Donald Trump Trở Lại Có Nghĩa Gì?

 

08/11/2024

NINA LÊ

Việt Báo

 

GettyImages-1290903273

Ảnh của Tasos Katopodis/Getty Images
 
Chỉ quá nửa đêm của ngày lịch sử 5 tháng 11, 2024, cựu tổng thống Trump đã giành chiến thắng rõ ràng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, với khả năng thắng hầu hết các tiểu bang chiến trường, đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên phụ nữ da màu – trở thành đảng viên Cộng hòa đầu tiên giành được số phiếu phổ thông toàn quốc sau 20 năm. 
 
Là một người di dân tị nạn chính trị, cũng như bao nhiêu người Việt và các sắc dân khác đến định cư ở đất nước này, nước Mỹ với tôi là một giấc mơ nơi những đôi cánh chắp lên có cơ hội bay cao, nơi người dân được bảo vệ bởi tự do, dân chủ, pháp luật, nơi sự tử tế của lòng dân, sự công bằng của chính quyền là những viên gạch lát đường làm thăng hoa cuộc sống, nơi quy tụ sự nể nang của thế giới. Đó là niềm tin cũ và câu chuyện cũ.
 
Câu chuyện hôm nay đã sang trang: Donald Trump trở lại Bạch Ốc với hỗ trợ của tối cao pháp viện, thượng viện (nhiều phần cả hạ viện) sẽ thay đổi nước Mỹ và thế giới.
 

Bốn năm sau khi bị luận tội vì vai trò của mình trong cuộc tấn công bạo lực vào Quốc hội, năm tháng sau khi bị kết tội trọng tội ở New York, Trump sẽ bắt đầu chuẩn bị trở lại Bạch Ốc. Sự trở lại của Donald Trump về cơ bản sẽ chấm dứt các vụ án hình sự đang trong thời kỳ xét xử chống lại Donald Trump-tên tội phạm, ít nhất là trong bốn năm Donald Trump-ngài tổng thống nắm quyền. Chiến thắng này cho phép một tên tội phạm đã bị tòa kết án không chỉ được quyền nhởn nhơ trên pháp luật, mà còn nắm toàn quyền sinh sát trong tay, đặt nghi vấn cho cả một nền tư pháp Hoa Kỳ nơi người dân không còn có thể tin vào một điều vốn dĩ là căn bản từ xưa nay: “không ai có thể đứng trên pháp luật”. Trump cũng có khả năng sẽ ân xá cho những kẻ bạo loạn ngày 6 tháng 1. Ông đã hứa sẽ chấm dứt sự độc lập của Bộ Tư pháp, một chuẩn mực được thiếp lập từ sau vụ bê bối Watergate, và điều này sẽ cho phép ông khởi xướng các cuộc điều tra về kẻ thù chính trị của mình dễ dàng.

Chiến thắng của Trump có ý nghĩa gì với nền dân chủ Hoa Kỳ và thế giới? Trump luôn ca ngợi những nhà độc tài và công khai coi thường các chuẩn mực dân chủ — ám chỉ rằng quân đội có thể được triển khai trên đất Hoa Kỳ để chống lại những người mà ông gọi là “kẻ thù từ bên trong”. Các chuyên gia cho biết, lời lẽ hùng biện của ông, bao gồm cả những lời đe dọa đối với tự do báo chí và những hành động trước đây như rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, có thể gây ra tác động tiêu cực trên trường quốc tế khi tự do toàn cầu đang suy giảm trên toàn thế giới, xá gì đến nhân quyền Việt Nam.

Đối với di dân, chiến thắng của Donald Trump đồng nghĩa với việc áp dụng kế hoạch trục xuất hàng loạt người nhập cư không đầy đủ giấy tờ. Ông đã thể hiện tham vọng thực hiện cái mà ông gọi là “chiến dịch trục xuất trong nước lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”. Điều này có nghĩa là nỗ lực kéo dài nhiều năm để trục xuất khoảng 11 triệu người đang ở trong nước hiện chưa có giấy tờ hợp lệ, gồm cả những thân nhân của người Mỹ đang chờ điều chỉnh trình trạng di trú hợp lệ.
 
Về y tế, sức khỏe và an sinh xã hội, chiến thắng của Donald Trump có nghĩa tước đi quyền tự chủ và quyền được chăm sóc y tế sinh sản trên thân thể của người phụ nữ. Phó tổng thống của Trump, Thượng nghị sĩ Ohio J.D. Vance, trước đây đã bỏ phiếu chống lại dự luật tăng cường khả năng tiếp cận thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và các phương pháp điều trị vô sinh khác. Vance trước đây cũng đã ủng hộ lệnh cấm phá thai mà không có ngoại lệ đối với hiếp dâm hoặc loạn luân. Vance cũng đã nhiều lần lên tiếng đả kích phụ nữ không sinh con.
 
