Hồi đáp LHQ, Việt Nam bác bỏ cáo buộc trả đũa luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh phát biểu trong chương trình bàn tròn của VOA Tiếng Việt, ngày 12/11/2024.
Trong thư phản hồi Liên Hiệp Quốc, chính phủ Việt Nam bác bỏ điều gọi là “hành động trả đũa” đối luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, cho rằng không có cơ sở để nói là ông sợ bị bắt khi được triệu tập. Tuy nhiên, luật sư Mạnh khẳng định rằng ông bị chính quyền “đàn áp” liên tục nên ông phải trốn khỏi đất nước.
“Đối với vụ án luật sư Đặng Đình Mạnh, cơ quan chức năng Việt Nam chưa khởi tố, chưa điều tra hình sự đối với Đặng Đình Mạnh và các cá nhân liên quan”, theo một đoạn trong văn thư ngày 1/11/2024 của phái đoàn thường trực của chính quyền Việt Nam tại văn phòng Liên Hiệp Quốc trả lời văn bản chất vấn của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, chính quyền Việt Nam viện dẫn Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 nói rằng họ chỉ thực hiện các bước nhằm tìm căn cứ để xác định dấu hiệu tội phạm sau khi có tin báo từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an về hành vi nhóm 5 luật sư đăng tải nội dung lên mạng xã hội mà trong theo đó “có dấu hiệu” vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
“Tuy nhiên, đây chỉ là tin báo ban đầu về dấu hiệu hành vi phạm tội và chưa phải là kết luận cuối cùng của cơ quan tư pháp cũng như chưa khởi tố vụ án hình sự nào”, văn thư viết, đồng thời lập luận rằng việc Cơ quan Cảnh sát điều tra hình sự tỉnh Long An thông báo và triệu tập ông Mạnh và một số luật sư khác là “một thủ tục chuẩn mực, phù hợp với pháp luật Việt Nam”.
“Cáo buộc cho rằng ông Đặng Đình Mạnh sợ bị bắt nếu đến gặp cơ quan chức năng là không có cơ sở”, chính phủ Việt Nam khẳng định. “Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xác minh tin báo và chưa đưa ra kết luận chính thức nên chưa có căn cứ để bắt giữ, truy tố”.
Ngoài ra, phía Việt Nam cho hay rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định tạm đình chỉ điều tra tin báo tố giác tội phạm do hết thời hạn xác minh.
Vào tháng 6/2023, khi được hỏi về việc ba luật sư nhân quyền Việt Nam Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân đến Mỹ giữa lúc các ông đang bị công an truy tìm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với VOA rằng chính quyền Việt Nam “chớ nên trả thù các luật sư”.
“Hoa Kỳ khuyến khích chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền được xét xử công bằng như đã được đảm bảo theo luật pháp Việt Nam, bao gồm cả việc đảm bảo các luật sư bào chữa các vụ án hình sự có thể hành nghề tư vấn pháp lý một cách hiệu quả mà không sợ bị trả thù”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra ý kiến với VOA qua email ngày 19/6/2023.
Trước đó, Công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm 3 luật sư này sau khi họ tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai hay còn gọi là Thiền am Bên bờ Vũ trụ với lý do các luật sư “không đến để làm việc” liên quan đến tin tố giác tội phạm từ Cục An ninh mạng sau khi đã được mời “nhiều lần”.
Trao đổi với VOA, luật sư Đặng Đình Mạnh khẳng định rằng ông và các đồng nghiệp nhiều lần bị chính quyền Việt Nam “đàn áp” do họ đã tham gia bào chữa nhiều vụ án “an ninh quốc gia” mà chính quyền xem là nhạy cảm.
“Những việc bào chữa như vậy khi nhiều quá thì tích tụ lại khiến chính quyền nhìn chúng tôi một cách thiếu thiện cảm, dẫn đến việc họ đàn áp chúng tôi. Các đồng nghiệp khác thì bị đàn áp về phương diện này, phương diện khác, còn đối với bản thân tôi thì tôi bị nhiều lắm”.
“Vụ án tôi làm cuối cùng là vụ án Thiền am Bên bờ Vũ trụ. Đó là một vụ đàn áp về tôn giáo hết sức điển hình”, ông Mạnh nêu nhận định.
