Việt Nam không né Biển Đông, ASEAN không chọn phe giữa Mỹ hay Trung cộng
Việt Nam họp báo, chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra vào ngày 26/6 tới đây theo hình thức trực tuyến. Đặc biệt, vấn đề Biển Đông, kêu gọi Ấn Độ quay lại RCEP, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung cũng sẽ được Việt Nam cùng các quốc gia Đông Nam Á thảo luận tại Hội nghị lần này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, cạnh tranh Mỹ- Trung gây khó xử, tuy nhiên, lập trường của ASEAN và Việt Nam là không chọn bên mà chỉ đảm bảo lợi ích của cộng đồng và các quốc gia trong khu vực.
Đồng thời, trong vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, hướng tới chủ đề Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Việt Nam đã đề xuất những sáng kiến và ưu tiên trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, phúc lợi xã hội, thông tin truyền thông để thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực của Cộng đồng hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025
Việt Nam họp báo, chuẩn bị cho cấp cao ASEAN 36
Tại cuộc họp báo chiều 23/6 về tổ chức chương trình Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra để thảo luận. Cuộc họp do Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì.
Thông tin với báo giới tại cuộc họp báo chiều nay, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho hay, dù rất mong muốn được tổ chức trực tiếp Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, tuy nhiên, hiện tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, Việt Nam và các quốc gia khác đều đồng thuận nhất trí tổ chức Hội nghị theo hình thức trực tuyến.
Theo quy định, Hội nghị Cấp cao ASEAN đầu tiên trong năm sẽ là Hội nghị nội bộ của của các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm rà soát, xem lại tất cả các công việc của ASEAN từ Hội nghị Cấp cao lần trước (11/2019) cho đến nay cũng như đưa ra những chỉ đạo định hướng cho công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm 2020.
Trên cơ sở đó, các nhà lãnh đạo cũng sẽ cho ý kiến định hướng về quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài cũng như trao đổi với nhau về những vấn đề quốc tế và khu vực. Một trong những trọng tâm hiện nay mà các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung thảo luận là việc tiếp tục ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như làm sao để ASEAN có thể phục hồi sớm nhất.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, các nhà lãnh đạo sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về hợp tác ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2020 trên cả 3 trụ cột: Chính trị – An ninh, Kinh tế và Văn hoá – Xã hội.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nêu rõ, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN khác thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa tập trung cho phòng chống dịch Covid-19, vừa tiếp nối các nỗ lực để xây dựng cộng đồng. Tập trung triển khai những trọng tâm ưu tiên cũng như những sáng kiến đề ra trong năm 2020.
Có 9 văn kiện đã được chuẩn bị để trình lên hội nghị cấp cao. Hội nghị lần này dự kiến sẽ thông qua tuyên bố chung về tầm nhìn của ASEAN (theo chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”), tuyên bố về việc tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số…
Vì sao Việt Nam đề xuất ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng?
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên Khai mạc, Phiên họp toàn thể, các Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số, Đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện Thanh niên ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, khi xây dựng chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, đại dịch Covid-19 chưa xảy ra.
Việt Nam đề xuất chủ trương này vì nhận thấy, ở thời điểm hiện tại, đoàn kết, gắn bó chính là yếu tố quyết định cho thành công của ASEAN. Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ của Mỹ – Trung cộng cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ… yêu cầu gắn kết các nước ASEAN càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Trước đó, các hội nghị trù bị sẽ diễn ra trong các ngày 22-24/6. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chủ trì các hội nghị bộ trưởng ngoại giao của ASEAN.
Sắp khởi động lại đàm phán quy tắc ứng xử trên Biển Đông?
Tại cuộc họp báo, vấn đề Biển Đông một lần nữa được phóng viên các cơ quan báo chí đặt ra.
Trả lời về việc này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho hay, theo chương trình hội nghị, tình hình trong khu vực và thế giới sẽ được bao gồm trong các phiên làm việc của lãnh đạo các cấp trong ASEAN.
“Những gì diễn ra trên thực tế sẽ được đặt trên bàn của hội nghị”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho hay.
Trước câu hỏi liệu Việt Nam có nêu những diễn biến gần đây ở Biển Đông tại hội nghị cấp cao tới hay không, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, đã là tình hình, diễn biến thì thế nào cũng được phản ánh.
“Trong nội dung đều có ‘trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế’ – nên sẽ không ai lẩn tránh và sẽ được các lãnh đạo ASEAN trao đổi về nội dung này, nói cách khác, tất cả các vấn đề diễn ra trong thực tế sẽ được đặt lên bàn nghị sự của ASEAN”, ông Dũng nêu rõ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, vấn đề khả năng nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC không được đặt ra dịp này.
Theo ông Dũng, dưới tác động của Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay chưa có cuộc họp nào về COC được tổ chức. Cuộc họp gần nhất đã diễn ra vào tháng 10 năm ngoái tại Đà Lạt. Khi đó, các nước tham gia đã sẵn sàng bước vào vòng đàm phán văn bản dự thảo về COC.
