ASEAN ra tuyên bố chung yêu cầu các nước thành viên kiềm chế leo thang căng thẳng ở biển Đông

Ảnh minh họa: Một Hội nghị trực tuyến của ASEAN trước đây.  AFP PHOTO

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 5/8 đã kêu gọi tất cả các bên tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ở biển Đông.

Philippine News Agency loan tin cùng ngày và cho biết tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến ngày 2/8 của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 54.

“Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải theo đuổi giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS năm 1982”, tuyên bố viết.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành mọi hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyền và tất cả các quốc gia khác, bao gồm cả những hoạt động được đề cập trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 có thể làm phức tạp thêm tình hình và căng thẳng leo thang ở Biển Đông.

Ngoài ra, ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, thừa nhận những lợi ích của việc có biển Đông như một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, một số quốc gia thành viên cũng nêu quan ngại về việc cải tạo đất và các hoạt động ở biển Đông của Trung cộng đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh trong khu vực.

Trung cộng, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Việt Nam hiện đều có các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Trong hơn một thập kỷ, Trung cộng và ASEAN đã cam kết hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông nhưng chỉ đến Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung cộng lần thứ 20 tại Phi Luật Tân vào tháng 11 năm 2017, sự phát triển của văn kiện này mới bắt đầu được tiến hành.

RFA (05.08.2021)

 

 

Đô đốc Aquilino : Mỹ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông để bảo đảm thịnh vượng cho tất cả các nước

Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp: Hai cụm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan và USS Nimitz tại Biển Đông ngày 06/07/2020. AP – Petty Officer 3rd Class Jason Tarleton

Đô đốc John C. Aquilino, tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo-Pacom), khẳng định Indo-Pacom dành nhiều thời gian với các đồng minh và đối tác của Washington để làm giảm căng thẳng ở Biển Đông, bảo đảm quyền tự do hàng hải cho tất cả, duy trì ổn định, hòa bình và sự thịnh vượng chung của khu vực, bảo đảm rằng trật tự dựa trên luật lệ quốc tế được duy trì và các đòi hỏi bất hợp pháp không thể được đưa ra mà không bị phản đối.

Những tuyên bố trên được đô đốc Aquilino đưa ra hôm qua, 04/08/2021, tại Diễn đàn An ninh Aspen ở bang Colorado, Mỹ. Theo trang mạng của bộ Quốc Phòng Mỹ, đô đốc John C. Aquilino nhấn mạnh Indo-Pacom tập trung mối quan tâm vào các hoạt động của Trung cộng, bởi hành động của nước này thường không khớp với các phát biểu của Bắc Kinh. Tư lệnh bộ chỉ huy Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương khẳng định điều ông quan tâm nhất không phải là lời nói, mà là hành động của Bắc Kinh.

Một trong những mối quan tâm đặc biệt của Indo-Pacom là các yêu sách chủ quyền của Trung cộng trên Biển Đông, mà theo đô đốc Aquilino, đang ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của tất cả các quốc gia trong khu vực. Đô đốc Aquilino khẳng định khoảng 1/3 lượng khí thiên nhiên hóa lỏng trung chuyển qua Biển Đông và 1/4 giao thương toàn cầu được thực hiện qua vùng biển này. Các quốc gia giáp Biển Đông cũng phải dựa vào nguồn tài nguyên của vùng biển này. Biển Đông cực kỳ quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực.

Theo đô đốc Aquilino, những yêu sách trái phát luật của Bắc Kinh đối với toàn bộ Biển Đông có “tác động trực tiếp và tiêu cực đến mọi quốc gia trong vùng”, gây hại cho sinh kế của người dân trong khu vực, cho dù đó là các hoạt động đánh bắt cá, hay tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương khẳng định “việc thực thi các biện pháp răn đe tổng hợp” của Indo-Pacom phải được tiến hành ngay lập tức và phải coi đó là “nhu cầu cấp bách”. Vị đô đốc cũng nhấn mạnh Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương suốt hơn 80 năm qua và sẽ tiếp tục làm như vậy để bảo đảm hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng.

RFI (05.08.2021)

 

 

Nam Dương – Hoa Kỳ tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nam Dương Retno Marsudi tại thủ đô Washington, D.C hôm 03/8/2021  AFP

Hàng nghìn binh sĩ Nam Dương và Hoa Kỳ đang tham gia cuộc tập trận chung trong hai tuần, từ ngày 1 đến ngày 14 tháng 8 tại ba địa điểm – Sumatra, Kalimantan và Sulawesi của Nam Dương. Đây là đợt tập trận lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước. AFP đưa tin hôm 4 tháng 8.

