Trung cộng tìm thấy mỏ dầu 100 triệu tấn ở Biển Đông
Thông tin này được đưa ra vài ngày sau khi Hoa Kỳ, Phi Luật Tân và Nhật Bản tổ chức cuộc tập trận hải quân gần một bãi cạn đang có tranh chấp.

Giàn khoan dầu Hải Dương 981 do Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung cộng (CNOOC) vận hành được nhìn thấy ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Hải Nam, cực nam của Trung cộng, ngày 23 tháng 3 năm 2018. (CHINA STRINGER/REUTERS/Stringer)
Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi Quốc gia Trung cộng (CNOOC) vừa phát hiện ra một mỏ dầu ở Biển Đông với trữ lượng đã được chứng minh vượt quá 100 triệu tấn, truyền thông nhà nước Trung cộng đưa tin hôm thứ Hai.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, mỏ dầu ở phía đông Biển Đông – mỏ dầu Huệ Châu 19-6 – cách thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung cộng khoảng 170 km (106 dặm).
Công ty cho biết thêm rằng hoạt động khoan thử tại mỏ dầu này đã mang lại sản lượng mỗi ngày là 413 thùng dầu thô và 68.000 mét khối khí đốt tự nhiên.
RFA không thể xác nhận những tuyên bố này.
Trong thông cáo báo chí, CNOOC cho biết giếng đầu mới phát hiện đã được khoan và hoàn thiện ở độ sâu 5.415 mét – được gọi là “lớp siêu sâu” – trong điều kiện nhiệt độ và áp suất cao.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Peng Guangrong, một nhà địa chất tại chi nhánh Thâm Quyến của CNOOC, cho biết 60% trữ lượng dầu khí mới được phát hiện trên thế giới đến từ các lớp sâu.
Biển Đông được cho là giàu khí hydrocarbon nhưng vẫn chưa được khai thác nhiều vì tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, hầu hết trữ lượng dầu khí được phát hiện đều nằm ở những khu vực không có tranh chấp, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ.
Trung cộng tuyên bố chủ quyền lên gần như toàn bộ Biển Đông – nơi có 3 nghìn tỷ đô la hàng hóa di chuyển qua hàng năm – chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Phi Luật Tân, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Brunei. Trong một vụ kiện do Phi Luật Tân đứng đơn, tòa án trọng tài quốc tế năm 2016 đã tuyên bố cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng là không hợp lệ, nhưng Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết.
Thông báo của Trung cộng về mỏ dầu này được đưa ra vài ngày sau khi người đứng đầu Lầu Năm Góc Pete Hegseth gặp người đồng cấp Phi Luật Tân Gilberto Teodoro, và Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr vào thứ sáu tại Manila, trong chuyến công du châu Á – Thái Bình Dương của ông Hegseth, bao gồm cả Guam và Nhật Bản.
Bộ trưởng Hegseth tái khẳng định cam kết “bền vững” của Washington đối với hiệp ước quốc phòng với Phi Luật Tân, cam kết triển khai các năng lực quân sự tiên tiến để tăng cường răn đe các mối đe dọa, bao gồm cả “hành vi hung hăng” của Trung cộng.
“Cần phải có biện pháp răn đe trên toàn thế giới, nhưng cụ thể là ở khu vực này, tại quốc gia của các bạn, khi xét đến các mối đe dọa từ cộng sản Trung cộng”. Ông Hegseth cho biết.
Trong cùng ngày, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Phi Luật Tân đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung gần bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp ở Biển Đông, để tăng cường khả năng chuẩn bị ứng phó với khủng hoảng. Một tàu quân sự Trung cộng được cho là đã theo dõi các cuộc tập trận từ xa.
Có lúc một khinh hạm của Trung cộng đã cố gắng tiếp cận khu vực nơi các tàu chiến và máy bay của ba quốc gia đồng minh đang thực hiện cuộc tập trận.
Tuy nhiên, một khinh hạm của Phi Luật Tân đã phát đi cảnh báo qua radio, khiến tàu Trung cộng phải giữ khoảng cách.
Lần đầu tiên, một nhóm các hãng truyền thông có trụ sở tại Manila đã được phép quan sát cuộc tập trận trên biển, kể từ khi cuộc tập trận hải quân chung được gọi là Hoạt động hợp tác hàng hải đa phương này bắt đầu vào năm ngoái,
Trung cộng cho biết họ cũng đã tiến hành một cuộc tuần tra quân sự ở Biển Đông vào thứ sáu.
