Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!” 

(Nguyễn Phú Trọng)

Không có tiền làm sao sống xa hoa?

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra hôm 11 tháng 8, ông Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã đọc một bài phát biểu khá dài, với một số nội dung đã được viết ở nhiều nơi trong các văn kiện Đại hội 13 của Đảng Cộng sản. Những điều đã được mọi người nghe nhiều đến mức bị cho là nhàm chán, không phù hợp để đọc ở một cuộc họp của Chính phủ.

Ở đoạn gần cuối bài, khi nói về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” ông Trọng nhắc lại một câu làm nhiều người để ý: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”

Câu nói của ông Trọng sau đó bị cư dân mạng xã hội cười cợt khi nhìn vào nếp sống xa hoa của một số cán bộ cao cấp. Người ta chụp hình tư dinh của cán bộ rồi viết “tiền để mua nhà thế này đây”; hoặc viết những câu như “lẽ thường đời sống thiếu và cần cái gì thì ta tìm cái đó. Câu chuyện vật chất, tiền bạc và đạo đức, danh dự cũng nằm trong quy luật ấy!!!”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng qua Email cho RFA:

“Câu này có chứa một phần sự thật chứ không phải là nguyên lý, nó không phải do ông Trọng nghĩ ra mà ông chỉ nhắc lại ý của người xưa và được viết trong nhiều lời dạy về nhân tình thế thái. Nói câu đó chắc ông Trọng muốn nêu cao đạo đức và sự hiểu biết đồng thời ông muốn răn dạy các cán bộ cộng sản đã lợi dụng chức quyền để làm giàu bằng tham nhũng, bằng nhận hối lộ mà không lo giữ danh dự và khí tiết.

Nhưng thật ra ông đã rất nhầm, rất giáo điều, vận dụng không đúng chỗ.

Tiền bạc lắm làm gì à? Không có nhiều tiền thì làm sao tậu nhiều biệt thự sang trọng, có đời sống xa hoa, cho con đi du học và lập nghiệp ở Âu Mỹ. Đúng là chết không mang theo, nhưng không tiền thì làm sao có lăng cao mộ lớn. Mà tất cả những thứ đó là mơ ước của phần lớn cán bộ cộng sản ở các cấp. Ở cấp càng cao thì tham vọng càng nhiều.

Danh dự mới là điều thiêng liêng, nhưng quyết định của danh dự không phải ở chỗ có ít hay nhiều tiền mà ở lòng trung thực, sự tín nghĩa, đức thành tâm, ở sự quang minh chính đại. Những điều này Đảng các ông thường làm ngược lại bằng những thủ đoạn dối trá. Các ông nói nhiều đến giữ đạo đức cách mạng, mà trong đó không hoặc rất ít nói đến danh dự.”

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cuộc họp của Chính phủ là nơi tập trung bàn về những việc làm cụ thể chứ không phải nơi để thuyết trình về nguyên lý, càng không phải nơi dạy đạo đức.

 

Ông Võ Minh Đức, một sĩ quan chính trị từng làm công tác tuyên truyền trong quân đội khẳng định:

“Nói chung thì cán bộ, đảng viên có chức có quyền từ cấp quận, huyện lên đến thành phố, tỉnh rồi cấp cao hơn là trung ương, không có một ông nào nghèo hết. Ở cấp nào thì mức độ giàu tương đương cấp đó. Càng cao cấp thì càng giàu kếch xù. Con học nước ngoài, phí đánh golf hàng ngàn đô la, ở biệt phủ… trong khi lương thì nói là thấp, gia đình ba đời bần cố nông…thế thì tiền ở đâu ra?!

Đại đa số cán bộ, đảng viên nằm trong hệ thống chính trị của Nhà nước này đều có tiêu cực trong việc lạm dụng quyền chức để vơ vét tiền bạc, công quỹ.

Khi ông Trọng thấy cán bộ, đảng viên của ổng quá giàu mà không giữ được để bị lộ ra, bung bét ra rồi bị xử lý kỷ luật, bị tù đày thì ổng mới khuyên răn, dạy dỗ, chỉ đạo, tuyên truyền cho cán bộ rằng danh dự mới quan trọng, tiền bạc là phù du.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội vào ngày cuối cùng của Đại hội Đảng lần thứ 12, ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP

Chuyện các quan chức Việt Nam đương chức hay đã về hưu có cuộc sống xa hoa, giàu có; trong khi đa phần người dân còn nghèo khổ và nợ công cao ngất ngưởng là vấn đề mà công luận quan tâm lâu nay. Trong năm 2017, hàng loạt ngôi biệt thự của quan chức tại nhiều địa phương được dư luận quan tâm vì sự bề thế, nằm tại vị trí đắc địa, đất vàng hoặc nằm trên đất nông nghiệp được báo chí Nhà nước phanh phui.

Có thể kể như biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái; biệt phủ của Phó ban Nội chính Đăk Lăk Nguyễn Sỹ Kỷ; biệt thự song sinh của anh em Bí thư huyện ở Hà Nam Nguyễn Đức Vượng; biệt phủ toàn bằng gỗ của Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Trị Khổng Trung…

Để có những ngôi biệt thự như thế, một số chủ nhân của nó đã phân trần là phải chạy xe ôm, buôn chổi đót tích lũy.

Năm 2019, dư luận xã hội nóng lên với thông tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có đến gần 300 bộ áo dài do nhà thiết kế Võ Việt Chung may riêng cho bà. Võ Việt Chung là một nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam, bắt đầu thiết kế áo dài cho bà Ngân từ năm 2016, khi bà trở thành Chủ tịch Quốc hội.

 

Rao giảng đạo đức khi hết nhiệm kỳ 

Một số cán bộ giàu ngất ngưởng, khi về hưu hoặc thậm chí đang tại chức lại viết sách rao giảng đạo đức cũng là điều dư luận lên tiếng. Ông Võ Minh Đức bày tỏ quan điểm của ông với RFA:

“Tôi là người từ hệ thống chính trị đó đi ra nên tôi hiểu, những ông ở trên cao mà ngày xưa mình không được tiếp xúc thì mình không dám nói, chứ mấy ông cấp trên ở cơ sở tôi thì họ tìm mọi cách vơ vét. Tôi phải khẳng định họ rất độc tài và cơ hội kiếm tiền được từ công quỹ hoặc từ công sức của quần chúng họ không bao giờ bỏ qua.

Họ lấy để làm giàu cho họ rồi sau đó, khi họ trưởng thành, họ lên đến cán bộ cấp cao họ bắt đầu đi rao giảng, tuyên truyền nhân cách, giáo dục cấp dưới phải đạo đức, liêm chính, phải sống vì dân vì nước…”

Năm 2016, ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, từng chủ biên cuốn sách với tên gọi “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Ba năm sau đó, hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn phải hầu tòa với cáo buộc nhận hối lộ 3,2 triệu đô la Mỹ trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Để đảm đương vai trò lãnh đạo ngành thông tin – truyền thông, cả hai ông này đều phải trải qua một quá trình phấn đấu trong Đảng, chứng minh ‘bản lĩnh và đạo đức cách mạng’ Cộng sản. Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) cho rằng, cuốn sách đã bộc lộ bản chất không thật thà và thiếu trung thực của ông Trương Minh Tuấn.

Còn với ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn, cuối tháng sáu năm 2019, tại Hội thảo khoa học 50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sài Gòn thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải phát biểu rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái phẩm chất đạo đức.

Năm 2020, ông Lê Thanh Hải bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét đề nghị kỷ luật vì những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Diễm Thi

RFA (13.08.2021)