Mỹ can dự chiến lược chưa từng có vào Biển Đông

Phi cơ F/A-18F Super Hornet của hải quân Hoa Kỳ bay phía trên hàng không mẫu hạm Gerald Ford trên Đại Tây Dương. © REUTERS / U.S. Navy/Erik Hildebrandt

Ngày 23/5/2019, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đưa ra quốc hội dự luật trừng phạt các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Dự luật yêu cầu chính phủ tịch thu tài sản tại Mỹ, thu hồi hoặc không cấp thị thực cho bất cứ ai tham gia “hoạt động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” ở Biển Đông.

Dự luật cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ báo cáo cho quốc hội 6 tháng một lần, trong đó xác định cá nhân hoặc công ty Trung cộng liên quan đến hoạt động xây dựng hoặc phát triển dự án ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Các hoạt động dự luật nhắm đến là cải tạo đất, xây đảo, xây hải đăng và cơ sở hạ tầng thông tin di động.

Phản ứng lại động thái trên của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng, Lục Khảng tuyên bố phản đối dự luật của nhóm nghị sĩ Mỹ.

Trung cộng cho rằng sự phát triển lực lượng quân sự trên biển của Trung cộng không thay đổi thực chất cán cân sức mạnh quân sự Mỹ-Trung ở khu vực Biển Đông, càng không có ý đồ chiến lược gạt Mỹ ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Mỹ lại không nghĩ vậy.

Trong vài năm qua, Mỹ đã thúc giục các nước có cùng tư tưởng gia tăng sự hiện diện của họ ở Biển Đông nhằm giúp khẳng định quyền tự do hàng hải của họ bất chấp các yêu sách chủ quyền phi lý, bất hợp pháp của Trung cộng.

Có thể lý giải cho sự can dự của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, Mỹ muốn giữ vững sức mạnh và điều kiện để tự do can dự vùng biển toàn cầu, đặc biệt là vùng biển và vùng trời của khu vực Tây Thái Bình Dương.

Duy trì sự can dự tự do trên biển và trên bầu trời ở khu vực trung tâm kinh tế, giàu có của thế giới và là khu vực thay đổi nhanh chóng nhất trong hệ thống quốc tế, không chỉ là tiêu chí để Mỹ duy trì địa vị chủ đạo trong khu vực mà còn là nền tảng bá quyền của Mỹ.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã đưa ra chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đó, chiến lược này giúp Mỹ thúc đẩy các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tuân thủ quy tắc, đồng thời là chiến lược định hướng quy tắc cho việc xây dựng và đưa ra quy tắc cho vấn đề điểm nóng an ninh khu vực.

Cốt lõi của chiến lược này là phải sử dụng nguyên tắc và quy định quốc tế để ràng buộc và dẫn dắt Trung cộng.​

Qua đó, khi đối mặt và xử lý vấn đề Trung cộng, Mỹ có thể liên kết với các quốc gia khác trong khu vực cùng ứng phó với Trung cộng trong phạm trù thiết lập quy tắc và áp dụng quy tắc.

Thứ hai, Mỹ lo ngại sự phát triển của lực lượng trên biển và trên không của Trung cộng, đặc biệt là việc xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông.

Với động thái này, Trung cộng bắt đầu có năng lực thách thức khả năng can dự tự do của Mỹ tại Biển Đông, khu vực biển chiến lược nhộn nhịp nhất giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Quân đội Mỹ cho rằng nếu cho phép Trung cộng tiếp tục mở rộng hiện diện quân sự bằng phương thức duy trì yêu sách chủ quyền phi pháp với các đảo và quyền lợi biển, Mỹ sẽ rơi vào cục diện bị hạn chế chưa từng có sau chiến tranh thế giới lần thứ hai ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương.

Một trong những vấn đề điểm nóng hiện nay là việc Trung cộng xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp và quân sự hóa ở Biển Đông.

Từ tháng 2/2015, báo chí Mỹ đã bắt đầu tập trung đưa tin về tiến trình này của Trung cộng. Theo đó, họ ngạc nhiên về tốc độ và quy mô xây đảo nhân tạo của Trung cộng.

Từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần yêu cầu Trung cộng ngừng xây đảo nhân tạo, quân đội Mỹ luôn coi việc xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung cộng ở Trường Sa là hành động quân sự hóa.

Tại Hội nghị Shangri-la 2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lúc đó, James Mattis lại nhắc lại quan điểm của Mỹ, chỉ trích hoạt động quân sự hóa của Trung cộng ở Biển Đông, cáo buộc Trung cộng hăm dọa và uy hiếp các nước láng giềng, hoàn toàn trái ngược với chính sách cởi mở mà Trung cộng khởi xướng.

Thứ ba, Mỹ cho rằng sự can thiệp và can dự đối với chủ quyền Biển Đông và phương thức giải quyết vấn đề Biển Đông có thể khiến Mỹ đối mặt với sự trỗi dậy của Trung cộng, tiếp tục duy trì ảnh hưởng chiến lược của các đồng minh Đông Á và các quốc gia Đông Nam Á.

Đồng thời, ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung cộng, làm suy yếu ảnh hưởng về địa chính trị và địa kinh tế của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nguyên nhân căn bản nhất khiến Mỹ coi trọng vấn đề Biển Đông chính là Mỹ có 02 lợi ích chiến lược: quyền xâm nhập và tính ổn định.

© ẢNH: HẢI AN/ZING Quốc kỳ Việt Nam được căng bên trong hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson khi đến Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ cập cảng Việt Nam kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Sự kiện lịch sử đánh dấu một mốc mới trong quan hệ Việt – Mỹ nói chung và hợp tác quốc phòng giữa hai nước nói riêng.

Quyền xâm nhập Biển Đông được thể hiện ở việc chỉ tàu Mỹ có thể tiến vào vùng biển này mà không bị cản trở.

Lý do quyền được tiến vào vùng biển này bởi vì số hàng hóa mỗi năm vận chuyển qua vùng biển này lên đến trên 5.000 tỷ USD, trong đó thương mại với Mỹ trên 1000 tỷ USD.

Ngoài ra, Biển Đông còn là còn đường tất yếu để tàu chiến Mỹ đi từ bờ biển phía Tây Thái Bình Dương, đi sang Ấn Độ Dương và vịnh Persia.

Nếu quân đội Mỹ không thể tự do tiến vào vùng biển này, chắc chắn có thể tác động nghiêm trọng đến năng lực di chuyển của lực lượng quân đội Mỹ trên toàn thế giới.

Hơn nữa, tính ổn định là bản thân hòa bình và ổn định của khu vực Đông Á cũng như Biển Đông có thể đem lại lợi ích to lớn cho Mỹ.

Sputnik 25.05.2019

VN lên tiếng về sự kiện đội tàu ‘phá hoại nhất’ của Trung cộng trở lại Biển Đông

Đội tàu cá của Trung cộng ở Bãi cạn Scarborough.

Việt Nam yêu cầu Trung cộng “tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái biển” và “tôn trọng chủ quyền” sau khi một báo cáo hôm 22/5 của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Mỹ cho biết đội tàu khổng lồ khai thác trai tượng của Trung cộng đã quay trở lại hoạt động ở Biển Đông trong 6 tháng qua.

Trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo ngày 23/5 về sự kiện trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thi Thu Hằng nói rằng “Việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế” và “cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển”.

Trước đó, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington D.C., Mỹ, cho biết các hình ảnh vệ tinh mà họ có được cho thấy các đội tàu khai thác trai tượng của Trung cộng đã quay trở lại khu vực Bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông mà Phi Luật Tân tuyên bố có chủ quyền ‘trong vòng sáu tháng vừa qua’.

Báo cáo của AMTI cho thấy các đội tàu khai thác trai tượng Trung cộng đang hoạt động thường xuyên ở bãi cạn Scarborough nhưng ‘không có bằng chứng rõ ràng’ cho thấy ngư dân Trung cộng cũng đang khai thác trai tượng ở quần đảo Trường Sa.

Những đội tàu này hoạt động theo hình thức là hàng chục tàu đánh bắt nhỏ đi cùng với một vài tàu mẹ cỡ lớn. Chúng phá hủy những dải san hô rộng lớn để bắt trai tượng vốn đang nằm trong diện khẩn nguy. Cũng theo cơ quan này, từ năm 2012 cho đến 2015, các ngư dân khai thác trai tượng của Trung cộng đã làm hư hại hay phá hủy ít nhất 28 bãi san hô trên khắp Biển Đông.

