Biển Đông: Ngoại trưởng Phi Luật Tân kêu gọi Mỹ giúp bảo toàn chủ quyền

Ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr. và đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân ngày 01/03/2019.US State Department – Ron Przysucha – Wikipedia

Phi Luật Tân kêu gọi Hoa Kỳ sử dụng uy lực để chủ quyền của các nước trong vùng Biển Đông được tôn trọng. Lời kêu gọi được ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr. đưa ra ngày 15/06/2019, sau khi tòa đại sứ Mỹ tại Manila lên tiếng về vụ tàu Trung cộng đâm tàu của Phi Luật Tân rồi bỏ chạy.

Theo thông tấn xã Phi Luật Tân PNA, ngoại trưởng Locsin so sánh : « Quyền tự do lưu thông ở Biển Đông không chỉ là quyền được đi lại trong sở thú, nơi đặt những chiếc lồng nhốt thú. Tự do hàng hải phải bao hàm mọi ý nghĩa, kể cả việc sẵn sàng sử dụng uy lực của Hoa Kỳ để bảo toàn chủ quyền của các nước Đông Nam Á ven Biển Đông trong vùng biển, bằng không thì đó là điều vô nghĩa ».

Phát biểu của ngoại trưởng Phi Luật Tân được cho là nhằm đáp lại thông cáo ngày 14/06 mang tính chung chung của tòa đại sứ Mỹ ở Manila về vụ đụng tàu Trung cộng đâm chìm tàu Phi Luật Tân ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), gần quần đảo Trường Sa.

Trong thông cáo, Mỹ tái khẳng định « lập trường rõ ràng về Biển Đông… ủng hộ việc sử dụng nguồn tài nguyên biển một cách hợp pháp, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, hòa bình và ổn định ».

Ngoại trưởng Locsin không ngần ngại nhắc lại vụ chính quyền Obama kêu gọi Phi Luật Tân và Trung cộng rút khỏi bãi cạn Scarborough trước đây : « Phi Luật Tân đã rút. Trung cộng thì ở lại. Còn Hoa Kỳ im lặng. Sự im lặng đó có nghĩa là đồng ý. Chúng ta đã mất (Scarborough). Dưới thời tổng thống Trump, điều này được cho là thay đổi. Các nhà ngoại giao hèn nhát của (chính quyền)Obama phải bị loại khỏi chính quyền Mỹ ».

Ngoài việc kêu gọi Mỹ ủng hộ chủ quyền của Phi Luật Tân ở Biển Đông, trên Twitter vào hôm nay 16/06, ngoại trưởng Locsin thông báo đã cho phép đại sứ quán Phi Luật Tân ở Luân Đôn gửi văn kiện « phản đối » đến Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Locsin cũng công bố một văn bản của chính phủ Manila gửi đến Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế khẳng định rằng các ngư dân Phi Luật Tân « đã bị (tầu Trung cộng) bỏ rơi một cách tàn nhẫn » và có thể đã bị thiệt mạng ngoài khơi nếu không được tàu cá của Việt Nam giúp đỡ.

RFI (16.06.2019)

Đảng Cộng sản Phi Luật Tân kêu gọi chống lại sự hiện diện của Tuần duyên Hoa Kỳ ở Biển Đông

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 14/6/2019 và được Tuần duyên Phi Luật Tân công bố hôm 15/6/2019 cho thấy các ngư dân tàu cá Phi Luật Tân bị tàu Trung cộng đâm chìm   AFP

Đảng Cộng sản Phi Luật Tân (CPP) hôm 13/6 kêu gọi người dân Phi Luật Tân chống lại kế hoạch của Tuần duyên Hoa Kỳ triển khai tàu tuần duyên đến Biển Đông và gọi đây là việc can thiệp trực tiếp về quân sự vào vấn đề nội bộ của Phi Luật Tân.

Việc triển khai ngày càng nhiều Hàng không mẫu hạm, tàu chiến và tuần duyên đến Biển Đông và biển Phi Luật Tân là một phần trong chiến lược địa chính trị của chủ nghĩa đế quốc Mỹ nhằm đạt được sự kiểm soát chắc chắn với các tuyến đường thương mại, cùng với mục đích để đạt được lợi thế trước Trung cộng”, tuyên bố của CPP được đăng tải trên trang web của tổ chức này có đoạn viết.

