Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã đưa ra trước dự luật trừng phạt Trung cộng để bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược hoặc mối đe dọa có thể xảy ra.
Dự luật do Hạ viện Mỹ đưa ra hôm thứ Tư (ngày 6/4), cam kết sẽ buộc các ngân hàng Trung cộng rút khỏi hệ thống tài chính quốc tế nếu Trung cộng gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh của Đài Loan hoặc “hệ thống kinh tế hoặc xã hội” của Đài Loan. Một dự luật trừng phạt tương tự đã được đưa ra tại Thượng viện vào tháng Ba, nhưng sẽ chỉ được khởi động nếu Đảng Cộng Sản Trung Hoa (ĐCSTH) tiến hành một cuộc xâm lược quân sự, phong tỏa kinh tế hoặc âm mưu đảo chính vào Đài Loan. Cả hai dự luật đều chờ để biểu quyết.
Dự luật của Hạ viện mở rộng định nghĩa về mối đe dọa do ĐCSTH gây ra đối với Đài Loan, tức là mở rộng các điều kiện tình huống gây ra các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTH, trong khi dự luật của Thượng viện đề xuất các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn dự luật của Hạ viện, bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực đối với công dân Trung cộng , và thậm chí “cắt đứt tất cả các giao dịch tài chính giữa Mỹ và Trung cộng “.
Các nhà lập pháp Mỹ coi các kế hoạch trừng phạt là một lời cảnh báo kinh tế đối với Trung cộng về một tấn công Đài Loan có thể xảy ra sau khi Nga xâm lược Ukraine. Trung cộng cũng chưa hề lên án Nga về vụ việc này.
Người bảo trợ cho Đạo luật trừng phạt Trung cộng tại Hạ viện, Dân biểu Frank Lucas nói với tờ The Hill rằng dự luật tại Hạ viện “đang trở thành nhu cầu cần được giải quyết dựa trên những gì chúng ta đã thấy trên khắp thế giới trong vài tháng qua”.
Dân biểu Lucas nói: “Tại sao không chuẩn bị? Tại sao giống như chúng ta trước đây, đưa ra hồi đáp sau khi sự việc xảy ra? Đây là nội dung của toàn bộ dự luật này, đã nói trước rằng căn cứ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, tổng thống thông báo với Quốc hội rằng nếu an toàn của hệ thống kinh tế và xã hội của người dân Đài Loan đang bị đe dọa, vậy thì hãy kích hoạt các điều khoản trừng phạt.”
Nếu được thông qua, dự luật của Hạ viện sẽ tìm cách loại trừ Trung cộng khỏi ngân hàng thanh toán quốc tế, G20 và Tổ chức Ủy ban Chứng khoán quốc tế và các nhóm tài chính khác chủ yếu trong ngành ngân hàng.
Thượng nghị sĩ Kevin Cramer, người đề xuất dự luật trừng phạt Trung cộng tại Thượng viện cho biết: “Tình hình ở Ukraine là hậu quả thực sự của sự lãnh đạo yếu kém và thiếu sự răn đe thực sự của Mỹ đối với Nga. Đài Loan là người bạn, đối tác thương mại tốt, và cũng là một ngọn hải đăng của tự do và dân chủ. Dự luật của chúng tôi là đe dọa sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính nghiêm khắc, để răn đe Trung cộng trong vấn đề Đài Loan rằng không nên cố gắng theo chân (Tổng thống Nga) Vladimir Putin.”
Các nhà phân tích Mỹ tin rằng sau khi Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine, giới lãnh đạo Đài Loan có thể cảnh giác, nhưng không sợ hãi, trước một cuộc xâm lược có thể của ĐCSTH.
Ông Michael J.Green, Phó chủ tịch cấp cao về Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) tại Washington, cho biết tại một hội nghị trực tuyến sau chuyến thăm Đài Loan hồi tháng Ba rằng:“Tôi cho rằng Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và nhóm của bà ấy cảm thấy cấp bách trước tác động của tình hình Ukraine đối với Đài Loan, nhưng không hoảng sợ và không rơi vào khủng hoảng.”