Ngoài phản ứng về đội tàu “phá hoại nhất” của Trung cộng, người phát ngôn Việt Nam cũng lên tiếng phản đối cuộc đua thuyền buồm mà Trung cộng tổ chức ở Hoàng Sa trước đó, từ ngày 22/4 – 26/4.

Cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 7 diễn ra trong khu vực kéo dài từ đảo Tam Á của Trung cộng đến đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Người phát ngôn Việt Nam nói cuộc đua trên “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam” và yêu cầu Trung cộng “không tái diễn hoạt động nói trên và “không có các hành động gia tăng căng thẳng làm phức tạp tình hình khu vực”.

Kể từ năm 2012, Trung cộng bắt đầu tổ chức giải đua thuyền buồm “Cúp Ty Nam” hằng năm ở quần đảo Hoàng Sa. Giới chuyên gia quốc tế cho rằng đây là một động thái nhằm hợp thức hóa các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực biển đầy tranh chấp, đồng thời kéo sự chú ý của dư luận thế giới ra khỏi các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa của Trung cộng trên các đảo, đá ở Biển Đông.

VOA 24/05/2019

Bắc Kinh phản đối dự luật của Mỹ trừng phạt quan chức Trung cộng gây hấn Biển Đông

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Lục Khảng.

Hôm 23/5, Bộ Ngoại giao Trung cộng lên tiếng phản đối một dự luật của Thượng viện Hoa Kỳ nhằm trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung cộng có các hoạt động “phi pháp và nguy hiểm” ở Biển Đông, theo South China Morning Post.

Trang South China Morning Post trích lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng cho biết: “Dự luật này vi phạm các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế, và tất nhiên phía Trung cộng kiên quyết phản đối.”

Ông Khảng nói rằng việc xây dựng trên các bãi đá ngầm trong khu vực đang có tranh chấp – một trong những hoạt động được nêu trong dự luật – “là hoàn toàn phù hợp trong phạm vi” chủ quyền của Trung cộng.

Ông Khảng nói tại một cuộc họp báo thường nhật: “Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ không tiến hành thảo luận dự luật này, tránh không gây ra sự gián đoạn mới trong quan hệ Trung cộng-Hoa Kỳ.”

Các thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ sẽ tái đệ trình dự luật này vào ngày 23/5, cho phép chính quyền Mỹ trừng phạt các cá nhân và thực thể của Trung cộng liên quan đến những gì mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ gọi là “các hoạt động phi pháp và nguy hiểm” của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông, theo tờ Newsweek.

Nếu được thông qua thành luật, “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông” sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản tài chính đặt tại Hoa Kỳ và thu hồi hoặc từ chối thị thực nhập cảnh đối với bất kỳ ai tham gia vào “các hành động hoặc chính sách đe dọa đến hòa bình, an ninh hoặc ổn định” ở Biển Đông, nơi một hoặc nhiều thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng tuyên bố chủ quyền.

Tờ South China Morning Post trích lời Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, người đang cùng với TNS Dân Chủ Benjamin Cardin khởi xướng dự luật này, nói: “Dự luật có sự ủng hộ của lưỡng đảng, nhằm củng cố những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh phản đối hành động quân sự hóa phi pháp và nguy hiểm của Bắc Kinh trên các lãnh thổ họ chiếm đóng ở Biển Đông.”

Dự luật này cũng yêu cầu ngoại trưởng Mỹ định kỳ 6 tháng phải báo cáo cho quốc hội danh sách những cá nhân hoặc công ty Trung cộng liên quan đến những dự án xây dựng và phát triển phi pháp tại các vùng tranh chấp trên Biển Đông.

Dự luật này từng được Thượng nghị sĩ Rubio và Cardin đề xuất vào năm 2017. Tuy nhiên, dự thảo không được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua và cũng chưa được đệ trình ra toàn thể Thượng viện.

