Chuyên gia Dereck Grossman: Trung cộng tự đánh mất uy tín bởi những chính sách của mình ở Biển Đông

 

Nhiều nhà lãnh đạo, cựu lãnh đạo và các đại sứ đã nêu ý kiến tại Hội nghị Biển Đông lần thứ 13 đang diễn ra ở Hà Nội. Trong đó, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao Dereck Grossman cho rằng, chính sách của Trung cộng ở biển Đông đang gây ra nhiều hậu quả với uy tín của chính nước này.

© Ảnh : TTXVN – Bùi Lâm Khánh

Tuyên bố chủ quyền với hơn 90% ở Biển Đông của Trung cộng là một vi phạm nghiêm trọng

Như Sputnik đã đưa tin, Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 13 với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn” đang được diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 18 và 19/11.

Hội thảo do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, có sự tham dự trực tiếp của hơn 180 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục, 90 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm 15 đại sứ).

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định trong một năm qua, tình hình biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới.

Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá biển Đông với vai trò chiến lược trong khu vực và thế giới đã chứng kiến nhiều tranh chấp trong quá khứ cũng như hiện tại.

Ông Dereck Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại Tổ chức RAND (Mỹ), cho rằng chính sách của Trung cộng ở biển Đông đang gây ra nhiều hậu quả với uy tín của chính nước này trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trong hơn 1 thập kỷ qua, sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung cộng ở biển Đông đã gây ra mối lo ngại cho nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực.

Cụ thể, khu vực lãnh hải “Đường 9 đoạn” (hay còn được gọi là ‘Đường lưỡi bò’) mà Trung cộng tự tuyên bố chủ quyền đã được đưa lên diễn đàn Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên trong công hàm ngày 7-5-2009.

Với tuyên bố chủ quyền sở hữu hơn 90% diện tích biển Đông, Trung cộng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu từng khẳng định, vai trò quan trọng của UNCLOS 1982 như “Hiến pháp” của đại dương.

Luật biển 1982 là khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết các thách thức trên biển trong khu vực, bao gồm các thách thức mới nổi lên sau khi Công ước được thông qua.

‘Sức mạnh đàm phán với tư cách một khối rất quan trọng’

Cũng theo chuyên gia Grossman, trong thời gian qua, cùng với sự vươn lên về kinh tế, Trung cộng gia tăng cả về sức mạnh quân sự.

Ông Grossman đặc biệt nhắc đến nguy cơ rủi ro khi Bắc Kinh tiến hành xây dựng và bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Tháng 1/2021, Trung cộng công bố Luật Hải cảnh mới, cho phép lực lượng hải cảnh Trung cộng sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài trong trường hợp cần thiết.

Động thái mới nhất này của Trung cộng gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các cuộc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và làm gia tăng vòng xoáy căng thẳng ở biển Đông.

Ông Dereck Grossman cho rằng COC được đàm phán thảo luận trong 25 năm qua song chưa thể đi đến ký kết, bởi hành vi của Trung cộng đi ngược với quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông. Gần đây, Trung cộng đã thay đổi cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn nhưng ông Grossman nhận định điều này vẫn không thể thay đổi những vấn đề cốt lõi.

 

Đồng quan điểm, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đánh giá mục tiêu độc chiếm Biển Đông của Trung cộng về lâu dài không thay đổi, song cách tiếp cận có chút dịch chuyển.

Thay vì độc đoán, cưỡng ép như trước đây, Bắc Kinh hiện đã chuyển hướng sang phương thức ngoại giao hơn, như đang xúc tiến các thỏa thuận song phương với các nước trong khu vực để cùng thăm dò và khai thác tài nguyên.

Theo ông Grossman, năm 2022, ASEAN cần thảo luận trọng tâm về các giải pháp ở biển Đông nhằm giải quyết các vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế. Ông Rudd nhấn mạnh về sự đoàn kết của ASEAN để đưa ra tiếng nói của tập thể:

“Sức mạnh đàm phán với tư cách một khối rất quan trọng. Mỗi quốc gia trong ASEAN cần phối hợp, đoàn kết, đưa ra tiếng nói chung mạnh mẽ hơn”.

