Biển Đông – Bãi Tư Chính : Tàu hộ vệ Quang Trung đang ở đâu ?
Thông tin trên Twitter ngày 22/08/2019 của giáo sư Ryan Martinson : Tàu khu trục Việt Trung (nếu thực sự là Quang Trung – và chúng tôi vẫn không thể chắc chắn) đã rời khỏi khu vực xung đột và đang quay trở lại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.Twitter/Ryan Martinson
Trong những ngày qua, trên các mạng xã hội và trong những trao đổi giữa các chuyên gia đã rộ lên thông tin về việc Việt Nam đã điều tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung ra khu vực Bãi Tư Chính, sâu bên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, nơi mà tàu khảo sát Trung cộng Hải Dương Địa Chất 8 và nhiều tàu hải cảnh Trung cộng đang tung hoành.
Về phía chính quyền và báo chí Việt Nam, không thấy có thông tin chính thức nào xác nhận hay phủ nhận vụ việc. Tuy nhiên, trên báo chí Việt Nam lại xuất hiện nhiều bài nói về tính năng và uy lực của tàu Quang Trung, một tàu hộ vệ tên lửa và chống ngầm hiện đại lớp Gepard 3.9, được trang bị từ tên lửa, pháo cao xạ phòng không, cho đến ngư lôi, trực thăng săn ngầm…
Trên các mạng xã hội, có hai luồng dư luận, một bên cho rằng không có chuyện Việt Nam điều chiến hạm thuộc loại mạnh nhất của mình ra bãi Tư Chính, nhưng một bên kia khẳng định đó là một sự kiện có thật.
Cho đến ngày 22/08/2019 xuất hiện một bài báo lạ. Tờ Tuổi Trẻ đã đăng trên trang chủ một bài chạy tựa : « Việt Nam không có thông tin chiến hạm Quang Trung được điều ra bãi Tư Chính ». Nhưng khi bấm vào đường dẫn để đọc chi tiết thì lại hiện lên một bài có nội dung hoàn toàn khác : « Bác bỏ phát ngôn của Trung cộng nói tàu Hải Dương 8 hoạt động trong vùng biển nước này ».
Thế nhưng, minh họa phía dưới lại là ảnh chụp vị trí các tín hiệu nhận dạng tàu biển ở khu Bãi Tư Chính do giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Mỹ công bố hôm 16/08, cho thấy một chiếc tàu của Việt Nam, Vpns Quang Trung, nằm sát đội tàu hải cảnh Trung cộng gồm 6 chiếc tháp tùng theo chiếc Hải Dương địa chất 8.
Nếu tin vào tín hiệu nhận dạng được ghi lại, thì phải thừa nhận rằng chiếc Quang Trung thực sự có mặt tại Bãi Tư Chính, từ ngày 16/08, và cho đến ngày 20/08 vẫn còn có mặt tại hiện trường. Cho đến nay, những thông tin do giáo sư Martinson đưa ra đều chính xác, và chính ông là người đầu tiên tiết lộ vụ tàu Trung cộng xâm nhập bãi Tư Chính.
Tin nhắn Twitter của giáo sư Martinson ngày 20/08/2019 ghi nhận « Khảo sát tiếp tục. Cập nhật việc bố trí các lực lượng ở phía tây đảo Trường Sa », và kèm theo ảnh vị trí các chiếc tàu. Chiếc Vpns Quang Trung phải đối mặt với 5 tàu hải cảnh Trung cộng bảo vệ chiếc Hải Dương Địa Chất 8, trong lúc một chiếc tàu có tên Việt Nam là Trường Sa 401012 thì ở cách xa một chút.
