Làm gì sau khi ra tù ?

 

 Tháng Tư Đen Việt cộng chiếm Miền Nam,

Gây bao tang thương đổ nát điêu tàn,

Để lại vết hằn dơ trang sử Việt,

Hậu quả phủ Đất Nước một màu tang!  

 

Sau 30 tháng 4/75, Công sản Bắc Việt đã nuốt trọn việc cưỡng chiếm Miền Nam, nghe lời lừa bịp của việt cộng, các sĩ quan QLVNCH vui vẻ đi học tập để còn về sớm giúp đỡ gia đình. Nhưng họ đã bị lừa dối với mỹ từ ‘học tập cải tạo’, nên bị trả thù trong lao tù khổ nhục ít nhất từ 3 năm cho đến hơn 10 năm. Và khi trở về không biết phải làm gì sinh sống, vì đa số là những chiến sĩ cầm súng chống giặc cộng xâm lược bảo vệ Miền Nam tự do- Số còn lại có nghề chuyên môn nhưng không được trưng dụng, nếu được dùng để dạy bọn cán ngố từ Bắc vào những máy móc, kỹ thuật… khi chúng học được rồi là bị vắt chanh bỏ vỏ cho về vườn. 

Khoảng 2/3 tù nhân chính trị thuộc chính quyền Miền nam, khi bị bắt vô tù tuổi từ 30 đến 40 là tuổi đang thành công nhất trong đời và là tương lai nhiều triển vọng của QLVNCH, nên nhốt lớp người này cũng nằm trong âm mưu thâm độc của Việt cộng. Vì thế người đời thường nói: Tam thập nhi lập- Tứ thập nhi bất hoặc (30 tuổi mới tự lập- 40 tuổi mới hiểu hết sự lý trong thiên hạ) Than ôi! Quãng đời tươi đẹp nhất nay còn đâu!!! 

Tình trạng thất nghiệp của tù nhân mới được phóng thích và gia đình làm xáo trộn cuộc sống một tập thể đông đảo bị gạt bên lề xã hội. 

 Họ phải xoay sở làm bất cứ việc gì không thể gọi là nghề theo đúng nghĩa ‘nghề nghiệp’. 

Xin trưng dẫn vài việc làm với một số người điển hình vừa ra tù:

 

* Dân biểu: Không phải là dân biểu quốc hội theo luật rừng ‘đảng cử dân bầu’

Một nghề ai bảo đi đâu thì đi đó, nhưng cần đòi hỏi có sức khỏe để khuân vác chuyên chở tối đa 100 kg. Đó là việc làm phổ thông cho các phó thường dân: đạp xích lô. 

Tôi có thằng bạn thân làm nghề này, nhưng không có tiền mua xe phải đi thuê.

Mới sáng sớm nó đã ghé chở tôi đi uống cà-phê, ngồi lâu nói đủ chuyện cà kê dê ngỗng. 

Tôi ngỡ ngàng nhìn nó: “Mày ngồi lâu không đi làm lấy gì tiêu xài?” 

Nó tỉnh bơ trả lời: “Đừng lo, tao đã có mối sẵn, sáng chờ bà này ra chợ chiều đón về đủ tiền thuê xe rồi.”

– Còn vợ con, mày không giúp được gì à?

– Gần 8 năm nay vợ còn tao vẫn luồn lắt sống qua ngày, hơn nữa tao còn đang thời gian bị quản chế, chúng theo dõi từng bước, có những việc làm được nhưng chúng đâu cho!

 

Mấy ngày sau tôi lại thấy nó đến, trên xe chở cây Thánh giá xi măng.

Tôi trố mặt nhìn hỏi: “Mày chở Thánh Giá cho ai mới qua đời?” 

Nó buồn rầu trả lời: “Đem ra mộ cho thằng con mới chết vì buôn hàng lậu bị công an truy bắt, nhảy tàu vỡ sọ chết. Tao đem ra mộ làm ghi khi nào có tiền xây mộ cho nó sau!” 

Tôi chia ngậm ngùi chia buồn với nó nhưng chỉ nghĩ trong đầu không dám nói ra! Đau buồn thay thằng cha trong nhà tù nhỏ vẫn cố bám sống và khi trở về nhìn thằng con chết oan nghiệt nơi nhà tù lớn!

