„hôm 12 tháng 7/2019, có ngay 37 quốc gia khác viết thư cũng gởi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc ủng hộ Trung cộng, phản đối các nước cho rằng các “trại huấn nghệ” ở Tân cương là trại biệt giam.“
Nguyễn thị Cỏ May
Tuần vừa qua, một sự kiện nổi bật tính thời sự là 22 quốc gia cùng ký tên một bức thư gởi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève tố cáo đảng cộng sản Trung cộng và nhà cầm quyền Bắc Kinh giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhỉ (ouighours), người Kazakhs và nhiều người Hồi giáo thuộc các sắc tộc thiểu số, hành hung dã man nạn nhân trong những trại nguy danh” trại huấn nghệ” ở Tân Cương. Những nước ký bức thư tố cáo Trung cộng vi phạm nhân quyền đều thuộc nền văn minh dân chủ tự do Tây phương. Tuy nhiên Hoa Kỳ không ký vì đã rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền hồi năm rồi và chỉ phê phán Trung cộng về vấn đề Nhân quyền theo từng trường hợp cho nhu cầu của Hoa Kỳ hơn là vì bảo vệ những giá trị phổ quát.
Ngày nay, đặc tính phổ quát của Nhân quyền đang bị hăm dọa nghiêm trọng.
Thư phản đối và thư ủng hộ
22 nước ký tên được hoan nghênh là can đảm tố cáo tội ác của Trung cộng, bảo vệ giá trị con người thì liền sau đó, hôm 12 tháng 7/2019, có ngay 37 quốc gia khác viết thư cũng gởi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc ủng hộ Trung cộng, phản đối các nước cho rằng các “trại huấn nghệ” ở Tân cương là trại biệt giam. 37 nước này, phần lớn thuộc Phi Châu, Trung Đông, Hồi giáo Ả Rập, Nga, Bắc Triều tiên, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương. Nhìn chung các nước này đều có phiếu lý lịch có ghi vi phạm Nhân quyền. Ngoài ra phần lớn là nước chạy theo “Một vành đai, một con đường” của Tập Cận Bình. Cả vài nước thành viên Âu Châu cũng ngã về phía tội phạm Nhân quyền chỉ vì bị sức mạnh đồng tiền thu hút. Trái lại, Thụy Sĩ tuy gia nhập chiến lược “Con đường Tơ lụa mới” nhưng không ký thư chung với 37 nước bênh vực Trung cộng vì tôn trọng truyền thống nhân quyền. Hơn nữa, Thụy Sĩ còn là nước chủ nhà của Trụ sở Nhân quyền LHQ nên Thụy Sĩ đã ký thư phản đối Trung cộng cùng với 22 nước văn minh. Cùng khối thế giới tự do, Nam Hàn còn là nước đón nhận nhiều nạn nhân nhân quyền từ Trung cộng, từ Bắc Hàn trốn qua xin tỵ nạn, lại không ký chung với 22 nước bạn kia.
Bức thư của 37 nước bênh vực Trung cộng chưa phổ biến. Báo chí chỉ mới tiết lộ vài đoạn. Hãng thông tấn Reuters trích dẫn một đoạn biện minh cho sự vi phạm nhân quyền của Trung cộng là “Đối mặt với thách thức nghiêm trọng của khủng bố và cực đoan, Trung cộng đã thực hiện một loạt các biện pháp chống khủng bố, chống cực đoan hóa tại Tân Cương, trong đó có việc thành lập các trung tâm huấn nghệ, giáo hóa.”
Được các nước đồng hội đồng thuyền ký tên ủng hộ đông hơn số nước chống – đa số là lẽ phải -Trung cộng lấy làm hài lòng. Tờ Global Times của đảng Cộng Sản Trung cộng tự đắc viết: “Ba mươi bảy nước đã viết thư cho Hội đồng Nhân quyền để ủng hộ chính sách Trung cộng tại Tân Cương. Các nước này là đại diện tiêu biểu nhất cho thế giới. Các chính quyền phương Tây đã gây áp lực lên Trung cộng về Tân Cương sẽ phải xấu hổ”.
