Biển Đông : Việt Nam « đơn độc » chống Trung cộng
Ảnh vệ tinh chụp một nhà giàn khoan của Việt Nam tại Bãi Tư Chính (Biển Đông)AMTI/CSIS
Trang mạng The Diplomat ngày26/09/2019 có bài viết nhận định về những căng thẳng gần đây giữa Trung cộng và Việt Nam tại bãi Tư Chính, Biển Đông. Bài viết đề tựa ngắn gọn : « Việt Nam một mình đối đầu với Trung cộng ».
Theo giải thích của tác giả bài viết, Rajeswari Pillai Rajagopalan, mặc dù Việt Nam và Trung cộng đang lao vào một cuộc đối đầu dữ dội tại Biển Đông nhưng sự việc lại không thu hút được sự quan tâm đầy đủ của thế giới. Trung cộng gởi một tầu khảo sát và ít nhất 4 tầu tuần duyên. Việt Nam đáp trả qua việc triển khai đội tầu Cảnh sát biển.
Phản ứng của Việt Nam
Đầu tiên tác giả điểm lại diễn biến vụ việc, bắt đầu vào trung tuần tháng 7/2019. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, tố cáo « nhóm tầu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông ».
Cuối tháng Bẩy, bà Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định yêu cầu « Trung cộng rút ngay lập tức các tàu của họ khỏi vùng biển của Việt Nam và tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vì lợi ích mối quan hệ giữa hai nước và vì ổn định và hòa bình cho khu vực ». Việt Nam khẳng định rằng họ đã nhiều lần tiếp cận Trung cộng thông qua một số kênh khác nhau.
Cũng trong cuối tháng 7, Phó thủ tướng, ngoại trưởng, Phạm Bình Minh tại hội nghị ASEAN đã « bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn tiến gần đây tại Biển Đông, liên quan đến các hoạt động của nhóm tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, xâm phạm vùng EEZ của Việt Nam và thềm lục địa trong vùng lãnh hải ». Ngoại trưởng Việt Nam nói thêm rằng các hoạt động này « đe dọa nghiêm trọng các quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin và gia tăng căng thẳng, do đó làm tổn hại hòa bình và ổn định khu vực ».
Tờ báo nhắc lại vùng đặc quyền kinh tế này được vạch ra theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, mà cả hai nước Việt Nam và Trung cộng đều có tham gia ký kết.
Chỉ có điều lần này Trung cộng tiến hành theo một phương thức khác. Theo ghi nhận của các nhà phân tích Việt Nam, không giống như trong quá khứ, mỗi lần như thế tầu Trung cộng ở lại đến vài tháng trong cùng một khu vực. Lần này, Trung cộng để đội tầu ở lại vài tuần trước khi rút đi, để rồi sau đó quay trở lại trong cùng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đầu tháng Tám năm 2019, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam thông báo « tầu Hải Dương Địa Chất 8 đã ngưng các hoạt động khảo sát và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía nam ». Vài ngày sau, bộ Ngoại Giao lại nhận thấy « đội tầu khảo sát Trung cộng cùng với nhiều tầu hộ tống lại quay trở lại vùng lãnh hải Việt Nam ». Chính quyền Hà Nội một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng với tình hình nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Cùng lúc đó, Bắc Kinh bắt đầu đợt tập trận mới gần quần đảo Hoàng Sa.
Bất chấp sự phản đối liên tục của Việt Nam, căng thẳng vẫn tiếp tục, và giờ đã bước sang tháng thứ ba. Cách đây vài ngày, Nguyễn Mạnh Đông, Vụ trưởng Vụ biển, Ủy ban Biên giới Quốc gia, trực thuộc Bộ Ngoại giao, trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, nói rõ là « Tranh chấp là điều không thể tránh khỏi trong việc diễn giải và áp dụng Công ước UNCLOS, nhưng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình thông qua các biện pháp quy định tại Điều 33 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Điều 279 của UNCLOS ».
Phản ứng « dè chừng » của quốc tế
Những năm gần đây, Trung cộng ngày càng tỏ ra hung hăng trong khu vực. Tác giả nhắc lại một loạt các sự cố trong năm nay : Tháng 6, Trung cộng cho tầu đâm chìm thuyền đánh cá của Philippines tại Bãi Cỏ Rong. Đầu tháng 5, tầu cảnh sát biển Hải Dương 35111 cản trở hoạt động của giàn khoan dầu khí của Mã Lai gần đảo Luconia Shoals, ngoài khơi bang Sarawak. Trong một động thái khác để khẳng định yêu sách của mình, Trung cộng đã tổ chức cuộc đua thuyền Sinan Cup lần thứ 7 tại đảo Duy Mộng, thuộc Hoàng Sa.
Trong tình hình này, chính phủ Việt Nam tìm cách tác động đến các nước Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Úc và nhiều nước khác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đáp lại lời kêu gọi này là gì ? Một sự im lặng và những lời phát biểu « sáo rỗng ». Chẳng hạn, Mã Lai trong một tài liệu công bố chính sách đối ngoại mới tuyên bố : « Biển Đông phải là khu vực của sự hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng và không phải là nơi đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần của Khu vực Hòa Bình, Tự Do và Trung Lập (ZOPFAN). Mã Lai sẽ tích cực thúc đẩy hơn nữa tầm nhìn này tại ASEAN ».
Hay như thông cáo chung ngày 27/08/2019 giữa Việt Nam và Mã Lai chỉ nhấn mạnh « tầm quan trọng của việc tự kiềm chế, phi quân sự hóa và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển, và điều luật quy định trong UNCLOS 1982 cũng như là tránh các hoạt động có thể gây leo thang căng thẳng ».