 

– Ngày xưa rõ mặt anh hùng,

Ngày nay thất thế nửa khùng nửa điên,

Ngày xưa nắm đủ uy quyền,

Ngày nay ai gọi chạy liền ra ngay.

 

* Chợ trời: Chốn vàng thau lẫn lộn, nơi thượng vàng hạ cám.

Sau thời gian dài trong giam cầm khổ nhục, người tù trở về không còn thấy ‘hòn ngọc viễn đông’, chỉ còn tầng cuối địa ngục. Một xã hội vô sản đã thật sự phô bày rõ nét nhất qua cảnh Chợ trời. Người bán là dân Miền Nam, kẻ mua là bộ đội Miền Bắc.

 

Những khu chợ trời nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Thu Thâu, chợ Tân Định, công viên trước cổng phi trường Tân Sơn Nhất… 

Người dân đem ra bán đủ thứ còn sử dụng tốt như Radio, máy thu băng, tủ lạnh, xe đạp, xe gắn máy, giường tủ, bàn ghế, chén bát, quần áo, chăn mền…và cả những thứ lỗi thời hay bị trục trặc không còn sử dụng được, nhưng với những anh cán ngố ngoài Bắc cái gì của Mỹ-Ngụy đều tốt cả.

Nhìn vào cuộc sống chợ trời, làng cái bang đã xuất hiện câu ‘chà đồ nhôm’ nghe thật chua xót.

 

Khi cướp được Miền Nam, những tên này bị choáng ngợp trước cảnh ‘phồn vinh giả tạo’ suốt ngày rảnh rỗi lê la ngoài chợ mân mê chiếc đồng hồ không người lái 2 cửa sổ, quẹt Jippo, bao thuốc lá 3 số 5,cái đài thâu băng…Chúng ‘ vào, vơ, vét, về ‘ ngoài Bắc và giấc mơ của mỗi tên con cháu Hồ tặc là 3 Đ gồm Đài- Đồng- Đạp (Đài nghe phát thanh- Đồng hồ 2 cửa số- Xe đạp). Việc chế diễu này chúng tôi đã trình diễn trong tù dịp văn nghệ Mừng xuân, nhưng bọn cán bộ không hiểu thâm ỹ của anh em tù đã vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng.

 

Từ khung cảnh chợ trời nhà thơ Phó thủ tướng việt cộng biến chất từ yêu thơ qua yêu bác đảng, nhưng bị thất sủng nên mới xuất hiện ‘bài thơ chợ trời’ ngầm chửi cảnh lên voi xuống chó của lũ ‘cuồng đảng’:

 

– Anh bộ đội đi mua đồng hồ,

Thật giả khó phân anh rất lo,

Anh hỏi cô hàng cô tủm tỉm:

Giả mà nhìn thật, khó chi mô!

 

* Mua bán nhà: Nghề nhàn hạ, không cần giấy phép, không cần bằng cấp. 

Khi ra tù, tôi thường lang thang kiếm việc làm trong xã hội đổi đời sâu bọ lên làm người, kẻ thất thế từ cỡi voi xuống chó, bỗng tôi để ý đến anh chàng nằm tòn teng trên võng nhà binh dưới bóng cây mát trời trong xanh, đang mơ giấc kê vàng, dưới gốc cây hàng chữ nghiêm túc trên tấm bìa cát-tông ‘Mua bán nhà’- Nếu gặp cán ngố hay công an khu vực hỏi nói có người thân sắp đi nước ngoài cần bán gấp.

 

Xuống xe đạp thồ ghé lại hỏi thăm cho biết sự tình. Thấy tôi anh vội chồm dậy tưởng có khách xộp đên mua bán, anh vồn vã lên tiếng:

– Chào ông, ông muốn mua hay bán nhà?

– Không mua cũng chẳng bán.

– Nhưng không phải nhà của tôi, mà của người anh họ muốn bán vì sắp đi Mỹ theo diện đoàn tụ.

– Vậy ông cho biết địa chỉ để đến tham quan và thượng lượng.

Nhìn anh chàng thân hình gầy ốm, mặt mày hốc hác, ăn mặc lôi thôi, tôi thả tín hiệu đề thăm dò bèn lên tiếng:

– Nhìn anh thật ‘Cư An Tư Nguy’.

– Ồ thế là phe ta! Khóa mấy?

