(Lessons from a century of communism)
„Nhìn chung, sự tàn bạo và sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản là kết quả tự nhiên của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong đó toàn bộ hoặc gần như toàn bộ các hoạt động sản xuất đều do nhà nước kiểm soát, đồng thời không thể tránh khỏi có sự áp bức trong chế độ.“
Tóm lược bài của Ilya Somin (giáo sư luật Đại học George Mason) – Washington Post (tháng 11 năm 2017)
(Ba kẻ sát nhân lớn nhất của Cộng sản là: Lenin, Stalin và Mao). Hình Washington Post
Năm 2017, kỷ niệm 100 năm ngày đảng Bolshevik (tức đảng cộng sản) cướp chính quyền và thành lập chế độ cộng sản tại nước Nga và tiếp theo ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là thời điểm thích hợp để mọi người tưởng nhớ lại làn sóng áp bức, bạo ngược và giết người hàng loạt mà các chế độ cộng sản đã gây ra cho nhân loại. Các nhà sử học và nhiều người khác đã ghi lại những hành động tàn bạo của cộng sản, nhưng phần lớn thế giới vẫn không hiểu rõ thảm họa này. Đây cũng là thời điểm tốt để mọi người xem xét lại những bài học quý giá mà chúng ta có thể học được được từ giai đoạn lịch sử kinh hoàng này.
1 – Hồ sơ giết người hàng loạt và đàn áp rộng lớn.
Tính tổng quát, các chế độ cộng sản đã sát hại khoảng 100 triệu người dưới nhiều hình thức, trong đó con số lớn nhất là từ những cuộc tập thể hóa nông nghiệp và xóa bỏ quyền tư hữu của nông dân. Chỉ riêng ở Trung cộng, cuộc “Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông đã gây ra nạn đói với 45 triệu người thiệt mạng. Đây là một vụ sát nhân hàng loạt lớn nhất trong lịch sử thế giới. Ở Liên Xô, quá trình tập thể hóa của Joseph Stalin – được coi là mẫu mực cho Trung cộng và nhiều nơi khác (trong đó có Việt Nam), – đã cướp đi sinh mạng của khoảng 6 đến 10 triệu người. Nạn đói liên tục cũng xảy ra ở nhiều chế độ cộng sản, từ Bắc Triều Tiên (Bắc Hàn) đến Ethiopia. Những nhà cầm quyền cộng sản đều biết rõ là họ đã gây ra cái chết hàng loạt như vậy, song họ vẫn kiên tâm tiếp tục, vì họ xem việc tiêu diệt nông dân “Kulak” là một nhu cầu cần thực hiện hơn là một tội ác chống nhân loại.
Các chế độ cộng sản cũng đã thực hiện những hình thức giết người trên quy mô rộng lớn. Hàng triệu người đã chết trong các trại lao động khổ sai, nô lệ, như hệ thống Gulag của Liên Xô và các hệ thống tương đương ở những nơi khác. Nhiều người đã bị giết trong các vụ hành quyết thông thường hơn, như cuộc Đại thanh trừng của Stalin, “Cánh đồng chết” ở Campuchia .
Những hành vi vô nhân của chủ nghĩa cộng sản không chỉ giới hạn ở việc giết người hàng loạt (serial killer). Ngay cả những người may mắn sống sót vẫn bị đàn áp dưới nhiều hình thức, bao gồm bị tước bỏ quyền tự do cá nhân như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, quyền tư hữu tài sản và bị hình sự hóa các hoạt động kinh tế bình thường. Không có chế độ chuyên chế nào trước đây đã kiểm soát toàn diện cuộc sống của người dân như chế độ cộng sản.
Mặc dù những người cộng sản hứa hẹn về một xã hội đầy lý tưởng (nhưng lại không tưởng), theo đó người công nhân lao động sẽ được hưởng sự thịnh vượng của chính họ làm ra, nhưng trên thực tế, cộng sản đã tạo ra tình trạng nghèo đói khắp nơi. Bất cứ nơi nào có chế độ cộng sản và chế độ phi cộng sản ở gần nhau, người cộng sản đã dựng những bức tường ngăn cách và đe dọa để người dân không thể bỏ trốn sang xã hội tốt hơn.