Cũng theo Thứ trưởng Dũng, dự kiến, ngày 1/7 tới đây sẽ có cuộc họp cấp SOM giữa ASEAN và Trung cộng. Tuy nội dung cuộc họp không phải về COC hay DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông), đây cũng là cơ hội để nhắc đến vấn đề cũng như tính toán việc đến việc khởi động lại các hoạt động đàm phán về COC.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng bình luận thêm về việc mong muốn Ấn Độ quay lại RCEP.
“Chúng tôi không chắc từ này tới cuối năm, Ấn Độ có thể tham gia không, nhưng các nước còn lại rất quyết tâm để có thể ký được hiệp định trong năm nay”, ông Dũng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: ASEAN không chọn bên giữa Mỹ – Trung
Trả lời câu hỏi về việc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tạo ra thách thức gì cho ASEAN, Thứ trưởng Dũng cho biết, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, như Mỹ và Trung cộng, ngày càng căng thẳng, thể hiện ở nhiều lĩnh vực, khía cạnh khác nhau và tạo nên sự căng thẳng chung cho cả thế giới, gây khó khăn trong ứng xử với tất cả các nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nhắc lại lập trường lâu nay của ASEAN là không chọn bên dù cạnh tranh Mỹ – Trung gây khó khăn về ứng xử cho cả thế giới, bao gồm ASEAN.
“Đó cũng là một thách thức với ASEAN. Cạnh tranh nước lớn cũng đặt ra vấn đề chia rẽ quan điểm, đặt ra nguy cơ các nước có thể phải chọn bên. ASEAN đã thống nhất sẽ không chọn bên mà chọn lợi ích của ASEAN”, ông Dũng bày tỏ.
“Với quan điểm như vậy, ASEAN có lập trường riêng với các vấn đề, ó tài liệu giới thiệu về lập trường quan điểm này. Đó là cách ASEAN giữ vai trò trung tâm của mình. Tinh thần đó sẽ tiếp tục được giữ trong hội nghị này cũng như hội nghị 37 tới”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Sputnik (23.06.2020)
Đài Loan cho quân đội ra Biển Đông huấn luyện khi Trung cộng sắp tập trận quy mô lớn
Tàu khu trục Kang Ding và máy bay trực thăng S-70C của quân đội Đài Loan (ảnh: Bộ Quốc phòng Đài Loan).
Trang Focus Taiwan đưa tin, một quan chức quốc phòng của Đài Loan hôm 22/6 cho biết nước này đã cử một nhóm thủy quân lục chiến tới quần đảo Đông Sa ở Biển Đông trước những thông tin cho biết quân đội Trung cộng có kế hoạch tập trận trong khu vực vào tháng 8.
Viên chức của Bộ Quốc phòng Đài Loan đề nghị được giấu tên do sự nhạy cảm của vấn đề. Quan chức này cho biết, một số lính thủy đánh bộ Đài Loan được triển khai đến quần đảo Đông Sa để thực hiện một cuộc huấn luyện trong khu vực.
Ông cho biết nhiệm vụ này là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, kỹ năng bảo trì hậu cần và các thiết bị khác của các sĩ quan Cảnh sát biển Đài Loan đóng trên quần đảo. Tuy nhiên, quan chức này không tiết lộ các thông tin chi tiết khác, chẳng hạn như số lượng thủy quân lục chiến được triển khai, khi nào họ đến quần đảo và họ sẽ ở lại đó trong bao lâu.
Focus Taiwan cho biết, Văn phòng Tổng thống Đài Loan đã đề cập bóng gió về cuộc triển khai này vào hôm thứ Bảy (20/6) khi thông báo Tổng thống Thái Anh Văn đã gọi điện cho một vị chỉ huy quân đội và đề nghị ông chăm sóc tốt các binh sỹ trên quần đảo Đông Sa.
Động thái của Đài Loan xuất hiện sau khi hãng tin Kyodo News của Nhật Bản hôm 12/5 đưa tin quân đội Trung cộng đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận trên biển quy mô lớn ở Biển Đông vào tháng 8 nhằm mô phỏng việc tiếp quản quần đảo Đông Sa.
Nằm ở phía đông bắc Biển Đông, quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát và đặt dưới sự quản lý của thành phố Cao Hùng. Trung cộng coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền với Đông Sa, xếp quần đảo này vào quyền quản lý của tỉnh Quảng Đông.
ĐNK (23.06.2020)
Trung cộng cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự gia tăng với Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương
Hình do Hải quân Mỹ cung cấp hôm 7/10/2019: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ trong nhóm tác chiến Ronald Reagan ở Biển Đông AFP
Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung cộng dự kiến sẽ công bố một báo cáo vào ngày 23/6 tới liên quan đến sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Biển Đông, đồng thời cảnh báo về xung đột giữa hai nước do nguy cơ đụng độ quân sự gia tăng.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo của Trung cộng hôm 22/6, báo cáo mới đưa ra các thông tin cụ thể về chính sách an ninh của Mỹ, việc triển khai và hiện diện quân sự cũng như các hoạt động quân sự của Mỹ gần đây trong khu vực.
