Lần đầu tiên kể từ lúc chính quyền Việt Nam thời Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn và các quan chức Facebook ‘đi đêm’ với nhau bằng cơ chế gỡ bỏ nhiều nội dung phản biện của giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, vừa có một bằng chứng rõ ràng nhất nhất về việc hai tổ chức này đã chính thức chấm dứt thời mặn nồng ‘nhà chồng’ và ‘nàng dâu’, hay nói cách khác là bằng chứng về việc Facebook đã bất hợp tác với chính quyền Việt Nam như thế nào.
Một viên chức của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử – thuộc Bộ TT-TT, đã trả lời phỏng vấn báo chí nhà nước với thái độ đầy ‘bức xúc’ khi cho rằng ngoài những nội dung mua quảng cáo, Facebook còn không đáp ứng tốt việc tháo gỡ những nội dung có hoạt động kích động chống phá Nhà nước Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Cụ thể, Facebook không bóc gỡ các fanpage, tài khoản của các tổ chức phản động được Bộ Công an liệt kê trong danh sách, những tài khoản, fanpage nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó là chưa kể đến những trang phái sinh, chia sẻ lại bài viết để lan truyền các thông tin chống phá trực diện. Với các tài khoản nói xấu, Facebook có tiến hành gỡ bỏ nhưng rất hạn chế.
“Họ làm rất lâu. Chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ các tài khoản nói xấu lãnh đạo trong vòng 48 tiếng nhưng họ chỉ gỡ sau vài tháng. Mới đây, Facebook đã gỡ 3.000 status nói xấu, gồm cả tài khoản nhưng sau đúng một năm khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu”, lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết.
“Việc ngăn chặn các quảng cáo trái phép hoàn toàn nằm trong khả năng của Facebook nhưng họ chỉ làm khi chúng ta gửi báo cáo và thời gian cũng mất rất lâu. Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc Facebook sống nhờ quảng cáo nên họ đang gián tiếp tiếp tay cho những hoạt động sai trái này”.
“Dưới góc độ kinh doanh, không có lý do gì một doanh nghiệp khi vào Việt Nam kinh doanh, kiếm vài trăm triệu USD mà không tuân thủ pháp luật. Mục đích họ sang, gặp mặt chúng ta chỉ là để câu giờ. Họ không bao giờ chốt các vấn đề, không làm việc bằng văn bản bản chất. Facebook đang kinh doanh kiếm lời tại một quốc gia và không tuân thủ luật pháp quốc gia đó” – viên chức đó nói.
Ít ngày trước cuộc trả lời phỏng vấn trên, hãng Facebook bị chính thể độc đảng ở quốc gia này lên án và tổ chức đấu tố một cách quyết liệt và đầy cay cú vào đầu năm 2019.
Nhiều tờ báo nhà nước, trong khi im thin thít về vụ chính quyền TP. Sài Gòn dùng ‘luật rừng’ cưỡng chế và phá sạch 200 ngôi nhà ở khu Vườn Rau Lộc Hưng, Tân Bình, thì đồng loạt nhảy xổ vào Facebook và gào thét về những ‘sai phạm’ của hãng này tại Việt Nam như không đóng các tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm, có bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước; cho phép các tài khoản hoạt động quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; trốn thuế; không hợp tác với cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về các tài khoản mà Việt Nam cho là “lừa đảo, vi phạm pháp luật”…
Chắc chắn là những tờ báo trên đã được bật đèn xanh bởi hành động thông đồng của Ban Tuyên giáo trung ương của Ủy viên bộ chính trị Võ Văn Thưởng và Bộ Thông tin và Truyền thông của tân bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Những mục tiêu của ‘nhà chồng’ là rất rõ: ngăn chặn thông tin bất đồng chính trị đang từng ngày đe dọa sự tồn vong của chế độ cầm quyền, và bắt Facebook phải đóng thuế trong bối cảnh Việt Nam chỉ còn biết đi vay để đảo nợ nước ngoài nhưng vẫn chẳng thu được đồng nào trong tổng số hàng chục ngàn tỷ đồng mưu tính truy thu từ hoạt động kinh doanh chưa đóng thuế của Facebook tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Nhưng cái cách phản ứng dữ dằn và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cho thấy trong những tháng qua doanh nghiệp mạng xã hội này đã không làm cho những kẻ muốn bóp nghẹt tự do ngôn luận và tự do Internet hài lòng.
Cuộc đấu tố hằn học và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cung cấp một bằng chứng trực tiếp về thất bại của chính quyền này trong việc cố gắng áp đặt Facebook phải tuân theo luật chơi độc trị và bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng xã hội.
Nhưng điều trớ trêu đối với chính quyền Việt Nam là trong khi họ tố cáo Facebook ‘câu giờ’, đó cũng là một thủ đoạn rất quen thuộc của chính quyền này để đối phó với rất nhiều cáo buộc của cộng đồng quốc tế về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng. Kể từ khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào cuối năm 2013 đến nay, đã chẳng hề có một cải thiện nhân quyền nào được thực hiện, nếu không muốn nói là ngược lại.
Thất bại của chính quyền Việt Nam lại là một thắng lợi đầu tiên của Facebook ở Việt Nam trong việc duy trì tiêu chí của tổ chức này là bảo đảm các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền.
Hẳn là sau một thời gian ‘trải nghiệm’, Facebook đã đủ thấm thía rằng cách chơi thỏa hiệp uốn éo với một nhà nước chỉ có tiểu xảo và thủ đoạn trong não trạng là vô nghĩa và khiến Facebook bị sụt giảm uy tín đến thế nào.
Thường Sơn (VNTB)