Viết FB ‘chống chính quyền,’ nữ bác sĩ & anh bị phạt 14 năm tù

Ông Huỳnh Minh Tâm và bà Huỳnh Thị Tố Nga tại phiên tòa ngày 28/11/2019. Báo Đồng Nai

Ông Huỳnh Minh Tâm và bà Huỳnh Thị Tố Nga tại phiên tòa ngày 28/11/2019. Báo Đồng Nai

Sáng 28/11, một tòa án ở tỉnh Đồng Nai xử phạt bà Huỳnh Thị Tố Nga, viết blog với tên là Selena ZenDiệu Hằng, 5 năm tù giam và anh trai Huỳnh Minh Tâm 9 năm tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Báo Đồng Nai trích cáo trạng cho biết ông Huỳnh Minh Tâm và bà Huỳnh Thị Tố Nga là hai anh em ruột, thuộc “gia đình có công với cách mạng nhưng do thường xuyên vào mạng internet đọc nhiều trang của các đối tượng phản động.”

Truyền thông trong nước cho biết cả ông Tâm và bà Nga “đã liên hệ và trao đổi với các đối tượng chống đối trong và ngoài nước thường xuyên chia sẻ, viết và đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, kích động chống đối chính quyền lên mạng xã hội Facebook.”

Báo Tuổi Trẻ cho biết ông Tâm sử dụng 2 tài khoản facebook “Huỳnh Trí Tâm” và “Huỳnh Tâm” để chia sẻ, viết bài và đăng tải nhiều bài viết có nội “dung xuyên tạc, chửi bới, bôi nhọ chế độ,” đồng thời vận động tham gia nhóm kín “Đảng cộng hòa,” “kêu gọi, kích động người dân biểu tình, lật đổ chế độ, chống phá nhà nước.”

Cũng theo trang Tuổi Trẻ, bà Nga sử dụng tài khoản Facebook “Selena Zen” và “Diệu Hằng,” thường xuyên đăng tải các bài viết có nội dung “xuyên tạc tình hình trong nước, phỉ báng chế độ, bóp méo và xuyên tạc lịch sử dân tộc,” và tham gia “biểu tình trái phép.”

Sau phiên tòa được cộng đồng mạng gọi là “xử kín,” các nhà hoạt động đã lên tiếng bênh vực cho anh em bà Tố Nga.

Nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm viết trên Facebook cho biết bà Nga hiện có hai con nhỏ, bà được biết tiếng qua “những bài viết mạnh mẽ, sâu sắc về các vấn đề liên quan đến thời sự tại Việt Nam.”

Blogger Phạm Minh Vũ viết: “Chị Nga là bác sĩ phòng xét nghiệm, khoa giải phẩu bệnh, tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Sài gòn. Chị bị bắt ngày 28/1 đầu năm nay, những bài viết của Chị mang đầy tính nhân văn của một xã hội dân chủ tiến bộ và sâu sắc.”

VOA (28.11.2019)

Tòa An Giang tuyên tín đồ Phật giáo Hòa Hảo 8 năm tù với cáo buộc “phỉ báng lãnh tụ”

Hình minh họa. Ông Trần Thanh Giang

Hình minh họa. Ông Trần Thanh Giang Courtesy of FB

Tòa án nhân dân tỉnh An Giang sau một phiên xử kín vào chiều ngày 27/11/2019 đã tuyên 8 năm tù giam đối với ông Trần Thanh Giang – một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo với cáo buộc tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang, ông Trần Thanh Giang có hành vi sử dụng Facebook cá nhân để “phỉ báng lãnh tụ, các nhà lãnh đạo của Đảng, nhà nước, xuyên tạc tình hình hiện tại của đất nước”.

Ông Giang là người thứ 7 chỉ trong vòng 2 ngày 26 và 27 tháng 11 bị tuyên án về nhóm tội liên quan đến an ninh quốc gia với tổng cộng 34 năm tù giam.

