Việt Nam đưa vấn đề an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông ra hội nghị ADSOM+

Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) vào ngày 18/5/2022.

An ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nước trong khu vực và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, ông Hoàng Xuân Chiến, nói tại Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) vào ngày 18/5.

Trong bài phát biểu tại hội nghị diễn ra ở Pnom Penh trong hai ngày 17-18/5, đại diện của Việt Nam đề cập đến sự cần thiết phải tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy nhanh việc sớm ký kết hiệp ước “thiết thực và hiệu quả” là Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

“Việt Nam nhất quán theo đuổi giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Chiến nói.

Đề cập đến những diễn biến phức tạp mới liên quan đến các vấn đề an ninh truyền thống và những thách thức an ninh phi truyền thống, đại diện của Việt Nam khẳng định về đường lối “đối ngoại độc lập” cùng với việc đa phương hóa, đa dạng hóa mối quan hệ và mong muốn các nước giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Hội nghị ADSOM+ năm nay do Campuchia chủ trì, với sự tham gia của các quan chức quốc phòng hàng đầu đến từ các nước thành viên ASEAN và từ Nga, Trung cộng, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ cũng như đại diện từ Ban Thư ký ASEAN.

Tại hội nghị, đại diện các nước cũng thảo luận về sự hợp tác hiện tại của khối, xem xét các sáng kiến mới cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM), các văn kiện sẽ đệ trình lên ADMM và ADMM + để thông qua vào năm 2022, trong đó bao gồm các sáng kiến mới, Tuyên bố Tầm nhìn Phnom Penh về vai trò của các cơ quan quốc phòng ở các nước ASEAN trong việc hỗ trợ công tác khôi phục hậu COVID-19, và tuyên bố chung ADMM và ADMM +.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Chiến nói việc tổ chức trực tiếp các hội nghị, trong đó có ADSOM và ADSOM+, tạo điều kiện hơn cho các nước tham gia có cơ hội chia sẻ quan điểm về vấn đề cùng quan tâm. Ông Hoàng Xuân Chiến cũng thông báo về việc Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị thường niên Mạng lưới Trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN (APCN) vào tháng 9 này.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã có cuộc gặp người đồng cấp Nhật Bản Tsuchimichi Akihiro bên lề ADSOM. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đồng thời hợp tác chặt chẽ để hoàn thành vai trò đồng chủ tịch nhóm công tác của các chuyên gia ADMM+ về các hoạt động gìn giữ hòa bình giai đoạn 2021-2023.

VOA (19.05.2022)

 

 

Nghiên cứu: Trung cộng là nguồn gốc của những bất ổn ở Biển Đông từ trước đến nay

Tàu hải cảnh của Trung cộng tại Bãi Scarborough hôm 5/4/2017   Reuters

Trung cộng chính là nguồn gốc của những bất ổn ở khu vực Biển Đông trong suốt nhiều thập niên qua nhưng những hành động lất lướt của Bắc Kinh gần như không có liên quan gì đến những đối đầu giữa Trung cộng và Mỹ như nhiều người vẫn nghĩ. Đó là kết luận trong một nghiên cứu mới của Cơ quan Nghiên cứu Châu Á (NBR) – một viện nghiên cứu phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ.

Trong báo cáo có tên “Dynamics of Assertiveness in the South China Sea” (tạm dịch là Động lực của hành vi quyết đoán ở Biển Đông), nhà nghiên cứu Andrew Chubb tìm hiểu những tranh chấp về chủ quyền ở trên biển và những thay đổi trong hành vi của các quốc gia có những đòi hỏi chủ quyền tích cực nhất ở vùng biển này bao gồm Trung cộng (Cộng hoà nhân dân Trung Hoa), Phi Luật Tân và Việt Nam.

Báo cáo này dựa vào các dữ liệu đánh giá những thay đổi qua từng năm liên quan đến hành vi quyết đoán của ba quốc gia trong giai đoạn từ 1970 đến 2015.