Bình luận về khả năng chiếc tàu hộ vệ Quang Trung được phái ra Bãi Tư Chính, trong bài phân tích ngày 18/08, giáo sư Carl Thayer (Học Viện Quốc Phòng Úc – Đại học UNSW) thận trọng cho rằng, nếu quả thực Việt Nam đã điều tàu Quang Trung (HQ 016) ra Bãi Tư Chính, điều đó có nghĩa là Việt Nam « đã quyết định tiến tới và bắn tin cho biết quyết tâm bảo vệ quyền chủ quyền của mình cũng như lực lượng cảnh sát biển đang đóng ở vùng Bãi Tư Chính ».
Đối với giáo sư Thayer, việc điều động tàu Quang Trung sẽ cho phép Việt Nam tái lập thế cân bằng lực lượng ở Bãi Tư Chính hiện đang thiên về phía Trung cộng có nhiều tàu hơn, với trọng tải lớn hơn.
RFI (23.08.2019)
Việt Nam, Úc bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông
Bản quyền hình ảnhNHAC NGUYEN/GETTY IMAGESImage captionThủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chào đón Thủ tướng Úc Scott Morrison tại Hà Nội hôm 23/8/2019
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thảo luận về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông với người đồng cấp Úc, Scott Morrison hôm 23/8, theo Reuters.
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Úc kể từ khi quan hệ hai nước được nâng lên tầm ‘hợp tác chiến lược’, theo Reuters.
“Chúng tôi vô cùng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông và đồng ý hợp tác trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không,” ông Phúc phát biểu khi cùng ông Morrison dự một cuộc họp báo chung.
Đây là các bình luận công khai đầu tiên của ông Phúc về vụ việc trên Biển Đông, theo Reuters.
Tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung cộng hiện vẫn tiếp tục khảo sát vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ) dưới sự hộ tống của ít nhất bảy tàu hải giám Trung cộng, theo dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web theo dõi các chuyển động của tàu.
Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm 22/8 rằng họ lo ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung cộng vào các hoạt động dầu khí tại các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, và việc Trung cộng triển khai các tàu tại đây là “hành động leo thang trong nỗ lực đe dọa, ép các nước cũng có yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông ngưng các hoạt động khai thác tài nguyên tại đây.”
Thủ tướng Úc Morrison cũng nói rằng cần duy trì luật pháp quốc tế trong khu vực. Ông Morrison nói: “Các nguyên tắc như tự do hàng hải, tự do hàng không, là để đảm bảo các quốc gia có thể theo đuổi các cơ hội phát triển hiện có trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của họ, và có thể tiến hành công việc đó mà không bị ngăn cản.”
Hồi tháng Năm, hai tàu chiến Úc đã cập cảng căn cứ hải quân chiến lược Việt Nam tại vịnh Cam Ranh khi hải quân hai nước tăng cường hợp tác.
Úc hôm thứ Tư tuyên bố sẽ cùng Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải, bảo vệ các tàu chở hàng đi qua các tuyến đường thủy chính ở Trung Đông sau khi Iran bắt giữ một tàu mang cờ Anh.
‘Việt Nam quan trọng với Úc’
Ông Morrison có mặt tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Úc kể từ khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược hồi tháng Ba năm ngoái.
Thương mại song phương tăng 19,4% trong năm 2018 lên 7,72 tỷ đô là, theo dữ liệu hải quan của chính phủ Việt Nam.
Úc là nhà cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam, nước đang ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện để đáp ứng nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
Các lô hàng than từ Úc đến Việt Nam tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 lên 8,51 triệu tấn, theo dữ liệu hải quan được Reuters trích dẫn.
Được Hà Nội trải thảm đỏ chào đón đêm 22/8, ông Morrison sau đó phát biểu trước hơn 100 quan chức ngoại giao và doanh nhân từ hai nước, rằng “Việt Nam quan trọng đối với Úc”, theo ABC.
Một trong bốn ngân hàng lớn của Úc là ANZ, đã có mặt tại Việt Nam cùng với công ty logistics Linfox và công ty đóng tàu Austal.
Công ty dầu khí khổng lồ có trụ sở ở Tây Úc Woodside đang đấu thầu hợp đồng cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho Việt Nam để giúp bù đắp thiếu hụt nguồn cung nội địa.