Hơn 2.100 binh sĩ Nam Dương và 1.500 binh sĩ từ quân đội Mỹ tham gia vào các cuộc tập trận. Đây là một phần của cuộc tập trận mang tên Lá chắn Garuda (Garuda Shield) hàng năm được tổ chức kể từ năm 2009. Cuộc tập trận tập trung vào phòng thủ trên đảo bao gồm đào tạo thực địa, bắn đạn thật, hàng không và các bài tập y tế.

Tham mưu trưởng quân đội Nam Dương Andika Perkasa cho biết cuộc tập trận nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước và nâng cấp kỹ năng của quân đội cả hai nước.

Hoa Kỳ đã và đang tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thu hút các đồng minh. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cũng dự kiến thăm Singapore và Việt Nam vào cuối tháng này. Trong chuyến công du tới Singapore vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông là “không có cơ sở trong luật pháp quốc tế”.

Trong thông cáo báo chí phát ra ngày 4 tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, ông và Ngoại trưởng Nam Dương Retno Marsudi đã tham dự cuộc đối thoại chiến lược lần thứ nhất tại thủ đô Washington, D.C. Hai nước cam kết sẽ hợp tác với nhau trên nhiều vấn đề, trong đó có việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nam Dương nhấn mạnh rằng sự kiện này là “một trang sử mới trong mối quan hệ Nam Dương – Mỹ và phản ánh cam kết của hai nước trong việc tăng cường quan hệ song phương”.

Hai nước đã thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” từ năm 2015, nhưng đến nay, hai nước mới thật sự khởi động đối thoại chiến lược.

RFA (05.08.2021)

 

 

Việt Nam yêu cầu Trung cộng chấm dứt kế hoạch tập trận ở Hoàng Sa

Khu trục hạm tên lửa Yuncheng của Trung cộng phóng tên lửa chống hạm trong một cuộc tập trận ở vùng biển gần đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa vào tháng 8/2016.

Việt Nam hôm 5/6 lên tiếng yêu cầu Trung cộng “tôn trọng chủ quyền” và chấm dứt cuộc tập trận sẽ diễn ra vào ngày hôm sau trong khu vực rộng lớn 100.000 km2 phía bắc Biển Đông, bao gồm một nửa quần đảo Hoàng Sa.

“Việc Trung cộng tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung cộng và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo chiều 5/8.

“Việt Nam yêu cầu Trung cộng tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đổi với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình biển Đông”, bà Hằng nói thêm sau khi tái khẳng định Việt Nam có “đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.

Trước đó vào ngày 4/8, Cục Hải sự Trung cộng đăng thông báo trên trang tin chính thức cho biết “sẽ tiến hành huấn luyện quân sự” trên một phần của Biển Đông, kể từ 0 giờ ngày 6/8 đến hết ngày 10/8.

Theo đó, vùng biển nằm phía đông nam đảo Hải Nam, với diện tích lên đến 100.000 km2, trải dài từ phía đông đảo Hải Nam xuống đến một nửa quần đảo Hoàng Sa, sẽ bị phong toả và tất cả tàu thuyền bị cấm đi vào khu vực này trong thời gian diễn ra tập trận.

Cuộc tập trận được thông báo vào thời điểm Mỹ đang tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn trong khu vực cùng với các đồng minh Anh, Đức, Ấn Độ, nhằm “giải quyết tốt hơn các thách thức an ninh đang ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia”.

Tờ báo nhà nước Trung cộng, Hoàn Cầu Thời Báo, hôm 5/8 dẫn lời các chuyên gia nước này nói mặc dù các chi tiết về cuộc tập trận sắp tới vẫn là suy đoán, nhưng đây sẽ là “phản ứng đáp trả cho các hành động khiêu khích gần đây, chứng tỏ rằng Trung cộng đã sẵn sàng ‘súng săn để chống lại bầy sói’ đang khao khát những lợi ích cốt lõi của Trung cộng”.

