Thành viên phong trào Chấn hưng Nước Việt Nguyễn Văn Điển ra tù trước hạn sáu tháng
Ông Nguyễn Văn Điển trước phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 1/2018 Chụp màn hình ANTV
Ông Nguyễn Văn Điển (hay còn được gọi là Điển Ái Quốc) trở về nhà ở Yên Bái hôm 22/2 trước thời hạn sáu tháng và tiếp tục bị thi hành án phạt quản chế bốn năm.
Ông Điển bị bắt cùng với ông Vũ Quang Thuận (Võ Phù Đổng) vào đầu tháng 3 năm 2017 và sau đó là sinh viên Trần Hoàng Phúc trong cùng phong trào Chấn hưng Nước Việt.
Tòa án nhân dân Hà Nội cuối tháng 1/2018 kết án ông Điển sáu năm sáu tháng tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật hình sự 1999.
Trong cuộc nói chuyện với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 28/2, ông chia sẻ về thời gian thi hành án gần sáu năm qua ở Trại giam số 5, Thanh Hóa:
“Ở trong tù rất khắc nghiệt, chúng tôi bị giam hai người một buồng, có buồng một người, bị giam 24/24 ở trong buồng giam.
Mỗi buồng giam rộng 15 mét vuông, có một sân chơi cũng rộng từng đó, và họ có cho đi lại trong khoảng sân đó.
Chúng tôi không được ra sân chơi để tập thể dục hay giao lưu với nhau.”
Ông Điển bị giam trong khu dành cho những nhà bất đồng chính kiến mang án “an ninh quốc gia,” trong đó có nhà thơ Trần Đức Thạch, giảng viên cao đẳng âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh, cựu trung tá quân đội Trần Anh Kim…
Ông cho biết, sân chơi bị quây kín bằng tường cao và lưới thép bên trên trong khi phòng giam không có cửa sổ khiến cho buồng giam rất bí bách và nóng nực trong mùa hè ở một tỉnh miền Trung, đặc biệt với gió Lào trong khoảng tháng 5 đến tháng 7.
Một số người đứng lên đấu tranh với giám thị nên từ đầu năm 2023 trại giam mới cho phép các tù nhân chính trị được ra sân chơi chung mỗi ngày hai giờ, vào buổi sáng và buổi chiều.
Đấu tranh phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo
Ông Điển, 40 tuổi, cho biết trong thời gian thụ án tù ở Trại giam số 5, ông nhiều lần đấu tranh phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo và đòi trả tự do, trong đó có hai lần tuyệt thực. Một lần tuyệt thực 21 ngày vào đầu tháng 7 năm 2019, hai tháng sau đó ông tuyệt thực trong bảy ngày.
Giữa tháng 8 năm 2020, sau một lần trèo lên téc nước của trại giam để phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo và đòi được trả tự do, ông bị đưa vào buồng kỷ luật biệt giam trong khu K1 (là nơi giam giữ tù hình sự) trong một tháng 19 ngày nhưng không bị cùm chân.
Tại đây, ông bị giam chung với hai tù hình sự, những người có nhiệm vụ giám sát và đe doạ ông. Sau khi ông tuyệt thực hai ngày, trại giam mới đưa ông trở lại buồng giam ở khu tù chính trị.
Nhận tội để được đối xử đỡ hà khắc
Ông Điển cho biết những tù nhân viết đơn xin nhận tội được trại giam đối xử tốt hơn. Trong hai năm cuối ở trại, ông không còn bị hạn chế đi lại trong buồng giam mà được cho đi lao động ở vườn trong khu vực K3 (là nơi giam giữ tù nhân chính trị- những người bị kết tội trong phần An ninh quốc gia hay Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015).
Ông được lao động tự nguyện, trồng rau trong vườn, không phải chịu mức khoán lao động cũng không phải nộp sản phẩm cho trại giam mà được tuỳ ý sử dụng sản phẩm mình làm ra.
Do vậy, sau khi thu hoạch rau, ông đem đến nhà bếp để nhờ họ chế biến cho mình.
Chính vì có viết đơn nhận tội nên ông được đưa vào danh sách xem xét giảm án tù, và được giảm hai lần tổng cộng sáu tháng và tám ngày, cho dù ông thấy mình vẫn bị phân biệt đối xử so với những người tù hình sự.
Phóng viên có liên lạc với Trại giam số 5 nhiều lần bằng điện thoại để kiểm chứng thông tin ông Điển cung cấp nhưng không có ai nghe máy.
Ông Điển từng hoạt động dân chủ từ năm 2007 cùng với ông Vũ Quang Thuận và tham gia bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động Việt Nam ở Malaysia. Năm 2011, họ bị nhà chức trách Malaysia đưa ra toà xét xử và sau đó bị trục xuất về Việt Nam.
Sau đó, ông Thuận cùng một số nhà hoạt động khác lập ra phong trào Chấn Hưng Nước Việt với mục tiêu vận động ôn hòa cho thể chế dân chủ đa đảng tại Việt Nam.
Nhóm này có kênh Youtube CHTV chuyên đưa tin về vi phạm nhân quyền, thu hồi đất đai mà không đền bù thoả đáng cho người dân ở nhiều địa phương, tham nhũng và nhiều vấn đề khác của đất nước.
Một số thành viên khác của phong trào như nhà báo kỳ cựu Phạm Thành (tức Bà Đầm Xoè), Lê Trọng Hùng, và Lê Văn Dũng (Dũng Vova) cũng đang bị giam trong tù với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.
RFA (28.02.2023)
Điều luật hình sự 331 được đưa vào trường học: gieo rắc nỗi sợ hãi
Học sinh trường Thủ Thiêm ở thành phố Thủ Đức vừa bị hăm he bằng phiên tòa giả định về hình luật theo điều 331 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo hồ sơ của vụ án giả định, vào đầu năm 2022, Trương Đình Thành (sinh năm 1992, ngụ tại thành phố Thủ Đức) có hành vi phát tán nhiều bài viết, hình ảnh bôi nhọ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các nhóm Facebook công khai như: “Hội người Việt Nam tại Đài Loan – TaiWan”; “Những người bạn của Đảng Dân chủ Tự do”;…
Các bài viết nêu trên thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận với những câu chữ hết sức thô tục.