“Như giọt nước tràn ly thì họ điều tra hình sự đối với chúng tôi, buộc lòng chúng tôi phải ra nước ngoài để tị nạn chính trị”, luật sư Mạnh kể lại.
Hồi tháng 3/2023, ba báo cáo viên đặc biệt của LHQ – gồm báo cáo viên đặc biệt về sự độc lập của thẩm phán và luật sư, báo cáo viên đặc biệt về xúc tiến và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt, và báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền – gửi văn thư yêu cầu chính quyền Việt Nam giải trình các cáo buộc cho rằng chính quyền đang điều tra hình sự đối với ông Mạnh.
Trong thư, các chuyên gia LHQ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cuộc điều tra này, đồng thời bày tỏ lo ngại trước thông tin cho rằng cuộc điều tra đó “có thể là hành động trả thù của chính quyền”.
Ngoài ra, nhóm các chuyên gia cũng cho là cuộc điều tra này “dường như có mối tương quan trực tiếp với việc bào chữa của ông” và cảnh báo về khả năng có thể dẫn tới “vi phạm một số tiêu chuẩn quốc tế và khu vực liên quan đến quyền tự do và hành nghề luật một cách độc lập”.
“Chúng tôi cũng lo ngại trước thông tin nhận được rằng ông Mạnh đang bị cấm xuất cảnh và không thể tiếp cận các khiếu nại có ý nghĩa và công bằng đối với các lệnh cấm này hoặc có thông tin về lệnh cấm”, các báo cáo viên đặc biệt bày tỏ.
“Nếu không có ý định trả đũa đối với Đặng Đình Mạnh bằng cách khởi tố, xét xử hình sự, thì Bộ Công An ban hành quyết định cấm Đặng Đình Mạnh xuất cảnh từ nhiều năm trước để làm gì?”, luật sư Mạnh đặt nghi vấn trong một bài viết trên báo Người Việt hôm 13/11.
“Tôi là nạn nhân bất công và là nhân chứng trong việc bị chính quyền Việt Nam trả đũa, đàn áp giới luật sư chỉ vì đã công khai tố cáo việc khuất tất, hiển nhiên vi phạm pháp luật của các cơ quan an ninh điều tra trong các vụ án chính trị”, luật sư Mạnh viết.
VOA (14.11.2024)
Bộ trưởng Công an kiến nghị xử phạt nghiêm người tung tin giả ngay cả khi chưa gây hậu quả
Ảnh minh hoạ: Các nền tảng mạng xã hội phổ biến Reuters
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho rằng mức phạt 7,5 triệu đồng hiện nay đối với cá nhân đưa tin giả, tin sai sự thật chưa đủ răn đe và cần phải xử lý nghiêm hành vi như thế bất kể đã gây hậu quả hay chưa.
Báo mạng Công an nhân dân cho hay, hôm 12/11 Đại biểu Quốc hội có phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Đến phần về tin giả, người đứng đầu ngành công an thay mặt trả lời cho rằng, hành vi phát tán tin giả và tin sai sự thật lên mạng xã hội tác động tiêu cực tới tâm trạng xã hội cũng như tình hình an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế.
Nghị định 14/2022 của Chính phủ thay thế Nghị định số 15/2020, quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân đưa tin giả/ tin sai sự thật, tuy nhiên công an thường áp dụng mức phạt 7,5 triệu đồng. Theo ông Tam Quang mức tiền này chưa đủ sức răn đe người vi phạm.
Một luật sư nhân quyền ở trong nước, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho biết việc xác định thế nào là tin giả, tin sai sự thật cho đến hiện nay vẫn chưa chuẩn xác về mặt pháp lý. Ông viết trong tin nhắn gửi RFA:
“Nếu giao cho một cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tin đúng sự thật là gì, hoặc một cơ quan giám định tin nào là giả hoặc sai sự thật, thì cũng không giải quyết được vấn đề cốt lõi là tính chính xác của sự kiện mà tin đưa ra.
Có thể tin đúng thật, nhưng chính nhà nước chỉ đạo cấm đưa tin, thì tiếng nói của cơ quan có thẩm quyền không thể là tiêu chuẩn hoặc cơ sở để kết luận đâu là tin giả, tin sai sự thật.”