Cũng theo cựu Thủ tướng Úc, sự đoàn kết và thống nhất trong cả 10 nước ASEAN còn giúp bảo đảm việc tuân thủ và thực thi đầy đủ các công cụ luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982.

Theo đó không chỉ đóng góp vào sự thống nhất và đoàn kết của khối mà còn mang lại tương lai bền vững và ổn định trong khu vực.

Sputnik (19.11.2021)

 

 

Chuyên gia cảnh báo dã tâm của Trung cộng dù có cách tiếp cận “mềm mại” hơn

Hành vi đưa ra tuyên bố chủ quyền đơn phương ở Biển Đông gây bất lợi lớn cho uy tín Trung cộng. Đó cũng là lý do phía Bắc Kinh thay đổi hướng tiếp cận theo hướng ngoại giao hơn.

TRUNG CỘNG MẤT UY TÍN VÌ HÀNH XỬ Ở BIỂN ĐÔNG

Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của viện nghiên cứu RAND (Mỹ) cho rằng, với sự vươn lên về kinh tế, Trung cộng cũng vươn lên về mặt quân sự, gây quan ngại đối với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt là vấn đề cải tạo đảo nhân tạo của Trung cộng ở Biển Đông trong thời gian qua nhận được nhiều quan ngại của cộng đồng quốc tế, không chỉ gây mất an ninh khu vực mà còn gây ảnh hưởng cho môi trường biển.

Kể từ cuối 2019, Trung cộng cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính. Đầu năm nay, Trung cộng thông qua Luật Hải cảnh mới tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực Biển Đông ngang ngược tuyên bố khu vực Hoàng Sa – Trường Sa coi là vùng nội thủy của Trung cộng…, ông Grossman dẫn chứng.

Hành vi của Trung cộng đi ngược lại những cam kết trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đặc biệt là vấn đề cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo và làm chậm lại quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trung cộng là cường quốc, nhưng việc tự đưa ra tuyên bố chủ quyền đơn phương, gây bất lợi lớn cho uy tín Trung cộng.

Đó cũng là lý do phía Bắc Kinh thay đổi hướng tiếp cận theo hướng ngoại giao hơn, nhưng chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi liên quan tới hòa bình, ổn định, an ninh, chuyên gia người Mỹ cho hay.

Cùng chung nhận định, ông Kevin Rudd, Nguyên Thủ tướng Australia, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viện Chính sách Xã hội Châu Á (Asia Society) cho rằng, cách tiếp cận của Trung cộng đã có thay đổi, thay vì hành vi cưỡng ép, chuyển sang cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn. Trung cộng đã có những thỏa thuận thăm dò khai thác tài nguyên chung với các nước khu vực

Tuy nhiên, về lâu dài, chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung cộng không thay đổi, ông nói.

Giáo sư Stephen R. Nagy, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật cho rằng, trong nhiều năm qua, Trung cộng luôn đẩy mạnh sự hiện diện của mình cũng như có những cách tiếp cận đàm phán song phương với các quốc gia trong khu vực, tránh đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp.

Chiến lược của Trung cộng trong thời gian gần đây đã có sự thay đổi một chút trong việc giải quyết các tranh chấp về Biển Đông, chuyển hướng sang các biện pháp về ngoại giao nhiều hơn.

KHÔNG THỂ GIẢI QUYẾT BẰNG DỌA NẠT HAY CƯỠNG ÉP

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, các hành xử của Trung cộng ở Biển Đông như liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng và muốn gạt các nước lớn ra bên lề vấn đề Biển Đông không thể giải quyết vấn đề ở Biển Đông.

Việc Trung cộng vẫn theo đuổi cách tiếp cận đàm phán song phương khó giải quyết được vấn đề vì không chỉ có nước này và các nước ven biển mà còn có các nước khác trong khu vực mà các nước như Anh, Úc, Mỹ… đều có hoạt động và lợi ích, mối quan tâm trong việc duy trì an ninh, hòa bình, ổn định ở Biển Đông – tuyến hàng hải có vai trò quan trọng.

Sự cạnh tranh trong khu vực là một vấn đề đa phương cần giải quyết theo cách tiếp cận đa phương, dựa trên nguyên tắc pháp quyền và luật pháp quốc tế chứ không thể bằng dọa nạt hay cưỡng ép, GS Nagy nhấn mạnh.

