Một nước Việt Nam qua cách nhìn của người Việt, để người Việt tự đoán vận mệnh là ý tưởng của cuốn sách Vietnamiens : Lignes de vie d’un peuple (tạm dịch : Người Việt : Những đường đời của một dân tộc) của nhà nghiên cứu lịch sử Benoît de Tréglodé, do nhà xuất bản Henry Dougier phát hành ngày 30/09/2021.

Nhà sử học Benoît de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu Viện IRSEM, trường Quân Sự Pháp, giới thiệu tác phẩm mới “Vietnamiens : Lignes de vie d’un peuple” (Người Việt : Đường đời của một dân tộc), NXB Henry Dougier, tại phòng thu của RFI, ngày 06/10/2021. © RFI / Tiếng Việt

26 người Việt được tác giả mời tham gia vào cuốn sách là 26 mảnh đời khác nhau, đại diện cho nhiều lĩnh vực, từ nhà nghiên cứu đến nghệ sĩ, từ cựu chiến binh, cảnh sát đến những nhà đối lập… và đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước. Tác giả muốn để những người trong cuộc nói về một « Việt Nam thay đổi ! », không chỉ còn là « những xáo trộn trong thế kỷ trước » mà hướng đến « một tương lai năng động », theo lời tóm tắt của nhà xuất bản về cuốn sách.

Nhà sử học Benoît de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu tại Viện IRSEM, trường Quân Sự Pháp, tác giả cuốn sách, đã dành cho ban tiếng Việt đài RFI buổi phỏng vấn ngày 06/10/2021.

 

*****

RFI : Cuốn sách Vietnamiens : Lignes de Vie d’un peuple (tạm dịch : Người Việt – Những đường đời của một dân tộc),  được phát hành từ ngày 30/09/2021. Ông đã liên lạc với nhiều người Việt để mời họ tham gia vào cuốn sách. Họ có phản ứng như thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên phải nói là cuốn Vietnamiens không phải là một tác phẩm chỉ đơn thuần nói về lịch sử hay lịch sử chính trị, không phải kiểu sách bình thường tôi vẫn viết. Tôi muốn nói về Việt Nam ngày nay, với cách tiếp cận vừa mang tính văn hóa, vừa thường nhật.

Đúng là một số người biết tôi trong tư cách là nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đương đại, vì thế tôi đã gặp một vài khó khăn để tìm được 26 vị khách mời. Một vài người trong số này đã từ chối tham gia cuốn sách bởi vì sợ tôi kéo họ vào lĩnh vực chính trị. Dĩ nhiên đó không phải là mục đích của tôi, nhưng khi nói về Việt Nam đương đại, thì bằng cách này hay cách khác cũng chạm đến cuộc sống hàng của người dân và đôi khi là thêm một chút chính trị.

RFI : Từ chối vì sợ hoặc tự kiểm duyệt có phải là điều bình thường trong xã hội ngày nay không ?

Benoît de Tréglodé : Những ai đã sống ở Việt Nam, làm việc với Việt Nam đều biết rằng kiểu tự kiểm duyệt này đôi khi là cần thiết để có thể tiếp tục đối thoại. Điều thú vị mà tôi nhận ra trong cuốn sách này là những người tự kiểm duyệt, thậm chí là không muốn tham gia vào tác phẩm, thường là những người thuộc thế hệ cũ, cao tuổi hơn. Ngược lại, những người Việt tầm 20, 30 tuổi mà tôi liên lạc, thì lại không phản ứng như thế, kiểu như sợ phải nói gì.

Tôi có cảm giác là có sự thay đổi về mối liên hệ với chính quyền, mối liên hệ với tương lai của xã hội Việt Nam. Theo tôi, sự thay đổi này được giải thích đơn giản bằng một điều, đó là mỗi cá nhân không có chung cách cảm nhận về lịch sử, ý tôi muốn nói đến lịch sử các cuộc chiến tranh, các xung đột, chế độ chuyên quyền. Lịch sử đó không còn hiện rõ, không còn được cảm nhận như cách của các thế hệ trước. Rõ ràng thế hệ trẻ muốn hướng đến phát triển kinh tế, muốn chinh phục khu vực Đông Nam Á. Tôi tin là có một sự thay đổi thực sự.