Ông cũng cho rằng việc không xem xét hậu quả xảy ra của hành vi sẽ đưa đến tình trạng lạm quyền, chủ quan và tuỳ tiện khi quyết định hình phạt, khiến luật pháp trở thành công cụ của cường quyền, buộc xã hội phải tuân thủ ý chí chủ quan của người thực thi pháp luật.
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Hoa Kỳ cho rằng từ trước đến nay công an xử phạt hành chính đối với các hành vi bị cho là đưa tin giả/ tin sai sự thật chưa bao giờ họ chứng minh hậu quả của hành vi.
Tuy nhiên, ngay cả khi có quyết định khởi tố hình sự, việc công an trưng cầu giám định của Sở Thông tin và Truyền thông hoàn toàn theo cảm tính vì đôi khi hậu quả xảy ra chỉ là “gây hoang mang dư luận” hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của các lãnh đạo.
RFA (13.11.2024)
Chính phủ Việt Nam bác bỏ việc bỏ tù bà Hoàng Thị Minh Hồng “mang động cơ chính trị”
Nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng Facebook Hong Hoang
Chính phủ Việt Nam gửi thư trả lời Liên Hiệp quốc (LHQ) khẳng định không đàn áp giới hoạt động bảo vệ môi trường và việc bỏ tù nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng do bà vi phạm pháp luật.
Ba báo cáo viên đặc biệt của LHQ vào tháng 7/2023 đã gửi Thư chung cáo buộc Việt Nam bắt giữ bà Hồng với cáo buộc “trốn thuế” mang động cơ chính trị và có liên quan đến việc nhà hoạt động môi trường này thực thi các quyền cơ bản.
Trong thư phản hồi vào ngày 1/11 và mới được công bố, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva bác bỏ cáo buộc Hà Nội đang đàn áp các nhà hoạt động vì môi trường và các tổ chức xã hội dân sự hoạt động về biến đổi khí hậu.
Việt Nam khẳng định rằng chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là chính sách nhất quán và các tổ chức xã hội dân sự được tham gia tham vấn chính sách, xây dựng luật, phản biện xã hội, khuyến nghị giải quyết các vấn đề về môi trường, cũng như theo dõi và giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.
Hà Nội nói bà Hồng và tổ chức CHANGE hoạt động suôn sẻ từ năm 2013, việc truy tố và tạm giam bà là do vi phạm pháp luật về thuế.
Thư cũng nói bà Hồng được bảo đảm mọi quyền lợi hợp pháp trong quá trình tố tụng và đã thừa nhận chỉ đạo nhân viên không xuất hóa đơn giá trị gia tăng hoặc kê khai thuế, qua đó trốn thuế với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng trong nhiều năm.
Hà Nội cũng nói sau khi bị kết án ba năm tù giam, bà Hồng không kháng cáo và tự nguyện khắc phục số tiền 3,5 tỷ đồng.
Phóng viên không thể liên lạc được với bà Hồng, người được phóng thích trước thời hạn ngay trước chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Tô Lâm cuối tháng 9 vừa qua.
Bình luận về việc Hà Nội chối bỏ hành vi đàn áp các nhà hoạt động chống biển đổi khí hậu, một nhà hoạt động nói với RFA trong điều kiện ẩn danh:
“Giới cầm quyền Việt Nam luôn trả lời với quốc tế là không đàn áp nhưng nhìn vào sự thật thì chúng ta thấy rõ. Không chỉ đàn áp giới hoạt động môi trường, chính quyền còn nhắm các nhà hoạt động xã hội dân sự, người hoạt động nhân quyền với những tội danh mơ hồ nào đó nhằm thoả mãn mục tiêu bắt giữ, giam cầm, vô hiệu hoá những người này.”
Bà Hồng là một trong sáu nhà hoạt động về môi trường bị cầm tù từ năm 2021 tới nay. Năm người bị cáo buộc trốn thuế, gồm: bà Hồng và bà Ngụy Thị Khanh, các ông: Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hồng Dương. Riêng bà Ngô Thị Tố Nhiên bị cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu.”
