Người Mỹ gốc Việt bị tuyên 12 năm tù tội ‘âm mưu lật đổ chính quyền’
Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Ông Michael Phương Minh Nguyễn sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam sau khi mãn hạn 12 năm tù
Phiên xét xử sơ thẩm Việt Kiều Mỹ, ông Michael Phương Minh Nguyễn cùng 3 bị cáo người Việt khác kết thúc trong sáng 26/4 với kết quả ông Micheal Phương Minh Nguyễn bị tuyên 12 năm tù giam và sẽ bị trục xuất sau khi hoàn thành án tù.
Ông Michael đã bị tạm giam gần một năm trước khi bị đem ra xét xử.
Ông Huỳnh Đức Thanh Bình 10 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Ông Trần Long Phi 8 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Ông Huỳnh Đức Thịnh (cha ông Bình): 1 năm tù giam.
Ông Michael, ông Bình và ông Phi chịu chung cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Điều 1, Khoản 109 Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam.
Ông Huỳnh Đức Thịnh bị cáo buộc ‘không tố giác tội phạm’ theo điều 1, khoản 309 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
‘Án quá nặng’?
Trao đổi với Mỹ Hằng của BBC hôm 24/6, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người được chỉ định bào chữa cho ông Huỳnh Đức Thanh Bình, cho hay mức án được tuyên đối với các bị cáo là quá nặng dù không đủ bằng chứng.
“Các án mà tòa đưa ra là quá nặng so với hành vi của ác bị cáo. Các bị cáo có ý thức về vấn đề biểu tình nhưng không có một bằng chứng gì là họ dùng vũ khí để chống lại các lực lượng chức năng.”
“Căn cứ duy nhất mà tòa đưa ra là email đầu tiên của người khởi xướng phong trào là ông Lê Quốc Phong, trong đó có nói đề cập tới việc dùng vũ lực. Nhưng ông Phong đã bỏ trốn từ lâu.”
“Ví dụ như trường hợp của ông Thịnh là bố ông Bình, ông ấy không hề biết gì về việc làm của con mình, chỉ nghe phong thanh vậy thôi nhưng thay vì án treo, tòa tuyên ông 1 năm tù.”
Theo quan sát của luật sư Miếng, thái độ của ông Michael Phương Minh Nguyễn tại tòa rất ‘điềm đạm’. Và cũng như các bị cáo khác, ông Michael ‘khai nhận tất cả những gì ông làm’.
“Ông Michael nói rằng ông ấy sống ở Mỹ từ nhỏ, không am hiểu pháp luật và văn hóa Việt Nam, nhưng ông rất có tấm lòng với quê hương đất nước. Ông nói ông không biết hành vi muốn giúp ích cho quê hương của ông lại vi phạm pháp luật Việt Nam.”
Luật sư Miếng cũng cho hay bị Huỳnh Đức Thanh Bình nói rằng ông ý thức được hành vi ‘kích động biểu tình là vi phạm pháp luật Việt Nam’, nhưng ông Bình cho rằng việc ông làm “sẽ mang lại lợi ích cho quê hương, đất nước”, đồng thời đề nghị tòa xem xét giảm hình phạt để có thể sớm trở về gia đình.
Theo luật sư Miếng, trong hầu hết các vụ án an ninh, tòa Việt Nam đều đưa ra các mức án quá nặng. Ông Miếng cho rằng tinh thần của tòa có thể là để ‘răn đe’ các công dân, nhưng thực sự không có tác dụng.
“Các bị cáo tại tòa hôm nay đều nói họ không quan tâm đến án tù nặng hay nhẹ mà cái họ ý thức được là những việc họ làm sẽ mang lại lợi ích cho quê hương, đất nước,” luật sư Miếng cho hay.
BBC đã liên hệ với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam để hỏi về phản ứng trước án tù dành cho ông Michael Phương Minh Nguyễn, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Báo Việt Nam nói gì?
Bản quyền hình ảnh FRIENDS OF MICHAEL NGUYEN/ CHANGE.ORG Image caption Ông Michael Phương Minh sinh sống cùng gia đình ở Quận Cam, California, Hoa Kỳ
Tờ Pháp luật TP Sài Gòn hôm 24/6 tường thuật nhận định của Hội đồng Xét xử rằng hành vi của ông Michael Phương Minh Nguyễn và các đồng phạm “là đặc biệt nghiêm trọng gây nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sự tồn tại vững mạnh của chính quyền nhân dân và nhà nước cần phải xử lý nghiêm”.
