„Bạn thấy lòng yêu nước là chính nghĩa, văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Thình lình, bạn thấy mình thật vinh dự trở thành chiến sĩ trên mặt trận ấy, cùng nhau phỉ nhổ vào một người trẻ giống như bạn. Không sinh ra trong chiến tranh. Không hiểu ai đã đau khổ vì nó. Nhưng rất nhiệt tình căm thù một người mình chưa quen.“

 

Khải Đơn

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Hanni Phạm của nhóm NewJeans tham dự Lễ trao giải The Fact Music Awards 2022 vào ngày 08 tháng 10 năm 2022 tại Seoul, Hàn Quốc

 

Tôi đã tìm ra Hanni từ Fanpage K Flower và nhiều trang khác có khán giả thuộc nhóm tuổi trẻ hơn tôi rất nhiều. Nhóm tuổi ấy không sinh ra trong chiến tranh, không nếm mùi khốn khó của cuộc chiến ấy. Ký ức của họ là sự tưởng tượng.

 

Vài phút sau khi tìm ra bài của K Flower, một bài viết tóm gọn hơn cùng nội dung có chủ đề “Thần tượng thì có nhiều nhưng tổ quốc thì chỉ có một” được đăng đồng loạt trên hàng chục fanpage khác.

Mỗi trang như vậy có khoảng từ 300-500 ngàn người theo dõi. Nhờ vài chục seeding (nội dung comment gợi ý để đẩy đối thoại từ bài viết đi xa hơn), sau nửa ngày, Hanni đã bị bóc phốt là “có gia đình theo chế độ VNCH, hay nôm na là 3/// (ba que)”.

 

Chào mừng bạn đến với mô hình nung nấu thù hận và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. 

Những chủ của fanpage này thường là vài công ty truyền thông. Họ có một số người sản xuất bài. Khi cần tấn công một ai đó, họ chỉ cần viết một phiên bản, đổi vài tít tựa, đăng đồng loạt vào “giờ vàng” ở các fanpage ăn khách mà họ đã nuôi dưỡng từ vài năm trước. Nội dung bài viết chỉ chừng 3-4 luận điểm lặp đi lặp lại, chỉ cần sửa một số dòng khiêu khích cảm xúc căm giận và khinh bỉ của công chúng đọc.

Hãy mở K Flower ra xem, fanpage đó hàng ngày thu thập thêm người hâm mộ bằng cách đăng lại hình ảnh xinh đẹp và dễ thương của các ngôi sao Hàn. Hãy mở page “Trong căn phòng có 100 idols…” mà xem, vài ngày trước họ đang bàn bạc về quần áo của một nghệ sĩ khác.

Nhưng khi cần chăm bón cho thù hận, tất cả họ sẽ vào cuộc. Cùng một lúc.

 

Và khi hàng chục fanpage cùng nói một lúc, bạn có đủ dũng khí để cảm thấy khác đi về một chủ đề như vậy không? Bạn có nghi ngờ chính mình khi hàng chục ngàn anti-fan bắt đầu phỉ nhổ và lôi tên họ hàng, cha mẹ, ông bà của của cô gái trẻ đó lên để chứng minh là cô “đã từng tiếp xúc với cờ VNCH”? Vậy là bạn đã được “lùa gà” thành công.

NGUỒN HÌNH ẢNH,TIFOSI Chụp lại hình ảnh, Nhiều trang fanpage tích cực lan truyền thông tin Hanni có gia đình mang tư tưởng VNCH dù cô quốc tịch Úc

 

Bạn thấy lòng yêu nước là chính nghĩa, văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Thình lình, bạn thấy mình thật vinh dự trở thành chiến sĩ trên mặt trận ấy, cùng nhau phỉ nhổ vào một người trẻ giống như bạn. Không sinh ra trong chiến tranh. Không hiểu ai đã đau khổ vì nó. Nhưng rất nhiệt tình căm thù một người mình chưa quen.

 

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan này không có chân dung thật, chúng là hạt giống nhân tạo của một nhóm người đang sở hữu công chúng truyền thông. Sự căm ghét đó được tạo dựng trên sân khấu của mạng xã hội, nơi đám đông người trẻ vẫn đang học về lịch sử thật mơ hồ, mò mẫm trong cách kể chuyện về chiến tranh.

 

Hay đúng hơn, họ không biết đến sự tồn tại của cuộc chiến đó, ngoài trang vở lịch sử tuyên truyền. Hay đúng hơn, họ chỉ mới biết căm ghét Hanni ngày hôm qua, nhờ vài tay viết social đi google và tổng hợp thông tin về ông bà cha mẹ của cô bé. 

