Liên Hiệp Quốc biểu quyết về việc khai trừ Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, phát biểu trước Hội Đồng Bảo An, New York, Hoa Kỳ, ngày 5/4/2022. REUTERS – ANDREW KELLY

Chiều ngày 07/04/2022, tại New York, 193 thành viên Liên Hiệp Quốc tham gia cuộc họp biểu quyết về đề xuất của Mỹ loại Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền. Quân đội Nga bị cáo buộc chà đạp nhân quyền « một cách trắng trợn và có hệ thống » khi tấn công thường dân Ukraina. Cuộc họp của Liên Hiệp Quốc diễn ra sau khi những hình ảnh khủng khiếp tại Bucha được công bố, gây chấn động. 

Để có hiệu lực, dự thảo nghị quyết của Hoa Kỳ phải được 2/3 trong số 193 thành viên Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thuận. Hãng tin Anh lưu ý, phương Tây tin tưởng là sẽ đạt được số phiếu tối thiểu này để tạm thời khai trừ Liên Bang Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ.

Theo lời đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, đây là một thông điệp mạnh mẽ cảnh cáo Matxcơva không thể vừa đánh trống vừa thổi còi, vừa vi phạm các quyền cơ bản của con người, nhưng đồng thời vẫn có tiếng nói trong Hội Đồng Nhân Quyền.

Vẫn theo Reuters, trước giờ biểu quyết, phía Matxcơva đã trực tiếp đe dọa các nước thành viên trong định chế đa quốc gia này : quyết định bỏ phiếu thuận để khai trừ Nga và kể cả trong trường hợp không tham gia cuộc biểu quyết chiều nay, sẽ được hiểu như một hành động « không thiện cảm » với nước Nga và kèm theo đó là những hậu quả trong bang giao với Matxcơva.

Từ khi Nga đưa quân xâm lược Ukraina, Liên Hiệp Quốc đã hai lần thông qua nghị quyết, với đa số áp đảo, lên án Nga tấn công Ukraina và đòi điện Kremlin rút quân khỏi nước láng giềng. Nga hiện là một trong số 47 thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền. Nhiệm kỳ ba năm của Hội Đồng Nhân Quyền khóa này hiện đã bước sang năm thứ nhì. 

RFI (07.04.2022)

 

 

Việt Nam “tự bắn vào chân mình” với lá phiếu chống tại Liên Hiệp Quốc

Reuters/RFA edited

Chuyên gia cho rằng với lá phiếu chống lại nghị quyết trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tự bắn vào chân mình.

Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 7 tháng 4 thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền đối với Nga, nhằm phản ứng lại các báo cáo gần đây về việc lính Nga thực hiện các cuộc thảm sát dân thường ở Ukraine.  

Điều đáng chú ý là Việt Nam cùng với Trung cộng, Bắc Hàn… nằm trong số 24 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, dù trước đó quốc gia Cộng Sản đã hai lần bỏ phiếu trắng nhằm thể hiện sự trung lập trong vấn đề Nga-Ukraine. 

Theo chuyên gia thì với lá phiếu này, Việt Nam đã tự làm khó mình trong việc kêu gọi sự ủng hộ từ các nước Phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang tranh cử để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.  

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, giáo sư Carlyle Thayer từ trường đại học New South Wales, nước Úc, cho biết quan điểm của ông về sự kiện này: 

Tôi có thể nói rằng Việt Nam đã tự bắn vào chân mình. Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế của mình trên trường quốc tế, vì là một nhân tố quan trọng, nhưng nay bất cứ quốc gia nào phản đối hành vi của Nga thì cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam. 

Việt Nam đã từng rất thành công trong việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hai lần, và được khối các nước châu Á đồng thuận ủng hộ, nhưng bây giờ thì e rằng sự thuận lợi đó sẽ không còn nữa. 

nếu Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như lần này thì họ sẽ mất thêm sự ủng hộ, bởi vì Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng, và họ sẽ ủng hộ nước khác thay vì Việt Nam, hay nói cách khác, tại sao họ phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam về phe Nga.”

Theo vị giáo sư này thì đáng nhẽ ra Việt Nam nên tiếp tục bỏ phiếu trắng, nhưng ông cũng cho rằng có thể lá phiếu chống lần này nhằm thể hiện nguyên tắc của Việt Nam trong việc ủng hộ các nỗ lực đối thoại, thay vì cô lập. 

Ngoài ra thì có lẽ chính quyền Việt Nam cũng sợ tạo ra tiền lệ và chính mình sẽ rơi vào hoàn cảnh của Nga sau này. 

Trước cuộc bỏ phiếu cho nghị quyết loại Nga, nước này đã cảnh báo những nước bỏ phiếu thuận và bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là một “cử chỉ không thân thiện” và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương.

Hệ luỵ của lá phiếu chống lần này vượt ra khỏi khuôn khổ của việc chạy đua vào Hội đồng Nhân quyền, theo vị giáo sư người Úc:

“Tôi cho rằng trong hoàn cảnh này thì không lãnh đạo cấp cao nào của Việt Nam có thể thực hiện một chuyến đi đến Châu Âu, dù là vì vấn đề thương mại hay gì đi nữa, bởi vì chuyện này sẽ được lôi ra, nếu không bởi một thành viên của nghị viện Châu Âu thì cũng bởi một nước nào đó. Với hành động lần này Việt Nam đã khiến mình bị sơ hở rất nghiêm trọng.”

Đường lối đối ngọai của Việt Nam trước giờ được cho là duy trì mối quan hệ chiến lược với tất cả các nước lớn, để tạo ra một môi trường đa cực, nhằm tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi một bên nào. 

Nhưng giáo sư Carlyle Thayer cho rằng môi trường quốc tế hiện nay đang khiến Việt Nam không thể tiếp tục đường lối ngoại giao đu dây nữa, vì sự chia rẽ giữa các nước lớn đang ngày càng trở nên sâu sắc. 

Và ông cũng cho rằng Việt Nam không nên trông chờ gì vào nước Nga, bởi nước này giờ đây giống như chất độc phóng xạ – thứ không nên dính vào. 

“Quan điểm của tôi là trong những năm sắp tới thì nước Nga sẽ không bao giờ có thể đóng vai trò gì đáng kể đối với Việt Nam. 

Ngày nào mà Putin còn nắm quyền thì Nga sẽ còn suy yếu về mặt kinh tế và bị cô lập. 

Nước này giờ đây giống như như chất độc phóng xạ, nếu ta chạm vào thì sẽ bị bệnh. Và đây sẽ là vấn đề rất lớn vì Việt Nam với Nga có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.”

RFA (08.04.2022)