Theo hồ sơ vụ án, ông Michael Phương Minh Nguyễn và các đồng phạm được cho là đã thành lập tổ chức “Quốc nội quật khởi” và “lập kế hoạch mua vũ khí, lôi kéo người tham gia biểu tình…”
Các bị cáo bị cáo buộc ‘có tư tưởng chống lại nhà nước Việt Nam từ đầu năm 2017’ và đã sử dụng các tài khoản Facebook và thư điện tử để ‘câu kết’ với ‘người nước ngoài’ để trao đổi về tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam.
Ông Michael Phương Minh Nguyễn bị cáo buộc gặp các đồng phạm tại nhà ông Nguyễn Đức Thịnh vào 30/6/2018 để chuẩn bị truyền đơn, bom xăng để ‘tấn công lực lượng công an’.
Bắt người không thông báo?
Theo thông cáo báo chí của gia đình sau khi ông Michael Phương Minh Nguyễn bị bắt năm ngoái, ông Michael sinh sống ở Quận Cam, bang California, về Việt Nam hôm 27/6/2018 và dự định sẽ quay trở lại Hoa Kỳ vào 26/7/2018.
Tuy nhiên, lần cuối cùng gia đình liên lạc được với ông là hôm 6/7/2018.
Ông Michael thường xuyên chia sẻ các bài viết của giới bất đồng chính kiến về hiện tình đất nước trên mạng xã hội.
Ông là một doanh nhân 54 tuổi, có vợ và bốn con gái nhỏ. Ông cũng hay về Việt Nam để thăm viếng người thân bạn bè.
Hôm 2/8/2018, phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ Pope Throwers cho BBC biết “đã nắm được thông tin từ truyền thông về một công dân Hoa Kỳ đang bị bắt giữ ở Việt Nam. Sự an toàn và an ninh của công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài là ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.”
Tháng 11/2018, bốn Dân biểu Liên bang Alan Lowenthal, Lou Correa, Ed Royce và Mimi Walters đã viết thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo, kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ tìm mọi cách để đưa ông Michael Phương Minh Nguyễn trở về một cách an toàn.
BBC (24.06.2019)
Phúc trình của Mỹ: Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhóm tôn giáo chống đối
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scott Busby gặp gỡ các thành viên Hội đồng Liên tôn tại chùa Giác Hoa, Tp. HCM, ngày 13/5/2019. Photo Facebook Hội Bảo vệ Quyền tự do Tôn giáo
Chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhóm tôn giáo mà họ không thừa nhận hoặc có hoạt động chống đối, bản phúc trình về tự do tôn giáo thế giới trong năm qua do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố hôm 21/6 cho biết.
Phúc trình 2018 liệt kê một loạt các vụ việc mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho là bằng chứng cho thấy Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng đối với các nhóm tôn giáo từ Giáo hội Phật giáo Thống nhất, Công giáo, Tin Lành, đến Phật giáo Hòa Hảo ..v..v..
Thứ nhất, trong lĩnh vực đăng ký hoạt động, phúc trình thừa nhận Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng có hiệu lực đầu năm 2018 đã rút ngắn thời gian một nhóm tôn giáo chờ đợi để được công nhận ở cấp độ quốc gia và địa phương từ 23 năm xuống còn 5 năm.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói Luật này dù cho phép các tổ chức tôn giáo được các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo phù hợp với pháp luật nhưng vẫn tạo điều kiện để nhà nước kiểm soát các hoạt động tôn giáo và hạn chế các quyền tự do tôn giáo trên danh nghĩa ‘an ninh quốc gia’ và ‘đoàn kết xã hội’.
Các lãnh đạo tôn giáo, nhất là những giáo phái không có giấy chứng nhận đăng ký hay không được công nhận, tiếp tục bị nhiều hình thức đàn áp, từ tấn công bạo lực, bắt giữ, truy tố, giám sát hạn chế đi lại, tịch thu hay hủy hoại tài sản và nhất là bác bỏ hoặc không phản hồi hồ sơ xin đăng ký hay công nhận, phúc trình cho biết.
Báo cáo dẫn chứng trường hợp sáu tín đồ Phật giáo Hòa hảo độc lập ở An Giang bị kết án tù hồi tháng 2 về tội ‘chống đối người thi hành công vụ’ và những vụ sách nhiễu nghiêm trọng đối với các tín đồ Tin lành ở Tây Nguyên, những người H’mong theo đạo Tin Lành ở Tây Bắc và các tín đồ Công giáo ở tỉnh Nghệ An. Giáo dân ở tỉnh miền Trung này, theo phúc trình, bị các thành viên Hội Cờ Đỏ thân chính quyền, quấy rối.
