Nhà hoạt động Trần Văn Bang bị bắt theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự
Ông Trần Văn Bang Facebook Trần Bang
Ông Trần Văn Bang- người lâu nay công khai lên tiếng đấu tranh chống những bất công trong xã hội; cổ xúy cho tự do, dân chủ trong nước- vừa bị bắt giữ hôm 1 tháng 3 năm 2022.
Ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng – nơi ông Trần Bang là một thành viên, nói với RFA tối 1 tháng 3:
“Lúc 3 giờ tôi nhận được tin của anh em báo cho biết là công an đương lục soát ở nhà của ông Trần Bang. Tôi hỏi ai nói thì họ bảo là vợ anh Trần Bang nói do những người xung quanh báo lại vì lúc đó vợ anh Bang không có ở nhà.”
Truyền thông Nhà nước đưa tin cùng ngày cho biết, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an TP.HCM ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Bang vào ngày 1 tháng 3 để điều tra về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Cũng theo truyền thông Nhà nước, khi khám xét nơi ở của ông Bang, cơ quan an ninh đã thu được một số sách, tài liệu có nội dung bị cho là ‘tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Nhà nước.’
Trước đó, hôm 24 tháng 11 năm 2021, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án này.
Trong cuộc trò chuyện với RFA hôm 17 tháng 2 năm 2022, ông Trần Văn Bang chia sẻ:
“Tôi bị sức khỏe có vấn đề nên ngưng hết các hoạt động để chữa bệnh. Tôi bị viêm cơ lò xo ngón tay. Hai mắt cũng bị lâu rồi nhưng dịch COVID nên hai năm không đi chữa. Tôi đóng Facebook từ hôm Noel, từ hôm 26 Facebook tôi ngưng hoạt động. Từ hôm đó, mấy giấy triệu tập gởi đến. Họ đang điều tra về tôi, có thể họ sẽ tóm. Giấy triệu tập hai cái liền. Họ hỏi các vấn đề nói chung là liên quan đến tuyên truyền, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Họ thích chộp ai thì chộp để lấy thành tích chứ những cái kia chỉ là cái cớ thôi. Nó cảnh báo là đã có đủ hồ sơ, chỉ cần củng cố thêm chứng cứ là bắt. Tôi đã nhờ LS. Nguyễn Văn Miếng và LS. Đặng Đình Mạnh nếu bị bắt.”
Sau khi có tin ông Trần Văn Bang bị bắt, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA:
“Tôi cũng mới được biết qua bạn bè và em gái anh Bang chứ không phải qua vợ ảnh. Bây giờ cũng chưa biết cụ thể họ bắt như thế nào nữa. Trước đây anh Bang có ký hợp đồng với văn phòng luật sư rồi, giờ tự động làm thôi. Đây mới chỉ là giao ước hợp đồng giữa luật sư với khách hàng thôi.
Hiện nay hồ sơ này đang do Cơ quan An ninh điều tra TP.HCM làm nên tôi phải đến đó làm thủ tục đăng ký luật sư. Và do đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, mà từ trước đến giờ, những tội thuộc nhóm an ninh quốc gia này họ không cho luật sư tham gia ở giai đoạn điều tra. Chỉ khi nào kết thúc giai đoạn điều tra thì họ mới cho luật sư gặp thân chủ của mình.”
Ông Trần Văn Bang (61 tuổi) từng là một trong mười ứng viên của giải “Cống hiến”. Đây là một giải thưởng nhân quyền dành cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước do các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền trong nước lập nên. Giải thưởng này được bắt đầu với việc bầu chọn những nhà hoạt động cống hiến nhiều cho phong trào trong nước trong năm 2019.
Ông Trần Văn Bang thường xuyên bị an ninh canh giữ trước cửa nhà mỗi khi trong nước diễn ra sự kiện gì mà họ cho là ‘nhạy cảm’. Ông Bang từng bị đánh đổ máu khi tham gia biểu tình chống Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 5 tháng 11 năm 2015.
