Trương Quang Đệ

 

F. Julien ( sinh năm 1951 ) là một nhà triết học đương đại của Pháp. Hàng trăm công trình của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có hơn hai mươi tác phẩm được dịch ra tiếng Việt và một số hội thảo khoa học về các tác phẩm này được tổ chức ở Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh. Triết gia năng động này không giới hạn mình vào những nghiên cứu lí thuyết cao siêu, hàn lâm mà thường quan tâm đến những vấn đề thời cuộc diễn ra trước mắt. Chẳng hạn trong đợt tranh cử tổng thống ở Pháp mấy năm trước, các ứng viên luôn nói đến bàn sắc văn hóa dân tộc. F. Julien liền viết cuốn sách nhan đề “Không có bản sắc văn hóa” để chỉ ra rằng khái niệm này mơ hồ, gây trở ngại cho việc giao lưu văn hóa. Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt và được Nhà Xuất bản Đại học Huế ấn hành. Nhân đại dịch coronavirus ông viết cuốn “Về cuộc sống đích thực” bày tỏ quan điểm của mình về việc Châu Âu phải làm gì sau khi dịch cúm qua đi. Những ý kiến của F. Julien dưới đây được rút ra từ những câu trả lời phỏng vấn đăng trên báo Le Monde tuần vừa qua.

Trước hết ông nhận xét rằng cuộc sống của người Châu Âu trước dịch cúm corona không phải là cuộc sống đích thực mà là cuộc sống giả. Dịch cúm đã thử thách cuộc sống giả ấy khi có chủ trương cách li xã hội triệt để, nghĩa là ai ở nhà nấy không ra ngoài. Tưởng rằng sự sum họp gia đình đem lại niềm vui cho mọi người, hóa ra không phải như vậy. Điều nghịch lí là cách li xã hội không làm bền chặt hơn quan hệ gia đình mà có khi làm rạn nứt. Bởi lẽ trong cuộc sống giả nhười ta đã quen với quan hệ ảo mà quên đi nhữnng quan hê thật như quan hệ gia đình, họ hàng, lối xóm, láng giềng vv. Trong cuộc sống giả người ta bị lôi vuốn vào guồng máy kinh tế tài chính, mưu tìm lợi ích vật chất. Virus corona cho thấy sự hùng mạnh kinh tế tài chính không đảm bảo sự an toàn và hạnh phúc như người ta nghĩ. Nó chỉ bị ngăn chặn vì tình người trong một đời sống đích thực. Đại dịch cũng làm người Châu Âu suy ngẫm lại vai trò của liên minh các quốc gia. Liên minh có ý nghĩa gì khi trong hỗn loạn thì thân ai nấy lo? F. Julien cảnh báo rằng sau dịch, châu Âu còn phải đối mặt với các đế quốc mới ngoài đế quốc Mỹ xưa nay, như Trung Hoa, Nga, Thổ và Ấn độ.

Triết gia F. Julien là một nhà Hy Lạp học và Trung Hoa học. Ông lí giải một cách độc đáo về cách nhìn dịch bệnh theo văn hóa Hy La và Trung Hoa. Các nước Âu Mỹ theo văn hóa Hy La gọi dịch bệnh hiện nay là một cuộc khủng hoàng (Tiếng Anh: crisis, tiếng Pháp: crise). Gốc từ khủng hoảng trong tiếng Hy lạp có nghĩa là “nhát cắt”, ranh giới giữa một trạng thái cũ và một trạng thái mới. Trạng thái mới có thể y như trạng thái cũ hoặc tồi tệ hơn hoặc tốt đẹp hơn. F. Julien cho rằng châu Âu muốn có trạng thái tốt đẹp hơn sau dịch thì phải trở về với cuộc sống đích thực, cuộc sống mà ông mô tả đầy đủ trong cuốn “Về cuộc sống đích thực” được NXB L’Observatoire ấn hành đầu năm nay và chắc chắn sẽ được dịch ra tiếng Việt.

Trong khi người Âu Mỹ dùng từ khủng hoảng để nói về dịch thì người Trung Hoa dùng từ “nguy cơ” (wei-ji), ý nói trong cái nguy (nguy hiểm) có cái cơ (cơ hội), y như luận điểm muôn thưở trong cái ÂM có cái DUƠNG và ngược lại. Người Trung Hoa hay đúng hơn là nhà cầm quyền theo đường lối Mao-Đặng triệt để khai thác cách hiểu đó. Sau cái nguy Vũ Hán làm họ lao đao ít lâu, họ khống chế được tình hình và trỗi dậy như một cứu tinh của thế giới khi họ hỗ trợ cho nhiều nước chống dịch. Loa tuyên truyền về công ơn Trung Hoa ra rả suốt ngày ở châu Âu làm dân chúng ngán ngẩm. Nhưng cái cơ hội lớn chưa tứng có là các nước Âu Mỹ suy sụp kinh tế vì dịch bệnh dọn đường cho giấc mộng Trung Hoa sớm được thực hiện, đó là việc buộc thê giới sống theo trật tự Trung Hoa!

Giả thử có nhà báo Việt Nam nào đặt câu hỏi “Triết gia kính mến, ngài nghĩ gì về tình hính Việt Nam sau dịch cúm coronavirus?”, tôi tin rằng câu trả lời sẽ rất thú vị, độc đáo và có phần bất ngờ nữa.