Ngày 10-5-2022, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có công văn gửi Công an thành phố Thủ Đức về việc phát hiện đối tượng Trương Đình Thành liên quan đến hành vi tán phát nhiều bài viết, hình ảnh bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các hội nhóm Facebook, thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận với những câu chữ thô tục.
Ngày 24-5-2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Đức đã phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp và Cục An ninh mạng – Bộ Công an tiến hành kiểm tra, khám xét khẩn cấp nơi ở của Thành tại thành phố Thủ Đức.
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sau đó đã giám định các tài liệu do cơ quan công an cung cấp và xác định các bài viết đều sai sự thật, có nội dung xuyên tạc, chống phá Nhà nước…; đã vi phạm các Luật An ninh mạng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản…
Cáo trạng đọc tại phiên tòa có đoạn vào năm 2021, Thành bắt đầu tiếp cận và theo dõi các trang mạng phản động, chống phá Đảng của các thế lực thù địch. Đồng thời nghiên cứu các lời bình luận, bài viết, hình ảnh kèm những nội dung, luận điệu xuyên tạc về lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Do thường xuyên theo dõi, tiếp cận, nghiên cứu những bài viết trên nên tư tưởng của bị cáo bắt đầu bị tiêm nhiễm và bị cáo cho rằng những luận điệu, bài viết này là đúng. Bị cáo đã tải các bài viết, hình ảnh có nội dung xấu, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo các cấp về điện thoại.
Tiếp đó, Thành dùng Facebook cá nhân phát tán những hình ảnh, bài viết kèm theo những lời chú thích mang tính chất công kích, kích động, bôi nhọ lãnh đạo nhiều cấp cũng như các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước lên các hội nhóm…
Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với biên bản bắt người phạm tội quả tang và tang vật thu giữ cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm các lợi ích về chính trị, lợi ích về kinh tế, lợi ích về văn hóa tư tưởng của Nhà nước đã được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
“Bị cáo có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng có nhận thức lệch lạc nên đã cố ý thực hiện hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” – chủ tọa nói.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo phạm tội lần đầu, hiện đang nuôi con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính trong gia đình nên được hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.
Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo mức án hai năm sáu tháng tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Phiên tòa giả định kể trên cho thấy đã gieo một nỗi sợ hãi về tù tội của trẻ vị thành niên trước quyền bày tỏ chính kiến được hiến định.
Cát Tường
VNTB (28.02.2023)
Các luật sư vụ Tịnh thất Bồng lai có thể bị điều tra theo Điều 331
Năm luật sư bào chữa cho Tịnh thất Bồng Lai, từ trái qua: Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Ngô Thị Hoàng Anh và Đào Kim Lân. FB Manh Dang
Công an tỉnh Long An thông báo đã tiếp nhận tin báo về tội phạm của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về việc một số luật sư trợ giúp pháp lý cho Tịnh thất Bồng lai/Thiền am bên bờ vũ trụ có dấu hiệu vi phạm Điều 331 và đang xử lý thông tin này.
Thông báo ký ngày 03/02/2023 gửi tới luật sư Đào Kim Lân viết: Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phát hiện một số cá nhân trong đó có ông Đào Kim Lân đã có hành vi phát tán lên không gian mạng qua đoạn video, clip, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ông Võ Văn Điền, một YouTuber ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giam vào ngày 22/2 về cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng,” một loạt các luật sư, giảng viên luật có liên quan hoặc đối lập với bà Hằng đều bị bắt gồm các ông/bà: Đặng Anh Quân, Đặng Thị Hàn Ni, và Trần Văn Sỹ.
Nhóm những người tu hành ở Tịnh thất Bồng Lai là đối tượng bị bà Hằng nhiều lần công kích trong các đoạn video phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Trong vụ án sáu thành viên của Tịnh thất Bồng Lai bị kết án theo Điều 331, năm luật sư là bà Ngô Thị Hoàng Anh và các ông Đào Kim Lân, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Trịnh Vĩnh Phúc đã trợ giúp pháp lý cho cụ Lê Tùng Vân và năm người tu tại gia khác.
Về thông báo của Công an Long An gửi theo đường bưu điện mà luật sư Lân nhận trong ngày 22/2, ông cho biết văn bản này có thể ảnh hưởng đến việc hành nghề của các luật sư trong nhóm nên có người công bố, có người không công bố hoặc chưa công bố, tuy nhiên chắc chắn hai luật sư đã xác nhận là ông và đồng nghiệp Đặng Đình Mạnh.
Ông Lân nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại:
“Theo tôi dự đoán, thông báo này liên quan đến các nhận xét cũng như các nội dung tố cáo khiếu nại của chúng tôi đối với các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, bao gồm Công an huyện Đức Hoà và An ninh Điều tra tỉnh Long An (trong vụ án Tịnh thất Bồng lai- PV).
Và có thể họ nói về các nhận xét của chúng tôi về việc họ bao che bỏ lọt tội phạm và họ có dấu hiệu về việc dàn dựng, nguỵ tạo chứng cứ.”
Ông nói nhóm luật sư cho rằng trong vụ án trên, phía công an có dấu hiệu dàn dựng, gài bẫy việc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của người có tên Hồ Phước Lợi và “bỏ quên” trong hồ sơ vụ án, bên cạnh hành vi bao che, bỏ lọt tội xâm phạm chỗ ở công dân, hủy hoại, trộm cắp tài sản của ông Võ Văn Thắng cùng những người liên quan…
Nhóm luật sư có đơn tố cáo các sai phạm về tố tụng nói trên đến Bộ Công an và Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tuy nhiên đơn lại được chuyển về Công an Long An và Viện Kiểm sát Long An là những bên đang bị tố cáo.