VOA 23/05/2019

Dự luật Mỹ trừng phạt các hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông

Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, trong vùng tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh ngày 21/05/2015. REUTERS/ Hải quân Mỹ

Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ hôm 23/05/2019 đã trình lên Thượng Viện một dự luật nhằm buộc chính phủ trừng phạt các cá nhân và định chế Trung cộng có liên can đến « các hành động phi pháp và nguy hiểm » trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nếu được thông qua, đạo luật đòi hỏi chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản ở Hoa Kỳ, thu hồi và từ chối cấp visa của bất kỳ ai tham gia vào « các hành động hoặc chính sách đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định » tại Biển Đông, nơi một số thành viên ASEAN đòi hỏi chủ quyền.

Luật quy định ngoại trưởng Mỹ phải báo cáo cho Quốc Hội mỗi sáu tháng, về các cá nhân hay công ty Trung cộng cụ thể có liên can đến việc xây dựng và triển khai các dự án tại các khu vực ở Biển Đông đang bị các nước ASEAN tranh chấp. Trong số hành động bị dự luật nhắm đến có việc đào đắp đất, xây đảo nhân tạo, xây hải đăng, cơ sở hạ tầng thông tin di động.

Các hoạt động đe dọa « hòa bình, an ninh và ổn định » trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông cũng sẽ bị trừng phạt.

Dự luật này đã được trình lần đầu vào năm 2017 nhưng hiện vẫn nằm tại Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio và đồng nhiệm Dân Chủ Benjamin Cardin cùng với nhóm nghị sĩ ủng hộ tỏ ra lạc quan, vì lần này tân chủ tịch ủy ban là thượng nghị sĩ James Risch rất quan tâm đến hồ sơ Trung cộng, còn tại Hạ Viện cũng có nhiều hy vọng được các dân biểu cả hai đảng thông qua.

South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS), cho rằng việc Quốc Hội Mỹ thảo luận về dự luật này là sự kiện mang tính tích cực, vì hồ sơ Biển Đông không nằm trong danh sách ưu tiên của chính quyền. Bà cũng nhận xét, tổng thống Donald Trump đã cho tiến hành các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải tại Biển Đông nhiều hơn chính phủ tiền nhiệm, điều này đã thúc đẩy các đối tác khác tham gia, khiến Trung cộng khó thể « múa gậy vườn hoang ».

Về phía Bắc Kinh, hôm qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Lục Khảng cho rằng dự luật trên đây « vi phạm các tiêu chuẩn căn bản của luật quốc tế (…) và tất nhiên là Trung cộng kiên quyết phản đối ».

Cũng trong hôm 23/05/2019 Việt Nam đã phản đối việc Bắc Kinh tổ chức đua thuyền buồm tại đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa cưỡng chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng phê phán việc Trung cộng đưa các đoàn tàu ồ ạt đến khu vực Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough, càn quét nghêu ở đây khiến nhiều rạn san hô bị hủy hoại.

Tại Phi Luật Tân, tổng thống Rodrigo Duterte cho biết sẽ tái khẳng định cam kết bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, trong cuộc gặp song phương với thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào tuần tới ở Tokyo.

RFI (24.05.2019)

Mỹ: Đề xuất trừng phạt Trung cộng vì Biển Đông liệu có được quan tâm?

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Từ trái, các Thượng nghị sĩ Sherrod Brown (Dân chủ), Tom Cotton (Cộng hòa), Jeanne Shaheen (Dân chủ), Marco Rubio (Cộng hòa) và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer

Bộ ngoại giao Trung cộng hôm thứ Năm chỉ trích đề nghị từ Thượng viện Mỹ muốn trừng phạt cá nhân và tổ chức Trung cộng vì hoạt động “phi pháp” ở Biển Đông.

13 Thượng nghị sĩ từ hai đảng Hoa Kỳ vừa trình một dự luật đòi chính quyền Mỹ trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung cộng có “hành động phi pháp và nguy hiểm” tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hồi năm 2017, chỉ có 2 thượng nghị sĩ ký vào, nhưng nay con số là 13 người.

Dự luật Trừng phạt vì Biển Đông và Hoa Đông, nếu được thông qua, chính phủ Hoa Kỳ có thể đóng băng và thu giữ tất cả tài sản và trụ sở, thu hồi và từ chối thị thực với bất cứ ai tham gia vào “các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh hoặc ổn định” ở các khu vực trên Biển Đông.