Các cường quốc ngoài khu vực cũng chỉ có những phát biểu tương tự không hơn không kém. Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, David Stilwell, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng, « thông qua nhiều hành động phi pháp và quân sự hóa các thực thể có tranh chấp, Bắc Kinh đã và tiếp tục hành động để ngăn chặn các nước thành viên ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng ước tính trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la ».
Còn những cường quốc khác thì dừng lại ở việc nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của tự do hàng hải, như tuyên bố chung New Dehli – Paris nhân chuyến thăm Pháp gần đây của thủ tướng Modi. Hội nghị về Ấn Độ Dương được tổ chức gần đây tại Maldives trong hai ngày 3 và 4 tháng 9, với sự hiện diện của thủ tướng Sri Lanka cùng các ngoại trưởng Singapore và Maldives, cũng chỉ chú trọng vào tự do hàng hải, nhưng một lần nữa không đề cập đến Biển Đông.
Nhật Bản còn có vẻ cứng rắn một chút. Ngoại trưởng Nhật Bản cho rằng Biển Đông là một tuyến đường giao thông quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Vùng này có liên quan trực tiếp đến sự ổn định và hòa bình của khu vực. Do vậy, cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản, chú ý nghiêm túc đến tình hình ở Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất kỳ hành động nào của bất kỳ ai nhằm làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Tương tự, Ấn Độ cũng nhấn mạnh rằng « hòa bình và ổn định khu vực mang lại lợi ích bền vững. Ấn Độ giữ vững lập trường ủng hộ tự do lưu thông hàng hải và hàng không, và giao thương hợp pháp không bị cản trở, trong vùng biển quốc tế, tuân thủ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. »
Trước những lời lẽ này, tác giả kết luận : Trong cuộc đối đầu này, Việt Nam có thể sẽ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ mạnh mẽ nào từ các đối tác trong khu vực và bên ngoài. Nhưng Việt Nam cũng khó có thể tự mình chống lại Trung cộng. Bắc Kinh dường như đã tính toán chính xác rằng họ không phải lo sợ bất kỳ một sự hợp nhất chống đối nghiêm trọng nào.
https://thediplomat.com/2019/09/vietnam-confronts-china-alone/
RFI (27.09.2019)
Sách Trắng của Nhật xác định Trung cộng (TC) là mối đe dọa số 1
Trong
sách Sách Trắng mới ra mặt Nhật Bản đã xác định TC là mối đe dọa lớn nhất trên
TG. Đây chắc chắn sẽ là 1 cú sốc đối với TC mà họ không thể ngờ. Dưới đây là những
thông tin cụ thể.Ngày 26/9, Nhật Bản đã công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2019
chỉ rõ, sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung cộng khiến nước này trở
thành mối đe dọa an ninh chính đối với Tokyo.Những đánh giá an ninh về Trung cộng
được đưa ra sau mục nói về đồng minh của Nhật Bản là Mỹ, lần đầu tiên Bắc Kinh
bị đưa lên vị trí thứ 2 và đẩy Triều Tiên xuống vị trí thứ 3. Nga bị xếp ở vị
trí thứ 4 do Nhật Bản đánh giá nước này là mối đe dọa chính trong thời kỳ Chiến
tranh Lạnh.
Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết: “Đây là phản ánh thực tế rằng chỉ Mỹ
và Trung cộng có thể gây ảnh hưởng toàn cầu”.
Theo Sách Trắng, Nhật Bản đã gia tăng ngân sách quốc phòng thêm 10% trong vòng
7 năm qua nhằm chống lại những tiến bộ về quân sự của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng,
bao gồm cả việc phòng thủ trước tên lửa của Triều Tiên, có thể có khả năng mang
đầu đạn hạt nhân.
Đứng trước việc Trung cộng hiện đại hóa quân đội, Nhật Bản sẽ mua máy bay chiến
đấu tàng hình và các vũ khí hiện đại khác của Mỹ. Trong đề xuất ngân sách mới
nhất, quân đội Nhật Bản đã yêu cầu mức 115,6 tỷ Yen (1,1 tỷ USD) để mua 9 máy
bay tiêm kích tàng hình F-35.
Sau khi hoạt động rộng rãi trong giới hạn gần bờ biển Trung cộng, Bắc Kinh giờ
đây thường triển khai các đội tuần tra trên không và trên biển gần quần đảo
Okinawa ở Tây Nhật Bản cũng như ở Tây Thái Bình Dương.
Sách Trắng của Nhật Bản cho rằng, việc Trung cộng tuần tra tại vùng biển và
vùng trời gần lãnh thổ Nhật Bản là “một mối quan ngại về an ninh quốc
gia”. Văn kiện này cũng hạ cấp Hàn Quốc – nước mới rút khỏi thỏa thuận
chia sẻ tin tức tình báo với Nhật Bản do bất đồng về lịch sử thời chiến. Theo
các nhà phân tích, động thái này có thể làm suy yếu nỗ lực ngăn chặn các mối đe
dọa từ Triều Tiên.
Các đối tác khác, bao gồm Australia, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
và Ấn Độ được khắc họa sắc nét hơn trong Sách Trắng của Nhật Bản. Theo quan chức
Bộ Quốc phòng, “đây là phản ánh mức độ hợp tác mà chúng tôi có với từng đối
tác”.
