Lần đầu tiên Việt Nam nói rõ sự khác biệt với Trung cộng trong tranh chấp Biển Đông

Chiến hạm USS McCampbell của Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương, năm 2005. Chiến hạm này đã hành quân vào Hoàng Sa đầu tháng 1/2019.

Trong buổi họp báo ngày 16/1/2017 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nói rằng việc tiến hành soạn thảo Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là chậm trễ, và nhiều điểm từ trong Tuyên bố về bộ qui tắc ứng xử (DOC) không được các bên tham gia coi trọng.

Ngoài ra trong buổi họp báo ông Phạm Bình Minh còn đưa ra những bình luận khác về quan hệ với các cường quốc trên Biển Đông, về những nghi ngờ tiết lộ nội dung việc thương lượng giữa các bên.

Trả lời câu hỏi về những thông tin rò rỉ rằng ASEAN và Trung cộng có những bất đồng không thể dàn xếp được, ông Phạm Bình Minh nói rằng việc thương thảo ASEAN Trung cộng diễn ra trong những cuộc họp kín, còn ngoài ra là những lời đồn đoán.

Đánh giá về những phát biểu của ông Phạm Bình Minh, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nói với RFA:

Điều ông ấy nói rất là mới, từ trước giờ chưa có ai Bộ trưởng Ngoại giao nói thẳng như thế cả. Mà nói thẳng ra lúc này là tốt, vì cái khác biệt giữa Việt Nam và Trung cộng từ trước đến nay ai cũng rõ nhưng chưa ai nói rõ cả, nói rõ như vậy là rất tốt, nhất là với quốc tế.”

DOC được đưa ra từ năm 2002, đến 2012 thì COC bắt đầu được soạn thảo với mong muốn điều tiết được những xung đột trên Biển Đông giữa các quốc gia Việt Nam, Trung cộng, Phi Luật Tân, Mã Lai, và Brunei là những nước đang có những tranh chấp về lãnh hải trên biển.

Ông Phạm Bình Minh có nói đến việc COC phải là một văn bản có sự ràng buộc về pháp lý. Ông không đề cập đến Trung cộng, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng chính Bắc Kinh là quốc gia không muốn có một sự ràng buộc về pháp lý, để có thể dễ dàng thao túng khi tranh chấp với các quốc gia Đông Nam Á nhỏ và yếu hơn.

Trích dẫn những phát biểu của ông Phạm Bình Minh, tác giả Keegan Elmer của tờ Bưu điện Hoa Nam tại Hong Kong cho rằng Việt Nam đang mệt mỏi và mất kiên nhẫn với tiến trình đàm phán trên Biển Đông.

Liên quan đến sự hiện diện của các cường quốc như Mỹ, Anh, Nhật Bản trong khu vực Biển Đông, ông Phạm Bình Minh nói rằng việc các cường quốc tìm kiếm đồng minh là một lẽ tự nhiên, và Việt Nam cũng như các quốc gia nhỏ khác cũng phải tìm cách sống còn trong sự cạnh tranh đó.

Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn duy trì một đường lối đối ngoại độc lập.

Cuộc họp báo của ông Phạm Bình Minh diễn ra vài ngày sau việc chiến hạm Mỹ USS McCampell đi sát các đảo do Trung cộng chiếm giữ tại quần đảo Hoàng Sa.

Đây là diễn biến mới nhất của cái gọi là chiến dịch tự do hàng hải do Mỹ chủ xướng cùng các đồng minh Anh, Úc, Pháp kéo dài trong ba năm qua nhằm thách thức tất cả những đòi hỏi chủ quyền biển xung quanh những đảo đá nhỏ trên Biển Đông.

Theo RFA

Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị tại Hà Nội ngày 1/4/2018.

Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa đưa ra quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, trong đó, ông thừa nhận Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột trong khu vực.

Phát biểu của ông Phạm Bình Minh được đưa ra với báo giới trong nước sau khi các lãnh đạo Việt Nam vừa kết thúc cuộc hội đàm mới nhất với phía Trung cộng về vấn đề biên giới trên bộ và trên biển hồi đầu tuần này.

