên cứu, tố cáo Trung cộng ra dư luận thế giới, tham gia nghiên cứu khoa học để vạch trần cái bản chất xâm lược của nhà nước Trung cộng hiện nay thì rất nhiều nhà khoa học người Việt trong và ngoài nước đã thực hiện rất tốt.
Tôi lấy một ví dụ, trước đây vấn đề biển Đông, vấn đề Hoàng Sa Trường Sa là một việc tối kỵ trong thông tin công khai. Nhưng kể từ khi anh em chúng tôi tham gia Hội thảo khoa học về biển Đông và Hải đảo Việt Nam do Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức năm 2009 đã chứng minh rằng, đây là một sự kiện mở ra một thời kỳ mới là công khai hóa vấn đề biển Đông. Sau đó chúng ta thấy rõ, nhà nước đã quốc tế hóa vấn đề biển Đông.
Rồi một bước tiếp theo trong nhiều năm tiếp theo khi giàn khoan HD-981 của Trung cộng xâm phạm lãnh hải Việt Nam năm 2014 thì vấn đề phi nhạy cảm hóa vấn đề biển Đông đã được đẩy mạnh. Hiện nay chỉ có một yếu tố nữa mà chúng tôi chưa làm được, đó là minh bạch hóa hồ sơ biển Đông vì nhà nước Việt Nam đã ra cái thông báo là tất cả có mối quan hệ quốc tế, tất cả các hiệp ước, tất cả các bàn luận về mối quan hệ Việt – Trung đều thuộc danh mục bí mật của nhà nước.”
Biểu tình phản đối Trung cộng nhân kỷ niệm trận chiến ở Đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa năm 1988. Hình chụp hôm 14/3/2016 ở Hà Nội. Reuters
Sau cùng, Bản Lên tiếng kêu gọi Việt Nam cần kết hợp với các quốc gia tự do dân chủ trong khu vực để tạo sức mạnh liên minh nhằm ngăn cản sự bành trướng của Trung cộng, bảo vệ hòa bình chung cũng như bảo vệ cuộc sống và sinh mệnh của ngư dân Việt Nam; kêu gọi Chính phủ Việt Nam đòi chính phủ Trung cộng bồi thường thỏa đáng cho ngư dân nếu gây thiệt hại cho ngư dân.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói tiếp:
“Vấn đề va chạm giữa một số nước Đông Nam Á với Trung cộng trên biển Đông, ví dụ như đối phó với tất cả các tàu dân quân biển trá hình của Trung cộng, hoặc tàu hải giám, hải cảnh… diễn ra hằng ngày trong thời gian vừa qua. Trung cộng luôn luôn biến cái xung đột ở biển Đông trở thành chiến thuật vùng xám, tức là không đẩy đến nguy cơ chiến tranh cục bộ hay chiến tranh khu vực, nhưng nó không làm nguội tình hình an ninh trên biển Đông. Vì mục đích cuối cùng của Trung cộng là muốn dùng sức mạnh kinh tế của mình, sức mạnh quân sự của mình hòng đạt được mưu đồ là “chủ quyền thuộc ngã”, “gác tranh chấp cùng nhau khai thác”.
Trung cộng không cho bất cứ một nước Đông Nam Á nào tiến hành khai thác nguồn lợi trên biển Đông, nhất là dầu khí đối với các nước ngoài khu vực. Đó là một trong những sức ép của Trung cộng đối với tiến trình COC mà tới giờ này vẫn đang đi vào bế tắc, không thể ký kết được giữa các nước ASEAN và Trung cộng. Bề ngoài Trung cộng luôn nói vấn đề tốt đẹp về hòa bình, về hữu nghị, nhưng bên trong Trung cộng luôn luôn muốn thống trị Đông Nam Á.”
Ông Đinh Kim Phúc nhấn mạnh, Việt Nam không được ảo tưởng đối với Trung cộng trong tình hình hiện nay, nhất là sự hiếu chiến của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình trong đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung cộng vừa qua.