VietBF (27.09.2019)
Trung cộng đưa giàn khoan nước sâu mới vào Biển Đông
Trung cộng đã triển khai giàn khoan dầu Hải Dương 982 tại Biển Đông. Ảnh: Weibo.
Giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 982 của Trung cộng xúc tiến hoạt động tại Biển Đông kể từ ngày thứ bảy tuần qua.
Mạng báo South China Morning Post vào ngày 25 tháng 9 dẫn nguồn từ truyền thông Nhà nước Trung cộng về tin vừa nêu; cũng như theo tài khoản mạng xã hội Trường An Kiếm của Ủy ban Chính Pháp Trung ương Trung cộng.
Cụ thể, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 được triển khai hoạt động tại vùng nước sâu đến 3.000 mét. Đây là giàn khoan dầu lớn nhất và hiện đại nhất thuộc loại này của Trung cộng và độ sâu nhất mà giàn có thể khoan là 5.000 mét.
Tin không nói rõ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 được hạ đặt ở tọa độ cụ thể nào.
Bắc Kinh cho tăng cường hoạt động thăm dò tài nguyên kể từ năm 2016 nhằm giảm bớt lệ thuộc vào nguồn cung ứng dầu thô từ nước ngoài.
Trong khi đó từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, Trung cộng cho tàu thăm dò đại dương được hộ tống bởi tàu hải cảnh đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính. Có những lúc tàu này chỉ cách bờ biển Việt Nam 155 kilomet.
Hà Nội kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, như thế.
Trung cộng không những không đáp ứng yêu cầu từ phía Việt Nam mà vào ngày 18 tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng, ông Cảnh Sảng, cho rằng Bãi Tư Chính thuộc vùng nước quanh quần đảo Trường Sa. Ông Cảnh Sảng còn yêu cầu Việt Nam chấm dứt các hoạt động dầu khí tại đó.
Giàn khoan nước sâu đầu tiên của Trung cộng, Hải Dương Thạch Du 981, được đưa vào hoạt động tại Biển Đông vào năm 2012. Đến giữa năm 2014, giàn khoan này được hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dẫn đến đợt biểu tình chống Trung cộng xâm phạm lãnh hải Việt Nam tại nhiều nơi trên cả nước.
RFA (25.09.2019)
Việt Nam nêu vụ Bãi Tư Chính trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc?
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2016.
Một viên chức cấp cao của Việt Nam dự kiến sẽ có bài phát biểu trước lãnh đạo các nước tại cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA), và giới phân tích cho rằng Hà Nội nên nêu vụ “đối đầu” với Trung cộng ở Bãi Tư Chính để vận động sự ủng hộ của nhiều quốc gia hơn nữa.
Văn phòng của Người phát ngôn cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho VOA tiếng Việt biết rằng, theo lịch trình tạm thời, một phó thủ tướng của Việt Nam sẽ có bài phát biểu vào ngày 28/9. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện chưa thấy thông báo về phái đoàn dự kỳ họp của UNGA lần này.
Mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Cảnh Sảng yêu cầu Việt Nam phải “ngay lập tức chấm dứt” các hoạt động thăm dò dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính. Trong khi đó, Hà Nội tuyên bố rằng Bắc Kinh đã đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
“Trung quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa), và quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng lãnh hải Vạn An Than (Bãi Tư Chính) thuộc quần đảo Nam Sa”, ông Cảnh nói.
Trước tuyên bố mà nhiều người Việt cho là “ngang ngược” này của Trung cộng, ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng Việt Nam nên đưa vụ Bãi Tư Chính ra trước UNGA.
“Về lâu dài, lựa chọn duy nhất của Việt Nam nhằm đẩy lùi tuyên bố chủ quyền của Trung cộng là vận động sự ủng hộ của quốc tế để Bắc Kinh cảm thấy rằng họ bị tổn hại nhiều về danh tiếng và ngoại giao. Cho tới nay, ngoài Mỹ, Hà Nội vẫn chưa được nước nào khác lên tiếng rõ ràng về vấn đề này”, ông Poling nói với VOA tiếng Việt.
“Một bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ giúp thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và các nước có tiếng nói như Úc, Nhật và Anh cùng các quốc gia vốn giữ im lặng phải lên tiếng”.
Năm ngoái, khi tình hình Biển Đông chưa “nóng” như hiện nay, phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhắc tới vấn đề tranh chấp lãnh hải, với tuyên bố rằng Việt Nam “luôn nhất quán trong việc đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trong đó có khu vực Biển Đông, trên cơ sở Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không”.
Một năm trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có tuyên bố tương tự ở Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên liên quan kiềm chế”.
Ông Poling nhận định rằng một bài phát biểu có nêu vụ “đối đầu” ở Bãi Tư Chính “chắc chắn sẽ khiến Trung cộng giận dữ, nhưng nó cũng dẫn tới phản ứng tiêu cực đáng kể đối với Bắc Kinh từ các nước có đồng quan điểm ở châu Âu, Mỹ, Canada, Australia hay Nhật”.
“Và nó cũng sẽ mở đường cho các nước này, đặc biệt là Mỹ, tìm cách thay mặt Việt Nam vận động thêm sự ủng hộ của quốc tế”, nhà nghiên cứu của trung tâm ở thủ đô Washington, nơi nhiều lãnh đạo Việt Nam từng tới thăm và phát biểu, nói.
Tổng thống Trump hôm 24/9 đã sử dụng bài phát biểu trước UNGA để phát đi thông điệp cứng rắn tới Trung cộng và Chủ tịch Tập Cận Bình về cuộc chiến thương mại cũng như cảnh báo rằng thế giới giới đang theo dõi cách thức Bắc Kinh xử lý các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị sau đó đáp trả rằng Bắc Kinh sẽ không khuất phục trước các lời đe dọa.
