Việt Nam trở thành ‘nhà tù’ lớn thứ 3 thế giới đối với tự do báo chí

Tự do báo chí ở Việt Nam đã trở nên xấu đi trong năm qua khi hàng chục nhà báo bị bắt giữ, khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành nơi có nhiều nhà báo bị giam sau xong sắt thứ 3 trên thế giới.

Việc Việt Nam kết án tù thêm hàng chục nhà báo trong năm 2021 khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành “nhà tù” lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Myanmar

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ghi nhận con số lớn nhất từ trước tới nay những người viết báo đang bị cầm tù trên toàn cầu.

Thống kê hàng năm mới được RSF công bố cho biết một con số kỷ lục các nhà báo – 488, trong đó có 60 phụ nữ – đang bị giam giữ trong các nhà tù trên toàn thế giới, trong khi 65 người khác đang bị bắt giữ làm con tin tính đến giữa tháng 12 vừa qua. Theo tổ chức chuyên vận động cho tự do báo chí, độc lập và đa nguyên trên toàn cầu, những nhà báo này bị bỏ tù và bị bắt giữ chỉ vì họ làm công việc của mình và con số này tăng hơn 20% so với cùng thời gian này năm trước đó, chủ yếu do các vụ trấn áp đối với báo chí ở Myanmar, Belarus và Hong Kong.

Với 43 nhà báo bị giam cầm sau xong sắt, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc, với 127 người, và Myanmar, với 53 người hoạt động báo chí đang thụ án tù. Năm ngoái, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất – sau Trung Quốc, Ả-rập Xê-út và Ai Cập – với 28 người.

“Chưa bao giờ có nhiều nhà báo và các blogger vì lợi ích cộng đồng phải ngồi tù như lúc này (ở Việt Nam),” Trưởng ban châu Á-Thái Bình Dương của RSF, Daniel Bastard, nhận định với VOA. “Việt Nam là nhà tù lớn thứ 3 của thế giới đối với các nhà báo, ngay sau các chế độ chuyên quyền như Trung Quốc của Tập (Cận Bình) và Myanmar do chính quyền quân nhân cai trị.”

Con số thống kê số lượng nhà báo đang bị giam cầm của Việt Nam được đưa ra trước khi Toà án Nhân dân TP Hà Nội xét xử nhà báo tự do Lê Trọng Hùng và tuyên phạt người thường phơi bày vấn nạn tham nhũng trong nước 5 tù vì “tuyên truyền chống nhà nước” hôm 31/12.

Trước đó trong tháng, bốn nhà bất đồng chính kiến, trong đó có nhà báo nổi danh Phạm Đoan Trang, cũng đã bị đưa ra xét xử và nhận các bản án từ 6 đến 10 năm tù.

Thống kê của RSF cho biết Việt Nam giam giữ 43 nhà báo tính đến giữa tháng 12 vừa qua.

Theo RSF, Việt Nam nằm trong số những quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nữ, bên cạnh Belarus – nước giam giữ nhiều nhà báo nữ hơn nam – cùng Myanmar và Iran. Số lượng nhà báo nữ được RSF thống kê nhiều hơn bao giờ hết và chiếm 12.3% tổng số những người làm báo bị bỏ tù, tăng gần gấp đôi so với 4 năm trước đây. Trung Quốc cũng là nước giam giữ nhiều nhà báo nữ nhất với 19 người.

Thống kê của tổ chức có trụ sở ở Paris cho thấy hiện có bốn nhà báo nữ đang bị giam cầm ở Việt Nam, trong đó có bà Trang, người từng được RSF trao giải Tự do Báo chí hạng mục Tầm ảnh hưởng. Nữ nhà báo bất đồng chính kiến được quốc tế công nhận vì sự đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam bị kết án 9 năm tù hôm 14/12.

Trước đó trong năm 2021, Việt Nam cũng đã đưa ra xét xử một loạt các nhà báo, trong đó có Hội Nhà báo Độc lập vào tháng 1 và Nhóm Báo Sạch vào tháng 10.

Tình hình tự do báo chí ở Việt Nam hiếm khi tồi tệ như hiện tại trong lịch sử đương đại ở đây.

Daniel Bastard, giám đốc ban châu Á-Thái Bình Dương của RSF

Ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc Lập và blogger của VOA, là một trong số 2 nhà báo duy nhất trên thế giới, theo thống kê của RSF, bị tuyên án nặng nhất với 15 năm tù trong năm 2021. Người cũng nhận bản án dài tương tự trong năm vừa qua là nhà báo Ả-rập Xê-út gốc Yemen, Ali Aboluhoom.

Theo RSF, việc ông Dũng lập ra Hội Nhà báo Độc lập “là một sự bất thường trong một đất nước mà tất cả các phương tiện truyền thông được cho là phải tuân theo đường lối của Ban Tuyên giáo” và án tù nặng cho nhà báo Phạm Chí Dũng cho thấy “lập trường cứng rắn hơn của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện tại ở Hà Nội.”

“Tình hình tự do báo chí ở Việt Nam hiếm khi tồi tệ như hiện tại trong lịch sử đương đại ở đây,” ông Bastard nói và cho rằng chính phủ Việt Nam tăng cường trấn áp các nhà báo bất đồng chính kiến trong năm qua một phần do sự làm ngơ của cộng đồng quốc tế.

“Rõ ràng là các ràng buộc thương mại đã che khuất khiến nhiều chính phủ phương Tây không tính đến việc thẳng tay đàn áp tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay cũng như sự độc quyền hoá bộ máy hành chính của những người trung thành với Đảng Cộng sản do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu,” ông Barstard nói và kêu gọi các chính phủ ở châu Âu và Bắc Mỹ “có các biện pháp nghiêm túc và áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu” chống lại các đảng viên Cộng sản Việt Nam chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp các nhà báo bất đồng chính kiến.

Việt Nam được xem là không có tự do báo chí khi bị RSF xếp hạng 175/180 trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí 2021. Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội luôn phản bác các chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam và nói rằng chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị bỏ tù ở đây. Sau khi nhóm Báo Sạch bị kết án tổng cộng 14 năm tù cuối tháng 10 vừa qua, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng phủ nhận việc gọi 5 thành viên của nhóm này là các “nhà báo” và nói rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.”

Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên minh châu Âu đã lên án vụ xét xử nhóm Báo Sạch và các bản án dành cho những nhà báo khác trong năm qua ở Việt Nam, đặc biệt đối với nhà báo Phạm Đoan Trang. Tuy nhiên các tổ chức nhân quyền và những nhà hoạt động vì dân chủ cho rằng phản ứng của các chính phủ phương Tây chưa đủ và phải có các biện pháp cứng rắn hơn đối với việc đàn áp của Hà Nội.

“Thế giới không chỉ tiếp tục nhìn tình hình tự do báo chí ngày càng xấu đi ở Việt Nam mà không có hành động gì,” ông Bastard nói. “Các nhà báo và những blogger vì lợi ích cộng đồng đang phải trả một cái giá rất đắt để tìm cách thông tin cho những đồng bào của mình và cả thế giới về những gì đang thực sự xảy ra ở đất nước họ. Những quốc gia từng tuyên bố được thúc đẩy bởi các giá trị nhân quyền phổ quát phải hành động tương ứng và kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam.”

VOA (06.01.2022)

 

 

Hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm kháng cáo bản án sơ thẩm

Hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm  AFP/RFA edited

Hai nhà hoạt động đưa nhiều tin tức về vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm là bà Nguyễn Thị Tâm và ông Trịnh Bá Phương, quyết định kháng cáo bản án mà tòa sơ thẩm áp đặt lên họ. 

Theo văn bản của Tòa án nhân dân Hà Nội gửi cho Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội, hai bị cáo và luật sư đề ngày 5 tháng 1, thông báo rằng hai người đã nộp đơn kháng cáo bản án của tòa sơ thẩm. 

Thông báo cho biết, ông Trịnh Bá Phương nộp đơn kháng cáo vào ngày 22 tháng 12 năm 2021 với nội dung “kháng cáo toàn bộ bản án, bị cáo cho rằng mình không có tội”. 

Còn bà Nguyễn Thị Tâm cũng làm việc này một ngày sau đó, hôm 23 tháng 12 và cho rằng “bị cáo không chống phá Nhà nước, hành vi của bị cáo chỉ là vi phạm hành chính, bị cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chuyển xử lý hành chính hoặc thay đổi sang một tội khác nhẹ hơn, bị cáo đề nghị được nhận lại đầu thu camera và máy tính” – thông báo của Thẩm phán Trần Nam Hà thể hiện. 

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, bà Nguyễn Thanh Mai, con gái của bà Tâm cho biết:

“Hôm qua, hai luật sư bảo vệ của mẹ tôi thông báo lại cho tôi và gửi hình giấy thông báo được gửi về cho văn phòng luật sư. Bây giờ các luật sư lại phải đợi cái giấy chứng nhận của toà cấp cao để được bào chữa cho phiên phúc thẩm, thì lúc đấy mới đủ tư cách để vào thăm gặp người nhà mình ở trong trại giam. 

Bây giờ thì cũng không làm được gì ngoài việc chờ đợi thôi, họ không cấp cho mình một giấy tờ gì cả, nên chỉ biết chờ. Họ đang gây khó dễ, không muốn cho luật sư vào gặp sớm.”