VOA (05.08.2021)

 

 

Việt Nam lên tiếng trước việc Anh, Ấn Độ, Đức điều tàu chiến đến Biển Đông

Nhiều tàu Trung cộng bị phát hiện neo đậu trái phép tại Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. © AFP 2021 / Satellite image ©2021 Maxar Technologies

Chiều 5/8, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ Ngoại giao đã trả lời các câu hỏi về việc Anh, Ấn Độ, Đức lần lượt điều tàu chiến đến Biển Đông, cũng như việc Trung cộng tập trận ở bắc Biển Đông đến hết ngày 10/8.

Việc Trung cộng tập trận tại Biển Đông là vi phạm chủ quyền

Trước câu hỏi “Ngày 4/8, Cục hải sự tỉnh Hải Nam (Trung cộng) thông báo cấm tàu bè ra vào một khu vực rộng hơn 100.000km2 ở bắc Biển Đông để phục vụ tập trận quân sự. Khu vực này bao phủ đến một nửa quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hoạt động tập trận bắt đầu từ 0h ngày 6/8 đến hết ngày 10/8″.

© FLICKR / DEFENCE IMAGES.  HMS Queen Elizabeth & HMS Prince of Wales

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời:

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo luật pháp quốc tế. Việc Trung cộng tập trận tại Biển Đông là vi phạm quyền chủ quyền, luật pháp quốc tế cũng như làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung cộng tôn trọng chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và chấm dứt tất cả các hoạt động bất hợp pháp tại Biển Đông”.

Việc đón tàu quân sự nước ngoài là bình thường

 

Trả lời yêu cầu bình luận về việc nhóm tàu sân bay Anh vừa thông báo hoàn thành chuyến di chuyển qua Biển Đông, trong khi Đức và Ấn Độ cũng thông báo tàu chiến của họ sẽ đến Biển Đông trong năm nay, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Tôi cho rằng việc đón tàu quân sự nước ngoài là bình thường trên cơ sở hợp tác song phương giữa các nước và theo luật pháp Việt Nam”.

“Chủ trương nhất quán của Việt Nam về các hoạt động trên biển của các quốc gia trong và ngoài khu vực phải tuân thủ đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS 1982), đóng góp có trách nhiệm để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự, tự tôn pháp luật, hợp tác trên biển vì lợi ích chung phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, góp phần vì hòa bình, ổn định và phát triển”, bà Hằng nói thêm.

Sputnik (05.08.2021)

 

 

Tân Tây Lan khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên biển Đông

Đảo Phú Lâm (Woody Island), thủ phủ thành phố Tam Sa mà Trung cộng lập ra trên Biển Đông, tháng 12/2020.  Ảnh: Planet Labs, Inc

Tân Tây Lan hôm 3 tháng 8 gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để thể hiện quan điểm liên quan đến Biển Đông, khẳng định Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS- 1982) là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên biển. 

Trong công hàm của mình, Tân Tây Lan trước hết khẳng định không đứng về phía bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông và công hàm của nước này không phải là phản hồi đối với công hàm của Mã Lai. 

Tân Tây Lan nhấn mạnh không có căn cứ pháp lý cho yêu sách lịch sử đối với các vùng biển ở Biển Đông như đã được nêu trong phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016, đồng thời khẳng định không có căn cứ pháp lý để các quốc gia ven biển có thể đưa ra yêu sách “quốc gia quần đảo”. 

Công hàm của Tân Tây Lan cũng tái khẳng định quy định của UNCLOS-1982 rằng thực thể nửa chìm nửa nổi nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển không thể tạo nên các vùng biển. Tương tự, các thực thể chìm không làm phát sinh bất kỳ quyền lợi nào. Các thực thể này không phải là đối tượng của các yêu sách chủ quyền cũng như các hành động chiếm giữ.

Tân Tây Lan bác bỏ yêu sách lịch sử ở Biển Đông, khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 là cuối cùng và ràng buộc với các bên. 

Nhiều nước trong và ngoài khu vực Biển Đông từ cuối năm 2019 bắt đầu gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bày tỏ phản đối những yêu cách chủ quyền bị cho là phi pháp của Trung cộng tại vùng biển này. Trong số đó có Mã Lai, Việt Nam, Nam Dương, Hoa Kỳ, Anh- Pháp- Đức, Nhật Bản, Úc Đại Lợi và nay là Tân Tây Lan.

RFA (04.08.2021)

 

 

Phó Tổng thống Mỹ tới châu Á đẩy lùi tuyên bố của Trung cộng ở Biển Đông

Reuters

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ chú trọng đến việc bảo vệ luật lệ quốc tế tại Biển Đông, tăng cường sự lãnh đạo của Mỹ trong khu vực và mở rộng hợp tác an ninh nhân chuyến công du đến Việt Nam và Singapore trong tháng này, một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc nói với Reuters.