Phúc trình cho biết các giới chức địa phương sử dụng các quy định của nhà nước và địa phương để làm chậm lại, tước đi tính hợp pháp, hay bóp nghẹt các hoạt động tôn giáo của những nhóm nào kháng cự lại sự can thiệp sâu của chính quyền vào việc sắp xếp lãnh đạo, các chương trình tập huấn, các buổi hội họp và các hoạt động khác.
“Chính quyền nói rằng họ tiếp tục giám sát hoạt động của một vài nhóm tôn giáo bởi vì những nhóm này hoạt động chính trị và viện dẫn các điều luật về an ninh quốc gia và đoàn kết trong Hiến pháp và Bộ Luật Hình sự để vô hiệu các điều luật và các quy định về tự do tôn giáo,” phúc trình viết.
Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn chứng các trường hợp chính quyền địa phương ngăn trở các buổi tập hợp của tín đồ và ngăn không cho các nhóm Công giáo và Tin Lành truyền đạo cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Bắc.
“Truyền thông nhà nước và các trang web ủng hộ chính quyền đôi khi đánh đồng các giáo phái Công giáo là ‘tổ chức ly khai’ và buộc tội họ về những xáo trộn chính trị, kinh tế và xã hội, nhất là ở những vùng xa xôi nơi có đông đảo người dân tộc thiểu số. Các trang web này liên tục cáo buộc các nhóm tôn giáo này là ‘bình phong’ hay ‘công cụ’ của ‘các thế lực thù địch hoạt động chống lại nhà nước’, ‘phá vỡ tinh thần đoàn kết’, ‘hủy hoại nền văn hóa Việt Nam’ và cảnh báo công chúng đừng để bị ‘lường gạt’.”
Vẫn theo phúc trình, những người tu tập theo Pháp Luân Công, một giáo phái xuất phát từ Trung Hoa lục địa, đã bị chính quyền sách nhiễu ở nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước. Theo đó, chính quyền yêu cầu họ rời khỏi công viên hoặc những nơi công cộng mà họ tập hợp và họ còn bị người dân xung quanh ném mắm tôm vào người.
Chính quyền Việt Nam cũng bị cáo buộc là không cho tù nhân được quyền thực hành niềm tin tôn giáo của mình, với dẫn chứng là trường hợp trại giam Nam Hà thuộc huyện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, tiếp tục không cho linh mục vào thăm viếng tù nhân Công giáo Hồ Đức Hòa viện lý do ‘không có cơ sở vật chất phù hợp trong trại giam để thực hiện nghi thức tôn giáo’
Tuy nhiên, phúc trình cũng chỉ ra những diễn biến tích cực như lầu đầu tiên kể từ năm 1998, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã về cư trú ở một ngôi chùa trực thuộc Giáo hội sau khi Ngài bị đuổi khỏi Thanh minh Thiền viện dưới sức ép của chính quyền. Ngoài ra, chính quyền cũng cho phép Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam sống những ngày cuối đời ở Tổ đình Từ Hiếu để thực hiện ước nguyện ‘lá rụng về cội’ của ông. Những vị khách đến thăm ông, bao gồm các nhà ngoại giao và các quan chức cấp cao, kể cả Đại sứ Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh, đều không gặp trở ngại gì.
Trong khi đó, các nhóm Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài có đăng ký và được thừa nhận không gặp những khó khăn như thế, vẫn theo phúc trình. “Truyền thông đưa tin về các nhóm tôn giáo có đăng ký tổ chức những nghi lễ của họ mà không gặp trở ngại gì,” phần trình bày về Việt Nam trong phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2018 của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
VOA (23.06.2019)
Việt Nam bị hạ cấp trong báo cáo buôn người 2019 của Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong buổi công bố Báo cáo Buôn người 2019 tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 20 tháng 6, 2019.
Mỹ hạ cấp Việt Nam xuống nhóm các nước cần được theo dõi về tình trạng buôn người trong một báo cáo mới công bố, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam bị đưa vào nhóm này kể từ năm 2012.
Việt Nam là một trong số 38 nước được liệt kê trong Danh sách Theo dõi Bậc 2 của Báo cáo Buôn Người 2019 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm thứ Năm. Cấp độ này thấp hơn Bậc 2 và Bậc 1 nhưng cao hơn Bậc 3.