Theo báo cáo, kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017, việc cạnh tranh giữa các cường quốc giống như dưới thời chiến tranh lạnh, chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của chính phủ Mỹ được đưa ra vào năm 2018 nhắm tới việc bảo vệ vị trí đứng đầu của Mỹ trên thế giới và khu vực.
Báo cáo cho biết Hoa Kỳ có khoảng 375.000 quân thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm 60% quân thuộc các tàu hải quân, 55% thuộc lục quân và 2/3 thuộc thuỷ quân lục chiến. Với một lượng lớn vũ khí mới và hiện đại, quân đội Mỹ đã duy trì vị trí đứng đầu hoàn toàn của Mỹ ở Châu Á Thái Bình Dương trong nhiều năm, trong khi tiếp tục tìm kiếm việc điều quân mới, ngân sách và nguồn lực để đối phó với Nga và Trung cộng.
Báo cáo cũng nói tới việc tàu của hải quân Hoa Kỳ đã gia tăng các hoạt động tuần tra ở khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây, đi qua các vùng nước mà Trung cộng đòi chủ quyền ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Gần đây nhất Hoa Kỳ đã điều động cùng một lúc 3 hàng không mẫu hạm đến Biển Đông.
Giới chức quân sự của Trung cộng cho Hoàn Cầu Thời Báo biết quân đội Trung cộng đã đuổi những tàu của hải quân Mỹ ra khỏi các vùng nước gần quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời thực hiện các cuộc tập trận để gia tăng khả năng chiến đấu, cho thấy khả năng và quyết tâm của Trung cộng trong việc bảo vệ chủ quyền của mình.
Báo cáo cảnh báo việc Hoa Kỳ đã tăng cường triển khai quân đến khu vực, gia tăng hợp tác với các đồng minh quân sự và có các hoạt động gây hấn nhắm vào Trung cộng, “khiến Trung cộng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng chi tiêu quân sự và xây dựng các lực lượng quân sự hợp lý để bảo vệ an ninh quốc gia”.
RFA (22.06.2020)
Ba hải đội hàng không mẫu hạm Mỹ cùng có mặt ngay cửa ngõ Biển Đông
Một hải đội Hoa Kỳ diễn tập tại Thái Bình Dương. (Hình U.S. Pacific Fleet)
Ba hải đội tác chiến với ba hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đã cùng có mặt tại cửa ngõ Biển Đông, khu vực tranh chấp phức tạp hiện nay, đặc biệt giữa lúc Washington và Bắc Kinh căng thẳng trên nhiều hồ sơ.
Nhật báo The Japan Time nhận định: “Các chuyên gia nhận xét việc điều cùng một lúc ba hàng không mẫu hạm đến khu vực Biển Đông có vẻ như muốn gởi một thông điệp cho Trung cộng biết rằng, dù đang trong tình hình bệnh dịch nghiêm trọng nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực.”
Trong thông báo đưa ra hôm Chủ Nhật, 21 Tháng Sáu, Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết hai hải đội hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã bắt đầu tiến hành những hoạt động chung tại vùng biển Phi Luật Tân.
Kế hoạch phối hợp diễn tập phòng không, giám sát và tiếp tế trên biển, huấn luyện phòng không và tấn công tầm xa và phối hợp vận hành tác chiến giữa các hải đội hàng không mẫu hạm.
“Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi cùng nhau huấn luyện trong một tình huống phức tạp,” Phó Đô Đốc Doug Verissimo, tư lệnh hải đội hàng không mẫu hạm số chín, cho biết. “Khi làm việc trong cùng hoàn cảnh, kỹ năng chiến thuật và tư thế sẵn sàng thay đổi tốt hơn sẽ giúp chúng tôi sẵn sàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong khu vực, và cũng như từ COVID-19.”
Trong thời gian qua, nhiều lần Hải Quân Mỹ đưa chiến hạm tuần tra tự do hàng hải và huấn luyện gần các khu vực Trung cộng cưỡng chiếm và đồn trú trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Đồng thời, Mỹ cũng đã nhiều lần chỉ trích Trung cộng nặng nề trước hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng sân bay quân sự và đưa vũ khí phi pháp lên các thực thể này.
Các quốc gia hiện đang lo ngại các tiền đồn của Trung cộng có thể được sử dụng để cản trở tự do hàng hải trên tuyến đường biển quan trọng qua Biển Đông, hiện nay, có khoảng $3,000 tỷ hàng hóa toàn cầu đi qua mỗi năm.