Taejun Kang
Mike Firn Biên tập
RFA (01.04.2025)
Trung cộng hung hăng ở Biển Đông, Mỹ tái cam kết với Phi Luật Tân

Nguồn hình ảnh,Reuters/Getty Images/BBC Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth (trái) và Tham mưu trưởng Quân đội Phi Luật Tân Romeo Brawner Jr
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tái khẳng định cam kết “son sắt” với Phi Luật Tân, hứa triển khai năng lực tiên tiến đối phó “sự hung hăng” của Trung cộng, theo hãng tin Reuters.
Ông Hegseth đã gặp người đồng cấp Gilberto Teodoro và Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr vào ngày 28/3.
Cả hai bên đều cho thấy sự hợp tác mạnh mẽ tiếp tục trong bối cảnh các mối đe dọa từ Trung cộng ngày càng gia tăng, nhấn mạnh cam kết chung đối với hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và ở Biển Đông, nơi Manila cáo buộc Bắc Kinh lặp đi lặp lại nhiều hành động thù địch.
Ông Hegseth nói: “Sự răn đe là cần thiết trên toàn thế giới, nhưng đặc biệt ở khu vực này, ở đất nước quý vị, đặc biệt xem xét các mối đe dọa từ Trung cộng cộng sản.”
Ông cũng nói rằng Mỹ không gây chiến và mô tả Tổng thống Donald Trump là một người kiến tạo hòa bình.
Trong cuộc họp báo với ông Teodoro, ông nói: “Tổng thống Trump tìm kiếm hòa bình… nhưng để giành được hòa bình đó, chúng tôi phải mạnh mẽ.”
Ông nói thêm: “Các đồng minh của chúng tôi sẽ biết chúng tôi sát cánh cùng họ. Các đô đốc của chúng tôi đã sẵn sàng và họ sẽ được trang bị đầy đủ. Chúng tôi đang tái thiết quân đội dưới thời Tổng thống Trump.”
Trung cộng cho rằng không có vấn đề gì về tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và kêu gọi Hoa Kỳ ngừng “kích động đối đầu ý thức hệ” và “gieo rắc bất hòa” trong khu vực.
“Từ trước đến nay, chính phía Mỹ đã dung túng các đồng minh của mình gây hấn ở Biển Đông và cũng chính Mỹ đã nhiều lần bịa chuyện về mối đe dọa của Trung cộng đối với tự do… ở Biển Đông,” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Quách Gia Côn phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 28/3.
Trung cộng cũng khuyên Phi Luật Tân không nên hành động theo Mỹ và không tìm cách xung đột quân sự, ông Quách nói.
Trung cộng có yêu sách lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông, chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Indonesia, Malaysia, Phi Luật Tân và Việt Nam.
Phi Luật Tân là điểm dừng chân đầu tiên của ông Hegseth trong chuyến công du châu Á.
Chuyến đi này bị lu mờ bởi sự cố rò rỉ tin nhắn về việc các kế hoạch tấn công rất nhạy cảm chống lại lực lượng Houthi ở Yemen.
Ông Hegseth cũng đến Nhật Bản để gặp người đồng cấp Gen Nakatani ở Tokyo, cũng như Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.
“Chúng tôi đến Phi Luật Tân để củng cố mối quan hệ đối tác đó. Chúng tôi sẽ đến Nhật Bản để làm điều tương tự,” ông nói ngay khi Mỹ, Nhật Bản và Phi Luật Tân tiến hành các cuộc tập trận trên biển ở Biển Đông.
Các cuộc tập trận, với sự tham gia của tàu khu trục đa năng JS Noshiro của Nhật Bản, tàu hải quân Phi Luật Tân BRP Jose Rizal và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Shoup của Hải quân Mỹ, là lượt tập trận thứ tám giữa các đồng minh.
Cuộc tập trận của lực lượng đặc biệt

Nguồn hình ảnh,Reuters Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth và Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr
Ông Hegseth đã tránh một câu hỏi về việc chia sẻ kế hoạch trên ứng dụng Signal, trả lời rằng ông chịu trách nhiệm đảm bảo bộ quốc phòng được chuẩn bị và sẵn sàng.
Bộ trưởng Hegseth cho biết Mỹ sẽ triển khai thêm các năng lực tiên tiến cho Phi Luật Tân, bao gồm hệ thống tên lửa chống hạm NMESIS và các phương tiện không người lái trên mặt nước mà ông mô tả là “có năng lực cao”.