Chuyên gia Chubb xác định bốn loại hành vi quyết đoán mà các quốc gia thực hiện khi theo đuổi các lợi ích của mình ở Biển Đông, từ các tuyên bố khẳng định chủ quyền, công hàm ngoại giao đến những đe doạ trừng phạt và việc sử dụng vũ lực.

Một trong những phát hiện được đưa ra trong báo cáo là sự gia tăng hành vi lấn lướt từ phía Trung cộng liên tục ở khu vực Biển Đông với bằng chứng là Trung cộng có các hành động lấn lướt trong phần lớn các năm tính từ năm 1970.

Ngoài ra, các hành động xâm lấn của Trung cộng, hoặc các hành động liên quan đến đe doạ hoặc sử dụng trừng phạt đã trở nên thường xuyên hơn kể từ sau năm 2007, đó cũng là năm đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn mở rộng nhanh chóng của hoạt động tuần tra trên biển của Trung cộng và các nỗ lực mở rộng các thực thể trên biển.

Các hoạt động lấn lướt của Trung cộng chủ yếu nhắm vào hai quốc gia là Phi Luật Tân và Việt Nam, theo kết quả của nghiên cứu, và thường không phải do mối quan hệ Mỹ – Trung, mặc dù Mỹ (quốc gia không có đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông) trong thập niên vừa qua đã lên tiếng nhiều hơn về các hành vi của Trung cộng ở vùng biển này. Gần đây, Hoa Kỳ cũng đã gia tăng các hoạt động tự do hàng hải và tập trận tại vùng biển này.

Chiến lược ngăn chặn

Nghiên cứu mới cũng rút ra kết luận về lập trường của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ngoài Trung cộng. Theo nghiên cứu, từ những năm 1990, cứ mỗi một hành động được cho là quyết đoán của Hà Nội ở Biển Đông đều liên quan đến những tranh chấp của Hà Nội với Bắc Kinh. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn là mục tiêu của khoảng 80% các hành động lấn lướt từ phía Trung cộng trong giai đoạn những năm 2000.

Theo nghiên cứu, đến năm 2010, sau ba năm gắng gượng với những lấn lướt liên tục từ Bắc Kinh, Việt Nam đã không còn có thể bắt kịp được những hành động lấn át của Trung cộng nữa và vào khoảng giữa năm 2011, các phản ứng của Việt Nam chủ yếu là các tuyên bố vào khi Hà Nội chuyển trọng tâm sang hướng ngoại giao.

Hành vi của Manila ở Biển Đông, mặt khác, lại rải rác và không nhất quán so với các quốc gia có đòi hỏi về chủ quyền khác, và chủ yếu là các sự việc đơn lẻ hơn là các hành động liên tục.

Các quan ngại nghiêm trọng từ phía Mỹ bắt đầu vào tháng ba năm 2009 khi tàu khảo sát USNS Impeccable của Mỹ được cho là đã bị tàu dân quân biển của Trung cộng quấy nhiễu khi đang thực hiện hoạt động nghiên cứu gần đảo Hải Nam ở Biển Đông.

Tàu dân quân biển của Trung cộng và tàu USNS Impeccable của Mỹ tại Biển Đông năm 2009. Hình: CSIS

Nghiên cứu cho biết chính sách lấn lướt của Trung cộng ở Biển Đông không bị tác động bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc với chính sách về Mỹ của Trung cộng chủ yếu bị hâm nóng từ khoảng một thập niên trước khi quan hệ hai nước xấu đi nhanh chóng từ năm 2017.

Tác giả nghiên cứu nói rằng thách thức đối với Washington là tìm ra được phản ứng đối với hành động lấn lướt của Bắc Kinh trong khi vẫn tiếp tục được coi như là một lực lượng giúp bình ổn khu vực.

“Với thực trạng tăng cường sức mạnh của Trung cộng đã được dự đoán, điều này chắc chắn có nghĩa là Hoa Kỳ có rất nhiều thách thức nếu họ muốn sử dụng công cụ chính sách để cố gắng ngăn chặn Trung cộng không thực hiện các hành động lấn lướt” – Chuyên gia Chubb nói.