Chia sẻ với RFA, ông cho biết trong quá trình bào chữa vụ án được nhiều người quan tâm, nhóm luật sư chịu nhiều sức ép, trong đó có cả thông tin nặc danh đe doạ bắt giữ ông và các đồng nghiệp ngay trong phiên toà.
Trong thời gian tham gia bào chữa, nhóm luật sư đồng ý sử dụng kênh YouTube Nhật ký Luật sư của ông để đăng tải các thông tin về vụ án cũng như những phản bác của nhóm về các thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội.
Sau phiên phúc thẩm, các luật sư thống nhất không sử dụng kênh này cho công việc chung của nhóm, và nó trở về kênh cá nhân của ông Lân.
Khi được hỏi liệu thông báo của phía công an có phải là biện pháp trả thù việc nhóm luật sư đã tố cáo các vi phạm của Công an Đức Hoà và Công an tỉnh Long An trong vụ án Tịnh thất Bồng lai, luật sư Lân nói:
“Tôi chưa khẳng định họ có trả thù hay không, nhưng theo tôi, chúng tôi có đơn tố cáo họ có kèm theo tài liệu chứng cứ, mà từ Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chuyển về Viện Kiểm sát tỉnh Long An theo thẩm quyền, tới nay chẳng ai trả lời cả.
Đùng một cái Công an Long An nơi chúng tôi đang tố cáo lại điều tra xem xét hành vi của chúng tôi, cũng liên quan đến một việc như vậy, ít nhiều gì chúng tôi nghĩ tính khách quan không có.”
Do vậy, nhóm luật sư bảo vệ cho Tịnh thất Bồng lai đang xem xét gửi đơn cho Bộ Công an đề nghị một cơ quan độc lập điều tra nếu thấy có sai phạm từ phía luật sư trong nhóm để tránh “bên bị tố cáo điều tra bên tố cáo,” ông bổ sung.
“Khi chúng tôi đang tố cáo những sai phạm đó, thay vì giải quyết xem xét, các anh lại quy chụp chúng tôi về những hành vi đó, kể cả các luật sư làm sao dám tố giác tội phạm?!”
Ông nói nhóm luật sư có văn bản tố cáo với đầy đủ chứng cứ và sẵn sàng chịu trách nhiệm về các tố cáo này theo đúng pháp luật, và mong muốn được cơ quan chức năng giải quyết triệt để và công tâm.
Luật sư Lân cho rằng chỉ có Bộ Công an vào cuộc mới có thể giải quyết dứt điểm những bí ẩn mờ ám trong vụ án này, bảo đảm pháp luật được thực thi cũng như bảo đảm sự an toàn của các luật sư khi hành nghề tại tỉnh Long An.
Phóng viên có liên lạc với các luật sư khác của nhóm để tìm hiểu thêm thông tin. Hai luật sư Trịnh Vĩnh Phúc và Nguyễn Văn Miếng cho biết họ không nhận được thông báo như thông báo gửi luật sư Lân.
Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh, trong tin nhắn gửi RFA nói:
“Hiện nay, tôi không thể phát biểu điều gì cả, nhằm bảo vệ tuyệt đối quyền lợi cho các thân chủ mà tôi đang trợ giúp.
Làm luật sư mà không thể bảo vệ tốt nhất thân chủ là điều đáng xấu hổ và tôi đang rất lo lắng nếu phải bỏ dở hoặc phải từ chối bào chữa tiếp. Tôi mong là mọi việc sớm sáng tỏ để tôi tiếp tục hành nghề luật sư.”
Bà cho biết tin này làm cho tất cả các thân chủ của luật sư hoang mang và có thể nói đây là một thiệt hại đương nhiên không có cách gì bù đắp cho bà và công ty Luật hợp danh Thủy Anh do bà làm chủ.
Phóng viên không liên lạc được với luật sư Đặng Đình Mạnh để hỏi về vụ việc.
Bình luận về việc một số luật sư trong vụ án Tịnh thất Bồng lai có thể bị điều tra theo Điều 331, một luật sư có thâm niên ở Hà Nội nói trong điều kiện ẩn danh:
“Việc này dẫn đến mục đích khởi tố các luật sư này nhằm đe dọa giới luật sư, nhất là các luật sư nhân quyền và các luật sư dũng cảm khác.”
Không muốn công khai danh tính, một luật sư tham gia bào chữa trong nhiều vụ án chính trị phát biểu với RFA:
“Tôi cho rằng một hệ thống pháp luật cho dù có lỗi thời đến đâu nhưng nó được thực thi một cách nghiêm túc như chính quy định của nó cũng là tích cực.
Hành nghề luật sư không đồng nghĩa là làm chính trị. Luật sư chính là người bảo vệ tính nghiêm túc của pháp luật hiện hành. Luật sư làm tốt chức năng đó cũng là đóng góp cho dân chủ hoá xã hội.”
Vị luật sư này cho rằng các đồng nghiệp của mình phải thận trọng và tuân thủ pháp luật hiện hành, và như vậy họ vẫn có thể “mở miệng” một cách phù hợp, nếu không có thể tự mình “khoá miệng” mình.
RFA (27.02.2023)
Chiếc thòng lọng mang số 331
Điều 331 bộ luật Hình sự (BLHS) như một chiếc thòng lọng tròng vào cổ nhân dân, sẵn sàng bóp nghẹt mọi tiếng nói phản kháng của lương tri trước những vấn nạn của xã hội.
Bà Nguyễn Phương Hằng, CEO công ty Đại Nam ở tỉnh Bình Dương, bị bắt giam hồi tháng Ba năm ngoái vì can tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, quy định tại Điều 331 bộ luật Hình sự.”