Những người tham gia các cuộc biểu tình chống chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cho rằng việc họ xuống đường để thể hiện chính kiến là điều được Hiến pháp Việt Nam cho phép.
RFA (02.03.2022)
Y án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế với nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn
Phiên xử phúc thẩm ông Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên thứ 3 của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị bắt giữ vào tháng 6/2020 diễn ra ngày 28/2/2022 tại phòng xử số 02 – Trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh – địa chỉ: Số 8, đường số 57, phường Cát Lái, Thành phố Thủ Đức.
Tại phiên toà được cho là xét xử công khai toà tuyên giữ y án11 năm tù giam và 3 năm quản chế đối với nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn trong một phiên xử chóng vánh chỉ diễn ra vọn vẹn chưa đầy 3 tiếng đồng hồ từ 7:30 đến 10:00 sáng cùng ngày. Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho Lê Hữu Minh Tuấn cho biết trong phiên xử, Lê Hữu Minh Tuấn vẫn giữ được tinh thần vững vàng, khẳng định mình vô tội và không vi phạm pháp luật Việt Nam như đã từng tuyên bố ở phiên xử sơ thẩm hơn một năm trước đó.
Ông Lê Hữu Minh Tuấn nói ông chỉ đang thực hiện các quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội… Những việc làm của ông Tuấn và hội là thực hiện đúng quyền của mình và không nhằm chống lại nhà nước Việt Nam…
Giữ vững được tinh thần, vẫn cương quyết khẳng định mình vô tội dù bị khủng bố tinh thần trong điều kiện sinh hoạt tồi tệ của trại tạm giam Chí Hoà – Phan Đăng Lưu của ông Lê Hữu Minh Tuấn là điều mà chỉ những tù nhân chính trị mới có thể làm được.
Kể từ phiên xử sơ thẩm ngày 5/1/2021, ông Lê Hữu Minh Tuấn tiếp tục bị biệt giam trên 1 năm tại trại tạm giam Phan Đăng Lưu dù đã làm đơn kháng cáo và đáng ra sẽ phải được đưa ra xét xử trong vòng 90 ngày kể từ khi có đơn kháng cáo theo như quy định tại Điều 346 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Trong khi đó cơ quan chức năng cũng không có thông báo, thông tin gì về việc hoãn phiên xử phúc thẩm trong một thời gian dài như vậy.
Cho đến khi phiên phúc thẩm diễn ra ông Lê Hữu Minh Tuấn không được tiếp xúc luật sư bào chữa vì lý do trại giam Chí Hoà – Phan Đăng Lưu đang có nhiều F0. Việc tiếp tế thực phẩm cũng bị gián đoạn vì COVID và thân nhân chỉ được gửi tiền tiếp tế qua đường bưu điện.
Kết quả y án của phiên xử phúc thẩm không phải là điều ngạc nhiên đối với bất kỳ ai theo dõi các phiên toà án an ninh quốc gia. Các bản án bỏ túi đã được định sẵn và sẽ không có gì thay đổi, cho dù cho cho lên đến giám đốc thẩm.
Trong vòng 15 ngày tới, có thể ông Lê Hữu Minh Tuấn sẽ được đưa đi đến trại giam trung chuyển khác trước khi được đưa đi thụ án ở một trại giam khác như trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ trước đây.
Từ những bài viết phản biện xã hội, chính trị tại Việt Nam được cho là của Lê Hữu Minh Tuấn được đăng trên trang mạng Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, chính quyền Việt Nam đã buộc tội ông Lê Hữu Minh Tuấn cùng Chủ tịch Hội Phạm Chí Dũng và Phó chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ tội theo khoản 2 của điều 117 Bộ Luật hình sự.
Ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù giam và 3 năm quản chế, ông Nguyễn Tường Thuỵ nhận mức án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế.
VNTB (02.03.2022)
Nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn bị y án sơ thẩm 11 năm tù
Nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn bị tòa án CSVN ở Sài Gòn áp đặt y án sơ thẩm 11 năm tù trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra nhanh chóng, hôm 28 Tháng Hai.