– 24! Còn anh?

– 9 nút là đàn em rồi. Vậy đại ca lên lớp mấy niên?

– Lang thang nhiều nơi gần 10 niên. Giờ chưa có gì làm, vậy cho hợp tác vì tình đồng chí đồng đội được không?

– Lâu mới gặp được mối, sợ đại ca đợi lâu cứt trâu hóa bùn thêm bực mình.

– Vậy làm ăn thế nào?

– Hoa hồng hai bên tùy hỉ, giấy tờ họ tự lo.

– Anh thật đa mưu túc kế, mưu sinh thoát hiểm, hơn cả các quân sư danh bất hư truyền.

 

Truyện dài dòng văn tự đã lâu, tôi tạm biệt anh rút lui không biên giới.

 

– Gặp thời thế, thế thời phải thế,

Anh này thật đa mưu túc kế,

Hôm nay tìm lối thoát ngày mai,

Sống như thế, thật là mưu trí!

 

* Thông dịch: Có hai loại- Trực tiếp là nghe và nói, đòi hỏi người dịch phải thông thạo cả hai ngôn ngữ- Gián tiếp là dịch ra giấy thành bài bản, loại này có thời gian để tra cứu sách báo, nhân vật… Ở Hoa Kỳ còn loại thông dịch cho người hư thính giác (điếc), ta thường thấy trên truyền hình người đứng gần diễn giả dùng tay đưa qua lại diễn dịch gọi là thủ ngữ.

 

Khi cuộc chiến với việt cộng cao độ, hơn nửa triệu lính Mỹ tràn ngập Miền Nam, nảy sinh những mối tình qua đêm hay nhiều tháng giữa các chú GI và các cô gái Việt. Hết hạn phục vụ, nhiều anh vội vã hồi hương không lời từ giã người tình. Nhưng cũng còn một số vương vấn nhớ thương ghi lại địa chỉ tình nhân trước khi trở lại cố quốc và mong sau này qua những lá thư tình còn lưu lại những kỷ niệm đẹp ngày tháng cũ.

 

Năm tháng trôi qua, ta thấy xuất hiện mấy người thông dịch trước Bưu Điện thành hồ mong gỡ mối tơ lòng cho những cánh thư từ xa xôi bay về và thư hồi âm chuyển đi. Những lá thư cứu đói hay lạy trời khấn phật huy hoàng như truyện tình Bokassa và lúc này mấy ông thông dịch như cây đũa thần biến hóa.

 

Gọi là chuyện lan man, nên xin nhắc lại một thời đầu thập niên 50 một ông trung sĩ tham chiến tại VN đã vướng tình với cô gái Nguyễn thị Huệ. Hai mươi năm sau về nước ông đã lên đến cấp tướng, làm cuộc đảo chính trở thành Tổng Thống Cộng Hòa Trung Phi. Giàu tình cảm lại trung tình, nhớ lại người tình xưa, ông nhờ người tìm lại. Lợi dụng báo chí dựng thành câu truyện tình thế kỷ rầm rộ đăng tin hốt bạc. Cuối cùng đã tìm được người tình theo tâm nguyện TT Bokassa.

 

Kết thúc thật có hậu và hai mẹ con cô Huệ đã được đón qua Trung Phi với nghi lễ hoành tráng, con cô dòng máu của ông TT Trung Phi tên Nguyễn thị Martine biến thành công chúa xứ kim cương mỏ vàng và bà Huệ thành Thứ Phi nước Trung Phi.

 

Viết về thông dịch tôi lại nhớ đến câu truyện khi còn học trung học. Ông thày dạy Pháp văn thường phê bài dịch của chúng tôi là tiếng tây bồi. Đặc biệt, thằng bạn tinh nghịch lại kém Pháp văn nhất lớp trong giờ tập đàm thoại thường ấp a ấp úng nói nửa tây nửa ta bị thày gọi là tây ba rọi. Hôm ấy vừa học xong bài thơ nổi tiếng về chiếc cầu thơ mộng chảy qua dòng sông Seine của Guillaume Apollinaire, bài thơ tình ‘Le pont Mirabeau’. Nó bực mình vì bị chê, giờ ra chơi chế ra một bài ‘thơ ba rọi’ cho chúng tôi nghe phá lên cười chơi. Xin mượn lại bài thơ ba rọi của anh học trò tinh nghịch năm xưa, tặng những ai mê dùng ‘song ngữ giả cầy’:

 

– Từ xa trông thấy le pont,

Trên cao chót vót uốn vòng dans l’air,

Le pont est tout de fer,

Giữa đường xe chạy, hai dè người đi.