RFA (13.11.2024)
Thêm một nghị định vi Hiến, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận
„Điều 25 Hiến pháp CHXHCNVN quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Việc áp đặt nghị định 147/2024/NĐ-CP này rõ ràng là đã vi phạm Hiến pháp, mà Hiến pháp này cũng chính là do đảng cộng sản tự viết ra chứ chưa hề được người dân phúc quyết. Tức là họ đặt ra luật, và họ làm sai luật, chẳng khác nào pháp luật, Hiến pháp chỉ là tờ giấy lộn với nhà cầm quyền.“
Cảnh Chân
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP (ngày 9/11). Trong điểm e, khoản 3, điều 23, của nghị định này thì những tài khoản trong nước và xuyên biên giới phải được xác thực bằng số điện thoại Việt Nam hoặc định danh cá nhân mới được viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Nghị định có hiệu lực trong vòng 90 ngày, từ 25/12/2024. (1)
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu bắt buộc lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân).
Với nghị định mới này, tất cả các tài khoản mạng xã hội đều phải cung cấp thông tin người dùng tại Việt Nam. Đây rõ ràng là một phương thức bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người dân. Hiện nay các tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam đang bị theo dõi khắt khe với mục tiêu “chống diễn biến hòa bình”.
Nhà nước CSVN lo sợ người dân tiếp cận các thông tin phản biện rồi thấy được những sai trái của chế độ, cho nên họ tìm mọi cách bắt giam, đàn áp tất cả những tiếng nói bất đồng. Người dân muốn phản biện trên mạng xã hội buộc phải dùng các tài khoản ẩn danh để bảo đảm an toàn trước cường quyền. Nếu chính sách này được áp dụng, thì tương lai sẽ không còn tiếng nói phản biện của người dân trong nước nữa.
Điều 25 Hiến pháp CHXHCNVN quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Việc áp đặt nghị định 147/2024/NĐ-CP này rõ ràng là đã vi phạm Hiến pháp, mà Hiến pháp này cũng chính là do đảng cộng sản tự viết ra chứ chưa hề được người dân phúc quyết. Tức là họ đặt ra luật, và họ làm sai luật, chẳng khác nào pháp luật, Hiến pháp chỉ là tờ giấy lộn với nhà cầm quyền.
Trong một diễn biến có liên quan tới mạng xã hội, bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng vừa thừa nhận trước quốc hội về sự yếu kém của mạng xã hội do Việt Nam phát triển. Theo ông Hùng thì Việt Nam đã cấp phép cho gần 1000 mạng xã hội nội địa, nhưng tất cả cộng lại mới chỉ tương đương với những mạng lớn ở nước ngoài. Không rõ ông Hùng cho là tương đương ở mức độ người dùng thật, người dùng thường xuyên, hay chỉ là những tài khoản đăng ký ảo.
Nhưng ông bộ trưởng cũng nhìn nhận rằng dù tương đương nhưng chưa đủ sức nặng để cấm các mạng xã hội quốc tế. “Nếu mình không có mạng xã hội thay thế thì liệu mình có cấm được không? Nếu mình có mạng xã hội tương xứng trong tay, có lực lượng trong tay thì ảnh hưởng trong quá trình đàm phán của mình với mạng xã hội nước ngoài sẽ tốt hơn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích. (2)
Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho việc xây dựng mạng xã hội. Nhưng xu hướng chung là người dùng có nhu cầu được tự do tiếp cận thông tin mà không bị kiểm duyệt. Trong khi đó nhà nước CSVN lại tìm mọi cách để kiểm soát, quản lý từng cái tên, từng nút like, và bình luận trên mạng xã hội. Tất cả các mạng xã hội do Việt Nam phát triển đều phải được bộ Thông tin Truyền thông, công an, tuyên giáo coi qua, xét duyệt.
Bây giờ lại có thêm nghị định 147/2024/NĐ-CP thì lại càng là gánh nặng cho các nhà phát triển trong nước. Vì nghị định này rất khó áp dụng cho các mạng xã hội quốc tế như Youtube, X, Facebook. Mà đầu tiên nó sẽ áp dụng ngay cho các nhà mạng nhỏ mới thành lập tại Việt Nam. Thử hỏi giữa những mạng xã hội được tự do sử dụng mà không cần khai báo thông tin và những mạng mà tải app về phải đăng ký đủ thứ rắc rối thì người dân sẽ chọn bên nào. Đó là chưa kể nguy cơ bị theo dõi, lộ thông tin cá nhân của các nhà mạng nội địa Việt Nam.