Ông cho biết họ cũng đã đồng ý tiến hành các hoạt động huấn luyện song phương của lực lượng đặc biệt trên các đảo cực bắc của Phi Luật Tân ở tỉnh Batanes, gần Đài Loan.
Ông nói: “Mối quan hệ đối tác của chúng tôi không chỉ tiếp tục ngày hôm nay mà chúng tôi còn đang tăng cường gấp đôi mối quan hệ đó và liên minh son sắt của chúng tôi chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế.”
Tổng thống Marcos, người cam kết hợp tác chặt chẽ với Washington để duy trì ổn định khu vực, nói rằng chuyến thăm của ông Hegseth là một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh hiệp ước của mình.
Ông nói: “Chuyến công du gửi một thông điệp rất mạnh mẽ về cam kết của cả hai nước trong việc tiếp tục hợp tác để duy trì hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong Biển Đông.”
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Phi Luật Tân và một Trung cộng ngày càng quyết liệt hơn về các đảo tranh chấp ở Biển Đông – nơi hai nước đã có nhiều cuộc chạm trán trên biển.
BBC (30.03.2025)
Hải quân Mỹ, Nhật và Phi Luật Tân tổ chức tập trận chung ở Biển Đông
Hôm qua, 28/03/2025, hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản và Phi Luật Tân đã tổ chức các cuộc tập trận chung gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, trong dịp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth tới thăm Phi Luật Tân, điểm dừng chân đầu tiên trong vòng công du châu Á của ông. Washington tái khẳng định cam kết với hiệp ước phòng thủ giữa hai nước và cung cấp các bảo đảm cho Manila để đối phó với mọi mối đe dọa, bao gồm cả các “cuộc tấn công” từ Trung cộng.

Tàu của Hải quân Mỹ USS Shoup (DDG86) (T) và tàu khu trục JS Noshiro của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong cuộc tập trận chung với Phi Luật Tân, ngày 28/02/2025, tại vùng Biển Đông mà Phillipines đang có tranh chấp với Trung cộng. AP – Aaron Favila
Theo hãng tin AP, cuộc tập trận giữa ba nước nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với khủng hoảng. Tàu khu trục của Phi Luật Tân, Hoa Kỳ và tàu hộ tống đa nhiệm của Nhật Bản đã di chuyển theo đội hình và liên lạc qua sóng radio. Trong khi cuộc tập trận diễn ra, có một tàu quân sự Trung cộng dõi theo từ xa. Tàu Trung cộng đã cố gắng tiếp cận gần hơn vùng biển nơi các tàu chiến và máy bay của ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Phi Luật Tânđang tập trận, nhưng đã bị tàu của Phi Luật Tân cảnh báo qua sóng radio.
Một phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam, thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng, hôm nay tố cáo Phi Luật Tân thường xuyên yêu cầu các nước khác tổ chức các “cuộc tuần tra chung” và “đưa ra các yêu sách bất hợp pháp”, gây mất ổn định trong khu vực.
Theo hình ảnh vệ tinh do hãng tin Reuters thu thập được, Trung cộng đã triển khai 2 máy bay ném bom tầm xa H-6 xung quanh bãi cạn Scarborough, ngay trước chuyến thăm của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth đến Phi Luật Tân. Việc triển khai oanh tạc cơ đã không được phía Trung cộng công khai.
RFI (29.03.2025)
Trung cộng triển khai máy bay ném bom tầm xa ở Biển Đông

Nguồn hình ảnh,Maxar Technologies/Handout via REUTERS Chụp lại hình ảnh,Ảnh vệ tinh cho thấy Trung cộng triển khai oanh tạc cơ H6 tại bãi cạn Scarborough
Trung cộng đã triển khai hai máy bay ném bom tầm xa H-6 quanh bãi cạn Scarborough trong tuần qua, động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền đối với rạn san hô đang có tranh chấp gay gắt trên Biển Đông, theo hình ảnh vệ tinh mà hãng tin Reuters có được.
Việc triển khai các máy bay H-6 không được Trung cộng công khai, diễn ra trước chuyến thăm Phi Luật Tân của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, khi Manila cũng tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ.
Bộ Quốc phòng Trung cộng đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi của Reuters về quy mô của cuộc triển khai hoặc liệu sự kiện này có trùng với chuyến thăm của Bộ trưởng Hegseth hay không.