Người Việt (22.06.2020)
Trung cộng, nguồn gốc tất cả mọi xung đột ở châu Á-Thái Bình Dương
Người biểu tình ở New Delhi ngày 22/06/2020 đốt ảnh ông Tập Cận Bình và hàng Trung cộng, kêu gọi dùng hàng Ấn Độ. © REUTERS/Adnan Abidi
Tất cả các điểm nóng hiện nay tại châu Á-Thái Bình Dương đều có liên quan đến Trung cộng. « Bộ tứ Quad +3 » sẽ tham gia vào « chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương », một khái niệm làm Bắc Kinh đau đầu. Các chuyên gia của đại học Thanh Hoa nhìn nhận, sự thống trị của Hoa Kỳ có lẽ đã là quá khứ, nhưng thế giới vẫn chưa thể thuộc về Trung cộng.
Liên quan đến châu Á, trong bài « Chiến lược của Bắc Kinh trong căng thẳng tại châu Á-Thái Bình Dương », thông tín viên Simon Leplâtre của Le Monde nhận định, trong lúc các vụ đụng độ liên tục xảy ra trong khu vực, các nước láng giềng của Trung cộng cố gắng giảm bị lệ thuộc.
Trung cộng : Chiếc mặt nạ đã rơi !
Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường đại học Thanh Hoa, ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong) khi chủ trì « World Peace Forum » ở Bắc Kinh hôm 16/06/2020 đã tuyên bố : « Sẽ không còn lãnh đạo toàn cầu trong những thập niên tới, vai trò của các tổ chức quốc tế giảm sút, trật tự thế giới sẽ là một trật tự xấu ». Nhận định này cách xa cả ngàn dặm so với « cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh » của Tập Cận Bình, trong khi ông Diêm là một trong những nhà tư tưởng chính của ngành ngoại giao Trung cộng.
Vô số điểm nóng hiện nay : xung đột đẫm máu Ấn-Trung trên rặng Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn), Bắc Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc với Hàn Quốc, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông bất chấp sự phản đối của G7, nhiều vụ tập trận bất thường xung quanh Đài Loan…
Đặc biệt các vụ đụng độ liên tục xảy ra tại Biển Đông giữa Trung cộng và các láng giềng, chủ yếu là Việt Nam. Và từ tháng Năm, Bắc Kinh tăng áp lực kinh tế lên Úc để trừng phạt việc Úc đòi hỏi mở điều tra quốc tế về dịch virus corona. Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd nhận định, lần đầu tiên từ 50 năm qua, hòa bình giữa Trung cộng và Hoa Kỳ là vấn đề cốt yếu trong khu vực. Trong đó Đài Loan là hồ sơ nhạy cảm nhất : hải quân Mỹ và Trung cộng thường xuyên đi qua eo biển, và hồi tháng Tư, có lần chiến hạm đôi bên chỉ cách nhau chưa đầy 100 mét.
Bắc Kinh liên can đến tất cả các xung đột nói trên. Tạp chí Foreign Policy ghi nhận hôm 18/06 : « Những chiếc găng, hoặc mặt nạ đã rơi xuống. Ngoại giao khẩu trang của Trung cộng trong đại dịch corona đã nhường chỗ cho việc đấu đá với số lượng láng giềng ngày càng nhiều ».
Bộ tứ Quad + 3 trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương
Đối với cựu thứ trưởng ngoại giao Hà Á Phi (He Yafei), Trung cộng chỉ có một địch thủ quan trọng là Hoa Kỳ, còn các nước khác không đáng kể. Ông nói : « Trong số các nguy cơ, có xung đột quân sự giữa hai cường quốc chính là Trung cộng và Hoa Kỳ, hoặc các xung đột nhỏ hơn như giữa Trung cộng và Ấn Độ, Trung cộng và Nhật Bản, hay giữa hai nước Triều Tiên ». Hà Á Phi cho rằng giải pháp duy nhất là « kinh tế, kinh tế, kinh tế ».
Trong khi Washington muốn đưa sản xuất trở về nước, Bắc Kinh – được cho là nạn nhân của chính sách này – kêu gọi các nước châu Á phát triển các chuỗi cung ứng trong khu vực. Vấn đề các nước láng giềng lại nghĩ ngược lại, muốn giảm lệ thuộc vào Trung cộng. Hơn nữa, họ còn dần dà xây dựng những liên minh để có tiếng nói có trọng lượng hơn trong tương lai.
Cuối 2017, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc quyết định tái thúc đẩy diễn đàn bộ tứ « Quad », được lập ra cách đó 10 năm theo sáng kiến của Tokyo. Cho dù Quad không phải là một liên minh chính thức, bốn nước này sẽ tập trận hải quân chung. Hơn nữa, kể từ cuối tháng Ba, Quad đã mời ba nước Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand tham dự các hội nghị hàng tuần từ xa.