BBC (23.08.2019)
Trung cộng kêu gọi Hoa Kỳ không triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung và tầm ngắn ở châu Á-Thái Bình Dương
© REUTERS / Hyungwon Kang
Trung cộng hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ không triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, – ông Trương Tuấn đại diện thường trực của CHND Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc tuyên bố hôm thứ Năm.
“Trung cộng kịch liệt phản đối những nỗ lực của Mỹ nhằm triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ thể hiện sự kiềm chế và thận trọng trong vấn đề này”, – ông Trương Tuấn phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hiệp ước INF
Thỏa thuận về việc loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn được ký kết vào năm 1987. Khi đó, Liên Xô và Hoa Kỳ có nghĩa vụ huỷ bỏ tất cả các tổ hợp tên lửa đạn đạo và hành trình tương tự trên mặt đất, và cũng cam kết không sản xuất, thử nghiệm hoặc triển khai những loại tên lửa như vậy trong tương lai.
Tháng 10 năm 2018, Donald Trump tuyên bố Washington rút khỏi hiệp ước, viện cớ «Matxcơva vi phạm thoả thuận». Đồng thời phía Mỹ không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào về cáo buộc này.
Sau đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã hạn cho Matxcơva hai tháng để «trở lại tuân thủ điều khoản thỏa thuận». Cụ thể, Hoa Kỳ đòi Nga huỷ bỏ tên lửa 9M729 (SSC-8) mà phía Mỹ cho rằng có tầm xa hoạt động vi phạm quy định của Hiệp ước INF.
Matxcơva khẳng định những cáo buộc đó là hoàn toàn vô căn cứ và nhấn mạnh rằng tên lửa không được sáng chế, không được thử nghiệm trong phạm vi vượt quá giới hạn cấm đã thiết lập.
Ngày 3 tháng 7, Tổng thống Vladimir Putin ký duyệt đạo luật đình chỉ Hiệp ước INF. Ngày 2 tháng 8, thoả thuận chấm dứt hiệu lực.
Sputnik (23.08.2019)
VN tuyên bố tham gia cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN
Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng.
Khẳng định của Việt Nam được đưa ra thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng vào ngày 22/8, giữa lúc tình hình ở Biển Đông tiếp tục gia tăng căng thẳng sau khi Trung cộng đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Theo thông tin chúng tôi được biết, cuộc diễn tập hàng hải ASEAN và Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 2 tới ngày 6-9-2019. Đây là hoạt động được tiến hành theo thỏa thuận giữa bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia cuộc diễn tập này”, Tuổi Trẻ dẫn lời bà Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 22/8.
Khẳng định của Hà Nội được đưa ra sau hơn một tuần Bắc Kinh đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại khu vực bãi Tư Chính, một động thái được cho là nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền và chứng minh rằng Bắc Kinh có thể ngang nhiên hành động mà không sợ bị trừng phạt, theo Giáo sư Carlyle Thayer của Học viện Quốc phòng Úc Đại Lợi.
Trong văn bản “Cập nhật tình hình và các biện pháp đấu tranh” của Việt Nam đối với động thái thách thức của Trung cộng, người đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 22/8 lặp lại các phát ngôn trước đây, nói rằng nhóm tàu Hải Dương 8 “tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam” và “Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung cộng về vấn đề này, yêu cầu Trung cộng chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam”.
Trong khi một số chuyên gia lo ngại về khả năng xảy ra xung đột vũ trang cao trong khu vực nếu Trung cộng tiếp tục lấn tới, GS. Carlyle Thayer cho rằng ngoài những phản đối ngoại giao, Việt Nam nên kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế, chủ động đưa vấn đề ra các cuộc họp đa phương quốc tế, và phải duy trì sự hiện diện thường trực của lực lượng cảnh sát biển ở khu vực quanh Bãi Tư Chính.
