„Hy vọng ngài Minh Tuệ sẽ là “viên phèn” của ngày hôm nay khiến PHÙ SA lắng xuống để chúng ta có được nguồn NƯỚC TRONG LÀNH.“

 

Nguyễn Đức Thành

 

 

“Hồi đó, gia đình tôi ở một vùng mà đào giếng lên chỉ toàn nước vôi ngầu đục nên chỉ dùng để tắm rửa. Nước uống thì phải ra sông cách chừng một cây số gánh về. Gặp mùa mưa lũ, nước sông ngầu đục phù sa. Mẹ tôi đổ vào chậu sau đó giã viên phèn chua thả vào. Một lát sau, phù sa lắng hết xuống đáy, bên trên là nước trong vắt….

 

Có lẽ nhiều người mới đọc cái tựa đề sẽ cho rằng tôi mạo phạm. Xin thưa, tôi không hề có ý đó nên tôi đã cho vào ngoặc kép chữ “viên phèn”.

 

Đó chỉ là một cách nói ẩn dụ bởi ngài Thích Minh Tuệ gợi cho tôi hình ảnh viên phèn chua mẹ tôi dùng ngày xưa để lắng nước. Hồi đó, gia đình tôi ở một vùng mà đào giếng lên chỉ toàn nước vôi ngầu đục nên chỉ dùng để tắm rửa. Nước uống thì phải ra sông cách chừng một cây số gánh về. Gặp mùa mưa lũ, nước sông ngầu đục phù sa. Mẹ tôi đổ vào chậu sau đó giã viên phèn chua thả vào. Một lát sau, phù sa lắng hết xuống đáy, bên trên là nước trong vắt.

 

Trở lại với ngài Thích Minh Tuệ… Tôi chỉ gọi ngài là NGÀI bằng sự tôn kính cá nhân vì ngài không nhận mình là THẦY hay SƯ. Ngài chỉ nhận mình là người tập tu theo hạnh của Đức Phật để tìm sự giải thoát bản thân. Ngài cũng không nhận mình thuộc chùa nào, theo Nam tông hay Bắc tông.

 

Ngài cũng không nói mình tu theo HẠNH ĐẦU ĐÀ (từ này tôi chỉ nghe một vài vị sư khác nói về ngài). Vì vậy, việc công bố ngài có phải là tu sĩ thuộc giáo hội Phật giáo hay không đều vô nghĩa. Ngài đã tu theo cách này từ 6 năm trước và cách đây chừng 3 năm tôi cũng đã từng thấy hình ngài trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đến nay ngài mới trở thành hiện tượng nóng không chỉ trên mạng xã hội mà còn đến sinh hoạt thường ngày của nhiều người. Có lẽ Đức Thích Ca Mâu Ni cũng khởi đầu như thế. Sau nhiều năm tháng lang thang sống khổ hạnh và thiền định, ngài mới ra đi hoằng dương đạo pháp và thu nhận đệ tử. Chúa Giêsu cũng lang thang khắp xứ Galilê trong suốt 3 năm để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc. 9, 58). Các vị là những lãnh tụ tinh thần và thiêng liêng của các tôn giáo và có những nét đặc thù riêng nên tôi không dám lạm bàn thêm.

 

Vì là người Công giáo nên hình ảnh ngài Minh Tuệ khiến tôi liên tưởng đến thánh Phanxicô Assisi (hay còn gọi là Phanxicô khó khăn) của đạo Công giáo. Ngài sinh vào cuối thế kỷ 12, cũng từng tham gia đội quân Thánh chiến và từng bị bắt làm tù binh. Ngài là một người có tài thơ ca và khiếu thẩm mỹ.

 

Cha ngài là một nhà buôn tơ lụa nổi tiếng và giàu có, bản thân ngài cũng kế thừa một công việc ổn định (ngài là thành viên Hiệp hội Thương gia Assisi từ năm 14 tuổi). Vậy mà, một tiếng gọi sâu thẳm đã đánh thức ngài và ngài từ bỏ mọi sự để dấn thân vào đời sống khó nghèo theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu.

 

Để phục dựng những ngôi nhà thờ cũ nát, ngài đi xin từng viên gạch, từng vữa hồ dư… Để có cái ăn, ngài chỉ xin những thực phẩm thừa khi người ta đã ăn xong. Để an ủi những người phung cùi, ngài đến với họ bằng những cái ôm nồng nàn, chăm sóc và băng bó vết thương…

 

Hiện tượng “Phanxicô” lúc bấy giờ cũng đã tác động mạnh đến xã hội. Có nhiều người quy tụ đến bên ngài, trong số đó có cả những nhà quý tộc, những người giàu có đã bán hết gia sản, phân phát cho người nghèo rồi theo ngài.

