Sao chữ Việt Cộng không dùng mà đồ ăn Việt Cộng thì ăn nhiều vậy?

Ngọc Lan

“Lạy trời cho con ăn nói cẩn thận để không bị gán là Việt Cộng.”

“Sao chữ Việt Cộng không dùng mà đồ ăn Việt Cộng thì ăn nhiều vậy?” là lời bình luận của một độc giả ghi bên dưới bài hướng dẫn về cách làm món “Gà chiên nước mắm” đăng trên trang Người Việt Online.

Thoạt đầu, khi đọc câu nhận xét trên, tui cảm thấy thiệt là khó chịu. Nhất là khi vị độc giả đó còn bồi thêm một câu nữa, rằng thì là “Món ăn này là của Việt Cộng mà, thời VNCH làm gì có món ăn này.”

Bực bội, nhưng làm báo cũng như làm dâu trăm họ, thôi thì nhịn, như kiểu ông bà mình vẫn dạy “một câu nhịn, chín câu lành,” nên tức lắm thì cũng mang ra để nói với bạn bè, người quen biết xung quanh nghe thôi.

Thế nhưng, đôi ba tuần sau, dưới bài hướng dẫn “Cách làm bánh chuối nướng” thì có người lại nhận xét: “Trước năm 1975 chỉ có bánh chuối hấp thôi, làm gì có bánh chuối nướng. Bánh chuối nướng là của mấy người cộng sản nằm vùng ở Cà Mau làm gửi vào chiến khu cho mấy ông cộng sản trong rừng ăn.”

Ui chu choa ơi, ta nói khí xung thiên muốn bốc lên đầu. Giờ muốn gì?

Hết bắt bẻ chữ nghĩa Việt Cộng, giờ lại quay sang chĩa luôn vô cái bao tử là sao?

Uống một hơi ba ly nước đá, ăn hai cái cánh gà chiên nước mắm, rồi nhai luôn một miếng bánh chuối. Cơn giận tan biến.

Ngẫm nghĩ. Mà, hình như ông này nói đúng.

“Sao chữ Việt Cộng không dùng mà đồ ăn Việt Cộng thì ăn nhiều vậy?”

Ừ hén. Ông này nói đâu có sai!

Hơn bốn mươi năm nay, người Việt hải ngoại cứ bắt bẻ, vặn vẹo nhau mãi về chuyện “xài chữ Việt Cộng.” Mà với nhiều người ở lứa tuổi 40-50 bây giờ đôi khi họ chẳng thể nào phân biệt được chữ nào là chữ Việt Cộng, chữ nào là chữ Việt Nam.

Bởi, khi được cha mẹ sanh ra hay lúc mới bắt đầu xách cặp đi học, thì họ đã nghe người xung quanh nói như vậy. Sự việc đó, hiện tượng đó, cảm xúc đó, tâm trạng đó được mặc định, được diễn tả, được bày tỏ, được định nghĩa bằng những con chữ đó. Người khác nói, họ hiểu. Họ nói, người khác hiểu. Giao tiếp trong xã hội chỉ cần thế là đủ. Nghe. Hiểu. Cảm thông.

Lon ton qua đến đây, mở miệng nói chuyện, vô tình trúng ngay những chữ mà người xưa không biết, là bị quýnh ngay cho một câu “đồ Việt Cộng.” Thiệt là tá hỏa lồng đèn!

Nhưng rồi thì, sống đâu quen đó. Ngôn ngữ tự thân nó là sinh ngữ, là sự biến đổi từng ngày, hàm cả ý nghĩa sinh sôi nảy nở. Cứ nhìn vào các quyển tự điển mà xem, cuốn sau luôn dày hơn cuốn trước, bởi chữ nghĩa được sản sinh ra mỗi lúc một nhiều. Và cũng phải chấp nhận một điều rằng ở đâu quen đó, sinh đâu nói đó.

Ở đây người ta không nói “Mùa Thu này con đăng ký học ESL ở trường Golden West,” thì mình sẽ tập mà thay bằng “Mùa Thu này con ghi danh học ESL ở trường Golden West.”