“Việt Nam cần vận động các thành viên ASEAN, đặc biệt là Phi Luật Tân và Mã Lai, để tạo thành một thách thức chính trị và ngoại giao đối với Trung cộng”, theo GS. Carlyle Thayer.
Giáo sư của Học viện Quốc phòng Úc Đại Lợi cũng cho rằng việc tham khảo ý kiến các thành viên trong cộng đồng quốc tế để có hành động chung cũng là một cách mà Hà Nội có thể làm để áp lực Bắc Kinh phải rút tàu thăm dò ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về khả năng Việt Nam sẽ kiện Trung cộng ra tòa án quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ nói rằng “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế”, theo Dân Trí.
Theo Bangkok Post, cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Hoa Kỳ và ASEAN, với sự có mặt ít nhất 8 tàu và máy bay, sẽ diễn ra trong 5 ngày tại căn cứ hải quân Sattahip của tỉnh Chonburi, Thái Lan, và kéo dài tới mũi Cà Mau.
Mục tiêu của cuộc diễn tập, vẫn theo hãng tin Thái, là một phần trong chính sách cân bằng ảnh hưởng giữa Trung cộng và Mỹ trong khu vực, đặc biệt về vấn đề Biển Đông.
Tham gia diễn tập là Khu trục hạm 7, thuộc Hạm đội 7, của Hoa Kỳ, vốn là tàu thường xuyên tham gia vào các cuộc triển khai luân phiên trong khu vực Đông Nam Á.
VOA (22.08.2019)
Việt Nam phản bác tuyên bố mới nhất của phía Trung cộng về hoạt động ở Bãi Tư Chính
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hẳng tại một cuộc họp báo AFP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội vào chiều ngày 22 tháng 8 khẳng định lại trong những ngày qua nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung cộng đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Truyền thông dẫn phát biểu của bà Hằng cho rằng việc vi phạm của Trung cộng như thế là nghiêm trọng.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam nhiều lần giao thiệp với Trung cộng, yêu cầu chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng như thế, rút toàn bộ tàu ra khoải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các qui định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Phía Việt Nam cũng yêu cầu Trung cộng không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và luật Việt Nam.
Bà Lê thị Thu Hằng không phủ nhận thông tin mà một số hãng tin của Ấn Độ dẫn nguồn ngoại giao Việt Nam rằng Hà Nội có thể đưa vụ việc vi phạm như vừa nêu ra Hội đồng Bảo An Liên hiệp Quốc và cân nhắc kiện Trung cộng ra tòa án quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Cảnh Sảng hôm 19/8 phát biểu rằng, tàu Hải Dương Địa Chất số 8 hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này và yêu cầu quốc gia có liên quan tôn trọng.
Hôm 22/8, Báo Tuổi Trẻ đăng bài “Việt Nam không có thông tin chiến hạm Quang Trung được điều ra Bãi Tư Chính” theo như phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội cùng ngày. Tuy nhiên ngay sau đó, bài báo trên đã bị gỡ bỏ và thay thế bằng bài “Bác bỏ phát ngôn của Trung cộng nói tàu Hải Dương 8 hoạt động trong vùng biển nước này”.
Trước đó, trên mạng xuất hiện thông tin cho rằng Việt Nam đã điều hai tàu chiến Quang Trung Và Trường Sa ra Bãi Tư Chính đối đầu với tàu của Trung cộng.
RFA (22.08.2019)
Mỹ chỉ trích Trung cộng đưa nhóm tàu trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc Trung cộng đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động leo thang căng thẳng và đe dọa an ninh khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus (Ảnh: AFP)
“Mỹ quan ngại sâu sắc về việc Trung cộng tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí từ trước đến nay của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Điều này đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Trung cộng, bao gồm Tuyên bố ASEAN – Trung cộng về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải”, thông cáo báo chí của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ngày 22/8 nêu rõ.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, “việc Trung cộng tái triển khai tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ, cùng các tàu hộ tống có vũ trang, vào vùng biển ngoài khơi Việt Nam ngày 13/8 là hành động leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực nhằm hăm dọa các bên có tuyên bố chủ quyền khác trong việc phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông”.