Cảnh Chân
Tham khảo:
VNTB (13.11.2024)
Việt Nam yêu cầu các công ty mạng xã hội xác minh danh tính người dùng
Một người dùng mạng xã hội Facebook trên điện thoại của mình tại một quán cà phê ở Hà Nội, Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài xác minh tài khoản của người dùng và cung cấp danh tính của họ cho các cơ quan chức năng khi được yêu cầu, một động thái nhằm thắt chặt thêm nữa sự kiểm soát của chính quyền đối với các mạng xã hội trong nhiều năm qua.
Một nghị định mới được Chính phủ ban hành ngày 9/11 yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có lượng người truy cập trung bình từ 100.000 trở lên mỗi tháng phải tuân thủ quy định mới, theo VNews, trang Truyền hình Thông tấn của TTXVN.
Theo trang mạng này, Nghị định có tên 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng quy định rằng các công ty mạng xã hội phải “thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng” bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.
Vẫn theo VNews, trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, các công ty mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam về định danh và xác thực điện tử.
Cũng đưa tin về quy định mới, Thanh Niên trích dẫn Nghị định nói rằng: “Đảm bảo chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.”
Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12, theo VNews. Quy định mới được Truyền hình Thông tấn trích dẫn nói rằng các công ty nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có 90 ngày kể từ thời điểm Nghị định có hiệu lực để thực hiện việc xác thực thông tin người dùng. Quy định này cũng áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
VNews cho biết rằng việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc mã số định danh “sẽ giúp ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo, phát tán tin tức giả mạo… trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.”
Ghi nhận về phản ứng trong cộng đồng trước quy định mới, Thanh Niên cho biết Nghị định này đang được cộng đồng người dùng internet đặc biệt quan tâm.
Theo tờ báo này, nhiều người ủng hộ quy định mới vì cho rằng việc này có thể giảm thiểu lượng “tài khoản ảo” trên các nền tảng, từ đó hạn chế những bình luận tiêu cực hoặc đăng tải thông tin không chính xác. Tuy nhiên, vẫn theo Thanh Niên, quy định cũng khiến “nhiều người bối rối.”
Một quản trị viên của một nhóm hơn 2 triệu thành viên trên Facebook nói với Thanh Niên rằng một tính năng của Facebook vừa được Meta triển khai tại Việt Nam là cho phép người dùng bình luận ẩn danh. Theo người ngày, việc người dùng được bình luận ẩn danh sẽ hạn chế những công kích cá nhân và khuyến khích mọi người nêu quan điểm cá nhân nhiều hơn.
Trong khi đó, ông Mai Thanh Phú, chuyên gia cung cấp các dịch vụ trên mạng xã hội, nói với Thanh Niên rằng nghị định mới này có thể phù hợp với những mạng xã hội trong nước, nhưng với các nền tảng xuyên biên giới sẽ phức tạp hơn nhiều. Ông lưu ý rằng việc người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, du lịch, nếu không có số điện thoại sẽ gặp nhiều khó khăn, trong khi việc cung cấp các giấy tờ cá nhân như số định danh cá nhân luôn được họ cân nhắc kỹ lưỡng.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng hôm 12/11 kêu gọi các nền tảng mạng xã hội với “hàng tỷ người dùng phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật,” theo VietNamNet.
Ông Hùng nói như vậy khi trả lời chất vấn của một đại biểu Quốc hội về sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật, tạo ra những hệ lụy tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận, cạnh tranh khốc liệt với báo chính thống cả về thông tin và doanh thu.
Nhắc đến Nghị định vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, ông Hùng được VietNamNet trích lời nói rằng quy định mới “đã đưa vần đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam” trong khi trước đây chỉ quy định xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật hay tin giả.
Nghị định mới cũng yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ “phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ vào thời điểm bất kỳ,” theo Thanh Niên.