“Dự luật lưỡng đảng này sẽ tăng cường nỗ lực của Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta để chống lại việc quân sự hóa phi pháp và nguy hiểm của Bắc Kinh đối với lãnh thổ tranh chấp mà họ đã chiếm giữ ở Biển Đông,” Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, người dẫn đầu việc đề xuất dự luật nói.

“Dự luật này nhắc lại lời cam kết của Hoa Kỳ về việc giữ cho khu vực này tự do và mở cửa cho tất cả các quốc gia, đồng thời buộc chính phủ Trung cộng phải chịu trách nhiệm về hành vi bắt nạt và ép buộc các quốc gia khác trong khu vực.”

Dự luật này sẽ cần Ngoại trưởng Hoa Kỳ cung cấp cho Quốc hội một bản báo cáo sáu tháng một lần về các cá nhân hay công ty Trung cộng liên quan đến các dự án xây dựng và phát triển ở khu vực Biển Đông.

Các hoạt động bị dự luật nhắm vào bao gồm việc cải tạo đất, bồi đắp đảo, xây ngọn hải đăng và xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin di động.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người dẫn đầu đề xuất dự luật Trừng phạt vì Biển Đông và Biển Hoa Đông

Những người đồng lõa hoặc tham gia vào các hoạt động đe dọa đến hòa bình, an ninh hoặc ổn định của các khu vực trên Biển Hoa Đông do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý cũng sẽ bị xử phạt.

Thêm nhiều sự ủng hộ hơn trước

Dự luật này đã được giới thiệu vào 2017 nhưng chưa được thông qua ở Ủy ban Đối ngoại để đưa ra Thượng viện. Sau đó vẫn phải cần được Hạ viện phê chuẩn trước khi Tổng thống Trump có thể ký thành luật.

Những người ủng hộ dự luật hy vọng lần này dự luật sẽ có một kết quả khả quan hơn.

Chủ tịch mới của Ủy ban Đối Ngoại là Thượng nghị sĩ James Risch, người luôn soi xét kỹ các chính sách và hành động của Bắc Kinh, sau khi thay thế người tiền nhiệm Bob Corker hồi tháng Một.

“Chúng tôi rất lạc quan, vì biết sự quan tâm chủ tịch Risch về các vấn đề Trung cộng,” phát ngôn viên của Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói.

Dự luật hiện tại đã được 13 thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ, tăng nhiều so với chỉ hai người ủng hộ vào 2017.

Dự luật này được giới thiệu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang. Mỹ đưa hãng công nghệ khổng lồ của Trung cộng Huawei vào danh sách đen, khiến một loạt các công ty lớn đình chỉ kinh doanh với Huawei.

Lưỡng đảng ủng hộ ‘đánh’ TC

Bonnie Glaser ở CSIS, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, thừa nhận hiện tại đang có “một không khí rất khắc nghiệt tại Quốc hội khi bàn về Trung cộng,” nhưng dự đoán rằng ngôn ngữ “ràng buộc và khiên cưỡng” trong bản dự luật sẽ phải hạ xuống trước khi có thể đến được bàn của tổng thống.

Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và chuyên gia về chính sách ngoại giao và an ninh của Trung cộng, nói rằng trước giờ vấn đề Biển Đông không phải “đối trọng” trong chương trình chính sách của chính quyền Trump và việc “giới thiệu nó trong Quốc hội không phải là ý tồi”.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Người biểu tình phản đối Đường Lưỡi bò của Trung cộng ở Việt Nam hồi 2012

Chính quyền của ông Trump cũng thực hiện nhiều chuyến đi thực hiện quyền tự do hàng hải hơn chính quyền cũ, Glaser nói.

Bà nói, 73% các vụ việc đụng độ ở Biển Đông kể từ 2010 đều liên quan đến tàu cảnh sát biển Trung cộng.