 

Thật ra, ban đầu ngài cũng chỉ tự chọn cho mình một con đường tu hành chớ không kêu gọi đệ tử. Nhưng khi số người đến với ngài đã lên đến số 12, ngài đành phải đến Roma để xin Đức Giáo Hoàng cho phép lập dòng. Khởi đầu, Đức Giáo Hoàng Innocentê III cũng có vẻ e ngại đối với đoàn tu sĩ có vẻ rách rưới đi chân trần như vậy. Nhưng đêm hôm đó, ngài mơ thấy một ngôi thánh đường nghiêng dần như sắp sụp đến nơi thì có một tu sĩ chân trần bộ dạng y như thánh Phanxicô đến đỡ nó đứng dậy.

 

Thế là hôm sau ngài gọi nhóm Phanxicô vào và chuẩn y việc lập dòng – Trong từ ngữ Công giáo, từ Nhà thờ (église/ eglisa/ church) khi viết hoa thì có nghĩa là Giáo hội – Và quả nhiên, tinh thần của thánh Phanxicô đã tác động rất nhiều đến đời sống Giáo hội lúc bấy giờ và cho đến nay mặc dù ngài cũng chẳng có vai vế gì trong Giáo hội, cũng chẳng hành động gì để chỉnh đốn Giáo hội. Chúng ta nên nhớ vào thời của ngài, vua của các nước châu Âu trước khi lên ngôi đều đến xin Đức Giáo Hoàng xức dầu tấn phong.

 

Các hồng y, giám mục ở các nước đều nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình, được cấp đất và phong tước… Thần quyền bao phủ thế quyền và thế quyền chi phối thần quyền… Cuộc sống xa hoa và quyên thế của các vị trong hàng giáo phẩm trở nên một điều hiển nhiên.

 

Chính vì vậy mà một tu sĩ rách rưới nghèo nàn như Phanxicô trở thành một điều “bất bình thường” khiến mọi người… e ngại!

 

Tôi nhớ đã từng đọc ở đâu đó rằng Lênin từng nói: “Nếu nước Nga có 10 vị như thánh Phanxicô thì khỏi cần làm cách mạng”. Điều này nói lên rằng đời sống khổ hạnh của một vị chân tu có tác động rất lớn đến cộng đồng, vì thánh Phanxicô chẳng rao giảng hay vận động cho chương trình gì ngoài xã hội. Ngài chỉ chăm chút cho cộng đoàn nhỏ của ngài, sống sao cho các đệ tử noi theo. Còn lại mọi lời giáo huấn của Chúa đều đã có trong Kinh Thánh. Và như Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Thời nay người ta cần CHỨNG NHÂN hơn là THẦY DẠY và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân.”

 

Nay thì nếp sống khổ hạnh của ngài Minh Tuệ cũng đã bắt đầu tác động đến cộng đồng mặc dù ngài cũng không “đao to búa lớn” điều gì.

 

“Con chỉ là một người tập tu theo hạnh của Đức Phật”. Việc người ta theo ngài càng ngày càng đông tất nhiên có nhiều trở ngại, nhưng qua đó, tôi nhận thấy một số youtuber, tiktoker (tuy không phải là tất cả) đã bắt đầu có những clip không nhằm câu view, câu like mà chỉ nhằm tán tụng một hình ảnh đẹp, một tấm gương sáng…

 

Có anh youtuber thấy hai thanh niên đang đón thầy để trả tấm y mà thầy để quên, đã hỏi thăm và khi biết 2 anh kia cũng là youtuber thì quay luôn và giới thiệu lên kênh của mình. Có thể nói đây là hành động “quảng cáo cho đối phương” nhưng họ làm rất vui vẻ, phấn khởi và thân thiện. Nhiều anh có vẻ “anh chị”, xăm trổ đầy mình nhưng đã mạnh miệng bênh vực ngài Minh Tuệ trước những công kích.

 

Mới đây tôi cũng được đọc bài tự sự của một linh mục viết về ngài Minh Tuệ đã đánh động đến đời sống thiêng liêng của mình, khiến ngài nhìn lại mình để học buông bỏ nhiều hơn.

 

Tất nhiên, trong mỗi tôn giáo hay mỗi bậc tu đều có đường lối riêng nhưng xem ra BUÔNG BỎ luôn là mẫu số chung.

 

Thánh Phanxicô và ngài Minh Tuệ cũng lặng lẽ như “viên phèn” nhưng có thể khiến nước ĐỤC thành TRONG. Vào thời buổi ĐỤC – TRONG lẫn lộn này, chúng ta khó nhận ra đâu là PHÙ SA để gạn lọc.

 

Hy vọng ngài Minh Tuệ sẽ là “viên phèn” của ngày hôm nay khiến PHÙ SA lắng xuống để chúng ta có được nguồn NƯỚC TRONG LÀNH.

 

Nguyễn Đức Thành

Kỷ niệm Mùa Phật Đản năm nay vẽ một bức tranh, nhân có cảm hứng về hiện tượng sư Minh Tuệ.

 

 

Tienglongta.com