Ông Trần Thanh Giang sinh năm 1971, cư ngụ tại ấp Long Hoà, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Ông là một trong những tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo không được chính quyền Việt Nam công nhận hoạt động trong lĩnh vực tự do tôn giáo trong nhiều năm.

Hôm 23 tháng 4 năm 2019, ông Giang bị công an tỉnh An Giang bị bắt giam khi đang ở tại nhà riêng mà không có Lệnh bắt giữ nào. Được biết, ông Giang là một người hoạt động cho tự do tôn giáo, trong nhiều năm qua.

RFA (28.11.2019)

Kêu gọi phản đối luật An ninh mạng, hai anh em bị tuyên 14 năm tù

Anh Huỳnh Minh Tâm và cô Huỳnh Tố Nga tại toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai hôm 27/11/2019

Anh Huỳnh Minh Tâm và cô Huỳnh Tố Nga tại toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai hôm 27/11/2019 Courtesy of Báo Đồng Nai

Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai sáng 28/11/2019 tuyên phạt ông Huỳnh Minh Tâm 9 năm tù giam và bà Huỳnh Thị Tố Nga 5 năm tù giam vì bị cho là có hành vi kêu gọi người dân xuống đường đòi tự do dân chủ, phản đối luật An ninh mạng.

Cả hai đều bị cáo buộc tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mạng báo Đồng Nai dẫn cáo trạng cho biết, hai bị cáo Huỳnh Minh Tâm và Huỳnh Thị Tố Nga là hai anh em ruột.

Cả hai sinh ra trong gia đình có công với cách mạng nhưng do thường xuyên vào mạng internet đọc nhiều trang của các đối tượng phản động.

Tâm và Nga đã liên hệ và trao đổi với các đối tượng chống đối trong và ngoài nước thường xuyên chia sẻ, viết và đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, kích động chống đối chính quyền lên mạng xã hội facebook,” cáo trạng quy kết.

Theo đó, từ tháng 5-2016 đến tháng 1-2019, ông Tâm sử dụng hai tài khoản facebook để chia sẻ, viết và đăng tải nhiều bài viết bị cho là “có nội dung xuyên tạc, chửi bới, bôi nhọ chế độ.”

Ông Tâm gửi lời kêu gọi đến những người kết bạn với Tâm trên facebook tham gia nhóm kín Facebook “Đảng Cộng hòa”, kêu gọi người dân biểu tình, lật đổ chế độ, kích động chống Nhà nước.

Mạng báo Pháp luật TPHCM cũng cho rằng ông Tâm có liên hệ với một tài khoản Facebook mang tên Văn Đoàn về giá tiền mà Tâm muốn nhận để ám sát một lãnh đạo UBND quận Tân Bình, thành phố HCM với giá 100 ngàn Mỹ kim do liên quan đến chỉ đạo vụ việc cưỡng chế khu “Vườn rau Lộc Hưng” với cách thức tìm mua súng và ám sát bí mật.

Theo cáo trạng, bà Huỳnh Tố Nga từ cuối năm 2017 đã sử dụng tài khoản Facebook “Selena Zen” và “Diệu Hằng”, thường xuyên đăng tải các bài viết có nội dung mà cáo trạng cho là “xuyên tạc tình hình trong nước, phỉ báng chế độ, bóp méo, xuyên tạc lịch sử dân tộc; bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.”

Bà Nga cũng đã tham gia biểu tình trái phép, viết và đăng tải gần 50 bài viết đề cập nhiều chủ đề khác nhau, kích động kêu gọi người dân xuống đường biểu tình chống Nhà nước đòi tự do dân chủ, phản đối Luật An ninh mạng.

Cả hai người bị bắt giữ hồi tháng 1 năm 2019.

Như vậy chỉ trong vòng khoảng 1 tuần qua, các toà án tại Việt Nam đã kết án tù ít nhất 10 người với cáo buộc vi phạm điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 (làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống nhà nước).