Đúng là giọng điệu hung hăn lấy được cố hũu của cộng sản. Tờ China Daily cho rằng: “Chỉ có cư dân Tân Cương mới có quyền nói về nhân quyền tại đây, chứ không phải những người ngoại quốc”.
Mà cư dân Tân Cương làm sao nói về thân phận của họ được khi mà người dân chỉ vừa mới làm cái “tủng”, mùi chưa kịp bay tới Bắc Kinh thì mạng lưới an ninh xã hội đã nhận diện ai làm chuyện đó, công an thộp cổ ném ngay vào tù và nhừ đòn rồi?
Trong vụ này xuất hiện một nghịch lý đáng chú ý: Không có quốc gia Hồi giáo nào ký tên vào lá thư thứ nhất, bênh vực đồng đạo, trong khi lá thư thứ hai bênh vực Trung cộng lại có mặt nhiều nước hồi giáo. Vì nhiều quốc gia Hồi giáo trung thành với Luật Charia, coi đàn bà như cỏ rác, còn tổ chức thứ tòa án nhân dân xử tội phụ nữ vì dám mặc t-shirt, quần jean đi ra đường, bằng cách cho đám đông ném đá vào tội nhân cho tới chết. Hoặc ném đá, rồi thiêu sống tội nhân. Hành động này không phải vi phạm nhân quyền?
Sự thiếu vắng hầu hết các quốc gia Trung Âu và Đông Âu cũng đáng chú ý. Trong số các nước thuộc nhóm 16+1, một công thức liên kết các nước Trung và Đông Âu với Trung cộng, chỉ có ba nước nhỏ Estonie, Lettonie và Lituanie dám đứng lên chỉ trích Bắc Kinh.
Nước Hồi giáo lớn ở Âu châu là Thổ Nhĩ Kỳ (La Turquie). Ông TT. Recep Tayip Erdogan mới hôm 11/2 vừa rồi đã lớn tiếng tố cáo Trung cộng giam giữ nhân dân vô tội hàng loạt ở Tân Cương là “nỗi nhục của nhân loại”, thế mà nay, ông lại nói người Duy Ngô Nhĩ “sống hạnh phúc”!
Thật là cay đắng cho những nạn nhân ở Tân Cương, bị các đồng đạo quay mặt dưới sức mạnh của đồng tiền!
Trong lúc đó, điều kỳ lạ có một không hai, Việt Nam là nước “môi hở răng lạnh” với Trung cộng, là “16 chữ vàng, là 4 tốt” lại không ký thư thứ hai cùng với 37 nước ủng hộ Trung cộng! Có sự hiểu ngầm giữa ta với nhau? Cùng người nhà cả, cần gì hình thức cho rườm rà?
Một liên kết nhục nhã
Nhà xã hội học người Ý, đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu (OSCE), ông Massimo Introvigne, hôm 14/7/2019, lên tiếng phê phán tổ họp 37 quốc gia ký bức thư ủng hộ Trung cộng vi phạm tội ác là một thứ “Trục nhục nhã” (Axe de la honte). Cái trục này chắc chắn sẽ bị người đời khó quên.
Sau khi lược qua 2 bức thư cùng gởi cho Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Massimo Introvigne đưa ra 3 kết luận quan trọng:
Thứ nhất, chúng ta có thể nhận thấy xuất hiện thứ “Trục nhục nhã” gồm những nước sẵn sàng chà đạp nhân quyền một cách vô tội vạ, đứng đầu là Trung cộng, nước ôm mộng bá chủ thế giới, và Nga. Trục có thêm Bắc Hàn, Syrie, Venezuela, các nước Hồi giáo. Những nước này nghĩ rằng họ không bị xử phạt vì vi phạm nhân quyền, điều đó quan trọng hơn việc phải tham gia bênh vực những người Hồi giáo bị hành hạ ở Trung cộng.
Thứ hai, những liên kết kinh tế và việc tham gia “Con đường tơ lụa mới” thật sự làm tê liệt sức đề kháng của những nước xưa nay thường bênh vực nhân quyền, tố cáo sự bạo ngược của Trung cộng. Như Bồ Đào Nha (Portugal) từng là nước Âu Châu, văn hóa Thiên Chúa Giáo, tôn trọng nhân quyền, nay xuôi theo Trung cộng, vừa mới phát hành Trái phiếu Gấu trúc (Obligations panda) bằng đồng Yuan (tệ – tiền Trung cộng). Nước thứ hai của Âu Châu là Ý, cái nôi Công Giáo, đã phát hành Trái phiếu Gấu trúc tuần trước.