Liên quan tới bài phát biểu sắp tới của lãnh đạo Việt Nam, khi được hỏi rằng liệu Hà Nội có thể vận động được ủng hộ nhiều tới mức nào ở UNGA nếu đề cập cụ thể tới vụ Bãi Tư Chính, ông Poling nói rằng “có nhiều hơn hẳn các nước phản đối thay vì ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung cộng”.
Nhà nghiên cứu này lấy ví dụ về việc hơn 50 nước chúc mừng Philippines “thắng kiện” khi đưa tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung cộng ra Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc, trong khi chỉ có hơn 30 nước, phần lớn là từ Trung Đông và Bắc Phi, đứng về phía Bắc Kinh phản đối phán quyết có lợi cho Manila. Nhiều học giả và các nhà hoạt động Việt Nam lâu nay đã kêu gọi Hà Nội theo chân Philippines, kiện Trung cộng.
“Nếu vấn đề [Bãi Tư Chính] được nêu lên trước Liên Hợp Quốc, không còn nghi ngờ gì chuyện nhiều nước lưỡng lự vì áp lực của Trung cộng đối với các quốc gia nhỏ hơn ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin và một số quốc gia ở châu Á, nhưng sẽ có thêm nhiều nước công khai đứng về phía Việt Nam hơn là Trung cộng”, ông Poling nói.
“Và các nước ủng hộ Việt Nam sẽ có sức nặng hơn nhiều về mặt dân số, sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng”.
VOA (25.09.2019)
Tàu bệnh viện Trung cộng cứu trợ nhân đạo để đánh bóng hình ảnh
Tàu Peace Ark của Trung cộng đến Venezuela.
Trung cộng đưa tàu y tế Peace Ark, nặng 14.300 tấn, làm nhiệm vụ giải cứu tàu thuyền nước ngoài gặp nạn trong vùng biển đang tranh chấp nhằm đánh bóng hình ảnh của Bắc Kinh giữa các nước ở khu vực.
Tàu bệnh viện Peace Ark dài 178 mét, bắt đầu được đóng vào năm 2008, sẽ làm công việc trợ giúp nhân đạo quốc tế, ứng phó với thảm họa thiên nhiên và thực hiện trao đổi nghiên cứu y tế, Tân Hoa Xã đưa tin hôm 20/09.
“Tôi nghĩ rằng họ muốn đánh bóng hình ảnh của mình, giống như một người khổng lồ hiền lành trong khu vực,” ông Trung Nguyễn, trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, nói với VOA.
“Họ muốn các quốc gia khác phụ thuộc vào họ như một người có thể chăm sóc họ trong khu vực, thay vì Hoa Kỳ,” ông Trung nói thêm.
Tàu Peace Ark.
Tân Hoa Xã cho biết tàu Peace Ark có màu trắng, có chiều 35,5 mét với tám tầng, do hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng điều hành.
Ông Carl Thayer, giáo sư chính trị tại Đại học New South Wales, Úc, cho VOA biết các quan chức Trung cộng hy vọng tàu của họ có thể sánh với tàu USNS Mercy của Hoa Kỳ.
Tàu bệnh viện Trung cộng sẽ tham gia cùng với các thiết bị quân sự khác để “bảo vệ chủ quyền của họ trên biển” ngay cả khi nó “giúp ích cho công chúng,” ông E E Sun, thành viên cao cấp của Viện các vấn đề quốc tế Singapore, nói với VOA.
Nhưng tại Việt Nam, quốc gia phản đối kịch liệt nhất sự kiểm soát của Trung cộng đối với Biển Đông, Hà Nội có lẽ sẽ “dè dặt” đối với tàu bệnh viện này vì họ vẫn “nghi ngờ về ý đồ của Trung cộng,” ông Trung Nguyễn nói.
VOA (25.09.2019)
Trung cộng tăng cường sĩ quan cao cấp hải quân tham gia lực lượng hải cảnh
Vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hải cảnh Trung cộng đang được thay thế bằng các sĩ quan từ hải quân, động thái cho thấy tham vọng hiện diện vũ trang trong vùng tranh chấp.
Khi Trung cộng tiến hành hợp nhất các đơn vị thực thi pháp luật hàng hải vào lực lượng hải cảnh năm 2013, ban lãnh đạo hải cảnh là sự pha trộn giữa các nhân viên dân sự và quân sự. Nhưng bây giờ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hải cảnh đều do các sĩ quan hải quân nắm giữ, Nikkei Asia Review cho biết.
Động thái này diễn ra khi Bắc Kinh trở nên cứng rắn hơn trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển. Những thay đổi về nhân sự chủ chốt của hải cảnh được hoàn thành trong tháng 6, khi một cựu sĩ quan hải quân được bổ nhiệm chỉ huy đơn vị hải cảnh giám sát Biển Đông.
Trước đó, một sĩ quan hải quân khác cũng được bổ nhiệm chỉ huy đơn vị hải cảnh giám sát biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung cộng.
Nikkei nhận định Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình là người khởi xướng những thay đổi nhân sự ở hải cảnh. Tháng 7/2018, hải cảnh đã được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Quân Ủy trung ương do Chủ tịch Tập lãnh đạo.
Tàu hải cảnh Trung cộng hoạt động trong lãnh hải Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.
