„Không khó đoán, chủ trương đối nội và đối ngoại của Đức sẽ được giữ trong một mức thăng bằng, an toàn, dè dặt, thiếu vắng tính chất mạnh mẽ, đột phá. Đây là cái giá phải trả cho một chính thể đa nguyên đa đảng, thể hiện rõ nhất trong một chế độ Đại nghị.“

 

Nguyễn Tường Bách

Sau 16 năm với bốn nhiệm kỳ của bà thủ Tướng Merkel, vào ngày 26.9 nước Đức trải qua một ngày bầu cử thực sự sôi động, nghẹt thở. (Về tính cách của nền dân chủ đại nghị Đức và cấu trúc các chính đảng xin xem thêm bài Hallo Deutschland, lịch sử sang trang?)

Như dự đoán, kết quả cuộc bầu cử cho thấy sẽ có 6 chính đảng với đại biểu trong Quốc hội. Trừ hai đảng được mệnh danh là cực hữu AfD (Alternative für Deutschland/Giải pháp khác cho nước Đức) và cực tả Die Linke (Cánh Tả), bốn đảng được coi là „ôn hòa“ phải đấu tranh và thương lượng cho một giải pháp để thành lập chính phủ mới. Khác với thời kỳ của 16 năm trước, lần này ba chính đảng phải liên hiệp với nhau mới đủ túc số thành lập chính quyền liên bang. Từ 2 lên 3 tưởng là chuyện nhỏ, nhưng thực ra nội các tay ba của Đức sẽ là kết quả của một đại thỏa hiệp thay cho „đại liên minh“ của hai đảng lớn như trước đây. Không khó đoán, chủ trương đối nội và đối ngoại của Đức sẽ được giữ trong một mức thăng bằng, an toàn, dè dặt, thiếu vắng tính chất mạnh mẽ, đột phá. Đây là cái giá phải trả cho một chính thể đa nguyên đa đảng, thể hiện rõ nhất trong một chế độ Đại nghị.

Điều gì đã xảy ra trong ngày 26.9 ? Quả thực nước Đức đã bước qua một trang sử mới. Trong chục năm qua chưa bao giờ có một cuộc xáo trộn chính trị sôi nổi như hiện nay trên toàn liên bang. Có ba chuyện hậu xét xin kể thêm cho độc giả kiên nhẫn muốn đọc thêm.

 

Trò chơi của Thế và Lực

Bốn chính đảng „ôn hòa“ gồm SPD (Dân Chủ Xã Hội) chiếm 25,7 % số phiếu. Các tỉ lệ tương ứng cho CDU/CSU (Dân Chủ Thiên Chúa giáo/Xã Hội Thiên Chúa giáo) 24,1 %, Xanh (Die Grünen) 14,8 % và FDP (Dân Chủ Tự Do) 11,5 %. Hai đảng đầu tiên, xưa nay được gọi là hai chính đảng quốc dân, mỗi đảng chỉ chiếm trên dưới ¼ số phiếu cử tri. Muốn đạt đa số quá bán trong Quốc hội, đảng nào cũng phải cần hai đảng nhỏ còn lại. Điều này có nghĩa nội các thành lập phải có ba thành phần. Đây là điều từ nửa thế kỷ qua chưa hề có tại Đức.

Bốn chủ tịch đảng, từ trái qua phải: Lindner (FDP), Laschet (CDU), Scholz (SPD), Habeck (Xanh).

 

Ba ứng cử viên Thủ Tướng, từ trái qua phải : Olaf Scholz (SPD), Armin Laschet (CDU), Annalena Baerbock (Xanh).  Nguồn hình ảnh: t-online.de

Vì lẽ trên cả hai SPD và CDU/CSU đều ve vãn đảng Xanh và FDP. Hai đảng này, Xanh và FDP, được mệnh danh là „nhỏ“, xưa nay đều chỉ mong được lọt vào mắt xanh của các ông lớn để vào chính quyền, nay bỗng nhiên được lịch sử trao cho một vai trò quyết định. Không có họ thì không có vua ! Tỉ lệ giành phiếu của họ vẫn kém xa hai đảng „lớn“ nhưng thế của họ là thế quyết định, họ theo ai, SPD hay CDU/CSU, thì đảng đó lãnh đạo chính quyền và đề ra Thủ Tướng. Thế quan trọng hơn lực, trò chơi tưởng chừng chỉ có trong tuồng tàu Tam Quốc Chí, nay thể hiện rõ ràng tại nước Đức 2021.

