Lê Nguyễn Duy Hậu

9-1-2021

Ở Mỹ vào nửa cuối năm 2020 là một trải nghiệm thật sự thú vị (xin cảm ơn học bổng Fulbright đã tài trợ cho trải nghiệm kể trên) khi chứng kiến một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử cường quốc này. Tuy Covid đã hạn chế rất nhiều trải nghiệm đáng lý ra phải có của một sinh viên luật tại Mỹ, nó cũng mở ra một cơ hội để chứng kiến nền dân chủ trong khủng hoảng. Nhìn lại, đây cũng chính là mục tiêu lớn của mình khi chọn đến Mỹ vào năm 2020 chứ không trễ hơn hay sớm hơn.

Giờ đây, tuy cuộc bầu cử xem như đã an bài (quá trễ), đây lại là thời khắc rất quan trọng để kiểm nghiệm xem nước Mỹ – hay cụ thể hơn là những quan điểm dân chủ Mỹ – sẽ đi về đâu trong những năm tiếp theo. Trump cuối cùng cũng chỉ là một passing phase (một hiện tượng sẽ qua), nhưng những gì Trump đã làm (hoặc gây ra) sẽ còn ở lại với nước Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới trong một thời gian rất dài.

Cũng như những gì tờ The Economist của nước Anh đã đăng trên trang bìa, di sản của Trump vừa là sự xấu hổ (the shame), vừa là cơ hội (opportunity). Chắc chắn không riêng một ai phải xấu hổ, để cho một nền dân chủ lớn và lâu đời như vậy đi vào khủng hoảng thì ai cũng phải thấy xấu hổ, cho dù họ chống hay ủng hộ Trump.
 

 

Trang bìa của The Economist.

Nhưng cơ hội mới là quan trọng, không chỉ cho nước Mỹ mà còn là cho cả Việt Nam. Cơ hội để lật mặt như một số người ở Việt Nam đang tự cho là đã “lật mặt được nằm vùng”. Nhưng cũng là cơ hội để nhận diện sự non nớt của không gian dân chủ Việt Nam.

Đã từ lâu, người ta cứ cho rằng chỉ cần một không gian mở và những người thạo tin hay những ý tưởng bay bổng thì dân chủ sẽ đến. Nó thậm chí còn lãng mạn đến mức có người còn tổ chức cuộc bình chọn vị lãnh đạo tiếp theo của đất nước trên mạng. Nhưng những tranh cãi xoay quanh Trump khiến ta nhận ra dân chủ không đến chỉ từ việc mở mồm ra nói hay từ việc like những quan điểm ủng hộ cho thành kiến của mình. Đó là một con đường rất dài, rất khó khăn, nhiều nỗi đau từ sự ngộ nhận. Nhưng có ngộ nhận mới trưởng thành được. Và đó là cơ hội lớn nhất, cơ hội để hiểu mình và thế giới hơn.

Tất nhiên, trong quá trình học hỏi và lớn lên đó, sẽ có những người tự động rời cuộc chơi vì nghĩ rằng mình đã hiểu về thế giới này. Cơ hội do đó cũng không thuộc về họ. Tất nhiên đó cũng là việc của họ.

Trên thực tế, những người tấn công Toà nhà Quốc hội ít ra họ vẫn là nạn nhân của những người ngồi nhà và cổ suý cho họ. Một tay viết bên Nhật thề rằng, sẽ cầm súng bắn đến viên đạn cuối cùng nếu có cơ hội ở đó, và anh ta được hàng ngàn người hưởng ứng.

Một doanh nhân ở Hà Nội liên tục đầu độc người đọc của chị bằng những nguồn tin giả và không ngừng kêu gọi thiết quân luật, nội chiến ở Mỹ. Một đại nhà báo ở Sài Gòn đầu tư quá nhiều tình cảm vào vị tổng thống, kêu gọi tự do, để rồi sẵn sàng xác quyết rằng quỷ dữ đã xâm chiếm nước Mỹ bằng những lập luận ngờ nghệch nhất mà khi có người chỉ ra, ông sẽ không ngại block và chửi bới họ.

Điểm chung của những người này chỉ có một, họ đều không ở nước Mỹ vào thời điểm “cần” họ thực hiện điều họ viết nhất. Và do đó, điểm chung của họ là sự hèn hạ. Họ đẩy người khác ra trận, họ bệnh hoạn khi tung hô cuộc tấn công như một cuộc cách mạng, giành quyền lực về tay nhân dân, cảm thấy tự hào về cuộc tấn công đó, so sánh nó với cuộc cách mạng Mỹ, nhưng cũng không ngại vu khống các hành vi bạo lực là của Antifa, của BLM (vậy Antifa và BLM là những người cha lập quốc ư?). Những người đó thì thật sự đáng ghê tởm.

Sau một cuộc tranh luận không mệt mỏi kéo dài nửa năm, đôi lúc còn gây chia rẽ hơn cả sự kiện Đồng Tâm diễn ra tròn một năm trước, có lẽ rất nhiều người Việt đang chọn cách liếm láp vết thương của mình. Để xoa dịu nó, họ không ngần ngại tuyên bố rằng những người ủng hộ Trump là những người yêu tự do, yêu nước… mà không hề có bất kỳ một chỉ dấu ngoại lệ nào.

Rất may là phần lớn trong số họ chắc sẽ sớm vượt qua, nhưng sẽ có những người không thể – vì cái gì thì cũng không đáng quan tâm cho lắm. Tất nhiên cuộc sống là của họ, và nguyên tắc tự do cũng không cho phép ai cầm tù họ. Nhưng nguyên tắc tự do cũng không cấm sự khinh bỉ từ những người khác.

Cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn, những gì Trump chỉ trích hay phơi bày không phải là không có cái lý, và một thế hệ những người ở lại sẽ phải nghiên cứu và chỉnh sửa nó. Nếu ai đó nghĩ rằng thế giới chấm dứt vì một con người thất cử thì có nghĩa là họ đã ưu tiên con người đó hơn là ý tưởng, và mượn lời của một người quen bầu cho Trump hai lần mà mình rất kính trọng: “họ cũng không vượt qua được tư duy bộ lạc”.

Thái độ đó cũng không khác gì lời bài hát Quốc tế ca của những người vô sản mà họ sẽ rất ghê tởm khi bị so sánh. Chỉ tiếc là có nhiều người chỉ muốn nhìn thế giới này bùng cháy sau khi thần tượng của họ thất bại./.