Điều 331 BLHS 2015, tiền thân là điều 258 đầy tai tiếng trong BLHS 1999, viết như sau:
Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Hành vi phạm tội của bà Hằng, theo kết luận điều tra của Công an TPHCM, là trong các buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội (livestream) kể từ tháng Ba năm 2021, bà đã nói nhiều điều xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng uy tín và xâm phạm đời tư nghệ sĩ hài Hoài Linh, các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, Thủy Tiên, cầu thủ bóng đá Công Vinh, nhà báo Hàn Ni và nhà báo Nguyễn Đức Hiển. Những buổi livestream của bà Hằng thu hút hàng triệu lượt người xem, trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt ngày 24 tháng Ba năm ngoái theo điều 331 BLHS. Ảnh từ mạng xã hội
Đến nay vụ án bà Hằng đã có kết luận điều tra nhưng chưa đưa ra tòa xét xử. Cùng bị truy tố với bà Hằng có một số nhân viên của bà ở Công ty Đại Nam; mới vừa bị bắt có ông tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, giảng viên Đại học Luật TP HCM, người xuất hiện bên bà Hằng trong nhiều buổi livestream của bà.
Câu chuyện bà Hằng trở nên nóng sau khi công an bắt bà Đặng Thị Hàn Ni, tức nhà báo Hàn Ni của báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 24 tháng Hai 2023 vừa qua.
Bà Hàn Ni là một trong chín “nạn nhân” đã tố cáo bà Hằng “xâm phạm đời tư” trong các buổi livestream kể trên. Oái ăm là ở chỗ, bà Hàn Ni cũng bị cáo buộc vi phạm điều 331 BLHS như bà Phương Hằng, bị bà Hằng và chồng bà ta là ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng Lò vôi) tố cáo bà đăng nhiều đoạn video trên kênh YouTube những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của gia đình ông bà Dũng-Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty CP Đại Nam (Bình Dương) và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Cùng bị bắt với bà Hàn Ni – mà ngoài nghề viết báo còn là một luật sư – còn có luật sư Trần Văn Sĩ, cựu chủ nhiệm Đoàn luật sư Vĩnh Long bị bắt hôm 26 tháng Hai và ông Sĩ cũng bị cáo buộc vi phạm điều 331 bộ luật Hình sự. Được biết, ông Sĩ là chủ kênh YouTube mang tên ông, có 124,000 người ghi danh theo dõi, trong đó có một số video bình luận vụ bà Nguyễn Phương Hằng từ trước khi bà này bị bắt.
Rốt cuộc người bị hại và người gây hại cứ lộn tùng phèo trong cái mũ to rộng là điều 331 bộ luật Hình sự; ai cũng là nạn nhân và thủ phạm. Tuy vậy, theo dõi sự việc từ đầu, chúng ta vẫn có thể nhìn ra một số hiện tượng mà truyền thông của nhà nước không trình bày hết được.
Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni (áo đỏ bên trái) và luật sư Đặng Anh Quân (áo trắng) bị bắt hôm 24 tháng Hai 2023 cũng theo điều 331 BLHS. Ảnh Thanh Tuyền/Thanh Niên.
1-
Đầu tiên như một số bình luận viên trên mạng đã chỉ ra, việc cáo buộc những người này vi phạm điều 331 BLHS là việc làm khiên cưỡng.
Điều 331 BLHS là một điều luật hết sức mơ hồ, xưa nay được sử dụng làm công cụ để trấn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền, nói lên tiếng nói của lương tâm trước những bất công đầy rẫy của xã hội. Nhưng tại sao bây giờ nhà cầm quyền lại sử dụng điều luật vi hiến, bất nhân đó cho những người không có dấu hiệu phản đối đảng và chính quyền cộng sản?
Dù thu hút được đám đông và tạo thành một hiện tượng xã hội, hành vi của những người này, cả bà Hằng và bà Hàn Ni, nói cho cùng cũng chỉ là một vụ cãi vã to tiếng, hai bên đều lôi kéo những người cộng sự và khán giả, lôi cả một số luật sư vào cuộc để “cố vấn pháp lý”. Hai bên, nhất là bà Hằng, đã dùng những ngôn từ kích động để bôi nhọ, mạt sát những người thuộc phe đối phương, nặng nề đến mức cả hai bên đều có đơn tố giác tới cơ quan công an, buộc tội phía bên kia.
Luật sư Trần Văn Sĩ bị bắt theo điều 331 BLHS vì hành vi lên mạng phản đối cách hành xử chậm chạp khó hiểu của công an trong các vụ án bà Phương Hẳng và Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh FB Trần Văn Sĩ
Dù vậy, cuộc cãi vã to tiếng và kéo dài chỉ là một vụ xung đột dân sự, và đã có những điều luật quy định việc xử lý các hành vi như vậy. Nếu phạm tội xúc phạm người khác thì đã có tội “Làm nhục người khác” quy định tại điều 155 BLHS với mức hình phạt lên tới 05 năm tù giam; nếu tố cáo vô căn cứ, đã có tội “Vu khống” theo điều 156, với mức hình phạt lên tới 07 năm tù giam… Vụ án bà Phương Hằng và bà Hàn Ni có thể xem xét theo các điều luật này, không cần phải viện đến điều 331 mơ hồ và nặng tính chất chính trị.
Suy cho cùng, Việt Nam không phải là quốc gia có tự do dân chủ để người dân có thể lợi dụng để phạm pháp như cáo buộc của cơ quan điều tra. Vậy tại sao chính quyền cộng sản lại áp dụng điều 331 BLHS, thực chất của các vụ án này là cái gì?
2-
Bà Phương Hằng làm livestream từ tháng Ba 2021 cho đến khi bị bắt vào tháng Ba 2022, kéo dài suốt một năm trời, “xâm phạm lợi ích” của hàng chục cá nhân và tổ chức, kể cả hệ thống báo chí quốc doanh của nhà nước, nhưng các cơ quan chính quyền hầu như đều im lặng, không có biện pháp nhắc nhở hay chấn chỉnh những phát ngôn quá khích của bà ta. Dư luận đã có lúc đồn rằng, bà Hằng có người chống lưng, được cơ quan tuyên giáo của đảng CSVN bí mật sử dụng các buổi livestream của bà Hằng để tấn công một số người, một số hành vi mà đảng chưa kiểm soát được.