Các nhà lãnh đạo đảng Xanh và FDP, hoàn toàn già giặn và đã được chuẩn bị trước ngày bầu cử, họ biết ngay mình phải làm gì. Chỉ vài ngày sau bầu cử họ sẽ gặp riêng, thương lượng về chủ trương hợp tác, trước khi gặp chính đảng kia. Họ sẽ đóng một vai trò khác thường, khuôn mặt họ tự tin và nghiêm trọng, kín kẽ không lộ bài tẩy, họ chủ động bàn với nhau xem đề ra ai làm minh chủ của mình.

Hiện nay, dựa trên dư luận sau bầu cử và thăm dò trong cử tri thì khả năng dễ xảy ra là một sự liên hiệp giữa SPD-Xanh-FDP. Cả ba đảng đó đều là ba đảng thắng phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua và có tính chính danh cao nhất. Trong mọi trường hợp, ta cũng có thể dự đoán Thủ Tướng tương lai của Đức sẽ rất bị phụ thuộc vào hai đảng nhỏ kia, sẽ rất ngại làm phật lòng liên minh của mình vì rất dễ xảy ra tình cảnh bất tín nhiệm trong Quốc Hội. Sự đồng thuận phải có trong một nội các tay ba sẽ không thể sinh ra một Thủ Tướng quyết đoán, mạnh dạn, sáng tạo như trong thời kỳ qua của bà Merkel.

 

SPD toàn thắng – Ý tưởng xã hội hồi sinh?

Cùng lúc với cuộc bầu cử Quốc hội liên bang vào ngày 26.9, nước Đức còn có hai cuộc bầu cử khác, tại tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern (vốn thuộc Đông Đức cũ) và tại thủ đô Berlin. Thị trưởng Berlin mang tầm Thủ hiến của một tiểu bang. Tại cả hai nơi, đảng Dân chủ Xã hội SPD toàn thắng. Họ chiếm đa số, vượt xa đối thủ chứ không sít sao như trên bình diện liên bang, có toàn quyền chỉ định ai là người liên hiệp với mình trong việc thành lập chính phủ tiểu bang.

Làm sao cắt nghĩa được hiện tượng này, nếu ta nhớ cách đây mới bốn tháng, các con số thăm dò cho thấy tỉ lệ phiếu của SPD chỉ 15% so với 25,7% của ngày 26.9? Như một tạp chí Đức đã viết, thời đó không ai chịu cá cược „dù chỉ một cent“ là SPD sẽ thắng cử. Làm sao trong vòng bốn tháng Olaf Scholz – ứng cử viên SPD – có thể vượt lên một cách ngoạn mục như thế?

Phải chăng SPD lên như diều gặp gió nhờ hên, nhờ một đối thủ Armin Laschet (CDU) vụng về kém cỏi ? Điều này chắc chắn có phần đúng vì nếu không phải Laschet mà là Söder (CSU) thì có thể CDU/CSU đã thắng, như các thăm dò dư luận cho biết.

Thế nhưng nhiều phân tích xã hội cho thấy, quả thực đường lối xã hội đang lại bắt đầu thu hút cử tri. SPD là chính đảng duy nhất đòi hỏi lương tối thiểu 12 Euro/giờ cho người lao động, xem là tiêu chí bất khả xâm phạm trong mọi thương lượng về liên minh thành lập chính quyền. Họ cũng đứng về phía người thu nhập thấp trong các vấn đề thuế má, phí thuê nhà, bảo hiểm sức khỏe… Một lý do SPD thắng là họ nêu vấn đề xã hội lên hàng đầu.

Trong nhiều thập niên qua, các khẩu hiệu của các đảng xã hội hầu như mất thế đứng trong một thế giới ngày càng sung túc, trong một xã hội mà khái niệm cổ điển chủ/thợ bị xóa nhòa. Thế nhưng cũng trong thời gian đó sự phân biệt giàu nghèo cũng đã gia tăng cao độ. Tầng lớp triệu phú, tỉ phú xuất hiện nhanh chóng cùng với xu hướng toàn cầu hóa. Người dân ngỡ ngàng, bức xúc về mức thu nhập cao ngất ngưởng của các tầng lớp lãnh đạo công nghiệp, các hãng xưởng toàn cầu.

Thêm vào đó đại dịch Covid bất ngờ xé toang bức màn sung túc tạm thời của thành phần thị dân, cho thấy họ là thành phần rất dễ tổn thương khi có bất trắc xảy ra. Các chủ trương tranh cử của SPD rõ ràng đã đáp ứng tâm lý đó. Liệu các đảng xã hội tại các nước khác cũng đang hồi sinh? Cuộc bầu cử tại Na Uy cách đây hai tuần hé mở cho thấy phần nào khuynh hướng đó.

 

Đảng Dân Chủ Thiên chúa giáo – Vì sao nên nỗi?