“Các nước quan tâm và có nhiều hoạt động quân sự diễn tập tại khu vực này, làm cho tình hình Biển Đông nóng hơn. Biển Đông là mối quan tâm chung, không được tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố, gây xung đột trong khu vực. Việt Nam là nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông”, báo Dân Trí dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam nói hôm 15/1.

Ông Phạm Bình Minh cho biết thêm rằng Hà Nội đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung cộng vào thời điểm cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai cường quốc thế giới.

“Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước khác sẽ phải xem xét làm thế nào để điều hướng tình hình”, Viet Nam News dẫn lời ông Phạm Bình Minh.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng bày tỏ sự thất vọng về tiến trình chậm chạp của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Hồi tháng 8, Trung cộng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thống nhất một dự thảo văn bản đàm phán và hy vọng sẽ kết thúc các cuộc đàm phán về COC vào năm 2021. Tuy nhiên, theo lời ông Phạm Bình Minh, tiến trình này chậm hơn so với dự kiến.

VOA

Báo Việt Nam đưa tin Trung Cộng mưu đồ độc chiếm Biển Đông

Ảnh: Thanh Niên

Ngày 17 tháng 1, báo Thanh Niên đã đăng một bài báo với tựa đề: “45 năm Trung cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa của việt Nam: Mưu đồ độc chiếm Biển Đông.” Đây được xem là chuyện hiếm và có thể gọi là lần đầu tiên xảy ra trên hệ thống truyền thông của nhà cầm quyền CSVN.

Bài báo viết rằng, vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Cộng đã đưa quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sau khi đã chiếm cụm phía đông hồi thập niên 1950. Từ đó đến nay, Trung Cộng liên tục tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm củng số sự hiện diện dân sự lẫn quân sự phi pháp tại Hoàng Sa.

Sự xuất hiện của bài báo trên tờ Thanh Niên giữa lúc có cuộc tập trận giữa hải quân Hoa Kỳ và Anh quốc tại Biển Đông cũng như chiến hạm Hoa Kỳ đi vào khu vực 12 hải lý của Hoàng Sa hồi đầu tháng 1, cho thấy nhà cầm quyền CSVN muốn tìm cách xóa bỏ hành động bán Hoàng Sa và Trường Sa qua công hàm của Phạm Văn Đồng trước quốc dân Việt Nam bằng cách lên án mưu đồ độc chiếm của Trung Cộng tại Biển Đông.

Cùng lúc muốn thăm dò phản ứng của Trung Cộng khi CSVN muốn nhờ Mỹ bảo vệ quyền lợi của chế độ tại Biển Đông nơi mà nguồn lợi dầu hỏa và khí đốt có thể kéo dài thêm những ngày cầm quyền của đảng CSVN trên mảnh đất hình chữ S.

Theo SBTN

Pháp đưa bằng chứng khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam

Hai tài Liệu tại kho lưu trử Pháp khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam

Năm 1938, khi còn bảo hộ Việt Nam, Chính phủ Pháp nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Tài liệu được lưu trữ tại Trung Tâm Lưu Trữ Của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Marseille, Pháp: Kí Hiệu Hồ Sơ số: MQ28/02.

Ở tài liệu thứ nhất, với đề tài: “Pháp có chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa (Paracels) hay không?” đã khẳng định: “Ngày xưa, quần đảo Hoàng Sa là thuộc về Việt Nam. Vương triều An Nam (nhà Nguyễn – người dịch) đã đóng quân trên đảo này từ đầu thế kỉ XIX. Quần đảo này là vùng thuộc chủ quyền của An Nam (Đại Nam tức Việt Nam – người dịch). Pháp chỉ làm cái việc là khẳng định tất cả các quyền không thể chối cãi đối với quần đảo này. Vấn đề này là thực tế”.

Tư liệu lưu trữ (1938) khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1932, dưới thời Toàn quyền Pasquier, một tàu Pháp đã đổ bộ lên và cắm cờ Pháp trên quần đảo này.