Trước đó, hôm 15 tháng 12 năm 2021, hai người bị tòa án Hà Nội xét xử dưới cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước”. Với kết quả là ông Phương nhận bản án 10 năm tù, còn bà Tâm phải chịu án sáu năm.

Mặc dù đơn kháng cáo của hai nhà hoạt động này được gửi đi chỉ một tuần sau khi kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, nhưng phải đến hôm mùng 5 tháng 1 năm 2022 thì gia đình mới được biết tin.

Cũng theo bà Mai thì kể từ khi kết thúc phiên toà sơ thẩm, luật sư đã hai lần đến trại tạm giam để đề nghị gặp thân chủ, nhưng phía trại tạm giam từ chối với lý do đã xử xong nên luật sư không còn quyền gặp. 

Ông Phương và bà Tâm bị bắt vào ngày 25 tháng 6 năm 2020, năm tháng sau sự kiện Đồng Tâm. Cùng bị bắt với hai người còn có hai nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư là mẹ và em trai ruột của ông Phương.

Trong phiên xét xử sơ thẩm hôm 15 tháng 12 năm 2021, phía Viện Kiểm sát và thẩm phán đã dành phần lớn thời gian để chất vấn hai nhà hoạt động này về việc họ lên tiếng trên mạng xã hội về sự kiện Đồng Tâm. 

RFA (06.01.2022)

 

4 lý do Việt Nam nên mời Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo đến làm việc

 

Ảnh trái: Ông Ahmed Shaheed, người hiện giữ vai trò Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Liên Hợp Quốc. Ảnh phải: Cảnh sát tấn công vào đám tang nhà sáng lập đạo Dương Văn Mình, ngày 12/12/2021. Nguồn: UN, RFA.

Năm 2021 là năm mà dịch COVID-19 kéo dài, đồng nghĩa với việc hoạt động tôn giáo cũng bị gián đoạn. Tuy nhiên, không vì vậy mà chính quyền cho phép các nhóm tôn giáo độc lập tại Việt Nam được bình yên.

Đầu năm 2021, năm tín đồ Hội thánh Tin Lành Đấng Christ bị chính quyền kiểm điểm công khai, buộc họ phải cam kết từ bỏ hội thánh trước mặt người dân. [1] Cuối năm, chính quyền tỉnh Tuyên Quang bố ráp, bắt giam các tín đồ đạo Dương Văn Mình ngay trong đám tang ông Dương Văn Mình. [2]

Nhiều năm qua, tình hình tôn giáo tại Việt Nam thường xuyên bị quốc tế lên án. Năm 2021, trong phiên điều trần về báo cáo tự do tôn giáo quốc tế, Quốc hội Đức đã chỉ trích Việt Nam đàn áp nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

Trong khi đó, chính quyền vẫn cho rằng đã đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người dân sau ba năm thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. [3]

Kịch bản bất đồng diễn ra liên tục trong thời gian qua. Có một cơ chế của Liên Hiệp Quốc (LHQ) có thể giải quyết được bất đồng này. Đó là mời Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo, tín ngưỡng đến Việt Nam.

***

Báo cáo viên Đặc biệt (BCV ĐB), hay Special Rapporteur trong tiếng Anh, là một cơ chế đặc biệt của LHQ. Các báo cáo viên được Hội đồng Nhân quyền bổ nhiệm để làm việc độc lập, không nhận lương. Nhiệm vụ chính của họ là báo cáo và tham vấn theo lĩnh vực nhân quyền hoặc theo quốc gia được chỉ định. [4]

Hai hoạt động phổ biến của BCV ĐB là lên tiếng cho những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình qua việc gửi thư yêu cầu chính phủ các nước trả lời về từng vụ việc, và được các chính phủ mời đến làm việc để đưa ra các đánh giá độc lập.

Việt Nam đã hai lần đón BCV ĐB của LHQ về tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Lần đầu là vào năm 1998, và sau chuyến làm việc này đã có một số tôn giáo được tái hoạt động. Lần thứ nhì vào năm 2014, khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đang được soạn thảo.

Nếu chính quyền tin rằng “cây ngay không sợ chết đứng” thì việc sử dụng cơ chế của LHQ là một trong những cách phản biện hiệu quả với quốc tế. Sau đây bốn lý do chính quyền cần sớm sử dụng cơ chế này.

Khả năng bị Mỹ liệt vào danh sách “cần quan tâm đặc biệt”

Bất đồng về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam đang là rào cản lớn trong hợp tác với quốc tế. Mỹ là một đối tác đặc biệt với Việt Nam. Nước này có đạo luật riêng để trừng phạt các quốc gia vi phạm nghiêm trọng quyền về tự do tôn giáo.

Năm 2021, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế, một cơ quan thuộc Quốc hội Mỹ, đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách “Các Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt” (Country of Particular Concern – CPC). [5]

Việt Nam bị liệt vào CPC vào các năm 2004, 2005. [6] Khi đó, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế John Hanford đã cho biết Việt Nam “vẫn giam giữ ít nhất 45 tín đồ tôn giáo, những người theo đạo Tin Lành bị ép phải bỏ đạo, một số người bị trấn áp bằng bạo lực”. [7]

Nhiều khả năng, năm 2022, đặc biệt sau vụ dùng vũ lực đối các tín đồ đạo Dương Văn Mình, Việt Nam sẽ bị liệt vào danh sách này.

Chuộc lại cách đối xử tệ hại đối với vị báo cáo viên đặc biệt vào năm 2014

Sau chuyến làm việc năm 2014, BCV ĐB Heiner Bielefeldt đã viết trong báo cáo đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền rằng ông cảm thấy bị chính quyền Việt Nam xúc phạm. [8]

Các chuyến thăm dự kiến của ông đến các tỉnh An Giang, Gia Lai, Kon Tum đã bị ngăn cản do an ninh can thiệp, đe dọa những người chuẩn bị gặp báo cáo viên. Những người gặp gỡ ông trong và sau chuyến thăm đã bị cảnh sát đe dọa, quấy rối thông qua việc thẩm vấn, và thậm chí bị tổn thương về thể xác. Điều này rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc không bị trả thù đối với bất cứ ai hợp tác với các cơ chế nhân quyền của LHQ.

Ông Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng từ năm 2010 – 2016. Sau chuyến thăm Việt Nam vào năm 2014, ông cho biết mình cảm thấy “bị xúc phạm”. Ảnh: UN.

Hành động của chính quyền Việt Nam đối với chuyến thăm của ông Heiner Bielefeldt đã tự phản lại những tuyên truyền của chính quyền về tự do tôn giáo. Vết nhơ này có thể sẽ được rửa bớt nếu chính phủ một lần nữa mời báo cáo viên đến Việt Nam và để cho họ làm việc một cách tự do.

Sự sụt giảm đáng kể trong số lượng tín đồ tôn giáo

5 năm sau chuyến làm việc của BCV ĐB Heiner Bielefeldt, Việt Nam đã ghi nhận số tín đồ sụt giảm đáng kể.

So sánh số liệu mà chính phủ báo cáo với BCV ĐB năm 2014 với kết quả Tổng điều tra Dân số, Nhà ở năm 2019, Phật giáo từ 11 triệu tín đồ còn 4,6 triệu tín đồ (giảm đến 58%), Cao Đài từ 2,5 triệu tín đồ chỉ còn 556 nghìn tín đồ (giảm 78%), Tin Lành từ 1,5 triệu người chỉ còn 960 nghìn người (giảm 36%), Phật giáo Hòa Hảo từ 1,3 triệu người còn 983 nghìn người (giảm 24%), Baha’i từ 7.000 tín đồ giảm còn 2.153 tín đồ (giảm 69%). [9] [10]

Nếu số liệu của Tổng cục Thống kê là chính xác thì chỉ có hai khả năng xảy ra. Chính quyền báo cáo sai về số tín đồ cho báo cáo viên, hoặc các chính sách tôn giáo từ sau chuyến thăm của báo cáo viên đã thật sự làm suy giảm nghiêm trọng số tín đồ tôn giáo.

Việc số tín đồ sụt giảm đáng kể trong thời gian ngắn rất có thể sẽ làm cộng đồng quốc tế chú ý. Người ta có lý do hợp lý để nghi ngờ rằng đây là hậu quả từ chính sách kiểm soát tôn giáo khắc nghiệt của chính quyền. Mời báo cáo viên đến Việt Nam sẽ cho chính quyền cơ hội giải thích về sự sụt giảm đáng ngạc nhiên này.

Cần có đánh giá độc lập về ba năm thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

Năm 2015, hơn 35 tổ chức xã hội dân sự tại Đông Nam Á cũng như quốc tế đã cùng kêu gọi Việt Nam sửa đổi dự thảo Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng. Dự thảo bị cho là đặt ra những giới hạn vượt quá luật nhân quyền quốc tế về tự do tôn giáo. Tuy nhiên, bản dự thảo vẫn được thông qua mà không có sự thay đổi đáng kể. [11]

Năm 2021, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế đã lên án Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng của Việt Nam. Ủy ban khẳng định bộ luật đã xâm phạm quyền tự do tôn giáo một cách có hệ thống và trái với chuẩn mực nhân quyền quốc tế. [12]

Hiện nay, Bộ Nội vụ đã bắt đầu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. [13]

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng cần được đánh giá, sửa đổi sau ba năm thi hành. Và người đủ tư cách làm việc này đối với cộng đồng quốc tế và các tín đồ độc lập tại Việt Nam chính là BCV ĐB.