Tác giả cũng xem xét “ý tưởng cố gắng đối phó với chiến lược của Trung cộng bằng cách cố tình làm gia tăng nguy cơ leo thang… đã được một số nhà nghiên cứu chính sách đưa ra trong các năm qua.”

Ông Chubb phản đối ý tưởng này và nói rằng một trong những sức mạnh của Mỹ ở khu vực là được xem như là một lực lượng giúp bình ổn. Ông nói:

“Nhìn vào tình hình trong suốt các thập niên qua, rõ ràng là Trung cộng là nguồn gốc của những bất ổn và sự có mặt của Mỹ nhìn chung là giữ ổn định.

Chiến lược ngăn chặn nên tập trung vào các biện pháp kinh tế như đàm phán thương mại hơn là các hành động và làm gia tăng nguy cơ leo thang quân sự.”

Các nước ASEAN có thể làm hơn nữa để gửi ra một “tín hiệu ngăn chặn rõ ràng nhưng nhẹ nhàng” sẽ khiến Bắc Kinh nhượng bộ hoặc ít nhất khiến họ (Trung cộng) tiết chế.

“Trong suốt các thập niên qua, các tranh chấp trong nội bộ ASEAN đã được trung hoà, các nước ASEAN không còn đưa ra các đòi hỏi chủ quyền chống lại nhau theo cách chủ động nữa”, ông Chubb nói.

Nhưng ông cũng lưu ý là ngay cả “các cử chỉ mang tính biểu tượng cũng có thể bị Trung cộng coi là dấu hiệu các nước trong khu vực đang thành lập một mặt trận đoàn kết chống lại Trung cộng.”

RFA (19.05.2022)

 

 

Việt Nam nêu vấn đề an ninh, an toàn ở Biển Đông tại hội nghị quan chức quốc phòng ASEAN và đối tác

Hình minh họa: Tàu chiến của Nga tập trận cùng tàu của các nước ASEAN ở Andaman hôm 2/12/2021  AFP

Giới chức Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông tại Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) diễn ra ở Phnom Penh, Campuchia hôm 18/5.

Đây là hội nghị có sự tham dự của trưởng đoàn ADSOM các nước ASEAN và các nước đối tác bao gồm Nga, Trung cộng, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ.

Thông tấn xã Việt Nam cho biết, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam – nhấn mạnh vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là vấn đề hết sức quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực và cộng đồng ASEAN. Vì vậy, việc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xúc tiến sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả là vấn đề cần thiết hiện nay.

Đại diện Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam kiên trì giải quyết mọi vấn đề bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Biển Đông là vùng nước đang có tranh chấp về chủ quyền giữa các nước bao gồm Trung cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Indonesia mặc dù không được tính là một bên có tranh chấp nhưng đường đứt khúc chín đoạn mà Trung cộng đơn phương vẽ ra trên biển cũng lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna do nước này kiểm soát.

Trung cộng từ trước đến nay vẫn phản đối sự lên tiếng của các nước khác ngoài khu vực phản đối hành động lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông mà cụ thể là Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực. Bắc Kinh nói rằng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ và đồng minh tại vùng biển này khiến tình hình thêm căng thẳng và gây bất ổn.

RFA (18.05.2022)

 

 

Chính sách Biển Đông của Phi Luật Tân dưới thời Marcos sẽ tác động tới Việt Nam thế nào?

Ông Ferdinand Marcos Jr., người vừa trúng cử Tổng thống Phi Luật Tân, chào những người ủng hộ mình tại trụ sở ở thành phố Mandaluyong, Manila, Phi Luật Tân, hôm 11/5/2022  Reuters

Marcos thắng cử vang dội

Ngày 9/5, Ferdinand Marcos Jr. (Con) có biệt danh là Bongbong Marcos đã trở thành Tổng thống thứ 17 của đất nước Phi Luật Tân, sau chiến thắng vang dội của kỳ bầu cử năm nay. Ông ta đã giành được hơn 30 triệu phiếu bầu, chiếm 59% tổng số phiếu bầu của hơn 60 triệu cử tri Phi Luật Tân trong đợt bầu cử lần này.

