Ứng xử hai mang của Giáo hội quốc doanh trong lễ tang Thiền sư Nhất Hạnh
2022.01.27
Sinh thời, pháp môn Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh không được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam công nhận, tăng thân Làng Mai ở Thiền Viện Bát Nhã Lâm Đồng bị truy đuổi, trục xuất khỏi Việt Nam. Khi viên tịch, Thiền sư bị Giáo Hội quốc doanh đơn phương, đột xuất truy tặng phẩm hàm Trưởng Lão Hòa Thượng. Giáo Hội quốc doanh còn xiển dương công đức Thiền sư trên thế giới mà quên bẵng công lao hoằng pháp xây dựng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và những gửi gắm tâm huyết của Thiền sư về nền tự do tôn giáo, thoát khỏi đảng quyền, công an quyền.
Thiền sư Nhất Hạnh được thế giới vinh danh là cao tăng thứ hai của Phật Giáo sau Đạt Lai Lạt Ma. Pháp Môn Làng Mai của ông được phát triển nhiều nơi trên thế giới. Phát kiến về Chánh Niệm của ông được nhiều đại học tiếng tăm ở Mỹ và Châu Âu tiếp nhận ứng dụng giảng dạy. Những quan điểm về nhân ái, hòa bình, đối thoại của ông được ngưỡng mộ và đề xuất trao giải Nobel. Những phương pháp thực tập quán niệm hơi thở, bước chân an lạc của ông thật sự đem lại phép lạ của sự tỉnh thức cho mỗi con người.
Trớ trêu thay, tại Việt Nam và với cộng đồng người Việt trên thế giới, cách nhìn, đánh giá về ông có mâu thuẫn đôi khi đến cực đoan. Nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ trí tuệ, sự uyên bác và phương pháp thuyết giảng Phật học như là triết lý nhân sinh về giác ngộ, từ bi, chánh niệm… nhưng một số người chống cộng, nạn nhân của cộng sản lại có ấn tượng sâu sắc về tinh thần phản chiến một chiều, phản đối Mỹ đưa quân vào Việt Nam, chống lại chiến tranh mà không phê phán Bắc Việt đưa quân vào Miền Nam, thảm sát Mậu Thân, vi phạm Hiệp Định Paris cưỡng chiếm Miền Nam. Ngay sau 1975, Thiền sư cũng bị cho là đã im lặng trước tình trạng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị bức tử hay tình trạng nhân quyền bị đàn áp….
Đảng và Nhà nước Việt Nam từ lâu đã tận dụng khai thác những giá trị vàng của ông trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại nhưng vẫn đặt ông trong vòng nghi kỵ tuy không công khai gọi tên là thế lực thù địch.
Mãi ba mươi năm sau 1975, Thiền sư Nhất Hạnh mới được đặt chân về nước trùng hợp với thời điểm Việt Nam được xem xét gia nhập WTO mà một trong những điểm nghẽn là tự do tôn giáo. Tiếp đó, năm 2007, 2008 Thiền sư về nước tổ chức đại đàn chẩn tế những người chết oan trong chiến tranh ở cả hai miền Nam Bắc, đi thuyết giảng một số nơi và một số tăng thân Làng Mai được bảo lãnh tu tập ở Thiền Viện Bát Nhã, đồng thời Giáo Hội Quốc doanh Việt Nam được đăng cai tổ chức Vesak Phật Giáo Liên Hiệp Quốc. Nhưng đến năm 2009, sóng gió Bát Nhã nổi lên, tăng thân Làng Mai bị đánh tan tác, người trong nước phải hồi gia, người nước ngoài bị trục xuất. Công văn 1329 của Ban Tôn giáo Chính phủ có đấu đóng hẳn hoi, Bộ Ngoại Giao cũng họp báo khẳng định trục xuất tu sĩ Làng Mai. Báo Công An có loạt bài lên án Thiền sư Nhất Hạnh. Đảng, Nhà nước và Giáo hội Việt Nam lấy oán trả ân.