Tuyên bố của CPP đưa ra vào giữa lúc có những căng thẳng tại khu vực Biển Đông đang tranh chấp giữa Trung cộng và một số nước láng giềng bao gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan.

Hôm 11/6, bà Linda Fagan, Phó đô đốc, Tư lệnh Vùng Thái Bình Dương của Tuần duyên Hoa Kỳ cho hay Tuần duyên Mỹ đã điều hai tàu là USCGC Bertholf và USCGC Stratton đến tham gia cùng Hạm đội 7 của Mỹ đóng ở Yokosuka, Nhật Bản. Mục đích là để giúp các nước trong khu vực thực thi pháp luật, xây dựng năng lực trong hoạt động nghề cá. Bà Fagan cũng cho biết Tuần duyên Hoa Kỳ đang theo dõi các hoạt động xâm lấn của lực lượng dân quân biển Trung cộng ở khu vực Biển Đông.

RFA (15.06.2019)

Dân Phi Luật Tân chê trách Trung cộng khuất tất trong vụ chìm tàu ở Biển Đông

Ngư dân kéo tàu F/B Gem-Vir bị hư hại vào bờ ở Barangay San Roque, San Jose, Occoroental Mindoro hôm 15/6/2019. (Ảnh: Walter Bollozos)

Dân Phi Luật Tân mới đây đã chỉ ra hành vi khuất tất của chính quyền Trung cộng trong việc biện minh cho tàu cá Trung cộng trong vụ đánh chìm tàu Phi Luật Tân và bỏ mặc ngư dân, những người may mắn được tàu cá Việt Nam cứu sống.

Sự việc xảy ra đêm Chủ nhật (9/6) ở gần rạn san hô Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trong khu vực Biển Đông. Vài ngày sau, hôm 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana đã lên án hành vi “hèn nhát” của tàu Trung cộng và cảm ơn tàu Việt Nam đã giải cứu ngư dân Phi Luật Tân.

Vào khoảng 9:20 tối thứ Sáu, ngày 14/6, tòa Đại sứ Trung cộng tại Manila đã đăng trên Facebook một bản tuyên bố về vụ việc. Qua đó chính quyền Trung cộng đưa ra một phiên bản khác về vụ chìm tàu Phi Luật Tân.

Trong tuyên bố này, Trung cộng thừa nhận một tàu Trung cộng có liên quan đến sự việc, nhưng nói rằng chiếc tàu đã bị “bao vây bởi 7 hoặc 8 tàu đánh cá Phi Luật Tân”, khiến tàu Trung cộng phải từ bỏ nỗ lực giải cứu ngư dân Phi Luật Tân khỏi chiếc tàu bị chìm.

Trong một cuộc phỏng vấn với Rappler, thuyền trưởng tàu Gem-Vir của Phi Luật Tân lập tức phủ nhận câu chuyện của Trung cộng. Ông nói rằng, chỉ có tàu của ông ở đó chứ không có tàu Phi Luật Tân nào khác.

Giới chức Phi Luật Tân cũng nhanh chóng chỉ ra những điểm vô lý trong lời thanh minh của Trung cộng.

Thượng nghị sĩ Phi Luật Tân Risa Hontiveros cho rằng việc tàu Trung cộng “vô tình” đánh chìm tàu cá Phi Luật Tân vì “bất ngờ bị 7-8 tàu cá Phi Luật Tân bao vây” là vô lý. Một điều đáng kinh ngạc không kém là cái cớ mà tàu Trung cộng thất bại trong việc giải cứu ngư dân là vì họ “sợ bị bao vây”?

“Điều thứ hai là, nếu có 7 đến 8 tàu đánh cá Phi Luật Tân trong khu vực, tại sao ngư dân của chúng ta được người Việt giải cứu?” bà Risa nói.