Ông Lê Hữu Minh Tuấn, 33 tuổi, là một trong ba thành viên trụ cột Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, bị bắt giữ và áp đặt các bản án nặng nề vào ngày 5 Tháng Giêng, 2021, khi bị vu cho tội “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống nhà nước” CSVN.
Nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn. (Hình: RSF)
Theo Luật Sư Đặng Đình Mạnh nói với đài RFA về phiên tòa phúc thẩm hôm 28 Tháng Hai, ông Lê Hữu Minh Tuấn phủ nhận lời vu cáo là ông “vi phạm pháp luật” làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng và nhà nước CSVN. Ông chỉ hoàn toàn thực hiện các quyền tự do căn bản của công dân về tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội như điều 25 của bản Hiến Pháp của chế độ quy định.
Luật Sư Mạnh cho hay, ông đã nêu ra các điều vi phạm luật lệ hình sự tố tụng của vụ án để yêu cầu trả tự do cho ông Tuấn. Tuy nhiên, cũng giống như các vụ án chính trị khác, lời biện hộ của luật sư không hề có tác dụng khi bản án luôn luôn là “án bỏ túi” được ấn định từ trước.
Trước khi có phiên tòa phúc thẩm, Luật Sư Mạnh đã nói với đài RFA rằng: “Đối với những phiên tòa có yếu tố liên quan đến chính trị như thế này thì chúng tôi cũng không đặt quá nhiều hy vọng vào việc thay đổi bản án. Vì thông lệ nó là như vậy.”
Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam do các ông Phạm Chí Dũng (năm nay 55 tuổi), ông Nguyễn Tường Thụy (năm nay 70 tuổi) và ông Lê Hữu Minh Tuấn cùng gần 40 người khác đứng ra thành lập năm 2014. Tổ chức này không phải là một bộ phận tuyên truyền của chế độ nên bị coi là bất hợp pháp dù Hiến Pháp nói công dân có đủ các quyền tự do căn bản.
Đồng thời họ xuất bản tờ báo mạng lấy tên Việt Nam Thời Báo để phổ biến thông tin cũng như viết phân tích, bình luận thời sự không rập khuôn theo đường lối tuyên truyền một chiều hay bóp mép sự thật như guồng máy tuyên truyền của chế độ.
Chính vì vậy mà họ bị vu cho tội phổ biến và đăng các bài viết “nội dung chống phá nhà nước” CSVN, và lại còn “lôi kéo, phát triển hội viên trong và ngoài nước vào hoạt động chống phá.”
Ông Phạm Chí Dũng đã bị bắt hồi Tháng Mười Một, 2019, ông Nguyễn Tường Thụy bị bắt hồi Tháng Năm, 2020, và ông Lê Hữu Minh Tuấn bị bắt Tháng Sáu, 2020.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 5 Tháng Giêng, 2021, kết án ông Phạm Chí Dũng 15 năm tù trong khi hai ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đều bị 11 năm tù.
Cho tới nay, Việt Nam Thời Báo vẫn hoạt động và do một nhóm thành viên tiếp tục điều hành từ bên ngoài Việt Nam trên mạng xã hội với hàng chục ngàn người truy cập thường xuyên. Báo này còn có cả trang Facebook và Twitter dù các thành viên sáng lập đã bị bỏ tù.
Khi họ bị bắt cũng như bị kết án tù, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và ngay Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng đều lên tiếng đòi CSVN trả tự do tức khắc cho họ. Liên Hiệp Quốc lên án CSVN là “bắt người tùy tiện” cũng như đòi bồi thường thiệt hại cho họ nhưng cũng không có tác dụng.
Ông Phạm Chí Dũng (phải), ông Nguyễn Tường Thụy (trái) và ông Lê Hữu Minh Tuấn (sau) ra tòa sơ thẩm ở Sài Gòn ngày 5 Tháng Giêng, 2021. (Hình: VNA/AFP/Getty Images)
Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 5 Tháng Giêng, 2021, ở Sài Gòn, qua sự ghi chép của Luật Sư Nguyễn Văn Miếng, ông Phạm Chí Dũng nói rằng: “Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền ‘tự do báo chí’ của Việt Nam.”