Các quan chức từ Hội đồng An ninh Quốc gia và quân đội Phi Luật Tân cũng không phản hồi ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Trong chuyến thăm Manila hôm 28/3, ông Hegseth đã tái khẳng định “cam kết sắt đá” của Mỹ đối với hiệp ước phòng thủ chung với Phi Luật Tân, nói rằng hành động của Trung cộng khiến việc răn đe trở nên cần thiết ở Biển Đông.

Nguồn hình ảnh,Maxar Technologies/Handout via REUTERS Chụp lại hình ảnh,Maxar cho biết các máy bay trong hình ảnh vệ tinh là máy bay ném bom H-6
Hình ảnh do Maxar Technologies chụp hôm 24/3 cho thấy hai máy bay ở phía đông bãi cạn Scarborough, khu vực Trung cộng gọi là Hoàng Nham Đảo.
Trong khi đó Bajo de Masinloc là tên Phi Luật Tân dùng để gọi bãi cạn này.
Trong những năm gần đây, các tàu tuần duyên Trung cộng thường xuyên đụng độ với ngư dân Phi Luật Tân gần lối vào của bãi cạn, nơi Trung cộng đôi khi đã cố gắng ngăn cản kể từ khi giành quyền kiểm soát bãi cạn này trên thực tế vào năm 2012.
Tháng trước, lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân đã cáo buộc hải quân Trung cộng thực hiện các cuộc diễn tập bay nguy hiểm gần đó.
Năm 2016, một tòa án trọng tài quốc tế tại Hague đã ra phán quyết rằng các yêu sách của Trung cộng không có cơ sở pháp lý, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ quyết định đó.
Trong một email gửi cho Reuters, Maxar cho biết các máy bay trong hình ảnh vệ tinh là máy bay ném bom H-6, đồng thời nói thêm rằng “màu sắc cầu vồng” gần các oanh tạc cơ này là kết quả khi xử lý hình ảnh vệ tinh của các vật thể chuyển động nhanh.
Tuy nhiên, các nhà phân tích an ninh khu vực cho biết thời điểm diễn ra các chuyến bay có khả năng không phải là ngẫu nhiên.
Bắc Kinh đang gửi “một tín hiệu cho thấy Trung cộng có một lực lượng quân sự tinh vi”, nhà phân tích quân sự Peter Layton thuộc Viện Griffith Châu Á của Úc cho biết.
“Thông điệp thứ hai của máy bay ném bom có thể là anh (Mỹ) có khả năng tấn công tầm xa; chúng tôi cũng vậy, và với số lượng lớn hơn. Rõ ràng không phải là sự tình cờ”, ông Layton nói thêm.

Nguồn hình ảnh,Maxar Technologies/Handout via REUTERS
Chụp lại hình ảnh,Quầng sáng cầu vồng là kết quả khi xử lý hình ảnh vệ tinh của các vật thể chuyển động nhanh
Các tùy viên quân sự khu vực cho biết Trung cộng đã dần tăng cường triển khai máy bay ném bom H-6 trên Biển Đông khi sự hiện diện quân sự của nước này tăng lên, bắt đầu bằng việc đáp máy bay trên các đường băng được cải tiến ở quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp vào năm 2018.
Máy bay H-6 chạy bằng động cơ phản lực dựa trên thiết kế thời Liên Xô nhưng đã được hiện đại hóa để có thể mang theo một loạt tên lửa hành trình chống hạm và tấn công trên bộ, và một số chiếc có khả năng phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.
Tương tự như máy bay B-52 của Mỹ, thiết kế cơ bản của H-6 có từ những năm 1950 nhưng với động cơ được cải tiến, hệ thống bay trên khoang và vũ khí tấn công hiện đại, đây là máy bay ném bom tầm xa chủ chốt của Trung cộng.
Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về quân đội Trung cộng vào tháng 12/2024 cho biết một loại máy bay có khả năng tàng hình hơn có thể đang được phát triển.
Các máy bay ném bom đã được triển khai trong các cuộc tập trận hồi tháng 10/2024 quanh Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung cộng tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Một lần khác là vào cuối tháng 12/2024 tại Scarborough, như một phần của các hoạt động không quân và hải quân rộng lớn của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung cộng.
Bộ Tư lệnh này, phụ trách Biển Đông, điều hành hai trung đoàn máy bay ném bom, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London cho biết.