Ông nói: “Không vì vấn đề Ukraine mà cảm thấy rằng Trung cộng sắp xâm lược (Đài Loan).”
Ông Michael J.Green nói rằng trong chuyến đi tới Đài Loan do Nhà Trắng tổ chức, phái đoàn Mỹ đã bị Bộ Ngoại giao Trung cộng khiêu khích trên mạng. Ông cho biết đã quan sát được có đến 90% các bình luận trên mạng xã hội liên quan đến Ukraine đều là đánh giá tiêu cực về Mỹ, và rất nhiều chỉ trích này có thể bắt nguồn từ Trung cộng.
Ông Green cho rằng những bình luận đó tiết lộ: “Bắc Kinh nỗ lực nhằm thúc đẩy quan điểm mềm yếu về Đài Loan, sử dụng Ukraine để cho thấy Đài Loan mỏng manh và yếu ớt như thế nào, sự kháng cự là vô ích như thế nào.”
Không rõ liệu các chiến dịch nhắn tin trên mạng xã hội do ĐCSTH quảng bá có gây ra mối đe dọa đối với hệ thống xã hội của Đài Loan, từ đó gây ra các lệnh trừng phạt trong dự luật của Hạ viện hay không.
Với quy mô thương mại và tương tác thương mại giữa các nền kinh tế Mỹ và Trung cộng, nếu ĐCSTH có hành động xâm lược Đài Loan, vậy thì mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung cộng sẽ hạ cấp ở mức độ như thế nào cũng vẫn là điều chưa rõ.
Theo số liệu của Đại diện Thương mại Mỹ, tổng kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung cộng đạt hơn 615 tỷ đô la vào năm 2020, trong đó xuất khẩu của Mỹ sang Trung cộng đạt gần 165 tỷ đô la.
Ông Ryan Hass, nghiên cứu viên về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings cho biết trong cuộc họp hồi năm 2021: “Về các vấn đề kinh tế, những lời lẽ và hành động xung quanh việc (Mỹ và Trung cộng) tách rời đã nhận được nhiều sự chú ý nhất, dữ liệu thương mại và đầu tư tiếp tục chỉ hướng phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc.”
Phát biểu về dự luật mình đề xuất tại Hạ viện, Dân biểu Lucas cho biết, Trung cộng “mang lại cho (Mỹ) mức sống cao hơn đáng kể vì họ đưa ra mức giá thấp với sản xuất rẻ. Nhưng họ đã kiếm được rất nhiều tiền, họ đã sáng tạo được một loại tích lũy tư bản, những điều này khiến cho những việc khác của họ, từ nghiên cứu cơ bản đến các chương trình không gian đều trở thành khả năng có thể thực hiện được. Vì vậy, như chúng tôi đã nói, cuộc đua vẫn đang tiếp diễn và nó sẽ không sớm dừng lại.”
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo vào ngày 5/4 rằng Chính phủ Mỹ đã chấp thuận bán các thiết bị và huấn luyện trị giá lên tới 95 triệu USD cho Đài Loan để hỗ trợ hệ thống phòng không Patriot (MIM-104 Patriot) của Đài Loan.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của cho biết: “Thương vụ được đề xuất sẽ giúp duy trì mật độ tên lửa của bên tiếp nhận (Đài Loan) và đảm bảo sự sẵn sàng cho hoạt động tác chiến trên không.”
Ngũ Giác Đài cũng cho biết, Đài Loan sẽ sử dụng chương trình huấn luyện và thiết bị được đề xuất như một biện pháp “ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực và để tăng cường khả năng phòng thủ nội địa”.
Đây là lần bán vũ khí thứ 3 cho Đài Loan được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua và là lần thứ 2 trong năm nay.
Trình Văn, Vision Times (08.04.2022)