Uỷ ban Nhân quyền Hạ viện Hoa Kỳ kêu gọi phóng thích ông Trần Huỳnh Duy Thức

Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos đăng hồ sơ của ông Trần Huỳnh Duy Thức trên trang web. Photo Tom Lantos Human Rights Commission.

 

Uỷ ban Nhân quyền Hạ viện Hoa Kỳ Tom Lantos vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án 16 năm tù tại Việt Nam về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

“Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, một blogger và doanh nhân, bị kết án 16 năm tù với tội danh như ‘Tuyên truyền chống chính quyền’. Việt Nam phải phóng thích ông ấy ngay lập tức và vô điều kiện”, Uỷ ban Tom Lantos đưa ra lời kêu gọi này trên Twitter.

Lời kêu gọi này xuất hiện đúng vào dịp 13 năm trước đây ông Thức bị đưa ra xét xử sơ thẩm, khi ấy chính quyền Việt Nam tuyên phạt ông 16 năm tù giam và 5 năm quản chế.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho biết ý kiến về lời kêu gọi này, nhưng chưa được phản hồi.

Tính từ khi bị bắt vào tháng 5/2009 đến nay, ông Thức đã ngồi tù gần 14 năm trong khi các bị cáo khác bị xét xử với ông trong cùng vụ án, bao gồm Lê Thăng Long, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, đều đã được trả tự do từ lâu.

Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức.

 

Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em của ông Thức, nêu nhận định với VOA về lời kêu gọi của Uỷ ban Tom Lantos:

“Gia đình bất ngờ và vui khi nhận được lời kêu gọi trả tự do cho anh Thức… Được sự quan tâm và được kêu gọi của tổ chức Tom Lantos thì gia đình rất ủng hộ và rất cảm ơn về sự quan tâm này”.

“Mong rằng sự kêu gọi này có tác động đến chính quyền Việt Nam để họ sớm trả tự do anh Thức”.

“Lời kêu gọi và ủng hộ của quốc tế có tác động ở nhiều góc độ”, ông Tân cho biết thêm.

Uỷ ban Tom Lantos đã đưa trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức vào Dự án Bảo vệ Tự do (Defending Freedoms Project – DFP), một dự án nhằm để hỗ trợ các tù nhân lương tâm trên khắp thế giới, khuyến khích các thành viên Quốc hội Mỹ vận động thay mặt cho các tù nhân lương tâm để họ được tự do, đồng thời ràng buộc trách nhiệm giải trình đối với việc đối xử bất công.

Vào tháng 5/2019, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Zoe Lofgren trong ủy ban này đã chính thức bảo trợ cho ông Trần Huỳnh Duy Thức và liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông.

Đến nay có 25 tù nhân lương tâm Việt Nam được bảo trợ bởi các dân biểu Hoa Kỳ thông qua dự án DFP và phần lớn đã được chính quyền Việt Nam phóng thích, tuy vẫn còn 6 người chưa được trả tự do bao gồm Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hóa, và hai mục sư Tin lành người dân tộc là Y Pum Bya và Y Yich.

VOA (27.01.2023)

 

 

Nhiều tổ chức kêu gọi phóng thích ông Châu Văn Khảm; dân biểu Úc vào trại thăm ông

Dân biểu Australia Đài Lê (hàng đầu, giữa, áo vàng) và các cán bộ trại giam, ảnh đăng trên Twitter ngày 16/1/2023. Photo Twitter Dai Le.

Đánh dấu 4 năm ngày ông Châu Văn Khảm bị chính quyền Việt Nam cầm tù, hàng loạt các dân biểu, nhà hoạt động và tổ chức nhân quyền quốc tế viết thư chung kêu gọi Hà Nội phóng thích ông. Ngoài ra, một dân biểu liên bang Australia đã vào trại giam thăm ông Khảm ngay trước Tết Nguyên đán.

Trong thư ngỏ gửi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 24/1, có đến 32 nhà hoạt động nhân quyền, nghị sĩ và các tổ chức phi chính phủ (NGO) trên khắp thế giới kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Châu Văn Khảm và tôn trọng các khuyến nghị của Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD).

Theo phán quyết của Nhóm Công Tác UNWGAD công bố vào ngày 7/6/2022, việc bắt giữ và giam giữ ông Châu Văn Khảm “thiếu cơ sở pháp lý và do đó là tùy tiện.” Nhóm này kết luận rằng việc giam giữ ông Khảm “là hệ quả của việc ông thực hiện ôn hòa quyền tự do lương tâm và niềm tin, tự do quan điểm và biểu đạt, cũng như quyền tham gia công việc công chúng”.