“Trong những tuần gần đây, Trung cộng đã thực hiện hàng loạt bước đi hung hăng nhằm can thiệp vào các hoạt động kinh tế đã được thừa nhận và diễn ra từ lâu của các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền (ở Biển Đông), nhằm cưỡng ép các nước này một mặt từ bỏ quan hệ đối tác với các công ty dầu khí nước ngoài, mặt khác chỉ hợp tác với các công ty nhà nước Trung cộng. Trong trường hợp tại Bãi Tư Chính, Trung cộng đang gây sức ép với Việt Nam liên quan tới việc hợp tác với một công ty năng lượng của Nga và các đối tác quốc tế khác”, thông cáo nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Các hành động của Trung cộng đã làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực, gây tổn thất về kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn các nước này tiếp cận với nguồn tài nguyên dầu khí chưa được khai thác ước tính khoảng 2.500 tỷ USD. Các hành động này cũng cho thấy Trung cộng không tôn trọng quyền của các quốc gia trong việc tiến hành các hoạt động kinh tế tại Vùng đặc quyền kinh tế của họ, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 vốn được Trung cộng phê chuẩn vào năm 1996”.
“Các công ty của Mỹ dẫn đầu thế giới về thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên dầu khí, bao gồm cả khu vực ngoài khơi và tại Biển Đông. Do vậy, Mỹ phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào của Trung cộng nhằm đe dọa hoặc cưỡng ép các nước đối tác từ bỏ hợp tác vói những công ty không phải của Trung cộng, hoặc quấy rối các hoạt động hợp tác của họ. Mỹ cam kết tăng cường an ninh năng lượng của các đối tác và đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời đảm bảo các hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực không bị gián đoạn trên thị trường toàn cầu”, thông cáo cho biết thêm.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton ngày 20/8 khẳng định “những nỗ lực leo thang gần đây của Trung cộng nhằm đe dọa các bên khác từ bỏ hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông là điều đáng lo ngại”.
“Mỹ kiên quyết đứng về phía các bên phản đối hành vi cưỡng ép và thủ đoạn bắt nạt đe dọa hòa bình và an ninh khu vực”, ông Bolton cảnh báo.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1/8 cũng lên tiếng chỉ trích “hành vi cưỡng ép của Trung cộng trên Biển Đông”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nêu đích danh Trung cộng là nước “gây bất ổn” khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo AFP (22.08.2019)
Hoa Kỳ lên án Trung cộng ép Việt Nam bỏ hợp tác dầu khí với các nước khác ở Bãi Tư Chính
Hình minh họa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus AFP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 21 tháng 8 ra thông cáo lên án Trung cộng đưa tàu khảo sát và tàu hộ tống có vũ trang vào vùng nước của Việt Nam gần Bãi Tư Chính hôm 13/8, gọi đây là hành động leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực nhằm đe dọa các nước khác trong việc khai thác nguồn tài nguyên ở Biển Đông.
Thông cáo có đoạn viết: “Những tuần gần đây, Trung cộng đã có một loạt các bước gây hấn nhằm can thiệp vào các hoạt động kinh tế được công nhận và lâu dài của các nước có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhằm tìm cách ép các nước phải bỏ hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty của nhà nước Trung cộng. Trong trường hợp ở Bãi Tư Chính, Trung cộng đang ép Việt Nam trong hợp tác với công ty của Nga và các đối tác khác”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định các công ty của Mỹ là các công ty hàng đầu trên thế giới đang hoạt động ở Biển Đông. Vì vậy Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối bất cứ hành động nào của Trung cộng nhằm đe dọa hoặc bắt ép các nước khác phải bỏ các hợp tác với các công ty ngoài Trung cộng hoặc không thì sẽ có các hành động đe dọa.