(Dù có sai sót, tôi vẫn giữ nguyên bài thơ của bạn tuổi học trò xưa)

 

* Dạy chó: Chó là loài vật tinh khôn, có khứu giác rất nhạy bén và đặc biết là rất trung thành như chú chó ngồi lặng yên trước nấm mồ chủ qua nhiều ngày tháng hay chú chó đợi chủ nơi phi trường thi gan cùng tuế nguyệt vẫn không thấy bóng dáng chủ quay về. Người ta huấn luyện chó đánh hơi tìm vũ khí đạn dược, chất độc, hầm trú ẩn của địch…Tại những vùng núi giành cho người thích môn thể thao trượt tuyết, chó tìm được người chôn vùi dưới tuyết, cứu thoát nhiều nạn nhân. Nước Cờ Hoa chó xếp vào loại thú cưng, có bác sĩ thú y, bệnh viện chăm lo sức khỏe, chó đi lạc mất là có ngay mảnh giấy dán cột đèn như tìm trẻ lạc có hậu tạ. Chó còn được săn sóc sắc đẹp tại thẩm mỹ viện chuẩn bị hội chợ hay thi hoa hậu khuyển hoàn vũ.

 

Tôi có ông bạn trình độ tiếng Anh khá, nên khi ra trường sĩ quan được đưa qua ngành quân khuyển và sang Hoa Kỳ thụ huấn. Về nước anh gia nhập ngành quân khuyển QLVNCH, trong các cuộc hành quân anh đem chó theo để truy lùng dấu vết việt cộng như vũ khí đạn dược, nơi trú ẩn của địch. Chó cũng mang cấp bậc và được thưởng huy chương trong các chiến công xuất sắc. Đôi lúc gặp anh về phép, vì là bạn thân chúng tôi gọi đùa anh là sĩ quan chó.

 

Trước khi Miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, một số người đã có cháu con tung ra khắp bốn phương trời và có công ăn việc làm vững chắc, họ gởi nhiều thùng quà ‘chất lượng’ về VN cho người thân. Những người này đem bán, gom tiền để vui chơi. Kẻ mê cờ bạc, ăn nhậu, ca nhạc, khiêu vũ. Người tìm thú vui tao nhã hơn như chơi cây cảnh, cá cảnh, chim cảnh, mèo chó cảnh.

 

Thật nghề chơi cũng lắm công phu! Lúc này một số ông thuộc ngành quân khuyển xưa thấy xuất hiện. Người chơi muốn tìm loại chó đẹp, khôn, lanh, dễ phục tùng, phải mời đón thày quân sư quân khuyển vấn kế. Thày tuy không lãnh lương tháng, nhưng mỗi sáng được mời ra tiệm ăn tô phở tái nóng hổi vừa ăn vừa thổi và uống ly cà phê sữa cũng thấy ấm bụng và thỉnh thoảng chủ chó lại dúi cho một mớ tiền sài cả tuần. Thật ngỡ ngang nào có dạy chó gì đâu, nhưng vẫn được ưu đãi như xưa Khổng Minh làm quân sư cho Lưu Bị.

 

Rồi mỗi sáng sau điểm tâm tháp tùng chủ khuyển trong bộ quần áo, mũ giầy trắng toát dạo chợi công viên thành Hồ trông, trông thật sang trọng ung dung thoải mái nhàn hạ.

 

 Trưởng giả học làm sang,

Phong độ thật hiên ngang,

Quên sầu ngày tháng cũ,

Từ đây hết bẽ bàng!

 

* Họa sĩ: Khi những người ra tù phải lặn lội kiếm sống trong xã hội đỉnh cao đổi mới, thì anh họa sĩ này sống an nhiên tự tại, phấn khởi vươn lên với tài năng sẵn có trời cho- Tiếng tăm anh nhiều người biết đến qua những giải thưởng trong ngoài nước.

