nguyenngocgia

Đã hơn bốn mươi lăm năm, kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975, tiếng Việt không hề được giữ gìn mà ngày càng bị tàn phá trầm trọng.

Trong các chương trình giải trí, các cuộc thi cho sinh viên, học sinh v.v… hiện nay, người dẫn chương trình (Master of Ceremony) sử dụng tiếng Việt không chuẩn khi giới thiệu.

Người dân thấy đầy nhóc ngay trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2020 với cái gọi là  “người đẹp ABC ĐẾN TỪ tỉnh (thành) XYZ…”.

Nếu chịu khó tra trên google, người ta cũng thấy “Nữ sinh  ĐẾN TỪ Ninh Bình vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2020” [1].

 Tất nhiên, còn khá nhiều “ĐẾN TỪ” được nhắc đi nhắc lại qua hết người này đến người khác trong phần giới thiệu các nhân vật tham gia trong các chương trình.

ĐẾN TỪ” được “đến từ” “to come from” trong tiếng Anh.

ĐẾN TỪ” hiện nay rất phổ biến trong các chương trình truyền hình, từ giải trí cho chí các hội nghị lớn, nhỏ.

Cách dùng “ĐẾN TỪ” không phải tiếng Việt.

Người Việt Nam chỉ nói “từ… đến“. Ví dụ: Người đẹp ABC từ Hà Nội (Cao Bằng v.v…) đến (để tham gia cuộc thi hoa hậu). Do đó, khi MC giới thiệu nên dùng đúng văn phong tiếng Việt. Cần ngắn gọn, MC chỉ nên xướng tên người đẹp, ví dụ: Người đẹp Đỗ Thu Hà – Thanh Hóa. Như vậy đã đủ nghĩa và không phải lặp đi lặp lại thứ tiếng lai căng như thế.

Trong nhiều chương trình trên tivi hoặc trực tiếp, người dẫn chương trình cũng hay dùng “Xin thưa các cô chú, các anh chị và các bạn”. Cách dùng này cũng không chuẩn chút nào, bởi vì khán thính giả có quyền thắc mắc: “Vậy còn các bác, các cậu, các mợ, các dì v.v… sao không thưa hết cho đủ?” thì họ sẽ trả lời ra sao?

Trước đây, tiếng Việt chỉ cần dùng “Kính thưa quý vị khán thính giả” hoặc ngắn gọn hơn “Kính thưa quý vị” đã đủ nghĩa (vì quý vị đang ngồi trước mặt tôi (trong một chương trình nào đó đã là khán, thính giả rồi. Do đó có thể rút gọn mà không thiếu hoặc sai nghĩa).

Cách dùng ngắn gọn này còn thể hiện tính chất công chúng phổ quát và chuyên nghiệp của một chương trình, cũng như thể hiện sự tôn trọng tất cả những người tham dự bất kể nam, phụ, lão, ấu. Ngoài ra cách nói này còn tránh được suy nghĩ cho cả phía tham dự lẫn phía tổ chức một không khí “gia đình” không cần thiết và là điều cần tránh trong những chương trình mang tính chất đại chúng.

Trong chương trình Hoa hậu Việt Nam 2020 nói trên, khán giả cũng bắt gặp MC nói “ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI” khiến người nghe khó chịu, vì đó cũng không phải tiếng Việt, bởi hầu như ai cũng biết “sponsored by”. Cách nói lai căng như vậy, làm mất cái hay, cái đẹp của tiếng Việt.

Trong nhạc phẩm “Xin Trả Nợ Người“, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa hình ảnh “nợ bạc đầu” đầy tinh tế, sang trọng mà lại giản dị bao nhiêu thì hình tượng “gói mì tôm” trong nhạc phẩm “Bạn Tôi” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh lại thô, xấu, trơ bấy nhiêu. Mặc dù, gói mì tôm rất thiết thực trong đời sống sinh viên nghèo nhưng dùng tiếng Việt trong âm nhạc như vậy, cho thấy cách chắt lọc câu chữ thiếu sự tinh tế và khiến tiếng Việt trở nên thô kệch.

Tiếng Việt có thể nói là hay, độc đáo và khó không thua kém bất cứ tiếng của quốc gia nào.

Có những cách dùng tiếng Việt rất thú vị và không thể giải thích được mà chỉ có hiểu rõ và dùng đúng. Ví dụ, cha mẹ nói với con mình “Ba (mẹ) luôn DÕI THEO bước đường con đi”, tuy nhiên nếu thay “DÕI THEO” bằng “THEO DÕI” thì ngữ nghĩa đang từ trạng thái quan tâm, yêu thương, lo lắng sẽ chuyển ngay qua trạng thái rình mò, dòm ngó, không tin tưởng, từ đó vô hình chung làm cho con mình dễ hiểu lầm ý tốt của cha mẹ.

Hoặc khi nói: “Món quà này thật vô giá!” mà chỉ cần thêm một chữ “TRỊ” thôi, tất cả ngữ nghĩa của hai câu nói hoàn toàn khác hẳn.

Ngay trong các văn bản của nhà cầm quyền CSVN ban hành, không hề khó bắt gặp cách viết “công bố công khai”.

Khi công bố một điều nào đó (hoặc một văn bản pháp luật, một đề tài nghiên cứu khoa học v.v…) nghĩa là thông tin đó được đưa ra công luận rộng rãi, minh bạch thì “công khai” không cần phải “ăn theo” như vậy. Ví dụ: “Trường A công bố điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay”, “Công ty Z họp báo công bố tình hình tài chính năm”, “Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao công bố vốn ngân sách” v.v… mà không cần kèm chữ “công khai“.

Tiếp tục tra trên google, dễ dàng bắt gặp chữ phát sinh thêm với gần 8.000.000 triệu kết quả, đủ khiến người ta choáng váng với cách dùng chữ quái dị như vậy. Thay vì chỉ dùng “phát sinh” là đủ, cách dùng này cho thấy nó là hậu quả của giáo dục phi triết lý cộng với tâm lý của người viết muốn nhấn mạnh hoặc sợ người khác không hiểu ý mình (!).

Hiểu rõ rồi dùng đúng mới có thể làm cho tiếng Việt ngày càng giản dị, trong sáng, sang trọng. Điều ngỡ dễ dàng nhưng thực tế hiện nay trở nên vô cùng phũ phàng với phát ngôn vô giáo dục, phản văn hóa của đảng viên Phùng Xuân Nhạ – đương kim Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo: “Từ điển còn hiệu đính huống hồ gì sách giáo khoa” [2]

Có những việc, ngày hôm nay thấy bình thường và dễ cho qua nhưng ngày mai, khi hậu quả đã trở nên nghiêm trọng thì có hối cũng đã muộn.

Phát ngôn của ông Phùng Xuân Nhạ với tư cách đứng đầu ngành giáo dục, nó không chỉ là sự thách thức đối với Cương lĩnh và điều lệ ĐCSVN mà ông ta còn cố tình tàn phá mãnh liệt tiếng Việt trong vai trò của một giáo sư – tiến sĩ.

Yêu cầu Bộ Chính trị ĐCSVN và đảng viên Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng ngăn chận hành vi phá hoại tiếng Việt vô cùng nghiêm trọng của đảng viên Phùng Xuân Nhạ và đó cũng là cách bảo vệ tiếng Việt hữu hiệu nhất.

_________________________

[1] https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/giai-tri/-/asset_publisher/sxBNLsQSLyY8/cont…

[2] https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/bo-truong-nha-tu-dien-co…

nguyenngocgia’s blog (RFA)