Ứng cử viên Phó Tổng thống cùng liên danh tranh cử với ông ta là Sara Duterte cũng đã giành chiến thắng vang dội khi giành được 61% phiếu bầu của các cử tri Phi Luật Tân.

Sara chính là con gái của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte. Sara sẽ là Phó Tổng thống ở Phi Luật Tân đầu tiên kể từ năm 2004 có cùng lập trường với Tổng thống đắc cử.

Chính sách đối ngoại của Marcos sẽ ra sao?

Về chính sách đối ngoại của Marcos, Derek Grossman – Chuyên gia phân tích tại RAND (Mỹ) cho rằng chưa chắc chính sách đối ngoại của Bongbong Marcos sẽ giống như thời Duterte[1], Richard Heydarian – chuyên gia phân tích quốc tế của Phi Luật Tân cũng cho rằng: “Về chính sách đối ngoại, ông cũng đã thực hiện một cách tiếp cận cân bằng hơn bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ mạnh mẽ hơn các lợi ích lãnh thổ của đất nước ở Biển Đông, nơi Phi Luật Tân đang có xích mích với Trung cộng.”[2]

Tuy nhiên, có nhiều chỉ dấu cho thấy Ferdinand Marcos (Con) sẽ tái định hình mối quan hệ của quốc gia Đông Nam Á này với Trung cộng và Mỹ, và Bongbong Marcos sẽ tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.

Thứ nhất, khi ra tranh cử Tổng thống Phi Luật Tân, ông Marcos đã tự giới thiệu mình như là người có thể tập hợp các lực lượng chính trị để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân. Để phát triển kinh tế, Marcos phải dựa vào Trung cộng như cách Duterte đã làm trong nhiệm kỳ của ông ta.

Thứ hai, ảnh hưởng của Duterte cùng hai gia tộc Macapagal và Estrada cũng sẽ tác động tới chính sách đối ngoại của Marcos. Sara Duterte sẽ là Phó Tổng thống trong nội các của Marcos. Một giả thuyết cho rằng gia đình Duterte quyết tâm truất quyền tổng thống của Marcos, viện dẫn việc ông từng có một tiền án trốn thuế vào những năm 1990, khiến ông không đủ tư cách để nắm giữ chức vụ công.

Ủy ban Bầu cử đã bác bỏ các kiến nghị và kháng cáo nhưng những người khởi kiện đã cam kết sẽ đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao. Nếu Marcos bị tuyên bố không đủ tư cách sau khi nhậm chức ngày 30/6 tới, Sara sẽ trở thành tổng thống.

Ngoài ra, Macapagal Arroyro đã từng là cố vấn của chính quyền Duterte, và cũng là người tác động đến mối quan hệ giữa hai gia tộc Duterte và Marcos. Arroyro là người luôn chủ trương thúc đẩy quan hệ với Trung cộng.[3]

Không có gì lạ khi Trung cộng đã tìm mọi cách để lấy lòng Bongbong Marcos. Ngày 20/10/2021, khi Bongbong Marcos đến dự lễ cắt băng khánh thành triển lãm ảnh kỷ niệm quan hệ Trung cộng-Phi Luật Tân tại đại sứ quán Trung cộng, Đại sứ Trung cộng tại Phi Luật Tân Hoàng Khê Liên đã đăng một bài viết trên trang Facebook: “Thật vinh dự khi Bongbong Marcos cùng tôi tham dự buổi lễ này. Chúng tôi luôn trân trọng và đề cao những người bạn cũ, chúng tôi hy vọng rằng người dân hai nước ngày càng ủng hộ việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác, để có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước và tiếp nối tình hữu nghị truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác”.[4]

Bên cạnh đó, Sara Duterte – con gái của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte được xem là “hiện thân” cho những cơ hội giúp Bắc Kinh quay trở lại đầu tư vào chính trường của tổng thống Phi Luật Tân.

Trung cộng dường như đã giành được tình cảm của Sara Duterte và gia đình Duterte, thành quả có khả năng đảm bảo lợi ích chính trị của Trung cộng tại Phi Luật Tân trong 6 năm tới dưới “triều đại Marcos” và có thể là 6 năm sau đó nếu Sara Duterte kế nhiệm Marcos làm tổng thống, điều mà nhiều người đang dự đoán. 