Theo ông, các nước Đông Nam Á cần phải đoàn kết, quyết tâm thống nhất để chống lại mưu đồ thống trị Trung cộng ở phương Nam. Nhưng thực tế, từng nước trong khối ASEAN vẫn có mâu thuẫn lẫn nhau về lãnh thổ, về tôn giáo, về sắc tộc, về tự do dân chủ, về con đường tiến lên… Do đó, đòi hỏi các nước ASEAN có một sức mạnh thống nhất như Liên minh châu Âu, như khối NATO thì còn lâu lắm…
Một số người Việt Nam lo ngại rằng, nếu sau 50 năm mà Việt Nam không lấy lại được Hoàng Sa thì những đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ sẽ trở nên vô hiệu. Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ mất vĩnh viễn Quần đảo Hoàng Sa về tay Trung cộng.
Nếu ngay bây giờ Việt Nam đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra tòa án quốc tế để lên tiếng về chủ quyền thì ít ra mình có cái mốc về pháp lý để nói chuyện. Nhưng nói rằng cái mốc đó nó có giá trị khẳng định mạnh tới cỡ nào thì phải nhìn nhận thực tế là kẻ mạnh luôn trấn áp kẻ yếu. – Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên
Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, từng có bảy năm làm Phó khoa trưởng Lincoln Law School of San Jose, nói với RFA sáng 19 tháng 1 năm 2021:
“Điều đó không thể hiện ở bất cứ văn bản nào trên công pháp quốc tế hết. Mà thực tế là khi có tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải hay những hòn đảo của hai cơ chế quyền lực, nước nào giữ càng lâu thì chắc chắn nước kia càng khó lấy lại. Nhất là vấn đề tương quan lực lượng giữa hai nước.
Nếu ngay bây giờ Việt Nam đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra tòa án quốc tế để lên tiếng về chủ quyền thì ít ra mình có cái mốc về pháp lý để nói chuyện. Nhưng nói rằng cái mốc đó nó có giá trị khẳng định mạnh tới cỡ nào thì phải nhìn nhận thực tế là kẻ mạnh luôn trấn áp kẻ yếu.
Ngoài ra, sau năm 1945 Liên Hiệp Quốc có một nguyên tắc chung, là không công nhận bất kỳ một lãnh thổ hay lãnh hải nào mà được chiếm bằng võ lực. Đó là một nguyên tắc căn bản.”
Đến hôm nay, chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra tòa án quốc tế. Trong khi đó, hôm 22 tháng 2 năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện Trung cộng ra tòa án quốc tế để yêu cầu toà xác định yêu sách của Bắc Kinh là vô hiệu và vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung cộng trên Biển Đông. Tòa kết luận không có căn cứ pháp lý để Trung cộng đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong đường chín đoạn.
RFA (19.01.2023)
Hàng không mẫu hạm Sơn Đông của Trung cộng tiến hành diễn tập đối đầu tại Biển Đông
Ảnh minh họa: Hàng không mẫu hạm Sơn Đông tại Biển Đông vào ngày 25/8/2022 Courtesy CCTV
Hàng không mẫu hạm Sơn Đông của Trung cộng gần đây tiến hành loạt diễn tập đối đầu tại Biển Đông. Hoạt động này được tiến hành vào khi Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Nimitz đi vào khu vực này.
Mạng Global Times, bản tiếng Anh của Nhân dân Nhật báo- cơ quan ngôn luận đảng cộng sản Trung Hoa, ngày 15/1 loan tin vừa nêu.
Loạt diễn tập đứng đầu bởi Hàng không mẫu hạm Sơn Đông cùng một số chiến hạm các loại khác nhau và hàng chục máy bay chiến đấu. Hình thức diễn tập mô phỏng tình huống thực tế bị tấn công bởi các chiến đấu cơ “thù địch”. Các máy bay chiến đấu J-15 của Trung cộng xuất phát từ tàu Sơn Đông để huấn luyện đánh chặn.
Song song đó là hoạt động diễn tập tấn công, phòng thủ đa chiều, đan xen trên không, dưới nước và trên biển.
Vào ngày 12/1, Hải quân Hoa Kỳ thông báo Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Nimitz bắt những hoạt động tại Biển Đông.
Phía Trung cộng liền cử hai tàu bám đuôi nhóm tác chiến của Hoa Kỳ.
RFA (17.01.2023)
Nam Dương điều tàu chiến giám sát tàu cảnh sát biển của Trung cộng
Nam Dương nói phần cuối phía nam của Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế của mình và đặt tên cho khu vực này là Biển Bắc Natuna vào năm 2017.