Năm nay đảng CDU/CSU chỉ chiếm được 24,1% số phiếu, tỉ lệ thấp nhất xưa nay. Đối với họ đây là một cuộc „động đất“ dữ dội chưa từng có, họ mất 8,8% số phiếu. Thực ra con đường xuống dốc của chính đảng này đã bắt đầu từ nhiều năm nay.

Người ta còn nhớ Franz Josef Strauß – một khuôn mặt lớn của lịch sử CDU/CSU – từng nói năm 1987 : về phía hữu của chúng ta không được phép có một đảng hợp pháp nào khác. Ông muốn nói CDU/CSU phải bọc hết cánh hữu, với bất cứ giá nào. Quả thực họ đã làm được điều đó dù có khi thành phần cực hữu mang tên NPD (Đảng Quốc gia Đức) phất lên một thời gian.

Thế nhưng cách đây hơn 16 năm, một phụ nữ tên là Angela Merkel, lớn lên và trưởng thành tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức xuất hiện trên chính trường. Bà có đầy đủ những yếu tố để cho một đảng CDU/CSU bảo thủ không thể bầu bà làm Thủ Tướng. Bà là người theo đạo Tin Lành (chứ không phải Công giáo), xuất xứ Đông Đức, là phụ nữ, ly dị chồng, không con… Thế nhưng tài năng hiếm có của vị nữ lưu này đã đưa bà lên giữ ngôi vị quyền lực nhất trong một thời gian dài. Nhưng điều đáng kể nhất làm CDU/CSU lẽ ra phải loại bỏ bà bởi vì bà có một chút khuynh hướng xã hội trong tâm, đến nỗi có người cho rằng bà vào nhầm đảng.

Năm 2015 bà Merkel đã cho hơn một triệu người tị nạn chiến tranh từ Syria du nhập vào Đức, rất khác với chủ trương bảo thủ của CDU/CSU. Sau đó hai năm, vào 2017, đảng AfD cực hữu ra đời, gần như phản ứng tự nhiên đối với chủ trương nhập cư. Lời cảnh cáo của Strauß bỗng chốc thành sự thực. Là cùng phe hữu, dĩ nhiên AfD chiếm phiếu của CDU/CSU, đúng như lo ngại của Strauß. Người ta hy vọng AfD chỉ là con „nhặng sống không qua một ngày“, trong bầu cử năm nay nó sẽ chết. Nhưng không, AfD chiếm 10,3% số phiếu và xem ra sẽ không bao giờ biến mất.

Bà Merkel đã xoay trục CDU/CSU một phần đi về phía tả và vô tình nhường đất cho AfD. Đó là buổi bắt đầu suy sụp của CDU/CSU.

 

Chưa hết, „tội“ của bà Merkel còn nặng hơn mà bây giờ nhiều người nay đã nói ra. Suốt 16 năm trên cương vị Chủ tịch CDU và nắm quyền hành pháp, bà Merkel không hề đào tạo cho ai trở thành người kế vị vai trò của mình. Hơn thế nữa những ai trong CDU có góc cạnh, có viễn kiến, tài năng đều bị bà loại bỏ. Những ai hợp tác được với bà đều là những người nhu mì dễ dãi, chấp nhận áp đặt. Thí dụ cụ thể nhất chính là Armin Laschet, người thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Dường như để chuộc lỗi của mình đối với CDU, bà Merkel ra sức hỗ trợ cho Laschet trong những ngày cuối vận động bầu cử. Cố gắng của bà có lẽ đã đem lại một hai phần trăm số phiếu nhưng thực ra không xứng tầm với một sự nghiệp đồ sộ 16 năm qua.

CDU tuột dài và sắp ngồi trên „ghế gỗ“ đối lập không mấy êm ái, cùng với hai đảng cực đoan tả hữu mà đảng này ghét cay ghét đắng. Đó sẽ là trận động đất thứ hai sắp xảy ra cho họ. Thế nhưng ta vẫn có thể đoán, nếu biết đổi mới chủ trương và nhân sự, CDU/CSU sẽ dễ dàng trở lại chính quyền trong 4 năm tới đây.

Nước Đức 2021 thực đã sang trang, không phải chỉ vì SPD lên hay CDU xuống. Lý do chính là cấu trúc đảng phái của quốc gia này đã thay đổi và tâm lý người dân đã chuyển hóa. Quốc gia này sẽ vẫn là một nước công nghiệp mạnh và đóng một vai trò quan trọng tại châu Âu và trên thế giới. Nhưng ta sẽ chứng kiến một nước Đức chăm chút bảo vệ sự ổn định và đồng thuận nội bộ, một quốc gia kỹ trị, điều hành bởi kỹ thuật gia và chuyên viên.

 

Nguyễn Tường Bách (28.9.202)1

NguồnDiễn Đàn Forum