Linh mục Đinh Hữu Thoại: Các nhóm tôn giáo không đăng ký bị chính quyền bách hại trong mọi sinh hoạt!
Hội đồng liên tôn Việt Nam trong một buổi phát quà từ thiện ở miền Trung năm 2020 Facebook Hứa Phi
Hôm 2 tháng 6 vừa qua, Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo thường niên Tự do tôn giáo quốc tế năm 2021, trong đó Việt Nam được nhắc đến là một quốc gia mà luật pháp cho phép chính phủ siết chặt việc kiểm soát các hoạt động tôn giáo dù quyền tự do tôn giáo và niềm tin được Hiến pháp bảo đảm.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn một số chức sắc tôn giáo về báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong phần nói về Việt Nam để thông tin cho bạn đọc về vấn đề thực hành tôn giáo ở mảnh đất hình chữ S.
Linh mục Đinh Hữu Thoại thuộc Dòng Chúa Cứu thế cho biết:
“Đúng như bản báo cáo đã nhận định: ‘Hiến pháp nước này (Việt Nam) qui định mọi cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng trong khi đó Luật Tín ngưỡng-Tôn giáo lại cho phép Chính phủ Hà Nội quyền kiểm soát đáng kể đối với các thực hành tôn giáo theo những điều khoản mơ hồ với lý do an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc.’
Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo 2016 hiện hành kiểm soát đáng kể tôn giáo. Cụ thể khi đăng ký hay thay đổi nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung, chúng tôi gặp rắc rối ở khái niệm ‘Tổ chức Tôn giáo.’ Trong quy định nó đòi phải có ‘văn bản chấp thuận của tổ chức tôn giáo’ mà định nghĩa về tổ chức tôn giáo thì mỗi nơi mỗi kiểu.
Có nơi thì coi Giáo hội Công giáo Việt Nam là tổ chức tôn giáo. Có nơi xem giáo xứ là tổ chức tôn giáo hay ít là ‘tổ chức tôn giáo trực thuộc’ thì họ coi việc đăng ký hay thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung thuộc thẩm quyền của linh mục chánh xứ. Còn nếu họ cứng nhắc, chỉ xem giáo phận mới là tổ chức tôn giáo, thì họ đòi văn bản của Đức Giám mục, cho dù vị này ở tận Toà Giám mục chứ không ở tại địa phương.
Riêng đối với những tổ chức/nhóm tôn giáo không đăng ký hay không được đăng ký thì còn bị gây khó dễ nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, Cao Đài Chân truyền hay các nhóm Tin lành không chấp nhận sự can thiệp của nhà cầm quyền đều bị bách hại trong mọi sinh hoạt tôn giáo của họ.”
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc đến việc nhà nước Việt Nam từ chối trả lại những bệnh viện, phòng khám, trường học mà chính quyền địa phương lấy từ Giáo hội Công giáo nhiều năm trước đây. Khi được hỏi về việc này, linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết:
“Giáo hội Công giáo và các Dòng tu tại Việt Nam đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trưng thu, chiếm dụng, mượn nhưng không trả hàng trăm cơ sở là các tu viện, trường học, nhà thương, trại mồ côi … từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 ở miền Nam.
Các chủ sở hữu của các cơ sở này liên tục yêu cầu trả lại theo lẽ công bằng và theo luật pháp văn minh, nhưng con số các cơ sở được trả lại rất ít.
Có một nghịch lý đang diễn ra hiện nay, đó là nhà cầm quyền tự cho mình cái quyền cấp đất cho các cơ sở tôn giáo, dù đất đó do chính các tôn giáo bỏ tiền ra mua, nhưng phải làm thủ tục trả lại quyền sử dụng đất, sau đó nhà nước cấp đất đó cho tôn giáo.
Nhưng tại sao nhà nước lại không dùng quyền của họ để lấy lại các cơ sở tôn giáo bị trưng dụng trả lại cho chủ sở hữu, mà cứ để vấn đề này kéo dài chưa biết lúc nào kết thúc.”
Theo linh mục Dòng Chúa Cứu thế này thì báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn còn thiếu khi không đề cập đến vấn đề tự do đi lại của nhiều chức sắc tôn giáo. Ông nói:
“… Một số chức sắc tôn giáo, trong đó có bản thân tôi, bị cấm xuất cảnh trái pháp luật. Các chức sắc này không hề được pháp luật bảo vệ mà ngang nhiên bị công an tuỳ tiện ra quyết định cấm xuất cảnh không có thời hạn.
Bản thân tôi bị cấm xuất cảnh từ năm 2010 tới nay, tức gần 12 năm mà không hề có dấu hiệu họ trả lại hộ chiếu cùng với quyền tự do đi lại của tôi.”