Tài liệu cho biết thêm: “Để bảo đảm an toàn hàng hải trên vùng biển này, chính quyền Đông Dương đã thiết lập trên quần đảo này hai ngọn hải đăng và một trạm khí tượng. Một vài biệt đội vùng với lực lượng đông đảo cảnh sát người Việt cũng đã được cử đến quần đảo này để bảo vệ những công trình này. Trong năm 1937, một quan chức hành chính của chính quyền Đông Dương cùng 6 lính bảo an đã thực hiện cuộc kiểm tra trên quần đảo này nhằm duy trì hai ngọn hải đăng và bảo đảm cho trạm khí tượng đặt trên quần đảo này được hoạt động tốt”.

Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ thế kỷ XIX

Tài liệu thứ hai trong Hồ sơ lưu trữ cho biết: “Theo luận điểm của Pháp, quần đảo Hoàng Sa đã được sáp nhập vào Việt Nam bởi Vua An Nam (Vua Nguyễn) vào năm 1816, sau đó là bởi Courbet vào năm 1885. Vào năm này, Trung Cộng đã thừa nhận rằng, Pháp thay thế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.

Tài liệu cũng nêu rõ, lối vào quần đảo Hoàng Sa là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

“Quần đảo này được tạo bởi 36 đảo nhô lên hoặc đảo chìm. Yếu tố này thực sự nguy hiểm đối với giao thông hàng hải. Những đảo lớn của quần đảo này bao gồm các đảo: Tri Tôn, Pyramide, Lincoln, Boiseé, Rocheuse, Roberts, Pattle, Amphitrite,…”.

Một số hải đội người Việt đã đóng trên quần đảo này, nằm giữa đảo Hải Nam và cảng Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi Chính phủ bảo hộ Pháp và triều đình Việt Nam thiết lập trên quần đảo Hoàng Sa một vài ngọn hải đăng và trạm khí tượng để kiểm soát bão, thì Bộ Ngoại Giao Trung Cộng lại kiến nghị với Bộ Trưởng Pháp rằng, quần đảo này là của Trung Cộng.

Chính phủ Pháp khẳng định, quần đảo Hoàng Sa đã được sáp nhập vào Việt Nam năm 1816. Đến năm 1885, Trung Cộng cũng đã thừa nhận, Pháp thay thế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trung Tâm Lưu Trữ Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Marseille (CCIMP) ở số 9 đường La Canebìere, 13001, thành phố Marseille, nước Pháp. Trung tâm này chủ yếu lưu trữ những tài liệu liên quan tới thương mại giữa Pháp và các nước trên thế giới cũng như với thuộc địa của Pháp, trong đó có Việt Nam. Nguồn tài liệu ở đây được chính thức thu thập và lưu trữ từ thế kỷ XVII. Các hồ sơ lưu trữ ở đây phản ánh những thông tin liên quan tới chính sách thương mại, quan hệ thương mại, thuế từ thế kỉ XIII đến nay. Nguồn lưu trữ ở đây được chia thành 3 phông chủ yếu: Phông cũ là những hồ sơ chứa đựng thông tin từ năm 1801 trở về trước, gồm các tư liệu từ A đến K. Phông hiện đại là những hồ sơ chứa đựng thông tin từ năm 1801 đến nay, gồm các tài liệu nối tiếp: MA, MB, MC, MD, MÉTROPOLE, MF, MG, MH, MJ, MK, ML, MM, MN, MP, MQ, MR, AC. Phông đính kèm là những hồ sơ liên quan tới các công ty thương mại, những nhân vật, quan chức thương mại của Pháp và các thuộc địa Pháp. Tài liệu liên quan tới Hoàng Sa mà chúng tôi đề cập nằm lẫn trong Hồ sơ série MQ thuộc phông hiện đại.

Theo luận điểm của Pháp, quần đảo Hoàng Sa đã được sáp nhập vào Việt Nam bởi Vua An Nam (Vua Nguyễn) vào năm 1816, sau đó là bởi Courbet vào năm 1885. Vào năm này, Trung Cộng đã thừa nhận rằng, Pháp thay thế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.

Nguồn Internet

Việt Nam không nằm trong top 10 nước công bố về “Biển Đông”

Ảnh: Tuổi Trẻ

Báo Tuổi Trẻ ngày 16 tháng 1 loan tin, khảo sát của phó giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Phúc được công bố tại Hội thảo công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học và nhân văn tại Việt Nam cho biết, trong 10 quốc gia công bố nhiều nhất về Biển Đông không có Việt Nam.