Hôm 27/11, toà án Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã kết án tù 8 năm đối với ông Trần Thanh Giang, một tín đồ Phật giáo Hoà Hảo, cùng với cáo buộc vi phạm điều 117.

RFA (28.11.2019)

Ba nhà hoạt động Việt Nam được trao giải nhân quyền 2019

Mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà hoạt động Nguyễn Đặng Minh Mẫn, và Luật sư Lê Công Định.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà hoạt động Nguyễn Đặng Minh Mẫn, và Luật sư Lê Công Định.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam sẽ trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2019 cho Mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà hoạt động Nguyễn Đặng Minh Mẫn, và Luật sư Lê Công Định.

Theo một thông cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, có trụ sở thành phố Westminster, bang California, ba nhà hoạt động cho nhân quyền Việt Nam nêu trên được tuyển chọn từ một danh sách đề cử gồm 12 cá nhân và 3 tổ chức.

Buổi lễ trao giải năm nay sẽ được tổ chức tại trụ sở Thượng Viện Canada, Thủ đô Ottawa, Canada vào ngày 7/12/2019, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền lần thứ 71, theo thông cáo hôm 21/11.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn, thuộc hệ phái Phúc Âm Toàn vẹn Việt Nam, hiện đang thụ án 12 năm tù giam tại tỉnh Gia Lai, với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền.” Mục sư Tôn bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt cùng với một số thành viên Hội Anh Em Dân Chủ khác gồm các cựu tù chính trị Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Truyển vào ngày 30/7/2017.

Nhà hoạt động Nguyễn Đặng Minh Mẫn vừa mãn hạn 8 năm tù giam vào ngày 2/8/2019 và đang chịu án phạt 5 năm quản chế. Bà bị chính quyền bắt vào ngày 31/7/2011 cùng với mẹ, anh trai và một số bạn trẻ khác trong nhóm 13 Thanh niên Công giáo với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền.”

Luật sư Lê Công Định từng bị phạt 5 năm tù giam và 3 năm quản chế vì “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.” Mãn hạn tù, “LS Lê Công Định vẫn tiếp tục con đường tranh đấu bất bạo động cho Tự do, Dân chủ, và Nhân quyền với ngòi bút sắc bén,” theo thông cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam.

Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân quyền Việt Nam được trao hàng năm cho cho các cá nhân và tổ chức trong nước đã có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho nhân dân Việt Nam.

VOA (28.11.2019)

Ân Xá Quốc Tế lên án chính quyền Việt Nam sách nhiễu, đe dọa nhà xuất bản Tự Do

Hình minh họa. Những cuốn sách của nhà xuất bản Tự Do

Hình minh họa. Những cuốn sách của nhà xuất bản Tự Do  Courtesy of FB Nhà Xuất Bản Tự Do

Ân Xá Quốc Tế hôm 27/11 ra thông cáo báo chí kêu gọi giới chức chính quyền Việt Nam phải ngay lập tức ngừng việc leo thang đàn áp nhà xuất bản Tự Do, nơi phát hành những cuốn sách về chính trị và chính sách công vốn không được chính quyền Hà Nội chấp nhận.

Theo Ân Xá Quốc Tế, kể từ đầu tháng 10 đến nay, hàng chục người trên cả nước đã bị công an sách nhiễu và đe dọa vì có liên quan đến nhà xuất bản Tự Do. Ít nhất một người bị thương và bị đánh đập khi bị công an tạm giữ.

Việc đàn áp đã gửi ra một thông điệp đáng ngại cho những người muốn tự do thực hành quyền bày tỏ ý kiến và tiếp xúc thông tin, quan điểm, đồng thời là một dấu hiệu cho thấy việc chính quyền không chấp nhận sự bất đồng quan điểm ôn hòa”, thông cáo của Ân Xá Quốc tế viết.