Ông Hứa Phi, Chánh trị sự Cao Đài Chân truyền, cho biết ông bị tịch thu hộ chiếu từ năm 2014 và vẫn chưa được cấp lại, khiến ông không thể ra nước ngoài để tham dự hội nghị tự do tôn giáo khu vực Đông Nam Á.
Ông nói những nhóm tôn giáo độc lập đều bị chính phủ Việt Nam hạn chế về quyền thực hành tự do tôn giáo, và chính phủ yêu cầu phải đăng ký mới được tự do hành đạo. Các nhóm tôn giáo đều có lịch sử lâu đời, nhưng vẫn bị chính quyền gây khó khăn trong việc hành đạo.
Ông cho biết nhiều tổ chức tôn giáo và người theo đạo bị bách hại trong những ngày lễ của tôn giáo đó, và công an địa phương luôn theo dõi sát sao việc di chuyển của ông trong những ngày lễ của đạo Cao Đài, khiến ông không thể tự do đi thực hiện việc hành đạo ở một số địa phương trong nước.
Thêm nữa, ông Hứa Phi và nhiều chức sắc của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam bị ngăn cản trong việc tiếp xúc với phái đoàn ngoại giao nước ngoài khi họ đến tìm hiểu về tự do tôn giáo ở khu vực.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ đại diện của Đại Sứ quán nước này ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự ở thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên nêu quan ngại về quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam với các quan chức chính phủ Hà Nội vả đảng Cộng sản Việt Nam.
Linh mục Đinh Hữu Thoại cũng cho biết, cộng đồng quốc tế và chính phủ các quốc gia văn minh cần sử dụng đòn bẩy kinh tế để gây sức ép lên nhà nước Việt Nam để buộc Hà Nội phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo.
Chúng tôi gửi email đến Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ với đề nghị bình luận của hai cơ quan này về báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng không được trả lời ngay.
RFA (06.06.2022)
Đâu là công bằng xã hội?
Liệu mấy nét phác thảo này đã đủ để lột tả chân dung của một hệ thống chưa? Chưa đủ chăng?
– Ngành y là ngành đề cao y đức, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cao bởi nó liên quan tới mạng sống của con người, chẳng thế mà có câu “lương y như mẹ hiền”. Vậy mà “mẹ hiền” thời nay lại nỡ nào lợi dụng khi con đau ốm, khánh kiệt để vừa vuốt ve vỗ về khe khẽ “do dân, vì dân” hay “tất cả vì bệnh nhân thân yêu” rồi lặng lẽ hút máu khi con đang lịm dần vào cõi chết?
– Ngành ngoại giao là một ngành với những con người được ăn học tử tế, với những gương mặt sáng sủa, ngoại ngữ giỏi, hiểu biết về văn hoá quốc tế, có thể nói là một ngành với nhiều con người văn minh nhất của xã hội, nhưng những điều ấy không đủ để ngăn họ thành những con quỷ hút máu công dân, họ “ngạo nghễ” xông vào vùng dịch để mỗi chuyến bay “giải cứu” thì cũng “cứu” luôn được 2 tỉ đồng của dân. Vậy là họ đã “cứu” được mấy ngàn tỉ rồi đấy.
Điều này nói lên rằng, khi có cơ hội thì ngành ngành, bộ bộ, cục cục sẽ thi đua làm theo hai cái ngành trên. Điều này cũng nói lên rằng, các cán bộ thời nay không có lý tưởng phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân gì mà trong đầu họ chỉ có một lý tưởng duy nhất là kiếm lợi trong bất kì hoàn cảnh nào, ngay cả khi “đồng bào” của họ khốn cùng nhất và đang thở hắt ra trong những hơi cuối cùng trong cuộc đời.
Theo bạn tôi nói có quá không? Riêng hôm nay tôi hứa sẽ không block lực lượng Red Bull và cũng không xoá comment của các cháu, tôi sẽ để các cháu tranh biện thoải mái, chửi bới thoải mái, cho các cháu cơ hội thi triển nghiệp vụ thượng thặng của nghề DLV, một nghề rất “danh giá” ở Việt Nam.
Không có một thế lực thù địch nào, không một lực lượng phản động nào có thể làm hại uy tín của một hệ thống như chính cán bộ của họ. Tôi viết ở đây với hy vọng các vị đứng đầu hệ thống có thể nhìn thấy một cách rõ nét nhất chất lượng cán bộ để có được những biện pháp xử lý kịp thời, hợp lý và cần có một chiến lược lâu dài để cải thiện bộ máy của mình.
Cái lò đốt củi ở Việt Nam cứ cháy rừng rực cả ngày lẫn đêm, đủ 365 ngày/năm vẫn không hết củi bởi chính cái hệ thống ấy lại là nơi sản xuất ra củi đều đều.