Từ khoảng giữa tháng 6, Trung cộng đã điều tàu Hải cảnh vào gần khu vực lô dầu khí 06.1 trong liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft của Nga để quấy nhiễu hoạt động khai thác ở lô dầu khí này.
Đồng thời từ đầu tháng 7, Trung cộng cũng điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống vào khu vực phía bắc Bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam. Các tàu này chỉ rút đi vào ngày 8/8 nhưng sau đó đã quay lại vào ngày 13 tháng 8.
Khu vực xung quanh Bãi Tư Chính là nơi có nhiều lô dầu khí mà Việt Nam đã cho liên doanh với các nước khác bao gồm Nga, Ấn Độ và Mỹ.
Hồi năm 2017 và 2018, Trung cộng đã gây sức ép khiến Việt Nam phải yêu cầu công Repsol của Tây Ban Nha ngưng khoang tìm dầu khí ở các lô 07/03 và 136/03 ở Bãi Tư Chính.
Trong một bản thảo Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông giữa Trung cộng và ASEAN, Bắc Kinh đã đề nghị không cho phép các công ty bên ngoài khu vực được tham gia các hoạt động khai thác dầu khí với các nước trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 20/7 cũng đã chính thức lên tiếng cáo buộc Trung cộng bắt nạt các nước trong khu vực.
Trong tuyên bố mới nhất của mình, Hoa Kỳ khẳng định cam kết đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia đồng minh và đối tác của mình ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, đảm bảo không có sự gián đoạn trong việc sản xuất dầu khí trên thị trường thế giới.
RFA (22.08.2019)
Chuyên gia: ‘Thủ tướng Úc sẽ bàn vấn đề Biển Đông với Việt Nam’
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Đại Lợi Scott Morrison. (Ảnh VTV via VGP)
Các chuyên gia nhận định rằng trong chuyến công du Việt Nam từ ngày 22/8, Thủ tướng Úc Scott Morrison sẽ bàn vấn đề Trung cộng hành động hung hăng và bắt nạt ở Biển Đông với giới lãnh đạo Hà Nội, theo AAP.
Hãng tin Úc hôm 21/8 đăng bài của tác giả Matt Coughlan nói rằng ông Morrison sẽ trở thành Thủ tướng Úc đầu tiên công du Việt Nam trong vòng 25 năm qua, với nghị trình chủ yếu là hợp tác kinh tế và thương mại.
Tuy nhiên, các vấn đề ngoại giao và chiến lược trong khu vực hiện nay như vấn đề liên quan đến tàu thăm dò địa chất và tàu hộ tống của Trung cộng đi vào bãi Tư Chính ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền sẽ là một chủ đề nhiều khả năng ông Morrison sẽ nêu với các nhà lãnh đạo Việt Nam.
AAP trích lời bà Hương Lê Thu, nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Úc cho biết không có lý do gì mà Úc không thể nêu vấn đề này, cho dù mức độ không mạnh mẽ như tuyên bố của Hoa Kỳ.
“Điều mà Việt Nam mong đợi cộng đồng quốc tế – và Úc là một trong những quốc gia chính trong vấn đề này – là cùng lên tiếng và trực tiếp nêu các vấn đề này lên, giống như Mỹ đã nêu,” Bà Hương nói.
Trước đó, hôm 20/8, Hoa Kỳ cho rằng Trung cộng sử dụng “thủ đoạn bắt nạt” tại vùng biển đang ngày càng căng thẳng và tuyên bố Washington sẽ chống lại các nỗ lực của Bắc Kinh.
“Những nỗ lực leo thang gần đây của Trung cộng nhằm đe dọa các bên khác từ bỏ hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông là đáng lo ngại,” ông John Bolton, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, viết trên Twitter hôm 20/8.