Thứ ba, vai trò xã hội dân sự và những tổ chức phi chính phủ (ONG), cũng như báo chí còn nhiều hạn chế để tố cáo những thông tin dối trá, sự tàn ác của đảng Cộng sản Trung cộng do thiếu bằng chứng như hình ảnh, video. Như muốn chỉ cho mọi người thấy trại tập trung ở Tân Cương hoàn toàn không phải là trường dạy nghề như nhiều người hiểu, mà đó thật sự là nhà tù khổ sai của cộng sản. Đó là những goulags của Liên Sô hay laogais của Trung cộng. Không tố cáo tội ác thì “Trục nhục nhã” này sẽ thắng vì có chính nghĩa.
Thật ra không thiếu sách vở, báo chí phơi bày những trại tập trung này, với sự thật man rợ. Harry Wu đã kín đáo trở lại Trung cộng để điều tra những laogais (Retour au Laogai, Paris, 17/3/2004). Theo ông, ở Trung cộng có hằng ngàn trại tập trung giam giữ những người mà chế độ cho là bất hảo. Có hằng 20 triệu đàn ông, đàn bà đã chết ở những nơi đây, hằng ngàn người khác lao động khổ sai, như nô lệ, lần lượt ngã gục. Chính ông bị giam tập trung suốt 19 năm. Năm 1979, ông đã đem chuyện laogai nói lên cho mọi người biết nó rùng rợn còn hơn Holocauste hay goulag.
Thấy sự tố cáo của ông chưa đủ thuyết phục thế giới tự do, ông âm thầm trở lại Trung cộng 4 lần để thu thập tài liệu. Trong laogai, tù nhân bị bỏ đói, bị tra tấn, bị để cho chết mòn hoặc bị hành quyết vì năng xuất lao động không đủ tiêu chuẩn. Nên nhớ kinh tế Trung cộng phát triển là nhờ ở nhân công quí báu này.
Tù nhân laogai bị khai thác tới tận cùng. Kẻ sắp chết cũng là một nguồn lợi cho đảng; lấy nội tạng bán.
Đài Pháp và Đức chiếu phim về Lưu Hiểu Ba
Nhân ngày giỗ thứ hai của Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel Hòa bình (nhưng cái ghế người nhận giải thưởng để trống vì ông bận ở tù), Paris ra mắt phim tài liệu ”Người thách thức Bắc Kinh” (L’homme a défíe Pékin, Pierre Haski, Ed Hikari, Paris).
Cách đây hai năm, ngày 13/07/2017, nhà tranh đấu vì dân chủ cho Trung cộng Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) qua đời vì bệnh ung thư, sau 9 năm bị tù. Ít người dân tại Trung cộng và trên thế giới biết Lưu Hiểu Ba là ai, bởi nhà cầm quyền Bắc Kinh muốn tìm mọi cách xóa đi các hồi ức về ông, về cuộc thảm sát Thiên An Môn (1989) cũng như Phong trào Hiến chương 08 (năm 2008) đòi chấm dứt chế độ độc đảng, mà ông là người khởi xướng. Quái gỡ là nhiều chính quyền phương Tây cũng dè dặt khi nhắc đến tên tuổi của nhà tranh đấu, chỉ vì không muốn căng thẳng với Bắc Kinh.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, tại Pháp, ra mắt cuốn sách “Liu Xiaobo – l’homme qui a défié Pékin / Lưu Hiểu Ba – người thách thức Bắc Kinh” của nhà báo Pierre Haski, Chủ tịch Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới và một bộ phim tài liệu cùng tên, thuật lại cuộc đời của nhà tranh đấu dũng cảm. Phim “Lưu Hiểu Ba – con người thách thức Bắc Kinh” thuật lại hành trình bi tráng của “một trong những anh hùng vĩ đại nhất của cuộc tranh đấu vì dân chủ của thời đại chúng ta”, “chống lại một trong những chế độ toàn trị khủng khiếp nhất” (lời giới thiệu của kênh truyền hình Bỉ RTBF – Trọng Thành).