RFI : Vì ít nhiều liên quan đến đời sống thường nhật nên cuốn sách được chia thành nhiều chương, liên quan đến lịch sử, văn hóa, xã hội… ?

Benoît de Tréglodé : Đây không hoàn toàn là ý tưởng của tôi.Cuốn sách này bắt nguồn từ một bộ sưu tập được nhà xuất bản Henry Dougier phát hành từ 6 năm nay. Ông Henry Dougier là một nhà xuất bản có tiếng ở Pháp, ông lập một bộ sưu tập và Vietnamiens là cuốn thứ 50 được phát hành, có rất nhiều cuốn khác nói về các nước châu Á.

Chủ ý của bộ sưu tập là vẽ nên chân dung của một dân tộc, một đất nước qua tiếng nói của 26 nhân vật, 26 người được gặp gỡ, trao đổi và được cho là mang lại hình ảnh gần với thực tế của đất nước đó.  

RFI : Chính vì thế mà trong cuốn sách này, vai trò đã được thay đổi. Ông để người Việt tự nói về họ, về đất nước, về quá trình phát triển của đất nước, còn ông đóng vai trò là người nghe, ghi chép và truyền tải lại thay vì là nhà quan sát, nhà nghiên cứu. Ông chọn những người phỏng vấn như thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Trước hết phải nói là tôi không thấy thoải mái với ý nghĩ là tôi, một nhà nghiên cứu, người Pháp, lại viết một cuốn sách nói về người Việt là ai, Việt Nam là nước như thế nào… Vì thế khi nhà xuất bản đề nghị tôi để 26 người Việt tự nói về cuộc sống hàng ngày của họ, cách họ nhận thức và hiểu về lịch sử đất nước họ, những khó khăn và niềm vui của họ, thì tôi thấy vô cùng thú vị.

Công việc của một nhà nghiên cứu về Việt Nam đã buộc tôi có được phần nào tính khách quan để cố gắng hiểu được những gì đang xảy ra ở đất nước này. Và với cuốn Vietnamiens, đó là một niềm hạnh phúc bởi vì tôi đã có thể đến ngồi nhà bạn bè, nhà người quen, đi uống cà phê hay nhà hàng để nghe họ nói với tôi về nước Việt Nam của họ. Đây chính là động lực đã khiến tôi muốn viết cuốn sách này.

Tiếp theo là phải tìm cách có được một hình ảnh hài hòa vì chúng ta biết ý nghĩa quan trọng của yếu tố địa lý, nên cần có một người Việt ở miền bắc, miền trung, miền nam, hay một người Việt ở cao nguyên hoặc vùng núi, một người dân tộc thiểu số hay dân tộc Kinh đa số, một người Việt ở đô thị hay ở nông thôn, một người Việt ở tầng lớp trung lưu hay thượng lưu hoặc có xuất thân bình dân hơn. Tất cả những yếu tố đó đều quan trọng giúp hiểu được và tạo cho người đọc một cách diễn giải về thực tế của Việt Nam khác đi một chút.

Thường thì một nhà nghiên cứu khi đi thực địa hay gặp những người khá có uy tín và chuyên môn nhưng những người này không phải là đại diện cho sự phức tạp của một quốc gia, một xã hội. Cuốn sách nhỏ bé này lại cho phép tôi làm điều đó, được nán lại với những người mà tôi vẫn tạm gác qua một bên khi làm nghiên cứu với tư cách là một nhà sử học.

RFI : Bìa của cuốn sách là hình một bàn tay, như để xem bói, với những đường chỉ tay là những con sông hay đường phân giới giữa các tỉnh trên bản đồ Việt Nam. Đây là ý tưởng của ông ? Có thể thấy trong cuốn sách có quá khứ, có hiện tại, nhưng dường như tương lai không được đề cập nhiều.

Benoît de Tréglodé : Mọi dân tộc trên thế giới đều rất khó dự đoán được tương lai của họ. Ở Pháp cũng thế, có nhiều câu hỏi được đặt ra cho người dân Pháp, có những câu hỏi về dự định, về tương lai.