Thứ ba, mối quan hệ của Marcos với Mỹ rất phức tạp do việc ông từ chối hợp tác với Tòa án Quận Hawaii. Năm 1995, tòa đã yêu cầu gia đình Marcos phải trả 2 tỷ USD cho các nạn nhân nằm dưới sự cai trị của Marcos Sr. (Cha).

Trong 15 năm qua, Marcos chưa từng đặt chân tới Mỹ, lo sợ về những hậu quả mà ông và mẹ của ông đang phải đối mặt do phán quyết của tòa án và khoản tiền phạt 353 triệu USD. Theo luật sư Robert Swift, người khởi động vụ kiện, khoản tiền phạt này nằm trong 2 tỷ USD mà ông và mẹ của ông đã được lệnh phải trả cho 9.539 nạn nhân bị lạm dụng nhân quyền, trong đó chỉ có 37 triệu USD đã được bồi thường.

Phó tổng thống mới của Phi Luật Tân Sara Duterte-Carpio, con gái của Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte, phát biểu tại một cuộc tập trung ở Lipa, tỉnh Batangas, Phi Luật Tân, hôm 20/4/2022. Reuters

Chính sách Biển Đông của Marcos

Gia đình Marcos đã có mối quan hệ với Trung cộng từ lâu và bản thân ông ta cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận mới với Chủ tịch Tập Cận Bình về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Điều đó được thể hiện khi thực hiện các cuộc phỏng vấn trong chiến dịch tranh cử, Marcos nói rằng phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016 “không hiệu quả” bởi Trung cộng không công nhận nó. Ông cho biết ông sẽ tìm kiếm một thỏa thuận song phương với Trung cộng để giải quyết những bất đồng giữa họ. Phát biểu với Đài DZRH, ông nói: “Nếu bạn để Mỹ bước chân vào, bạn sẽ biến Trung cộng trở thành kẻ thù của mình. Tôi nghĩ chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận (với Trung cộng). Trên thực tế, các nhân viên đại sứ quán Trung cộng là những người bạn của tôi. Chúng tôi đã nói về điều đó”.[5]

Marcos có quan điểm chính trị cũng khá tương đồng với Duterte, người đã tìm cách xoay trục khỏi Mỹ sang Trung cộng. Marcos cho rằng Duterte đối phó với Trung cộng “đúng cách” và việc đạt được “đồng thuận song phương” với Bắc Kinh là cách tiếp cận “quan trọng nhất”. Tháng 9/2021, tại một diễn đàn tin tức trực tuyến, Bongbong Marcos nói: “Dù chúng ta làm gì, chúng ta cũng không thể để chiến tranh xảy ra. Mọi người hỏi tại sao không mua thêm tàu tuần tra, máy bay phản lực, phòng khi xung đột xảy ra? Tại sao chúng ta lại nghĩ đến chiến tranh, một cuộc chiến mà chúng ta sẽ thua chỉ trong chưa đầy 1 tuần? Chúng ta đã từng thua trận. Hãy ngừng suy nghĩ theo cách đó”.[6]

Một học giả Phi Luật Tân là Lucio Blanco Pitlo III có dự đoán rằng, chính sách Biển Đông của Marcos Jr có thể sẽ được hình thành nhờ 3 yếu tố quan trọng: 1) di sản của cha ông, cố Tổng thống Ferdinand Marcos Sr; 2) sự hấp dẫn của chính sách của người tiền nhiệm (Duterte); 3) sự nổi lên của Biển Đông như một điểm nóng cho các cuộc tranh giành quyền lực nước lớn. Một ban lãnh đạo Marcos 2.0 có khả năng giảm bớt những dao động mạnh mẽ trong chính sách của Phi Luật Tân đối với nước láng giềng lớn Trung cộng và sự bất hòa hàng hải khó giải quyết.