Một số vị chân tu lên tiếng nhưng đa số giáo hội quốc doanh đã im lặng. Bằng chứng về tội ác đàn áp tăng sinh Làng Mai còn lưu trữ tại đây (1)
Trước sau Làng Mai chưa bao giờ được Giáo hội Nhà nước VN công nhận và cho phép hoạt động tại Việt Nam. Mãi đến năm 2019, Thiền sư Nhất Hạnh mới quay về tổ đình Từ Hiếu sau cơn bệnh nặng để chờ ngày thu thần xuất thế.
Ấy vậy mà khi Thiền sư Nhất Hạnh viên tịch, bất ngờ Giáo Hội lại có công văn xiển dương công đức của Thiền sư và chỉ đạo tổ chức lễ tang. Công văn có đoạn như sau: “Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhất Hạnh là vị cao Tăng của Phật giáo Việt Nam có nhiều công lao trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp góp phần xiển dương Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài. Ngài là vị Thiền sư hướng đạo của Phật giáo đồ trên thế giới.”
“Ban Thường trực Hội đồng Trị sự kính đề nghị Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp chặt chẽ và tham gia giúp đỡ tổ đình Từ Hiếu trong công tác tổ chức tang lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhất Hạnh trang nghiêm, thành kính theo nghi thức cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thực hiện theo di nguyện tâm tang của ngài” (2)
Thôi thì cứ cho rằng nghĩa tử là nghĩa tận, thừa nhận công đức của người đã tận hiến cuộc đời cho đạo pháp dù trễ cũng không sai. Điều đáng nói là trong công văn này, giáo hội quốc doanh đã ỡm ờ úp mở kết nạp Thiền sư Nhất Hạnh vào tổ chức của mình bằng khái niệm Phật Giáo Việt Nam chung chung và cưỡng ép truy phong phẩm hàm Trưởng Lão Hòa Thượng cho Thiền sư Nhất Hạnh.
Cái lập lờ cần phân định ở đây là Thiền sư Nhất Hạnh là cao tăng của Phật Giáo Việt Nam nói chung mà cụ thể là của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trước 1981 chứ chưa bao giờ là thành viên của giáo hội quốc doanh nhà sản hiện nay.
Thiền sư và các môn đồ, tu sĩ Làng Mai chưa bao giờ có danh xưng Trưởng Lão Hòa Thượng. Cụ thể, trên các văn bản chính thức của Đạo tràng Mai Thôn hay pháp môn Làng Mai đều xưng danh đơn giản là Thiền sư. Quan trọng nhất là Cáo phó: Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch do Tổ Đình Từ Hiếu, Đạo Tràng Mai Thôn ấn hành đã ghi rõ “Thiền sư pháp hiệu trước Nhất sau Hạnh, Niên Trưởng Trú trì Tổ đình Từ Hiếu” (3)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn có danh xưng thân mật, đơn giản khác là Sư Ông Làng Mai trong hệ thống danh xưng thân mật khác như sư cô, sư chú…. Chưa bao giờ Thiền Sư Nhất Hạnh nhận mình là Trưởng Lão Hòa Thượng.
Việc một tổ chức cao nhất của Phật Giáo quốc gia tự ý gán ghép danh xưng cho người đã khuất ngay trong lễ tang với một người thường đã là báng bổ huống hồ chi đây là vị cao tăng. Hơn thế nữa, theo hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước và tôn giáo Việt Nam, mọi thứ đều có tiêu chuẩn và quy trình. Tiêu chuẩn và quy trình của phẩm hàm Hòa Thượng theo Hiến chương Giáo hội được quy định là “Được tấn phong Hòa thượng những Thượng tọa từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo trở lên, có đạo hạnh, có công đức với đạo pháp và dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị T.Ư thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành”. (4)
Hơn nửa thế kỷ qua Thiền sư Nhất Hạnh hoạt động tôn giáo ở nước ngoài và xây dựng đạo tràng Mai Thôn làm gì có Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội nào đề nghị và; làm gì có chuyện Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị T.Ư thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành’
Cưỡng phong Trưởng Lão Hòa Thượng cho Thiền sư Nhất Hạnh, giáo hội quốc doanh muốn làm sang cho mình nhưng tự xé bỏ cái Hiến Chương cao quý do chính họ đặt ra.