 

Thời buổi giao lưu, kinh tế giao hòa, những quà tặng cấp trên hay công ty quốc ngoại, ngoài chiếc phong bì lớn, kèm theo bức tranh sơn mài, tranh lụa, tranh sơn dầu đậm sắc thái quê ta tươi đẹp muôn màu, tiền rừng bạc bể. Cần trao đổi mua tranh không phải bằng tiền tươi rói mà bằng chỉ lượng quí kim, phải tìm đến anh họa sĩ đây.

 

Là chỗ bạn thân đồng hương đồng khói súng, cùng xuất thân nơi cửa Khổng sân Trình, bỏ làng xóm cũ ra đi khi trời vừa sáng trăng còn sáng tỏ, sao đã lu mờ. Tôi thỉnh thoảng ghé thăm anh ngắm tranh cho thư giãn trong buổi chiều bóng xế. Hội họa thì tôi mù tịt, nhưng hồn thơ luôn dâng lên lai láng.

 

Tôi phụ họa góp ý với những câu thơ của các thi nhân nổi tiếng đề dưới bức tranh cho thêm khởi sắc. Anh gật đầu mỉm cười tâm đắc và tặng tôi danh bút thi sĩ không tên. 

 

Tôi chợt nhớ đến quan điểm nghệ sĩ nghèo mạt rệp như bà chị họ là không đúng rồi. Khi trước đã có lần tôi muốn anh họa sĩ nhận cô cháu gái làm đệ tử vì cháu rất thích hội họa. Nghe tôi ngỏ ý bà chị phán một câu xanh rờn: – —Bạn của cậu mày toàn là mấy ông sĩ nghèo rớt mồng tơi nào là văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… 

Tôi bực mình đáp lại:

– Vâng! Em biết chị chỉ thích những ông rể như: nhân sĩ, bác sĩ, dược sĩ, luật sĩ, quan sĩ.

 

Bây giờ chắc chị hối hận không nghe lời thằng em, để cô con gái cưng lấy ông dân biểu cho người ta sai bảo đi đây đi đó.

 

– Thời buổi giao lưu lắm đổi thay,

Bây giờ nhiều kẻ gặp dịp may,

Cuộc đời thay đổi theo chiều gió,

Thênh thang ngày tháng hết vơi đầy.

 

Ngoài những việc điển hình nêu trên, người tù trở về không e ngại làm bất cứ việc gì để sống qua ngày tháng đen tối như: Bơm mực bút bi, mua bán ve chai, sửa bơm xe đạp, bán bánh kẹo có nhạc giúp vui, sửa giầy dép, bỏ báo, bán vé số…

 

Nói người lại nghĩ đến ta. Trước kia tôi cũng có nghề nghiệp cao quí trong QLVNCH, chỉ cần dùng đầu óc để viết và nói. Nhưng hiện nay, đầu óc tôi mê sảng không còn đắc dụng, vì chỉ cần hai bàn tay thô rám nâng đỡ cuộc sống đang băng hoại từng ngày. 

Rồi một ngày kia, người cháu họ ghé thăm thấy cảnh sống lận đận của tôi, anh mới móc nối với tên cán bộ hồi hưu mở Hợp tác xã sản xuất đồ mộc, anh đề nghị tôi về làm kế toán. 

Tôi nhận lời len lỏi theo học cùng các cô cậu còn trẻ theo học kế toán- một nghề đang cần thiết vì các tổ hợp và hợp tác xã đang nở rộ. Sau 3 tháng miệt mài lấy được mảnh bằng. Anh chủ nhiệm cầm bằng lên xin phép cho tôi được làm kế toán trưởng HTX, nhưng bị từ chối và quan cán thượng cấp phán rằng: “Không thể để cho 1 tên biệt kích còn đang bị quản chế làm việc này dược”

(Có lẽ chúng sợ tội lợi dụng nhiệm vụ ôm một số tiền bỏ trốn mất) – Thôi buồn ơi chào mi!

 

Tôi đem chiếc bằng liệng vào hộc tủ để ghi nhớ lần đầu giật được mảnh bằng vô dụng của thời đồ đểu lên ngôi.