Các cuộc tập trận vào tháng 12/2024 đã được Trung cộng công khai, với mục đích được Bộ Quốc phòng nước này cho biết vào thời điểm là nhằm “kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung cộng, và duy trì hòa bình ở Biển Đông”.
Bộ Quốc phòng Trung cộng đã đăng tải hình ảnh máy bay trên bãi cạn nhưng hình ảnh vệ tinh ghi lại các cuộc tuần tra đang diễn ra rất hiếm.
Chưa có thông tin về độ cao mà các máy bay H-6 bay gần bãi cạn.
Chính phủ Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung cộng, nói rằng chỉ có người dân hòn đảo này mới có thể quyết định tương lai của họ.
BBC (29.03.2025)
Mỏ dầu mới ở Biển Đông
TS Phạm Đình Bá
Việc CNOOC công bố phát hiện mỏ dầu lớn ở phía đông Biển Đông không chỉ là sự kiện quan trọng trong ngành năng lượng mà còn làm dấy lên những hệ lụy địa chính trị phức tạp.

Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung cộng (CNOOC) vừa công bố phát hiện một mỏ dầu lớn mới ở khu vực phía đông Biển Đông, với trữ lượng đã được chứng minh vượt quá 100 triệu tấn. Thông báo này được đưa ra vào ngày 1/4/2025, đánh dấu một bước tiến đáng kể trong nỗ lực không ngừng của Trung cộng nhằm tăng cường khả năng sản xuất dầu khí ngoài khơi.
Sản lượng khai thác: Hoạt động khoan thử nghiệm ban đầu cho thấy sản lượng hàng ngày đạt 413 thùng dầu thô và 68.000 mét khối khí tự nhiên.
Ý nghĩa: Ông Zhou Xinhuai, Tổng giám đốc CNOOC, nhấn mạnh rằng phát hiện này là một “bước đột phá liên tiếp” trong các nỗ lực thăm dò tại vùng biển phía đông Biển Đông. Ông cũng cho biết CNOOC đã phát hiện các mỏ dầu lớn trong hai năm liên tiếp, cho thấy đây là một khu vực tăng trưởng mới cho sản xuất ngoài khơi.
Thông tin địa chất: Ông Xu Changgui, Trưởng nhóm Địa chất của CNOOC, mô tả phát hiện này là một “bước đột phá lớn,” nhấn mạnh rằng đây là mỏ dầu lớn nhất ở khu vực phía bắc Biển Đông dựa trên trữ lượng địa chất. Phát hiện này đã phá vỡ những hiểu biết lý thuyết truyền thống về địa chất của khu vực.
Tác Động Đến Năng Lượng và Địa Chính Trị Từ Góc Nhìn Việt Nam
Việc CNOOC công bố phát hiện mỏ dầu lớn ở phía đông Biển Đông không chỉ là sự kiện quan trọng trong ngành năng lượng mà còn làm dấy lên những hệ lụy địa chính trị phức tạp. Đối với Việt Nam, khám phá này tác động trực tiếp đến an ninh năng lượng, chiến lược phát triển tài nguyên, và đặt ra thách thức trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo chưa được giải quyết.
Thách thức về cạnh tranh nguồn tài nguyên
Biển Đông được đánh giá là một trong năm bồn trũng dầu khí lớn nhất thế giới, với trữ lượng ước tính khoảng 7 tỷ thùng dầu và 2.000–8.200 tỷ m³ khí tự nhiên. Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích triển vọng tại thềm lục địa, đặc biệt ở các khu vực như Cửu Long, Nam Côn Sơn, và Sông Hồng. Tuy nhiên, việc Trung cộng liên tục phát hiện các mỏ dầu lớn ở khu vực phía đông Biển Đông (như Huizhou 19-6) làm thu hẹp không gian khai thác tiềm năng của Việt Nam. Điều này đe dọa đến mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí trong nước, vốn đạt khoảng 4,27 tỷ thước khối dầu tính đến năm 2020.
Dù Việt Nam đã hợp tác với các tập đoàn quốc tế để thăm dò ở vùng nước sâu, xa bờ, các hoạt động này thường xuyên bị gián đoạn do áp lực từ Trung cộng. Điển hình là việc PetroVietnam buộc hủy hợp đồng với Repsol (Tây Ban Nha) và Noble (Anh) tại các lô 06-01 và 136/03 gần Bãi Tư Chính vào năm 2017–2020 vì lo ngại xung đột. Sự hiện diện ngày càng mạnh của CNOOC ở Biển Đông có nguy cơ làm chậm tiến độ khai thác của Việt Nam, ảnh hưởng đến kế hoạch giảm nhập khẩu dầu thô (hiện chiếm 60% nhu cầu nội địa).
