The International Fact-Checking Network
Số dự án Fact-check đang hoạt động ở từng quốc gia vào năm 2019. Nguồn: Duke Reporters’ Lab.
Các tổ chức fact-check cộng tác với Facebook và Google có đảm bảo tính độc lập, công bằng và minh bạch hay không?
Các nhóm fact-check Việt Nam nên tuân thủ những nguyên tắc nào để tiệm cận những giá trị đó?
Trong tương lai, liệu các fact-checker Việt có thể khiến Facebook và Twitter gỡ bỏ những phát ngôn sai sự thật của các quan chức Việt Nam, như việc họ đang làm ở Mỹ hay không?
Các hoạt động và bộ Quy tắc Hành xử của Mạng lưới Fact-check Quốc tế (International Fact-Checking Network – IFCN) có thể mang đến cho bạn vài lời gợi ý để trả lời những câu hỏi vừa đề cập.
IFCN là gì?
Năm 2015, Viện Nghiên cứu Truyền thông Poynter, một trong những trường báo chí có uy tín nhất tại Mỹ, đã thành lập IFCN để hỗ trợ các sáng kiến fact-check đang nở rộ trên thế giới khi đó. Sau năm năm hiện diện, IFCN đang cung cấp sáu sự trợ giúp cho cộng đồng fact-checker – là Thông tin, Đại diện, Chuẩn hóa, Đào tạo, Diễn đàn, và Tài trợ [1].
(1) Thông tin: IFCN theo dõi các xu hướng, định dạng (format) và chính sách liên quan đến hoạt động fact-check trên toàn thế giới; rồi tường thuật chúng qua một bản tin hằng tuần mang tên Factually, mà độc giả có thể đăng ký để nhận qua email.
(2) Đại diện: IFCN đại diện cho tiếng nói của các fact-checker toàn cầu trong một số sự kiện. Chẳng hạn, tháng 11-2016, 20 tổ chức thuộc mạng lưới này đã đồng ký tên vào một thư ngỏ gửi Mark Zuckerberg, để vận động Facebook thay đổi chính sách đối với tin giả. Ngoài ra, họ cũng tổ chức Ngày Fact-check Thế giới vào ngày 2-4 hằng năm (ngay sau Ngày Nói Dối 1-4 J).
(3) Chuẩn hóa: IFCN đề xuất một bộ Quy tắc Hành xử giúp đảm bảo tính độc lập, công bằng và minh bạch của một tổ chức fact-check. Những tổ chức muốn ký cam kết tuân thủ bộ Quy tắc này sẽ được IFCN audit, và cấp chứng chỉ có giá trị trong vòng một năm. Chứng chỉ của IFCN là một sự đảm bảo về tính tin cậy, và cho phép bên nhận ký hợp đồng fact-check với các nền tảng lớn như Facebook và Google.
(4) Đào tạo: IFCN cung cấp các khóa đào tạo nghiệp vụ báo chí và fact-check, bao gồm cả khóa online.
(5) Diễn đàn: IFCN thúc đẩy các nỗ lực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực fact-check thông qua nhiều hoạt động, bao gồm một hội thảo hằng năm (Global Fact).
(6) Tài trợ: IFCN cung cấp các khoản tài trợ thông qua một học bổng hằng năm, Quỹ Hướng đến Sự thật (Fact Forward Fund), Sáng kiến Đổi mới Fact-check (Fact-Checking Innovation Initiative), và một chương trình huy động vốn từ cộng đồng.
Các mục tiếp theo của bài viết này chủ yếu mô tả chức năng “Chuẩn hóa” của IFCN. Bạn có thể tìm đọc bản dịch bộ Quy tắc Hành xử của IFCN ở phụ lục nằm cuối bài viết.
IFCN cộng tác với các nền tảng như Facebook và Google theo cách nào?
Cuối năm 2016, trong giai đoạn cao trào của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, một số chính khách và nhóm vận động đảng phái bắt đầu đòi hỏi các tổ chức fact-check chứng minh mức độ tin cậy của mình. Cuộc thảo luận mà họ đặt ra có tính chính đáng nhất định, vì một số tổ chức báo chí có thể lợi dụng danh nghĩa “fact-check” cho các mục đích chính trị, thương mại, hoặc nhằm thăng hạng trên các công cụ tìm kiếm [4]. Vì vậy, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận trong hội thảo Global Fact 3, được tổ chức vào tháng 11-2016, và dẫn đến sự ra đời của bộ Quy tắc Hành xử của IFCN [2].
Do những nền tảng công nghệ như Facebook và Google có khuynh hướng giao công việc fact-check nội dung trên mạng xã hội của họ cho các đối tác độc lập, nhằm tránh các cáo buộc vi phạm quyền tự do ngôn luận, họ nhanh chóng xem chứng chỉ tuân thủ bộ Quy tắc như một la bàn để tìm các đối tác đáng tin. Trong một email trả lời phỏng vấn tờ The Economic Times hồi năm 2019, phát ngôn viên của Facebook viết:
“Chúng tôi không nghĩ mình nên làm trọng tài của sự thật. Vì vậy, chúng tôi dựa vào IFCN trong việc đặt ra những nguyên tắc nhằm đảm bảo các chuẩn mực cho hoạt động fact-check nội trên nền tảng của chúng tôi.” [4]
Hiện nay, sản phẩm fact-check của các tổ chức ký Quy tắc IFCN đã được hiển thị ở vị trí nổi bật trên công cụ tìm kiếm của Google.
Trong khi đó, từ tháng 12-2016, Facebook đã bổ sung thêm một tính năng, cho phép người dùng báo cáo các “tin giả” trên mạng xã hội này. Khi một bài đăng bị báo cáo là “tin giả”, các thuật toán sẽ sàng lọc sơ, xem bài đăng có hay không được share nhiều hoặc có xu hướng lây lan rộng. Nếu bài đăng có dấu hiệu lan rộng, một nhóm chuyên gia của Facebook sẽ tiếp tục sàng lọc, xem link trong bài xuất phát từ nguồn thuần túy cá nhân hay từ các trang có định dạng như trang tin.
Nếu link có dạng trang tin, nó sẽ được hiển thị trên một dashboard mà các tổ chức đã ký Quy tắc IFCN (như ABC News, Snopes, PolitiFact, FactCheck.org, AP…) có quyền truy cập. Trong trường hợp các fact-checker xác định rằng link chứa thông tin sai sự thật, họ sẽ soạn một bài viết gỡ lỗi, để Facebook đính kèm nó vào mỗi bài đăng chứa link tin sai. Dù người dùng vẫn có quyền share link này, họ sẽ phải đọc một thông báo rằng link chứa tin sai; và các bài đăng chứa link sẽ bị giảm tốc độ hiển thị lên Newsfeed.
Thêm nữa, các trang thường xuyên chia sẻ tin sai sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị Facebook gỡ bỏ, hoặc bị tước quyền tham gia vào mạng lưới quảng cáo của Facebook, cũng như của nhiều nền tảng khác [5].
Lược dịch:Nguyễn Hiệp
Links:
https://www.poynter.org/ifcn/