Nam Dương đã điều một tàu chiến đến Biển Bắc Natuna để giám sát một tàu cảnh sát biển của Trung cộng đang hoạt động trong một khu vực biển giàu tài nguyên mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, tư lệnh hải quân nước này cho biết ngày thứ Bảy.
Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy tàu CCG 5901 di chuyển trong biển Natuna, đặc biệt là gần mỏ khí Tuna Bloc và mỏ dầu khí Chim Sáo của Việt Nam kể từ ngày 30 tháng 12, tổ chức Sáng kiến Công lý Đại dương Nam Dương nói với Reuters.
Một tàu chiến, máy bay tuần tra hàng hải và máy bay không người lái đã được triển khai để giám sát con tàu, Laksamana Muhammad Ali, tư lệnh hải quân Nam Dương, nói với Reuters.
“Tàu Trung cộng chưa tiến hành bất cứ hoạt động đáng ngờ nào,” ông nói. “Tuy nhiên, chúng tôi cần theo dõi nó vì nó đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nam Dương một thời gian.”
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung cộng tại Jakarta không có bình luận ngay tức thì.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) trao cho các tàu quyền đi lại qua vùng đặc quyền kinh tế.
Hoạt động này diễn ra sau khi Nam Dương và Việt Nam đạt được thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế, và sau khi Nam Dương chấp thuận cho phát triển mỏ khí Tuna ở biển Natuna, với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 3 tỉ đôla cho đến khi bắt đầu khai thác.
Vào năm 2021, các tàu từ Nam Dương và Trung cộng đã bám đuôi nhau trong nhiều tháng gần một giàn khoan dầu chìm đang đào giếng thăm dò ở lô Tuna.
Vào thời điểm đó, Trung cộng kêu gọi Nam Dương ngừng khoan, nói rằng các hoạt động đang diễn ra trong lãnh thổ của họ.
Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á nói rằng theo UNCLOS, phần cuối phía nam của Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế của mình và đặt tên cho khu vực này là Biển Bắc Natuna vào năm 2017.
Trung cộng bác bỏ điều này, nói rằng vùng biển nằm trong yêu sách lãnh thổ rộng lớn của họ ở Biển Đông được đánh dấu bằng “đường chín đoạn” hình chữ U, một ranh giới mà Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague cho là không có cơ sở pháp lý vào năm 2016.
VOA (14.01.2023)
Chiến hạm Mỹ vào Biển Đông
Một quan chức quốc phòng tiết lộ với CNN rằng có hai tàu Trung cộng đã bám theo nhóm tàu Mỹ.
Hải quân Mỹ tuyên bố một nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm đã bắt đầu hoạt động ở Biển Đông kể từ ngày 12/1.
Hải quân Mỹ cho biết đã triển khai nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm Nimitz tại Biển Đông, bao gồm một Hàng không mẫu hạm, một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và ba tàu khu trục, theo CNN.
Một quan chức quốc phòng tiết lộ với CNN rằng có hai tàu Trung cộng đã bám theo nhóm tàu Mỹ. Hải quân Trung cộng thường xuyên theo đuôi các tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông.
Trước đó, hôm 5/1, một tàu chiến Mỹ đã đi qua khu vực eo biển Đài Loan.
Hôm 21/12/2022, một chiến đấu cơ J-11 của Trung cộng đã tiếp cận máy bay trinh sát RC-135 của không quân Mỹ ở khoảng cách chỉ 3 m trên bầu trời khu vực Biển Đông, buộc các phi công Mỹ phải thực hiện các thao tác khẩn cấp để tránh va chạm trên không.
Quân đội Trung cộng cáo buộc máy bay Mỹ đã “đột ngột thay đổi thái độ bay” bằng một cuộc “diễn tập tiếp cận nguy hiểm”.
Đất Việt (14.01.2023)
“Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn”, cuốn sách chuyên khảo hấp dẫn
Cuốn “Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn” là đứa con tinh thần, là thành tựu nổi bật nhất trong năm 2022 của “Ông Biển Đông”.
Ngày 11/1/2023, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật vừa xuất bản cuốn sách “Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn” do ông làm Chủ biên với sự cộng tác của Thạc sĩ Hoàng Việt – Giảng viên Trường Đại học Luật tại Sài Gòn.
