“SỰ THỰC chỉ có 25% (1/4) trong số quốc gia bang giao “công nhận” (recognize) quan điểm của Bắc Kinh về “One China” mà thôi!”
Nguyễn Chương MT
Nhìn mặt chữ tiếng Anh “One China”, khó biết China nào – China ROC (Republic of China, tức Đài Loan) hay China PRC (People’s Republic of China, tức Trung cộng)? Nhưng nhìn mặt chữ Tàu, nếu ghi vắn tắt 中華 “Trung Hoa”, tức là chánh phủ Đài Bắc; còn ghi 中国 “Trung quốc” biết tỏng là chế độ Bắc Kinh vỗ ngực đại bá.
Chính sách “One China”: 一个中国 “nhứt cá Trung quốc“, xưng “Trung quốc“, vậy là chế độ Bắc Kinh đứt đuôi con nòng nọc rồi đa.
A/ Quan điểm “One China” được Bắc Kinh diễn giải: “Chỉ có một China, và Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của China. Chính phủ tại Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất của China”. Hiện nay, số nước đặt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh khoảng 176 nước.
Qua tuyên truyền, bấy lâu nay nhiều người VN tưởng rằng 176 quốc gia khi thiết lập bang giao với Bắc Kinh, là đều phải công nhận quan điểm “One China“.
Tưởng vậy là tưởng bở đó đa!
Bởi vì SỰ THỰC chỉ có 25% (1/4) trong số quốc gia bang giao “công nhận” (recognize) quan điểm của Bắc Kinh về “One China” mà thôi!
Các nước như Mỹ, Gia Nã Đại (Canada), Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhựt Bổn, Hàn Quốc, Tân Gia Ba (Singapore), Úc, Tân Tây Lan (New Zealand)… đều KHÔNG dùng thuật từ “recognize” (về One China) trong Thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao giữa họ với Bắc Kinh.
B/ Có nhiều cách xử trí khác nhau trước quan điểm “One China” của Bắc Kinh, như sau:
B1/ Dùng thuật từ “nhận thức”:
Mỹ dùng thuật từ là “nhận thức” (“acknowledge“) về quan điểm One China của Bắc Kinh.
Cũng dùng thuật từ “nhận thức”, còn có Úc, Tân Tây Lan (New Zealand), Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Mã Lai, Thái Lan…
Nói rõ hơn, quan điểm của Mỹ là:
– Mỹ “nhận thức” (“acknowledge”) về lập trường One China của Bắc Kinh;
– Mỹ đặt đại sứ quán tại Bắc Kinh (không đặt đại sứ quán tại Đài Bắc), nhưng Mỹ KHÔNG chính thức công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan gì hết.
Cũng cần biết là Mỹ ban hành Đạo luật “Quan hệ với Đài Loan” (“Taiwan Relations Act”), cam kết hợp tác chặt chẽ với Đài Loan, bán võ khí cho Đài Loan.
“Trong nhiều năm qua, Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng “nhận thức” không có nghĩa là “công nhận”. Vâng, không có nghĩa gì khác ngoài “nhận thức” mà thôi!” (Raymond F. Burghardt)
B2/ Dùng thuật từ “Lưu ý đến”:
Trong Thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao, phía Gia Nã Đại dùng cụm chữ “lưu ý đến” (“take note of”) đối với quan điểm One China của Bắc Kinh.
Ngoài Gia Nã Đại, còn có các nước Bỉ, Ý, Hy Lạp, một số nước Nam Mỹ… áp dụng thuật từ “take note of”, nghĩa là có “lưu ý đến” (chớ KHÔNG minh nhiên “công nhận”) quan điểm One China của Bắc Kinh.
B3/ Dùng thuật từ “hiểu biết và lưu tâm”:
Phía Nhựt Bổn dùng cụm chữ “hiểu và lưu tâm” (understand and respect). Sau đó, Hàn Quốc, Phi Luật Tân (Philippines) cũng áp dụng, nhưng chỉ sử dụng “respect” (không có “understand”) về quan điểm One China.
B4/ Không đề cập đến:
Nghĩa là không thảo luận về vai trò pháp lý của Đài Loan, cũng không đưa quan điểm của Bắc Kinh về “One China” vào trong Thông cáo Thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh!
Có hơn 80 quốc gia theo mô hình này, trong đó có Đức, Tân Gia Ba (Singapore), Mễ Tây Cơ (Mexico)…
C/ Trong tuyên truyền công luận, Bắc Kinh lập lờ đánh lận con đen bằng cách đánh đồng giữa “take note of”, “respect”, “acknowledge” với “recognize“ (vì ý nghĩa của các thuật từ này khá tương cận với nhau).
Nhưng, trong thuật từ ngoại giao, mức cao nhứt và chính thống phải là “recognize” (công nhận).
Chỉ có 1/4 số quốc gia lập bang giao với Bắc Kinh “recognize” quan điểm One China.
Trong khi đó, có đến 3/4 số quốc gia tuy bang giao với Bắc Kinh nhưng không dùng thuật từ “recognize” về One China (mà họ dùng các thuật từ, nêu lên ở B1, B2, B3 và B4).
Nguyễn Chương MT
(Thesaigonpost)