Các chuyên gia nhân quyền LHQ còn cho rằng việc giam giữ này đi ngược lại với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

“Chúng tôi cùng chung tiếng nói kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy tôn trọng các công ước quốc tế về nhân quyền bằng cách trả tự do ngay lập tức cho ông Châu Văn Khảm. Chỗ ở của ông không phải là ở tù mà phải là với gia đình tại Úc, đặc biệt trong dịp Tết này”, bức thư chung có đoạn.

Trao đổi với VOA từ Đức, ông Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, một trong số những người ký tên trong thư chung, bày tỏ kỳ vọng:

“Bản thân lời kêu gọi chung này của các tổ chức phi chính phủ thì vẫn không có tác động nhiều đến việc giam giữ ông Châu Văn Khảm tại Việt Nam, nhưng sẽ dấy lên một hồi chuông để kêu gọi chính phủ Úc, nước mà ông Châu Văn Khảm là một công dân, phải có trách nhiệm cao nhất trong việc gây áp lực đối với chính quyền Việt Nam trong việc trả tự do”.

“Đồng thời chúng tôi cũng kêu gọi chính phủ các quốc gia khác như Hoa Kỳ và các nước châu Âu nữa. Chỉ có khi có sự đồng lòng và hợp tác của chính phủ các nước thì sự trả tự do cho ông Châu Văn Khảm mới sớm đến”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ bình luận về thư chung này, nhưng chưa được phản hồi.

Ông Châu Văn Khảm, 73 tuổi, công dân Australia gốc Việt, bị chính quyền Việt Nam bắt giam ngày 13/01/2019 với cáo buộc “khủng bố nhằm chống chính quyền” và đang thụ án 12 năm tù tại trại giam Thủ Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Ông Châu Văn Khảm là đảng viên Việt Tân có trụ sở ở Hoa Kỳ, một tổ chức phi chính phủ cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam, nhưng bị Hà Nội đưa vào danh sách khủng bố.

Trong văn thư phản hồi ngày 1/3/2022 của chính quyền Việt Nam cho UNWGAD, chính quyền nói rằng “ông Văn Khảm đã bị bắt vì ông ấy đã vi phạm luật pháp của Việt Nam chứ không phải vì ‘quan điểm dân chủ’ của ông ấy”.

Trong diễn biến liên quan, một dân biểu Australia gốc Việt vừa vào trại giam thăm ông Khảm nhân chuyến công tác của bà tại Việt Nam vào ngay trước Tết Nguyên đán Qúy Mão.

Dân biểu Đài Lê viết trên Twitter hôm 16/1: “Tôi đã có dịp đến thăm tù nhân chính trị từ Australia là ông Châu Văn Khảm để bảo đảm chắc chắn cho sự an mạnh của ông ấy. Các lãnh đạo cộng đồng địa phương [tại Australia] đã đặt vấn đề với tôi về việc ông Khảm bị giam cầm”.

“Với vai trò dân biểu của mình, tôi hy vọng tôi sẽ mang lại những kết quả tích cực cho ông Khảm và gia đình ông”, nữ dân biểu đại diện cho khu vực Fowler, bang New South Wales, cho biết thêm.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nhận định về chuyến thăm ông Khảm của Dân biểu Đài Lê:

“Đây là một dấu hiệu rất tích cực. Bởi vì theo luật của Việt Nam thì thường chỉ có viên chức lãnh sự của tòa Tổng lãnh sự hoặc tòa Đại sứ Úc tại Việt Nam mới có quyền để thăm viếng ông Châu Văn Khảm, nhưng đây là một dân biểu liên bang gốc Việt tới thăm thì tôi cho rằng đây là một tín hiệu tích cực của phía chính quyền Việt Nam trước áp lực của chính phủ và quốc hội Úc. Và chúng tôi mong rằng ông Châu Văn Khảm sẽ sớm được tự do”.

Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao Australia, các dân biểu, thượng nghị sĩ Australia đã đặt vấn đề với chính quyền Việt Nam, cũng như kêu gọi trả tự do cho ông Châu Văn Khảm.

Chính quyền Việt Nam bắt giam ông Khảm vào tháng 1/2019 khi ông đang ở Việt Nam, nơi ông gặp gỡ giới xã hội dân sự địa phương. Việc bắt giữ ông diễn ra chỉ vài ngày trước khi Hội đồng Nhân quyền LHQ tổ chức cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về thành tích nhân quyền của Việt Nam.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Viễn và ông Trần Văn Quyền, hai nhà hoạt động nhân quyền khác và là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, bị bắt vì có liên hệ với ông Khảm. Cả ba ông bị kết án từ 10 đến 12 năm tù với cáo buộc “khủng bố”.