2 – Tại sao chủ nghĩa cộng sản thất bại?
Công đoàn đoàn kết Balan
Với một hệ thống tư tưởng cao đẹp, hay nói khác đi một lý tưởng nhằm giải phóng con người, tại sao nó lại mang đến những cảnh áp bức, bạo ngược và chết chóc? Những thất bại của chủ nghĩa cộng sản nằm ngay trong chính nội tại của nó, hay là chúng phát sinh từ những sự sai sót (có thể tránh được) của những nhà cầm quyền hoặc các quốc gia áp dụng nó?
Giống như bất kỳ sự phát triển lịch sử vĩ đại nào, sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản không chỉ đến từ một nguyên nhân duy nhất, mà nhìn chung, chúng thực sự phát xuất từ chính bản chất cố hữu của nó, có nghĩa là mọi vấn đề đều phát sinh từ lòng của chủ nghĩa.
Người ta tìm thấy hai yếu tố quan trọng dẫn đến sự tàn bạo của chế độ cộng sản: (1) Chủ trương “gian dối” và (2) “kiến thức kém cỏi” của những cán bộ, đảng viên.
Để thiết lập một nền kinh tế và xã hội kế hoạch và tập trung hóa, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi một sự tập trung quyền lực lớn. Trong khi những người cộng sản trông đợi một xã hội không tưởng nơi đó nhà nước cuối cùng có thể “triệt tiêu”, họ tin rằng trước hết họ phải tạo ra một nền kinh tế do nhà nước kiểm soát và quản lý sản xuất vì lợi ích của nhân dân. Về mặt này, họ có nhiều điểm chung với những người theo xã hội chủ nghĩa khác.
Để chủ nghĩa xã hội có thể hoạt động, chính phủ phải có quyền kiểm soát nền sản xuất và phân phối hàng hoá. Ngoài ra, việc cưỡng chế rộng rãi là cần thiết để buộc mọi người phải từ bỏ tài sản tư của mình, phải làm theo những gì mà nhà nước yêu cầu. Nạn đói và giết người hàng loạt có lẽ là cách duy nhất mà nhà cầm quyền tại Liên Xô, Trung Cộng và các quốc gia cộng sản đã dùng để buộc nông dân phải từ bỏ đất đai và gia súc của mình, chấp nhận một chế độ nông nô và tập trung, các nông trường tập thể – nơi họ bị cấm rời bỏ nếu không được phép – vì chính quyền sợ họ sẽ bỏ đi để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Quyền hành to lớn cần thiết để thiết lập và duy trì hệ thống cộng sản đã thu hút nhiều kẻ bất lương tìm kiếm lợi ích riêng cho chính mình hơn là vì chính nghĩa. Nhưng điều đáng chú ý là những hành động tàn bạo to lớn nhất của chế độ cộng sản không phải do các ông chủ tịch tham nhũng gây ra mà lại do những tín đồ chân chính nhất như Lenin, Stalin và Mao, vì họ là những tín đồ thực sự, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để biến giấc mơ không tưởng thành hiện thực.
Khi các nhà cầm quyền xã hội chủ nghĩa gây ra những hành động tàn bạo, họ cũng phá hủy các động lực sản xuất của người dân. Vì không có thị trường tự do, có rất ít động lực khuyến khích công nhân làm việc có hiệu quả hoặc cố gắng tạo ra hàng hóa hữu ích cho người tiêu thụ. Nhiều người cố tình làm việc càng ít càng tốt tại cơ sở để dành nỗ lực cho các hoạt động trong thị trường chợ đen. Tại Liên Xô, công nhân thường có câu nói khôi hài: “chúng tôi giả đò làm việc, họ giả đò trả tiền” (we pretend to work, and they pretend to pay) có nghĩa là người công nhân làm việc cho có lệ và nhà cầm quyền cũng làm ngược lại tương tự (Lnd).