Tháng 12/2018, Chuẩn đô đốc Wang Zhongcai, Tư lệnh nhóm đặc nhiệm hộ tống số 26, hạm đội Đông Hải được bổ nhiệm là tư lệnh hải cảnh, vị trí bị bỏ trống trong thời gian khá dài. Việc bổ nhiệm cho thấy sự ưu tiên của Bắc Kinh trong chiến lược sử dụng hải cảnh là thành phần chính trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển.
Nếu hải cảnh Trung cộng trở thành một chi nhánh của lực lượng vũ trang với các tàu tuần tra được vũ trang mạnh, nó sẽ tạo ra thách thức lớn cho các lực lượng bảo vệ bờ biển khác khi thực hiện nhiệm vụ an ninh biên giới hàng hải bình thường.
Ở Biển Hoa Đông đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của hải cảnh Trung cộng. Các tàu hải cảnh Trung cộng đã hoạt động 64 ngày liên tiếp cho đến tháng 6, trên vùng biển tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản. Đây là đợt tuần tra dài ngày nhất kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa quyền kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư từ tư nhân vào năm 2013.
“Các tàu hải cảnh Trung cộng ngày càng lớn hơn về kích thước và có khả năng hoạt động dài ngày trên biển”, một nguồn tin từ cảnh sát biển Nhật Bản cho biết. Các tàu Trung cộng xâm nhập lãnh hải Nhật Bản thường xuyên với số lượng lớn hơn.
Hoạt động xâm nhập của tàu hải cảnh Trung cộng tăng từ một đến hai lần trong một tháng của năm 2018 lên đến 3 lần mỗi tháng trong năm 2019. Tính đến tháng 9, 98 tàu hải cảnh Trung cộng đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, so với 70 tàu của năm 2018.
Theo VietBF (25.09.2019)
Mỹ gia hạn hiệp ước sử dụng căn cứ quân sự ở Singapore
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ký bản ghi nhớ gia hạn hiệp ước quốc phòng, New York, ngày 23/09/2019.
Chiều ngày 23/09 tại New York, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã ký gia hạn một hiệp ước quốc phòng quan trọng cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng các căn cứ không quân và hải quân của Singapore, kéo dài thời hạn thêm 15 năm nữa, tức đến năm 2035, theo The Straits Times hôm 24/09.
Tòa Bạch Ốc dẫn phát biểu của Tổng thống Trump tại lễ ký kết, nói: “Chúng tôi ký một bản ghi nhớ về quốc phòng. Đây là một bản ghi nhớ rất mạnh mẽ. Chúng ta có một mối quan hệ tuyệt vời với Singapore và với Ngài Thủ tướng.”
Cả hai nhà lãnh đạo đều ca ngợi mối quan hệ chặt chẽ giữa Singapore và Hoa Kỳ khi hai nước ký Bản ghi nhớ sửa đổi vào năm 1990 theo đó cho phép sử dụng các thiết bị của Hoa Kỳ tại Singapore, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt đã củng cố sự hiện diện an ninh của Hoa Kỳ tại khu vực này trong gần 30 năm qua.
Trang The Straits Time trích lời Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu trước lễ ký kết: “Bản ghi nhớ này phản ánh sự hợp tác rất tốt của chúng tôi trong các vấn đề quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Singapore, và đây cũng là sự hợp tác rộng lớn hơn mà chúng tôi đạt được trong nhiều lĩnh vực khác như – về an ninh, kinh tế, chống khủng bố và trong văn hóa, cũng như giáo dục.”
“Chúng tôi hy vọng sự hợp tác này sẽ phát triển. Và chúng tôi hy vọng rằng nó cũng sẽ là một phương tiện để Hoa Kỳ tăng cường cam kết ở khu vực Đông Nam Á và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương,” nhà lãnh đạo Singapore nói thêm.
Bản ghi nhớ quốc phòng đầu tiên do Thủ tướng Lý Quang Diệu và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Dan Quayle ký năm 1990 và sau đó được gia hạn lần gần nhất là vào năm 2005.
Thỏa thuận này tạo điều kiện cho các lực lượng Hoa Kỳ tiếp cận các căn cứ không quân và hải quân Singapore, và cung cấp hỗ trợ hậu cần cho binh sĩ, máy bay và tàu quá cảnh của nước này.
Theo thỏa thuận này, Mỹ đã luân phiên triển khai máy bay chiến đấu để tập trận, tiếp nhiên liệu và bảo trì, cũng như triển khai các tàu chiến đấu ven biển (LCS) tới Singapore từ năm 2013 và máy bay P-8 Poseidon kể từ năm 2015.
VOA (24.09.2019)
Exxon, trắc nghiệm về ảnh hưởng của Trung cộng ở Biển Đông
Một cơ sở của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil tại Mỹ.REUTERS
Dự án dầu khí của tập đoàn Mỹ Exxon Mobil ngoài khơi bờ biển Việt Nam đang trở thành một sự trắc nghiệm về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung cộng trên vùng Biển Đông. Đó là nhận định chung của hãng tin Bloomberg trong một bài phân tích đề ngày 23/09/2019.
Vào đầu tháng này có tin là tập đoàn Exxon sẽ rút khỏi dự án Cá Voi Xanh, cụ thể là sẽ bán 64% cổ phần trong liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trong dự án khai thác dầu khí tại một nơi chỉ cách bờ biển Đà Nẵng 80 km. Mặc dù dự án này nằm bên ngoài bản đồ đường “lưỡi bò” do Trung cộng tự vẽ, nó lại nằm trong khu vực mà Bắc Kinh cũng muốn phát triển.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 12/09/2019, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng đã bác bỏ thông tin nói trên, khẳng định các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam vẫn “được tổ hợp nhà thầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Exxon Mobil triển khai theo kế hoạch”. Về phần Exxon, theo Bloomberg, tập đoàn này chưa trả lời báo chí về dự án Cá Voi Xanh.