Điều lạ lùng khác không rõ do Thiền Sư Nhất Hạnh không phải là đảng viên cao cấp hay vì lý do nào đó mà một vị cao tăng hàng thứ hai thế giới, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Bộ Ngoại Giao Mỹ, Tổng Thống Hàn Quốc và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế khác gửi điện chia buồn thế nhưng giáo hội quốc doanh không đứng ra tổ chức mà lại giao cho Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp, giúp đỡ tổ đình Từ Hiếu tổ chức lễ tang như là một nhà sư tỉnh lẻ.
Phải chăng đây là cung cách ứng xử đểu cáng kiểu cộng sản giống như Phạm Quang Nghị tặng Nghị Sĩ John McCain bức tượng kỷ niệm bắn rơi máy bay hay Tổng thống Obama được tiếp đón với thang máy bay không thảm đỏ?
Dù lý do gì đi nữa thì cách làm này cũng trở nên trơ trẽn vì với pháp môn tịnh tiến trí tuệ giác ngộ của mình. Thiền sư Nhất Hạnh đã gạt bỏ tất cả các nghị tiết phù phiếm, những hình thức lễ lạc hào nhoáng vô bổ với di chúc không bảo tháp, lễ Tâm Tang thực hành chánh niệm trong im lặng thì Ban Trị sự cấp tỉnh hay cấp trung ương cũng thành vô tích sự.
“Tang lễ sẽ kéo dài trong bảy ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong suốt thời gian đó, kính xin quý vị đến thăm viếng cùng thực tập chung với chúng tôi – tâm niệm cúng dường – để cho toàn bộ tang Lễ Tâm Tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng”. (5)
Có lẽ các quan chức, các đồng chí cao tăng của giáo hội quốc doanh tức anh ách, ghen đến tận cổ mà nghẹn ngào không nói được là Lễ Tâm Trạng của Thiền sư Nhất Hạnh tuy đơn giản nhưng đâu chỉ diễn ra ở Tổ Đình Từ Hiếu hay đạo tràng Mai Thôn mà lan tỏa trên toàn thế giới, trong tâm của người ngưỡng mộ và thực tập hành thiền. Người dự lễ Tâm Trạng không mất tiền của cúng dường mà có thêm năng lượng tích cực an lành, có thêm trí tuệ giác ngộ. Thiền sư Nhất Hạnh rủ bỉ nhục thân nhưng tâm linh, trí tuệ, năng lượng từ bi mãi lan tỏa trong lòng phật tử, đại chúng. Nó trái ngược hoàn toàn với những lễ nghi tốn kém, lăng tẩm hoành tráng chiến đất đai tiền của nhân dân.
Mâu thuẫn hơn nữa và có thể nói là đểu cáng hơn nữa là chính người ký công văn cưỡng phong chức danh, cưỡng ép kết nạm Thiền Sư vào giáo hội quốc doanh, khi ghi sổ tang lại đẩy Thiền sư vào thế giới phương Tây.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội quốc doanh đã viết trong sổ tang
“Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người tiên phong mang đạo Phật đến với xã hội phương Tây, khai mở và hướng dẫn nhân loại tìm đến con đường đúng đắn về đời sống hạnh phúc, giải quyết các vấn đề của xã hội đương thời, góp phần xây dựng hòa bình trên thế giới theo triết lý Phật giáo”.
Tiếp đó, đồng chí Cao tăng này một lần nữa báng bổ cưỡng phong Trưởng lão Hòa Thượng cho Thiền sư Nhất Hạnh và xê xoa nói theo công thức.