Mời BCV ĐB vừa giúp chính quyền chứng minh thiện chí của mình trong việc cải thiện quyền tự do tôn giáo với cộng đồng quốc tế, vừa là cơ hội để nhận được các đánh giá khách quan cho việc sửa đổi quy định pháp luật về tôn giáo.

Đương nhiên, việc mời BCV ĐB chỉ có thể thành công nếu chính quyền thật sự tôn trọng các cơ chế nhân quyền quốc tế và từ bỏ thói quen “mèo khen mèo dài đuôi” như trong ba năm qua.

 VĂN TÂM

 Luật Khoa Tạp Chí (06.01.2022)

 

 

 

Linh Mục Antôn Đặng Hữu Nam từ 31.12.2021 không được dâng Lễ nữa !

 “Không phải bị huyền chức, cũng chẳng phải vạ tuyệt thông! Vì quyền lực!”

 Trên Facebook LM Đặng Hữu Nam, GP Vinh, nổi tiếng đấu tranh cho Môi Trường và Nhân Quyền, 31.12.2021 : NGÀY CUỐI CÙNG CỦA NĂM 2021 ĐỨC CHA ANPHONG NGUYỄN HỮU LONG GẶP VÀ THÔNG BÁO : TỪ HÔM NAY, NHÀ CHÁU “KHÔNG PHẢI DÂNG LỄ” NỮA ! XIN MỌI NGƯỜI THÊM LỜI CẦU NGUYỆN CHO NHÀ CHÁU !

 ĐGM Nguyễn Hữu Long thay ĐGM Nguyễn Thái Hợp làm GM chính tòa Giáo phận Vinh, từ ngày 12.2.2019. Ngày 17.6.2020 VP GP Vinh thông báo việc “thuyên chuyển và bổ nhiệm” các LM trong GP, cha Đặng Hữu Nam, đang là cha xứ Mỹ Khánh về Tòa GM, tạm nghỉ mục vụ.

 Ngày 7.10.2016, UBND tỉnh Nghệ An, gửi công văn cho GM Nguyễn Thái Hợp, GM GP Vinh, đã đề nghị “chấn chỉnh các hoạt động mục vụ của LM Đặng Hữu Nam và không bố trí LM  Đặng Hữu Nam tiếp tục hoạt động mục vụ trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

 ĐGM Nguyễn Thái Hợp không chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An. Ngày 7.02.2018 ĐGM Nguyễn Thái Hợp, Toà GM Vinh quyết định bổ nhiệm và thuyên chuyển nhiệm sở thường niên 1 số các LM trong tỉnh Nghệ An, đã chuyển nhiều LM đến các giáo xứ khác nhau, LM Đặng Hữu Nam về phục vụ Giáo xứ Mỹ Khánh. LM Đặng Hữu Nam là người tranh đấu, bất đồng chính kiến với NCQCSVN, bắt đầu nổi tiếng trong giới đấu tranh cho Môi Trường và Nhân Quyền khi còn là LM chánh xứ giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, dẫn đầu hàng trăm người đi nộp đơn kiện về thảm họa môi trường do nhà máy Formosa – Đài Loan, xả thải trái phép ở Hà Tĩnh, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng hàng trăm cây số bờ biển miền Trung, từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, làm cá chết hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn Dân theo nghề đánh cá và làm muối.

 LM Nam lên tiếng bênh vực Nhân Quyền, phản đối Dân bị đóng quá nhiều thứ thuế. LM Nam đã bị CA mặc thường phục, trong đó có trưởng CA xã An Hoà đánh đập, bị CA mật vụ Hà Nội bắt giam. NCQCS địa phương, qua hội Cờ Đỏ, đã tổ chức hàng ngàn người trong hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên biểu tình phản đối LM Nam giảng cho Giáo Dân : “Ngày 30.4 là ngày Dân tộc Việt Nam mất Tự Do, ngày Người Dân không còn Nhân Quyền, ngày đã làm cho Đất Nước tang thương, ngày đã đưa Đất Nước trở thành lạc hậu, nghèo đói, ngày Việt Nam mất cơ hội phát triển, ngày đã tạo nên bất công trên mọi miền Đất Nước…”

 Trả lời các comments của người theo dõi trên trang Facebook của ông, LM Nam viết : Không phải (bị) huyền chức, cũng chẳng phải vạ tuyệt thông ! Chỉ Vì quyền lực !

 LM Joseph Le hỏi : “Không phải dâng Lễ nữa là sao ? – Không phải dâng Lễ nữa ở đâu vì có người dâng Lễ rồi. – Không phải dâng Lễ nữa vì không còn là LM nữa. Điều này phải có một phán quyết Huyền chức sau khi đã điều tra kỹ lưỡng. – Không phải dâng Lễ nữa ngay tức khắc, khi LM vi phạm một vạ tuyệt thông tiền kết. Cha ở trường hợp nào ?”

 Cha Nam trả lời : “Không nằm trong những trường này ! Ngài đưa ra một tập những bài viết của con trên facebook, bảo con không xứng làm LM, con tranh luận … Ngài lấy quyền “tôi đưa cha sang ở nhà hưu, đi đâu phải xin phép, được phép mới được đi, không cho phép thì không được đi. Từ hôm nay cha không được dâng Lễ và cử hành các Bí Tích”!

 Con đòi quyết định vì :

1- Không có quyết định hành chính nào bằng miệng, phải có văn bản !

 2- Đó là hồ sơ cá nhân con có quyền được cung cấp !

 Ngài trả lời : – Hôm nay chưa có, tôi sẽ làm ! – Để tôi hỏi các Đức Cha có phải làm không !”

 Trả lời Tạ Duy Tuyền, LM Nam viết : “Không phải vì tội hay vạ ! Đức Cha Long lấy quyền không cho tôi dâng Lễ nữa !” Cũng trả lời Tạ Duy Tuyền, Linh Mục Nam viết : “Vì 2 status : Thời đại thư ký lớn hơn Lãnh Đạo. Mà Lãnh Đạo cũng cần phải xem lại mình ! Đang rước Dầu, Đức Cha dừng lại bắt tay LM CT Ủy Ban Đoàn Kết tỉnh!”

 Trả lời yêu cầu được phỏng vấn về chuyện này của Việt Nam Thời Báo, LM Đặng Hữu Nam cho biết : “Đang chờ quyết định cuối. Cho khất vài ngày.”

FaceBook

 

Hơn 50,000 giáo dân Hạt Thuận Nghĩa đang sát cánh cùng Linh Mục Anton-Đặng Hữu Nam

Theo TNCG: “Chuyện của Thái Hà là chuyện của Vinh, chuyện của Vinh cũng là chuyện của Thái Hà” câu nói nổi tiếng của Đức cha già Phaolô Maria Cao Đình Thuyên khi giáo xứ Thái Hà đang bị nhà cầm quyền cộng sản cưỡng chiếm đất đai, nay lại được các bạn trẻ và các linh mục ở giáo phận Vinh gợi nhớ lại.

Giờ đây hơn 50.000 giáo dân Hạt Thuận Nghĩa đang đồng tâm hưởng ứng “chuyện của Tân Yên là chuyện của Vinh, chuyện của cha Nam cũng là chuyện của chúng ta”

Trong tinh thần hiệp thông, sau khi kết thúc tuần tĩnh tâm năm các linh mục trong và ngoài hạt Thuận Nghĩa đã đến thăm linh mục An-tôn Đặng Hữu Nam đang bị thương.

 

Các linh mục của các xứ trong hạt Thuận Nghĩa đã đến thăm và bày tỏ tình liên đới với cha Nam khi vừa qua ngài bị chặn xe hành hung ngay trước cổng ủy ban nhân dân xã An Hòa và hiện đang bị đau nhức toàn thân.

14 giáo xứ trong Hạt Thuận Nghĩa và có khoảng 50.000 giáo dân đã sẵn sàng để hỗ trợ giáo xứ Tân Yên và cách riêng cha Nam vượt qua nguy khốn.

 

Nhiều giáo xứ ngoài Hạt Thuận Nghĩa cũng đã đăng ký sẽ tham gia tiếp tế cho xứ Tân Yên nếu chính quyền không giải quyết vụ việc cha Đặng Hữu Nam.

 

Linh mục An-tôn Đặng Hữu Nam đã bị đánh đập khi đang trên đường đi khám bệnh về, việc hành hung này được diễn ra khi có trưởng công an xã đứng nhìn ngay cạnh đó. Cha Nam hiện đang bị bệnh và phải thường xuyên đi tiêm, Ngài đã không thể tham dự kỳ tĩnh tâm linh mục của giáo phận. Theo như cha Nam khi trả lời phỏng vấn trước đó đã nói “đây là một đòn thù của cộng sản” có sự dàn xếp để đánh cha.

 

Các linh mục và hơn 50.000 tín hữu Giáo hạt Thuận Nghĩa đã chuẩn bị để đồng hành cùng đòi công lý cho cha Đặng Hữu Nam và cũng để bày tỏ tinh thần Công Giáo và tình huynh đệ trong Hội Thánh.