Bắc Kinh gần đây đã gia tăng áp lực đối với Hà Nội qua việc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhiều tàu hộ tống vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn. Đây là lô dầu khí liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft của Nga.
Vào năm ngoái, dưới áp lực của Trung cộng, Việt Nam đã buộc phải yêu cầu công ty Tây Ban Nha Repsol ngưng một dự án dầu khí ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam. Theo nhận định của ông Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nếu Exxon rút đi, đây sẽ là một vố đau đối với Việt Nam, vì nó xảy ra tiếp theo sau vụ Repsol. Trong trường hợp này, Trung cộng coi như đạt mục tiêu và có thể sẽ hưởng lợi lâu dài về việc các tập đoàn dầu khí ngoại quốc ngại liên doanh với Việt Nam tại các vùng biển này.
Trong quá khứ, Bắc Kinh cũng đã từng gây áp lực đối với các hoạt động thăm dò dầu khí của Exxon ngoài khơi Việt Nam. Vào năm 2008, các quan chức Trung cộng đã cảnh cáo tập đoàn Mỹ là phải từ bỏ các dự án thăm dò bị xem là xâm phạm chủ quyền của Trung cộng.
Nhưng lần này, Hà Nội đã có phản ứng quyết liệt hơn. Cũng trong cuộc họp báo ngày 12/09, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng đã nhắc lại lập trường của Hà Nội : Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công Ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Nhà nghiên cứu Bill Hayton, Viện Hoàng gia về Các Vấn đề Quốc tế Chatham House, Anh Quốc, cũng khẳng định: “Trung cộng không có quyền chính đáng gì trên các vùng biển đó, cho nên những hành động của Trung cộng là vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”. Theo ông Hayton, nếu Trung cộng tạo thành một tiền lệ, tức là họ muốn làm gì thì làm ở Biển Đông, bất chấp các công ước quốc tế, thì luật pháp quốc tế sẽ bị giáng một đòn nặng và thế giới sẽ bớt an toàn hơn.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, tập đoàn Exxon có thể có những lý do khác để bán cổ phần của họ trong liên doanh Cá Voi Xanh. Hãng tin này trích lời chuyên gia Andrew Harwood, công ty tham vấn năng lượng Wood Mackenzie, Exxon Mỹ hiện nay đang có kế hoạch thoái vốn ra khỏi các dự án không quan trọng hoặc các dự án tại những nơi dễ gặp phiền toái, để huy động nguồn tài chính cho các dự án có tiềm năng phát triển cao hơn. Nhưng cho dù Exxon rút khỏi dự án Cá Voi Xanh vì những lý do nói trên, thì rõ ràng là áp lực của Trung cộng đã có tác động gián tiếp.
Mặt khác, theo nhận định của Bloomberg, Việt Nam ngày càng bị cô lập trong nỗ lực chống lại Trung cộng, vào lúc mà Bắc Kinh sắp đạt được một thỏa thuận với Manila về việc cùng thăm dò dầu khí tại một khu vực tranh chấp giữa Trung cộng với Philippines. Trung cộng cũng vừa khởi đầu đàm phán song phương với Mã Lai để giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.
RFI (24.09.2019)
Cuộc đua giành đảo để chiếm ưu thế hàng hải
Ảnh chụp vệ tinh ngày 08/04/2015 cho thấy các hoạt động bồi đắp một đảo nhỏ và phát triển một cảng nhân tạo tại những bãi rạn san hô của Trung cộng trên quần đảo Trường Sa, Biển Đông. REUTERS/ CSIS’s Asia Maritime Transparency
Không còn là nơi xa xôi hẻo lánh, bị cô lập, những hòn đảo trên biển đang trở thành những mảnh ghép chiến lược quan trọng được nhiều cường quốc đua nhau chiếm đoạt hay tranh giành ảnh hưởng nhằm kiểm soát những vùng lãnh hải bao la. Việc chiếm đóng và xây dựng các đảo đá ngầm ở Biển Đông là một trong số các ví dụ điển hình nhất trong cuộc đua giành đảo này.
Mỏm đá, đảo nhỏ, đảo?
Thống kê của Liên Hiệp Quốc đưa ra một con số ấn tượng : 460.000 đảo trên khắp hành tinh. Từ cổ chí kim, nói đến đảo là nhắc đến nhiều chức năng của đảo : Một vị trí chủ chốt để kiểm soát một eo biển, Điểm giao thương và giao thoa văn hóa, Chốn thiên đường để quay phim giải trí, Một khu bảo tồn sinh thái…
Sự giầu có của một hòn đảo giờ không chỉ gắn liền với mảnh đất hình thành nên nó, và dưới thời thực dân, cho phép cường quốc cai trị đảo trở nên giầu có, mà còn đi liền với cả vùng biển bao bọc đảo – hay đúng hơn với cả đáy biển và những gì chúng cất trữ. Vậy trước hết, như thế nào mới được xem là đảo ? Bà Marie Redon, nhà địa chất học trường đại học Paris 13, tác giả tập sách « Vị thế địa chính trị của các đảo » (Nhà xuất bản Le Cavalier Bleu) giải thích trên đài RFI :
« Định nghĩa nghe có vẻ hiển nhiên. Nếu chúng ta bảo một ai đó « vẽ cho tôi một hòn đảo đi », một cách ngẫu nhiên, chúng ta sẽ có một mảnh đất chung quanh bao bọc nước và điều này chỉ dừng ở đó. Như vậy, một mảnh đất xung quanh toàn là nước, đương nhiên rồi, nhưng mảnh đất nào mới được ? Diện tích mảnh đất đó là bao nhiêu ? Liệu đó có là một mỏm đá, một đảo nhỏ ? Hay đó là một mảnh đất không nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống để được xem là một hòn đảo ? Phải chăng nước Anh vẫn luôn là đảo bất chấp đường hầm dưới biển Manche ? Hay như đảo Ré (phía tây nước Pháp) vẫn luôn là một hòn đảo ?