Ngay cả khi các nhà hoạch định xã hội chủ nghĩa muốn thực sự tìm cách tạo thịnh vượng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, họ thường thiếu thông tin để thực hiện. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel FA Hayek đã mô tả trong một bài báo nổi tiếng: kinh tế thị trường truyền tải thông tin quan trọng đến người sản xuất và người tiêu thụ thông qua hệ thống giá cả. Giá thị trường cho phép người sản xuất biết được giá trị tương đối của hàng hóa và dịch vụ, từ đó xác định mức độ mà người tiêu dùng đánh giá sản phẩm của mình. Ngược lại, dưới chế độ tập trung xã hội chủ nghĩa, không có gì có thể cung cấp kiến thức quan trọng này. Kết quả là, các nhà hoạch định xã hội chủ nghĩa thường không biết sản xuất cái gì, bằng phương pháp nào, hoặc số lượng bao nhiêu. Đây là một trong những lý do các quốc gia cộng sản thường xuyên bị thiếu hàng hóa cơ bản, đồng thời sản xuất sản phẩm kém chất lượng mà người tiêu thụ không cần tới.
3 – Tại sao sự thất bại đã không được nhìn nhận.
Bức tường Bá Linh sụp đổ
Cho đến ngày nay, những người bảo vệ xã hội chủ nghĩa cho rằng chủ nghĩa cộng sản đã thất bại vì những lý do ngẫu nhiên, có thể tránh được, thay vì cho đó là từ nội tại của hệ thống (do bản chất của chủ nghĩa). Một lý luận phổ biến của loại này là: “một nền kinh tế kế hoạch có thể hoạt động tốt nếu nó là dân chủ” và “Liên Xô và các quốc gia cộng sản khác đều là những chế độ độc tài (nên thất bại)”. Nhưng nếu là chế độ dân chủ thực sự, thì những nhà lãnh đạo (được dân bầu dân chủ) sẽ có động lực mạnh mẽ để làm cho hệ thống hoạt động vì lợi ích của người dân. Và nếu họ không làm được như vậy, thì cử tri có thể sẽ “loại bỏ lũ vô tích sự” trong cuộc bầu cử.
Thật không may, không có một nhà nước cộng sản nào lại có thể duy trì dân chủ lâu dài ngay cả khi họ muốn như vậy. Nền dân chủ (thực sự) cho phép các đảng đối lập hoạt động hiệu quả, có khả năng phổ biến thông điệp của mình và vận động cử tri, họ đòi hỏi phải có nhiều quyền tiếp cận với các nguồn lực. Trong một hệ thống kinh tế mà tất cả các tin tức giá trị đều do nhà nước nắm giữ, thì chính phủ sẽ đàn áp đối lập bằng cách từ chối cho phép họ tiếp cận các nguồn lực đó. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, phe đối lập (nếu có) không thể hoạt động hữu hiệu nếu họ không được phép truyền bá thông tin của mình trên các phương tiện truyền thông thường thuộc về nhà nước, hoặc sử dụng phương tiện của chính quyền cho các cuộc tập họp của họ. Không phải ngẫu nhiên mà các chế độ cộng sản đều đàn áp đối lập ngay sau khi nắm chính quyền.
Ngay cả khi có một nhà nước cộng sản bằng cách nào đó duy trì dân chủ trong thời gian dài, thì cũng khó có thể giải quyết vấn đề song sinh “kiến thức” và “động lực”. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa luôn luôn chủ trương tập trung quyền lực và sự cưỡng chế toàn diện. Các nhà hoạch định xã hội chủ nghĩa kiểu dân chủ sẽ gặp những vấn đề về thông tin như trong chế độ độc tài. Ngoài ra, khi chính phủ kiểm soát toàn bộ hoặc phần lớn nền kinh tế, cử tri sẽ không có đủ kiến thức để giám sát các hoạt động của nhà nước. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề vốn đã nghiêm trọng do sự kém hiểu biết của cử tri trong các nền dân chủ hiện đại.