Người ta không thích nghe “Tôi bức xúc với kiểu chia ‘thơn’ của bà chủ tiệm nail,” thì mình tránh bằng cách nói “Tôi bực tức/ấm ức/ với kiểu chia ‘thơn’ của bà chủ tiệm nail.”

Thì tàm tạm cố gắng học theo vậy, chứ làm sao mà có thể nói hết như người xưa được. Mà cũng đừng tưởng nói tiếng xưa cỡ thời Hồ Biểu Chánh là an toàn, là không bị “đập” nha.

Nhớ có lần trong một bài báo viết về một nghệ sĩ nổi tiếng đã có tuổi nhưng lại vào một vai diễn của thiếu nữ đôi mươi, tác giả đã dùng chữ “khiên cưỡng” để nói về sự việc này. Thế là một số độc giả nhiều tuổi nhưng không nhiều chữ đã phán ngay “chữ Việt Cộng,” mà không hề biết rằng chữ đó có từ hồi nảo hồi nao rồi.

Hay có khi tờ báo dùng chữ “đàn hặc” trong bài viết để nói đến chuyện mấy ông tai to mặt lớn cỡ tổng thống mà phạm tội thì có thể bị “đàn hặc,” thì cũng có người “chửi” liền “Sao xài chữ Việt Cộng?” Thiệt là tội nghiệp cho cả đôi bên.

Đó là chưa kể, hơn bốn thập niên rồi, một đứa bé chào đời cách đây 40 năm nay đã đùm đề con cái rồi, thì hỏi xã hội cũng phải biến đổi như thế nào. Chữ nghĩa cũng theo thời cuộc đó mà đổi thay.

Nhưng, quay trở lại. Chữ nghĩa ngôn từ thì bà con cứ mà tha hồ “độp” nhau như thế để chứng minh lòng ái quốc và minh định ranh giới Việt Nam-Việt Cộng. Vậy còn những thứ khác thì sao? Món ăn, thức uống, bản nhạc, đồ dùng?

Để coi, như vị độc giả trên nói, cánh gà chiên nước mắm, bánh chuối nướng là của Việt Cộng. Vậy ai ăn món đó thì có phải cũng là “đồ Việt Cộng” giống như khi mở miệng nói “bức xúc, sự cố, tin khẩn, nhập viện, ùn tắc, tư vấn…” hay không?

(Mà mở ngoặc chỗ này một chút, những người chưa từng ở Việt Nam thời đại này sẽ không thể hiểu được trọn vẹn ý nghĩa chữ “ùn tắc” đâu nha, bởi xe cộ chạy trên đường phố ngày nay và ngày xưa là khác nhau vời vợi như đứa trẻ ngày còn mặc tã và người trung niên biết khoác đủ thứ bộ cánh lên người vậy đó. Cho nên mang hình ảnh đứa bé ra để mà bàn luận khi người ta nay đã lớn là kỳ lắm.)

Hoặc ăn các loại thức ăn chế biến ngày nay, nào là ốc hương nướng bơ tỏi, ốc móng tay nướng tiêu đen, phở trộn, phở khô, gà chiên xôi phồng, tôm bọc cốm xanh, bánh tráng trộn, khô gà, bánh rau câu flan cheese,… có bị nhìn bằng ánh mắt hằn học, xoi mói như khi mở miệng nói những câu chữ chỉ có sau cột mốc 1975 không?

Nói thì không được nói “chữ Việt Cộng” nhưng ăn, uống, hát, xài đồ của Việt Cộng, hay nói nhẹ nhàng hơn là của người Việt sau 1975 thì sao ta?

Thiệt là phân vân quá đi! 

Ngọc Lan (05.11.2017)

(Người Việt)

***

Giáo sư Huỳnh Chiếu Đẳng phản biện: 

Cô hay Anh Ngọc Lan đừng coi đây là chuyện đúng đắn nghe, chỉ là chuyện đùa chơi cho vui.