Về việc vi phạm EEZ của các quốc gia ven biển, GS Nagy cho rằng, hành động của Trung cộng làm xói mòn dần các tuyên bố chủ quyền của các bên liên quan trong khu vực ở Biển Đông và Biển Hoa Đông thông qua chiến thuật vùng xám.

Yoji Koda – Phó Đô đốc, nguyên Tư lệnh hạm đội phòng vệ Nhật Bản cho rằng, Ấn Độ, Mỹ, Nhật không phải là ngoài cuộc vì vấn đề Biển Đông không phải chỉ là của quốc gia duyên hải hoặc Trung cộng mà Biển Đông là vùng biển quốc tế. Quyền tự do ở vùng biển quốc tế cần phải được công nhận và duy trì bởi các quốc gia trên thế giới.

Về hành động liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung cộng thời gian qua, ông Koda cho rằng đối với Trung cộng, EEZ theo UNCLOS chẳng có nghĩa lý gì. Với Trung cộng, “những gì Trung cộng làm” mới là quy tắc, quy định thực sự và chuẩn mực quốc tế. Đây là tập quán lâu đời hàng nghìn năm của tất cả các triều đại của Trung cộng.

VietBF (19.11.2021)

 

 

Việt Nam lên tiếng việc tàu Trung cộng phun vòi rồng ở Trường Sa

Bà Lê Thị Thu Hằng – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (ảnh: Dân Trí/TVPL).

Bà Lê Thị Thu Hằng – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại cuộc họp báo chiều nay (18/11) đã lên tiếng vụ 3 tàu hải cảnh Trung cộng chặn và phun vòi rồng vào 2 tàu tiếp tế lương thực tại bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, trước đề nghị Việt Nam nêu quan điểm khi Phi Luật Tân lên tiếng việc tàu hải cảnh của Trung cộng dùng vòi rồng chặn đường, ngăn chặn tàu của Phi Luật Tân tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép trên bãi Cỏ Mây thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bà Hằng đã nêu rõ.

Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 trong mọi hoạt động ở khu vực trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình.

001.png

Ảnh chụp màn hình Tiền Phong.

Theo tin trên báo Tiền Phong, trước đó Phi Luật Tân cũng lên án việc 3 tàu hải cảnh Trung cộng phun vòi rồng vào 2 tàu tiếp tế lương thực cho lực lượng đồn trú trái phép của Phi Luật Tân tại bãi Cỏ Mây là hành động bất hợp pháp.

Bãi Cỏ Mây là rạn san hô vòng hình củ cà rốt dài 15km và rộng 5 km nằm trên cửa ngõ chiến lược đến bãi Cỏ Rong.

Năm 1999, Phi Luật Tân đã cho tàu vận tải đổ bộ từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II là BRP Sierra Madre ủi thẳng vào bãi Cỏ Mây, để làm tiền đồn cho một nhóm thủy quân lục chiến và làm cơ sở cho yêu sách của Manila đối với cấu trúc này.

Trong khi đó, Trung cộng cũng ngang nhiên tuyên bố bãi Cỏ Mây là “một phần lãnh thổ nước này”.

Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam nhiều lần tuyên bố có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mọi hành động của các bên tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Đại Kỷ Nguyên (18.11.2021)

 

 

Tuần duyên Trung cộng ‘phun vòi rồng’ tàu Phi Luật Tân gần Bãi Cỏ Mây

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Từ 1999, Phi Luật Tân đã đưa một nhóm nhỏ quân lính tới đóng trên một xác tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây để xác quyết chủ quyền sau khi bị Trung cộng lấy mất Đá Vành Khăn hồi 1995

Manila hôm thứ Năm lên án bằng “những lời lẽ mạnh mẽ nhất” đối với việc các tàu tuần duyên Trung cộng phun vòi rồng vào các tàu tiếp vận của Phi Luật Tân ở vùng biển có tranh chấp tại Quần đảo Trường Sa.

Tin cho hay vụ việc xảy ra hôm thứ Ba 16/11 tại Bãi Cỏ Mây, nơi có tên quốc tế là Second Thomas Shoal, mà Trung cộng gọi là Nhân Ái Tiêu, còn Phi Luật Tân gọi là Kulumpol ng Ayungin.

Ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodo Locsin nói ông đã tỏ thái độ “giận dữ, lên án và phản đối” tới Đại sứ quán Trung cộng tại Manila về vụ việc.

Các tàu vận tải khi đó đang trên đường tới Bãi Cỏ Mây tiếp tế lương thực cho nhóm quân nhân đồn trú trên đó, Phi Luật Tân nói.

Ông Locsin đòi phía Trung cộng phải ‘rút lui’ khỏi khu vực.

“May mắn là không có ai bị thương, nhưng các tàu của chúng tôi đã phải từ bỏ nhiệm vụ tiếp tế,” ông Locsin viết trên Twitter.

Gọi các tàu Phi Luật Tân là tàu ‘công’, ý nói là các tàu dân sự, ông Ngoại trưởng tuyên bố các tàu này được bảo hộ bởi hiệp định phòng thủ chung mà Manila có với Hoa Kỳ.

Ông cũng gọi hành động của các tàu Trung cộng là ‘bất hợp pháp’.

“Trung cộng không có quyền chấp pháp ở bên trong và quanh khu vực này,” ông nói thêm. “Họ cần phải lưu ý điều này và phải rút lui.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,OTHER Chụp lại hình ảnh, Ngoại trưởng Locsin trong thông cáo ra hôm 18/11 ‘nhắc nhở’ Bắc Kinh rằng hoạt động của tàu công Phi Luật Tân được bảo hộ theo hiệp ước phòng thủ chung Hoa Kỳ – Phi Luật Tân

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Triệu Lập Kiên nói rằng hai tàu vận tải của Phi Luật Tân đã đi vào vùng biển gần bãi cạn “mà không được Trung cộng cho phép”, và lực lượng tuần duyên Trung cộng đã hành động hợp pháp để “bảo vệ chủ quyền” nước này.

Ông Triệu nói tình hình hiện thời quanh Bãi Cỏ Mây là yên ổn, hai bên đang duy trì trao đổi thông tin, nhưng từ chối xác nhận việc phía Trung cộng đã dùng vòi rồng tấn công đối phương.

Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã trở nên rất căng thẳng kể từ đầu năm nay, sau vụ hàng trăm tàu Trung cộng được ghi nhận đã tràn vào Đá Ba Đầu (tên quốc tế là Whitsun Reef), cũng thuộc Quần đảo Trường Sa, nơi Manila nói hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của mình.

Bắc Kinh nói đó là các tàu cá vào tránh bão và tránh thời tiết xấu, nhưng Manila nói đó là các tàu thuộc lực lượng dân quân biển của Trung cộng.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh chụp từ vệ tinh hồi 2018 cho thấy Trung cộng đã xây cất các cấu trúc kiên cố và làm một đường băng trên Đá Vành khăn

Trung cộng từ nhiều năm nay đã có tranh chấp với các nước láng giềng về biển Đông.

Với việc đòi áp dụng Đường Lưỡi Bò tuy không có căn cứ pháp lý, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích của vùng biển giàu tài nguyên và có đường giao thông biển huyết mạch của thương mại thế giới.

Đòi hỏi của Trung cộng đã bị Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague bác hồi 7/2016 trong vụ Manila kiện Bắc Kinh, nhưng Trung cộng tuyên bố không chấp nhận nội dung phán quyết này.

Các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền từng phần tại biển Đông bao gồm Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam.

Trong những năm qua, Trung cộng đã chiếm một số bãi đá trên Biển Đông từ tay Phi Luật Tân, trong đó gồm bãi cạn Scarborough hồi 2012, Mischief Reef – nơi Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn – hồi 1995.

Bắc Kinh sau đó đã bồi đắp, xây cất các cấu trúc kiên cố trên Đá Vành Khăn, và tới 2015 xây cất một đường băng cho máy bay tại đây.

Sau vụ để mất Đá Vành Khăn, Phi Luật Tân đã đưa quân tới đồn trú trên một xác tàu mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây gần đó để xác quyết chủ quyền.