TNCG đưa tin( 05.01.2022)

 

 

Các tổ chức xã hội dân sự yêu cầu hủy bỏ ba điều của Bộ Luật Hình sự 2015

Phần đầu bản kiến nghị 117 yêu cầu hủy bỏ 3 điều trong Bộ Luật Hình sự 2015 của Việt Nam. Photo Google Drive.

Hàng chục cá nhân và tổ chức xã hội dân sự vừa khởi xướng Kiến nghị 117 gửi đến chính quyền Việt Nam yêu cầu hủy bỏ ba điều luật 109, 117, và 331 của Bộ luật Hình sự 2015.

Kiến nghị này được đưa ra vào dịp đầu năm mới, ngay sau khi chính quyền Việt Nam vừa kết án hàng loạt các nhà hoạt động với án tù rất cao vào dịp cuối năm.

Các điều luật này từng bị LHQ và các quốc gia phương tây kiến nghị Hà Nội chỉnh sửa hoặc hủy bỏ vì chúng được cho là có nội dung “mơ hồ” và được chính quyền Việt Nam dùng để bắt bớ hàng loạt các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ôn hòa.

Các tổ chức khởi xướng kiến nghị là nhóm các tổ chức xã hội dân sự trong nước, bao gồm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Ban vận động Văn đoàn độc lập, Diễn đàn Xã hội dân sự, Diễn đàn Bauxite Vietnam, Lập quyền dân, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết, Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, với gần 80 cá nhân trong và ngoài nước.

Luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội, một người ký tên trong kiến nghị 117, nói với VOA:

“Theo quan điểm của những người kiến nghị, những điều luật này đi ngược lại với những quy định trong Hiến pháp, đi ngược lại Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

“Thấy rằng tình trạng ngày càng nặng nề hơn và khó khăn hơn cho việc thực hiện các quyền cơ bản của công dân, những người tham gia kiến nghị đề nghị hủy bỏ, hoặc sửa đổi bằng những quy định rõ ràng hơn, chi tiết hơn, và phải bắt đầu bằng việc thực hiện các điều luật đã được nêu ra trong Hiến pháp 2013.”

Bản kiến nghị 117 đăng trên trang Bauxite Việt Nam có đoạn viết: “Những quy định mơ hồ của các Điều 109, 117 và 331 của Bộ luật Hình sự đã mở đường cho các cơ quan chấp pháp vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, vì thế Việt Nam bị các tổ chức quốc tế, các nước dân chủ và cả các cơ quan LHQ lên án làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự của Việt Nam trước thế giới”.

Bản kiến nghị gửi đến Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ; và các Đại biểu Quốc hội.

VOA đã liên lạc Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chủ tịch Quốc hội để xin ý kiến về kiến nghị này, nhưng chưa được phản hồi.

Trong Bộ Luật Hình sự 2015, Điều 109 quy định về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; Điều 117 về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Điều 331 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Luật sư Lê Quốc Quân cho biết thêm rằng ông không tin là chính quyền Việt Nam sẽ thay đổi ngay khi tiếp nhận bản kiến nghị này, nhưng ít ra cũng cho dân chúng nhận biết các điều phi lý, không phù hợp của những điều luật hình sự này, để từ đó chính quyền và cơ quan lập pháp của Việt Nam có thể chỉnh sửa dần.

Ông nói:

“Trong thời gian vừa qua, có gần 1.000 năm tù được áp dụng cho công dân vì những vấn đề mà người ta bày tỏ, mà theo chúng tôi là họ không vi phạm pháp luật.

“Cụ thể, Điều 109, có 52 người bắt, 550 năm tù; Điều 117 có 57 người bị bắt giam, với hơn 400 năm tù; Điều 331 có 11 người bị bắt với hơn 50 năm tù đã gieo xuống đầu những người, mà theo chúng tôi là rất nặng lòng với đất nước, quan tâm các vấn đề đang xảy ra trong xã hội và sự phát triển của đất nước”.

Một người khác ký tên trong bản kiến nghị là bà Đỗ Lê Na, vợ của nhà hoạt động Lê Trọng Hùng – người vừa bị một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù hôm 31/12/2021 theo Điều 117- nói với VOA:

“Đó là một cáo trạng hết sức ngớ ngẩn và vô lý. Họ dựa vào bốn video clip của chồng tôi làm để kết án chồng tôi, theo khoản 1 Điều 117. Tôi nghĩ rằng những video clip chẳng có vi phạm gì cả.”

Các tổ chức nhân quyền quốc tế trong đó có tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) lên tiếng chỉ trích bản án đối với ông Hùng.

Trong tuyên bố được đưa ra ngay sau phiên xét xử, ông Daniel Bastard – người đứng đấu phân ban Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên Không biên giới nói: “Bản án 5 năm tù mà ông Lê Trọng Hùng phải chịu một lần nữa cho thấy nền tư pháp của Việt Nam thiếu đi tính độc lập, và chứng tỏ toà án chỉ thừa hành mệnh lệnh từ đảng Cộng Sản”.

Báo Công an nhân dân online (CAND) của Bộ Công an Việt Nam hôm 3/1/2022 có bài viết chỉ trích tổ chức RSF, cho rằng tổ chức này “đánh tráo bản chất, tô vẽ kẻ phạm tội chống phá Nhà nước” liên quan tới phiên toà xét xử ông Lê Trọng Hùng, một ứng cử viên Đại biểu Quốc hội độc lập.

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an gọi việc các tổ chức nhân quyền đứng về phía ông Lê Trọng Hùng và chỉ trích Nhà nước Việt Nam là “nhằm tạo sóng dư luận, gây sự chú ý từ quốc tế để bôi nhọ, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”.

Ông Lê Trọng Hùng là một trong năm nhà hoạt động nhân quyền đã bị kết án từ 5-10 năm tù trong hai tuần cuối năm 2021 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” trên mạng xã hội. Những nhà hoạt động khác bị tuyên án là bà Phạm Đoan Trang, ông Trịnh Bá Phương, bà Nguyễn Thị Tâm và ông Đỗ Nam Trung.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có ít nhất 145 nhà hoạt động đã bị giam cầm vì đã lên tiếng thực hiện các quyền cơ bản một cách ôn hòa tại Việt Nam.

VOA (05.01.2022)

 

 

Việt Nam giam giữ 251 tù nhân lương tâm

Thống kê mới nhất của Người Bảo vệ Nhân quyền: Việt Nam giam giữ 251 tù nhân lương tâm

 

Người Bảo vệ Nhân quyền

Thông cáo báo chí, ngày 03/01/2022

 

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD), tính đến ngày 31/12/ 2021, chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam đang giam giữ ít nhất 251 tù nhân lương tâm trong nhà tù hoặc các hình thức giam giữ khác. Con số không bao gồm ông Lê Anh Hùng bị cưỡng bức trong bệnh viện tâm thần mà không có thủ tục xét xử. Danh sách bao gồm công dân Úc Châu Văn Khảm, người đã bị kết tội khủng bố theo Điều 113 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

 

Có tới 23 tù nhân lương tâm được DTD xác định là phụ nữ.

Tổng cộng có 181 người, chiếm 72,2% trong danh sách, là người dân tộc Kinh. Nhóm dân tộc lớn thứ hai trong danh sách là người Thượng, một nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số sống ở vùng núi Tây Nguyên. Họ chiếm 62 người hoặc 24,6% những người trong danh sách. Có tám tù nhân lương tâm người dân tộc thiểu số Hmong và hai trong danh sách là người Khmer Krom.

Blogger, luật sư, đoàn viên, nhà hoạt động vì quyền đất đai, nhà bất đồng chính kiến ​​và tín đồ của các tôn giáo thiểu số không đăng ký đã bị bắt và giam giữ chỉ vì thực hiện một cách ôn hòa các quyền được ghi trong Hiến pháp 2003 của Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền, chủ yếu là quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và tôn giáo hoặc niềm tin. Danh sách không bao gồm những cá nhân đã tham gia hoặc ủng hộ bạo lực.

Việt Nam vẫn đang giam giữ 35 nhà hoạt động trước khi xét xử, sáu trong số họ bị bắt vào hai năm 2018-2019, chín người vào năm 2020, và 20 nhà hoạt động còn lại bị bắt giữ vào năm 2021. Trong số đó nổi bật là nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh, người đã bị cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, và nhà báo độc lập Mai Phan Lợi, người đang bị điều tra về cáo buộc trốn thuế.

Có 216 người đã bị kết án – hầu hết là bị kết tội theo các Điều 79, 87 và 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 109, 117 và 331 trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tổng số bao gồm:

 

– 46 nhà hoạt động đã bị kết án hoặc đang bị điều tra về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” (Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015);

– 61 nhà hoạt động bị kết án hoặc đang bị giam giữ để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015);

– 56 người dân tộc thiểu số bị kết tội phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc (Điều 87 Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015);

– 28 nhà hoạt động bị kết án hoặc giam giữ để điều tra về cáo buộc “lợi dụng tự do dân chủ” (Điều 258 Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015);

– Chín nhà hoạt động bị kết tội “gây rối an ninh” theo Điều 118 Bộ luật Hình sự năm 2015;

– Mười cá nhân bị kết án hoặc truy tố tội “Gây rối trật tự công cộng” (theo Điều 245 Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015) vì các hoạt động ôn hòa của họ. Bảy người trong số họ đã bị bỏ tù vì tham gia hoặc bị nghi ngờ lên kế hoạch tham gia vào các cuộc biểu tình vào giữa tháng 6 năm 2018 và sau đó;

– Ba nhà hoạt động Châu Văn Khảm (người Úc gốc Việt), Nguyễn Văn Viễn, và Trần Văn Quyền bị kết tội “khủng bố” theo Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015.