Ngư dân Phi Luật Tân của tàu F/B Gem-Vir được tàu Việt Nam giải cứu, được chuyển sang tàu Phi Luật Tân, sau đó được đoàn tụ với gia đình vào ngày 14/6/2019 (Ảnh: Rappler)

Vài giờ sau khi đăng tuyên bố nói trên vào tối thứ Sáu, tòa Đại sứ Trung cộng đã gỡ bỏ tuyên bố này khỏi Facebook. Không rõ liệu tuyên bố này đã bị xóa hay tạm thời bị ẩn.

Việc xóa bỏ tuyên bố đã thu hút sự chú ý từ người Phi Luật Tân trên mạng xã hội, làm dấy lên những suy đoán rằng Trung cộng đang rút lại lời biện minh của mình, theo Rappler.

Tuy nhiên, tòa Đại sứ Trung cộng đã đăng lại tuyên bố này trên Facebook vào khoảng 11:44 sáng thứ Bảy ngày 15/6.

Đáp lại hành vi khuất tất từ chính quyền Trung cộng, Thượng nghị sĩ Phi Luật Tân Francis Pangilinan nhạo báng trên Twitter: “Phiên bản sự kiện của họ là giả, cũng như yêu sách lãnh thổ của họ”.

Đại Kỷ Nguyên (16.06.2019)

Hải quân Phi Luật Tân bác tuyên bố của Trung cộng, khẳng định chỉ có tàu Việt Nam cứu ngư dân

Junel Insigne (giữa), thuyền trưởng tàu cá Phi Luật Tân bị tàu Trung cộng đâm chìm. Ảnh: Rappler.

Hải quân Phi Luật Tân bác bỏ lời thanh minh của Bắc Kinh và khẳng định tàu cá Việt Nam đã giải cứu ngư dân Phi Luật Tân sau khi tàu cá bị tàu Trung cộng đâm chìm ở Biển Đông, Thanh niên cho biết.

“Đó là tàu cá Việt Nam giải cứu ngư dân của chúng tôi, chứ không phải tàu cá Phi Luật Tân như phía Trung cộng tuyên bố. Không có sự hiện diện của bất kỳ tàu cá Phi Luật Tân nào vào thời điểm xảy ra vụ chìm tàu cá Gem-Ver 1 ở Biển Đông tối 9.6”, phát ngôn viên Hải quân Phi Luật Tân, đại tá Jonathan Zata nói, theo tờ The Philippine Star ngày 16.6.

“Nếu như có tàu cá Phi Luật Tân thì vụ việc sẽ được báo cho Hải quân và chúng tôi có hành động phản ứng ngay lập tức. Chỉ có tàu cá Việt Nam đến giải cứu các ngư dân Phi Luật Tân”, ông Zata nhấn mạnh.

Tuyên bố được đưa ra sau khi tòa Đại sứ Trung cộng ở Manila công bố kế quả điều tra sơ bộ, xác nhận tàu cá Yuemaobinyu 42212 từ tỉnh Quảng Đông đã tham gia vào “hoạt động kéo lưới” ở khu vực xung quanh bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào ngày 9.6.

Tòa Đại sứ Trung cộng nói rằng tàu 42212 “bất ngờ bị 7 hoặc 8 tàu Phi Luật Tân bao vây” và “trong lúc sơ tán, dây cáp thép trên mạng lưới thắp sáng của tàu va chạm với buồng lái của tàu Gem-Ver 1”.

“Thuyền trưởng Trung cộng đã cố cứu ngư dân Phi Luật Tân, nhưng sợ bị các tàu Phi Luật Tân khác bao vây. Vì vậy, khi xác định được những ngư dân đó được các tàu Phi Luật Tân khác cứu, tàu 42212 mới rời khỏi hiện trường“, Đại sứ quán Trung cộng tuyên bố trong thông cáo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana trước đó đã khẳng định trong lúc đang neo đậu thì tàu cá Gem-Ver 1 bất ngờ bị tàu cá Trung cộng đụng vào, khiến tàu bị chìm.

Chúng tôi lên án hành động của tàu Trung cộng vì lập tức rời khỏi hiện trường, bỏ rơi 22 ngư dân Phi Luật Tân. Chúng tôi cảm ơn thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của tàu Việt Nam vì đã cứu mạng sống của 22 ngư dân Phi Luật Tân”, Bộ trưởng Lorenzana nhấn mạnh.