Ngài đã để lại cho chúng ta một gia tài phong phú về kho tàng trước tác văn chương học thuật, về tấm gương sáng ngời ý chí tu hành, về tâm huyết và sứ mạng hoằng pháp lợi sanh…” (6)
Quả thật, Thiền sư Nhất Hạnh là cao tăng của nhân loại nhưng trước hết là cao tăng Việt Nam. Thiền sư đã để lại nhiều tâm huyết cho công cuộc hoằng pháp nhưng không phải theo kiểu chùa to Phật lớn, mượn danh tôn giáo, du lịch tâm linh để phá rừng chiếm đất xây chùa hàng ngàn mẫu. Không phải hoằng pháp theo cách đẩy những người ngoài giáo hội vào tù, phá chùa Liên Trì, chiếm Giáo xứ Cồn Dầu. Chiến đất Thái Hà,….
Kênh YouTube Làng Mai đang chia sẻ hướng dẫn thực hiện nghị tiết Tâm Tang, thầy Pháp Ấn đã nghiêm cẩn đọc bài thơ Xin Gọi Đúng Tên Tôi để đại chúng cùng suy nghiệm, xây dựng chánh kiến hành trì từ bi. Trong bài có đoạn như sau:
Tôi cũng là người chế tạo bom đạn
Để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á Phi
Tôi là em bé mười hai, bị làm nhục nhảy xuống biển sâu
Tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim
Chưa biết nhìn biết cảm
Tôi là người đảng viên cao cấp cầm quyền sinh sát
trong tay
Và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu nhân dân đang
chết dần mòn trong trại tập trung cải tạo
Nỗi vui của tôi thanh thoát như trời Xuân, ấm áp
cỏ hoa muôn lối
Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt, ngập về
bốn đại dương sâu
Hãy gọi đúng tên tôi
Cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một
Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi giật mình tỉnh thức
Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ
Cánh cửa xót thương…. (7)
Không chỉ truyền đạt đến đại chúng, Thiền sư Nhất Hạnh còn truyền đạt đến lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam về những điều cần thật tâm cải sửa để không chỉ giáo hội phát triển mà dân tộc được trường tôn, ấm no hạnh phúc.
Ngày 25.03.2005 thiền sư Nhất Hạnh trực tiếp trao cho Thủ tướng Phan Văn Khải bảy điểm đề nghị về chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo
Trong đó điều quan trọng nhất là:
“Nhà nước xác nhận ý muốn thực hiện sự tách rời giáo quyền ra khỏi chính quyền. Giáo quyền và chính quyền là hai lãnh vực riêng biệt không có quyền can thiệp vào nhau. Nhưng cả giáo quyền và chính quyền đều phải có đạo đức, nếu cả hai đều không muốn phá sản. Vì vậy tôn giáo có thể giúp cho chính trị và chính trị có thể giúp cho tôn giáo, nhưng cả hai bên đều phải theo luật pháp quốc gia. Bên tôn giáo có thể đóng góp tuệ giác và nhắc chừng về chiều hướng tâm linh đạo đức trong cả hai ngành lập pháp và hành pháp, bên chính trị có thể đóng góp ý kiến về sự suy thoái đạo đức trong tôn giáo và sự lạm dụng giáo quyền trong việc tìm cầu danh lợi và quyền bính, và yểm trợ cho tôn giáo trong những công tác giáo dục đạo đức và thực tập đưa tới lành mạnh hóa xã hội.