“Marcos Jr có khả năng sẽ duy trì chính sách của tổng thống tiền nhiệm đối với Trung cộng và Biển Đông. Ông có khả năng sẽ hỗ trợ việc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các thực thể do Phi Luật Tân quản lý để cải thiện điều kiện sống của người dân và quân đội Phi Luật Tân đóng tại Kalayaan và ngư dân hoạt động trong khu vực. Đề xuất biến Đảo Thị Tứ thành một trung tâm hậu cần để giảm thời gian cung cấp hàng hóa cho các tiền đồn gần đó cũng có thể được ông ủng hộ. Marcos Jr sẽ bật đèn xanh cho việc tăng cường các cuộc tuần tra để bảo vệ các lợi ích tài nguyên và hàng hải của nước này trong khu vực. Thời kỳ hoàng kim cho chi tiêu quốc phòng của Duterte, vốn giúp hiện đại hóa hải quân, không quân và lực lượng tuần duyên của nước này, sẽ tiếp tục giành được đà. Về mặt lập pháp, Marcos Jr có khả năng thúc đẩy việc đẩy nhanh các dự luật liên quan, sẽ xác định các vùng biển và các tuyến đường biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh quốc gia của Phi Luật Tân.”[7]

Ảnh vệ tinh chụp đảo Thị Tứ do Phi Luật Tân kiểm soát ở Trường Sa. Hình chụp hôm 21/4/2017. AFP

Tác động đến Việt Nam

Chính sách Biển Đông dưới thời Marcos sẽ có sự nối tiếp thời Duterte, hướng về Trung cộng. Chính trường Phi Luật Tân sẽ có rất nhiều sự chia rẽ, trong đó một số giới tinh hoa chính trị Phi Luật Tân cùng với Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân (AFP) sẽ có xu hướng thân Mỹ và thúc đẩy quan hệ với Mỹ.

Dưới áp lực của Trung cộng, rất có khả năng Marcos sẽ tiếp tục chính sách “khai thác chung” tại một số lô đã ký kết từ thời Duterte.

Chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung cộng được Đặng Tiểu Bình đưa ra lần đầu tại Tokyo tháng 10 năm 1982.[8] Đây là một phương án được Trung cộng đưa ra với quan điểm cùng hợp tác khai thác chung tại khu vực biển Đông.

Chính sách này được phía Trung cộng diễn giải: “Khái niệm “gác tranh chấp cùng khai thác” bao gồm 4 nội dung: 1. Chủ quyền lãnh thổ là thuộc Trung cộng. 2. Khi điều kiện cần thiết không xuất hiện để giải quyết toàn diện tranh chấp lãnh thổ, việc thảo luận vấn đề chủ quyền lãnh thổ sẽ tạm gác sang bên cạnh. Việc gác lại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền. Đó chỉ là tạm gác tranh chấp trong một thời gian. 3. Lãnh thổ tranh chấp có thể được cùng khai thác. 4. Mục đích của cùng khai thác là duy trì sự hiểu biết lẫn nhau thông qua sự hợp tác và tạo ra các điều kiện cho việc giải quyết quyền sở hữu lãnh thổ”.[9]

Phân tích chính sách này của Trung cộng, ta thấy, mặc dù Trung cộng đề nghị khai thác chung, nhưng mặt khác Trung cộng vẫn duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm khoảng 80 % biển Đông và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với hai khu vực khác là Pratas và Macclesfield mà Trung cộng gọi là quần đảo Đông Sa và quần đảo Trung Sa.[10]

Quan trọng hơn, phần lớn các khu vực mà Trung cộng đề nghị khai thác chung đều nằm trên khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa hiển nhiên thuộc quyền chủ quyền của nước khác.

Thời gian gần đây, Trung cộng đã luôn gây sức ép để thực hiện “gác tranh chấp, cùng khai thác”, đặc biệt là đối Phi Luật Tân. Nếu Phi Luật Tân chấp nhận “gác tranh chấp, cùng khai thác”, tức là Trung cộng sẽ đạt được thành công bước đầu. Dựa trên thành công bước đầu đó, Trung cộng sẽ dùng sức mạnh để ép các quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông còn lại phải thực hiện theo.[11] Và như vậy, nguy cơ các quốc gia tranh chấp trực tiếp với Trung cộng tại khu vực biển Đông sẽ phải “khai thác chung” với các nguồn tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của chính mình, mà tại các khu vực đó, theo UNCLOS, các quốc gia đó sẽ có đặc quyền thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên mà không phải chia sẻ cho bất cứ ai.