Cuốn sách này là đứa con tinh thần, là thành tựu nổi bật nhất trong năm 2022 của “Ông Biển Đông”, gửi gắm nhiều tâm huyết, tâm tình của Tiến sĩ Trần Công Trục với bạn đọc gần xa, những người luôn quan tâm đến các vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
TS Trần Công Trục chia sẻ về cuốn sách.
Trong Lời giới thiệu, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật đánh giá: Cuốn sách “Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn” do Tiến sĩ Trần Công Trục chủ biên là một nghiên cứu chuyên khảo.
Với cách trình bày khoa học mang tính logic cao, góc tiếp cận trực tiếp với vấn đề đặt ra, cuốn sách là tài liệu hữu ích đưa các thông tin pháp lý về tranh chấp trên Biển Đông tới đông đảo bạn đọc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, thực hiện thành công chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông.
Cuốn sách cũng là một đóng góp khoa học vào hệ thống nghiên cứu luật pháp quốc tế, sử dụng khoa học pháp lý vào lý giải các vấn đề trên thực tiễn và đưa ra các giải pháp pháp lý cho các vấn đề đang đặt ra. Cuốn sách gồm 4 chương:
Chương I. Tranh chấp quốc tế;
Chương II. Các loại tranh chấp trong Biển Đông dưới góc độ pháp lý;
Chương III. Các bất đồng, tranh chấp trong Biển Đông;
Chương IV. Nhận diện những thông tin, nhận thức và luận điểm sai trái đang tồn tại.
Với hơn 30 năm gắn bó với công tác biên giới lãnh thổ quốc gia, Tiến sĩ Trần Công Trục đã để lại những dấu ấn quan trọng của mình trên lĩnh vực bảo vệ chủ quyền biên giới. Ông chia sẻ:
“Sự thật là tối thượng và ta luôn phải tôn trọng nó. Nhưng sự thật đó không phải do anh tự tưởng tượng ra hoặc là lượm lặt không có chọn lọc, mà phải là một sự thật phù hợp với quy luật của cuộc sống, phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế và với ý chí, nguyện vọng của cả cộng đồng.
Thế nên tìm ra được sự thật trong nghề này không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có cả sự dũng cảm, kiên định của người làm nghề!”
Theo GDVN (12.01.2023)
Tiền đề để giành lại Hoàng Sa
Trần Trung Đạo
Lịch sử đã chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị kinh tế quân sự hiện nay, việc giành lại Hoàng Sa và những đảo đã mất của Trường Sa, trong thực tế, là một điều ngoài tầm tay của đảng Cộng sản Việt Nam.
Điều kiện để chiếm ưu thế trong mọi cuộc đàm phán song phương, ngoài bằng chứng, tài liệu còn là khả năng làm cho đối phương nể sợ hay kính trọng. Cả hai vị thế đó đảng CSVN đều không có được.
Các xung đột biên giới giữa Trung Cộng và các nước láng giềng, từ các nước nhỏ như Tây Tạng, Nội Mông cho đến các nước lớn như Liên Xô trước đây hay Ấn Độ hiện nay cho thấy, một khi Trung Cộng đã nuốt vào thì khó nhả ra. Trung Cộng chỉ nhượng bộ khi biết không thể thắng bằng võ lực hay đổi chác chính trị như trường hợp tranh chấp biên giới với Bắc Hàn.
Không bao giờ CSVN có thể buộc Trung Cộng bước vào bàn hội nghị song phương hay đa phương bằng thái độ tương kính và bình đẳng.
Chỉ có một Việt Nam văn minh, dân chủ, đoàn kết với một nền kinh tế cường thịnh, một quân đội trang bị bằng kỹ thuật chiến tranh tiên tiến là những phương tiện hữu hiệu trong đàm phán để giành lại Hoàng Sa, Trường Sa từ tay Trung Cộng.
Giới cầm quyền CSVN không làm được những điều đó. Họ quá lo cho nồi cơm riêng đến nỗi quên rằng Trung Cộng cũng có nhiều thách thức kinh tế xã hội và hạn chế chính trị nội bộ cần phải vượt qua để có thể duy trì tốc độ phát triển kinh tế hiện nay và tiếp tục cạnh tranh với Mỹ, Nhật.
Quốc gia nào cũng cần ổn định để phát triển nhưng Trung Cộng cần ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng. Kỹ thuật quân sự của Trung Cộng đã tiến xa so với thời kỳ chiến tranh với CSVN năm 1979, nhưng điều kiện kinh tế toàn cầu ngày nay cũng đã làm cho các cường quốc phụ thuộc vào nhau nhiều hơn trước.