Giáo sư danh dự của trường đại học UNSW Canberra, Carl Thayer, nói với AAP rằng ông nghĩ Úc sẽ không rập khuôn theo chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Ông nhận định tiếp rằng “có lẽ Việt Nam sẽ không bận tâm ở điểm hạn chế đó, bởi vì họ rất ngại khi bị coi là một thành viên trong liên minh trường kỳ đối kháng với Trung cộng.”
Tiến sĩ Hương cho biết chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Morrison rất có ý nghĩa, được xem là chuyến thăm đầu tiên đến quốc gia cộng sản từ khi Thủ tướng Paul Keat đến Hà Nội vào năm 1994.
Bà nói thêm: “Tất cả những tín hiệu chính trị và ngoại giao đó sẽ có ý nghĩa thật sự, ngoài các vấn đề song phương, và các cuộc thảo luận về thương mại và kinh tế.”
Truyền thông Việt Nam loan tin vào ngày 22/8, Thủ tướng Úc Đại Lợi Scott Morrison sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5/2019.
Hôm 21/8, đài Truyền hình VTV nhận định chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Scott Morrison được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực và nền tảng mới cho quan hệ giữa hai nước. Trong chuyến thăm tới Việt Nam, ông Morrison dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 23/8.
Trong cuộc phỏng vấn với TTXVN, ông Morrison cho biết trọng tâm của chuyến thăm tới đây của ông là tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
“Úc Đại Lợi và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn tương tự nhau đối với khu vực và thế giới. Cả hai nước đều muốn có thương mại mở và tự do trên biển,” ông Morrison nói với TTXVN.
VOA (21.08.2019)
Chủ tịch Hạ Viện Phi Luật Tân tố Việt Nam chiếm nhiều đảo Biển Đông
Thực thể Đá Lát (Ladd Reef) hiện do Việt Nam chiếm giữ thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 30/11/2016Trevor Hammond/Planet Labs/Handout via Reuters
Một cựu ngoại trưởng của tổng thống Phi Luật Tân Duterte, ông Alan Peter Cayetano, hiện là chủ tịch Hạ Viện Phi Luật Tân, vừa hàm ý bênh vực Bắc Kinh về Biển Đông khi cho rằng Việt Nam và Mã Lai chiếm giữ nhiều đảo ở Biển Đông hơn Trung cộng.
Hôm qua (19/08) trên một đài phát thanh, chủ tịch Hạ Viện Phi Luật Tân Alan Peter Cayetano, nguyên là ngoại trưởng trong nội các đầu tiên của tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã bác bỏ các lời kêu gọi chính quyền Manila đứng lên chống lại sự xâm lăng của Bắc Kinh tại vùng biển giàu tài nguyên. Nhân vật này cho rằng Việt Nam và Mã Lai chiếm nhiều đảo hơn Trung cộng.
Phát biểu bị cho là theo cùng một hướng với lập trường bị cáo buộc chạy theo Trung cộng của chính tổng thống Phi Luật Tân Duterte.
Để bênh vực tổng thống Duterte, ông Cayetano còn cáo buộc chính quyền tiền nhiệm, cho rằng chính dưới thời ông Aquino mà đảo của Phi Luật Tân bị mất vào tay Trung cộng.
Các tuyên bố của chủ tịch Hạ Viện Phi Luật Tân đã bị phó thẩm phán cấp cao thuộc Tòa Án Tối Cao Phi Luật Tân đả kích. Theo trang tin Phi Luật Tân ABS-CBN, trong một tin nhắn văn bản ngày hôm nay, 20/08/2019, ông Carpio, đã nói rõ là “Việt Nam và Mã Lai không yêu sách bất kỳ khu vực nào trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân ở Biển Tây Phi Luật Tân (tức là Biển Đông) và trên thực tế, chính Trung cộng mới là “quốc gia duy nhất tuyên bố chủ quyền trên vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân” ở Biển Đông.
RFI (20.08.2019)