Cơ hội từ hợp tác và công nghệ
Mặc dù vậy, khám phá của Trung cộng cũng mang lại bài học về công nghệ khai thác tầng sâu. Mỏ Huizhou 19-6 nằm ở độ sâu 100 m với điều kiện địa chất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật khoan tiên tiến. Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm này để phát triển các dự án ở vùng biển sâu, nơi chiếm 60% trữ lượng dầu khí mới toàn cầu. PetroVietnam đã bước đầu hợp tác với CNOOC trong thăm dò chung tại Vịnh Bắc Bộ (Thỏa thuận sửa đổi lần 4 năm 2025), cho thấy khả năng chia sẻ công nghệ và tăng cường năng lực nội địa.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là cân bằng giữa hợp tác và bảo vệ chủ quyền. Dù hai bên đã ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, việc Trung cộng mở thầu trái phép 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2012 và 2014 cho thấy nguy cơ hợp tác một chiều.
Xâm phạm quyền chủ quyền và phản ứng của Việt Nam
Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động đơn phương của Trung cộng. Năm 2012, CNOOC công bố mời thầu 9 lô dầu khí nằm cách bờ biển Khánh Hòa chỉ 57 hải lý, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). PetroVietnam khẳng định đây là khu vực “không tranh chấp” và yêu cầu Trung cộng hủy bỏ hành động vi phạm. Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 càng làm căng thẳng leo thang khi Trung cộng đưa thiết bị vào vùng biển cách đảo Lý Sơn (Việt Nam) 120 hải lý.
Những hành động này không chỉ làm xói mòn lòng tin mà còn đe dọa an ninh hàng hải. Việt Nam đã đệ trình bản đồ đường cơ sở Vịnh Bắc Bộ lên Liên Hợp Quốc vào tháng 2/2025 để khẳng định chủ quyền, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước ASEAN và Hoa Kỳ để giám sát hoạt động Trung cộng.
Áp lực lên chiến lược đối ngoại và kinh tế
Việc Trung cộng đẩy mạnh khai thác dầu khí ở Biển Đông khiến Việt Nam đứng trước thách thức kép: vừa duy trì đối thoại, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia. Dù hai nước có thỏa thuận hợp tác thăm dò chung tại Vịnh Bắc Bộ, sự thiếu minh bạch trong phân chia lợi ích và nguy cơ Trung cộng độc chiếm tài nguyên khiến hợp tác khó bền vững.
Hệ quả kinh tế cũng rõ rệt: CNOOC chiếm ưu thế về công nghệ và vốn, thu hút các đối tác quốc tế, trong khi PetroVietnam phải đối mặt với rủi ro pháp lý khi đầu tư vào vùng tranh chấp. Việc Trung cộng tăng nhập khẩu dầu thô lên 11,56 triệu thùng/ngày (tháng 11/2024) cho thấy họ đang tích trữ năng lượng, khiến Việt Nam khó cạnh tranh trong tiếp cận thị trường toàn cầu.
Cân Bằng Giữa Hợp Tác và Chủ Quyền
Khám phá mỏ dầu mới của Trung cộng ở Biển Đông phản ánh xu hướng gia tăng khai thác tài nguyên tại các vùng biển sâu, nhưng cũng làm trầm trọng thêm tranh chấp địa chính trị. Đối với Việt Nam, đây vừa là cơ hội học hỏi công nghệ, vừa là thách thức để bảo vệ chủ quyền và an ninh năng lượng.
Để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, Việt Nam cần đẩy mạnh thăm dò các bể trầm tích mới, đầu tư vào công nghệ khai thác sâu, và tăng cường hợp tác đa phương với các đối tác như Nhật Bản, Ấn Độ. Đồng thời, việc kiên trì sử dụng cơ chế pháp lý quốc tế (như UNCLOS 1982) và phối hợp với ASEAN sẽ giúp hạn chế hành vi đơn phương của Trung cộng. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, cân bằng giữa đối thoại và cứng rắn vẫn là chìa khóa để Việt Nam duy trì lợi ích quốc gia trên Biển Đông.
TS Phạm Đình Bá
Nguồn:
VNTB (02.04.2025)