Ngoài ra, các vấn nạn tham nhũng, môi sinh, ô nhiễm, khan hiếm năng lượng, dân số già nua đang là những mối đe dọa trầm trọng tại Trung Cộng và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như cán cân thương mại quốc tế trong tương lai gần.
Một danh ngôn chắc ai cũng có lần nghe “Mọi đế quốc đều sụp đổ” nhưng lý do gì làm một đế quốc phải sụp đổ?
Câu trả lời là (1) không thể bành trướng thêm và (2) rạn nứt dần do các mâu thuẫn bên trong có tính triệt tiêu.
Các Mâu Thuẫn Đối Kháng Bên Trong Trung Cộng
Trung Cộng có thể còn sống khá lâu nhưng hai cục bướu ung thư não “không thể bành trướng” và “mâu thuẫn đối kháng bên trong” đế quốc đỏ này đều đang có trong đầu.
Trung Cộng như hầu hết các nhà phân tích nhận xét là một đế quốc đang bành trướng. Nhưng lịch sử cũng cho thấy, các đế quốc dù Mông Cổ hay Mughal ở Á Châu, Roman hay Ottoman ở Âu Châu đều đã sụp đổ chỉ vì sự bành trướng nào cũng có giới hạn.
Trung Cộng ngoài việc mang đầy đủ các đặc tính của các đế quốc đi trước, còn phải đương đầu những bế tắc riêng:
(1) Một đất nước già nua
Bản tin của New York Times hôm qua 16-1-2023 cho biết, lần đầu tiên dân số Trung Cộng giảm gần một triệu người. Theo ước tính của đề án Pew Research Global Attitudes Project, năm 2050 Trung Cộng sẽ chỉ tăng 25 triệu. Theo Liên Hợp quốc dự báo, dân số Trung cộng sẽ giảm từ 1,426 tỷ trong năm nay xuống còn 1,313 tỷ vào năm 2050 và dưới 800 triệu vào năm 2100. Với đà này, trong thời gian không lâu, Trung Cộng sẽ là viện dưỡng lão khổng lồ. Một quốc gia già nua có nghĩa các chi phí an sinh xã hội, dịch vụ y tế cũng gia tăng một cách tương ứng và là một gánh nặng không chịu nổi cho đất nước 1.4 tỷ dân. (Key facts about China’s declining population, Pew Research Global Attitudes Project).
(2) Tham nhũng
Tham nhũng xảy ra ở mọi quốc gia trên thế giới, phát xuất từ lòng tham của con người nhưng tại các nước do đảng CS cai trị, tham nhũng có tính đảng. Khi mới nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình dùng mục đích chống tham nhũng để che đậy âm mưu thanh lọc hàng ngũ, loại bỏ các thành phần chống đối, trong đó có hai đối thủ chính trị hàng đầu là ủy viên Bộ Chính Trị Bạc Hy Lai (Bo Xilai) và Ủy Viên Thường Trực Bộ Chính Trị Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang). Nếu diệt trừ được tham nhũng thì Liên Xô đã không sụp đổ.
(3) Thiếu tính chính danh lãnh đạo đất nước
Tại Trung Cộng, quyền con người không tồn tại ngay cả trong lý thuyết chứ đừng nói chi là thực tế. Mọi quyền hạn đều tập trung trong tay đảng CS nhưng không ai bầu đảng CS, không ai trao cho đảng CS quyền lãnh đạo đất nước. Trong thời kỳ mới mở cửa, người dân tập trung xây dựng cuộc sống sau khi vừa bước ra khỏi thời tem phiếu nên có khuynh hướng chấp nhận hay không quá quan tâm đến việc ai lãnh đạo mình nhưng thái độ đó thay đổi dần theo hiểu biết và đời sống.
Các cuộc biểu tình rầm rộ khắp 20 thành phố lớn tháng 11-2022 vừa qua trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, cho thấy một Thiên An Môn đã bị dập tắt bằng máu đầu tháng 6-1989, nhưng nhiều Thiên An Môn khác đang âm ỉ và sẽ bộc phát bất cứ lúc nào. Lần này Tập Cận Bình đành nhượng bộ qua việc nới lỏng các biện pháp chống Covid. Họ Tập biết nếu không nới lỏng, các thành phần chống lại ông ta trong đảng, các thành phần dân chúng, trí thức, sinh viên học sinh yêu dân chủ, kể cả các thành phần cơ hội sẽ liên minh lật đổ ông ta.