Chuyện liên hệ tới chánh trị thì tôi không rớ tới nơi đây đâu. 


Hôm qua mới đọc mấy câu đầu, tôi nghĩ bài không do một người viết mà là cả một “tổ” viết ra, tôi lạnh tay. Không phải vì sợ “phản biện” không lại một “chùm người”. Nhưng sợ mất thì giờ với những vị được trang bị tận răng và …, đã “nhuần nhuyễn” vũ khí keyboard “xuyên suốt sợi chỉ đỏ”. Thấy tên Ngọc Lan thì tạm gọi là cô đi.

Tôi già khú, nhưng không hiểu sao đọc cái nhan đề thôi đã thấy rằng cô cũng “nhuần nhuyễn” chủ thuyết Mắt Lê lắm. Khoan tôi không nói cô là Cộng Sản đâu nghe. Tôi cũng “học tập” được nhiều như cô mà.

Nói dong dài e các bạn chưa thấy, nói thẳng băng như thế này: Chữ Việt Cộng là do Bác và Cán Bộ truyền xuống dạy nhăn răng (nhăn răng = quần chúng, đói nhăn răng) Lâu ngày nghe mấy cái loa Phường trên cột đèn, trên TV, trên radio, trên phim ảnh, đọc báo chí, … ra rả ngày đêm, nên đâm ra lậm luôn mà không hay. Nên người dân giờ đây dùng chữ của Bác và đảng thì không đáng trách.

Sở dĩ tôi nói cô nhuần nhuyễn Mác Lê, là vì cô thấy cái gì hay của thiên hạ là hốt hết mang về.

Ừ mà cũng không hẳn chỉ có Mác Lê mới làm vậy, có những “chủ nghĩa” danh chính cùng mình, cũng đã làm từ hơn ngàn năm nay rồi. Cô thử kể cho tôi coi mấy món bánh trái thực phẩm nêu tên trong bài của cô là do Bác do đảng hay do Lãnh Tụ Cán Bộ nào sáng chế ra coi. Không có vị nào sáng chế mấy món ăn này hết.

Đó là công “nghiên cứu” sưu tầm của người Việt mình khi đất nước không còn chiến tranh bom đạn. Cô nói mấy món này trước 75 không có, đúng rồi, không có. Lúc đó ai cũng lo chạy giặc, đâu giống ngày nay hết sợ bom rơi đạn lạc, hết sợ đêm khuya bị lôi ra bờ ruộng chặt đầu bằng mã tấu.


Cô tự trách mình rằng sao né chữ Việt Cộng mà lại thích ăn bánh trái thực phẩm Việt Cộng. Cô cứ ăn thả giàn đừng mặc cảm. Mấy món đó đâu phải của Việt Cộng đâu.

Chuyện rõ ràng minh bạch như vậy mà sao không vị nào nhìn thấy mới là lạ.

Tóm một câu: Chữ kỳ quái là do Việt Cộng (cán bộ, lãnh tụ, chủ tịch, bí thư…) dạy nhăn răng.

Nhăn răng né không học không theo, nên bị nhồi sọ ngày đêm, 40 năm cũng thấm. Còn bánh trái thức ăn không có món nào của Việt Cộng chế ra hết, mà là của người Việt sáng chế ra. Nếu cô Ngọc Lan “phản biện” tôi thì cô trưng bằng chứ đi.


Những chữ này có khi nói tắt kỳ cục dễ sợ. Hỏi nhỏ cô chớ cô ăn bánh trái “Việt Cộng” thấy ngon, còn cô viết và dùng những “từ” do Bác và Đảng dạy cô có thấy nó hay hay không?

Còn bằng chứng của tôi thế này: những năm sau 1975, thỉnh thoảng TV đang chiếu phim đen trắng, thình lình bị “đứt phim” trên màn ảnh hiện ra hàng chữ “Vì sự cố, đài tạm ngưng chiếu phim trong giây lát”.

Đa số người xem, có cả ba má tôi đều ngơ ngác, không biết lý do “sự cố” là lý do gì. Chữ sự cố không do người Việt sáng tác ra đâu, mà do Việt Cộng sáng chế.