Cú ngã của bà Hằng đẩy bà vào vòng lao lý là khi bà “thừa thắng xông lên”, buông lời miệt thị không có căn cứ chống lại ông Phan Văn Mãi, chủ tịch thành Hồ, trong cú livestream sau cùng, chỉ hai ngày trước khi bà bị bắt.
Bà Hàn Ni có thời là nhà báo danh nổi như cồn nhờ vụ viết bài bảo vệ quán phở – cà phê Xin Chào trước cổng trụ sở Công an huyện Bình Chánh, Sài Gòn, lúc đó đang bị ông trưởng công an huyện buộc phải dẹp tiệm để người nhà của ông ta mở quán kinh doanh. Sau loạt bài của bà Hàn Ni, ông trưởng công an bị kỷ luật theo lệnh của ông Đinh La Thăng, lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM – người được biết đã ủng hộ bà Hàn Ni của báo đảng Sài Gòn Giải Phóng. Truyền thông quốc doanh ca ngợi quyết định “hợp lòng dân” của ông Bí thư Thăng, và tán dương nhà báo Hàn Ni là “bông hồng thép”, là “hiệp sĩ công luận” v.v… Thế rồi Đinh La Thăng vào tù đếm kiến, không còn ai nhắc tới “người dũng cảm đi tìm công lý” năm xưa nữa.
Giá như bà Hàn Ni chỉ làm YouTube cãi nhau với bà Phương Hằng thì chắc sẽ không có cảnh bị còng tay hôm nay. Nhưng do bức xúc trước sự im lặng khó hiểu của chính quyền sau các buổi livestream của bà Hằng, do đơn thưa của mình bị ngâm tôm và quá trình điều tra xử lý vụ bà Hằng quá chậm chạp, bà Hàn Ni và ông Sĩ đã đôi lần lên mạng phản đối cách xử lý sự việc của cơ quan điều tra, đặt nghi vấn về “tính trong sáng” của các viên chức thực thi pháp luật. Và thế là bà bị phản pháo mà đơn thưa của vợ chồng ông Dũng Lò vôi nộp lên trước đây cả năm trời chỉ là cái cớ.
Nhà cầm quyền phải dùng điều 331 BLHS vì thực chất các vụ bà Phương Hằng, bà Hàn Ni là hành vi phản kháng trên mạng xã hội, “xâm phạm lợi ích” của [một vài quan chức] Nhà nước; còn chuyện cãi nhau, phỉ báng nhau, thưa kiện nhau của hai người đàn bà chỉ là một cái cớ hợp lý để che mắt dư luận.
3-
Hồi đầu năm ngoái, chúng tôi đã phân tích hiện tượng Tịnh thất Bồng Lai, còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, bị nhà nước khủng bố, cáo buộc nhiều tội nghe rất khiếp như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, loạn luân, nhưng rồi bị truy tố và xử án tù rất nặng theo điều 331 BLHS khi chính quyền nhìn thấy ở đây một mầm mống của xã hội dân sự trong hoạt động thiện nguyện về giáo dục nên quyết ra tay bóp chết ngay trong trứng nước dù không có bằng chứng nào về tội danh của họ.
Cụ ông Lê Tùng Vân, 91 tuổi, chủ Tịnh thất Bồng Lai, đã gần đất xa trời vẫn bị kết án theo điều luật 331 BLHS.
Bây giờ, trong năm luật sư biện hộ cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai thì có ba người có nguy cơ bị bắt và truy tố theo điều 331 BLHS. Theo một thông tin được chia sẻ rộng rãi trên mạng Facebook từ giữa tháng Hai thì “Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an phát hiện một số cá nhân trong đó có ông Đặng Đình Mạnh (Ls. Manh Dang), bà Ngô Thị Hoàng Anh (Ls. Anh Ngo) và ông Đào Kim Lân (Ls. La Kim) đã có hành vi phát tán lên không gian mạng qua đoạn video, clip, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.”
Nếu thông tin này là thực thì ba luật sư Đình Mạnh, Hoàng Anh và Kim Lân sẽ khó tránh được chiếc thòng lọng mang số 331 trong những ngày sắp tới. Và nếu những luật sư này – những người am hiểu luật pháp và thường sử dụng mạng xã hội để phổ biến những kiến thức sơ đẳng về pháp luật, thông tin về các vụ án mà họ tham gia bào chữa – bị trừng phạt bởi một đạo luật mơ hồ vì hành xử chức nghiệp của họ thì hầu như không ai trong xã hội có thể tránh được một kết cục tương tự, nếu như còn chút lương tri, còn biết phẫn nộ và lên tiếng nói.
4-
Những trường hợp trên cho thấy điều 331 BLHS là một thứ công cụ đàn áp rất hữu hiệu của nhà cầm quyền cộng sản đối với mọi hành vi phản kháng cả ở ngoài đời lẫn trên mạng truyền thông. Nội dung hết sức mơ hồ và “xảo quyệt” (lợi dụng các quyền tự do) của nó cho phép đảng Cộng sản cầm quyền, thông qua guồng máy công an trị, có thể bắt giam và kết án nặng nề bất kỳ ai không tuân phục sự cai trị của họ.
Trong một xã hội toàn trị như Việt Nam, khi đảng cầm quyền khống chế toàn bộ mạng lưới truyền thông báo chí thì người dân chỉ còn có mạng xã hội (Facebook, YouTube, Instagram) để thâu nhận thông tin và bày tỏ ý kiến cảm xúc trước những vấn đề của xã hội. Sự thể hiện đó là quyền tự do ngôn luận thiêng liêng của mỗi người.
Ba trong năm luật sư biện hộ cho các thành viên Tịnh thất Bồng Lai (LS Ngô thị Hoàng Anh, LS Đặng Đình Mạnh và LS Đào Kim Lân) cũng bị cáo buộc vi phạm điều 331 BLHS theo thông tin lan tràn trên mạng xã hội. Ảnh FB Phương Ngô.