Danh sách nằm trong top 10 quốc gia gồm có: Trung Cộng với 8,647 bài, Hoa Kỳ có 2,139 bài, Đài Loan có 1,070 bài, tiếp đến là Nhật Bản, Úc, Hong Kong, Anh quốc, Đức và Singapore. Việt Nam nằm ngoài top với 245 công bố về Biển Đông.

Câu hỏi đặt ra là nhà cầm quyền CSVN nhiều lần tổ chức các buổi hội luận, triển lãm đưa ra các bằng chứng về chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông nhưng tại sao số bài viết cũng như công bố về Biển Đông lại quá ít? Bộ giáo dục CSVN cũng thường tự hào đào tạo nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng tại sao lại không có các công trình nghiên cứu và viết về Biển Đông? Phải chăng chính vì chiến lược hợp tác toàn diện giữa CSVN và Trung Cộng từ kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội đến giáo dục đã cấm đoán việc Việt Nam lên tiếng về Biển Đông?

Theo SBTN

Trung cộng gia tăng kiểm soát Biển Đông…

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Yểm trợ Đường không Nhật Bản (JASDF), trung tướng Orita Kunio, đã đưa ra một cảnh báo và mô tả viễn cảnh ảm đạm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới, theo Taiwan News.

Ông Orita nói rằng chiến lược quốc gia của Trung cộng là chiến lược nhắm tới việc mở rộng lãnh thổ liên tục, với mục đích thiết lập quyền bá chủ tuyệt đối ở khu vực, họ sẽ bắt đầu với kế hoạch xâm chiếm và sáp nhập Đài Loan trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2025, và cuối cùng là đảo Okinawa của Nhật chậm nhất vào năm 2045.

Nhưng theo ông Orita, kế hoạch của Trung cộng không dừng lại ở đó. Từ năm 2025 đến 2040, ông cho rằng Bắc Kinh có kế hoạch gia tăng quyền kiểm soát Biển Đông.

Nếu Trung cộng có thể đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực, thì các tuyến vận tải đường biển qua toàn bộ Đông Á sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh, lúc đó quốc gia đầy tham vọng này có thể cắt đứt các đường cung cấp thực phẩm và năng lượng quan trọng cho Nhật Bản, ông Orita nói.

Orita Kunio. (Ảnh: National Defense Academy of Japan Alumni Association)

Cựu sĩ quan Không quân Nhật Bản nói rằng bước đầu tiên trong kế hoạch gạt bỏ ảnh hưởng của Hoa Kỳ khỏi khu vực Đông Nam Á của Trung cộng sẽ là xâm chiếm Bãi cạn Scarborough, và thiết lập một tiền đồn hải quân ở đó. Nếu Bắc Kinh làm được điều này, nó sẽ khiến các tàu đến từ Tây Thái Bình Dương buộc phải chạm trán với một hạm đội hải quân Trung cộng trước khi tiến được vào Biển Đông.

Nếu Đài Loan bị chinh phục và Phi Luật Tân khuất phục trước sức ép của Bắc Kinh, thì một khi căn cứ trên Bãi cạn Scarborough được xây lên, hải quân nước ngoài sẽ chỉ có thể tiếp cận Biển Đông thông qua các tuyến đường từ phía nam.

Khi Trung cộng có được quyền kiểm soát tuyệt đối đối với Đài Loan và các tuyến đường hàng hải ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Bắc Kinh sẽ có thể tạo ra sức mạnh, bao gồm cả mối đe dọa tấn công hạt nhân trên Thái Bình Dương, đe dọa bang Hawaii, và thậm chí là bờ biển phía tây của lục địa Hoa Kỳ, ông Orita nhận định.

Nếu Trung cộng có kiểm soát được hoàn toàn Biển Đông trước năm 2040, ông Orita cho rằng mục tiêu tiếp theo của Trung cộng đối với việc mở rộng lãnh thổ sẽ là đảo Okinawa và các chuỗi đảo khác gần đó.