Về mặt công khai thì chỉ liên hệ đến việc xử lý Covid-19, tuy nhiên theo báo chí Ấn Độ, còn nhằm « duy trì các nước này trong vòng ảnh hưởng ». Dù tương lai có như thế nào đi nữa, « Quad +3 » cũng sẽ tham gia vào « chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương », một khái niệm làm Bắc Kinh đau đầu. Các chuyên gia của đại học Thanh Hoa nhìn nhận, sự thống trị của Hoa Kỳ có lẽ đã thuộc về quá khứ, nhưng thế giới vẫn chưa chịu trở thành một thế giới của Trung cộng.
EU kết thúc thời kỳ ngây thơ trước Bắc Kinh
Về quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhân dịp đối thoại với ông Tập Cận Bình hôm nay, Le Monde phân tích « Châu Âu đối mặt với Trung cộng, sự chối từ chậm chạp ». EU phải sáng suốt trước một nước Mỹ đã đổi khác trong thời Donald Trump và một Trung cộng ngày càng hung hăng hơn.
Ban đầu thì hội nghị lần này nhằm chuẩn bị cho một thượng đỉnh đặc biệt giữa toàn bộ các nhà lãnh đạo EU với Tập Cận Bình tại Leipzig tháng Chín tới. Nhưng Đức đã tuyên bố hủy từ tháng Sáu với lý do dịch bệnh, và thật ra, châu Âu muốn thống nhất đường hướng chính trị trước khi đối đầu với Bắc Kinh. Ngày 17/06, Ủy Ban Châu Âu đã công bố sách trắng, nhằm bảo vệ thị trường châu Âu trước các công ty nước ngoài được nhà nước trợ cấp để cạnh tranh bất chính, chủ yếu nhắm vào Trung cộng. Đây là một sự thay đổi hẳn quan điểm, thời kỳ ngây thơ đã kết thúc.
Thủ tướng Đức Angela Merkel có nhiều nỗ lực trong quan hệ với Trung cộng, trong 15 năm cầm quyền bà đã đến thăm chính thức Bắc Kinh 12 lần. Nhưng vụ công ty robot Kuka của Đức bị tập đoàn điện tử tiêu dùng Midea của Trung cộng thâu tóm năm 2016 khiến Berlin nhận ra tầm quan trọng của việc Bắc Kinh thâu tóm kỹ nghệ tiên tiến châu Âu.
Mối nguy sau hai thập niên vô tư chuyển giao công nghệ cho Trung cộng
Điều đáng lo là sau hai thập niên chuyển giao công nghệ ồ ạt cho Trung cộng, nay châu Âu trở nên lệ thuộc vào Bắc Kinh về 5G, dược phẩm… Đặc biệt ngành điện tử đã vô tư trao cho Trung cộng mọi bí quyết. Một cựu viên chức châu Âu cho biết, mới cách đây ba năm, người ta vẫn còn nghĩ rằng chuyển giao công nghệ là vô hại vì cho là EU đi trước Trung cộng một thế hệ, khó thể bắt kịp.
Trung cộng còn tìm cách chia rẽ châu Âu với công thức 17+1. Theo chuyên gia Justyna Szczudlik, Viện Quan hệ Quốc tế của Ba Lan, các đề nghị của Bắc Kinh thiếu hấp dẫn đối với các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu vì lãi vay quá cao, nhưng như vậy Trung cộng cũng đã gây được ảnh hưởng với các nước nhỏ.
Le Monde cho rằng đôi khi vẫn còn một chút ngây thơ, như cao ủy phụ trách đối ngoại EU Josep Borrell hôm 09/06 tuyên bố Trung cộng không có tham vọng quân sự. Vụ xung đột biên giới đẫm máu với Ấn Độ hôm 16/06 cho thấy : công cụ biểu dương sức mạnh của Bắc Kinh không chỉ đơn thuần dựa vào xuất khẩu và nguồn ngoại hối.
Nghi vấn tin tặc Trung cộng tấn công ồ ạt vào Úc
Cũng liên quan đến Bắc Kinh, Les Echos cho biết « Là nạn nhân một vụ tấn công tin học quy mô, Úc nghi ngờ Trung cộng ».
Tuy thủ tướng Scott Morrison không nêu đích danh, nhưng các chuyên gia nhận ra ngay dấu ấn của Bắc Kinh, « quốc gia duy nhất có thể tấn công hàng loạt và tinh tế như thế ». Vụ tấn công mới này đụng đến « các cơ quan của Úc trên tất cả mọi lãnh vực, tất cả cấp độ của chính phủ, của nền kinh tế, tổ chức chính trị, cơ quan y tế và các nhà cung cấp hạ tầng chiến lược ». Bộ trưởng quốc phòng Linda Reynolds thì trấn an rằng các dữ liệu cá nhân không bị ảnh hưởng, nhưng kêu gọi các cơ quan phải tăng cường bảo vệ trước tin tặc.