Trump cũng đã nói rằng ông sẽ “thay thế” Obamacare, một ý định mà đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã phần lớn từ bỏ trong những năm gần đây sau khi đã cố gắng “hủy bỏ và thay thế” Obamacare vào năm 2017 nhưng thất bại.  Trump cũng đã công khai tuyên bố sẽ không cắt giảm An sinh xã hội và Medicare, nhưng các chuyên gia cảnh báo các chính sách của ông – bao gồm cả việc cắt giảm thuế đối với các khoản thanh toán An sinh xã hội – có thể khiến các chương trình này cạn kiệt tiền. Một phân tích mới được công bố hôm thứ Hai, dự đoán chương trình nghị sự chính sách của Trump sẽ làm cạn kiệt quỹ An sinh xã hội sớm hơn dự kiến, chỉ trong sáu năm.
Chiến thắng của Trump và sự trở lại Tòa Bạch Ốc của ông sẽ là một thảm họa nối dài cho tương lai nước Mỹ. Tám năm qua, bốn năm dưới sự cai trị của Trump và bốn năm dưới sự cai trị của chính trường Hoa Kỳ do ảnh hưởng của ông và tối cao pháp viện với ba thẩm phán bảo thủ được ông đề cử, đã gây ra những cuộc đấu tranh và nhiều đau khổ cho phụ nữ và các nhóm thiểu số. Những nhóm người mà ông coi thường – từ người nhập cư, phụ nữ, người khuyết tật, người đồng tính, người chuyển giới, đến những người đến từ “các quốc gia tồi tệ”. Những “con người” này sẽ lại bị làm nhục khi ông trở lại và bị phản bội bởi những người đồng hương đã từ chối bảo vệ phẩm giá của họ bằng lá phiếu ủng hộ sự trở lại của Trump.
 
Sự trở lại của Trump cũng tạo bất ổn trên thế giới. Trump đã chỉ trích các thành viên NATO về sự phụ thuộc của họ vào tài chính Hoa Kỳ và đã gợi ý rằng ông sẽ khuyến khích Nga tấn công các nước NATO không tăng chi tiêu quốc phòng và có thể cân nhắc việc rời khỏi liên minh NATO. Với Ukraine, Ông và Vance đã nhiều lần ám chỉ cắt viện trợ vũ khí và tài chính, và buộc Ukraine phải hòa đàm nhượng bộ Nga. Những đối thủ Dân chủ của Trump, những người cáo buộc ông thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho rằng cách tiếp cận của ông chẳng khác nào đầu hàng Ukraine và sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ châu Âu.
 
Trump đã kêu gọi rộng rãi chấm dứt chiến tranh Israel-Gaza nhưng không nêu rõ ông coi con đường nào là con đường dẫn đến lệnh ngừng bắn. Riêng ông đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong các cuộc tấn công của nước này chống lại Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon —ông từng nói với Netanyahu là “hãy làm những gì bạn phải làm”.
 
Trong khi Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong lời nói và hành động đối với Đài Loan, Trump đã tỉnh bơ tuyên bố rằng Đài Bắc cần phải trả tiền cho Hoa Kỳ để được bảo vệ. Russell Hsiao, giám đốc điều hành của Viện Đài Loan Toàn cầu chỉ ra rằng những lời lẽ như vậy có thể “thổi bùng ngọn lửa hoài nghi” về ý định của Hoa Kỳ vào thời điểm người Đài Loan “bị đe dọa trực tiếp bởi thông tin sai lệch của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm mục đích làm suy yếu uy tín của Hoa Kỳ”.
 
Ngoài việc ca ngợi nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong Un, Trump cũng đã đưa ra những bình luận tương tự rằng Hàn Quốc nên trả tiền cho quốc phòng của Hoa Kỳ chống lại một Bình Nhưỡng hạt nhân hóa — điều này đã làm dấy lên lo ngại ở Seoul.
 
Điều gì sẽ xảy ra trong 4 năm tới, thật không khó đoán. Sau tám năm thể chế hóa, chủ nghĩa Trump giờ đây được tổ chức chặt chẽ hơn nhiều. Lần này những người lãnh đạo của chính quyền Trump thứ hai sẽ là những cựu chiến binh trung thành, họ sẽ nhậm chức với những kế hoạch đã có trong đầu, với Dự án 2025—một cương lĩnh dài 900 trang dành cho một chính quyền độc tài cản trở sự kiểm soát và cân bằng của các nhánh hành pháp, lập pháp trong chính quyền tạo quyền lực tối cao cho phủ tổng thống.
 
Nhìn chung, sự trở lại của Donald Trump cho thấy người Mỹ đã nhẹ dạ cắn câu “bài trừ di dân” và “chủ nghĩa dân túy” MAGA, đưa nước Mỹ và thế giới vào một trật tự mới nơi kẻ yếu bị dập vùi, người giàu kẻ mạnh ngày càng giàu mạnh. Ukraine, Palestine, Đài Loan sẽ lãnh hậu quả. Nga, Tàu sẽ lên mặt.  Các công ty kếch sù sẽ hưởng lợi (giá chứng khoán của Tesla hôm nay đã tăng 14.36%), và người dân trung bình sẽ bị cắt quyền lợi y tế xã hội.
 
Lịch sử như thời trang, lập đi lập lại, cho đến khi những cái giá phải trả quá đắt thì đã quá muộn. Dù gì việc Trump trở lại Bạch Ốc một lần nữa hoàn toàn là do ý dân, không phải ý chúa, nhưng lời cầu nguyện “God Bless America” lúc này có lẽ cần hơn bao giờ hết.
 
Nina Lê