Bà Harris sẽ là Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam trong lúc Washington tìm cách đẩy mạnh sự ủng hộ quốc tế để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng trên thế giới.

“Chúng tôi không muốn thấy bất cứ nước nào chế ngự khu vực hay lợi dụng sức mạnh để làm thiệt hại chủ quyền của nước khác,” quan chức vừa kể nhấn mạnh.

“Phó Tổng thống sẽ nhấn mạnh phải có tự do lưu thông buôn bán, trên suốt Biển Đông, và không một nước nào có thể coi thường quyền của các nước khác.”

Hải quân Mỹ vẫn giữ những hoạt động tự do hàng hải đều đặn tại Biển Đông và gần Đài Loan, nhưng các hoạt động này dường như không làm Bắc Kinh sờn lòng.

Tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tìm cách củng cố thông điệp rằng Mỹ nghiêm túc trong việc giao tiếp với Đông Nam Á để đẩy lùi Trung cộng bằng cách tham dự một loạt các cuộc họp trực tuyến của khu vực.

Phó Tổng thống Harris sẽ đến Singapore ngày 22/8.

Bà ghé thăm Việt Nam ngày 24/8 và rời đi ngày 26/8.

VOA (04.08.2021)

 

 

Chiến hạm các nước liên tục được gửi đến Biển Đông hàm ý gì?

Diễm Thi, RFA

Chiến hạm Bayern của Đức.  REUTERS

Hôm hai tháng tám năm 2021, chiến hạm Bayern của Đức khởi sự chuyến hành trình kéo dài bảy tháng và ghé các nước Úc Đại Lợi, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Theo dự kiến, vào tháng 12 tới đây, chiến hạm Bayern sẽ đi qua Biển Đông. Giới chức Đức nói rõ chuyến đi của chiến hạm Bayern nhằm nhấn mạnh rằng nước Đức không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung cộng tại đó. Đây là lần đầu tiên từ gần 20 năm nay, một chiến hạm của Đức tham gia bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, một đội tàu của Hải quân Ấn Độ sẽ được triển khai đến Biển Đông trong tháng tám để tham gia tập trận với các nước trong khu vực. Theo Bộ Quốc phòng nước này, các sáng kiến hàng hải như thế sẽ giúp tăng cường sức mạnh tổng hợp và sự hợp tác giữa Hải quân Ấn Độ và các quốc gia thân hữu dựa trên lợi ích hàng hải chung và cam kết hướng đến tự do hàng hải trên biển.

Bộ Ngoại giao Đức hôm nay (4/8) tuyên bố rất rõ là họ làm thế để bảo vệ cho quyền tự do hàng hải, cho an ninh Biển Đông, cho việc thượng tôn luật pháp quốc tế về biển. Ngoài ra còn để ủng hộ các nỗ lực của Mỹ và đồng minh của Mỹ trong khu vực. Ấn Độ thì muốn gửi hai thông điệp. Thứ nhất là Biển Đông. Thứ hai là Ấn Độ sẵn sàng đánh Trung cộng ở vùng biên giới hiện đang có tranh chấp. – Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Nhà phân tích chính trị, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, tất cả chỉ là biểu tượng mang tính chính trị chứ không phải là hành động mang tính răn đe về quân sự. Ông nhận định:

“Đức là nước có quan hệ kinh tế rất là sâu với Trung cộng nhưng Đức là một nước tự do, dân chủ nên họ không bao giờ chấp nhận thể chế chính trị của Trung cộng. Đức hiện có thái độ rất rõ ràng với Trung cộng về vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan…

Đưa chiến hạm ra Biển Đông, Đức phải lấy lý do là can dự khung “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Bộ Ngoại giao Đức hôm nay (4/8) tuyên bố rất rõ là họ làm thế để bảo vệ cho quyền tự do hàng hải, cho an ninh Biển Đông, cho việc thượng tôn luật pháp quốc tế về biển. Ngoài ra còn để ủng hộ các nỗ lực của Mỹ và đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Ấn Độ thì muốn gửi hai thông điệp. Thứ nhất là Biển Đông. Thứ hai là Ấn Độ sẵn sàng đánh Trung cộng ở vùng biên giới hiện đang có tranh chấp. Mà thông điệp của Ấn Độ thì nó cũng rất là mạnh bởi Ấn Độ là một quốc gia có vũ khí hạt nhân.”