BBC (18.11.2021)

 

 

Việt Nam phản đối Đài Loan tập trận ở Trường Sa

Tàu ngầm của Đài Loan ở căn cứ Hải quân Cao Hùng  Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 18/11 lên tiếng phản đối cuộc tập trận mới đây của Đài Loan tại khu vực đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước ở Biển Đông.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo thường kỳ về việc một tàu ngầm Đài Loan tham gia tập trận ở Ba Bình, bà Hằng nhắc lại lập trường quen thuộc của Việt Nam về chủ quyền ở khu vực này:

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật quốc tế”.

Bà Hằng nói rằng mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh đảo Ba Bình là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe doạ hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

“Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai”, bà Hằng nói.

Hồi tuần trước, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Hải quân nước này đã triển khai một tàu ngầm vào tham gia tập trận ở khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng không nói cụ thể thời gian cuộc tập trận.

Taiwan News của Đài Loan dẫn báo cáo của cơ quan phòng vệ đảo Ba Bình cho biết, tàu ngầm Hải Long đã tham gia thường xuyên diễn tập ở khu vực đảo Ba Bình.

Đảo Ba Bình là hòn đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa do Đài Loan chiếm đóng nhưng cả Việt Nam và Trung cộng đại lục cũng đòi chủ quyền đối với đảo này.

Trong khi đó, tại hội thảo Biển Đông do Học Viện Ngoại giao cùng các đối tác tổ chức hôm 18/11 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu nhận định tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới. Ông nói rằng những diễn biến và phát triển ở Biển Đông sẽ dễ dàng trở thành tiền lệ được nhân lên trong toàn bộ khu vực và ở các khu vực khác trên thế giới.

RFA (18.11.2021)

 

 

Lần đầu tiên Mỹ-Nhật tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông

Ảnh minh họa: Khu trục hạm Nhật Bản JS Akizuki tập huấn cũng với hai khu trục hạm Mỹ USS Milius (phía sau) và USS Higgins trên Biển Đông ngày 19/10/2021. © U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Christine Montgomery

Theo thông báo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hôm nay, 17/11/2021, hải quân Nhật và Hoa Kỳ hôm qua đã mở một cuộc tập trận chống tàu ngầm đầu tiên tại vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Theo trang mạng USNI của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, tham gia cuộc tập trận về phía Nhật có một tàu ngầm lớp Oyashio, cùng với hai khu trục hạm chở trực thăng Kaga và Murasame, và một máy bay tuần tra biển. Phía hải quân Mỹ thì huy động khu trục hạm USS Milius và một máy bay tuần tra biển.

Đây là lần đầu tiên một tàu ngầm của hải quân Nhật Bản tham gia một cuộc thao dượt chống tàu ngầm với quân đội Mỹ tại vùng Biển Đông. Vào tuần trước, hai khu trục hạm Kaga và Murasame của Nhật cũng đã diễn tập với tàu USS Milius của Mỹ trên vùng Biển Đông và sau đó đã ghé thăm vịnh Subic của Phi Luật Tân vào cuối tuần. Sau khi rời Subic, hai tàu này đã thao dượt chung với một chiến hạm của Phi Luật Tân.

Cuộc tập trận chống tàu ngầm Mỹ-Nhật diễn ra sau khi vào tuần trước Đài Loan cũng đã điều một trong hai tàu ngầm tối tân nhất của hòn đảo này đến Biển Đông để tham gia tập trận hải quân ở vùng Biển Đông, gần đảo Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình).

Cũng theo trang mạng USNI News, hải quân Nhật đã ra hai thông cáo về các cuộc thao dượt quân sự sắp tới ở Nhật. Thứ nhất là các cuộc diễn tập rà phá mìn với hải quân Mỹ từ ngày 18 đến 28/11 ở vùng biển Huyga Nada, ngoài khơi đảo Kyushu. Thứ hai là các cuộc tập trận hải quân song phương Mỹ Nhật và tập trận đa phương ở các vùng biển chung quanh Nhật Bản từ ngày 21 đến 30/11.

Những cuộc tập trận nói trên diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ hiện đang gia tăng hợp tác quân sự với các cường quốc khu vực để đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung cộng ở vùng Biển Đông.

RFI (18.11.2021)

 

 

Việt Nam nêu phản ứng về các hành động quân sự của Đài Loan, Trung cộng ở Trường Sa

Hôm 18/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về các hành động quân sự riêng biệt của Đài Loan, Trung cộng ở quần đảo Trường Sa mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền.