“Nếu không có các ngư dân Việt Nam ở đó, chúng tôi đã chết hết rồi”, thuyền trưởng tàu Gem-Ver 1, ông Junel Insigne nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABS-CBN.

Sputnik (16.06.2019)

Hải Quân Nhật tập phối hợp tác chiến với Mỹ ở Biển Đông

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan cùng hoạt động bên cạnh tàu chở trực thăng Nhật Bản JS Izumo (p) tại Biển Đông ngày 11/06/2019.JMSDF/U.S. Navy/Handout via REUTERS

Trong ba ngày, từ 10-12/06/2019, Hải Quân Nhật Bản đã phái tàu chiến lớn nhất của mình, chiếc trực thăng mẫu hạm JS Izumo, đến Biển Đông tham gia tập trận chung với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan. Đây là cuộc tập trận mới nhất, thuộc loại rầm rộ nhất của Hải Quân Nhật Bản với đồng minh Hoa Kỳ trên vùng biển mà Trung cộng tự nhận là có chủ quyền và đang áp đặt quyền khống chế.

Chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 12/06 đã lồng sự kiện này trong một chuỗi cuộc tập trận của Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng hợp đồng tác chiến với Hải Quân Mỹ, đặc biệt là tại địa bàn nóng hiện nay là Biển Đông.

Theo thông cáo ngày 11/06 của bộ phận thông tin của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan, tham gia tập trận cùng với Hàng không mẫu hạm Mỹ, ngoài chiếc Izumo, Hải Quân Nhật Bản còn cử thêm hai khu trục hạm khác JS Murasame (DD-101) and JS Akebono (DD-108). The Diplomat còn trích dẫn Hạm Đội 7 của Mỹ cho biết thêm là có 5 phi cơ quân sự cũng tham gia đợt thao diễn.

Nhât báo Japan Times, trong bài viết về cuộc tập trận, cho biết là trong số các bài tập, có những nội dung rèn luyện kỹ năng hợp đồng chiến đấu cả trên biển lẫn trên không.

Mỹ Nhật tập trận để dự phòng Trung cộng

Cuộc tập trận hải quân chung Mỹ-Nhật tại Biển Đông lần này đã nối tiếp theo một loạt những cuộc tập trận song phương Mỹ-Nhật, cũng như là đa phương có sự tham gia tích cực của hai nước. Trong bối cảnh đó, theo báo Japan Times, có rất nhiều khả năng là Bắc Kinh xem đó là những động thái chống lại Trung cộng, đang muốn mở rộng tầm hoạt động của họ cả Biển Đông lẫn Thái Bình Dương.

Như một sự trùng hợp, Hải Quân Mỹ-Nhật đã khởi động cuộc tập trận ở Biển Đông đúng vào thời điểm Trung cộng cho Hàng không mẫu hạm duy nhất đang hoạt động của họ là chiếc Liêu Ninh băng qua Eo biển Miyako, nằm giữa đảo Miyako và đảo chính Okinawa của Nhật Bản để ra Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Japan Times nhắc lại rằng, để mở rộng tầm khống chế của mình, Trung cộng cũng đã cho xây dựng một loạt tiền đồn quân sự ở Biển Đông, trong đó có những hòn đảo nhỏ bên trên có sân bay dùng được vào mục tiêu quân sự và các loại vũ khí tiên tiến.

Trung cộng tuyên bố là những công trình đó chỉ nhằm mục tiêu phòng thủ, nhưng một số chuyên gia thì thấy rằng đó là những cơ sở nhằm phục vụ mục tiêu khống chế vùng biển trong thực tế, bất chấp việc các láng giềng của Trung cộng như Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Brunei và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền trong khu vực, trong lúc Hải Quân các nước Mỹ, Trung cộng, Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á khác đều thường xuyên hoạt động tại nơi này.

Dấn thân vào Biển Đông: Mỹ số một, Nhật Bản số hai

Ngay sau Mỹ, Nhật Bản đang nổi lên là một quốc gia ngoài vùng Biển Đông đang tích cực can dự vào việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực, dù không có tranh chấp lãnh thổ nào ở trong vùng.