– Hiện chưa rõ tội danh cho 13 cá nhân, trong đó có 3 người Thượng theo giáo phái Hà Mòn bị bắt vào ngày 19/3/2020.

Theo báo cáo của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris công bố ngày 16/12/2021, Việt Nam là một trong những nhà tù lớn nhất thế giới dành cho các nhà báo và Facebooker, hiện đang giam giữ 43 người. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York) cũng đã đưa Việt Nam vào danh sách những nhà tù lớn nhất toàn cầu dành cho các nhà báo với 23 nhà báo bị giam cầm.

 

Bối cảnh xã hội và quốc tế 

Cuối tháng 1 năm 2021, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 để bầu ban lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Đại hội kéo dài một tuần đã bầu lại nhiều nhân vật bảo thủ như đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, và cựu tướng công an Phạm Minh Chính, vào Bộ chính trị gồm 18 thành viên, cơ quan quyền lực nhất của chế độ. Vào tháng 4 đến tháng 5, chế độ độc tài đã bổ nhiệm ban lãnh đạo của chính phủ và các cơ quan hàng chính quốc gia cho giai đoạn 5 năm tiếp theo bao gồm chức vụ chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ và tiến hành bầu cử quốc hội bù nhìn và Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh, huyện và xã.  Cuối tháng 7, Quốc hội mới chính thức phê chuẩn chức vụ chủ tịch nước, chính phủ và các cơ quan nhà nước khác mà đảng đã quyết định trong khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã phê chuẩn sự lãnh đạo của các cơ quan thuộc địa phương.

Trong quá trình chuẩn bị cho các sự kiện của đảng và sau khi thành lập ban lãnh đạo mới ở cấp quốc gia và địa phương, chế độ toàn trị đã thắt chặt kiểm soát trật tự xã hội, tăng cường đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​và các blogger vốn được bắt đầu từ cuối năm 2015.

Có vẻ như chế độ độc tài Việt Nam tiếp tục đàn áp mà không sợ bị phương Tây trừng phạt sau khi Nghị viện Châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam vào tháng Ba năm ngoái, chỉ hai tháng sau khi Hà Nội đưa hàng nghìn cảnh sát chống bạo động đến xã Đồng Tâm để tiến hành một cuộc tấn công đẫm máu vào dân oan ở địa phương, trong đó lãnh tụ tinh thần của địa phương Lê Đình Kình bị bắn chết và nhiều người thân của ông cũng như nhiều người dân khác bị đánh đập và giam giữ. Ngoài ra, chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump, người không quan tâm đến vấn đề nhân quyền đã từ chức sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2020 trong khi Tổng thống mới đắc cử Joe Biden có ít thời gian cho các vấn đề quốc tế mà tập trung vào các vấn đề của quốc gia mình. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Biden coi trọng quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với chế độ độc tài của Việt Nam do vị trí địa-chính trị của nó trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc ở vị trí số 1 toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ đầu năm 2020, tiếp tục lây lan trên toàn thế giới vào năm 2021, khiến cộng đồng quốc tế tập trung vào việc đối phó với căn bệnh chết người và ít chú ý đến các vi phạm nhân quyền của Việt Nam.

Với tình hình quốc tế và sự lây nhiễm Covid-19 trong nước, chế độ độc tài của Việt Nam có thể tự do vi phạm các quyền con người cơ bản của người dân địa phương để ngăn chặn sự hình thành của phe đối lập địa phương và đảm bảo quyền lực tuyệt đối của đảng cộng sản cầm quyền.

 

Bắt giữ vào năm 2021 

Trong khoảng thời gian từ ngày 01/01 đến ngày 31/12, Việt Nam đã bắt giữ 27 nhà hoạt động và blogger (xem chi tiết tại Phụ lục 1). Có tới 12 nhà hoạt động bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” và trong số đó nổi bật là nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh và các blogger Lê Văn Dũng và Bùi Văn Thuận. Trong số còn có blogger Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh, những người đã tuyên bố ý định tham gia cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 21/5 với tư cách là ứng cử viên độc lập nhưng đã bị bắt vài tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Blogger tàn tật Đinh Văn Hải cũng bị bắt vì cáo buộc này.

Có tới 13 người khác bị bắt với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Trong số đó có blogger nổi tiếng Trương Châu Hữu Danh, người có nhiều số bài viết liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình oan trong vụ án giết người kép ở Bưu điện Cầu Voi cách đây một thập kỷ.

Trong nhiều trường hợp như Phạm Đoan Trang, Chung Hoàng Chương, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thủy, Đỗ Nam Trung, Đinh Văn Hải, Lê Trọng Hùng, Lê Chí Thanh, và Trần Quốc Khánh… Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán của Liên Hiệp Quôc đã ra nghị quyết với nội dung cho rằng việc bắt giữ họ là tùy tiện và thúc giục chế độ độc tài của Việt Nam trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.

 

Kết án năm 2021 

Trong năm 2021, chế độ độc tài của Việt Nam đã kết tội 31 nhà hoạt động và blogger (xem chi tiết trong Phụ lục 2). Hai mươi hai người bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” và bị kết án từ 5 năm đến 15 năm tù. Trong số đó có blogger chính trị nổi tiếng và nhà vận động nhân quyền được thế giới công nhận Phạm Đoan Trang, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) Tiến sĩ Phạm Chí Dũng và Phó Chủ tịch- ông Nguyễn Tường Thụy, ba khôi nguyên của Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2021 tên là Cấn Thị Thêu và hai con trai của bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Trong phiên xử sơ thẩm hồi tháng 1, tiến sĩ Dũng bị tuyên 15 năm tù – mức tù nặng nhất cho đến nay về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” trong khi cấp phó của ông bị 11 năm tù. Vào giữa tháng 12, bà Trang bị kết án chín năm tù trong khi ông Phương bị mười năm tù và ông Tư và mẹ của ông Thêu bị tuyên phạt tám năm tù và ba năm quản chế.

Nhóm lớn thứ hai gồm tám blogger đã bị kết tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự và bị kết án từ hai đến năm năm tù. Trong số đó có các thành viên của Báo Sạch (Báo Sạch) do ông Trương Châu Hữu Danh đứng đầu.

Tất cả các trường hợp kết án đều vi phạm nghiêm trọng quyền con người cũng như Bộ luật Tố tụng Hình sự trong tất cả các bước từ tạm giam đến kết án. Các bị cáo đã bị giam giữ trong nhiều tháng và chỉ được phép gặp luật sư của họ trong thời gian ngắn trước khi xét xử. Tất cả các phiên tòa đều diễn ra rất ngắn, trong đó người thân của bị cáo không được phép có mặt trong phòng xử án trong khi các nhà ngoại giao nước ngoài đang quan sát phiên xử tại các phòng liền kề qua màn hình TV. Trong một số trường hợp, bao gồm cả vụ xét xử nhà hoạt động vì quyền đất đai và nhà bảo vệ nhân quyền Cấn Thị Thêu và các con trai của bà, người thân của họ đã bị giam giữ tại đồn cảnh sát địa phương vào ngày xét xử. Trong mọi trường hợp, các thẩm phán bỏ qua quyền bào chữa của bị cáo và luật sư của họ.

 

Ngược đãi trong tù 

Bộ Công an Việt Nam tiếp tục chính sách giam giữ các tù nhân, đặc biệt là tù nhân lương tâm, trong điều kiện sống khắc nghiệt nhằm trừng phạt họ vì những hoạt động bất bạo động nhưng có hại cho chế độ cộng sản và làm suy giảm sức mạnh tinh thần của họ. Cùng với việc đưa tù nhân lương tâm đến các trại giam xa gia đình, trại giam và trại tạm giam có thể áp dụng các biện pháp tâm lý khác để khiến cuộc sống của những người hoạt động bị bỏ tù trở nên khó khăn hơn, chẳng hạn như từ chối họ quyền được gặp mặt thường xuyên với gia đình và nhận thêm thức ăn và thuốc men từ người thân của họ, đưa họ vào xà lim hoặc khu vực biệt lập, hoặc buộc họ làm việc nặng nhọc mà không có dụng cụ bảo hộ thích hợp. Bộ máy an ninh cũng gây thêm tổn thương về tâm lý và tài chính cho các thành viên trong gia đình.

Do sự bùng phát của Covid-19 trên khắp Việt Nam, các gia đình của tù nhân lương tâm không được phép thăm họ cũng như không được gửi thực phẩm cho họ mà chỉ gửi tiền để các nhà hoạt động bị bỏ tù có thể mua thêm thực phẩm và đồ dùng tại căng tin của nhà tù với giá cao hơn nhiều giá thị trường trong khi phẩm cấp của hàng hóa bị nghi ngờ. Hầu hết các tù nhân lương tâm bị kết án đều được phép gọi điện về gia đình trong 10 phút mỗi tháng.

Gia đình của nhà bảo vệ nhân quyền dũng cảm và nhà vận động dân chủ Cấn Thị Thêu báo động rằng bà đã bị giam giữ trong một phòng giam nhỏ không có quạt trong mùa hè nóng bức trong trại tạm giam do Công an tỉnh Hòa Bình điều hành. Điều đáng chú ý là ông Đào Quang Thức cũng bị trại tạm giam đối xử như vậy và ông đã chết vào năm 2019 chỉ một thời gian ngắn sau khi được chuyển đến trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên.