Phản ứng trước tin tức cho rằng một tàu ngầm của Đài Loan đã tham gia tập trận hải quân ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.”

Vừa qua một tàu ngầm của Đài Loan đã tham gia tập trận hải quân ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 9/11.

Báo cáo này xác nhận rằng tàu ngầm Hải Long (Hai Lung – Sea Dragon) thuộc Hạm đội 256 của Đài Loan đã tham gia thành công một số hoạt động bao gồm diễn tập bắn tên lửa của hải quân và không quân, diễn tập tuần tra định kỳ và tác chiến chiến thuật gần Itu Aba, tức đảo Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan không nói rõ thời gian và chi tiết của cuộc tập trận, nhưng cho biết tàu ngầm có vai trò “bảo vệ các tuyến đường biển trong thời kỳ hòa bình”.

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai”, bà Hằng nhấn mạnh.

Liên quan đế việc tàu hải cảnh của Trung cộng dùng vòi rồng ngăn chặn tàu của Phi Luật Tân khi tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, bà Hằng nói: “Lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vấn đề Biển Đông nói chung là rõ ràng và nhất quán”.

“Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) trong mọi hoạt động ở trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực,” bà Hằng cho biết thêm.

Hôm 16/11, ba tàu hải cảnh Trung cộng đã có hành động cản trở, phun vòi rồng nhằm vào hai tàu Phi Luật Tân khi đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho lực lượng trên Bãi Cỏ Mây, theo Reuters và AP.

Ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin hôm 18/11 nói rằng “hành vi cản phá của tàu Hải cảnh Trung cộng là bất hợp pháp”. Ông đồng thời cảnh báo việc Bắc Kinh hành động thiếu kiềm chế sẽ đe dọa đến quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Ngoại trưởng Locsin cho biết thêm rằng không có ai bị thương trong sự cố này. Tuy nhiên, các tàu thuyền của Phi Luật Tân đã phải hủy bỏ nhiệm vụ và quay về bờ.

Phi Luật Tân coi Bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal) trên quần đảo Trường Sa là thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ, trong khi đó Trung cộng, Việt Nam, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này. Phi Luật Tân quản lý Bãi Cỏ Mây từ năm 1999 cho đến nay.

VOA (18.11.2021)

 

 

‘EU ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp xung quanh Biển Đông’

Cờ của EU bên ngoài trụ sở chính ở Bỉ.

Tuyên bố này được Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đưa ra hôm 18/11 nhân việc Học viện Ngoại giao thuộc quản lý của Bộ Ngoại giao Việt Nam đăng cai tổ chức Hội thảo về Biển Đông lần thứ 13.

Theo tin từ Phái đoàn này, Đại sứ EU Giorgio Aliberti đã tham gia sự kiện này với tư cách là người điều hành phiên họp đầu tiên mang tên “Biển Đông trong một bối cảnh đang chuyển dịch”.

Cơ quan ngoại giao này cho biết rằng phiên thảo luận “phản ánh những diễn biến trên Biển Đông trong những năm qua và những lợi ích to lớn đối với hòa bình, ổn định và trật tự trên biển”.

Phái đoàn Liên minh châu Âu cho biết thêm rằng cùng ngày, Giám đốc điều hành Cơ quan Ngoại giao châu Âu Herczynski cũng tham gia hội nghị với tư cách là diễn giả chính về nội dung “xây dựng hợp tác và kết nối Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Phái đoàn Liên minh châu Âu viết trên Facebook rằng “EU ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp xung quanh Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các cơ chế giải quyết tranh chấp” và rằng “EU cũng ủng hộ tiến trình do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý ở Biển Đông”.

Cơ quan ngoại giao này viết thêm rằng “sản phẩm cuối cùng của các cuộc đàm phán phải là Bộ quy tắc ứng xử công bằng, cân bằng và bình đẳng, dựa trên sự hội tụ lợi ích của tất cả các bên liên quan và không được làm phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba”.

Liên quan tới Hội thảo về Biển Đông lần thứ 13 này, Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu rằng “trong một năm qua, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới”.