VOA (26.01.2023)

 

 

Blogger Lê Anh Hùng bị chuyển đi thi hành án ở Trại giam Ba Sao

Blogger Lê Anh Hùng, người bị kết án năm năm tù về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong phiên toà không luật sư vào cuối tháng 8 năm ngoái, đã bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam Nam Hà (hay còn gọi là trại giam Ba Sao) nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Bà Trần Thị Niêm, mẹ của ông Lê Anh Hùng, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết tin ông bị chuyển từ Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội sau cuộc thăm gặp hồi giữa tháng này.

Trong cuộc điện thoại ngày 20/1, bà nói con trai bà khoẻ mạnh cả về thể chất và tinh thần:

Lê Anh Hùng vẫn khoẻ nhưng gầy đi. Tinh thần sảng khoái và cái gì cũng biết cả. Hỏi gì cũng nhớ cả.”

Bà cho biết có mua quà trị giá khoảng một triệu đồng để gửi vào cho con trai nhưng bị trại giam từ chối. Trại giam chỉ cho phép bà gửi tiền lưu ký để con trai bà có thể mua thức ăn và đồ dùng từ canteen của trại, với giá cao hơn nhiều lần so với giá ngoài thị trường, bà nói.

Lê Anh Hùng là blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức bị đàn áp trong nhiều năm gần đây, với Chủ tịch Phạm Chí Dũng, Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ và biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn bị kết án từ 11 năm đến 15 năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”

Là tác giả của nhiều bài viết về chính trị Việt Nam, ông Lê Anh Hùng bị bắt vào đầu tháng 7 năm 2018 với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Sau hơn bốn năm bị tạm giam và buộc chữa trị trong bệnh viện tâm thần, ông bị đưa ra xét xử vào ngày 30/8/2022 trong một phiên toà không có luật sư và người thân.

Sau phiên sơ thẩm, ông Lê Anh Hùng đã kháng cáo bản án này. Tuy nhiên, gia đình ông không có thông tin gì về phiên toà phúc thẩm.

Bà Niêm cho biết trong buổi gặp vừa qua, con trai có nói với bà rằng ông sắp mãn hạn tù.

Nó (Lê Anh Hùng- PV) còn nói với tôi là ngày 05/7 con sẽ ra. Nếu được đặc xá thì con sẽ ra trước.”

Không rõ thời gian hơn ba năm bị buộc chữa trị trong bệnh viện tâm thần có được tính vào thời gian thi hành án tù hay không, và ông Lê Anh Hùng có được mãn hạn tù vào đầu tháng 7 tới đây như ông nói với mẹ mình hay không.

Luật sư Hà Huy Sơn của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết “Nếu không tạm đình chỉ điều tra, vẫn là bị can thì thời gian chữa bệnh được tính là thời gian thi hành án.”

Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Văn Miếng của Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, trong trường hợp của Lê Anh Hùng, thời gian bị buộc chữa bệnh trong bệnh viện tâm thần không được tính vào thời gian chấp hành án nhưng tòa có thể xem xét “giảm nhẹ” hoặc trại giam xét “giảm án.”

Khoản 3 Điều 49 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định: “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.” Tuy vậy, tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam trong một bài viết hồi năm ngoái cho rằng “Thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh có những quan điểm, cách hiểu khác nhau về thời gian bắt buộc chữa bệnh có được trừ vào thời gian chấp hành án” hay không.

Nhiều tổ chức quốc tế về tự do báo chí quan tâm đến trường hợp của ông Lê Anh Hùng. Ngay sau khi ông bị kết án, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ra thông cáo kêu gọi “chính quyền Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Lê Anh Hùng, đồng thời chấm dứt việc sách nhiễu các nhà báo với những cáo buộc ngụy tạo chống nhà nước.”

Khi ông bị bắt, tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo lên án việc bắt giữ ông và cho rằng chính quyền Việt Nam dùng các điều luật hà khắc để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích ôn hòa.

Ông nằm trong số 21 nhà báo đang bị giam giữ vì các hoạt động báo chí ở Việt Nam, theo báo cáo gần đây của CPJ.

RFA Blog (25.01.2023)

 

 

Nhóm chuyên gia LHQ: Việc tống giam ông Nguyễn Ngọc Ánh là ‘tùy tiện’

Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh.

Các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa đưa ra bản ý kiến cho rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giam và xét xử nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh là “tùy tiện” và đã vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền.

Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ (WGAD) đưa ra Bản Ý kiến số 43/2022 liên quan đến trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Ánh, người đang thụ án 6 năm tù và 5 năm quản chế tại Việt Nam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”.

WGAD nhận định rằng việc giam giữ ông Ánh là tùy tiện chiếu theo các tiêu chí I, II, III và V, và nêu quan ngại về các điều kiện giam giữ và các biện pháp trả thù nhằm vào ông.