RFI (22.06.2020)
Vùng nhận dạng phòng không của Trung cộng trên Biển Đông: Lợi không bằng hại
Các hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (G), USS Theodore Roosevelt (71) và USS Nimitz thao diễn tại vùng Tây Thái Bình Dương, ngày 12/11/2017. Reuters/James Griffin/U.S. Navy
Theo thông báo của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, hai nhóm tác chiến của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và USS Nimitz (CVN 68) đã bắt đầu các bài tập huấn chung trên Biển Phi Luật Tân kể từ hôm qua, 21/06/2020. Cùng ngày, trang web thông tin DVIDS của bộ Quốc Phòng Mỹ cũng công bố hình ảnh về hoạt động, cũng trên Biển Phi Luật Tân, của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN 76) cùng nhóm tác chiến đi theo.
Đối với giới quan sát, phải lần ngược về năm 2017 mới thấy sự hiện diện đồng thời của ba nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ trên cùng một vùng biển ở châu Á, cũng với ba chiếc Ronald Reagan, Theodore Roosevelt và Nimitz.
Lực lượng phi cơ hùng hậu hơn không lực của nhiều nước châu Á
Việc huy động đồng thời ba nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm là một động thái phô trương uy lực rõ nét, vì mỗi nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ đều bao gồm một tuần dương hạm và hai khu trục hạm hộ tống, tất cả đều có trang bị tên lửa dẫn đường. Mỗi hàng không mẫu hạm đều chở theo hơn sáu chục chiến đấu cơ hiện đại cùng một số loại phi cơ khác, một lực lượng máy bay hùng hậu hơn toàn bộ không lực của phần đông các nước châu Á.
Nếu vào năm 2017, ba nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ đã được phái đến châu Á để phô trương uy lực răn đe Bắc Triều Tiên, thì lần này đối tượng bị nhắm chính là Trung cộng, đang ngày càng có thêm nhiều hành vi dùng sức mạnh để độc chiếm Biển Đông, mà bước tới đây có thể là việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không bên trên vùng biển Đông Nam Á.
Có lẽ chính là để Bắc Kinh hiểu rõ thông điệp răn đe mà lần này, các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Mỹ đã nhanh chóng đến tập trận ngay tại Biển Phi Luật Tân, nơi được coi là cửa ngõ vào Biển Đông. Giới bình luận Trung cộng đã không một chút nghi ngờ: Washington đã muốn cho Bắc Kinh thấy rõ là cho dù bị dịch Covid-19, Mỹ vẫn còn đủ “cơ bắp”.
Đến thao diễn ngay ngõ vào Biển Đông
Trong một bài phân tích ngày 18/06 vừa qua về tình hình Biển Đông, tuần báo Anh The Economist đã ghi nhận là dù các quan chức Mỹ không nêu đích danh Trung cộng là đối tượng của hành động thị uy, nhưng rõ ràng họ không yên tâm về các hành vi gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Vào ngày 03/04, một chiếc tàu Hải Cảnh Trung cộng đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam gần Hoàng Sa. Đến ngày 10/06, một tàu Việt Nam khác bị một tàu Trung cộng đâm vào cũng ở khu vực này. Trong hai tháng Tư và Năm, Hải Cảnh Trung cộng sách nhiễu tàu khoan dầu West Capella của Malaysia gần đảo Borneo, khiến Mỹ và Úc phải gởi tàu chiến đến nơi. Ở vùng Trường Sa, tàu dân quân biển Trung cộng đội lốt tàu cá đã tràn ngập khu vực gần đảo Thị Tứ do Phi Luật Tân kiểm soát nhưng bị Trung cộng đòi chủ quyền.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng tố cáo Trung cộng lợi dụng lúc dịch Covid -19 hoành hành để có những “hành vi khiêu khích”.
Theo nhận định của The Economist, tranh chấp ở Biển Đông không phải là điều mới mẻ. Từ hàng chục năm nay, Trung cộng và các nước láng giềng vẫn tranh chấp về các đảo, đá ở Biển Đông, và Bắc Kinh luôn thắng thế. Cho dù đã cam kết với Mỹ vào năm 2015 là sẽ không quân sự hóa khu vực, nhưng Trung cộng vẫn xây dựng hải cảng, phi đạo, bunker ở Trường Sa và bố trí tên lửa trên các thực thể mà họ kiểm soát.
Gần đây, Trung cộng còn có một quyết định mang tính biểu tượng mạnh hơn để nắm chặt thêm kiểm soát của họ: Thành lập hai đơn vị hành chánh bao trùm Trường Sa và Hoàng Sa, đặt dưới quyền kiểm soát của Tam Sa, cái gọi là “thành phố” mà Bắc Kinh thiết lập năm 2012 để quản lý vùng biển.
Ý đồ lập ADIZ đã có từ lâu, nay thời cơ đã tới?
Về việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, The Economist nhắc lại rằng đây ý đồ của giới lãnh đạo Trung cộng từ một thập niên nay.