Quyết tâm của Nhật Bản phản ánh trước hết qua việc tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông về mặt quân sự. Chỉ tính riêng trong năm 2019 này, chiến hạm Nhật Bản đã tham gia hàng loạt cuộc tập trận song phương và đa phương với các đồng minh và đối tác.

Theo ghi nhận của The Diplomat, từ 02-08/05/2019, trực thăng mẫu hạm Izumo và khu trục hạm Murasame của Nhật đã tham gia một cuộc diễn tập hải quân đa phương cùng với các chiến hạm Mỹ, Phi Luật Tân và Ấn Độ tại Biển Đông, trong một sự kiện được đánh gia là “có ý nghĩa nhất” trong thời gian gần đây.

Ngay sau đó, hai tàu chiến Nhật Bản đã tiếp tục tiến xuống phía nam Biển Đông, thao diễn chung với khu trục hạm Mỹ USS William P. Lawrence, tại eo biển Malacca, cửa ngõ từ Ấn Độ Dương đi vào Biển Đông.

Tần suất tập trận chung Mỹ Nhật tại Biển Đông ngày càng tăng

Từ cuộc tập trận song phương Mỹ Nhật đầu tiên tại Biển Đông vào năm 2015 đến nay, tần suất các cuộc thao diễn chung giữa hai quốc gia đồng minh ngày càng tăng, song song với các mối lo ngại ngày càng nhiều về các hoạt động của Trung cộng ở vùng biển tranh chấp.

Riêng tại Biển Đông, theo ghi nhận của The Diplomat, dù không theo chân Washington tham gia hay tự mình thực hiện các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải, Tokyo thường xuyên cho chiến hạm của mình tháp tùng theo và tập trận với Hải Quân Hoa Kỳ.

Izumo sẽ lại ghé cảng Việt Nam

Sắp tới đây, hoạt động của Hải Quân Nhật tại Biển Đông nói riêng, và tại Ấn Độ-Thái Bình Dương nói chung sẽ được tăng cường thêm, với chiến dịch triển khai thường niên của trực thăng mẫu hạm Izumo và khu trục hạm Murasame đã bắt đầu từ ngày 30 tháng 4 và sẽ kéo dài cho đến 10 tháng Bảy.

Trong khuôn khổ chiến dịch triển khai này, một thông cáo của Hải Quân Nhật Bản ngày 05/06 cho biết là tàu Izumo sẽ ghé cảng Việt Nam trong tháng này, thời điểm và cảng ghé thăm chưa được xác đinh rõ, nhưng giới quan sát cho rằng Izumo sẽ ghé Cam Ranh.

Một chi tiết đáng chú ý là sự hiện diên hầu như thường xuyên của trực thăng mẫu hạm Izumo trong các cuộc tập trận, một mình hay kèm theo hải đội tác chiến bao gồm hai khu trục hạm Murasame và Akebone, cùng với năm phi cơ quân sự.

Luyện cách dùng Hàng không mẫu hạm và phối hợp với đồng minh

Theo giới quan sát, từ khi chính phủ Nhật Bản quyết định bật đèn xanh cho việc biến hai chiếc tàu chở trực thăng Izumo và Kaga thành hàng không mẫu hạm thực thụ, chở theo các chiến đấu cơ hiện đại F-35B có khả năng cất cánh lên thẳng, việc tập huấn cho thủy thủ đoàn của các chiếc Hàng không mẫu hạm tương lai của Nhật đã trở thành cấp bách.

Bên cạnh đó, Hải Quân Nhật Bản cũng đẩy mạnh những hoạt động hợp tác với các nước khác như Việt Nam, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Pháp, Úc để tạo tiền đề cho việc phối hợp khi cần thiết.

RFI (14.06.2019)

Biển Đông: Trung cộng thanh minh về vụ đâm chìm tàu cá Phi Luật Tân

Bản đồ cho thấy Bãi Cỏ Rong, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, đang có tranh chấp với Trung cộng.