Facebook là mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam với khoảng 75 triệu người có tài khoản. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Meta, công ty quản lý mạng xã hội này, về những yêu cầu trong nghị định mới của Việt Nam.
Một ghi nhận của Reuters hồi đầu tháng này cho biết các công ty công nghệ Mỹ đã cảnh báo chính phủ Việt Nam rằng dự thảo luật thắt chặt các quy định về bảo vệ dữ liệu và giới hạn chuyển dữ liệu ra nước ngoài sẽ hạn chế các nền tảng truyền thông xã hội và các nhà điều hành trung tâm dữ liệu tăng trưởng làm ăn tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã từng yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông và internet tại đây phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng trên lãnh thổ Việt Nam nhưng sau đó đã bỏ quy định gây tranh cãi này hồi cuối năm 2018.
Việt Nam trong những năm gần đây đã ban hành một số quy định cùng với Luật An ninh mạng nhắm vào các nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài với mục tiêu chống lại thông tin sai lệch và buộc các công ty công nghệ nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
VOA (12.11.2024)
Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Đặng Đình Mạnh (thứ hai từ trái sang) và bốn luật sư khác bào chữa cho Thiền am bên bờ vũ trụ Facebook Manh Dang
Chính phủ Việt Nam gửi thư trả lời Liên Hiệp quốc (LHQ) phản bác cáo buộc “trả thù” đối với luật sư Đặng Đình Mạnh nhưng vị luật sư này nói Hà Nội không trung thực.
Thư trả lời đề ngày 01/11, hơn 20 tháng sau khi nhận Thư chung cáo buộc của ba báo cáo viên đặc biệt của LHQ về “trả thù” đối với luật sư Mạnh, một trong năm người bào chữa cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai (tức Thiền am bên bờ vũ trụ) trong vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ” năm 2022.
Đầu năm 2023, công an tỉnh Long An đã nhiều lần gửi giấy triệu tập cho ông Mạnh và đồng nghiệp Nguyễn Văn Miếng với lý do có tin báo tội phạm từ Cục An ninh mạng & Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05-Bộ Công an) nói rằng đã phát hiện hai luật sư này có hành vi phát tán trên mạng video clip hình ảnh, bài viết bị cho có dấu hiệu “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Trong thư gửi LHQ, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva nói chính quyền Việt Nam chưa khởi xướng bất kỳ cuộc điều tra hình sự hoặc hoạt động tố tụng nào đối với ông Mạnh và những cá nhân liên quan mà mới chỉ mời họ hợp tác cung cấp thông tin, làm rõ sự việc theo đúng luật pháp.
Chính phủ khẳng định việc ông Mạnh sợ bị bắt nếu đi gặp theo giấy triệu tập là không có căn cứ vì các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra và xác minh báo cáo, tuy nhiên chưa đưa ra bất kỳ kết luận chính thức nào, do đó không có cơ sở để bắt giữ hoặc truy tố.
Luật sư Mạnh không đồng ý với phản hồi của chính phủ nhưng không ngạc nhiên về việc Hà Nội phủ nhận việc điều tra hình sự đối với ông là hành vi trả đũa vì quá trình hành nghề luật sư của ông.
Vị luật sư từng bào chữa cho nhiều nhà hoạt động trong nhiều năm trước khi đào thoát sang tị nạn tại Mỹ nói với RFA trong ngày 12/11:
“Tôi là nạn nhân và là nhân chứng trong việc bị chính quyền Việt Nam trả đũa, đàn áp chỉ vì đã công khai tố cáo việc khuất tất của các cơ quan an ninh trong các vụ án chính trị, trong đó, gồm cả việc tố cáo Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Long An dàn dựng chứng cứ giả mạo để đàn áp tôn giáo đối với cơ sở tu tại gia Thiền am bên bờ vũ trụ.”
Trong thư gửi LHQ, Chính phủ Việt Nam nói rằng Cơ quan An ninh Điều tra đã ra quyết định tạm dừng điều tra tin báo tội phạm trong trường hợp của ông Mạnh từ ngày 03/06/2023. Tuy nhiên, ông Mạnh cho hay cơ quan này vẫn triệu tập hai luật sư khác trong nhóm sau ngày này.
RFA (12.11.2024)