Ông Nguyễn Tường Thụy thì nói: “Tất cả những bài báo của tôi đều là những trăn trở đối với đất nước và dân tộc. Trong tương lai, những việc chúng tôi làm hôm nay sẽ là những chuyện bình thường.”
Còn ông Lê Hữu Minh Tuấn thì quả quyết: “Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Chúng tôi chẳng những không làm suy yếu nhà nước mà còn làm cho nhà nước mạnh lên.” (TN) [kn]
Người Việt (28.02.2022)
9 cách thức đàn áp tôn giáo
Đàn áp tôn giáo ở Việt Nam mang tính hệ thống
Nhân sau khi đọc bài: “VNTB – Kích động hận thù và gây xung đột tôn giáo, sắc tộc.” đã đăng vào ngày 05.02.2022. Trong đó có viết: “Tin tức cũng cho hay Tổ chức BPSOS đã thành lập khẩn cấp toán công tác để theo dõi diễn tiến, viết báo cáo và vận động quốc tế lên tiếng về tình trạng này, vài ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát nhắm vào một linh mục Công giáo ở Kon Tum. – Người đứng đầu tổ chức BPSOS là ông Nguyễn Đình Thắng cho biết trước khi xảy ra vụ sát hại linh mục Trần Ngọc Thanh, thì có một linh mục khác thuộc giáo phận Kontum cũng đã bị đâm trọng thương. Chính quyền dù đã bắt giam hung thủ nhưng vụ việc cho đến nay coi như bị chìm xuồng vì việc điều tra đã dậm chân tại chỗ.”
Câu hỏi nảy ra trong trí của người viết bài này là sự việc này có mang tính hệ thống hay không?
Xin mời độc giả cùng quay ngược thời gian đôi chút để cùng tìm hiểu.
Theo báo “Tuổi Trẻ” ngày 15/11/2006 đã đăng:
“Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa VN ra khỏi danh sách đặc biệt quan tâm về tình hình tự do tôn giáo (CPC) sau khi đánh giá rằng VN đã có những tiến bộ trong vấn đề này.”[1]
Tuy nhiên trước đó vài tháng, chúng ta có một thông cáo báo chí như sau:
- Côn đồ
“Chiều nay vào lúc 13 giờ 30 giờ Việt Nam ngày 22/05/2006 Chính Quyền phường Bình Khánh – Quận 2 – Sài Gòn đã quy động lực lượng công an, dân phòng, nhân viên uỷ ban, đoàn viên và đội quản lý đô thị khoảng hơn 50 người tấn công vào trụ sở văn phòng Hội Thánh Tin Lành Mennonite số C5/1H Trần Não – Phường Bình Khánh – Quận 2 – Sài Gòn.”[2]
Hình thức này được dùng khá phổ biến khắp nơi tại Việt Nam. Thật khó có thể biết ai trong đó là công an thường phục, ai là bọn côn đồ du thủ, du thực. Có thể nói rằng cả hai loại này đã được trộn chung lại thành một. Chúng tung hoàng như cảnh trong phim hành động ở một đất nước và người ta bảo rằng có sự “thượng tôn pháp luật.” (3)
- Đập phá nhà thờ
3.Không chỉ xâm phạm thân thể thô bạo, những trong bộ dạng côn đồ ấy cũng đeo bám giới tôn giáo và ngang nhiên đập phá những nơi tôn nghiêm. Cụ thể như sau:
“Cơ sở Hội Thánh Tin Lành Mennonite do Mục sư Nguyễn Hồng Quang quản nhiệm ở Bình Dương cũng đã bị đập phá ngày 16 tháng 11 năm 2014”
Đó là tựa đề bài báo của RFA đăng ngày 19-01-2015[4]
{Courtesy: RFA}
Bài báo viết: “Tại Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Duơng, Hội thánh Tin Lành Mennonite do mục sư Nguyễn Hồng Quang phụ trách cũng có một cơ sở đào tạo. Điểm nhóm họp này đã có từ năm 2007, nhưng từ giữa năm ngoái cho đến nay, cơ sở này bị những thành phần bất hảo tấn công, đập phá đến phải đóng cửa không thể sinh họat.”