Trước thái độ càng lúc càng phẫn nộ của công luận Phi Luật Tân, Trung cộng đã phải lên tiếng thanh minh về vụ tàu cá của họ đâm chìm tàu cá Phi Luật Tân ở khu vực Bãi Cỏ Rong gần Trường Sa (Biển Đông) rồi bỏ chạy. Ngày 14/06/2019, tòa đại sứ Trung cộng tại Manila đã xác nhận rằng tàu Trung cộng quả thực là đã đâm vào một tàu đánh cá của Phi Luật Tân hôm 09/06 vừa qua, nhưng phủ nhận cáo buộc rằng đó là một hành vi « đâm rồi bỏ chạy ».

Trong bản thông cáo công bố khuya hôm qua, đại sứ quán Trung cộng cho biết là chiếc tàu cá Trung cộng mang tên Việt Mậu Tân Ngư 422012 (Yuemaobinyu) đã đâm vào tàu cá của Phi Luật Tân, rồi sau đó đã phải rời đi vì lo ngại cho an toàn của mình.

Sự vụ xẩy ra tại khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Phi Luật Tân, nhưng bị Trung cộng đòi chủ quyền, nằm ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa (Biển Đông).

Bản thông cáo khẳng định là « Thuyền trưởng trên tàu Trung cộng đã tìm cách giải cứu ngư dân Phi Luật Tân, nhưng lại sợ bị các tàu đánh cá khác của Phi Luật Tân bao vây ». Theo bản thông cáo thì tàu Trung cộng bị từ « 7 đến 8 tàu cá Phi Luật Tân vây quanh ».

Theo tòa đại sứ Trung cộng tại Manila, sự việc không hề là một vụ « đâm chìm rồi bỏ chạy » như nhiều giới chức Phi Luật Tân từng tuyên bố, vì trước khi bỏ đi, tàu của Trung cộng đã thấy được việc các ngư dân Phi Luật Tân đã được giải cứu.

Theo hãng tin Pháp AFP, lời thanh minh của Trung cộng khác xa với lời kể của 22 ngư dân trên chiếc tàu cá Phi Luật Tân bị đâm chìm. Nhũng người này cho biết họ đã phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ trước khi được một tàu cá Việt Nam đến vớt và đến thứ Sáu mới được một tàu Hải Quân Phi Luật Tân đưa về nhà.

Từ lúc được tiết lộ, sự cố ở Bãi Cỏ Rong đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong công luận Phi Luật Tân, đặc biệt trong dân chúng và giới chính khách đối lập, đã liên tiếp lên tiếng đòi chính quyền phải có phản ứng cứng rắn trước hành vi « dã man » của tàu Trung cộng.

Theo hãng AFP, dân biểu đối lập Francis Pangilinan vào hôm nay đã cho rằng lời thanh minh của Trung cộng cũng « giả mạo giống như yêu sách chủ quyền » của Trung cộng trên Biển Đông. Ông kêu gọi chính quyền phải đứng lên chống lại Bắc Kinh.

Cho đến hôm nay, tổng thống Phi Luật Tân Duterte chưa hề lên tiếng về sự việc liên quan đến Trung cộng ở Bãi Cỏ Rong.

Ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin trong tuần cho biết là đã gởi công hàm ngoại giao phản đối Trung cộng. Tuy nhiên, hôm thứ Năm 13/06 vừa qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Cảnh Sảng đã phản pháo lại, cho rằng vụ việc ở Bãi Cỏ Rong chỉ là một « tai nạn thông thường trên biển », và chính quyền Phi Luật Tân đã có thái độ vô trách nhiệm khi « chính trị hóa vụ việc mà không cần xác minh ».

RFI (15.06.2019)

Liên tiếp chiến hạm Nhật Bản, Canada, Pháp thăm Việt Nam

© AFP 2019 / Toshifumi Kitamura

Trong nửa đầu tháng 6, các cảng biển Việt Nam liên tiếp đón tàu hải quân hiện đại của các nước Pháp, Canada, Nhật Bản đến thăm. Ngày 14/6, tàu hộ vệ trực thăng JS IZUMO 183 và tàu khu trục JS MURASAME 101 của Hải quân Nhật Bản cùng hơn 700 sĩ quan, thủy thủ đoàn do Chuẩn Đô đốc Hiroshi Egawa, Chỉ huy Đội tàu Hộ vệ số 1 làm trưởng đoàn đã cập cảng Quốc tế Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam và giao lưu với Hải quân Việt Nam đến ngày 17/6.