Ngày xưa vua Lý Thái Tổ đã yểm trợ đạo Phật xây dựng cơ sở giáo hội, và thiền sư Vạn Hạnh đã chỉ bày thêm cho vua về các đường lối kinh tế, văn hóa, đạo đức và chính trị. Nhưng vua không chen vào để kiểm soát Phật giáo và thiền sư cũng không nhận trách vụ gì trong guồng máy chính trị.Nhà nước bảo đảm là từ nay các vị xuất gia sẽ không bị mời làm dân biểu quốc hội, trở nên thành viên hội đồng nhân dân các cấp và của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam hoặc trở nên đảng viên của bất cứ một đảng phái chính trị nào. Xen vào lãnh vực chính trị như thế các vị xuất gia sẽ phạm giới, làm mất uy tín của giáo đoàn Phật giáo và cũng làm cho chính quyền mang tiếng là sử dụng những vị ấy để kiểm soát tôn giáo. Từ nay các vị xuất gia sẽ không còn nhận huân chương của chính quyền. Vị cao tăng nào làm cố vấn giỏi, đề nghị được những biện pháp cụ thể lợi nước lợi dân thì chỉ có quyền nhận một chiếc y màu tím như các vị cao tăng quốc sư đời trước”.
Ở một đoạn khác, Thiền Sư nêu cụ thể hơn:
“Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một thực tại. Nếu quý hòa thượng muốn giáo hội này phục hoạt lại, điều này không phải là một việc khó. Việc khó là chúng ta phải ngồi lại với nhau để nói chuyện, để thiết lập lại truyền thông với nhau, để lắng nghe nhau, để thấy được những khó khăn của nhau và để cùng đi đến những quyết định chung có thể làm đẹp lòng cho cả hai phía” (8)
Năm 2007, trong lần về nước sau đó, Thiền sư Nhất Hạnh lại tiếp tục trao cho Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết 10 điểm cần cải sửa, trong đó có việc sửa quốc hiệu, bỏ đi cái đuôi Xã Hội Chủ Nghĩa.
Đàn áp tăng sinh Làng mai ở Bát Nhã có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn đó là cách trả lời bằng hành động của chính quyền cộng sản Việt Nam với những đề nghị của Thiền Sư.
Với các đồng chí giáo hội quốc doanh, nếu có còn chút lòng tin, sự hiểu biết về nhân quả, về sắc không, luật vô thường thì mau sớm quay đầu sám hối và thật sự học, hành trì theo đạo pháp của Phật.
Bám theo bả lợi danh chức quyền của cộng sản, dù dối trá giả danh có đến 10 mặt rồi sẽ có ngày lộ hình lộ dáng và trả nghiệp đã nặng vay. Ngày ấy hẳn không xa!
______________
Tham khảo:
1-https://thuvienhoasen.org/a13106/05-phan-ung-cua-chinh-quyen-viet-nam
2-https://giacngo.vn/trung-uong-ghpgvn-co-cong-van-ve-viec-to-chuc-le-tang…
3-https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/cao-pho-thien-su-thich-nhat…
4-https://giacngo.vn/dua-vao-tieu-chi-nao-de-duoc-xung-danh-truong-lao-pos…
5-https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/thong-bao-di-huan/
6-https://tuoitre.vn/thien-su-thich-nhat-hanh-da-huong-dan-nhan-loai-tim-d…
7-https://www.youtube.com/watch?v=eTBdzUhHfns
8-https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/bay-diem-de-nghi-cua-thien-…
RFA
Ba điều đồn đãi về Thiền sư Thích Nhất Hạnh phải kiểm chứng bằng sự thật lịch sử
2022.01.24
Vào ngày Thiền sư Nhất Hạnh qua đời, đã có nhiều cuộc tranh cãi về cuộc đời và hoạt động của ông ở các cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Vốn là một người chủ trương hòa bình và có những ngôn luận chống chiến tranh với cả hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam) và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc), và như hãng tin AP đưa tin, là dù chủ trương kêu gọi các giải pháp hòa giải, nhưng ông vẫn phải trả giá cho quan điểm riêng của mình.
Sau năm 1975, khi miền Nam sụp đổ, thì sự oán hận của những người đứng về phía miền Nam VNCH vẫn kéo dài suốt nhiều thập niên. Nhiều nhân vật được cho làm lợi cho cộng sản hay đứng về phía cộng sản vẫn bị đưa ra làm đề tài để chỉ trích. Mặc dù không chọn phe, nhưng Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn bị coi là “đi đêm” với cộng sản, tương tự như Hòa thượng Thích Trí Quang – mặc dù sau khi thống nhất địa lý đất nước, nhà nước Cộng sản vẫn có những đối xử phân biệt khắc nghiệt với cả hai vị này.
