Nguyễn Trương Thu Quỳnh
“Sau vụ Nhân Văn, anh em “chống đảng” chúng tôi, ngoài mấy người bị án tù 15 năm, tất cả đều bị đi cải tạo lao động trên Tây Bắc. Trong chặng đường đi đày trên tàu hỏa, dù tôi đang đau dạ dày nặng sắp chết vẫn bị điệu đi, mấy lần tôi đã toan nhảy xuống đường tự tử khi tàu chạy, nhưng hình bóng đàn con lóe lên trong đầu như ánh chớp, hình bóng bà Băng (bà Nghiêm Thúy Băng – phu nhân nhạc sĩ) còng lưng nuôi đàn con bơ vơ mất bố, tôi liền bỏ ý định tự sát để tiếp tục sống hèn mà trở về nuôi con…”
Cuốn sách “dũng cảm” nhất viết về Văn Cao từng được xuất bản. VĂN CAO – NGƯỜI ĐI DỌC BIỂN (1992)
Thảm nhất là khi ở nơi cải tạo lao động, đến bữa ăn, cứ thấy mình ngồi bàn nào là anh em (cùng bị đi đày lao động) lại tìm sang bàn khác ngồi, không ai chịu ngồi cùng bàn ăn với kẻ đầu sỏ Nhân Văn, đến nỗi chị nuôi trại đi đày phải xẻ một suất cơm ôi cá thối cho tôi ngồi một mình một bóng mà ăn cho khỏi chết đói chứ nào có ngon lành gì…” (Văn Cao kể cho nhà thơ Trần Mạnh Hảo)
“Cuộc cải cách ruộng đất được thực hiện quá vội vã và đầy oan trái. Đã đến lúc vợ chửi chồng, con tố cha, anh em đồng chí mang nhau ra xử bắn thì nhà nước không thể không nhìn thấy sai lầm được. Thế là lại sửa sai. Nhưng những người chết làm sao sống lại được. Những đổ vỡ niềm tin giữa con người với con người làm sao lấy lại được. Một cái gì đó u ám cứ muốn chụp xuống đầu đất nước. Nguyễn Huy Tưởng nói với Văn Cao: thế nào cũng phải viết một tiểu thuyết về vấn đề này với cái tên là “Năm 1956”. Thương cảm biết bao những đồng chí vừa kề vai nhau chiến đấu, giờ gạt nước mắt trên bãi bắn, chỉ còn biết hô lên khẩu hiệu để bày tỏ lòng trung kiên của mình trước khi chết. Đau đớn tới chừng ấy thật khó nguôi đi được.
Văn Cao chui vào góc nhà, lấy ra một cuốn sổ. Những dòng chữ li ti được viết ra như vụng trộm về một điều rất nghiêm túc, về một điều nhức nhối không thể không nói ra. Văn Cao cảm thấy như chính mình bị bắn:
“Người ta các đồng chí của tôi
Treo tôi lên một cái cây
Đợi một loạt đạn nổ
Tôi sẽ dẫy như một con nai con
…..Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ
đã nuôi cách mạng
Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi
dẫy chết
Có mẹ tôi
Ba lần mang cơm đến nhà tù
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi
….Tôi sợ các cụ già không sống được
Bao năm nữa
Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa
Của chúng ta.
Chết đi mang theo hình đứa con
Bị bắn
Tôi sợ các em còn nhỏ quá
Sẽ nhớ đến bao giờ
Đến bao giờ các em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị treo trên cây
Bị bắn
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi…
Nước mắt lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Đảng Lao động…”
Tập Giai phẩm mùa xuân đã ra vào những ngày giáp tất niên. Tố Hữu thực sự giận dữ. Chỉ thị của ông ấy là bắt bên phát hành sách thu hồi hết. Nhưng làm sao thu hết được. Mà có gì phải tức tối đến thế. Văn Cao cảm thấy cần phải có lúc nào nói thật thẳng thắn với Tố Hữu. Quyền lực đã tạo ra xung quanh ông ấy một lũ xu nịnh, cơ hội, hèn nhát rồi. chúng đã bắt đầu thêu dệt, đơm đặt, chỉ trích những cá tính mạnh trong sáng tạo…..”
Cuốn tiểu thuyết chân dung về cuộc đời tài hoa đầy gian truân, oan khiên của nhạc sĩ Văn Cao và số phận những bài hát nổi tiếng của ông, qua giọng văn biểu cảm mang đậm chất thơ của nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha đối với nhạc sĩ Văn Cao.
Fb Trang Văn Chương Miền Nam