Thật tình, có điều gì đó thoáng nghĩ có vẻ rất rõ ràng trong định nghĩa về đảo, nhưng đồng thời cũng cực kỳ phức tạp khi chúng ta đi sâu hơn trong khái niệm này. Do vậy, định nghĩa đơn giản : Đó là một mảnh đất chung quanh bao bọc nước. Định nghĩa phức tạp hơn, dĩ nhiên chúng ta sẽ đề cập đến trong suốt chương trình này. Điều quan trọng đối với tôi chính là bản thân định nghĩa về đảo cũng đang trở thành một thách thức địa chính trị và kinh tế quan trọng. »
Vùng đặc quyền kinh tế : 200 hay 350 hải lý ?
Thế rồi xuất hiện một ký hiệu rất dễ thương nhưng có một tầm quan trọng lớn: Đó là EEZ – vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (tương đương với 370,4 km) được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS lần III công bố năm 1982. Điều này có nghĩa là từ đường bờ biển, các quốc gia ven biển được quyền tiến ra khơi xa đến 370,4 km. Việc quốc tế công nhận vùng đặc quyền kinh tế EEZ đã mở đường cho quyết định công nhận các đảo quốc nhỏ đang phát triển như là một nhóm quốc gia đặc biệt trong lòng tổ chức quốc tế này 10 năm sau đó. Nhờ có EEZ mà vai trò những đảo quốc nhỏ này cũng tăng dần cùng với thời gian trên bàn cờ địa chính trị.
Lợi ích kinh tế và chiến lược từ biển cả mang về ngày càng lớn do vậy ngày càng có nhiều quốc gia đòi hỏi mở rộng EEZ. Hiện Tòa Án Công Lý Quốc Tế đang xem xét khả năng mở rộng các vùng đặc quyền kinh tế từ 200 hải lý lên đến 350 hải lý. Nghĩa là các nước duyên hải có thể vươn ra khơi xa đến 600 km tính từ bờ biển. Câu hỏi đặt ra : Vì sao là 200 và 350 hải lý ? Bà Marie Redon giải thích tiếp :
« Vì sao là 200 hải lý và 350 hải lý ? Con số 200 hải lý, độ rộng này không phải được chọn một cách ngẫu nhiên. Con số này từng phù hợp và bây giờ vẫn phù hợp với dòng hải lưu Humboldt, đi dọc theo bờ biển Thái Bình Dương. Đòi hỏi 200 hải lý này là do các quốc gia duyên hải như Pêru, Chilê đưa ra nhằm bảo vệ các vùng ngư trường của họ. Bởi vì khi người ta đề cập đến vùng EEZ này, đây là một thuật ngữ rất quan trọng, những quốc gia đó muốn độc quyền bảo vệ các nguồn tài nguyên như thủy sản và tài nguyên dưới lòng đáy biển.
Còn 350 hải lý tương đương với việc mở rộng ranh giới thềm lục địa. Ở đây chúng ta đang bước vào lĩnh vực thuật ngữ hải dương học. Thềm lục địa chính là việc nối dài về mặt kỹ thuật từ đất liền ra biển cả, và thường thì chính sâu dưới thềm lục địa chúng ta sẽ tìm thấy các nguồn dầu khí. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của mọi yêu sách. Bởi vì, những quốc gia nào không có nước láng giềng đối mặt, có thể mở rộng và có một thềm lục địa vượt quá 200 hải lý với nguồn dầu hỏa được tìm thấy hoặc có hy vọng tìm thấy dưới thềm lục địa thì những nước đó sẽ tìm cách đẩy xa hơn nữa giới hạn này. »
Cuộc đua giành đảo : Hoàng Sa, Trường Sa là ví dụ điển hình
Đây chính là trường hợp của nhiều cường quốc lớn hiện nay như Hoa Kỳ, Pháp, vốn dĩ là những quốc gia có EEZ rộng lớn nhất thế giới. Và đó cũng chính là nguyên nhân của mọi xung đột trong tương lai. Tại Bắc Băng Dương, dưới tác động của hiện tượng khí hậu ấm dần, băng tuyết tại đây tan nhanh dẫn đến sự thèm muốn sở hữu những vùng lãnh hải được cho là giầu nguồn tài nguyên chưa được khai thác và có thể sẽ là những con đường hàng hải chiến lược trong tương lai.
Hoa Kỳ, Nga, Canada… bắt đầu khởi động cuộc đua giành quyền kiểm soát nhiều đảo quan trọng. Sự kiện gây chú ý gần đây nhất là ý định mua đảo Groenland bất thành của tổng thống Mỹ Donald Trump do bị Đan Mạch bác bỏ. Vụ việc thoáng nghe có vẻ khôi hài nhưng thật chất đó là cả một ý đồ chiến lược của Mỹ, nhằm bảo vệ sân sau Bắc Cực trước thế mạnh đang lên của Nga và Trung cộng.