Giáo sư văn học Lưu Hiểu Ba, đang ở Mỹ, quyết định trở về nước tham gia phong trào sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn. Ông là người có mặt đến cùng, trong cái đêm mùng 3 rạng sáng mùng 4 tháng 6, đúng vào lúc các đơn vị quân đội Trung cộng xả súng vào sinh viên. Lưu Hiểu Ba đã tìm cách thuyết phục binh lính ngừng bắn để mở đường thoát cho sinh viên. Bị bắt, bị giam hơn một năm sau đó, ông quyết định ở lại Trung cộng để tiếp tục cuộc chiến vì lý tưởng, trong lúc nhiều người chọn con đường lưu vong.
Bộ phim “Liu Xiaobo – l’homme qui a défié Pékin” được chiếu trên kênh truyền hình Pháp – Đức Art. Đây là lần đầu tiên cuộc phỏng vấn bí mật Lưu Hiểu Ba, của nhà báo Pháp François Cauwel, chỉ ít lâu trước khi ông bị bắt, được công bố. Cuộc phỏng vấn được coi như “bản di chúc” mà nhà tranh đấu gửi đến hậu thế. Nhà cầm quyền Trung cộng rốt cuộc đã không bịt được miệng Lưu Hiểu Ba. Nhà dân chủ – chỉ có cây bút làm vũ khí – tiếp tục khiến chế độ toàn trị bất an.
Triết lý con heo
Người ta thấy ở Luu Hiểu Ba là hiện thân Soljenitsyne của Liên Sô. Trong quyển “Triết lý con heo” (La philosophie du cochon), ông nêu lên những điều chủ yếu về chế độ cộng sản Trung cộng không khác những gì mà Soljenitsyne đã nói về Liên-xô trước kia: dối trá, ký ức, đạo đức.
Soljenitsyne viết: “Thật khó mà quan niệm sự nói dối đã tách chúng ta khỏi một xã hội bình thường ra xa tới đâu” thì Luu Hiểu Ba nói “Ở Trung cộng, chế độ không có một nguồn tài nguyên nào khác hơn là dối trá để tự duy trì sự tồn tại”. Vậy “nếu mọi người từ chối sự dối trá thì cái chế độ thiết lập trên sự dối trá dĩ nhiên sẽ lập tức sụp đổ”. Với trí thức, điều dễ làm là hãy “nói sự thật, nếu không được, thì hảy im lặng. Nếu không im lặng được thì đừng lập lại sự dối trá để tránh di hại kẻ khác”.
Về điểm này, Luu Hiểu Ba chọn thái độ tích cực. Ông nói, ông tố cáo, ông tranh đấu đòi dân chủ. Thế mà tên Luu Hiểu Ba ở Trung cộng nếu được biết tới thì đó là một tên phản động được nhân dân khoan hồng cải tạo cho thành người tốt.
Trong ngôn ngữ Trung cộng vốn đã không có những từ ngữ phổ thông như “Dân chủ, Tự do, Nhân quyền”. Trong kho tàng ngôn ngữ ngày nay ở Trung cộng, dân chúng Tàu vẫn không thề tìm thấy những từ ngữ này. Cả trên internet.
Chuyện Thiên An Môn hoàn toàn bị cấm kỵ. Biết tới là lãnh tù tội. Luu Hiểu Ba là nhân chứng và tác nhân trong biến cố Thiên An Môn nên tên của ông phải bị xóa xổ.
Luu Hiểu Ba cảnh báo nhân dân Tàu của ông “Chính sách dã man của đảng Cộng sản Trung cộng là thảm trạng đất nước từ hơn nửa thế kỷ nay đã bị xóa mờ trong ký ức của mọi người, thay thế vào đó bằng một thứ lịch sử dối trá là sự vinh quang của đảng cộng sản. Vậy đánh mất ký ức dân tộc không gì khác hơn đó là một hình thức tự sát tinh thần!”.
18.07.2019
Nguyễn thị Cỏ May