Andrew Thompson, một cựu quan chức quốc phòng của Hoa Kỳ nói rằng việc “giới thiệu luật này cho thấy sự tức giận từ lưỡng đảng về các hành động của Trung cộng tại khu vực biển đảo và cũng cho thấy sự bức xúc của Quốc hội rằng phản ứng của chính quyền ông Trump vẫn bị giới hạn trong việc thực hiện tuần tra tự do hàng hải và những lời hùng biện.”

Trung cộng nói gì?

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Hình ảnh đảo Phú Lâm được trưng bày trên đường phố Trung cộng

Bộ Ngoại giao Trung cộng đã ngay lập tức đáp trả hôm 24/5 rằng Dư luật Trừng phạt vì Biển Đông và Hoa Đông này “vi phạm những quy định cơ bản của luật quốc tế và quan hệ quốc tế và phía Trung cộng, tất nhiên, mạnh mẽ phản đối.”

Lục Khảng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung cộng nói việc xây dựng các hòn đảo ở vùng tranh chấp là “hoàn toàn nằm trong quyền hạn chủ quyền của Trung cộng”.

“Chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ không tiến hành việc thảo luận về dự luật này, để không gây ra sự xung đột mới trong quan hệ Mỹ-Trung,” ông Lục Khảng nói trong một cuộc họp báo.

BBC (24.05.2019)

Việt Nam ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát?


Dường như chính phủ Việt Nam bất lực trong việc kiểm soát nạn đánh bắt cá trộm khi số tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt ở ngư trường nước ngoài ngày càng tăng. 

Năm 2018, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) đánh dấu ngày 5 tháng 6 là Ngày Quốc tế để chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU). Theo FAO, 26 triệu tấn cá trên toàn cầu bị đánh bắt cá bất hợp pháp mỗi năm. Giá trị số cá này là khoảng từ 10 tỷ đến 23 tỷ đô la. Đánh bắt cá bất hợp pháp là mối quan tâm sâu sắc đối với toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Đánh bắt quá mức khiến 64% tổng sản lượng thủy sản của Đông Nam Á gặp rủi ro từ mức trung bình đến cao; và gây ra thiệt hại đáng kể cho toàn bộ hệ sinh thái biển theo nhiều cách. 

Theo Hướng dẫn của ASEAN về ngăn chặn sự xâm nhập của cá và các sản phẩm thủy sản từ câu cá IUU vào Chuỗi cung ứng, đã sửa đổi vào năm 2015, việc đánh bắt cá IUU được bổ sung thêm việc khai thác quá mức nguồn cá; làm tổn hại hệ sinh thái biển dẫn đến việc không phục hồi được nguồn cá bị mất; và tạo ra khó khăn cho ngư dân hợp pháp bằng cách cung cấp một số lợi thế nhất định cho ngư dân bất hợp pháp bằng cách tăng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Đông Nam Á đã phải đối mặt với tác hại của việc đánh bắt cá IUU từ góc độ thương mại đối ngoại. Vào năm 2008, Ủy ban Châu Âu (EC) đã công bố các quy định mới để chống lại việc đánh bắt cá IUU và quyết định rút Thẻ Vàng Vàng cho các quốc gia không tuân thủ các quy định này. Thẻ Vàng về cơ bản có nghĩa là quốc gia bị cảnh báo của EC liên quan đến đánh bắt cá IUU và cả hai bên có thể bắt đầu một quá trình đối thoại chính thức để cải thiện tình hình ở quốc gia bị ảnh hưởng. Điều này thường ảnh hưởng đến thương mại hải sản giữa các nước châu Âu và quốc gia bị nhận được Thẻ vàng. Vào tháng 10 năm 2017, EC đã rút Thẻ vàng cho Việt Nam, khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu sụt giảm. Vì ngành hàng hải Việt Nam đang mong muốn đạt được mục tiêu 10 tỷ đô la doanh thu xuất khẩu trong năm 2019; việc xoá tình trạng Thẻ Vàng là rất quan trọng.

Vào tháng 6 năm 2018, một Phái đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu đã đến thăm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và đưa ra chín khuyến nghị nhằm ngăn chặn đánh bắt cá bất hơp pháp IUU. Đồng bộ với những khuyến nghị đó, Việt Nam hiện đang nỗ lực ngăn chặn IUU thông qua một số cơ chế. 