 

Viết đến đây, tôi nghĩ nhiều về người bạn đời thân yêu. Lúc còn trong tù, bà xã gom góp từng đồng mua thực phẩm, đem con lội suối băng rừng ra thăm chồng xa xôi nơi biên giới, còn cực khổ hơn người chinh phụ tìm chồng ngoài biên cương. Năm xưa khi chồng còn tại chức vui buồn theo bước thăng trầm. Ngày nay, lúc thất thế ở tù về vẫn trung tình vui sống bên nhau. Xin suốt đời ghi nhớ mãi ân tình này…

 

* Đàn em cũ: Tôi đến thăm anh này không phải để cầu giúp đỡ, nhưng vì tình xưa nghĩa cũ. 

Đứng trước cổng dưới tấm biển đề Công ty may mặc thành phố. Anh bảo vệ thấy tôi lấp ló hỏi:

– Anh đi đâu sao đứng đây?

– Tôi cần gặp ông giám đốc.

– Anh liên hệ gì với ông?

– Tôi là bà con ở xa về ghé thăm ông.

– Anh để xe đạp chỗ kia, tôi vào bá cáo ông.

 

Anh dẫn tôi vào, ghé tai nói nhỏ với cô thư ký gì đó. Cô vào văn phòng giám đốc. Một luc sau ông bước ra nhận thấy tôi reo lên:

– Anh Hùng! Lâu quá không gặp lại anh, giờ đang làm gì?

– Ở tù gần 10 niên, mới về còn thất nghiệp.

– Vậy anh đến làm với em đi, sẽ sắp đặt theo ý anh.

– Không lẽ để thằng tù ngụy làm phụ tá cho em, nhà nước đâu chấp nhận, còn đứng gác cổng chắc em cũng không đành lòng.

– Chị sao, đang làm gì?

– Buôn bán lặt vặt sống qua ngày.

– Anh nói chị đến công ty em làm hay làm tại nhà cũng được em cho mượn máy, lấy hàng về làm xong giao lại công ty.

– Thôi việc đó từ từ tính sau.

– Còn em sao không đi Mỹ theo diện đoàn tụ?

– Anh chị em có nói mấy lần em đều từ chối.

– Lý do tại sao?

– Anh biết đấy, với bằng cấp và khả năng em qua bên ấy cũng làm bình thường thôi, khó tiến thân như bên này. Sau khi Miền Nam sụp đổ, em đi học lại tốt nghiệp đại học kinh tế. Em xin việc làm, thấy lý lịch không làm gì quan trọng dưới chế độ cũ nên họ chấp nhận. Rồi từ trưởng ban, lên trưởng phòng, phó giám đốc và giám đốc như ngày nay. Người ta nói trong xứ người mù thằng chột làm vua. Giữa người có học và kẻ vô học cũng thế.

– Tương lai theo anh nghĩ em còn tiến hơn nữa.

– Vâng anh nói đúng, chức tổng giám đốc đang chờ em đấy.

 

Thấy chuyện dài dòng đã lâu, tôi tạm biệt anh. Anh tiễn tôi ra tận cổng và hẹn gặp lại. 

Sở dĩ anh đối với tôi vẫn còn thân kính, vì trước làm dưới quyền, tôi tận tình giúp đỡ anh. 

Những kỷ niệm đẹp anh vẫn còn lưu giữ dù tôi đã thất thế đổi đời.

 

-Vài ngày sau tôi lại tìm gặp anh khác, tuy trước không làm cùng phòng nhưng chung một khối. 

Hiện anh đang làm giám đốc công ty vàng bạc đá quí thành phố. Đến nơi tôi nhận ra anh ngay với vóc dáng to lớn, râu quai nón, đeo kính mát, ngồi oai vệ sau bàn giấy bự giữa phòng. Anh đang la rầy cô nhân viên dưới quyền. Anh này thuộc loại con ông cháu cha, nghe nói chú anh làm lớn tại thành hồ, nên ỷ thế hiếp đáp người khác. Anh chưa nhận ra tôi, nên rút lui khỏi phải tiếp xúc với hạng người này.

 

 Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân,

Bắt phong trần, phải phong trần,

Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.

 (Mượn mấy câu kết truyện Kiều)

 

Bài viết lan man thuộc loại truyện bình dân chợ đời, không phải giả tưởng mà có thật trong xã hội ‘Đỉnh cao trí tuệ loài người tiền sử’, không tô vẽ màu mè, thêm mùi vị chua cay.

 

Mong người đọc giải sầu trong những lúc thảnh thơi thư nhàn. 

 

Đinh Văn Tiến Hùng