 

Công chúng đó không cố ý căm thù Hanni, họ được dạy để làm điều đó, nhờ các fanpage như vậy.

 

Lịch sử tuyên truyền trong chương trình phổ thông và tuyên truyền trên báo chí chính là đống củi cần thiết, để những fanpage như trên, khi cần châm lửa thù hận, đã có đủ tất cả chất liệu chúng cần. Sự cực đoan sinh ra từ góc nhìn hạn hẹp và ích kỷ của câu chuyện tuyên truyền. Trong góc nhìn đó, ta thắng – địch thua, ta chĩa súng bắn chết 10 tên địch. 

 

Không ai có gương mặt con người, không có câu chuyện của những người bình thường dưới bánh xe lịch sử. Đi xa thêm 40-50 năm, kiểu kể chuyện lịch sử tối giản này dễ khiến người đọc chọn phe, bởi chọn làm chính nghĩa thì dễ hơn là thấu hiểu con người, chọn làm bên thắng cuộc giẫm đạp sự khác biệt thì dễ hơn hiểu vì sao người Việt phải lênh đênh đến Úc lưu vong, chọn làm kẻ giương lá cờ sát phạt trên mạng thì vui hơn là nghe một bạn trẻ cùng tuổi hát gì trong tác phẩm của cô. Chọn thù ghét dễ hơn chọn cố gắng hiểu thế giới của cái giếng mình trú ẩn bên dưới.

 

Tôi gọi đó là yêu nước bằng máu của người khác. Đó là ảo tưởng về tình yêu tổ quốc của một cộng đồng được xây dựng bằng cách cùng nhau thù ghét một đối tượng yếu thế không thể đáp trả họ, không thể nói lại, cũng không được phép phân bua.

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH Chụp lại hình ảnh, Nhiều người bắt đầu lên án Hanni là người gốc Việt nhưng “chưa từng nói điều gì tích cực về Việt Nam” để quy chụp cô

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan mang áo ‘tình yêu tổ quốc’

Đây gọi là chủ nghĩa dân tộc cực đoan mặc áo tình yêu tổ quốc, được xây dựng trên nền tảng của sự chớp nhoáng kịch tính của thuật toán các mạng xã hội, cộng với sự thiếu hiểu biết về cuộc chiến lịch sử mà mỗi gia đình Việt Nam đã trải qua bằng những nỗi đau khác nhau.

Tôi nhấn mạnh về nỗi đau khác nhau, bởi vì rất nhiều những người viết lớn tuổi đã dùng lý luận “gia đình tôi ba mẹ từng chiến đấu ở Trường Sơn” và lấy nỗi đau đó làm cái cớ hợp lý để bôi trét và phỉ nhổ một cô gái sinh ra ở Úc, cách Việt Nam gần 7 giờ bay, sinh ra dưới một bầu trời khác, rất lâu sau khi cuộc chiến kết thúc. Sự thù ghét đó có lý do thật hợp lý, vì gia đình tôi đau đớn trong chiến tranh, nên tôi sẽ làm cô dơ bẩn hèn hạ để vui lòng.

 

Tôi không rõ ba mẹ của tác giả bài viết trên có vui lòng không khi biết ông đang lớn tiếng bắt nạt một đứa bé ở trên mạng. Nhưng nhiều người đọc khác, cũng có cha mẹ từng chiến đấu ở Campuchia, ở Quảng Trị, ở Tây Ninh… bỗng nhiên cảm thấy có lý và đồng cảm để cùng ghét một nhân vật không liên quan đến cuộc đời họ.

 

Còn với nhóm người trẻ hơn, không có cha mẹ nào trong cuộc chiến, sự thù ghét của họ đến từ những cụm từ “tổ quốc”, “xuyên tạc lịch sử”, “hành động xâm lược”, “thảm sát của lính Úc”, “lừa dối người hâm mộ”. Những từ khóa cổ vũ hừng hực mỗi đứa trẻ đều học trong trường từ 6 tuổi đến 18 tuổi có tác dụng như những cụm từ khơi gợi cảm giác khiến họ thuộc về một đất nước, một khối, một nhóm người, khiến họ có danh tính và sự tồn tại. Khiến họ cảm thấy được mạnh mẽ. Tifosi biết điều đó. Và cái fanpage đó dùng chính các từ khóa đó để nhóm lên ngọn lửa thù địch.