Còn bánh trái thực phẩm cô kể không phải của Việt Cộng mà là của người dân trong nước sáng tạo ra, họ không phải là Việt Cộng như cô gán cho họ đâu. Không tin cô thử hòi một người đang ở Saigon hay Lục Tỉnh coi họ có phải là Việt Cộng hay không. Đa số trả lời không phải.


Biếu cô danh sách một số “từ” của quí vị cầm đồ, quên cầm quyền thường nói và đọc trong cách bài “phát biểu”, đọc trên TV, trên radio và báo chí. Có những chữ chỉ xài một thời nay thấy quái gở, mười hai con giáp chẳng giống ai nêm “tự kiểm duyệt đụt bỏ” rồi. Coi vậy chớ họ cũng còn biết mắc cở như cô khi ăn bánh phải không? Mong những chữ này xuất hiện trong các bài cô viết cho bà con đọc chơi.

– Khẩn trương để thay cho nhanh lên.
– Xưởng đẻ thay cho nhà bảo sanh.
– Nhà ỉa để thay cho cầu tiêu.
– Chùm ảnh để thay cho một loạt những hình ảnh, một vài hình ảnh.
– Anh muốn quản lý đời em thay vì anh muốn về chung sống với em; anh muốn lấy/cưới em.
– Tham quan để thay cho du ngoạn, thăm viếng.
– Sự cố thay cho trở ngại, trục trặc.
– Tranh thủ thay cho cố gắng, ráng lên.
– Anh muốn liên hệ tình cảm với em để thay anh muốn làm quen với em, muốn kết bạn với em.
– Căn hộ thay cho căn nhà.
– Tư liệu thay cho tài liệu.
– Đại trà để thay cho cỡ lớn, quy mô.
– Đại táo để thay cho nấu ăn tập thể, ăn chung.
– Kênh phát sóng thay cho Đài: Đài Fox News, Đài CNN, Đài Số 5, Đài SBTN…
– Phi Khẩu Tân Sơn Nhất thay cho Phi Cảng Tân Sơn Nhất (khẩu là cửa sông chính để ra vào, không thể dùng cho một phi trường được).
– Trời hôm nay có khả năng mưa thay vì hôm nay trời có thể mưa.
– Người dân địa phương chủ yếu là người H’mong Hoa – thay cho Dân địa phương phần lớn là người H’mong Hoa.
– Đồng Bào Dân Tộc để thay cho Đồng Bào Sắc Tộc. (Dân tộc là People, Sắc Tộc là Ethnic).
– Lính gái thay cho nữ quân nhân.
– Thu nhập thay cho lợi tức (lợi tức mỗi năm, mỗi tháng, lợi tức tính theo đầu người v.v..) Thuế lợi tức (income tax).
– Vietnam Air Traffic Management ngày xưa chúng ta dịch là: Quản Trị Không Lưu Việt Nam, ngày nay cán ngố VC dịch là: Trung Tâm Quản Lý Bay Dân Dụng Việt Nam!!! Thật điên đầu và không hiểu gì cả!
– Đầu Ra, Đầu Vào (input, output) để thay cho Xuất Lượng và Nhập Lượng.
– Rất ấn tượng thay vì đáng ghi nhớ, đáng nhớ.
– Đăng ký thay vì ghi tên, ghi danh, đăng bạ.
– Các anh đã quán triệt chưa? thay vì các anh đã hiểu rõ chưa?
– Học tập tốt thay vì học giỏi.

Tôi còn nhớ sau ngày cộng quân cưỡng chiếm Miền Nam, trong khi chờ đợi lệnh “học tập cải tạo” của Ủy Ban Quân Quản, nghe bài diễn văn của Phạm Văn Đồng mà vừa buồn vừa xấu hổ cho bọn lãnh đạo Miền Bắc, nào là:


 Học tập tốt, lao động tốt, báo cáo tốt, tư tưởng tốt, quán triệt tốt, quản lý tốt, quy hoạch tốt, sản xuất tốt, quan hệ tốt, cảnh giác tốt… cái gì cũng tốt.


