„Cung Tích Biền kể chuyện, mổ xẻ, phân tích mình, phân tích người, phân tích cuộc sống từ nhiều góc độ khác nhau. Tất cả cung cấp cho người đọc, không chỉ thông tin về cuộc đời và quan niệm của tác giả, mà còn nhiều hình ảnh cụ thể về sinh hoạt xã hội và văn chương trải dài từ thời kỳ Pháp thuộc, Nhật thuộc, chín năm sống trong vùng Việt Minh, 21 năm sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa và bốn thập niên sống dưới chế độ Cộng Sản.“

 

Trần Doãn Nho

Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử” là một tập sách ghi lại sáu cuộc phỏng vấn:

Bìa trước và bìa sau tập “Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử” của Cung Tích Biền. (Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)

-Trò chuyện với với nhóm chủ trương tạp chí Trước Mặt (Quảng Ngãi) do Cung Tích Biền, thay mặt cho tạp chí Khởi Hành, thực hiện (1969).

-Phỏng vấn  nhà văn Cung Tích Biền do Lý Đợi (Tháng Hai, 2007), Đặng Thơ Thơ (Tháng Ba, 2008) và Mặc Lâm (Đài Á Châu Tự Do) (Tháng Năm, 2008), thực hiện khi tác giả còn ở trong nước.

-Phỏng vấn Cung Tích Biền do Phạm Viêm Phương (Tháng Ba, 2020) và tạp chí mạng Da Màu (Tháng Mười, 2020) thực hiện khi tác giả đã đến định cư ở Hoa Kỳ (2016).

Bài phỏng vấn của Lý Đợi được công bố trên trang Talawas, ngày 1 Tháng Hai, 2007, gây nên một ngạc nhiên, nếu không muốn nói là sửng sốt, đối với bạn bè hải ngoại, trong đó có tôi. Lần đầu tiên, một nhà văn miền Nam, từ trong nước, lên tiếng phát biểu, một phát biểu không thể nào thẳng thắn và rạch ròi hơn, về tình hình nhiều mặt của đất nước vào thời điểm mà chế độ Cộng Sản đang hồi cực thịnh.

Sau 1975, trong một thời gian dài, Cung Tích Biền, nói như Du Tử Lê: “…phải sống với oan khiên, như vết chàm, như chiếc bóng định mệnh bất hạnh đời mình…” Anh đã chọn im lặng, không biện minh, chống chế.

Thư cho Lý Đợi, anh viết: “Bao năm nay anh đã Ra Ngoài. Không tơ hào gì Cõi Bên Trong. Gần gũi với anh lâu nay chắc em hiểu. Anh sống mà như vắng bóng. Ít tâm sự cùng ai. Đời hiểu lầm anh không ít. Vài ngộ nhận chết người mà anh không bao giờ cải chính. Mặc áo Lặng Thinh” (*). Và anh chọn thời điểm phá vỡ im lặng.

Tôi, hồi đó, may mắn được làm kẻ ở ngoài, đọc đi đọc lại bài phỏng vấn, nghĩ đến tiếng hót vang, tỏa ra của một con chim đang trong thân phận “cá chậu chim lồng,” lòng đầy cảm khái!

Gọi là phỏng vấn, thật ra, đây là cuộc thảo luận nhiều mặt về hiện tình xã hội, chính trị, văn hóa, đời sống, và sáng tác văn chương. Xuất phát từ kinh nghiệm của một con người sống qua tất cả những biến động ghê gớm của lịch sử dân tộc, và kinh nghiệm của một nhà văn trải qua hơn nửa thế kỷ đắm mình trong thế giới chữ nghĩa, Cung Tích Biền kể chuyện, mổ xẻ, phân tích mình, phân tích người, phân tích cuộc sống từ nhiều góc độ khác nhau. Tất cả cung cấp cho người đọc, không chỉ thông tin về cuộc đời và quan niệm của tác giả, mà còn nhiều hình ảnh cụ thể về sinh hoạt xã hội và văn chương trải dài từ thời kỳ Pháp thuộc, Nhật thuộc, chín năm sống trong vùng Việt Minh, 21 năm sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa và bốn thập niên sống dưới chế độ Cộng Sản.