“WGAD yêu cầu Chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cần thiết để khắc phục tình trạng của ông Ánh ngay lập tức và cải thiện tình hình để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, bao gồm cả những quy định được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị”, văn phòng Đông Nam Á của Cao ủy Nhân quyền LHQ viết thông báo cáo chí gửi cho VOA kèm theo bản Ý kiến hôm 21/1/2023.

Theo WGAD, biện pháp khắc phục thích hợp là trả tự do cho ông Ánh “ngay lập tức”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ bình luận về Bản Ý kiến của Nhóm Công tác LHQ, nhưng chưa được trả lời.

Trao đổi với VOA hôm 24/1 từ Bến Tre, bà Nguyễn Thị Châu, vợ của ông Nguyễn Ngọc Ánh, nói:

“Xin được cảm ơn những người làm việc ở LHQ và những anh chị em ở hải ngoại luôn đồng hành cùng lên tiếng bảo vệ cho chồng tôi”.

“Tôi cũng đồng ý với mọi người rằng chồng tôi hoàn toàn vô tội; yêu cầu Việt Nam phải phóng thích chồng tôi vô điều kiện vì chồng tôi chỉ lên tiếng bảo vệ môi trường và bảo vệ cho đất nước Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn, chứ chồng tôi không làm gì sai để phải nhận bản án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế”.

Nhóm Công tác LHQ ra Bản Ý kiến về trường hợp ông Nguyễn Ngọc Ánh bị chính quyền Việt Nam giam cầm 6 năm tù, 5 năm quản chế.

WGAD lưu ý rằng trường hợp ông Ánh là một trong số các trường hợp được đưa ra trước Nhóm công tác trong những năm gần đây liên quan đến việc “tước đoạt quyền tự do của con người một cách tùy tiện, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam”.

Nhóm Công tác lo ngại rằng mô hình này cho thấy một vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện ở Việt Nam, mà nếu cứ tiếp tục, “có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng” luật pháp quốc tế.

Bản Ý kiến dài 17 trang ở đoạn 92 viết: “Nhóm Công tác cho rằng các cáo buộc và kết án theo Điều 117 Bộ luật Hình sự đối với việc thực hiện các quyền một cách ôn hòa là không phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Nhân quyền LHQ”.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, 43 tuổi, là một kỹ sư, đồng thời là một blogger và nhà bảo vệ nhân quyền, bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào tháng 9/2018. Ông lên tiếng về các vấn đề môi trường khác nhau vì có ảnh hưởng đến cộng đồng và người dân Việt Nam.

Sau thảm họa Formosa năm 2016, ông trở nên tích cực hơn, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa và đăng trên các nền tảng truyền thông xã hội về các vấn đề thời sự liên quan đến thảm họa môi trường, chính trị và vi phạm nhân quyền ảnh hưởng đến người dân Việt Nam, nhóm Công tác LHQ cho biết.

Tính đến ngày 21/1, các chuyên gia nhân quyền LHQ vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính phủ Việt Nam về Bản Ý kiến này, sau 60 ngày phát hành. Bản Ý kiến được gửi đi hôm 10/11/2022.

Trước đó, trong một văn thư vào ngày 5/4/2022, chính quyền Việt Nam phản hồi các chuyên gia nhân quyền LHQ, nói rằng ông Ánh bị bắt vì “vi phạm pháp luật Việt Nam và dựa trên cơ sở các chứng cứ được thu thập và cung cấp bởi cơ quan có thẩm quyền – chứ không phải vì thực hiện các quyền cơ bản”, bản Ý kiến dẫn văn thư của chính phủ Việt Nam cho biết.

Phía Việt Nam còn cho rằng các cơ quan có thẩm quyền của nước này đã “tiến hành thực hiện đầy đủ” các thủ tục tố tụng có liên quan, “tuân thủ đầy đủ” các quy định pháp luật của Việt Nam và các công ước quốc tế về quyền con người có liên quan.

VOA (24.01.2023)

 

 

 

Các tổ chức quốc tế kêu gọi G7 áp lực Việt Nam trả tự do cho luật sư Đặng Đình Bách

Luật sư Đặng Đình Bách Ảnh gia đình cung cấp

Một nhóm gồm nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế về môi trường thúc giục Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp hóa (G7) ủng hộ lời kêu gọi trả tự do cho ông Đặng Đình Bách vì “sẽ không thể thực hiện thành công quá trình chuyển đổi (năng lượng sạch-PV) trong khi các nhà lãnh đạo môi trường và khí hậu như ông Bách đang ở trong tù.”

Sở dĩ có lời kêu gọi này do Chính phủ Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái đồng ý nhận gói ngân sách 15,5 tỷ USD từ G7 để cắt giảm điện than và chuyển dần sang năng lượng sạch.