Trước đó, hôm 12 tháng bảy, khu trục hạm USS Benfold của Hoa Kỳ đi vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông để tiến hành tuần tra tự do hàng hải. Hải quân Hoa Kỳ cho rằng việc thực hiện hoạt động đi qua vô hại mà không thông báo trước hoặc xin phép nước có tuyên bố chủ quyền cho thấy Washington thách thức những giới hạn phi pháp mà các nước đưa ra.

Cũng trong tháng bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Anh công bố kế hoạch của London cho triển khai thường trực hai tàu hải quân tại Châu Á vào cuối năm nay.

Kế hoạch này sẽ được thực hiện sau khi hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth vào tháng chín tới đây sẽ đi qua Biển Đông trên đường đến Nhật.

Hồi đầu tháng hai, Pháp cũng đã đưa tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân tiến hành tuần tra qua Biển Đông. Theo đánh giá của tờ South China Morning Post, cuộc tuần tra này nằm một phần trong nỗ lực của Pháp nhằm thách thức các yêu sách vô lý của Trung cộng tại vùng biển này. Theo Bộ Quân Lực Pháp, trong chiến dịch mang tên Jeanne d’Arc 2021, hai chiến hạm của Hải Quân Pháp sẽ hai lần đi ngang Biển Đông, đồng thời có kế hoạch ghé cảng nhiều nước, trong đó có Nam Dương,Việt Nam, Singapore, Mã Lai.

Jeanne d’Arc là một chiến dịch tập huấn thường niên nhằm cung cấp cho các học viên sĩ quan kỹ năng tác chiến trên biển trước khi chính thức gia nhập hải quân.

Khu trục hạm USS Benfold của Hoa Kỳ. AFP

Việc các chiến hạm đã và đang có kế hoạch đi qua Biển Đông khiến Trung cộng phản ứng mạnh mẽ. Mạng báo South China Morning Post vào ngày ba tháng tám loan tin Trung cộng yêu cầu Đức nói rõ ý định đưa chiến hạm đến Biển Đông. Nếu không Bắc Kinh sẽ không xem xét yêu cầu của Berlin cho chiến hạm Bayern cập cảng Thượng Hải.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm của ông:

“Rõ ràng họ không muốn gây căng thẳng với Trung cộng. Thế nhưng nhìn kỹ mà thấy thì nếu trường hợp xấu nhất là nếu có chiến tranh xảy ra với Mỹ thì Đức sẽ bảo vệ Mỹ, là đồng minh của mình. Chiến hạm Đức vào Biển Đông cũng từ từ, không có gì đặc biệt. Không như Anh hoặc Pháp. Tàu ngầm Pháp thì cách đây mấy tháng, khi họ vào đến Biển Đông họ mới nói. Tàu này mang những đầu đạn hạt nhân và họ nói rõ rằng, chỉ cần bắn hết cơ số đan họ có sẽ tiêu hủy Bắc Kinh và Thượng Hải. Người Pháp thì như thế.

Việt Nam phải hoan nghênh những nước này, bởi những hoạt động như thế của họ trên Biển Đông thứ nhất là phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ hai, đó là những tín hiệu về chính trị để nhắc nhở Trung cộng tôn trọng luật pháp quốc tế. Đặc biệt là nền pháp lý trên biển.”

Theo ông Hợp, nói một cách thẳng thắn, có trách nhiệm và đúng với tình hình hiện nay, Trung cộng bây giờ thừa ‘điên’ để chẳng ngán ai hết. Đấy là cái thuyết của người Trung cộng. Những hành xử của Chủ tịch Tập Cận Bình bây giờ vượt qua sự hiểu biết thông thường của những con người bình thường. Chính quyền Mỹ và các chính quyền khác, đặc biệt Nhật Bản, rất lo lắng và đều phải có những tính toán cụ thể hạn chế những rủi ro trong chiến tranh khi Trung cộng tấn công để chiếm Đài Loan.

Trung cộng xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không ít lần công khai ý định sử dụng quân sự để thống nhất hòn đảo này. Đài Loan coi mình là một quốc gia có chủ quyền. Bắc Kinh từng cảnh báo những nỗ lực của Đài Loan nhằm độc lập khỏi Bắc Kinh nghĩa là chiến tranh.