Ông Hiệu được trích lời nói thêm rằng “trong khi Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS” và rằng “quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ”.

“Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc tới mọi mặt của thế giới. Vì vậy, thế giới đang cần chung tay, hợp tác vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế và nỗ lực thực hiện các mục tiêu toàn cầu, vì một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Hiệu nói thêm, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng về thông tin về việc mới đây một tàu ngầm của Đài Loan đã tham gia tập trận hải quân ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa cũng như việc Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân lên tiếng chỉ trích tàu hải cảnh của Trung cộng dùng vòi rồng ngăn chặn tàu của Phi Luật Tân tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

VOA (18.11.2021)

 

 

Liệu Việt Nam có thể dựa vào Nga ở Biển Đông?

Dương Anh Sơn

Hình minh hoạ: Mỏ Lan Tây nơi công ty Rosneft của Nga có cổ phần ngoài khơi Vũng Tàu hôm 29/4/2018  Reuters

Sự nồng ấm của quan hệ Việt – Nga

Việt Nam và Nga đang tìm cách tăng cường quan hệ về nhiều mặt. Năm 2020, Việt Nam và Liên bang (LB) Nga kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2021 tròn 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – LB Nga, và năm 2022 hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ thương mại tăng trưởng mạnh

Quan hệ kinh tế thương mại Việt – Nga đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, cho dù Đại dịch COVID-19. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2020 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu từ LB Nga sang Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, tăng 42,9%; nhập khẩu hàng hóa của LB Nga từ Việt Nam tăng đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng 6,9%. Năm 2021, thương mại Việt Nam – LB Nga tiếp tục tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước 7 tháng đầu năm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Nga đạt 924 triệu USD, tăng 13,3%; xuất khẩu của Việt Nam đạt 28,1%. Dự kiến trong năm nay, thương mại song phương Việt Nam – LB Nga sẽ đạt mức khoảng 6,5 tỷ USD (1).

Các công ty dầu khí lớn của Nga như Rosneft, Zarubezhneft và Gazprom đều có các dự án đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Chỉ tính riêng liên doanh Vietsovpetro đã chiếm khoảng 1/3 sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam (2).

Quan hệ quốc phòng là nền tảng

Trong 20 năm qua, Điện Kremlin đã và đang từng bước gia tăng ảnh hưởng tại Việt Nam, mặc dù còn kém xa so với quan hệ Việt – Xô trước đây. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hải quân Liên Xô đã tích cực sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh – Một căn cứ quan trọng án ngữ ở Biển Đông, từ năm 1979. Căn cứ này đã từng được Hoa Kỳ xây dựng và sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam. Năm 1984, Việt Nam và Liên Xô đã ký thỏa thuận về việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồn trú quân sự trên vịnh. Theo thỏa thuận, các cơ sở được xây dựng sẽ được Hải quân Liên Xô vận hành cho đến năm 2004. Nhưng đến năm 2002 – chưa đầy ba năm sau khi Vladimir Putin lên nắm quyền – hạm đội Nga đã rời khỏi Cam Ranh, chuyển giao tất cả các cơ sở cho phía Việt Nam.

Nga hiện đang là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đông Nam Á, trong đó riêng Việt Nam là khách hàng lớn về vũ khí của Nga. Mặc dù người ta ước tính rằng trong suốt những năm 1980, Moscow đã cung cấp cho Việt Nam trung bình một tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm và một tỷ USD hỗ trợ kinh tế hàng năm, sau khi Liên Xô sụp đổ, Điện Kremlin đã mất đi ảnh hưởng đáng kể tại quốc gia này. Giờ đây, Nga đang tìm cách lấy lại vị thế đã mất.

Việt Nam cũng tìm thấy ở Nga những lợi ích nhất định. Các hợp đồng khai thác dầu khí với Nga là một cách để cân bằng quan hệ các cường quốc tại khu vực Biển Đông đầy biến động. Đồng thời, Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam trước bối cảnh Trung cộng càng ngày càng hung hăng, đe doạ Việt Nam ở Biển Đông. Để chống lại sức mạnh của Trung cộng, Việt Nam chủ yếu cần các khoản đầu tư vũ khí và năng lượng của Nga ở Biển Đông. Ngoài vũ khí, các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước hoặc bán nhà nước của Nga còn vận hành các công ty con ở nước ngoài tại những nơi mà Trung cộng tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn”.