Tuyên bố chung của các tổ chức đưa ra hôm 24/1/2023, đúng một năm ngày ông Bách bị kết án năm năm tù với tội danh “trốn thuế” vì các hoạt động nhằm cổ suý bảo vệ môi trường, giảm nhiệt điện than.

Các tổ chức này, trong đó có Global Witness (Nhân chứng Toàn cầu), Friends of the Earth US (Bạn hữu của trái đất ở Mỹ), Earthrights International (Quyền trái đất Quốc tế), International Land Coalition (Liên minh Đất đai Quốc tế), Grassroots Foundation (Quỹ cấp cơ sở), và International Rivers (Sông Quốc tế),… ra mắt trang web standwithbach.org và chiến dịch truyền thông xã hội với hashtag #StandwithBach kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông.

Ông Đặng Đình Bách, 44 tuổi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) bị buộc nộp phạt gần 1,4 tỷ đồng liên quan đến các khoản tài trợ quốc tế cho các dự án của trung tâm.

Thông cáo báo chí nói luật sư môi trường Đặng Đình Bách là một trong số nhiều người bị Chính phủ Việt Nam bịt miệng vì các hoạt động cổ suý việc loại bỏ nhiệt điện than và bảo vệ cộng đồng khỏi các mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.

HRW nói Việt Nam nên sửa sai, trả tự do cho ông Bách

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho rằng Chính phủ Việt Nam không hiểu rằng sự tham gia của các nhóm xã hội dân sự, như các tổ chức phi chính phủ về môi trường, là rất quan trọng để thay đổi tư duy của người dân trong việc chấp nhận những cải cách cần thiết nhằm giải quyết biến đổi khí hậu.

Trong tin nhắn gửi tới Đài Á Châu Tự Do (RFA), ông nói các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay bị mắc kẹt trong một kiểu chủ nghĩa Stalin của quá khứ, nơi họ nghĩ rằng các mệnh lệnh từ trên xuống từ Hà Nội là đủ để giải quyết mọi thách thức.

Đặng Đình Bách và các đồng nghiệp của ông đã cố vấn và giúp chính phủ tạo ra một quá trình chuyển đổi công bằng, nhưng những nỗ lực thiện chí của họ đã bị phản bội bởi những nhà lãnh đạo hoang tưởng và toàn trị, những người nhìn thấy kẻ thù ở khắp mọi nơi.

Hà Nội nên nhận ra rằng họ đã phạm một sai lầm cơ bản, và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Đặng Đình Bạch và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự môi trường khác.

Các nhà tài trợ quốc tế, bao gồm cả các chính phủ và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, cần tăng gấp đôi nỗ lực để gây áp lực công khai và riêng tư để Việt Nam chấm dứt những án tù bất công này,” ông Phil Robertson nói.

“Tết Nguyên Đán này, tôi muốn chồng tôi trở về nhà”

Bà Trần Phương Thảo, vợ của ông Bách có bài đăng trên fairplanet.org (tổ chức truyền thông độc lập có trụ sở tại Đức) hôm 22/1 với tiêu đề “Tết Nguyên Đán này, tôi muốn chồng tôi trở về nhà.”

Bà Thảo bày tỏ hy vọng trong những ngày lễ thiêng liêng của dân tộc, “chính phủ sẽ thể hiện lòng trắc ẩn đối với gia đình chúng tôi và ghi nhận cam kết của Bách đối với đất nước của anh ấy và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Hy vọng của tôi là cùng nhau chúng ta có thể mang lại may mắn trong năm mới này, để tất cả người dân Việt Nam có thể có những năm tốt đẹp hơn sắp tới.”

Hôm 23/1, nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do bà cho biết chồng mình đang bị giam ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) trong tình trạng giám sát chặt chẽ.

Bà kể về cuộc gặp lần gần đây nhất, hai vợ chồng chỉ được thăm hỏi sức khoẻ và trao đổi chuyện gia đình.

“Lần gặp cuối cùng với anh Bách là vào ngày 15/1, bị giám sát chặt chẽ. Thậm chí có hai người (của trại giam- PV) ngồi ghi chép các nội dung tôi và anh Bách trao đổi với nhau.

Tôi có hỏi anh ở với mấy người, người ở cùng có hoà thuận với anh không thì ngay lập tức người giám sát chặn tôi lại, nói là không được hỏi những gì liên quan đến trong đó.”

Ngoài việc bị buộc thi hành án tù năm năm, ông Đặng Đình Bách còn bị buộc nộp phạt số tiền 1,4 tỷ mà toà án cho rằng ông đã trốn thuế. Tuy nhiên, bà Thảo cho biết ông Bách vẫn kêu oan và gia đình không có ý định nộp số tiền này. 