Nhìn được bức tranh toàn cảnh ấy, các vị sẽ biết thương người dân. Bao người dân ở các địa phương lầm vào cảnh khốn cùng khi chính quyền địa phương câu kết với doanh nghiệp để lấy đất của họ. Thủ Thiêm chỉ là một ví dụ tiêu biểu. Khi luật pháp lỏng lẻo và quyền lực bị tha hoá thì người dân sẽ rất khổ cực. Họ là những con bò sữa mà khi khoẻ mạnh hay đau ốm đều bị lấy sữa. Đến bệnh nhân ung thư cũng còn là một nguồn lợi cơ mà.
Những chuyện này lặp đi lặp lại đến phát chán, người viết như tôi cũng cảm thấy chán không muốn viết một nội dung đã cũ, nhưng chẳng lẽ trước những vấn đề đau lòng thì người cầm bút lại ngồi yên và chấp nhận tất cả những sự xấu xa như thể đấy là những việc tất yếu và không quan trọng?
Những người được gọi là “nhà văn” trong Hội Nhà văn ở Việt Nam thì đã như vậy rồi, họ không quan tâm mấy đến mấy thứ “trần tục” và “tầm thường” như tham nhũng và những giọt nước mắt của dân đen. Tài năng văn học của họ là để bay bổng, mơ màng trong thế giới mộng tưởng đẹp đẽ và cao sang. Mấy vụ tham nhũng, mấy giọt nước mắt của dân đen không phải là chủ đề ưa thích của họ, nhất là khi những việc ấy không nằm trong định hướng nghệ thuật mà họ được biết.
Nhưng người viết phản biện xã hội như tôi nếu không khéo thì vào bóc lịch như chơi, chưa bị bóc lịch thì cuộc sống ngoài đời và trên mạng xã hội cũng bị căng thẳng. Tôi coi việc dạy võ như một đóng góp của mình với xã hội, ấy vậy mà cũng đã năm lần bẩy lượt phải chuyển chỗ dạy bởi một lý do nào đấy, bởi một ai đấy không ưa mình.
Xin nói rõ là cuộc sống của tôi không phụ thuộc vào mấy đồng học phí của võ sinh và tuy võ là một niềm đam mê nhưng cũng là một gánh nặng. Ai nhìn thấy tôi đứng lớp trong mùa nóng này sẽ hiểu được điều ấy. Do vậy, nếu bị phá quá thì việc từ bỏ võ là một điều đáng tiếc nhưng cũng là một gánh nặng được cất khỏi vai. Âu cũng là duyên võ chỉ đến vậy.
Nhưng với những người khi mưu sinh chính của họ bị phá thì lại là một chuyện khác. Có những người đang nửa đêm còn bị chủ nhà cho ra đường hay xin việc ở đâu vài ngày lại bị đuổi khéo.
Vậy đâu là công bằng xã hội? Mấy bài viết của những người bị chụp mũ với đủ thứ tên rùng rợn so với những cán bộ tham nhũng, ai làm hại xã hội hơn?
Theo tôi được biết thì mấy thành phần “phản động” hay “thế lực thù địch” chưa kiếm chác được đồng nào mà chỉ thấy toàn “lên bờ xuống ruộng”.
Bất cứ ngành nào, hay một xã hội nào muốn phát triển thì những ý kiến phản biện là điều cần thiết, việc tự do biểu đạt tư tưởng, nêu lên ý kiến cá nhân cần được động viên. Chính sư tổ của CNXH, CNCS, ông gì râu rậm ấy nhỉ, cũng nói rằng mâu thuẫn giữa hai mặt đối lập là động lực để phát triển xã hội cơ mà?
Một xã hội mà chỉ có một luồng thông tin, tư tưởng được gọi là “lề phải” thống trị và bao trùm, thì đấy là một xã hội suy đồi, hãy nhìn xã hội Bắc Triều Tiên, ấy là một ví dụ điển hình.
Xin hãy có cái nhìn công bằng, đấy là tiền đề để có một xã hội công bằng.
(06.06.2022)
Chính quyền Việt Nam tăng cường kiểm soát tôn giáo với dự thảo nghị định mới
Bí thư Đảng ủy thị Trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn là Phạm Hồng Đức (phải) đòi giải tán thánh lễ hôm 20/2/2022 ở giáo xứ Vụ Bản Ảnh chụp màn hình video
Với dự thảo nghị định mới nếu được thông qua thì các tổ chức tôn giáo sẽ bị phạt tiền lên đến 60 triệu đồng nếu vi phạm.
Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam hôm 3 tháng 6 đăng tải thông tin Bộ Nội vụ nước này đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân về dự thảo của một nghị định mới.
Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là văn bản quy phạm pháp luật mới nhất trong lĩnh vực tôn giáo ở Việt Nam, hiện đang trong quá trình xây dựng.