Lịch sử hiện đại Việt Nam, đặc biệt qua hai nền Cộng Hòa, và cuộc chiến tranh Nam-Bắc, chồng chéo muôn điều phức tạp. Để nhận định đủ và đúng, cần phải có đủ tư liệu và thời gian để quan sát. Tuy vậy, từ khoảng cuối thế kỷ 20 cho đến nay, những nhận định cá nhân và quan điểm phù hợp với sự tức giận của đám đông đã chiếm ưu thế, bất chấp các chi tiết không đúng, thậm chí là tin giả. Dưới đây là ba lời đồn đãi tiêu biểu.
1. Thiền sư Thích Nhất Hạnh ủng hộ cộng sản, và “đi đêm” với cộng sản
Dĩ nhiên, trong cách nhìn của đám đông ủng hộ chính quyền VNCH, thì bất luận sự phản ứng nào chống lại, hoặc khác biệt quan điểm đều dễ dàng bị coi là “việt cộng”. Ngay sau sự ra đi của ông Thích Nhất Hạnh, đã có một bài viết trên Facebook của một vị linh mục hiện sống tại Mỹ chỉ trích rất nặng lời. Bài đăng này nhận được nhiều sự ủng hộ của giới chống cộng và tín hữu công giáo. Tuy nhiên quan điểm chính của bài viết này nhận định ông Thích Nhất Hạnh là “tay sai của cộng sản” hay “đi đêm với cộng sản” từ những năm 60, là hoàn toàn phi lý, vì đó là một nhận định không có căn nguyên.
Để chứng minh điều này rất rõ, nhiều ngôn luận và nhận định của ông Thích Nhất Hạnh về việc bất đồng với chế độ cộng sản có thể tìm thấy dễ dàng bằng một cú click trên Google. Cụ thể, chẳng hạn trên The New York Review, bài đăng vào năm 1966 đã trích lời khẳng định của ông Thích Nhất Hạnh về cộng sản, qua bản dịch của Giáo sư Hoàng Ngọc Tuấn (Úc) như sau: “Chúng tôi biết rất rõ về những sự cấm đoán đối với Phật giáo ở miền Bắc. Chúng tôi đã nghiên cứu những gì đã xảy ra ở Trung Quốc. Chúng tôi biết rằng tôn giáo không thể tồn tại trong tinh thần của chủ nghĩa Marx”. (“We are very well aware of the restrictions on Buddhism in the North. We have studied what has happened in China. We know there is no place for spirituality in Marxism”).
Nhiều người vẫn nói là trong khi vị Thiền sư lên tiếng với báo chí về sự chỉ trích Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng lại không lên tiếng nói gì với chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên điều này không đúng, trong các lần trở về Việt Nam, ông Thích Nhất Hạnh đã nói trực tiếp và thậm chí vận động chính quyền Hà Nội về những cải cách chính trị, thả tù nhân lương tâm hay tự do tôn giáo. Những chi tiết này được ghi trong tập 1, bộ Wikileaks do báo người Việt ở Mỹ phát hành. Có thể xem thêm bài viết của nhà báo Vũ Quí Hạo Nhiên, viết cho người Việt, hoặc trên trang BBC.
Việc chọn lựa quan điểm thể hiện nhiều tính chất chính trị hơn trong trong thời cuộc là lựa chọn của ông Thích Nhất Hạnh, và sẽ nhiều năm nữa với những tư liệu đầy đủ hơn được tiết lộ thì có lẽ cái nhìn về ông sẽ rõ ràng hơn, định danh đúng hơn. Nhưng ở lúc này, để xác định ông là “tay sai cộng sản” hay “đi đêm với cộng sản”, hoàn toàn là võ đoán và vô căn cứ. Việc ghét bỏ dựa trên cách ông chống chính quyền Mỹ, vẫn được xem là khuynh hướng chung của những người theo chủ nghĩa dân tộc như hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm chẳng hạn.