Hợp tác quốc phòng dường như là một trụ cột chính trong nỗ lực của Nga nhằm tăng cường quan hệ quân sự với Hà Nội và đảm bảo Moscow có một ảnh hưởng đáng kể ở Đông Nam Á.

Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc gặp với hầu hết những người đồng cấp ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần thứ tư vào ngày 28/10 vừa qua. Cuối hội nghị, hai bên nhất trí Kế hoạch hành động toàn diện cùng với các sáng kiến khác nhằm “tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gồm hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội và phát triển”. Sự tham gia của Tổng thống Putin cho thấy Nga đặt ưu tiên tương đối cao vào việc mở rộng dấu ấn của Moscow trong khu vực.

Với mối quan hệ truyền thống đã có từ thời Liên Xô, Việt Nam được coi là cầu nối quan trọng giữa Nga đối với thị trường của nhiều nước khu vực Đông Nam Á này.

Liệu Việt Nam có thể dùng Nga để đối trọng với Trung cộng?

Mặc dù không phải là một liên minh chính thức, nhưng Việt Nam hy vọng mối quan hệ với Nga sẽ giúp Việt Nam có được sự hậu thuẫn quốc tế khi Hà Nội tìm cách đẩy lùi sự gây hấn của Trung cộng và có một số chỉ dấu cho thấy mối quan hệ này có giá trị. Khả năng chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2AD) của Việt Nam có được nhờ Nga phần nào giảm thiểu sự mất cân bằng quân sự nghiêm trọng giữa Hà Nội và Bắc Kinh bằng cách tạo ra một chiến lược phong tỏa biển bất đối xứng cho một cuộc xung đột tiềm ẩn trên biển. Phía Việt Nam vẫn nghĩ rằng, tại Biển Đông, Trung cộng mặc dù vẫn có thể gây áp lực với các công ty năng lượng của Nga, nhưng những công ty này của Nga sẽ có khả năng “chống lại” sự đe doạ của Bắc Kinh tốt hơn các công ty của các quốc gia khác mà không đủ sự hậu thuẫn chính trị đằng sau. Việc Nga đang hoạt động ở Biển Đông sẽ khiến Trung cộng phải suy nghĩ thận trọng trước những động thái quá hung hăng (3).

Tuy nhiên, hy vọng này của Hà Nội rõ ràng phải đối mặt với một số rào cản vì “Moscow quan tâm đến “quan hệ với Bắc Kinh để chống lại Mỹ” hơn là “ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á”. Không có kịch bản nào dự đoán rằng Nga sẽ hy sinh quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng với Trung cộng vì Hà Nội hoặc Naypyidaw (4).

Cụ thể, Nga công khai duy trì lập trường trung lập được tính toán cẩn thận đối với tranh chấp Biển Đông phù hợp với mong muốn của Trung cộng, cho dù Nga cũng đang triển khai các dự án năng lượng trên vùng biển này. Theo Grigory Lokshin, một chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga: “Chính sách của Nga ở Đông Nam Á nói chung, bao gồm cả Việt Nam, là một phần của cuộc chơi toàn cầu tuyệt vời mà ở đó, với tư cách là một đối tác, không thể chống lại Trung cộng và thường ám chỉ Trung cộng và đôi khi ủng hộ khá cởi mở về một số vấn đề. Tuy nhiên, vì hợp tác Nga-Trung vẫn còn lâu mới tạo thành một liên minh quân sự, nên quan hệ Nga-Trung và Nga-Việt ở giai đoạn này vẫn là hoạt động kinh doanh song phương thuần túy của các quốc gia này.” (5)

Chính vì vậy, trò chơi “đu dây” của Việt Nam khi muốn dùng Nga làm đối trọng với Trung cộng trên biển Đông khó mà thực hiện được, bởi vì với sự gần gũi ngày càng tăng của Nga với Trung cộng có nghĩa là sự giúp đỡ của Moscow đối với Hà Nội chỉ ở mức thấp vì rốt cuộc, Nga sẽ không để quan hệ với Bắc Kinh bị tổn hại.

RFA (18.11.2021)