Hoàng Sa

____________________________

Tham khảo:

[1] https://foreignpolicy.com/2022/05/10/marcos-bongbong-Phi Luật Tân-election-president-duterte-china-us-foreign-policy/

[2] https://www.aljazeera.com/amp/opinions/2022/5/12/the-marcos-counterrevolution

[3] https://www.rappler.com/business/228763-arroyo-keynote-speech-boao-forum-2019-Phi Luật Tân-china-economic-ties/

[4] https://globalnation.inquirer.net/199716/when-bongbong-met-xilian-strengthening-and-deepening-ties-with-china

[5] https://www.youtube.com/watch?v=PmIw5Tdysws

[6] https://newsinfo.inquirer.net/1492366/bongbong-parrots-duterte-on-west-ph-sea-we-dont-stand-a-chance-vs-china

[7] http://www.scspi.org/en/dtfx/philippine-policy-south-china-sea-under-second-marcos-presidency

[8] ‘Set Aside Dispute and Pursue Joint Development’, 17 November 2000, online: Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/ziliao_665539/3602_665543/3604_665547/t18023.shtml

[9] “Set Aside Dispute and Pursue Joint Development’, 17 November 2000, online: Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China

[10] Mặc dù Trung cộng gọi Macclesfield Bank là quần đảo Trung Sa, nhưng bãi này luôn chìm dưới mực nước biển, nên theo luật biển quốc tế, nó không thể được coi là quần đảo.

[11] https://www.voanews.com/a/if-brunei-takes-china-energy-deal-neighbors-may-follow/4690627.html

RFA (18.05.2022)

 

 

 

Việt Nam tiếp nhận tàu tuần tra cao tốc do Ấn Độ đóng

Tàu tuần tra cao tốc do Ấn Độ đóng cho Việt Nam được bàn giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình hôm 17/5/2022  Tiền Phong

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình hôm 17/5 làm lễ tiếp nhận và thượng cờ tàu tuần tra cao tốc do Ấn Độ thiết kế và đóng.

Theo báo chí Nhà nước Việt Nam, đây là một trong tám tàu tuần tra cao tốc do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng làm chủ đầu tư, phối hợp với Ấn Độ thiết kế, thi công, cung cấp thiết bị, vật tư, tài liệu kỹ thuật để đóng mới.

Tàu được đóng chủ yếu bằng vật liệu nhôm, có chiều dài thiết kế là 32,30m, chiều rộng 6,6m và vận tốc đạt 35 hải lý/giờ, chống chịu được gió cấp 6. Tàu được trang bị các thiết bị điện tử hiện đại như: Định vị vệ tinh, ra đa, hải đồ điện tử, camera quan sát hồng ngoại…

Hồi năm 2019, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam loan báo thỏa thuận giữa Ấn Độ và Việt Nam về đóng mới 12 tàu tuần tra cao tốc thuộc gói tín dụng 100 triệu đô la mà Ngân hàng xuất nhập khẩu Ấn Độ đồng ý cung cấp cho Việt Nam vào năm 2016 nhằm giúp Việt Nam mua sắp trang thiết bị quốc phòng đến năm 2030.

Việt Nam trong những năm qua đang thực hiện việc hiện đại hóa lực lượng không quân và hải quân nhằm tăng cường khả năng quốc phòng, bảo vệ lãnh thổ, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông nơi Việt Nam đang có tranh chấp về chủ quyền với các nước láng giềng bao gồm Trung cộng.

Trung cộng hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông và thời gian qua đã có những hành động quấy nhiễu các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ở vùng nước này, trong đó có lô dầu khí liên doanh với Ấn Độ.

RFA (18.05.2022)