Mới đây, Tổng cục Thủy sản làm việc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tuyên bố rằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2019, tất cả các phương tiện đánh cá (có chiều dài từ 24 mét trở lên) ở tỉnh Quảng Trị sẽ được cài đặt vệ tinh MOVIMAR để quản lý, theo dõi và xử lý vị trí của các phương tiện đánh cá. Công nghệ theo dõi sẽ phải được bật trong 24 giờ một ngày trên biển. Sở Thủy sản tỉnh Quảng Trị cũng đang nghiên cứu lắp đặt MOVIMAR trên tất cả các phương tiện đánh cá có chiều dài từ 15 mét trở lên vào năm 2020.

Cùng để khắc phục tình trạng Thẻ Vàng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập Tổ công tác để tạo điều kiện thực thi Luật Thủy sản 2017 và thành lập sáu văn phòng đại diện tại các cảng cá để chính quyền quản lý tốt hơn việc đánh bắt và tàu thuyền. Họ cũng đã tiến hành các hội thảo đào tạo và phổ biến thường xuyên với ngư dân để cung cấp cho họ kiến thức về các vấn đề và luật liên quan đến đánh bắt cá của IUU.

Việt Nam cũng đã thắt chặt cơ chế giám sát để hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Luật Thủy sản 2017 có một điều khoản về việc phạt tiền đối với các phương tiện đánh bắt cá đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trên thực tế, theo một số báo cáo, số lượng tàu cá xâm nhập vùng biển nước ngoài đã suy giảm kể từ năm 2017, nhờ những nỗ lực hợp tác của Hải quân Việt Nam, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Lực lượng Biên phòng.

Tuy nhiên dường như chính phủ Việt Nam bất lực trong việc kiểm soát nạn đánh bắt cá trộm khi số tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt ở ngư trường nước ngoài ngày càng tăng. 

Năm ngoái, 137 tàu cá Việt Nam cùng 1.162 ngư dân đã bị bắt vì đánh cá bất hợp pháp ở Thái Lan, Phi Luật Tân, Campuchia, Nam Dương và Brunei so với 91 tàu cá bất hợp pháp bị bắt trong năm 2017. 

Để trừng phạt các tàu cá đã đánh bắt bất hợp pháp trên vùng lãnh hải của mình, Nam Dương đã cho đánh chìm 51 tàu cá bất hợp pháp hồi đầu tháng 5 năm 2019. Trong số đó có 38 tàu cá Việt Nam. Tuy nhiên động thái này của Nam Dương diễn ra ngay sau khi tàu tuần dương Việt Nam chủ động tấn công tàu tuần dương Nam Dương trong nỗ lực ngăn cản tàu tuần dương Nam Dương đuổi bắt tàu cá của ngư dân Việt Nam xảy ra hôm 29 tháng 4 năm 2019.

Chỉ trong vòng 2 tuần lễ từ 2-16 tháng 5, phía Mã Lai đã kiểm tra 266 tàu cá và bắt giữ 25 tàu cá. Điều đáng lo ngại là cả 25 tàu cá cùng 123 ngư dân bị bắt giữ  là tàu cá Việt Nam.

Ngày 21 và 22 tháng 5 lại có thêm 5 tàu cá và 40 ngư dân Việt Nam bị Mã Lai bắt giữ. Những tàu cá này hoặc không có giấy phép đánh bắt và giấy tờ hợp lệ, hoặc sử dụng giấy tờ giả khi đang khai thác hải sản cách vùng biển Kuala Terengganu 30 – 100 hải lý. Bên cạnh đó ngư dân Việt Nam cũng không bật thiết bị giám sát định vị.

Mức độ nghiêm trọng của việc đánh bắt cá IUU ở Đông Nam Á cũng đã làm phức tạp quan hệ song phương Việt Nam – Mã Lai,  khi Raja Nushirwan Zainal Abidin, phó tổng thư ký Bộ Ngoại giao Mã Lai, đã gửi một bản ghi nhớ phản đối Đại sứ Việt Nam tại Kuala Lumpur về việc ngư dân Việt Nam xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển Mã Lai  Mã Lai đã bắt giữ 748 phương tiện đánh cá của Việt Nam và 7.023 ngư dân kể từ năm 2006. 

VNTB (26.05.2019)