Một giải thích khác đó là “do sự lãnh đạo dở”. Họ cho rằng nếu các chế độ cộng sản không bị lãnh đạo bởi những con quái vật như Stalin hay Mao, có thể xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, các chính phủ cộng sản có nhiều nhà lãnh đạo độc ác và thậm chí có bệnh chống lại xã hội. Tuy nhiên, chưa chắc đây đã là yếu tố quyết định thất bại của họ. Những kết quả tương tự đã xảy ra trong các chế độ cộng sản với những nhà lãnh đạo có tính chất khác nhau. Ở Liên Xô, các định chế đàn áp dã man (gồm Gulags và cảnh sát mật) được thành lập không phải do Stalin, nhưng bởi Vladimir Lenin, người được xem là “bình thường”. Sau cái chết của Lenin, đối thủ chính của Stalin – Leon Trotsky – chủ trương còn áp bức hơn Stalin. Như vậy, khó có thể phủ nhận tính cách của nhà lãnh đạo không phải là yếu tố chính, hoặc cách khác, chế độ cộng sản thường đưa những con người tàn ác lên nắm quyền lực, hoặc cả hai.
Lại có giải thích cho rằng sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản chỉ là do nền văn hóa của các quốc gia áp dụng nó. Thí dụ, một số quốc gia trước khi bị cộng sản xâm chiếm, có thể có lịch sử lâu dài về tham nhũng, độc tài và áp bức, như Nga chẳng hạn. Tuy nhiên, những người cộng sản sau khi nắm quyền cai trị lại còn tàn ác, tham nhũng, áp bức cả ngàn lần hơn chế độ trước đó. Trong khi đó, nhiều quốc gia có nền văn hóa tương tự như Nga, nhưng lại thành công với thể chế dân chủ và thị trường tự do như Đức, Nam Hàn.
***
Nhìn chung, sự tàn bạo và sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản là kết quả tự nhiên của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong đó toàn bộ hoặc gần như toàn bộ các hoạt động sản xuất đều do nhà nước kiểm soát, đồng thời không thể tránh khỏi có sự áp bức trong chế độ.
- Sự tàn bạo của Đức Quốc xã là bài học về sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái.
- Tội ác của các chế độ cộng sản dạy mọi người về thảm họa của chủ nghĩa xã hội.
- Không có chế độ cộng sản nào lại khuyên không nên can thiệp vào nền kinh tế. Và nó cũng cho thấy nguy cơ khi nhà nước nắm quyền kiểm soát nền kinh tế và xóa bỏ quyền tư hữu (như quốc hữu hóa tài sản tư nhân).
- “Kiến thức” và “sáng kiến” của người dân bị hủy diệt dưới chủ nghĩa xã hội tạo nên sự thất bại của nền kinh tế chỉ huy với sự kiểm soát của chính quyền .
Những bài học này vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.
Thật đáng buồn, chủ nghĩa xã hội lại bắt đầu thu hút nhiều người trên thế giới. Chính quyền Venezuela đang thiết lập một chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa, sử dụng tình trạng thiếu lương thực để trấn áp người dân. Ngay cả ở một số nền dân chủ lâu đời, vẫn có những người theo chủ nghĩa xã hội và ngưỡng mộ các chế độ cộng sản tàn bạo. Có thể họ khó có thể thiết lập chủ nghĩa xã hội tại các quốc gia họ ở, nhưng dù sao vẫn gây ra sự tác hại nào đó.
Cạnh đó, có những điểm tương đồng đáng lo ngại giữa chủ nghĩa cộng sản và các phong trào dân tộc cực hữu mới, kết hợp khuynh hướng độc tài xem thường các giá trị tự do, chủ trương chính phủ kiểm soát nền kinh tế.
Chúng ta càng học được những bài học đau đớn lịch sử của chủ nghĩa cộng sản, chúng ta càng có nhiều khả năng tránh được sự tái lập các chế độ khủng khiếp nói trên.
Ilya Somin là giáo sư luật tại Đại học George Mason.
Trần M. Vũ tóm lược.
https://thoisu-doisong.com/bai-hoc-cua-mot-the-ky-chu-nghia-cong-san/