Trung cộng đã thiết lập vùng nhận dạng phòng không đầu tiên vào năm 2013 ở Biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà họ tranh chấp với Nhật Bản. Mỹ đã cấp tốc cho hai oanh tạc cơ bay ngang vùng này mà không hề xin phép, để chứng tỏ là Mỹ không quan tâm gì đến quyết định của Trung cộng. Thế nhưng phần lớn các nước – kể cả Mỹ – đều thận trọng khuyên các hãng máy bay dân sự tuân theo các quy tắc mới để bảo đảm an toàn.
Mới đây, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post tiết lộ rằng giới lãnh đạo Trung cộng đang chờ đợi “thời cơ thích hợp” để tuyên bố kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Những động thái vừa qua của Trung cộng ở Biển Đông càng làm gia tăng mối lo ngại theo đó có lẽ Trung cộng đã thấy rằng thời cơ đã đến.
Chuyên gia Mỹ: Về kỹ thuật, ADIZ Trung cộng khả thi
Zack Cooper, chuyên gia viện nghiên cứu American Enterprise Institute giải thích là đối với Trung cộng, vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông dễ kiểm soát hơn vùng trên Biển Hoa Đông.
Bắc Kinh có thể vừa sử dụng radar trên đảo Hải Nam hay dọc bờ biển Hoa Lục, vừa dùng những radar mới đặt ở Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời trám được mọi lỗ hổng trong màng lưới dò tìm bằng cách dùng đến máy bay giám sát hay chiến đấu cơ đã được triển khai trên các đảo, hoặc sử dụng các khu trục hạm trang bị radar.
Tóm lại, theo ông Cooper, Trung cộng có thể theo dõi “phần lớn máy bay nước ngoài” tiến vào vùng nhận dạng phòng không.
Theo The Economist, máy bay quân sự Mỹ dĩ nhiên sẽ không chú ý đến những quy tắc mới của Trung cộng như đã từng làm ở Biển Hoa Đông, thể nhưng vì sao lại phải bận tâm?
Đối với tuần báo Anh, lý do có lẽ là cho dù chỉ thành công một phần thì vùng nhận dạng phòng không vẫn rất có lợi cho Trung cộng. Cho dù vùng này không cho Bắc Kinh chủ quyền trên không phận, nhưng Trung cộng có thể sử dụng vùng này để chứng tỏ quyền lực.
Cho đến giờ chưa có bằng chứng về việc Trung cộng đã sử dụng vùng nhận dạng phòng không họ hiện có để gây xáo trộn cho các đường bay dân sự, nhưng đó có thể là một công cụ dùng khi có khủng hoảng. Trung cộng có thể viện lý do có vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông để tăng cường các chuyến bay tuần tra trong khu vực.
Liệu Trung cộng có dám áp đặt ADIZ trên Đường Lưỡi Bò?
Tuy nhiên, đối với The Economist, việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông không phải là không có khó khăn.
Đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng trên Biển Đông vừa quá rộng lớn, vừa mơ hồ. Tấm bản đồ Đường 9 đoạn bao quanh cả Biển Đông, nhưng Bắc Kinh lại không đưa ra tọa độ cũng như nói rõ ý nghĩa của đường này.
Ở biển Hoa Đông, vùng nhận dạng của Trung cộng phần lớn đi theo vùng thềm lục địa đang có tranh chấp của Trung cộng, còn ở Biển Đông, theo chuyên gia Alessio Patalano trường đại học King’s College ở Luân Đôn, nếu vùng này chỉ được vẽ ra xung quanh các thực thể rải rác mà Trung cộng nắm giữ, thì điều đó có thể đánh một đòn “chí tử” vào bất kỳ yêu sách nào của Trung cộng đối với các khu vực nằm bên trong đường 9 đoạn.
Nhưng nếu ranh giới vùng nhận dạng phòng không đi theo đường lưỡi bò, điều đó sẽ gây chấn động. Từ nhiều năm nay, 10 thành viên ASEAN đã bị chia rẽ về cách đối phó với Trung cộng. Nhiều thành viên muốn hòa dịu với Trung cộng, trong khi một số ít lại muốn có thái độ cứng rắn. Một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của ASEAN sẽ mở ra vào cuối tháng này. Theo chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, việc Trung cộng lập vùng nhận dạng phòng không có thể làm thay đổi tương quan lực lượng, và các nỗ lực của khối để đàm phán một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông với Trung cộng có thể là nạn nhân.
Mỹ hỗ trợ cho các đối thủ của Trung cộng
Việc Mỹ quyết định cử chiến hạm, drones và oanh tạc cơ đi tuần tra gần khu vực mà tàu khoan West Capella của Malaysia bị bao vây (cho đến khi con tàu rời khỏi khu vực vào tháng 5) và việc triển khai ba hàng không mẫu hạm hiện nay là tín hiệu hỗ trợ cho các đối thủ của Trung cộng.
Trong một lá thư gửi đến Liên Hiệp Quốc ngày 01/06, Mỹ đã chỉ trích các “yêu sách hàng hải quá đáng” của Trung cộng. Mỹ cũng càng lúc càng triển khai thêm tàu chiến để thách thức những yêu sách đó bằng cách đi qua các vùng biển mà Trung cộng cho là của họ.
Chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải gần đây nhất diễn ra ngày 28/05, lần thứ năm trong năm nay. Đối với The Economist, rõ ràng là ngay cả khi không có ADIZ, cuộc đối đầu Mỹ-Trung vẫn sẽ gia tăng.
RFI (22.06.2020)
ASEAN-Trung cộng: ‘Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông’ vẫn xa vời
ASEAN và Trung cộng họp phiên đặc biệt tại Vientiane, Lào, về phối hợp đối phó với đại dịch COVID-19. (Hình: DENE-HERN CHEN/AFP/Getty Images)
Đàm phán giữa ASEAN và Trung cộng cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông để tránh xung đột võ trang càng thấy xa vời hơn nữa vì các bên liên quan không thể gặp mặt nhau.
Hôm Chủ Nhật 21 Tháng Sáu, tờ Tuổi Trẻ đưa tin Bộ Ngoại Giao CSVN loan báo cuộc họp ASEAN cấp cao kỳ thứ 36 sẽ chỉ diễn ra trực tuyến vào ngày 26 Tháng Sáu tới đây, thay vì các phái đoàn đến Việt Nam họp.
Lý do được nêu ra là “Hội nghị cấp cao ASEAN 36 họp trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) đã khiến nhiều chuyến bay quốc tế tạm ngưng.”
Nội dung chính của các cuộc họp kỳ này chú trong vào các cuộc đàm phán cho “Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực” (RCEP) và một số vấn đề khác về văn hóa xã hội, gồm cả “tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số.”
Tuy cuộc họp không liên quan gì đến tranh chấp Biển Đông nhưng giữa tuần qua, Jose Tavares, một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại Giao Indonesia họp báo nói rằng các cuộc đàm phán cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (Code of Conduct, thường được gọi tắt là COC) để tránh xung đột võ trang liên quan đến chủ quyền biển đảo nhiều phần sẽ bị đình hoãn vì bị ảnh hưởng từ tình hình đại dịch COVID-19.
“Đàm phán về bộ COC không thể họp trực tuyến cho nên chúng tôi phải đợi cho tới khi tình hình (dịch bệnh) trở nên khá hơn để tái tục.” Lời ông Tavares nói trong cuộc họp báo được hãng thông tấn Reuters dẫn lại. Ông là tổng giám đốc Cục Hợp Tác ASEAN của Bộ Ngoại Giao Indonesia đặc trách phối hợp giữa 10 nước hiệp hội.
Theo ông cho biết, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ASEAN và Trung cộng đã thỏa thuận lịch họp đàm phán COC trong năm nay tại Brunei vào Tháng Hai, tại Phi Luật Tân vào Tháng Năm, tại Indonesia vào Tháng Tám và tại Trung cộng vào Tháng Mười.
Trọng tâm các cuộc họp là cố gắng hoàn tất để có thể đọc lần thứ hai cho bản dự thảo COC (sau khi đã được sửa chữa, thay đổi, nội dung, câu chữ, qua các cuộc đàm phán).
Bản đọc lần thứ nhất COC đã hoàn tất hồi năm ngoái. Khi họp thượng đỉnh với các lãnh tụ ASEAN tại Bangkok hồi năm ngoái, Thủ Tướng Trung cộng Lý Khắc Cường nói rằng nước ông rất muốn hoàn tất đàm phán COC vào năm 2021. Nhưng tình hình hiện nay, theo ông Tavares, dịch bệnh vẫn hoành hành nghiêm trọng nên các đàm phán không thể diễn ra nên việc hoàn tất nhiều phần sẽ bị đình hoãn.
Tháng Bảy năm 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague phán quyết tuyên bố chủ quyền hình “Lưỡi Bò” của Trung cộng trên Biển Đông là vô giá trị nhưng Bắc Kinh dựa thế quân sự hùng mạnh ăn trùm các nước nhỏ phía nam, đã ngang ngược bác bỏ.
Nhằm đẩy ảnh hưởng Hoa Kỳ và các nước bên ngoài ra khỏi khu vực, Bắc Kinh đòi hỏi COC phải gồm các khoản cấm các nước ASEAN tập trận, hợp tác quân sự với các nước ngoài khu vực, nhất là nhắm vào Mỹ. Đồng thời, Bắc Kinh đòi hỏi kiểm soát khai thác tài nguyên và phát triển ở khu vực. Hà Nội thì muốn Bộ COC có hiệu lực pháp lý nhưng Bắc Kinh được một số nước bị mua chuộc đã chống lại.
Liệu Bộ COC sẽ được tái tục đàm phán vào lúc nào và vóc dáng ra sao, giúp tránh xung đột hay không, hiện vẫn còn là dấu hỏi rất lớn giữa lúc những dấu hiệu căng thẳng trên biển vẫn thấy bùng lên từng đợt và dưới nhiều hình thức khác nhau.
(21.06.2020)