Nếu chiến tranh xảy ra thì Việt Nam có nằm trong tầm ngắm của Trung cộng hay không?

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét về điều này:

“Nếu đánh thì trước hết Trung cộng sẽ tấn công Đài Loan. Họ đổ bộ và đánh chiếm Đài Loan coi như tái thống nhất bằng vũ lực. Đấy là luận điểm và chính sách của Trung cộng mà họ đã nói ra nhiều lần. Song song đó, hoặc trước, hoặc sau, Trung cộng sẽ đánh Việt Nam ở Biển Đông vì Việt Nam là nước cương cường nhất với Trung cộng trong số các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông. Nó phù hợp với các phân tích và dự đoán của các học giả chiến lược ở cả phương Tây, các nơi khác và ngay cả Trung cộng.

Đánh Việt Nam thì chủ yếu là đánh ở Trường Sa chứ không thể có chuyện đánh Việt Nam trên đất liền. Việt Nam không mạnh trên phương diện đối chiếu về năng lực vũ khí hay về mặt lực lượng với Trung cộng, nhưng Việt Nam rất mạnh về phòng thủ và tự vệ. Nếu Trung cộng đánh Việt Nam thì Việt Nam sẽ đánh trả và sẽ có đồng minh. Việt Nam đã có sẵn nhưng không cần phải tuyên bố ra làm gì.”

Trong bài viết “Why China is picking a fight with Vietnam” từ năm 2019, nhà báo David Hutt đã dựa trên các phân tích của các chuyên gia để kết luận rằng, nếu có một cuộc chiến tranh tại khu vực Biển Đông thì Việt Nam sẽ là mục tiêu đầu tiên mà Trung cộng tấn công như là một cách để khởi động trước khi có một cuộc chiến lớn hơn với Mỹ trên vùng biển này.

RFA (04.08.2021)

 

 

Ấn Độ điều nhiều chiến hạm đến Biển Đông

Ảnh minh họa : Hai chiến hạm của Hải Quân Ấn Độ tại căn cứ hải quân Changi (Singapore) ngày 10/05/2018. REUTERS/Feline Lim

CNN dẫn thông báo của bộ Quốc Phòng Ấn Độ hôm 02/08/2021 cho biết một nhóm tàu tác chiến của nước này đến Biển Đông, trong khuôn khổ các cuộc tập trận Bộ Tứ với Mỹ, Nhật, Úc, kéo dài hai tháng.

Các chiến hạm sẽ lên đường vào đầu tháng, gồm một khu trục hạm tên lửa dẫn đường, hai tàu hộ vệ trang bị hỏa tiễn và một tàu chống tảu ngầm. Tàu chiến Ấn Độ sẽ tham gia một loạt cuộc tập trận trong đó có Malabar 2021 với Hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc.

Trong các cuộc tập trận song phương khác, các chiến hạm Ấn Độ sẽ phối hợp với các lực lượng hải quân các nước ven Biển Đông gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương và Singapore. Theo bộ Quốc Phòng Ấn Độ, sáng kiến này giúp « tăng cường khả năng phối hợp giữa Hải quân Ấn Độ và các nước bạn bè, dựa vào những lợi ích chung trên biển và cam kết bảo vệ tự do hàng hải ».

 

Hình minh hoạ: Tàu chiến INS Ranvijay của Hải quân Ấn Độ bắn thử tên lửa siêu âm Brahmos. Hải quân Ấn Độ

 

Biển Đông đã trở thành điểm nóng trong những tuần lễ gần đây. Tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đã đến vùng biển này, trong khi Mỹ và Trung cộng đều tổ chức các cuộc tập trận.

Chuyên gia Collin Koh ở Singapore nhận định đây là sự hiện diện rõ nét nhất của Hải quân Ấn Độ tại phía đông eo biển Malacca. Cho dù ở bên ngoài giới hạn 12 hải lý của các thực thể bị Trung cộng chiếm đóng, nhưng đợt triển khai này cho thấy New Delhi muốn tỏ dấu hiệu tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Tây Thái Bình Dương.

Sau các đụng độ đẫm máu với Trung cộng tại vùng núi biên giới Himalaya, Ấn Độ đã tích cực tham gia các hoạt động của Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc). Trung cộng luôn chỉ trích sự hiện diện của các lực lượng hải quân các nước trên Biển Đông, vốn bị Bắc Kinh coi như « ao nhà ».

RFI (03.08.2021)