2. Có vợ con nhưng che giấu
Sự kiện vô căn cứ này được rộ lên sau khi Thiền sư ra đi. Ai đó đã tung một bức ảnh mơ hồ có ông và một vài phụ nữ, trẻ em, và nhất định xác quyết đó là gia đình ông. Trong số những người đưa và tung những tin giả này, có cả một nhân vật từng làm trong Bộ Nội vụ của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Tuy nhiên, rất nhanh là những ngôn luận này bị vạch mặt, bởi đó là bức ảnh của gia đình họa sĩ Võ Đình đi thăm ông Thích Nhất Hạnh và chụp làm kỷ niệm. Chính phu nhân của họa sĩ Võ Đình đã công khai tố cáo rằng bọn lưu manh đã nhặt, cắt xén và ghép thêm hình vào tấm ảnh gia đình do chính họa sĩ Võ Đình chụp thầy Nhất Hạnh và các con của họa sĩ Võ Đình. Tiếc thay tiếng nói thật vẫn đang chìm đắm trong sự loạn lạc của dòng tin thất thiệt.
3. Về tuyên bố Mỹ bỏ bom chết 300.000 dân Bến Tre
Đây là một trong những ngôn luận chính, dẫn theo vô số những lời chỉ trích và khẳng định ông Thích Nhất Hạnh là “việt cộng”. Theo những lời kể lan khắp các tranh mạng thì ông Thích Nhất Hạnh đã “bịa đặt chuyện Mỹ bỏ bom và giết 300.000 dân” để kêu gọi thế giới chống chiến tranh Nam-Bắc.
Thế nhưng câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Nguyên văn của câu chuyện được tờ New York Times đăng tải vào năm 2001, là trong một buổi thuyết pháp ở Mỹ vào ngày 25-9 ở Riverside Church, New York, khi đọc một bài thơ của mình, ông Thích Nhất Hạnh có kể là bài thơ ra đời khi ông nghe tin Bến Tre với dân số 300 ngàn người bị ném bom phá hủy vào năm 1968 khi quân đội Mỹ có tin là khoảng chục lính việt cộng đang ẩn nấp trong đó. Bất nhẫn hơn vì qua một bản tin của hãng thông tấn AP, một cấp chỉ huy quân đội Mỹ cho rằng “Đó là sự cần thiết để phá hủy thành phố này nhằm cứu nó” (It was nesscesay to destroy town to save it) trong bản tin tường trình chiến sự từ Việt Nam vào đầu năm 1968.
Con số về người dân ở Bến Tre lúc đó, chính xác chỉ khoảng từ 30.000-35.000 người, nên về số liệu thì ông Thích Nhất Hạnh đã trích dẫn sai, nhưng nội dung thì hoàn toàn không giống gì với những tin đồn về “tố cáo” và “phục vụ cho việt cộng” vẫn đang thao túng nhiều nơi.
Trên thực tế, yêu hay ghét thiền sư Thích Nhất Hạnh là chuyện bình thường. Mọi nhà lãnh đạo tinh thần trên thế giới đều phải trả giá cho sự độc lập về tư duy của mình. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn bị phía chủ trương kháng chiến vũ lực chống Trung Quốc nói ông là phản bội. Đức Thánh Cha Francis vẫn bị nhiều giám mục, linh mục, tín đồ chống đối và ghét bỏ những cải cách, nhận định của ngài. Nhưng mọi thứ cần đặt trên sự thật. Sự ghét bỏ đơn thuần không làm nên nền văn minh, và chính sự hiểu biết và quan sát đủ, mới có thể tạo dựng được phát triển của một dân tộc hay thế giới này.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.