Không thể nghi ngờ gì nữa khi những kẻ – thường được giới cán bộ gọi – là ‘quần chúng tự phát’ huỷ hoại cơ sở tôn giáo, mà nhà cầm quyền hoàn toàn làm ngơ. Cho nên đó là một trong những đường lối sử dụng bạo lực cách mạng.
Loạt hình ảnh và cách nội dung tiếp theo dưới đây được trích xuất từ bộ phim “Underground Reality Vietnam” do The Voice of the Martyrs phát hành.[5]
- Công an canh gác
Nạn nhân trong phim đã nói: “Tình cờ họ đi, học bắt gặp thì [buộc] làm giấy kiểm điểm.”
Có nghĩa là khi nhóm người dân tộc nhà thực hiện việt cầu nguyện tại gia, nhưng lại bị rắc rối với công an địa phương vì lý do tôn giáo.
- Bắt bớ
Một thiếu nữ người dân tộc 16 tuổi đã kể lại, cô bị bắt vì theo đạo Tin Lành. Năm đó cô chỉ vừa lên 12 tuổi, cô bị bỏ tù ba ngày nhằm bắt buộc từ bỏ đức tin.
- Tra tấn
Thiếu nữ nói cô đã bị đánh đập trong nhà tù.
- Hãm hiếp
Họ đã đánh đập và ức hiếp cô, vì đức tin.
- Bỏ tù
Theo lời của Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết:
“Em ruột tôi, cha tôi, chú ruột tôi đã từng cộng tác với Mỹ trước đây, thời chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Họ đã bị giết trong ‘trại cải tạo’ – một kiểu trại trừng giới Gulag. Giáng Sinh năm 1979, tôi bị bắt nhốt vì đi dự [lễ] Giáng Sinh [tại nhà thờ].”
Ông nói: “Tôi thấy tại địa phương có một tín đồ chết, mà vị mục sự không dám cầm Kinh Thánh để đọc trước quan tài người chết, bởi vì sợ ‘chính quyền’ lắm. Tôi thấy tôi không phải sợ mà dâng mình cho Chúa để dẹp sự sợ hãi qua một bên.”
Mục sự nói tiếp: “Để trở thành người hầu việc Chúa thì tôi phải trả giá là bảy lần ở tù, ba lần ra tòa, bốn lần bị mưu sát!”
Nếu bạn bị tù, trong tù, có đến bảy tám tù nhân bị giam chung trong một cái buồng chật hẹp, đi vệ sinh tại chỗ, và ăn cơm với gạo sạn.
- Cô lập
Sau khi ra tù, một người dân tộc cho biết:
“Ông Y Ngũn Knul cho RFA biết ông được 6 lần giảm án, tổng cộng là 2 năm 6 tháng. Trong suốt gần 16 năm tù, ông Knul đã ở qua hai trại giam Nam Hà và Thanh Chương, Nghệ An.”[6]
{Courtesy: baothamnhung.com}
Thông thường, sau khi ra tù, tù nhân có thể bị quản thúc thêm một thời gian nữa. Có nghĩa là sẽ bị mật vụ canh trước cửa nhà. Nó tạo nên một xã hội mà mật vụ dày đặc như Gestapo thời Đức Quốc Xã.
- Thoá mạ công khai
Cũng trên VNTB có bài viết: “USCIRF (Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế) khuyến nghị đưa Việt Nam vào danh sách Các quốc gia cần được quan tâm đặc biệt CPC.”[7]
Trong đó có ghi: “Trong một trường hợp, Hiệp hội Cờ Đỏ đã tấn công ba thành viên của cộng đồng Công giáo bằng ngôn từ xúc phạm trên trang web của mình, gọi họ là “những kẻ khủng bố” và “những kẻ chết não”.”