Các nước nằm trong Bậc 2 được định nghĩa là “chưa đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu cho việc bài trừ nạn buôn người nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để đạt được điều đó.” Trong trường hợp của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ nói chính phủ nước này đã “không cho thấy những nỗ lực tổng quát gia tăng so với giai đoạn báo cáo trước đây.”
“Việt Nam xác định số lượng nạn nhân buôn người ít hơn đáng kể so với nhưng năm trước. Các nỗ lực chấp pháp bị ngăn trở bởi việc hoãn thi công bố những chỉ dẫn thi hành chính thức đối với Điều 150 và 151 của Bộ luật Hình sự,” báo cáo viết.
Báo cáo cũng chỉ ra “sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan” và “sự thiếu kiến thức” của một số quan chức tỉnh đối với luật chống buôn người và việc bảo vệ nạn nhân “tiếp tục cản trở” những nỗ lực chống buôn người. Báo cáo nói thêm chính phủ cũng không báo cáo bất kì cuộc điều tra, việc truy tố, hay việc kết tội các quan chức đồng lõa trong các vụ phạm tội buôn người.
“Do đó Việt Nam bị hạ cấp xuống Danh sách Theo dõi Bậc 2,” Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Chưa có phản hồi chính thức nào từ Việt Nam nhưng trước đây Việt Nam từng nói báo cáo này của Mỹ có những nhận xét “không khách quan.”
Trong phần khuyến nghị ưu tiên, Mỹ hối thúc Việt Nam huấn luyện các quan chứ về việc thi hành các chỉ dẫn cho Điều 150 và 151 của Bộ luật Hình sự, “với trọng tâm là xác định và điều tra nạn lao động cưỡng bức và những vụ buôn người trong nước, bao gồm những vụ có nạn nhân là nam.”
Mỹ cũng kêu gọi Việt Nam chấm dứt việc bắt những người trong trại cai nghiện tham gia lao động cưỡng bức và cho phép xác minh độc lập tập tục này đã chấm dứt.
Philippines là nước duy nhất ở Đông Nam Á được xếp ở Bậc 1. Tuy nhiên báo cáo lưu ý các nước Bậc 1 không phải là không có buôn người hay đang làm đủ để giải quyết vấn đề này, mà là chính phủ các nước này đã có nỗ lực giải quyết vấn đề để đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu theo Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người của Mỹ.
VOA (23.06.2019)
Ngược đãi tù chính trị
Nếu so những gì mà người tù có tên Hồ Chí Minh đã viết bằng thơ chữ Hán “獄中日記”- Ngục trung nhật ký” mô tả cảnh nhà lao của tù chính trị, thì xem ra với những người tù hôm nay ở Việt Nam, họ thảm hại hơn nhiều.
Tình cảnh của nhiều ‘tù chính trị – tù nhân lương tâm’
Những người lên tiếng phản biện mạnh mẽ thể chế chính trị độc tài toàn trị ở Việt Nam, thường phải chịu án hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, theo Bộ Luật hình sự 2015. “Tù nhân lương tâm” là cụm từ quen dùng thay cho “tù chính trị” trong những bản án đó.
Trong một chia sẻ trên trang facebook tài khoản của bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của nhà báo Trương Minh Đức [http://bit.ly/2WVIof1], thì tình cảnh hiện tại ở chốn lao tù của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức là khốn cùng vì bị ngược đãi.
“Anh Đức nói em về kêu gọi nhờ mọi người
và em làm đơn lên Bộ Công an, lên các cơ quan nhân quyền, các Đại sứ Quán trong
và ngoài nước… gấp. Bây giờ các anh em trong này toàn là lớn tuổi, bệnh nhiều
mà nắng nóng khắc nghiệt thế này, quạt điện thì không có, số anh em bị huyết áp
tim mạch, dễ chết bất cứ lúc nào… Tôi nhìn thấy chồng đi mà đau lòng nước mắt
không cầm được. Anh đi không nổi…”. Trích chia sẻ của bà Nguyễn Kim Thanh.
Theo lời bà Thanh, các quản giáo nơi đây đổ thừa hoàn cảnh do quạt bị hư hỏng,
thêm vào đó là tiền điện lại tăng cao nên
tất cả phải tiết kiệm điện.
“Anh Đức kể anh cùng nhiều bạn tù khác nói với quản giáo là sẳn sàng phụ với trại giam khoản tiền điện cho sử dụng quạt, nhưng họ vẫn không đồng ý. Anh Đức cùng một số người tù đã tuyệt thực phản đối trại giam ngược đãi, họ vẫn không đáp ứng về quạt ở mùa nắng nóng đầy khắc nghiệt của miền bắc”. Bà Thanh thuật lại, và kể thêm rằng bà cùng bè bạn sẽ hùn tiền để mua quạt máy gửi vào tặng nhà giam để tù nhân có cái để xài ở mùa nắng nóng, nhưng thiện ý này cũng bị công an nơi đây từ chối.