Thực ra, hình ảnh trang bìa là ý tưởng của nhà xuất bản và họ nhấn mạnh ngay ở phía dưới là « lignes de vie d’un peuple » (đường đời của một dân tộc). Cần phải nhắc lại lần nữa, đây là một bộ sưu tập dành tiếng nói cho những con người đóng góp vào lịch sử một đất nước. Họ không ở đó để phán xét hay sử dụng những diễn đạt của họ về xã hội Việt Nam cho một mục tiêu khác.

Cần phải biết là chuyện biến khoa học nhân văn thành công cụ là điều gì đó vô cùng quan trọng ở Việt Nam, cũng như phần nào đó ở Pháp. Tôi là một nhà nghiên cứu về Việt Nam xuất thân từ một thế hệ lớn lên sau thời kỳ mà thế hệ nghiên cứu trước khá thiên về chính trị, cách nhìn về Việt Nam cũng mang tính đấu tranh. Nhưng điểm này chưa bao giờ khiến tôi quan tâm hay thúc đẩy tôi mà ngược lại, cuốn sách này là nhằm để người dân tự do nói trong khuôn khổ loạt trao đổi, gặp gỡ. Đó là những chân dung, những lúc tôi kể lại bối cảnh rất thực tại nhiều nơi ở Việt Nam. Tôi cố gắng giữ một khoảng cách thường xuyên nhất có thể và để 26 người tôi gặp tự quyết định điều họ muốn nói.

RFI : Chương cuối cùng được dành cho tiếng nói của một số Việt kiều, dù ban đầu ông không có ý định đó, theo giải thích trong lời mở đầu. Trong một buổi phỏng vấn với RFI về tập điều tra Opérations d’Influence chinoises (Những chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc), đồng nghiệp của ông ở Viện IRSEM, ông Paul Charon đã lưu ý rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm cách kiểm soát « cách » kể về chính quyền, về lịch sử đảng trong cộng đồng kiều dân Trung Quốc sống ở các nước dân chủ. Ở Việt Nam thì thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Thực ra, chính sách của nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam về Việt kiều thì đã có rất nhiều điều được viết và được làm. Đúng là từ năm 1975, người ta có thể xác định nhiều thời kỳ mà đối với chính quyền Việt Nam, vấn đề thoạt tiên được cho là nhạy cả về mặt chính trị, sau này chính sách về Việt kiều lại mang ý nghĩa trung tâm về mặt kinh tế. Nhưng đây không phải là mục đích của cuốn sách. Nếu như tôi quyết định dành chương cuối cho bốn Việt kiều ở Pháp và Mỹ, đó là vì họ mang lại một cách nhìn khác đi về văn hóa gốc gác của họ, đôi lúc là mơ tưởng, lúc thì lại được trí thức hóa.

Khi tôi bắt tay viết cuốn sách này, tôi được xem vở kịch Sài Gòn rất hay của nhà viết kịch Pháp gốc Việt Caroline Nguyễn. Tôi thấy có hướng hoài cổ, u sầu, đẹp vô cùng và phần nào có cách nhìn của tác giả về Việt Nam. Tôi thấy có mối liên hệ giữa lời ca của ca sĩ Hồng Nhung ở Việt Nam với điều người ta thấy trong cách diễn đạt của một bộ phận Việt kiều về quê hương họ và nhu cầu kết nối lại với bản sắc Việt Nam, thông qua ẩm thực, âm nhạc, những kỷ niệm, gia đình…

Đối với tôi đây là điều không thể thiếu. Không thể nói về Việt Nam ngày nay, người Việt ngày nay mà lại không gộp cả Việt kiều.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà sử học Benoît de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu IRSEM của trường Quân Sự Pháp (Ecole militaire), tác giả cuốn Vietnamiens : Lignes de vie d’un peuple.

Bìa cuốn “Vietnamiens : Lignes de vie d’un peuple” của nhà sử học Benoit de Tréglodé, NXB Henry Dougier, 30/09/2021. © Ateliers Henry Dougier

 

Thu Hằng, RFA (12.10.2021)