Bằng phương tiện truyền thông đa thông tin, không mấy khó khăn để tìm thấy những trang mạng có nội dung tương tự. Đan cử, trang Youtube “Mảng Lịch Sử Chưa Viết” có cả một tập đoàn những kẻ chuyên nghề đấu tố trực tuyến, giống như Biên tập viên Lâm Phú Châu trong hình dưới dây:
Hình cắt từ một trong các đoạn phim Youtube “Mảng Lịch Sử Chưa Viết”[8]
Trên đây vừa trình bày tóm lược chín (09) cách thức đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Mục thứ chín này hoàn toàn ăn khớp vào tựa đề và nội dung của bài báo “Kích động hận thù và gây xung đột tôn giáo, sắc tộc.” nêu trên.
Đến đây – do khuôn khổ bài báo có hạn – nên người viết dừng lại để dành cho độc giả một khoảng trầm lắng, để có thể hình dung, hoặc có thể viết tiếp cách đàn áp thứ 10. Nó có thể là một giọt nước làm tràn ly!
Bình Nhiêu-Lộc
____________
Ghi chú:
(1) https://tuoitre.vn/vn-ra-khoi-danh-sach-cpc-172676.htm
(2) http://www.tdngonluan.com/tailieu/tl_csvnbatgiumsquang.htm
(3) Công an Cộng sản VN với dùi cui trên tay đang đánh đập man rợ các thành viên của Hội Thánh Mannonite. A VC security official attacks one of the people at the Mennonite Church building. (Photo: Christian Solidarity Worldwide)
(4) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/menno-pastor-sever-beaten-01192015060516.html
(5) https://vimeo.com/search?q=Underground%20Reality%20Vietnam
(8) https://www.youtube.com/channel/UCNq_hM7xJWeFa7PwMX_-9ow
VNTB (28.02.2022)
Đất đai và tương lai, có thế nào thì vẫn… chưa sao!
Trân Văn
Từ trước đến nay chuyện kích nền kinh tế qua xây dựng, bất động sản thường được ưu tiên nhiều vì qua đó, 1 loạt các vấn đề kinh tế được giải quyết. Hình minh họa. (Ảnh: Nguyễn Văn Châu)
Ông Bình không phê phán làm môi giới hay làm giàu từ bất động sản vì điều đó không xấu. Ông chỉ lo khi… “những nguồn lực tốt nhất lại đổ vào bất động sản”…
Thời báo Kinh tế Sài Gòn (KTSG) vừa có hai bài cùng đề cập đến hai khía cạnh liên quan đến đất đai tại Việt Nam: Thứ nhất là chính sách và năng lực, cung cách quản lý. Thứ hai là thị trường đất đai. Xưa nay, cả hai khía cạnh này đều là những vấn đề gây nhức nhối.
Trong “Sốt đất: Tội đồ và giải pháp” (1), qua KTSG, ông Phan Minh Ngọc nêu ra một số dẫn chứng để chứng minh, Nguyên nhân sâu xa của các cơn sốt đất trước đây, hiện nay và sắp đến, cũng được ngay cơ quan quản lý thừa nhận, chính là nguồn tiền quá dư thừa trong nền kinh tế mà chính phủ đã không thể kiểm soát được và để chúng chảy mạnh vào bất động sản. Thêm vào đó là sự yếu kém, thiếu trách nhiệm (và có thể cả lợi ích nhóm) từ chính quyền các cấp trong việc kiểm soát tình hình khi sốt đất đã nổ ra.
Còn trong “Đấu giá đất hay đấu thầu chọn nhà đầu tư?” (2), qua KTSG, một luật sư tên là Nguyễn Tiến Lập tiếp tục nêu những dẫn chứng khác để đề nghị: Những người cai quản đất nước, rất cần thôi cách nghĩ, cách nhìn đơn giản, thực dụng cho rằng đất đai trong tay mình là tài sản, từ đó luôn luôn tìm cách bán đất để được giá cao nhất. Thay vào đó, cần hiểu đất đai là không gian sống và không gian phát triển của tất cả mọi người, thậm chí của nhiều thế hệ và lịch sử.