(4) Bất ổn xã hội
Theo Gini Index, tiêu chuẩn đo lường mức độ mất cân xứng trong việc phân phối lợi tức gia đình, Trung Cộng là một trong số mười phần trăm mất cân xứng nhất trên thế giới. Xã hội bưng bít, Trung Cộng không thể thích nghi với thế giới luôn đổi thay và sinh động. Các chính sách tự diễn biến đều có tính cách chiến thuật, phòng thủ, vá víu từng giai đoạn.
(5) Ô nhiễm môi trường sống
Đây là lãnh vực mà Trung Cộng giữ kỷ lục hàng đầu thế giới trong nhiều năm chưa có đối thủ tranh giành được. Điều kiện an toàn hầm mỏ, Trung Cộng cũng được vào mức tệ hại nhất thế giới. Nước, không khí, kỹ nghệ bị ô nhiễm là nguồn của các bệnh ung thư và các bệnh liên quan đến bộ phận hô hấp. Đừng nói chi hiện nay mà ngay từ năm 2005, Trung Cộng đã phải thừa nhận 70% sông, hồ bị ô nhiễm. (“70% of Rivers, Lakes Polluted in China”, Xinhua News Agency, 2005).
Các Kịch Bản Sụp Đổ Của Trung Cộng
Cho đến nay, các chính sách tự diễn biến và thỏa hiệp của giới cầm quyền Trung Cộng đang giúp kéo dài sự sống của chế độ nhưng các mâu thuẫn đối kháng mang tính bản chất bên trong Trung Cộng nhà cầm quyền CS không thể và không bao giờ giải quyết được.
Để ngăn chặn các mâu thuẫn đối kháng phát triển nhanh, về nội bộ, Trung Cộng áp dụng các kỹ thuật tuyên truyền phản nhân tính nhất để làm tê liệt mọi khả năng đối kháng của người dân. Nhưng một chế độ chà đạp lên quyền con người như thế sớm hay muộn phải đổ, chỉ chưa biết chính xác sẽ đổ cách nào và khi nào.
Trung Cộng (1) buộc sẽ giảm cường độ các xung đột và tranh chấp với các nước láng giềng để tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ như Liên Xô thời Gorbachev sau 1985 hay (2) sẽ làm ồn lên bằng cách phát động chiến tranh khu vực để có lý do duy trì quyền cai trị.
Với kỹ thuật chiến tranh hiện nay, chiến tranh khu vực Á Châu nếu diễn ra trong tương lai, sẽ tác hại nhiều lần hơn Thế Chiến Thứ Hai tại Âu Châu.
Dù sao, cả hai kịch bản trên đều là cơ hội cho các nước nhỏ láng giềng có chân trong các liên minh tin cậy để đương đầu với Trung Cộng trong thế mạnh và qua đó phục hồi các vùng đất đai đã bị Trung Cộng ăn cướp. Trường hợp của Việt Nam là giành lại Hoàng Sa và các phần của Trường Sa bị Trung Cộng chiếm.
Liên minh tin cậy, theo giáo sư Alastair Smith, một trong những học giả hàng đầu về vai trò của liên minh quân sự: “Sự hình thành liên minh cũng ngăn chặn kẻ thù, khiến chúng ít có khả năng tấn công. Sự hình thành liên minh ảnh hưởng đến hành vi của những kẻ xâm lược và mục tiêu vì nó làm thay đổi hành vi dự kiến của các bên thứ ba. Cụ thể, một liên minh làm tăng khả năng can thiệp nếu chiến tranh xảy ra”. (Alastair Smith , Extended deterrence and alliance formation, 2008).
Nhiều nhà sử học, nghiên cứu Việt Nam viện dẫn nhiều luật quốc tế, tài liệu, bằng chứng lịch sử để tranh biện với Trung Cộng, để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó không sai và cần thiết. Nhưng đừng quên lý do mạnh nhất vẫn là thế mạnh của Việt Nam trên chính trường quốc tế được thế giới dân chủ tự do tin tưởng và ủng hộ.