JS Murasame

Chuyến thăm Việt Nam của hai tàu Hải quân Nhật Bản lần này nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội và Hải quân hai nước Việt Nam-Nhật Bản.


Trước đó, ngày 10/6, tàu khu trục HMCS Regina và tàu tiếp vận hậu cần NRU Asterix của Hải quân Hoàng gia Canada cùng hơn 300 sĩ quan và thủy thủ đoàn đã cập cảng Quốc tế Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam và giao lưu với Hải quân Việt Nam.

Đây là chuyến thăm nằm trong chương trình hoạt động của Hải quân Canada để trao đổi với Hải quân các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giúp củng cố khả năng thực hiện các hoạt động chung hiệu quả với các quốc gia đối tác.

Từ 28/5 – 3/6, tàu hộ tống phòng không mang tên FORBIN, số hiệu D620 của Hải quân Pháp do Đại tá Thomas Frioli làm Thuyền trưởng cùng 199 thủy thủ đoàn (gồm 29 sĩ quan và 170 hạ sĩ quan, chiến sĩ) đã cập cảng Hiệp Phước, TP Sài Gòn đã thực hiện chuyến thăm xã giao Việt Nam và Quân chủng Hải quân tại TP Sài Gòn.

Đây là lần thứ 22 tàu Hải quân Pháp đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm xã giao lần này nhằm hiện thực hóa kế hoạch hợp tác quốc phòng Việt – Pháp năm 2019; thúc đẩy quan hệ giữa hải quân hai nước, góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương cũng như quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp.

Trong thời gian diễn ra chuyến thăm, nhóm chỉ huy tàu đã đến chào xã giao lãnh đạo Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Thủy thủy đoàn sẽ giao lưu thể thao với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân.

Sputnik (15.06.2019)

Trung cộng nói không đâm tàu cá Phi Luật Tân rồi bỏ chạy, Duterte vẫn im tiếng

Tổng thống Rodrigo Duterte không đề cập gì đến vụ tàu cá Phi Luật Tân bị đâm chìm hôm Chủ nhật trong bất kì bài phát biểu dài và không chuẩn bị sẵn nào của ông kể từ khi đó.

Trung cộng bác bỏ cáo buộc của Phi Luật Tân rằng một tàu cá Trung cộng đã bỏ mặc 22 người Phi Luật Tân sau khi đâm chìm tàu của họ ở Biển Đông, trong khi áp lực gia tăng đối với Tổng thống Rodrigo Duterte để đưa ra giọng điệu cứng rắn hơn.

Tòa Đại sứ Trung cộng tại Manila nói “Không có chuyện đâm rồi bỏ chạy,” , và sẽ xử lý vấn đề “một cách nghiêm túc và có trách nhiệm.”

Vụ đâm tàu diễn ra vào Chủ nhật gần Bãi Cỏ Rong, nơi có trữ lượng khí đốt chưa được khai thác mà tòa án trọng tài quốc tế năm 2016 phán quyết Phi Luật Tân có quyền chủ quyền để khai thác.

Vấn đề có thể làm phức tạp những nỗ lực đầy quyết tâm của ông Duterte nhằm xây dựng mối quan hệ vững mạnh với Trung cộng, bất chấp sự nghi ngờ sâu sắc trong bộ máy quốc phòng của ông liên minh với Mỹ. Họ vẫn cảnh giác về việc Trung cộng quân sự hóa hàng hải và điều mà họ coi là Trung cộng bắt nạt và không cho Manila tiếp cận trữ lượng dầu khí ngoài khơi của chính mình.

Ông Duterte không đề cập đến vụ việc hôm Chủ nhật trong bất kỳ bài phát biểu dài và không chuẩn bị sẵn nào của ông kể từ khi đó. Bộ trưởng quốc phòng, chỉ huy hải quân và phát ngôn viên của ông đều công khai tố cáo tàu cá Trung cộng và bộ trưởng ngoại giao của ông cho biết đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh.