Cục thi hành án hình sự đe doạ sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu số tiền này, bà Thảo chia sẻ.

“Không thể chuyển đổi sang năng lượng sạch nếu thiếu những người như ông Bách”

Cố vấn Cấp cao của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế Maureen Harris nói trong thông cáo: “Ông Bách là một trong số những nhà lãnh đạo môi trường bị buộc tội trốn thuế, một tội danh đang ngày càng được sử dụng nhiều để bịt miệng xã hội dân sự ở Việt Nam.”

Trong hai năm vừa qua, có bốn nhà hoạt động xã hội dân sự có đăng ký hợp pháp với chính quyền bị kết án về tội danh này. Ba người còn lại là bà Nguỵ Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương.

Việt Nam phải chấm dứt việc gia tăng hình sự hoá các hoạt động của các nhà hoạt động môi trường, thông cáo nhấn mạnh.

“Thật sốc khi những người bảo vệ môi trường ở Việt Nam đang bị bỏ tù vì việc làm nhằm bảo vệ người dân Việt Nam bình thường khỏi những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu hoặc để bảo đảm Việt Nam tiến nhanh tới quá trình chuyển đổi năng lượng sạch,” người phụ trách Chiến lược Chiến dịch Bảo vệ Đất đai & Môi trường của tổ chức Global Witness Shruti Suresh phát biểu.

Các quốc gia G7 hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo cần phải gây sức ép buộc Hà Nội bảo đảm rằng xã hội dân sự và những người bảo vệ môi trường ở Việt Nam có thể tham gia một cách có ý nghĩa vào quá trình này và không bị trừng phạt vì các hoạt động môi trường của mình, bà Shruti Suresh nói trong thông cáo.

Trên trang web StandwithBach.org, các tổ chức này đặt câu hỏi: “Các giải pháp biến đổi khí hậu đòi hỏi các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự phải hợp tác với nhau. Vậy tại sao Việt Nam lại cầm tù các chuyên gia hàng đầu như luật sư môi trường Đặng Đình Bách trong khi nhận 15 tỷ đô la Mỹ cho việc chuyển đổi sang năng lượng sạch?”  

“Việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch sẽ không thành công nếu những người bảo vệ môi trường như ông Bách không được đóng vai trò quan trọng,” các tổ chức chia sẻ thông điệp.

Các tổ chức kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Bách và thúc giục Hà Nội phản hồi về những lo ngại của cộng đồng quốc tế và các cơ chế đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp quốc về tình trạng của ông cũng như tính hợp pháp của việc bắt giữ ông.

Họ cũng nhắc lại việc Các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc quan ngại về luật thuế mơ hồ của Việt Nam được sử dụng để bỏ tù lãnh đạo xã hội dân sự và những yêu cầu nặng nề một cách vô lý đối với việc báo cáo, đăng ký tài trợ và dự án của các tổ chức xã hội dân sự.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển và nền kinh tế hướng xuất khẩu phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch.

Tính đến cuối năm 2021, công suất lắp đặt của nhiệt điện than đạt khoảng 24,7 GW, chiếm 32% tổng công suất nguồn điện của hệ thống. Sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tới 46% tổng lượng điện sản xuất của hệ thống điện trong năm này.

Vào tháng 12 năm ngoái, nhóm G-7 đồng ý hỗ trợ Việt Nam số tiền 15,5 tỷ đô la Mỹ để giúp quốc gia này cắt giảm nguồn sử dụng than đá. Vương quốc Anh, EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch, đã thống nhất một chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng với Việt Nam (gọi tắt là JETP), với mục tiêu giúp Hà Nội thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

RFA (24.01.2023)

 

 

 

Các tổ chức phi chính phủ quốc tế kêu gọi trả tự do cho ông Đặng Đình Bách

Luật sư Đặng Đình Bách là một trong số nhiều người bị chính phủ Việt Nam bịt miệng sau những nỗ lực loại bỏ than đá và bảo vệ người dân trước các mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.

Các tổ chức phi chính phủ quốc tế đang tập hợp ủng hộ luật sư môi trường nổi tiếng Đặng Đình Bách nhân dịp kỷ niệm một năm ngày ông Bách bị kết án 5 năm tù tại Việt Nam với việc ra mắt trang web standwithbach.org và chiến dịch truyền thông xã hội #StandwithBach kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông.

Nhiều tổ chức xã hội dân sự như Global Witness, Friends of the Earth US, Earthrights International, International Land Coalition, Grassroots Foundation và International Rivers đang hỗ trợ chiến dịch và kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Bách. Những nhóm cũng đang yêu cầu các quốc gia G7 hiện đang tài trợ hàng tỷ đô la cho quá trình chuyển đổi năng lượng chính đáng của Việt Nam ủng hộ lời kêu gọi này vì sẽ không thể thực hiện thành công quá trình chuyển đổi trong khi những lãnh đạo môi trường và khí hậu như ông Bách bị giam trong tù.