Hy Lạp là một bài học lịch sử
Ngày 9-10-1944 tại Moscow, Winston Churchill trao cho Stalin một mảnh giấy lộn và mảnh giấy này đã cứu Hy Lạp khỏi họa CS. Churchill cứu Hy Lạp vì ông tin vào sự hiện diện đã có của quân đội Anh trong khu vực, phe Cộng Hòa Hy Lạp sẽ thắng trong xung đột quốc – cộng tại Hy Lạp và vùng biển Địa Trung Hải, huyết mạch cần phải được bảo vệ. (Mảnh Giấy Lộn Của Churchill Và Số Phận Bảy Nước Đông Âu, Trần Trung Đạo, Facebook 29-11-2020).
Điều đó cho thấy, một khi sự sống còn của một quốc gia tương hợp với xu hướng của thời đại, quốc gia đó sẽ thoát khỏi tai họa diệt vong hay lệ thuộc.
Chiến tranh tại Ukraine hôm nay là một trường hợp nghiên cứu (case study) dành cho những ai quan tâm đến vận mệnh Việt Nam về sự tương hợp giữa quyền lợi đất nước và xu thế thời đại. Mỹ viện trợ hàng trăm tỉ dollar cho Ukraine chẳng phải vì thương xót gì số phận của 43 triệu dân Ukraine, mà chỉ vì quyền lợi của Mỹ. Thập niên 1980, Mỹ đã làm ngơ khi Saddam Hussein, khi đó là đồng minh của Mỹ, diệt chủng dân Kurds bằng hơi ngạt và theo tổng kết của nhà báo Jon Schwarz, trong 100 năm qua, Mỹ đã phản bội dân tộc Kurd 8 lần.
Cục Diện Á Châu
Cục diện Châu Á đang diễn ra có nhiều nét giống với cục diện Châu Âu trước Thế Chiến Thứ Nhất, ở đó các liên minh đang dần dần hình thành và kết hợp thành những phòng tuyến.
Bảy mươi lăm năm trước Thế Chiến Thứ Nhất, hàng chục hiệp ước đã được ký kết giữa các cường quốc Châu Âu, trong đó có những hiệp ước quan trọng như Treaty of London 1839, Anh công nhận Bỉ trung lập, Dual Alliance liên minh giữa Đức và Đế Quốc Áo-Hung, Anglo-Russian Entente liên minh giữa Nga, Anh-Pháp v.v… Do đó, Thế Chiến Thứ Nhất còn được xem như là chiến tranh giữa các liên minh.
Tình hình châu Á đang thai nghén những liên minh dựa trên cấu trúc địa lý chính trị và an ninh của mỗi quốc gia. Mỹ có liên minh với Nhật (1952, 1960), Nam Hàn (1953), Philippines (1951), Thái Lan (1951), Úc và Tân Tây Lan với ANZUS (1951). Chính sách bành trướng của Trung Cộng đang đẩy các nước trước đây đứng bên ngoài vào ảnh hưởng của phe dân chủ tự do.
Dân Chủ Là Chuyến Tàu Đưa Hoàng Sa Trở Về Với Dân Tộc Việt
Để chuẩn bị cho ngày giành lại Hoàng Sa, Việt Nam phải lớn mạnh thật nhanh, và muốn vậy, chọn lựa đầu tiên của dân tộc Việt Nam là bước ra khỏi cỗ xe cộng sản già nua lỗi thời hiện nay.
Dân chủ là bước đầu tiên phải được thực hiện. Chuyến tàu dân chủ có thể làm cho không ít người Việt cảm thấy khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu nhưng đầy triển vọng tương lai.
Dân chủ hóa Việt Nam là một cuộc cách mạng của các thành phần Việt Nam yêu nước và quan tâm đến vận nước trong tương lai để đưa dân tộc thoát ách CS.
Dân chủ hóa là một tiến trình gồm nhiều giai đoạn từ bước xây dựng cơ sở lý luận cho đến cách mạng diễn ra và sau đó. Nhưng Việt Nam, và cả Trung Cộng, có điểm khác nhau khi đem so sánh với cuộc vận động dân chủ tại các nước cựu CS. Đó là yêu tố lịch sử. Lich sử Việt Nam từ khi có đảng Cộng sản đến nay là lịch sử của những ngộ nhận và hai ngộ nhận lớn nhất là “yêu nước” và “bán nước”. Đảng CS còn tồn tại đến hôm nay cũng nhờ những ngộ nhận đó. Nhận thức đúng lịch sử, do đó, là hành trang cần thiết cho những ai muốn dấn thân trên con đường cứu nước.