Cũng do hoàn cảnh sống khó khăn, không được chữa trị hợp lý, ông Huỳnh Hữu Đạt, người đang chấp hành án 13 năm tù về tội danh lật đổ, đã qua đời tại Trại giam Xuân Lộc sau nhiều tháng chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng và xơ gan.

Nhiều cựu tù nhân lương tâm báo cáo rằng hầu hết các tù nhân lương tâm là người dân tộc thiểu số không có gia đình thăm nom và cuộc sống của họ trong nhà tù rất khó khăn vì họ chỉ dựa vào nguồn cung cấp của nhà tù.

Gia đình tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương cho biết theo biên bản phiên tòa ngày 15/12, ông đã bị 4 công an tra tấn trong thời gian tạm giam trước khi xét xử tại Trại tạm giam số 1, thuộc Công an thành phố Hà Nội. Các thủ phạm được cho là đã đánh ông ở bộ phận sinh dục và nhiều bộ phận khác trên cơ thể của ông.

Cùng với việc đàn áp tù nhân lương tâm, chính quyền một số địa phương còn sách nhiễu gia đình họ. Sau khi bắt cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tú về cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” vào cuối tháng 6, công an Hà Nội và Hòa Bình liên tục uy hiếp gia đình, triệu tập chồng bà là Trịnh Bá Khiêm, cũng là một cựu tù nhân lương tâm và vợ ông Phương là bà Đỗ Thị Thu đến đồn cảnh sát để thẩm vấn về hoạt động của những người bị giam giữ.

 

Mãn hạn tù năm 2021 

Trong năm 2021, 39 tù nhân lương tâm đã được trả tự do hoặc dự kiến ​​sẽ mãn hạn tù (xem chi tiết trong Phụ lục số 3). DTD không có thông tin xác nhận việc mãn hạn tù của hầu hết trong số họ. Tuy nhiên, DTD vẫn đưa tên của họ khỏi danh sách các tù nhân lương tâm.

Vào tháng 10, sau nhiều tháng điều trị y tế bên ngoài nhà tù, tù nhân lương tâm Ngô Hào được phép đến Phần Lan, nơi ông sống lưu vong. Chế độ độc tài đã đình chỉ 15 năm tù của ông vào năm ngoái và người tù nhân chính trị 73 tuổi này được phép trở về nhà để điều trị một số bệnh nặng.

==========  

Thuật ngữ tù nhân lương tâm (POC) được Peter Benenson đưa ra vào những năm 1960. Khái niệm này đề cập đến bất kỳ cá nhân nào bị giam cầm vì niềm tin chính trị, tôn giáo hoặc vì lương tâm, nguồn gốc dân tộc, giới tính, màu da, ngôn ngữ, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tình trạng kinh tế, sinh sản, khuynh hướng tình dục hoặc tình trạng khác mà không sử dụng bạo lực hoặc ủng hộ bạo lực hoặc thù hận.

Tổ chức Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders– DTD) là tổ chức phi lợi nhuận độc lập ở Việt Nam, hoạt động nhằm thúc đẩy quyền con người và quyền công dân. Tổ chức này có một mạng lưới với hàng trăm người bảo vệ nhân quyền trên toàn quốc, những người báo cáo tình trạng vi phạm nhân quyền trong khu vực của họ.

 

Người Bảo vệ Nhân quyền

Việt Nam, ngày 03/01/2022

Giám đốc: Vũ Quốc Ngữ

Email: vietnamhumanrightsdefenders@gmail.com

Website: vietnamhumanrightsdefenders.net

VNTB  (04.01.2022)

 

 

Chia tay 2021: Vì sao Đảng mở chiến dịch Mậu Thân trên mặt trận nhân quyền?

Một số tù nhân lương tâm đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ trong năm 2021  RFA edit

2021 bắt đầu với những vụ bắt giam, truy tố, xử án các nhà báo dồn dập bao gồm: xử án các nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập, bắt giam các thành viên nhóm Báo Sạch, bắt giam nhà báo Phan Lợi,… dồn dập trong cuối tháng 12 là 5 phiên tòa xử mà không xét những người bất đồng chính kiến, dân oan. Những bản án nặng nề từ tử hình đến hàng chục năm tù áp xuống những người dân vốn đã bị đẩy vào bước đường cùng. Dân oan kiệt sức kêu than khi đất Thủ Thiêm bốc cao tận trời xanh, giáo dân Lộc Hưng mỏi mòn chờ công lý. Oan án Hồ Duy Hải xuất hiện chứng cứ mới đi dự đám tang trong thời gian gây án nhưng lưỡi hái tử thần vẫn treo lơ lửng. Khúc ca “chiến thắng” Mậu Thân đang tái diễn trên lĩnh vực nhân quyền.

Chỉ trong nửa tháng cuối năm 2021, tòa án Việt nam đã dồn dập xử năm vụ án với những người dân vô tội, thậm chí còn là nạn nhân của chế độ độc tài.

Ngày 14.12.2021 tòa án Hà Nội xử nhà báo Phạm Đoan Trang chín năm tù vì cái tội viết sách cho người bình dân hiểu những quyền cơ bản mà thượng đế và nhân loại đã dành cho họ.

Ngày 15.12.2021 tòa án Hà Nội xử hai nông dân  Trịnh Bá Phương 10 năm tù. Bà Nguyễn Thị Tâm sáu năm tù về tội kêu oan đòi đất

Ngày 16.12.2021 tòa án tỉnh Nam Định xử người thợ Đỗ Nam Trung 10 năm tù vì vạch mặt chỉ tên BOT bẩn.

Ngày 24.12.2031 tòa án cấp cao sẽ xử phúc thẩm hai mẹ con nông dân Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư. Án sơ thẩm đã xử bà mẹ nông dân Cấn Thị Thêu tám năm tù và con trai Trịnh Bá Tư tám năm tù về tội kêu cứu cho người dân Đồng Tâm.

Ngày 31.12.2021 chính quyền Hà Nội xử thầy giáo Lê Trọng Hùng về tội tự ra ứng cử Quốc Hội và chỉ ra sai trái của chính quyền.

Những bản án nặng nề cứ liên tiếp chụp xuống những người vô tội, trong cách nhìn của một xã hội, quốc gia dân chủ, đó là những công dân có trách nhiệm. Trong bối cảnh đen tối của đất nước vừa mới thoát ra đại dịch, kinh tế suy giảm, lòng dân hoang mang như một cái nút thắt thít chặt hơn vòng thòng lọng đã mặc định gắn trên cổ người dân từ sau 30-4-1975.

Ngoài danh sách tù nhân chính thức bị kết án bằng những công cụ chuyên chính mang tên pháp quyền còn có hàng triệu tù nhân dự bị được răn đe bởi những lực lượng ngoại vi mang danh nghĩa YouTuber, mạng xã hội cờ đỏ, AK 47… Những luật sư nhân quyền, những bác sĩ chuyên gia y tế độc lập ngoài quốc doanh, những nhà báo phi quốc doanh, ngay cả một nhóm người tu tại gia hoàn toàn phi chính trị là nhóm Tịnh Thất Bồng Lai cũng bị tấn công quấy phá đàn áp hàng ngày.

Theo BBC, “”hiện có khoảng khoảng 170 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam, một con số cao kỷ lục trong lịch sử gần đây, theo số liệu năm 2020 của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Trong khi Dự án 88 khẳng định rằng hiện có 217 nhà hoạt động trong tù và 306 người khác đang gặp nguy hiểm”.

Vấn đề là vì sao năm 2021 nhất là trong tháng 12, chính quyền cộng sản Việt Nam dồn dập tấn công trấn áp nhân quyền trắng trợn và công khai như vậy?

Thứ nhất về đối nội, mục đích trấn áp nhân quyền, tiêu diệt những mầm mống của xã hội dân sự là để bảo vệ độc quyền cai trị của thể chế độc tài hiện hữu. Bộ máy chính quyền hiện hữu hiện nay không thuần nhất rạn nứt với nhiều phe phái. Những phe phái này không hề khác nhau về quan điểm, chính kiến chính trị phe thân Trung Quốc, phe cấp tiến thân Mỹ như nhiều người ảo tưởng. Nó chỉ khác nhau về tính cục bộ địa phương: phe Miền Bắc, Phe Thanh Nghệ hay theo xu hướng cá nhân: phe Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Nguyễn Xuân Phúc. Các lực lượng phe nhóm trong guồng máy nhà nước có thể đấu đá nhau chí chết để tranh giành quyền lực, quyền lợi nhưng hoàn toàn thống nhất nhau là còn đảng còn mình và đều cùng thề tận trung tận hiếu với anh lớn bạn vàng Trung Quốc. Niềm tin ấy có cơ sở vững chắc là hai bên thống nhất về chính trị và quyền lợi. Đảng Cộng sản Trung Quốc còn thì Đảng Cộng sản Việt Nam còn. Đảng còn thì đặc quyền đặc lợi còn. Tổ quốc, nhân nhân chỉ là phương tiện là hàng hóa để bán mua chia chác.