Do đặc thù nghề nghiệp, các nhà báo, luật sư là những người có tiếng nói được theo dõi nhiều nhất trên mạng xã hội; bởi vì họ là người có kiến thức về pháp luật, từng trải những cảnh đời oan khuất và có kỹ năng viết lách, diễn đạt lôi cuốn. Nếu làm đúng chức trách một cách lương thiện thì luật sư, nhà báo có vai trò quan trọng trong công cuộc khai dân trí, cổ xúy tự do và dân chủ, góp phần đưa xã hội tiến tới một xã hội pháp quyền, trong đó pháp luật được tôn trọng và người dân được đối xử bình đẳng.
Nhưng đó cũng là những thứ mà nhà nước toàn trị lo sợ nhất, vì dân trí xói mòn quyền lực độc tôn của đảng. Đặt ra một đạo luật mơ hồ và phi lý như điều 331 BLHS là cách thâm độc để bóp nghẹt mọi tiếng nói phản kháng dù nhỏ, như vụ án bà Hằng, bà Hàn Ni chứng tỏ, bảo vệ đảng cầm quyền. Trớ trêu là ở chỗ người dân không có tự do dân chủ để lợi dụng như điều 331 vu khống họ, mà ngược lại họ bị nhà cầm quyền lợi dụng một điều luật mơ hồ do đảng đặt ra để đàn áp. Nhìn từ khía cạnh nào thì điều 331 BLHS cũng giống như một thứ thòng lọng, một lưỡi dao treo trên đầu trên cổ người dân, sẵn sàng siết cổ bịt miệng khi có dấu hiệu bất tuân, phản kháng. Nó làm, cho xã hội tê liệt; công dân bị biến thành thần dân chỉ biết ngoan ngoãn và im lặng làm việc, đóng thuế mà không dám lên tiếng vì quyền lợi chính đáng của mình.
Tệ hại hơn nữa, điều 331 BLHS tạo ra tâm lý sợ hãi bao trùm xã hội, khiến cho người dân ngoảnh mặt che mắt trước những vấn đề chung, “không nghe, không thấy, không biết” vì các ý kiến, quan điểm của họ có thể không vừa lòng kẻ cầm quyền, có khi chuốc lấy tai họa! Nền tảng đạo đức, văn hiến của đất nước bị sụp đổ vô phương cứu vãn khi người dân không còn dám lên tiếng để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Điều 331 BLHS là một trong ba điều luật mà mới đây nhiều tổ chức xã hội dân sự trong nước và hải ngoại đã đề nghị hủy bỏ, cùng với điều 109, 117 của BLHS 2015 – những điều luật từng bị Liên Hiệp Quốc cho là có nội dung mơ hồ. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là nhà cầm quyền cộng sản sẽ không bao giờ bãi bỏ chúng, vì đó là những công cụ hiệu quả nhất để bịt miệng một dân tộc giàu truyền thống đấu tranh.
Hiếu Chân
SaiGonNho (27.02.2023)
Nhà báo từng tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giữ
Nhà báo Hàn Ni (áo đỏ) nghe một viên chức công an đọc quyết định bắt tạm giam, khởi tố bà về cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 2, 2023.
Một nhà báo từng tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng, nhân vật đình đám trên mạng xã hội Việt Nam trong năm 2021 với những buổi livestream đả kích những người nổi tiếng, bị bắt giữ vào ngày thứ Sáu về cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ.
Bà Đặng Thị Hàn Ni, 45 tuổi, công tác tại báo Sài Gòn Giải phóng, trước đây là một trong những người thường bị bà Hằng nêu tên trong các buổi phát trực tiếp thu hút hàng triệu lượt xem. Đơn tố cáo của bà và những người khác đã góp phần khiến bà Hằng bị bắt giam và khởi tố về cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ hồi tháng 3 năm 2022.
Một đoạn video được truyền thông Việt Nam đăng tải ngày thứ Bảy cho thấy bà Hàn Ni được đưa đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh để nghe quyết định bắt tạm giam và khởi tố.
Bà bị cáo buộc đã có hành vi “cùng đồng bọn lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,” và sẽ bị tam giam trong khoảng thời gian ba tháng.
Một bản tin của báo Công an Nhân dân cho biết chi tiết về vụ bắt giữ, nói rằng nhà chức trách hành động sau khi đã “tiếp nhận, thụ lý xác minh” tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và vợ ông là bà Hằng tố cáo bà Hàn Ni và một cộng sự đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hai vợ chồng ông, xâm phạm lợi ích hợp pháp của một công ty và quỹ từ thiện do họ đứng đầu.
Công an cáo buộc bà Hàn Ni cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh YouTube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư, “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân,” theo Công an Nhân dân.
Cơ quan điều tra cũng đã thi hành lệnh khám xét nơi ở của bà Hàn Ni và ông Tiến Sỹ thu giữ các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra, theo Zing News.
Công an TP HCM vào tháng 1 cho biết đã điều tra xong về bà Hằng và đang chuyển sang truy tố.
Theo kết luận điều tra, bà Hằng đã nói nhiều điều “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng uy tín và xâm phạm đời tư” nghệ sĩ hài Hoài Linh, các ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, Thủy Tiên, cầu thủ bóng đá Công Vinh, nhà báo Hàn Ni và phó Tổng biên tập báo Pháp Luật Nguyễn Đức Hiển.
Nhà chức trách nói trong quá trình thẩm vấn, bà Hằng thừa nhận các thông tin mà bà đưa ra là do bà đọc qua các nguồn và nằm mơ và không đưa ra được các căn cứ chứng minh.
VOA (26.02.2023)
Ba luật sư bị bắt liên quan tới vụ bà Nguyễn Phương Hằng
NGUỒN HÌNH ẢNH,OTHER Chụp lại hình ảnh, Luật sư, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, Luật sư Trần Văn Sỹ và Luật sư Đặng Anh Quân bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 24 và 25/02 (từ trái sang phải)
Ba luật sư vừa bị bắt giữ liên quan đến Điều 331 Bộ luật Hình sự, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Luật sư, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, Luật sư Đặng Anh Quân và Luật sư Trần Văn Sỹ bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 24 và 25/2 để điều tra.