***
Không chỉ có những người như ông Ngọc, ông Lập,… nêu ra những nhận xét, cảnh báo, khuyến nghị trên các cơ quan truyền thông chính thức như KTSG, từ vô số thông tin, diễn biến trên mạng xã hội, một doanh nhân – ông Mai Quốc Bình cũng mới lên tiếng…
Ông Bình điểm lại những câu chuyện cả trên hệ thống truyền thông chính thức lẫn trên mạng xã hội và cảm thán về những… “trò mèo”: Ca sĩ này khoe bán đất, diễn viên kia khoe kiếm được cả tỉ đồng nhờ đất, doanh nhân khác khoe mới bỏ ngàn tỉ mua đất….
Ông Bình thắc mắc: Hay ho gì từ chuyện đất ở thành phố được ví là kim cương, đất đồi, đất ruộng lên giá vùn vụt… Ngồi quán cafe chỉ nghe doanh nhân bàn về đất. Những giới khác, từ người làm văn phòng, ông chạy xe ôm, bà bán trà đá cũng râm ran bàn về đất, về cách làm giàu nhanh từ đất, về các chiêu trò giúp kiếm được mấy trăm triệu, mấy tỉ từ đất. Ông Bình nêu cảm nhận: Sự phi lý của thị trường bất động sản làm cho cộng đồng doanh nhân nản chí, muốn bỏ hết công việc để đâm đầu vào đất.
Dẫn những thành ngữ của tiền nhân liên quan đến đất. Ví dụ “cạp đất mà ăn” để chỉ trích những người lười học, nhác làm. “Đồ đầu đất” để chỉ những người chậm chạp, ngu ngơ… và so sánh với hiện tại đã khác hẳn ngày xưa: Giờ, “cạp đất mà ăn” hay “đồ đầu đất” là trào lưu thời thượng mà ai cũng muốn “đu trend”, ông Bình thú thật, chính ông cũng được hưởng lợi phần nào từ sự phi lý nói trên của thị trường bất động sản nhưng lại vừa buồn, vừa lo…
Buồn vì đất nước chúng ta đang có một nền kinh tế vận hành bằng hoạt động đầu cơ què quặt, người trước ăn của người sau. Lo vì người người, nhà nhà đổ tiền vào đầu cơ thay vì đổ tiền vào đầu tư, sản xuất kinh doanh để tạo ra công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho xã hội. Biết làm sao được, mấy năm nay, bản thân tôi và rất nhiều doanh nhân thường lỗ, cuối năm toàn phải bán đất để lo tết cho đội ngũ. Ai cũng muốn có miếng đất dự phòng để lỡ có chuyện gì…
Ông Bình đưa ra nhiều dẫn chứng: Một người bạn kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng cả chục năm, một thời từng nổi đình, nổi đám trong Forbes30 VN nhưng mấy năm nay trên facebook của người bạn này chỉ thấy… “đất Saigon rồi Phú Quốc, hết Phú Quốc lại Bình Thuận, xong đất là tiền kỹ thuật số”. Một người bạn cùng quê từng kinh doanh dịch vụ du lịch và vé máy bay doanh thu hàng trăm tỉ mỗi năm nhưng ở Sài Gòn mười năm chỉ có căn chung cư nho nhỏ để chui ra chui vào, “cuối cùng về quê mua đất, bán cát, môi giới trong gần một năm có được cả chục tỉ”. Một người bạn khác kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông, marketing vừa tuyên bố sẽ mở công ty môi giới bất động sản vì… “làm đất sáu tháng gấp mười lần làm truyền thông, marketing sáu năm”. Ông Bình còn có những người bạn là chuyên gia đào tạo nổi tiếng, kiếm không ít tiền nhưng cũng mới loan báo quyết định tự cho ông ta… “mất dạy” để chuyển qua làm “thằng đầu đất” vì… “một năm làm đất bằng 3 năm đi dạy”.