Cứ nhìn vào sự kiện công an đã công khai thảm sát thanh trừng đảng viên lão thanh Lê Đình Kình mà suốt quá trình đại hôi đảng lần thứ 13 không có tiếng nói phản kháng nào trong đảng. Trung Quốc lấn ép Việt Nam từ biền Đông đến cửa khẩu biên giới toàn Đảng vẫn ngậm hột thị, không tiếng nói phản kháng.

Sự thống nhất ấy được thực thi triệt để bằng cách nuôi dưỡng guồng mày quân đội công an còn Đảng còn mình, hệ thống tư pháp tay sai làm công cụ trấn áp nhân dân. Nguyễn Hòa Bình, tên đồ tể đội lốt người kẻ trơ tráo tuyên án Hồ Duy Hải trong phiên tòa giám đốc thẩm bất minh bị Quốc Hội phê phán vẫn đường đường thăng tiến vào Bộ Chính trị.

Về quan hệ đối ngoại, sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông và toàn thế giới biến địa chính trị Việt Nam trở thành lợi thế mà Đảng Cộng sản đã tận dung cơ hội để mặc cả, đu dây cũng cố đặc quyền đặc lợi cho mình. Nguyễn Phú Trọng tự mãn khoe khoang đường lối ngoại giao điếm đàng khỉ dơi khu chuột ấy là triết lý ngoại giao cây tre “Cây tre Việt Nam gốc thì vững chắc, cành thì uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Không có cơn gió nào quật ngã ”được” (1)

Rõ ràng nhất trong thực hiện đường lối cây tre, Việt Nam bất ngờ đón tiếp Bộ trưởng Vương Nghị ngay trước khi bà Phó Tổng thống Mỹ Harris đến Hà Nội. Nguyễn Phú Trọng núp lùm, Nguyễn Xuân Phúc trân trọng tiếp nhận vắc-xin nhưng né tránh nâng tâm quan hệ hợp tác hai nước

Rõ ràng do vị trí địa chính trị của Việt Nam nằm sát Trung Quốc, có bờ biển dài 2.200 km ở vị trí yết hầu Biển Đông, có 100 triệu dân là nguồn lao động cần cù Mỹ, EU, Nhật, Úc và nhiều quốc gia khác đã dành cho Việt nam nhiều ưu ái trong hợp tác đầu tư, viện trợ y tế, quốc phòng… Nếu Nhà nước Việt nam có trách nhiệm, có lý tưởng phụng sự quốc gia dân tộc thì đây là cơ hội bằng vàng để thoát Trung, thoát nghèo nàn lạc hậu. Nhưng rất tiếc, thể chế độc tài Đảng trụ Việt Nam đã tận dụng sự ưu ái đó để vun quén cho lợi ích nhóm của đảng cầm quyền, của cá nhân, để duy trì quyền lực cai trị với dân và để mặc cả, lập cộng với bạn vàng Trung Quốc.

Có thể thấy rõ điều ấy khi dịch bùng phát, nguồn vắc-xin viện trợ quý giá của Mỹ và Nhật…. đã không được tiêm cho công đồng theo ưu tiên người lớn tuổi, người có nguy cơ theo tiêu chí chung của WHO và các nước trên thế giới mà đã ưu tiên cho cán bộ, đảng viên, công an quân đội, con ông này cháu bà nọ để diễn ra đại hội Đảng rầm rộ, bầu cử Quốc Hội diễn trò làm dịch bùng phát trên diện rộng. Nguồn đô la hàng chục tỷ thu về từ thặng dư mậu dịch với Mỹ lại chạy ngược sang Trung Quốc để nhập về những thực phẩm hàng hóa độc hại từ Trung Quốc. Cả thế giới ủng hộ Đài Loan, chống lại chính quyền quân sự Myanmar, bảo vệ dân tộc Ngô Duy Nhĩ Tân Cương thì Việt Nam im lặng hoặc công khai lên tiếng theo giọng điệu của Trung cộng

Trên lĩnh vực nhân quyền, những vụ thảm sát Đồng Tân, bắt giữ xử tù Phạm Đoan Trang, Mai Phan Lợi, Phạm Chí Dũng, Trương Châu Hữu Danh…. Mỹ, EU và các tổ chức quốc tế có lên tiếng trong chừng mực những cảnh báo, kêu gọi mà chưa hề có biện pháp đáp trả  khả dĩ nào thích đáng.

Đạc biệt khi Việt Nam tham gia EVFTA hai vấn đề mà người Việt Kỳ vọng nhất để có thể khơi mào cho sinh hoạt dân chủ, nhân quyền trong nước là  “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” (tức “WRO, Workers Representative Organisations”) và  DAG (Ban Tư vấn Xã hội dân sự). Những tổ chức dân sự ngoài quốc doanh sẽ được hình thành, nhưng EVFTA có hiệu lực hai năm qua mà những tổ chức này chẳng hề thấy dạng. Ngược lại Phạm Chí Dũng, Mai Phan Lợi những nhân tố khả dĩ có thể là hạt nhân đã bị chính quyền giam giữ.

“Mềm nắn rắn buông” là sách lược chủ yếu của đường lối ngoại giao lúc lắc cây tre. Sự mềm mại của Mỹ và đồng minh chính là cơ hội của chính quyền công sản Việt Nam. Một số nhà bình luận đã tổng kết quan trong trên BBC tiếng Việt là “Tầm quan trọng chiến lược của Hà Nội đối với Hoa Kỳ và các đồng minh đã cho phép Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều không gian hơn trong việc bịt miệng những người chỉ trích”(2).

Những nhà hoạt động bị xét xử vào tháng 12/2021

Hai cuộc đối thoại nhân quyền với Mỹ và EU diễn ra trung tuần tháng 11 vừa qua cũng diễn ra ôn hòa theo kịch bản chất vấn, đối đáp ậm ừ hứa hẹn cải thiện nhân quyền theo kiểu để lâu cứt trâu hóa bùn mà nhà nước cộng sản đã dự kiến. Việc dồn dập xử tù nhân quyền trong tháng 12 không chỉ nhằm trấn áp người dân trong nước mà còn là bước leo thang để thăm dò phản ứng của Mỹ, EU và quốc tế nói chung. Nếu các đối tác này vì xem trong các yếu tố địa chính trị, tiềm năng đất đai, lao động của Việt Nam hơn giá trị Nhân quyền thì chắc chắn trong sắp tới nhân quyền Việt Nam sẽ thấp hơn mức “có đủ cơm ăn áo mặc” hiện nay

Vấn đề đặt ra là sự mềm mại săn đón với Nhà nước Việt Nam liệu có ý nghĩa, có giá trị hiệu quả với Mỹ và đồng mình không? nhất là trong triết lý ngoại giao cây tre thân cành lắc lư nhưng gốc rễ thì kiên cường không suy chuyển. Dân gian Việt thì bình dị hơn với câu “cà cuống chết cái đít còn cay”. Đã là cộng sản thì Việt, Nga Tàu, Triều Tiên, Cu Ba đều cùng một giuộc.

Nguyên lý ngoại giao thất tín không chỉ là phát kiến của riêng Nguyễn Phú Trọng mà là bản chất của Cộng Sản. Với người Cộng Sản không bao giờ có chữ tin vì sự bội tín đã được được nâng tầm giá trị lên tầm trí tuệ. Chiến dịch Mậu Thân đến nay vẫn được ca ngợi là chiến thắng trí tuệ (bất ngờ tấn công trong thời điểm thỏa thuận hưu chiến cho nhân dân ăn tết)  buộc Mỹ phải ngồi vào bàn hội nghị. Khi ký một hiệp định hiệp ước người Cộng Sản luôn nghĩ đến việc sẵn sàng chà đạp lên những điều bất lợi cho mình và buộc đối phương phải thực hiện những điều có lợi.

Khi thực hiện hiệp định Geneve, Lê Duẩn đã chỉ đạo chôn súng ở các căn cứ, trình diễn lên tàu tập kết rồi bí mật quay lại Cà Mau. Ký hiệp định Paris, ngừng bắn tại chỗ, tố cáo VNCH chiếm những lãnh thổ của họ, Công Sản lại đưa hàng chục sư đoàn từ Bắc vào Nam giải phóng Sài Gòn. Sau khi cưỡng chiếm trọn miền Nam Phạm Văn Đồng dõng dạc tuyên bố “Mỹ chạy trời không khỏi nắng khoản bồi thường chiến phí theo hiệp định Paris”

Có lẽ đến lúc các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc lại ván cờ địa chính trị. Thà có thêm một đối thủ công khai còn hơn vun quén tình bạn đồng sàng dị mộng mà nói theo người Việt là “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”.