Công an TP HCM tuyên bố bà Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ bị bắt theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng, cựu tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Nam.
Đây là hai trong số hàng chục người bị bà Hằng tố cáo là “liên quan đến việc đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Huỳnh Uy Dũng, Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu”.
Ông Đặng Anh Quân được cho là đóng vai trò cố vấn pháp lý, trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng.
Đơn tố cáo được gửi trước khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố và bị bắt tam giam từ ngày 24/3/2022, cũng với các cáo buộc liên quan tới tội danh quy định tại Điều 331.
Theo cáo buộc, bà Hằng kể từ đầu năm 2021 đã dùng mạng xã hội thực hiện nhiều buổi phát livestream để đưa ra thông tin không kiểm chứng về đời tư người khác, với những lời lẽ mang tính mạ lị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhiều người.
Sau đó, vào cuối năm 2022, ba trợ lý của bà Hằng bị khởi tố do bị cho là đã đóng vai trò trợ giúp.
Việc điều tra đối với bà Hằng và ba trợ lý kết thúc vào cuối tháng 12/2022, và công an TP Hồ Chí Minh tuyên bố mở rộng điều tra, xử lý đối với các đối tượng khác nữa.
Giới quan sát nhận định sẽ còn thêm cá nhân khác bị bắt giữ liên quan đến vụ việc.
Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên trang Facebook cá nhân: “Nếu hả hê về 331, yên tâm, sẽ còn rất nhiều dịp hả hê cho tới lượt chính bạn. Bất công mà, nó không kén chọn nạn nhân đâu.”
Nội dung Điều 331 Bộ luật Hình sự
Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 quy định:
“1-Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2-Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
Tuy nhiên không có văn bản pháp luật quy định rõ ràng thế nào là “lợi dụng” và thế nào là “xâm phạm lợi ích” trong Điều luật 331.
Cho đến nay, nhiều cá nhân, nhà hoạt động, nhà báo, luật sư đã bị khởi tố và bắt giam liên quan đến Điều 331 ở Việt Nam.
Một số tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch, Amnesty International… trong những năm qua thường xuyên lặp lại yêu cầu Việt Nam chỉnh sửa hoặc bãi bỏ điều luật này, tuân theo các nghĩa vụ theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
BBC (26.02.2023)
Tự do báo chí khu vực ĐNA: Việt Nam “cá biệt trong nhóm cá biệt”
Công an ngăn cảnh nhà báo tác nghiệp tại một cuộc biểu tình năm 2011 Reuters
Tự do báo chí ở tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đồng loạt bị rớt hạng trên bảng xếp hạng về chỉ số Tự do báo chí trong suốt 20 năm qua. Riêng Việt Nam luôn “ổn định” ở vị trí áp chót, chỉ xếp trên Myanmar, quốc gia đang bị Chính quyền quân sự kiểm soát.
Thông tin trên được nêu trong bài viết có tên tạm dịch là “Con đường đến Tự do báo chí đầy chông gai ở khu vực Đông Nam Á” (The Rocky Road to Press Freedom in South East Asia) được đăng trên trang web của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) hôm 22/2.
Việt Nam “ổn định” nhóm chót bảng
Có nhiều quốc gia bị giảm thứ hạng trầm trọng trong hai thập kỷ qua, như Indonesia từ hạng 57 xuống 117, Philippines từ 90 xuống 147, Campuchia từ 71 xuống 142, Thái Lan từ hạng 66 xuống 115…
Riêng Việt Nam rớt từ hạng 137 xuống 174 và là nước đứng áp chót trong khối ASEAN.
Từ nước Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định rằng ở Việt Nam, người dân chưa bao giờ được hưởng quyền tự do báo chí. Trong khi ở các quốc gia khác như Campuchia hay Indonesia, người dân trong một vài giai đoạn đã có được quyền lập và hoạt động báo chí tư nhân, độc lập. Luật sư Đài nói:
“Điều 25 Hiến pháp quy định là công dân Việt Nam có quyền tự do báo chí nhưng trong thực tế, 100% báo chí đều được thành lập và vận hành quản lý bởi các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là ban Tuyên giáo Việt Nam….”
Trả lời RFA qua email, nhà báo, luật sư nhân quyền Trịnh Hữu Long cho rằng bất kỳ chính phủ nào trên thế giới cũng có những cách thức hay luật lệ nhằm hạn chế tự do báo chí ở những mức độ khác nhau và ít nhiều bị phê phán. Tuy nhiên, Việt Nam rơi vào nhóm “cá biệt của cá biệt”, tệ hơn cả Campuchia rất nhiều. Lý do ông Long phân tích là vì Việt Nam cấm hoàn toàn báo chí tư nhân trong khi hầu hết các nước khác ở Đông Nam Á – kể cả Campuchia, nhưng trừ Lào – đều cho phép.
Luật sư Long đồng thời cho rằng Việt Nam cũng kiểm soát Internet chặt chẽ hơn gần như tất cả các nước khác, không cho báo chí điện tử độc lập “ngóc đầu” lên. Và, đất nước độc đảng này cũng bắt bớ nhà báo vào hàng nhiều nhất thế giới. Ông Long nói tiếp:
“Tất cả những điều đó tạo ra một nền văn hoá tự kiểm duyệt cực kỳ nặng nề ở Việt Nam. Như vậy, chính quyền không những hạn chế, ngăn cản báo chí, mà còn tạo ra những điều kiện cần để các nhà báo và toà soạn tự bóp họng mình.”
Theo báo cáo thường niên năm 2022 của tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists – CPJ), Việt Nam là nhà tù lớn thứ ba ở Châu Á đối với nhà báo, sau Trung cộng và Myanmar.