Theo thông cáo, những đàn áp của công an Việt Nam nhắm vào những người cộng tác với nhà xuất bản diễn ra ở các tỉnh Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên. Những cá nhân bị tấn công bao gồm những người mua sách hoặc đọc sách của nhà xuất bản hoặc làm việc cho nhà xuất bản.  Những người này bị công an triệu tập lên đồn để hỏi về các cuốn sách mà họ mua. Sau khi thẩm vấn, phần đông phải ký tuyên bố hứa hẹn rằng họ sẽ không mua sách từ nhà xuất bản Tự Do nữa

Theo Ân Xá Quốc Tế, hôm 15/10, công an đã tạm giữ và tra tấn một người đàn ông ở thành phố Hồ Chí Minh, bắt ông này phải thừa nhận mình làm việc cho nhà xuất bản Tự Do. Người này bị giam giữ suốt 12 tiếng và bị đánh đập liên tục cho đến khi chảy máu mũi. Sau khi được thả, người này đã phải đi trốn vì sợ bị bắt lại.

Nhà xuất bản Tự Do là nơi xuất bản những cuốn sách của nhà báo Phạm Đoan Trang như Chính Trị Bình Dân, Cẩm Nang Nuôi Tù, Phản Kháng Phi Bạo Lực. Nhà báo Phạm Đoan Trang là người vừa được Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới trao giải Tự do Báo Chí, hạng mục Tầm ảnh hưởng. Cô là người có tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích chính quyền và chính vì vậy cô thường xuyên bị công an theo dõi, sách nhiễu, thậm chí đánh đập đến thương tích.

RFA (27.11.2019)

Việt Nam : Sáu nhà hoạt động bị kết án vì cáo buộc chống Nhà nước

media

Facebooker Nguyễn Chí Vững trước tòa án Bạc Liêu, ngày 26/11/2019.Huynh Su/VNA via REUTERS

Tại Việt Nam hôm qua 26/11/2019, sáu nhà hoạt động đã bị kết án từ 2 đến 9 năm tù trong những phiên tòa khác nhau, do cáo buộc có các hoạt động chống phá Nhà nước.

Ông Phạm Văn Điệp, 51 tuổi, bị lãnh bản án nặng nhất là 9 năm tù, do ông sử dụng Facebook để phổ biến các bài viết bất lợi cho chính quyền về các vấn đề cưỡng chế đất, sự thô bạo của công an hay nạn tham nhũng. Cư trú tại Nga, ông bị tòa án Thanh Hóa cáo buộc đã nhiều lần về nước để xúi giục và tham gia các cuộc biểu tình ” bất hợp pháp”.

Luật sư Hà Huy Sơn nói rằng « bản án đã được ấn định trước », và cho AFP biết thân chủ của ông sẽ kháng cáo. Vài ngày trước phiên tòa, tổ chức Human Rights Watch đã kêu gọi trả tự do lập tức cho ông Phạm Văn Điệp, cho rằng tất cả những gì ông đã làm trong 17 năm qua « chỉ là bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề chính trị xã hội quan trọng, và phản đối việc mình bị trả đũa vì dám lên tiếng ».

Một facebooker khác là ông Nguyễn Chí Vững, 38 tuổi, bị tòa án Bạc Liêu kết án 6 năm tù do đã lập nhiều tài khoản để « phát tán các tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam », thực hiện 33 livestream để « chia sẻ các thông tin bị bóp méo » và « cổ vũ tham gia biểu tình trong dịp Quốc khánh ».

Bốn bị cáo khác bị lãnh án từ 2 đến 3 năm tù vì « gây rối an ninh », nhất là do dự định tổ chức các cuộc biểu tình.

Tuần trước, công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng theo điều 117 Luật Hình sự sửa đổi.

Theo Amnesty International, hiện có ít nhất 128 tù nhân chính trị tại Việt Nam ; còn tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp Việt Nam thứ 176/180 về tự do báo chí.

 RFI (27.11.2019)