Việt Nam có ba triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, tinh hoa Việt Nam có mặt trong hầu hết các lãnh vực và trên khắp thế giới nhưng chưa bao giờ tổng hợp được. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của đảng CSVN.
Một trong những điều kiện tiên quyết để một dân tộc tồn tại và phục hưng những giá trị vật chất và tinh thần đã bị cưỡng đoạt bởi một nước mạnh láng giềng là niềm tin vào sự trường tồn của lịch sử dân tộc và xây dựng nội lực chờ cơ hội quốc tế thuận tiện để giành lại chủ quyền.
Đó không phải lời an ủi suông mà là yếu tố quyết định và đã được chứng minh nhiều lần trong lịch sử Việt Nam và lịch sử nhân loại.
Nhờ nuôi dưỡng ý chí và đấu tranh cho lý tưởng phục hưng mà thế giới ngày nay có thêm những nước thịnh vượng như Ba Lan, Tiệp Khắc, Latvia, Estonia, Lithuania, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và khá nhiều quốc gia khác. Những quốc gia này thoạt nghe tưởng đã có mặt trên bản đồ thế giới từ xa xưa lắm. Không, họ chỉ chính thức hiện diện như những nước cộng hòa khi Đế quốc Nga, Đế quốc Đức và Đế quốc Ottoman tan rã sau Thế Chiến Thứ Nhất.
Một quan điểm cho rằng Trung Cộng sẽ không bao giờ đổ, do đó, Việt Nam nên tiếp tục tồn tại trong vòng ảnh hưởng của Trung Cộng. Những người đó là những Trần Duy Ái, Trần Ích Tắc phản quốc của thời đại ngày nay và sẽ bị ô danh trong lịch sử. Họ có thể sống hết đời mình trong các biệt điện cao sang và khi chết sẽ được chôn trong các nghĩa trang rộng hàng trăm mẫu. Nhưng con cháu họ sau này sẽ hổ thẹn có ông nội, ông cố vì quyền lực và miếng ăn mà làm tôi mọi cho ngoại bang. Người viết không có ý trù ẻo ai mà đó là sự thật còn sờ sờ trong lịch sử.
Nếu đồng ý Trung Cộng sẽ đổ thì việc giành lại Hoàng Sa là một triển vọng chứ không phải là ảo tưởng. Bản đồ châu Âu được vẽ đi vẽ lại nhiều lần và nhiều vùng đất đã được trở về đất mẹ nhờ công pháp quốc tế và thế mạnh của quốc gia thật sự có chủ quyền.
Trường hợp thành phố Gdańsk (Danzig theo tiếng Đức), quê hương của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, là một trong nhiều ví dụ điển hình. Gdańsk vốn là của Ba Lan trong suốt dòng lịch sử nhưng đã bị Đức chiếm nhiều lần và có lần dài hơn cả 100 năm từ 1815 cho đến hết Thế Chiến Thứ Nhất. Gdańsk lại bị sáp nhập vào Đức lần nữa trong Thế Chiến Thứ Hai. Nhưng Gdańsk cuối cùng đã trở về với đất mẹ Ba Lan và ngày nay là một trong những thành phố cảng lớn nhất của Ba Lan bên bờ biển Baltic.
Đừng Đầu Hàng Và Cũng Đừng Chờ Sung Rụng
Mọi người Việt quan tâm đến vận mệnh đất nước trong thời điểm vô cùng khó khăn này không nên gieo rắc các ý tưởng đầu hàng Trung Cộng. Nhưng cũng không nên ngồi đó để chờ Trung Cộng sụp đổ do các mâu thuẫn đối kháng bên trong hay chờ Đệ Thất Hạm Đội Mỹ đưa F35 tới “giải phóng Hoàng Sa” giùm.
Hãy làm hết sức mình dù rất nhỏ, trong giới hạn của mình dù rất hẹp và với điều kiện của mình dù rất khó khăn để đóng góp vào việc thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam. Được như thế, sớm hay muộn Hoàng Sa và Trường Sa cũng trở về cùng đất mẹ Việt Nam.
Trần Trung Đạo (17.01.2023)