Cộng đồng ASEAN “dắt tay” đi xuống
Bảng xếp hạng Tự do báo chí các nước Đông Nam Á năm 2002 và 2022. Ảnh: RSF
Lý giải về bảng xếp hạng tự do báo chí ở các nước Đông Nam Á nhất là trong nhiều năm liên tiếp, nhiều quốc gia trong khối ASEAN cùng “dắt tay nhau” đi xuống, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng:
“Khi mà các nước ở trong Đông Nam Á còn giữ quy định là “không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác” thì những quốc gia có nền tự do dân chủ lớn hơn không được phép can thiệp vào các quốc gia ở trong khối. Nó sẽ làm cho tự do báo chí thụt lùi, cùng đi xuống.
Các hiệp hội tự do báo chí ở các nước không có sự tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng ASEAN đương nhiên là nó sẽ đi xuống thôi.”
Ở một khía cạnh khác, luật sư Trịnh Hữu Long phân tích thêm lý do vì các nước trong khối luôn có sự ảnh hưởng qua lại về mọi mặt, trong đó có cả nhân quyền nên các nước sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đến nhau để duy trì được quyền lợi của mình. Ông nói tiếp:
“Chẳng hạn, Việt Nam sẽ không muốn Campuchia hay Lào trở thành các nước dân chủ, vì đó sẽ là mối đe doạ trực tiếp với quyền lực độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam – với tiềm lực kinh tế vượt trội so với một số nước trong khu vực – còn xuất khẩu được mô hình quản trị vi phạm nhân quyền của mình sang các nước khác thông qua các khoản đầu tư chẳng hạn.
Ví như Viettel đang là nhà đầu tư lớn nhất của Mytel bên Myanmar – vốn là một công ty của các tướng lĩnh quân đội Myanmar, cung cấp rất nhiều tài lực cho các hoạt động xâm phạm nhân quyền của quân đội.”
Ngược lại, cũng theo ông Long, các quốc gia láng giềng khi có tiến triển về nhân quyền cũng tác động ít nhiều đến tình hình chung. Ông Long nêu dẫn chứng trước đây, các nước dân chủ tương đối như Philippines, Indonesia, Thái Lan – hay kể cả Myanmar thời kỳ đầu cải cách – đều truyền được cảm hứng dân chủ cho người Việt Nam.
“Chúng ta từng chuyền nhau những mẩu tin nức lòng về cải cách chính trị ở Myanmar, hay những cuộc bầu cử sôi động ở các nước khác trong khu vực.
Khi có một, hay một vài, nền dân chủ đủ mạnh trong khu vực, các nền dân chủ đó sẽ có xu hướng gây ảnh hưởng tới các nước láng giềng để xây dựng một cộng đồng dân chủ chia sẻ những giá trị chung. Từ đó không những tránh được xung đột khu vực mà còn thúc đẩy giao thương và giao lưu văn hoá.
Tiếc rằng điều này chưa trở thành thực tế ở Đông Nam Á. Khu vực chúng ta chưa bao giờ sản sinh ra một hình mẫu dân chủ nào đủ thuyết phục và có ảnh hưởng đủ mạnh tới các nước láng giềng.”
Xu hướng dân chủ thoái trào
Hiện nay, cả thế giới đang nằm trong xu hướng thoái trào chung về dân chủ và tự do báo chí thế giới kể từ vụ khủng bố 11/9/2001, theo phân tích của luật sư Trịnh Hữu Long, khi yếu tố chống khủng bố và an ninh quốc gia trở thành ưu tiên thì các nước có xu hướng thắt chặt các quyền tự do ở trong nước và vi phạm luật pháp quốc tế ở nước ngoài.
Trong bối cảnh chung như vậy, vẫn theo luật sư Long, Đông Nam Á lại vướng phải hai chuyện: trình độ kém phát triển dẫn đến sự nổi lên của các trào lưu chính trị dân tuý, cộng với sự ảnh hưởng ngày càng lớn hơn của Trung cộng trong khu vực.
Luật sư Trịnh Hữu Long đưa ra ví dụ về Philippines. Ông nói rằng, đất nước này có tiếng là dân chủ và tự do về báo chí bậc nhất ở Đông Nam Á nhưng bế tắc trong bài toán phát triển kinh tế – xã hội, kinh tế nghèo nàn, tội phạm tràn lan, nạn tham nhũng đục khoét tận xương tuỷ bộ máy nhà nước. Điều đó dẫn đến sự nổi lên của các chính trị gia và đảng phái dân tuý như Duterte, vốn là những người muốn giành và giữ được quyền lực bằng cách “chuốc cho dân chúng say khướt trong những lời hứa nhăng hứa cuội cộng với phong cách lãnh đạo mạnh bạo, coi trọng sức mạnh hơn là lý lẽ”.
Cùng lúc đó, ông cho rằng, Trung cộng mạnh tay viện trợ và đầu tư vào Philippines mà không đòi hỏi Philippines phải minh bạch hay tôn trọng nhân quyền gì, rất khác với phương Tây. Nên kết quả là, ông Long nói: “Nền báo chí tự do của Philippines xuống dốc không phanh, chính trị gia tấn công báo chí như cơm bữa, nhà báo bị truy tố và bị giết ngày càng nhiều hơn”.
Trung cộng cũng đang tìm cách đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của mình đến toàn bộ khối ASEAN trên mọi mặt. Hồi tháng 11 năm ngoái, tại hội nghị cấp cao ASEAN-Trung cộng, hai bên đã tuyên bố khởi động đàm phán nâng cấp ACFTA (Thoả thuận khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện) lên phiên bản 3.0.
Vào ngày 7/2 vừa qua, vòng đám phán đầu tiên về ACFTA phiên bản 3.0 chính thức bắt đầu, các quan chức Trung cộng và các nước ASEAN đã đi sâu thảo luận về trình tự, quy tắc, chương trình tiến hành đàm phán và kế hoạch công tác, tiến tới đề ra thời gian biểu và lộ trình cho cả quá trình đàm phán sau này.
RFA (24.02.2023)