Maureen Harris, Cố vấn Cấp cao của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế cho biết: “ÔNg Bách là một trong số những nhà hoạt động môi trường bị buộc tội trốn thuế, một tội  đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn để bịt miệng xã hội dân sự ở Việt Nam. Việc tội phạm hóa ngày càng tăng đối với các nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam phải chấm dứt.”

Ông Bách đã bị bỏ tù vì tội “trốn thuế” sau khi dẫn dắt một chiến dịch giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào than đá. Là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Luật và Chính sách về Phát triển Bền vững, ông Bách đã cống hiến cả cuộc đời để bảo vệ cộng đồng khỏi ô nhiễm độc hại, loại bỏ rác thải nhựa và hỗ trợ chính phủ chuyển đổi sang năng lượng sạch. Ông Bách đã tuyệt thực nhiều lần để phản đối bản án của mình và việc Việt Nam sử dụng luật thuế mơ hồ để bịt miệng các nhà hoạt động môi trường và khí hậu.

“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng anh Bách sẽ bị bỏ tù vì những việc ông ấy đã làm để giúp đỡ mọi người,” vợ anh, chị Thảo, cho biết trong video được phát hành trong chiến dịch #StandwithBach. “Ưu tiên hàng đầu của anh luôn là sức khỏe và hạnh phúc của người dân Việt Nam.” Cô ấy cũng vừa viết bài này: Tết này, tôi muốn chồng tôi về nhà.

Ông Bách đã không được xét xử công bằng. Cho đến bảy tháng sau khi bị bắt ông Bách mới được gặp luật sư và bản án của ông nặng  hơn nhiều so với những người bị buộc tội trốn thuế thông thường. Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho rằng việc truy tố ông Bách là có động cơ chính trị.

Ông Bách là một trong số những nhà hoạt động môi trường bị tù ở Việt Nam kể từ tháng 6 năm 2021 với tội danh trốn thuế. Bà Ngụy Thị Khanh, chuyên gia khí hậu nổi tiếng quốc tế và từng đoạt Giải thưởng Môi trường Goldman, đã bị giam giữ gần hai năm. Bà Khanh đã làm việc với chính quyền các tỉnh để giảm kế hoạch mở rộng điện than của chính phủ, nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa khí thải từ nhà máy than và việc Hà Nội có bầu không khí ô nhiễm tệ nhất trên thế giới, đồng thời tiến hành nghiên cứu và chính sách để chứng minh hiệu quả chi phí của giải pháp năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

Tất cả những điều để lót đường cho cam kết của Việt Nam về mức không phát thải ròng vào năm 2050 và sau đó là Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ đô la được công bố gần đây giữa các quốc gia G7 và Việt Nam. Một chủ trương đầy tham vọng như vậy không thể thực hiện thành công khi những người như bà Khanh, ông Bách và những người khác không thể tham gia vào quá trình thực hiện.

“Thật sốc khi những người bảo vệ môi trường ở Việt Nam đang bị bỏ tù vì bảo vệ người dân Việt Nam bình thường khỏi những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu hoặc để đảm bảo Việt Nam nhanh chóng hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng sạch với giá cả phải chăng,” Shruti Suresh, thuộc bộ phận Chiến lược Chiến dịch Bảo vệ Đất đai & Môi trường  của Global Witness. “Các quốc gia G7 hỗ trợ JET-P của Việt Nam phải đảm bảo rằng xã hội dân sự và những nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam có thể tham gia một cách có ý nghĩa vào quá trình này và không bị trừng phạt vì tham gia vào đó.”

Các nhà hoạt động xã hội dân sự báo cáo rằng luật thuế của Việt Nam không rõ ràng và bất công cũng như chính quyền đang sử dụng các kẽ hở để bóp nghẹt tiếng nói của xã hội dân sự. Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc quan ngại về việc luật thuế mơ hồ của Việt Nam được sử dụng để bắt giam những nhà hoạt động xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ phải chịu “những yêu cầu vô lý đối với việc báo cáo, đăng ký tài trợ và dự án của họ.”

Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam sửa đổi các điều khoản thuế mơ hồ vì chúng có tác động đáng sợ đến xã hội dân sự và khả năng hoạt động của các hiệp hội phi chính phủ trong nước.

 

___________

Nguồn: International NGOs Call for Release of Prominent Environmental Defender in Vietnam One Year After 5-Year Prison Sentence – https://www.globalwitness.org/en/press-releases/international-ngos-call-release-prominent-environmental-defender-vietnam-one-year-after-5-year-prison-sentence/

 VNTB (25.01.2023)

 

 

 

Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những người hoạt động môi trường

Các tổ chức nhân quyền quốc tế, gồm cả Liên Hiệp Quốc, thúc giục Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.