Nếu như các cường quốc xưa và nay rất « chăm chút » cho việc mở rộng ảnh hưởng hàng hải của mình, thì những cường quốc mới trỗi dậy cũng tìm cách chen chân vào cuộc chơi. Trung cộng, những năm gần đây, một mặt không ngừng mở rộng quan hệ với các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, nhằm triệt tiêu dần nguồn lực ủng hộ của Đài Loan, hòn đảo « cứng đầu, khó trị » luôn tìm cách cưỡng lại mọi ý đồ hợp nhất Đài Loan về với Hoa Lục. Mặt khác, Bắc Kinh liên tục xâm chiếm các bãi đá ngầm ở Hoàng Sa và Trường Sa, rồi tiến hành cải tạo biến chúng thành đảo, lập các tiền đồn quân sự. Hành động này của Trung cộng ở Biển Đông đã bị các nước có tranh chấp chủ quyền tại những bãi đá ngầm như Việt Nam, Philippines phản đối gay gắt. Năm 2013, chính quyền Manila quyết định kiện Trung cộng trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về việc nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn đối với toàn bộ vùng Biển Đông.
Năm 2016, Tòa án quốc tế La Haye ra phán quyết bất lợi, không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại những bãi đá ngầm trên. Về điểm này, bà Marie Redon cho rằng chính hồ sơ này cũng cho thấy rõ có những bất cập và một số kẽ hở pháp lý về cách định nghĩa như thế nào là đảo.
« Thời gian gần đây, tôi cho là khoảng những năm 2016 – 2017, một phán quyết của tòa án Công lý Quốc tế đã được đưa ra nêu rõ định nghĩa về đảo khi cho rằng đảo phải là một mảnh đất nổi lên mặt nước khi thủy triều lên và không phải do nhân tạo, mà phải là tự nhiên. Và yếu tố cuối cùng chính là đảo phải có thể thích hợp với điều kiện sinh sống của con người.
Thế nhưng, thuật ngữ « thích hợp với điều kiện sinh sống con người » lại không mấy rõ ràng. Liệu việc « thích hợp cho điều kiện sinh sống con người » này có được là nhờ vào nguồn cung cấp từ bên ngoài hay là tự thân, điều này chưa mấy rõ. Dẫu sao thì các luật gia, các chuyên gia về luật biển cũng đang suy nghĩ về khái niệm này.
Trong trường hợp của Hoàng Sa và Trường Sa, tôi nhớ là vào năm 2014, chúng tôi có xem những bức ảnh chụp làm cho mọi người phì cười bởi vì quý vị sẽ thấy những hòn đảo ở đây đang phình to ra, đúng hơn là những đảo nhỏ, những mỏm đá đang phình to. Bởi vì Trung cộng hy vọng có thể biến các mỏm đá thành đảo, những bãi đá không nhô lên khỏi mặt nước lúc thủy triều lên và những bãi đá này không hề có quy chế đảo.
Biến bãi đá ngầm thành đảo khi cho xây dựng ở đó các cảng sân bay trực thăng, cảng biển … phán quyết của La Haye đưa ra là « Không ». Đây không phải là những hòn đảo. Đó chỉ là những bãi đá ngầm, do vậy quý vị không được quyền có vùng đặc quyền kinh tế EEZ cùng với các mục tiêu địa chất. Quý vị chỉ có quyền một vùng lãnh hải 6 hải lý nhưng không có quyền vùng EEZ. »
Mỗi một siêu cường một « bảo bối »
Không chỉ tại Biển Đông, tham vọng của Trung cộng còn mở rộng sang cả vùng Ấn Độ Dương, cạnh tranh với Ấn Độ giành quyền kiểm soát tuyến lưu thông hàng hải thiết yếu qua việc lập các căn cứ quân sự hay xây cảng biển tại các nước đối tác trong khu vực với dự án « chuỗi ngọc » nổi tiếng. Bà Marie Redon tóm lược chính sách chinh phục đảo của Trung cộng cũng như một số cường quốc như sau.
« Để tóm tắt, về tình hình Biển Đông, tại Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tại Ấn Độ Dương, nếu nhìn trên bản đồ, người ta nhận thấy là không gian hàng hải ở đây thật sự bị khép kín và căng thẳng gia tăng bởi vì một cuộc đua chiếm hữu không chỉ về mặt lãnh thổ thông qua việc chiếm đảo, mà nhất là cả « đất biển » như vùng EEZ, những gì mang lại cho Trung cộng quyền khai thác đối với các nguồn tài nguyên biển, dầu hỏa và cả với việc kiểm soát lối đi chiến lược.
Bởi vì, 90% giao thương thế giới đều được thực hiện bằng con đường hàng hải. Đương nhiên, việc có một hòn đảo nằm ngay giữa một eo biển giống như trường hợp nước Pháp tại eo biển Mozambic đối với quần đảo Eparses chẳng hạn, điều đó đồng nghĩa với việc có quyền giám sát những gì đang xảy ra và ai đi qua eo biển này ! »
Tóm lại, trong cuộc đua giành đảo này, Trung cộng không hề đơn thương độc mã. Mỗi một siêu cường đều nhắm một « bảo bối » riêng. Về việc Trung cộng chiếm lấy toàn bộ Biển Đông, phương Tây cũng khó mà lên tiếng, nên chỉ đành chấp nhận ở việc kêu gọi « tự do lưu thông hàng hải » mà thôi !
RFI (26.09.2019)