Ông nói rằng Trung cộng đang lên kế hoạch chiếm quần đảo Điếu Ngư (quần đảo Senkaku theo cách gọi Nhật) và Bắc Kinh có thể tiến hành tấn công đảo Okinawa vào năm 2045.

Taiwan News cho rằng, một số nước, đặc biệt là chính quyền Trung cộng, có thể cho rằng ông Orita ‘nói quá’, tuy nhiên những phân tích của ông về địa chính trị và tham vọng của Trung cộng không nghi ngờ gì sẽ được liên minh quân sự Hoa Kỳ-Nhật Bản xem xét.

Theo tờ báo của Đài Loan, ông Orita đã chỉ ra rằng việc thực hiện quyền Tự do hàng hải của Hoa Kỳ và chiến lược đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Trump chính là những đối trọng đối với dự án Vành đai và Con đường của Trung cộng. Bên cạnh đó, việc duy trì một Đài Loan dân chủ vẫn là nhân tố quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của khu vực.

“Thế giới đã bước vào thời đại mà chúng ta phải lựa chọn giữa các giá trị, “Tự do” của Hoa Kỳ hoặc “Áp bức” của Trung cộng. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở [của Mỹ] là một chiến lược [dùng để] đối kháng với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung cộng, đồng thời [chiến lược của Hoa Kỳ còn] nhằm mục đích đoàn kết các quốc gia chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền”, ông Orita nói, Liberty Times đưa tin. 

Hiểu Lam, Taiwan News 

Biển Đông: FONOP vô hiệu với Trung cộng, Mỹ cần biện pháp mạnh hơn

Thủy thủ trên khu trục hạm USS McCampbell. Ảnh trên biển Hoa Đông, ngày 27/12/2018.Reuters

Ngày 07/01/2019, khu trục hạm Mỹ USS McCampbell tiến hành chiến dịch tự do hàng hải gần 3 thực thể ở quần đảo Hoàng Sa. Đây là chiến dịch lần thứ 9 được loan báo của chính quyền Trump.

Các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) đã trở nên thường xuyên hơn tại Biển Đông bất chấp các thách thức khá nguy hiểm của Trung cộng. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến cho rằng các chiến dịch của Mỹ không mấy hữu hiệu, và muốn thách thức các hành động xâm lấn của Trung cộng trên Biển Đông, Hoa Kỳ cần đến những biện pháp mạnh mẽ hơn nhiều.

Trong bài viết mang tựa đề khá châm biếm: “Các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ mất dạng trên biển – America’s Freedom of Navigation Operations Are Lost at Sea”, đăng trên chuyên san Mỹ Foreign Policy ngày 08/01 vừa qua, hai chuyên gia Mỹ Zack Cooper, thuộc viện nghiên cứu American Enterprise Institute và Gregory Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS đã phân tích những lý do thất bại của Mỹ trong đối sách chống Trung cộng ở Biển Đông, để đề ra một số biện pháp khắc phục.

Trung cộng lấn lướt

Nhận xét đầu tiên của các tác giả là tình hình Biển Đông đôi khi được mô tả như một sự bế tắc, nhưng thực tế là các láng giềng của Trung cộng và các quốc gia ngoài khu vực – bao gồm cả Mỹ – như đang bị thua trước Trung cộng.

Theo bài phân tích, các chiến dịch tự do hàng hải đã không đủ sức ngăn ngừa việc Trung cộng dùng các thủ đoạn “vùng xám” để bành trướng ảnh hưởng trên biển và trên không, ngăn chận không cho các láng giềng tiếp cận tài nguyên (từ dầu hỏa, khí đốt, đến hải sản) ngay tại chính vùng biển của họ.

Trung cộng tìm cách giới hạn một loạt quyền tự do trên biển, vi phạm rõ rệt luật lệ quốc tế, nhưng các chiến dịch tự do hàng hải lại chỉ giới hạn trong việc bảo vệ quyền tự do đi lại của tàu quân sự nước ngoài. Đó là điều cần thiết nhưng hoàn toàn không đủ, trong lúc các nước Đông Nam Á càng lúc càng bị mất thêm lợi ích kinh tế cũng như những quyền khác ngay trong vùng biển của họ.

Washington có thể là đã đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết, và đã bỏ rơi các đồng minh và đối tác ở Biển Đông.

Lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ bị đe dọa ?

Theo Foreign Policy, thất bại trong việc chống lại một cách hữu hiệu sự thống trị dần dần của Trung cộng ở Biển Đông, không chỉ tác hại đến quyền lợi các bạn bè của Mỹ, mà còn đe dọa 3 trong số các lợi ích chiến lược lâu dài của Washington trong vùng : luật lệ, quan hệ, và tài nguyên.

Theo Cooper và Poling, nếu Biển Đông trở thành một ao nhà của Trung cộng trong đó tàu Mỹ thì có thể đi lại, nhưng tàu thuyền của các quốc gia nhỏ bé hơn không thể thực hiện quyền của mình theo luật quốc tế, thì đó sẽ là một vố nặng đối với luật quốc tế và lợi ích của Mỹ. Bắc Kinh sẽ chiếm được một vùng biển rộng gấp 5 lần diện tích mà UNCLOS và luật quốc tế cho phép, và thiết lập một vùng ảnh hưởng bất chính.

Nguy hại thứ hai là các quan hệ ngoại giao của Mỹ cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Điển hình là thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn, răn đe Trung cộng lấn lướt, nhất là vào năm 2012, khi để cho Trung cộng chiếm lấy bãi Scarborough từ tay Philipppines, và xây dựng căn cứ không quân và hải quân ở Trường Sa, các sự kiện đó đã làm dấy lên hồi chuông báo động trong các đồng minh và đối tác của Mỹ. Việc này khiến Phi Luật Tân phải đáp ứng yêu cầu của Trung cộng.

Ba bước cần thực hiện…

Đối với hai chuyên gia Cooper và Poling, Washington không thể ngồi yên nhìn Trung cộng thao túng các quy tắc luật pháp, quan hệ ngoại giao và nguồn tài nguyên sống còn đối với quyền lợi của Mỹ. Chính quyền Trump phải thực hiện nhiều bước để bảo vệ lợi ích của Mỹ và buộc Trung cộng phải trả giá cao hơn về những hành vi gây bất ổn định.

Bước thứ nhất là lãnh đạo Mỹ phải sử dụng mọi cơ hội để nêu bật việc Trung cộng xâm phạm quyền của các nước khác ở Biển Đông. Biển Đông là một trong những thách thức lớn hàng đầu của Mỹ trong khu vực, và xứng đáng được nêu hàng đầu trong mọi cơ hội, nhắc nhở lãnh đạo thế giới, là Mỹ không chấp nhận cách hành xử không chính đáng và cưỡng bức của Trung cộng.

Thứ hai, các quan chức quốc phòng Mỹ phải thông báo cho các đồng nhiệm Phi Luật Tân là Hoa Kỳ xem hiệp ước phòng thủ hỗ tương và EDCA phải được gắn với nhau, vì cái thứ nhất sẽ không đáng tin nếu không có cái thứ hai. Mỹ phải trấn an quan chức Phi Luật Tân, bảo đảm là hiệp ước bao trùm cả trường hợp “lực lượng Phi Luật Tân, tàu thuyền hay máy bay của Nhà nước Phi Luật Tân bị tấn công”…

Thứ ba, Mỹ phải xem xét lại một cách nghiêm chỉnh khả năng trừng phạt các thực thể Trung cộng vi phạm luật quốc tế. Cả chính quyền Obama lẫn Trump đều muốn Nga phải chịu hậu quả kinh tế nghiêm trọng do sáp nhập Crimée và hậu thuẫn phe ly khai ở đông Ukraina. Đối với Bắc Kinh, Washington cũng nên công bố hoạt động của công ty Trung cộng trong các ngành như đánh cá, du lịch và xây dựng, hoạt động trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, cấm họ hoạt động ở Mỹ và thuyết phục các nước đồng minh, đối tác làm tương tự.

Những hành động này sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tính toán lại, thỏa hiệp một cách thành thực, thẳng thắn với các láng giềng, và cũng cho thấy là Mỹ có một chiến lược rộng lớn hơn ở Biển Đông để bảo vệ không chỉ quyền lợi của Mỹ mà cả quyền lợi của đồng minh và đối tác.

Theo RFI