Chỉ còn thiếu: Ăn tốt, đái tốt, ngủ tốt, ỉa tốt nữa là xong! Vào tù chúng tôi cứ than thở với nhau “Nó ngu dốt thế mà nó thắng mình mới đau chứ!” Ôi! Quân Hung Nô tràn vào Trung Hoa!


– Doanh nghiệp để thay cho công ty (công ty là một hình thức tổ hợp, hùn vốn để kinh doanh.

Còn doanh nghiệp giống như thương nghiệp là nghề nghiệp kinh doanh, buôn bán, nông nghiệp là làm nông, ngư nghiệp là đánh cá).


Ngày hôm nay tại Việt Nam hai chữ doanh nghiệp được dùng lan tràn để thay thế cho hai chữ công ty.


Sau đây mà một mẩu tin ngắn của tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn “Hội chợ A&F Expo 2005 sẽ diễn ra tại TPHCM trong năm ngày, từ ngày 6 đến 104-2005 với 100 doanh nghiệp xuất khẩu tham dự.”

– Tiêu dùng thay vì tiêu thụ.

– Cây xanh thay vì cây (cây nào mà lá chẳng xanh? Nói thêm chữ xanh là thừa. Nếu tìm hiểu kỹ hơn nữa thì tại Hoa Kỳ này chúng ta thấy có khá nhiều cây lá màu nâu, nâu đậm. Nếu nói cây xanh là sai. Nói cây là bao gồm tất cả rồi. Xin mấy ông bà ở hải ngoại đừng bắt chước VC dùng hai chữ cây xanh).

– Quan chức để thay cho viên chức. Thật quái gở nếu ở hải ngoại này chúng ta đưa tin như sau “Một số vị lãnh đạo các đoàn thể và cộng đồng tị nạn đã gặp gỡ một số quan chức ở Bộ Ngoại Giao.”

– Xử lý thay vì giải quyết, chấn chỉnh, tu sửa v.v… Vì VC ngu dốt, thiếu chữ cho nên cái gì cũng dùng hai chữ xử lý:

Bộ điều khiển trong máy điện tử cũng gọi là bộ xử lý.

Bác sĩ giải phẫu được một ca khó khăn cũng nói là xử lý.

Giải quyết giấy tờ, hồ sơ, đơn khiếu nại của dân chúng cũng gọi là xử lý.

Bỏ tù người ta “mút mùa lệ thủy” cũng gọi là xử lý thích đáng!

– Bài nói thay vì bài diễn văn.
– Người phát ngôn thay cho phát ngôn viên.
– Bóng đi rất căng thay vì quả banh / bóng đi rất mạnh.
– Cú sốc thay vì bàng hoàng, kinh hoàng.
– Tình hình căng lắm thay vì tình hình căng thẳng. Tiếng Mỹ căng như sợi dây căng (stretch) còn tình hình căng thẳng là (intense situation).
– Liên Hoan Phim thay để cho đại hội điện ảnh. Ngày xưa chúng ta dùng chữ Đại Hội Điện Ảnh Cannes.
– Ô tô con để thay cho xe du lịch.
– Ùn tắc để thay cho kẹt xe, xe cộ kẹt cứng.
– Bức xúc để thay cho dồn nén, dồn ép, bực tức, đè nén.
– Đề xuất để thay cho đề nghị.
– Nghệ sĩ nhân dân? Quả tình cho tới bây giờ tôi không hiểu Nghệ Sĩ Nhân Dân là thứ nghệ sĩ gì? Xin vị nào hiểu nghệ sĩ nhân dân là gì xin giảng cho tôi biết.
– Con sâu mỡ để thay cho cái lạp xưởng.
– Cái nồi ngồi trên cái cốc để thay cho cà-phê phin.
– Đồng hồ 2 cửa sổ thay cho đồng hồ chỉ ngày và giờ.

Huỳnh Chiếu Đẳng

06.11.2017