Một liên minh gồm nhiều tổ chức xã hội dân sự bảo vệ nhân quyền quốc tế thành lập một trang mạng standwithbach.org có tên là “Stand with Bach” (Đứng Chung với Bách) kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Đặng Đình Bách hiện đang bị bỏ tù vì hoạt động bảo vệ môi trường.

Ông Đặng Đình Bách trong phiên tòa ở Hà Nội ngày 11 Tháng Tám, 2022. (Hình: VOV)

“Ông Bách là một trong những nhân vật hàng đầu bảo vệ môi trường nhưng lại bị bỏ tù khi bị vu cho tội trốn thuế. Tội danh này ngày càng được sử dụng nhiều hơn nhằm bịt miệng xã hội dân sự tại Việt Nam. Việc hình sự hóa mỗi ngày một nhiều hơn tại Việt Nam đối với các người hàng đầu bảo vệ môi trường cần phải chấm dứt,” bà Maureen Harris, cố vấn cấp cao của tổ chức International Rivers, phát biểu.

Lời kêu gọi phổ biến trên trang mạng standwithbach.org được đưa ra nhân dịp đánh dấu một năm kể từ khi ông Bách, một luật gia về các vấn đề môi trường, bị kết án năm năm tù. Mọi người biết rằng cáo buộc “trốn thuế” dùng để áp đặt bản án năm năm tù đối với ông Đặng Đình Bách chỉ là cái bình phong nhằm bịt miệng những ai và tổ chức dân sự không nằm trong hệ thống tay chân mà nhà cầm quyền sai khiến.

Các tổ chức quốc tế cùng đứng trên trang mạng standwithbach.org gồm có Global Witness (Nhân Chứng Toàn Cầu), Friends of the Earth US (Bạn Hữu của Trái Đất ở Mỹ), Earthrights International (Quyền Trái Đất Quốc Tế), International Land Coalition (Liên Minh Đất Đai Quốc Tế), Grassroots Foundation (Quỹ Cấp Cơ Sở), và International Rivers (Sông Quốc Tế).

Ông Đặng Đình Bách là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Pháp Luật và Chính Sách Phát Triển Bền Vững (LPSD). Hợp tác với ông còn có nhà báo Mai Phan Lợi và ông Bạch Hùng Dương. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24 Tháng Giêng, 2022, ông Đặng Đình Bách bị kết án năm năm tù, ông Mai Phan Lợi bị án bốn năm tù, ông Bạch Hùng Dương bị án ba năm rưỡi tù.

Tại phiên tòa phúc thẩm mấy tháng sau đó, hai ông Lợi và Dương được giảm án mỗi người ba tháng, trong khi ông Bách cương quyết không nhận tội nên vẫn bị y án khi bị cho rằng “trốn thuế” tới 1.3 tỷ đồng ($55,400).

Theo các tổ chức quốc trế nói trên, hoạt động của ông Đặng Đình Bách cổ võ Việt Nam giảm dần sự lệ thuộc vào nhiệt điện than, một trong những nguyên nhân kích thích trái đất nóng lên nhanh hơn.

Trung tâm LPSD hoạt động bảo vệ cộng đồng trước những chất thải độc hại, cổ võ từ bỏ dần chất thải plastic, đồng thời hậu thuẫn cho nhà nước chuyển đổi từ nhiệt điện than sang các loại năng lượng tái tạo.

“Tôi không thể nào ngờ dược rằng chồng tôi lại bị bỏ tù cho những việc ông ấy làm là giúp đỡ mọi người,” trang mạng standwithbach.org dẫn lời bà Trần Phương Thảo, vợ ông Bách. “Ưu tiên hàng đầu của chồng tôi là sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.”

Gần đây bà cũng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do để ông Bách về ăn Tết với gia đình.

Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (Green ID), bị vu cho tội “trốn thuế.” (Hình: Jenny Vaughan/AFP/Getty Images)

 

Theo tổ chức nói trên, ông Bách cũng như các người bạn cùng bị bắt đã không được xử án công bằng. Ngay như các chuyên viên Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng việc kết tội ông Bách là do các toan tính chính trị của chế độ.

Khi bỏ tù ông Bách, một người hoạt động bảo vệ môi trường khác là bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (Green ID), cũng đã bị áp đặt tội danh “trốn thuế.”

Tháng Mười, 2022, ông António Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã đến thăm Việt Nam. Ông đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các người hoạt động môi trường cũng như những người vận động nhân quyền, tự do thông tin nhưng không hề thấy tác dụng.

Người Việt (24.01.2023)