Phát ngôn viên của tổng thống, Salvador Panelo, không trả lời yêu cầu bình luận về tường thuật của Trung cộng về sự kiện này, theo Reuters.

Thượng nghị sĩ phe đối lập Risa Hontiveros hôm thứ Bảy kêu gọi hạ cấp quan hệ song phương và cho biết sự phủ nhận của Trung cộng là “phi lý” và chuyện mà Trung cộng kể là vô nghĩa.

“Không có gì làm yên lòng công chúng hơn là nhìn thấy và nghe thấy tổng thống của chính họ, người được xem là kiến trúc sư của chính sách đối ngoại của đất nước, nói với họ rằng ông kiểm soát được tình hình,” bà Hontiveros nói.

Vụ việc hôm Chủ nhật là vụ đối đầu mới nhất liên quan đến đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung cộng, mà các chuyên gia cho rằng đã được dùng để hoạt động như lực lượng dân quân của Bắc Kinh và tăng cường sự hiện diện của lực lượng bảo vệ bờ biển liên tục trong vùng biển mà Trung cộng cũng có tranh chấp với Mã Lai, Đài Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân và Brunei.

VOA (15.06.2019)

Ngư dân Phi Luật Tân phản đối tàu cá Trung cộng đánh bắt ngao khổng lồ ở Scarborough

Tàu cá Trung cộng tràn ngập bãi Scarborough hôm tháng 4/2017 (ảnh tư liệu)

Bắc Kinh bỏ ngoài tai việc Manila phản đối và yêu cầu ngư dân Trung cộng ngừng đánh bắt ngao khổng lồ tại bãi cạn Scarborough, một nhóm ngư dân Phi Luật Tân cho hay hôm thứ Sáu 14/6, vào lúc căng thẳng song phương lại gia tăng vì vụ một tàu đánh cá Trung cộng bị nghi là đã làm chìm một tàu đánh cá của Phi Luật Tân.

Theo Nards Cuaresman – chủ tịch hội ngư dân địa phương ở thị trấn Masinloc ở Zambales, một tỉnh gần Biển Đông – dân quân biển Trung cộng sử dụng chân vịt gắn trên thuyền nhỏ để phá san hô và đào bới trong vùng biển rộng 150 km vuông. Sau đó người ta đưa các con ngao lên một con tàu lớn hơn.

“Họ cũng dùng cả búa chìm. Họ đập nát các rạn san hô chỉ để lấy ngao khổng lồ. Nếu chính phủ không làm gì đó, thì trong hai năm tới, tất cả các dải san hô và quần thể ngao khổng lồ sẽ biến mất”, ông nói.

Bất chấp lời phản đối ngoại giao của Phi Luật Tân hồi đầu năm nay, ông Cuaresman cho biết, lực lượng dân quân biển Trung cộng vẫn tiếp tục đánh bắt ngao trong bãi cạn được Trung cộng gọi là đảo Hoàng Nham, còn Phi Luật Tân gọi là bãi Pantag.

Hơn nữa, trái với những gì chính phủ Trung cộng nói, Cuaresman cho biết ngư dân địa phương không thể tự do đánh cá ở bãi cạn, vì cảnh sát biển Trung cộng luôn ngăn chặn và sách nhiễu họ.

“Thuyền đánh cá nhỏ của chúng tôi chỉ có thể lẻn vào nếu thời tiết xấu”, ông nói.

Manila trước đó đã phản đối sự hiện diện của hơn 200 tàu Trung cộng từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay ngoài khơi đảo Pag-asa (Thị Tứ) hiện do Phi Luật Tân kiểm soát ở Biển Đông.

Cũng như Phi Luật Tân, Việt Nam tuyên bố chủ quyền một phần về Biển Đông, trong khi Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền không thể tranh chấp” và xây dựng các đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự và phi đạo. Đài Loan, Brunei và Mã Lai cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực này.

(South China Morning Post, Inquirer.net)

VOA (15.06.2019)