Đó là tra tấn
Ngày 28-11-2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13, về thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn).
Ở Điều 1 của Công ước chống tra tấn, cho biết thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn, hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba; hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện; hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba; hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức.
Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp.
Điều 2 của Công ước chống tra tấn, ghi: “Không có bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ nào, cho dù là trong tình trạng chiến tranh, hoặc đang bị đe doạ bởi chiến tranh, mất ổn định chính trị trong nước hoặc bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào có thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn. Mệnh lệnh của quan chức hay của cơ quan có thẩm quyền cấp trên không thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn”.
Trách nhiệm của Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong thực thi công vụ
Ông Trương Minh Đức hiện thi hành án tại trại giam số
6, Thanh Chương, Nghệ An. Với những gì mà bà Nguyễn Kim Thanh tường thuật, trước
mắt có thể thấy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong thực thi điều
khoản của Công ước chống tra tấn: “Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng
giáo dục và tuyên truyền về nghiêm cấm hành động tra tấn được đưa đầy đủ vào
chương trình đào tạo các quan chức thực thi pháp luật, các nhân viên dân sự,
quân sự, y tế, công chức và những người khác mà có thể liên quan đến việc giam
giữ, thẩm vấn hoặc đối xử với bất kỳ cá nhân nào bị bắt, giam giữ hay cầm tù dưới
bất kỳ hình thức nào”. (Điều 10.1)
Trong một chia sẻ với giới truyền thông quốc tế, điều phối viên Hội Cựu tù nhân Lương tâm, ông Phạm Bá Hải nhìn nhận Việt Nam luôn luôn nói rằng họ tuân thủ các tiêu chuẩn cư xử nhân đạo với các tù nhân trong hệ thống nhà tù Việt Nam.
“Nhưng đặc biệt với kinh nghiệm, chúng tôi thấy rằng đối với những tù chính trị có sự phân biệt đối xử và sự ngược đãi rất rõ ràng. Những tù nhân chính trị không nhận tội đều bị giam giữ ở một điều kiện rất khắc nghiệt. luôn luôn dễ dàng bị vi phạm, bị kỷ luật; và ép buộc những người tù này nếu muốn có môi trường sinh hoạt trong tù thoải mái hơn, muốn có điều kiện gặp gỡ thân nhân thoải mái hơn thì phải nhận tội. Hoặc những người tù này khi bị bệnh tật sẽ được điều trị tốt hơn nếu nhận tội. Đây là việc làm hoàn toàn vi phạm một cách trắng trợn tiêu chuẩn cư xử nhân đạo đối với tù nhân, đặc biệt là tù nhân lương tâm”.
Những địa chỉ cần biết để ‘gõ cửa’
Phản biện về thể chế chính trị độc đảng toàn trị, kêu gọi sự cạnh tranh công bằng
trong quản trị quốc gia… là những điều mà các tù nhân lương tâm luôn tin rằng
đó không thể là điều có tội, không thể là điều vi phạm pháp luật.
Trên quy mô toàn cầu, bên cạnh hoạt động của các tổ chức NGO (non-governmental organization – tổ chức phi chính phủ) về quyền con người, như Amnesty International, HRW, FIDH (thường bao gồm cả hoạt động trong lĩnh vực chống tra tấn), có những tổ chức, mạng lưới tổ chức chỉ tập trung vào chống tra tấn hoặc bảo vệ nạn nhân của tra tấn như Hiệp hội Quốc tế phòng chống tra tấn (Association for the Prevention of Torture – APT), Tổ chức thế giới chống tra tấn (World Organisation Against Torture – OMCT), Hội đồng quốc tế tái hòa nhập nạn nhân tra tấn (International Rehabilitation Council for Torture Victims – IRCT), Liên minh các NGO quốc tế chống tra tấn (Coalition of International NGOs Against Torture – CINAT), REDRESS…
Đó là những địa chỉ mà gia đình, thân nhân hoặc bè bạn của các tù nhân, đặc biệt
là đối với ‘tù chính trị – tù nhân lương tâm’, có thể tìm đến để lên tiếng cho
quyền lợi của người thân đang bị ngược đãi, bị tra tấn trong chốn lao tù.
Trúc Giang (VNTB -22.03.2019)