Ông Bình kể thêm, không chỉ doanh nhân mà các giới khác cũng thế. Anh trai ông vốn là giáo viên dạy trường chuyên của tỉnh – ngôi trường mà bất kỳ học sinh nào cũng muốn vào, năm nào cũng có học sinh đoạt giải quốc tế nhưng vẫn phải “ăn cá gỗ”. Cực quá, bí quá nên hai năm nay, anh ông đi dạy nửa ngày, nửa ngày còn lại đi làm… “cò đất” và “nhờ vậy mà giờ cơm có thịt”. Em họ ông Bình cũng ở tỉnh đó và phục vụ quân đội, trên vai có cũng có vài gạch, vài sao nhưng giờ… “cuộc sống của nó lại là đất ngày 3 bữa”…
Theo ông Bình, quanh ông, những người tay ngang gia nhập thị trường bất động sản đếm không xuể. Nếu những người đó chuyên tâm vào công việc của họ thì sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm, mỗi năm đào tạo ra hàng chục ngàn người đủ chất lượng trí tuệ làm giàu cho quốc gia. Chỉ tiếc rằng áp lực của cuộc sống buộc họ phải lựa chọn thứ… KIẾM ĐƯỢC TIỀN bởi bất kỳ ai, ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải tự cứu lấy mình trước, tự giúp mình trước khi muốn giúp thiên hạ. Khó trách họ được!
Ông Bình không phê phán làm môi giới hay làm giàu từ bất động sản vì điều đó không xấu. Ông chỉ lo khi… “những nguồn lực tốt nhất lại đổ vào bất động sản” và: “Nếu không có biện pháp hợp lý cho bất động sản thì có lẽ tương lai con em chúng ta phần lớn sẽ sống bằng nghề đầu cơ”. Ông dự đoán: Lúc đó, có lẽ 70% giá thành một cuộn giấy vệ sinh là phí thuê đất, 30% còn lại là nguyên phụ liệu và nhân công. 60% chi phí cho một trái sầu riêng sẽ là tiền thuê đất, 40% còn lại là phân bón và nhân công…
Bứt rứt vì… “Trò mèo, diễn hoài”, vì… “nản thật sự” khi nhìn thấy “cộng đồng doanh nhân quanh mình bỏ bê đi buôn đất hết”, cho dù biết rằng… “Nếu siết, có lẽ bản thân tôi cũng sẽ bị ho sặc sụa” nhưng ông Bình mong muốn phải khác vì… “đổi lại, nếu Việt Nam chúng ta có những doanh nghiệp vươn mình khắp nơi như Samsung, LG, Huyndai… của Hàn Quốc; CP, Saim cement, Thai Corp, BJC… của Thái Lan thì cũng cảm thấy sung sướng và có thêm động lực mà chiến đấu vươn mình thành công ty tỉ đô” (3).
***
Đem những diễn biến kinh tế – xã hội liên quan đến đất trước kia và hiện nay so với tương lai, ngẫm các tâm sự, nhận xét, gợi ý như vừa giới thiệu, ắt không ít người sẽ tự hỏi: Liệu có thể sớm thay đổi không? Câu trả lời gần như là… không? Làm sao có thể khác khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương dường như chỉ biết mỗi một cách để chứng minh năng lực trí tuệ, năng lực quản trị – điều hành là đặt ra các chỉ tiêu về tăng trưởng rồi dùng đất để hoàn thành những chỉ tiêu ấy!
Trân Văn (Blog VOA, 28.02.2022)
Chú thích
(1) https://thesaigontimes.vn/sot-dat-toi-do-va-giai-phap/
(2) https://thesaigontimes.vn/dau-gia-dat-hay-dau-thau-chon-nha-dau-tu/
(3) https://www.facebook.com/mquocbinh/posts/2160806850740464