Cung Tích Biền vừa đưa ra nhận định và nói không quá đáng lắm, vừa… sáng tác. Tập sách là một tác phẩm văn học, đúng hơn, một tự truyện, qua đó, người đọc tìm thấy chân dung “một đời văn – một đời người” đầy khắc khoải, rối rắm nhưng sinh động và đa dạng. Nhiều lúc, anh không chỉ trả lời một câu hỏi, mà là “thuyết trình” một đề tài: biến một chi tiết trong cuộc sống hay một câu phỏng vấn thành luận điểm và đi đến cùng luận điểm đó. Chả thế mà, đôi khi, trả lời một câu hỏi, rốt cuộc, trở thành một “tham luận” nho nhỏ.

Tập sách khá dài, trên 320 trang, chứa đựng khá nhiều những tham luận nho nhỏ như thế về văn học, ngôn ngữ, xã hội, chính trị… Xin ghi lại vài điều lý thú sau đây:

Đề cập đến thắng lợi của những người Cộng Sản trong cuộc chiến vừa qua, Cung Tích Biền không úp mở vạch rõ: “Cuộc nội chiến vừa qua đã bày lộ cái sai lầm, tội lỗi không gì có thể rửa sạch. Đó là cái chính sách phi nhân, dùng cả máu xương triệu người để tàn phá, hủy diệt một xã hội văn minh hơn mình, hoàn chỉnh hơn mình, lương thiện hơn mình, để rồi sau đó tập tành Làm Lại.”

Từ cái nhìn đó, anh đưa ra một nhận định khá lạ mà khá chính xác: “Nói chung Việt Nam Cộng Hòa, một mô hình mà bây giờ những người Cộng Sản – đã chiến thắng, xưa kia muốn triệt tiêu nó – nay lại đưa lên là chủ trương hàng đầu, phục dựng. Để làm sao cho Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay giống y chang một trăm phần trăm cái Việt Nam Cộng Hòa ngày trước, cái chủ nghĩa tư bản ngày xưa, y chang Sài Gòn cũ, trừ độc đảng và độc tôn tư tưởng.”

Anh cho rằng nhà nước Cộng Sản đã thực hiện thành công chính sách ngu dân của họ. Bằng chứng là “Hiện tình, đa phần quần chúng, cả cao lẫn thấp, say sưa trong một thưởng ngoạn văn chương, âm nhạc, phim ảnh, loại xoàng xoàng rau cải chợ; cũng tha thiết mùi mẫn, nịnh nọt, đôi khi đổ máu anh hùng, nhưng tựu trung sức sống chính nó không lâu hơn một đĩa gỏi hay mớ xà lách trộn, phục vụ gấp cho bữa tiệc thời trang (…). Đây là một quần chúng tồn tại bằng thịt khối. Được ru ngủ bởi một đời sống kinh tế tương đối ấm êm trong thời buổi chỉ mở cửa cho ‘miếng ăn.’”

Xin nhấn mạnh, những nhận định trên được Cung Tích Biền phát biểu vào những năm 2007, 2008 lúc anh đang còn ở trong nước.

Được hỏi về tương quan giữa văn chương và lịch sử, anh cho biết: “Văn chương không có tham vọng viết thay lịch sử. Lịch sử không có tài tình chuyển tải ‘vạn sự diễn ra trong trời đất’ như văn chương. Sử gia ‘Dùng Chữ.’ Nhà văn ‘Làm Chữ.’ Lịch sử là bảo tồn, thẩm định. Văn chương cũng có một phần thẩm định, nhưng tinh lọc và mở rộng, để nhìn được ‘Bên kia lịch sử. Thông qua văn chương, đời sau có thể hiểu được bộ mặt thật cùng nỗi đau của chính lịch sử. Văn chương có khi phá phách lịch sử, vạch mặt tấn tuồng, để bày ra trận đó, ở đó phục hồi cái chân chính, lương tri, cái sự thật của lịch sử, mà kẻ chép sử có khi vì nhiều lý do, đã ma mị bỏ qua, hoặc thay hình đổi dạng.’”

Bàn về chuyện hay, dở của một tác phẩm văn chương, anh đưa ra một quan niệm đáng cho ta suy nghĩ: “Là văn chương nghệ thuật không hề có Hay hoặc Dở, không Cũ và Mới, không có tác phẩm vĩ đại hoặc lời ngẫu nhĩ tép riu. Một câu danh ngôn có khi dạy người hơn một tiểu thuyết nghìn trang. Mà văn chương chỉ có, chỉ là cái Mở ra và Đóng lại. Chỉ có Đương Đầu hoặc Thỏa Hiệp.”