Gió Bấc

_____________

Tham khảo:

 1- https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-quyet-tam-xay-dung-truong-phai-ngoai-giao…

2-https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59693704

RFA (02.01.2022)

 

 

DANH SÁCH TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM ĐANG BỊ GIAM CẦM

 

Lê Trọng Hùng – Cấn Thị Thêu – Trịnh Bá Phương – Trịnh Bá Tư – Nguyễn Thúy Hạnh – Phạm Đoan Trang – Đỗ Nam Trung – Nguyễn Thị Tâm – Huỳnh Thục Vy – Nguyễn Trí Gioãn Trần Quốc Khánh – Trương Châu Hữu Danh – Đoàn Kiên Giang – Nguyễn Phước Trung Bảo – Nguyễn Thanh Nhã – Lê Thế Thắng – Phùng Thanh Tuyến – Y Bi Mlô – Trần Minh Chí – Rah Lan Rah – Siu Chõn – Rơ Mah Thêm – Ngô Minh Dũng – Võ Công Hải – Nguyễn Văn Lâm – Phạm Chí Thành – N.L.Đ. Khánh – Nguyễn Văn Trường – Cao Văn Dũng – Đặng Hoàng Minh – Trần Thị Tuyết Diệu – Lê Thị Bình – Quách Duy – Nguyễn Thị Cẩm Thúy – Ngô Thị Hà Phương – Lê Viết Hòa – Lê Văn Hải – Vũ Tiến Chi – Đinh Thị Thu Thủy – Phạm Chí Dũng – Nguyễn Tường Thụy – Lê Dũng Vova – Lê Hữu Minh Tuấn – Nguyễn Đăng Thương – Trần Đức Thạch – Nguyễn Trung Lĩnh – Nguyễn Quốc Đức Vượng – Đinh Văn Phú – Nguyễn Văn Nghiêm – Phan Công Hải – Huỳnh Minh Tâm – Huỳnh Thị Tố Nga – Trần Thanh Giang – Nguyễn Chí Vững – Phạm Văn Điệp – Vũ Văn Nam – Nguyễn Năng Tĩnh – Châu Văn Khảm – Nguyễn Văn Viễn – Trần Văn Quyền – Bùi Văn Thuận – Nguyễn Văn Phước – Nguyễn Văn Công Em – Lê Văn Sinh – Dương Thị Lanh – Huỳnh Đắc Túy – Rah Lan Hip (a.k.a Ama Kiêu) – Lê Văn Phương – Trương Hữu Lộc – Nguyễn Ngọc Ánh – Vũ Thị Dung – Nguyễn Thị Ngọc Sương – Ksor Ruk – Nguyễn Văn Quang – Bùi Ngọc Tiến – Nguyễn Văn Toàn – Huỳnh Trương Ca – Lê Hồng Vân – Nguyễn Đình Thành – Trần Minh Huệ – Lưu Văn Vịnh – Nguyễn Quốc Hoàn – Nguyễn Văn Đức Độ – Từ Công Nghĩa – Ngô Văn Dũng – Hồ Đình Cương – Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – Lê Quý Lộc – Trân Thanh Phương – Hoàng Thị Thu Vàng – Phan Trung – Đỗ Công Đương – Nguyễn Trung Trực – Lê Đình Lượng – Trần Thị Xuân – Nguyễn Viết Dũng – Nguyễn Văn Túc – Nguyễn Trung Tôn – Trương Minh Đức – Nguyễn Bắc Truyển – Phạm Văn Trội – Bùi Văn Trung – Bùi Văn Thâm – Hoàng Đức Bình – Vũ Quang Thuận (a.k.a Võ Phù Đổng) – Nguyễn Văn Điển (a.k.a Điển Ái Quốc) – Trần Hoàng Phúc – Vương Văn Thả – Vương Thanh Thuận – Nguyễn Nhật Trường – Nguyễn Văn Thượng – Huỳnh Đức Thanh Bình – Trần Long Phi – Nguyễn Tấn An – Nguyễn Văn Hóa – Phan Kim Khánh – Nguyễn Văn Oai – Rơ Ma Đaih (Ama Pôn) – Puih Bop (Ama Phun) – Ksor Kam (Ama H’Trưm) – Rơ Lan Kly (Ama Blan) – Đinh Nông (Bă Pol) – Trần Anh Kim – Lê Thanh Tùng – Ksor Phit – Siu Đik – Ksor Púp (Ama Hyung) – Siu Đoang – A Jen – A Tik – Đinh Kữ – Thin – Kpuih Khuông – Rmah Khil – Rmah Bloanh – A Kuin (a.k.a Bă Chăn) – Đinh Yum – Rơ Mah Plă (a.k.a Rmah Blă; a.k.a Ama Em) – Siu Tinh (a.k.a Ama Khâm) – Rưn – A Tách (a.k.a Bă Hlôl) – Rung – Phan Văn Thu – Lê Duy Lộc – Vương Tấn Sơn – Nguyễn Kỳ Lạc – Tạ Khu – Từ Thiện Lương – Võ Ngọc Cư – Võ Thành Lê – Võ Tiết – Lê Phúc – Đoàn Văn Cư – Nguyễn Dinh – Phan Thanh Ý – Trần Phi Dũng – Lê Đức Động – Lê Trọng Cư – Lương Nhật Quang – Nguyễn Thái Bình – Trần Quân – Hồ Đức Hòa – Siu Hlom – Trần Huỳnh Duy Thức –

 và các tù nhân chưa thu thập được.

Mong mọi người cùng bổ túc.

Nguyện cầu cho các tù nhân và thân nhân của tù nhân luôn bình an trong mùa Lễ Giáng Sinh.

Michael PhuongMinh Nguyen

(Cựu tù nhân CSVN)

 

 

Nhà hoạt động Lê Trọng Hùng không nhận tội, bị tuyên án 5 năm tù

Nhà hoạt động Lê Trọng Hùng bị tòa án Việt Nam cho là ‘xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia’

Một tòa án sơ thẩm ở Việt Nam đã kết tội ông Lê Trọng Hùng, một nhà báo độc lập thường phơi bày vấn nạn tham nhũng trong nước, là ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ và tuyên án ông Hùng 5 năm tù cùng 5 năm quản chế mặc dù ông Hùng không nhận tội tại phiên tòa.

Tổ chức Nhà báo Không biên giới, tức Reporters Sans Frontière, đã lên án bản án này và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam ‘trả tự do cho ông Hùng ngay lập tức’.

Bản án đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên vào ngày 31/12 theo điều 117 Bộ Luật Hình sự quy định về tội ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’, theo bản tin của hãng thông tấn Nhà nước.

Cáo trạng của bên công tố được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lại cho biết ông Hùng, còn gọi là ‘Hùng Gàn’, 43 tuổi, đăng tải các video ‘có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân’ trên trang fanpage ‘Chấn Hưng Việt Nam TV’, tức CHTV Vietnam, trên Facebook.

Tòa án đã phán quyết là ông Hùng ‘phạm tội rất nghiêm trọng’; ‘trực tiếp xâm phạm an ninh quốc gia’; ‘gây mất lòng tin của nhân dân vào thể chế chính trị’; ‘gây mất ổn định về văn hóa-tư tưởng’, do đó ‘cần xử nghiêm’.

Ông Hùng thừa nhận có làm những hành vi mà Tòa nêu, theo bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, nhưng cho rằng mình ‘không có tội’.

Các video được bên công tố trưng đưa ra làm bằng chứng kết tội nhà hoạt động này là: ‘Tại sao công dân trưởng thành có bổn phận tranh cử?’; ‘Khi nền tư pháp đóng vai trò phá hủy pháp luật thì phải ứng xử như thế nào với nó?’; ‘Thư khẩn gửi Quốc hội yêu cầu khẩn cấp mở Tòa Bảo hiến để xử về vụ Đồng Tâm’; ‘Tại sao có quá nhiều công dân bị oan sai? Làm gì để giải quyết dứt điểm vấn nạn này?’….

‘Tòa tuân theo lệnh Đảng’

Trong tuyên bố đưa ra ngay sau khi ông Hùng bị tuyên án, RSF lưu ý tòa án Hà Nội ‘chỉ cần chưa tới hai tiếng đồng hồ để xét xử ông Hùng’ , và rằng ông Hùng ‘đã bị bắt và giam giữ tùy tiện trong 9 tháng trời trước khi phiên tòa diễn ra’. Ông cũng không được gặp luật sư mãi cho đến ngày 22/11 trong khi vợ ông, bà Đỗ Lê Na, không được phép tham dự phiên tòa, tổ chức quốc tế bảo vệ các nhà báo này chỉ ra.

“Bản án gây sốc 5 năm tù của Lê Trọng Hùng một lần nữa cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam hoàn toàn thiếu độc lập và làm thế nào tòa chỉ giới hạn ở việc thực hiện mệnh lệnh của Đảng Cộng sản cầm quyền,” ông Daniel Bastard, người phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF, tuyên bố.

“Chính quyền Việt Nam hiện tại đã trơ trẽn vi phạm điều 25 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó mạnh mẽ khẳng định quyền tự do báo chí. Sự khinh miệt tồi tệ đối với nền pháp trị phải chấm dứt,” ông Bastard nói thêm.

Theo RSF thì ông Lê Trọng Hùng thường xuyên đưa tin về các vụ việc tham nhũng và trưng dụng bất hợp pháp và cung cấp thông tin pháp lý để giúp đỡ các nạn nhân.

Ông Hùng là nhà đồng sáng lập kênh CHTV thứ hai trở thành nạn nhân bị đàn áp ở Việt Nam. Trước đó, người dẫn chương trình của kênh là ông Lê Văn Dũng đã bị bắt vào tháng 6 năm 2020.

Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021 của RSF, với tổng cộng44 người hiện đang bị giam giữ, theo số liệu của RSF.

Trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa 15 hồi tháng 5 năm nay, ông Lê Trọng Hùng đã ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Hai tháng trước ngày bầu cử, công an Hà Nội đã bắt giam ông với cáo buộc ‘Tuyên truyền chống nhà nước’.

VOA (01.01.2022)