 

Những fanpage như K Flowers ngày thường này chỉ tập trung đăng tải nhiều hình ảnh về vẻ đẹp của thần tượng Hàn Quốc, sự thành công của các ngôi sao, tình yêu, trang phục, cách diễn, chuyện hậu trường… của những cậu trai Hàn Quốc đẹp trai. Nội dung mỗi post chỉ từ vài chục chữ đến 150 chữ.

 

Trong vụ Hanni, những fanpage này bỏ công viết bài dài hơn 1000 chữ, đi thu thập hết ông bà, cha mẹ, họ hàng, tuổi thơ… của cô bé để tấn công. Họ thật bỏ công để xây dựng nền móng cho lòng thù địch nhắm vào cá nhân cô gái, và nhắm vào cộng đồng người Việt ở Úc mà có lẽ rất nhiều admin trong số các fanpage đó chưa bao giờ đặt chân đến quốc gia này.

NGUỒN HÌNH ẢNH,UGC Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh của Hanni bị gạch chéo cùng với cờ vàng được dùng để tuyên truyền cho công cuộc tẩy chay

 

Nhà văn Nguyen Thanh Viet viết trong tác phẩm “Nothing Ever Dies, “Mỗi cuộc chiến tranh đều diễn ra hai lần, lần đầu trên chiến trường, lần thứ hai trong ký ức”.

 

Khi Hanni bị tố trên cộng đồng người hâm mộ nhạc Hàn tại Việt Nam, cô trở thành vật tế thần trong cuộc chiến thứ hai của ký ức, nơi mặt trận vẫn chưa rõ màu gì. Cả phe hải ngoại lẫn phe ở Việt Nam đều đang dùng YouTube và Facebook làm chiến trường, lôi kéo con trẻ vào cuộc thù địch của họ.

 

Những người trẻ sống ở Việt Nam có rất nhiều tuyên truyền về chiến tranh nhưng có rất ít ký ức về sự đau thương đó. Sự đau thương mà họ biết là những bài giảng học thuộc lòng trong sách lịch sử, những bài viết lên đồng kể chuyện chi tiết cách giết chết quân thù ra sao trên truyền hình, báo chí mỗi khi ngày kỷ niệm đến. Sự đau thương mà họ biết không đến từ thịt da và mất mát của những con người thật.

 

Thật vậy, sự cuồng nhiệt tấn công một người trẻ cùng tuổi được tạo sinh từ cảm giác thù ghét trọn vẹn của những đứa trẻ mang ký ức bơm thổi từ bàn tay chạy chiến dịch mạng xã hội của những công ty truyền thông sau những Fanpage đó.

 

Mỗi năm đến ngày 30/4, tôi sẽ được nghe những người lớn tuổi viết về nỗ lực hòa giải, hoặc kêu gọi hãy về bên nhau. Ai về bên ai? Hòa giải giữa ai với ai? Với một bác bộ đội Xã hội Chủ Nghĩa thì sự hòa giải là giữa bác và một người lính Việt Nam Cộng Hòa từ thuở hai bên chĩa súng vào nhau ở hai chiến tuyến. Với một ông tướng Việt Nam Cộng Hòa thì sự hòa giải có lẽ là với một ông tướng khác ở miền Bắc trên chiến trận mà họ cùng mất đi bao đồng đội.

 

Với những bà mẹ mất con trên chiến trường miền Bắc? – Họ sẽ hòa giải với ai? Với những gia đình thuyền nhân bị chết người thân trên biển? – Ai hòa giải cái gì, khi họ chứng kiến người thân bị cướp biển cưỡng hiếp? Với những người Mỹ – họ đang bận làm phim với những hình ảnh người Việt chạy loăng quăng ở hậu cảnh, nói những câu tiếng Việt vô nghĩa, làm nền cho chủ nghĩa anh hùng đam mê chiến tranh của họ.

 

Còn bạn, trẻ măng và không nhuốm máu, hãy đặt câu hỏi về hòa giải cho chính mình.

 

Bạn sẽ hòa giải với ai? Bạn sẽ thù ghét ai? Câu trả lời thuộc về bạn, nhưng đừng làm cừu ngồi trên mạng ăn cỏ của truyền thông thù địch. Đừng dùng máu của thế hệ trước bôi lên mặt nhau và tưởng thế là anh hùng. Bởi cừu thì không làm anh hùng được.

 

Khải Đơn, (BBC, 09.02.2023)

 

 

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, người thuộc thế hệ sinh ra nhiều năm sau khi Cuộc chiến VN kết thúc chính thức năm 1975.