Về chuyện viết lách, Cung Tích Biền cung cấp cho những người viết văn, nhất là những cây bút trẻ, nhưng kinh nghiệm hết sức quý báu. Viết, theo anh, “như vác dao vô rừng. Núi lạ rừng hiểm. Phạt cây đạp cỏ mà đi.” Phải xem viết văn là một nghề. “Nghề văn như nghề dệt vải, lại cung cách thủ công như các gái làng quê thuở nọ. Dệt từng sợi, gõ từng chữ gian nan. (…) Phải thầm lặng, cần cù, ngày nối đêm mới có sản phẩm.” Trong lúc sáng tác, phải biết “tiết kiệm thời gian, phải kiêng cữ, mọi thứ như chị có bầu, tất thảy và vì đứa con đang mang trong bụng; tất thảy là mong đứa con sắp oe oe chào đời là một sinh vật lành mạnh, tinh khôi không dị tật.” Muốn vậy, “viết, phải cô đọng, kiệm chữ, chôn giấu phần ý/tư tưởng. Nên dành sự suy nghĩ, chiêm nghiệm, sáng tạo cho độc giả.”

Anh thành thật cho biết phương pháp sáng tác của anh là… “phi phương pháp.” Khi viết, anh “là nạn nhân của một vô tình thúc đẩy, sẽ tự ‘diễn biến,’ theo cái xu hướng mới, có khi từ trực giác, sai bảo. Chẳng nên gồng mình quá. trước tiên, phải có tự do với chính mình. Nên thả hồn đi. Phải nhẹ nhõm, thư thái, để bay bổng.”

Chính vì thế, anh không quan tâm chuyện trường phái. “Tôi chỉ quan tâm tới tư tưởng (…) Tôi lắng nghe Hồn của chữ, còn Xác chữ thì thể hiện dưới dạng nào cũng được.” Anh đọc nhiều, thượng vàng hạ cám, chịu rất nhiều ảnh hưởng từ mọi nền triết học mọi tinh hoa, nhưng, “Trong ý thức của tôi là ‘tự quyết’ khi sáng tác,” “không hề bị ảnh hưởng ai, ít ra là về bút pháp, nghệ thuật phối tác.”

Cũng về viết lách, Cung Tích Biền kể lại nhiều chuyện lý thú. Anh cho biết, trước năm 1975, anh là một trong những cây bút chuyên viết “feuilleton.” Có thời gian, anh viết “feuilleton” cho năm tờ nhật báo và mỗi tuần một kỳ hai trang cho tuần báo Đời và hai truyện dài khác đăng trên hai tuần báo Quần Chúng và Khởi Hành.

“Văn chương feuilleton hấp dẫn sinh động, tình tiết éo le, rất đời, lôi kéo hàng nghìn độc giả mải mê mỗi ngày. Người đọc tứ phương khoái chí gửi thư về tòa soạn ngợi khen tác giả – có khi tôi nhận hàng đống thư tại tòa soạn – nhưng phải trả cái giá chính nó: cứ là ‘văn feuilleton.’ Rất nhiều nhà văn in truyện feuilleton thành sách bán chạy như tôm tươi. Nếu muốn giàu thì cứ in. Nhưng nó, theo tôi, vẫn cứ là văn chương nhật báo. Một dạng Quỳnh Dao. Cho đến nay tôi chưa hề in một tác phẩm nào trong hơn hai mươi truyện dài đã đăng hoàn chỉnh trên các nhật báo Sài Gòn.”

Để phục vụ cho nhu cầu viết feuilleton, anh phải viết cực nhanh. “Mỗi 20 phút cho mỗi kỳ nhật báo. Một buổi sáng có thể viết thẳng mạch tàu bài cho mười kỳ nhật báo.” Anh cho biết: “Viết nhanh, cực nhanh đã trở thành một thói quen. Ngồi vào trước máy chữ (…) hít thở mạnh, là nhập hồn. Thuở ấy nhiều anh em làm báo tỉnh… đến tìm tôi xin bài, tôi mời quý anh ngồi đấy, uống cà phê nhé, và tôi gõ một thôi là có bài đưa ngay, mà rất ngon xơi, khỏi phải hẹn hò lần sau trở lại.”

Chú thích: (*) Trích “Lời giới thiệu của người phỏng vấn” Lý Đợi

 

Trần Doãn Nho/Người Việt (10.11.2021)

 

Nhà văn Cung Tích Biền, tên thật là Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Quảng Nam, cựu sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, hiện định cư ở Midway City, Orange County, California, Hoa Kỳ. Đã xuất bản hàng chục tác phẩm trước và sau 1975, trong đó có một số tác phẩm được in chui ở Việt Nam. Hiện còn rất nhiều tác phẩm khác đã từng được đăng báo nhưng chưa hề xuất bản.