Đúng như tên gọi, nghị định này được tạo ra nhằm cho phép nhà nước xứ phạt hành chính (phạt tiền), đối với các cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực tôn giáo nhằm cụ thể hóa Luật Tín ngưỡng Tôn giáo ban hành năm 2016.
Theo nội dung của nghị định này thì rất nhiều hành vi được thực hiện ở cả mức độ cá nhân, lẫn tổ chức đều có thể bị cho là vi phạm hành chính, và có thể bị xử phạt.
Một điều đáng lưu tâm nữa đó là nhiều điều khoản của nghị định này có nội dung không rõ ràng, và khó định nghĩa.
Đơn cử, điều 6 của văn bản này quy định một cá nhân có thể bị phạt ba triệu đồng nếu “lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc dưới mọi hình thức” đường lối của nhà nước.
Hoạt động của các tổ chức tôn giáo cũng bị kiểm soát gắt gao, từ việc đăng ký hoạt động, tấn phong và điều chuyển chức sắc, tổ chức đào tạo, cho đến cử người đi học ở nước ngoài đều phải được sự đồng ý của nhà nước.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do dưới điều kiện giấu tên vì lý do an toàn, một luật sư nhân quyền ở Việt Nam bình luận về bản dự thảo nghị định trên như sau:
“Nội dung của dự thảo của Nghị định có rất nhiều nội dung mơ hồ chưa được định nghĩa, cụ thể, hành vi nào lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo; hành vi nào trục lợi; hành vi nào là hành vi chia rẽ dân tộc; hành vi nào là xâm hại đạo đức xã hội?
Việc để ngỏ các định nghĩa trên sẽ khiến cho người thực thi công vụ tuỳ ý diễn giải, xử phạt người dân một cách tuỳ tiện mang tính áp đặt.”
Ngoài ra, vị luật sư này cũng bình luận về quy định yêu cầu các tôn giáo phải đăng ký thì mới được phép hoạt động, và các quy định can thiệp vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo:
“Việc quy định sinh hoạt tôn giáo phải đăng ký chính quyền sẽ dẫn tới tình trạng xin cho, gây khó khăn cho việc thực hành quyền tự do tôn giáo.
Còn việc tổ chức, phong phẩm, suy cử chức sắc trong tôn giáo vốn dĩ là hoạt động nội bộ của mỗi tôn giáo, chính quyền lại nhúng tay vào can thiệp là thể hiện sự lạm quyền, xâm phạm quyền tự do tôn giáo.”
Sau cùng, luật sư này cho rằng chính quyền Việt Nam “đang muốn bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo, và muốn các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo chỉ được hoạt động theo ý muốn của nhà cầm quyền”, thông qua việc ban hành nghị định mới.
Dự thảo Nghị định cũng giao thẩm quyền xử phạt cho cấp thấp nhất là chiến sĩ công an, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, thanh tra viên trong lĩnh vực tôn giáo hay Ban Tôn giáo Chính phủ.
Chúng tôi cũng phỏng vấn ông Lê Quang Hiển, Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý và là thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam, một tổ chức của các tôn giáo độc lập không được Nhà nước công nhận.
Ông cho rằng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo này được đưa ra để nhắm đến các tôn giáo độc lập, không chịu sự quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên ông Hiển cũng cho biết là sẽ không tuân thủ các quy định mà ông cho là mang tính đàn áp này:
“Các chức sắc tôn giáo tại Việt Nam, cũng như là đối với các tôn giáo độc lập không theo hệ thống quốc doanh của nhà nước, thì dù nhà nước cho ra (luật-PV) như thế nào nhưng mà chúng tôi là người có niềm tin tôn giáo, chúng tôi không tuân thủ những gì mà nhà nước nói.
Chúng tôi chỉ làm theo lẽ phải và lương tâm của mình thôi, theo cái đức tin của mình, từ hồi trước tới bây giờ.
Chúng tôi bất chấp tất cả, dù nhà nước muốn đối xử như thế nào cũng được. Nếu mà nhà nước đối xử quá nghiệt ngã thì thế giới sẽ thấy rằng nước Việt Nam không có tự do tôn giáo, những gì nhà nước nói hoàn toàn không đúng sự thật, không tự do tôn giáo, không nhân quyền gì hết.”
Chính quyền Việt Nam đến nay vẫn bị cáo buộc là có các chính sách đàn áp tôn giáo.
Ủy Ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) hồi tháng 2 năm nay là năm thứ 15 liên tiếp đề nghị Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) vì những vi phạm một cách có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo.
Hôm 2 tháng 6, trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhân dịp công bố phúc trình tự do tôn giáo năm 2021, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói rằng chính quyền Việt Nam sách nhiễu các tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo độc lập.
RFA (06.06.2022)
Ama Quynh trước toà án nhân dân
AMA QUYNH tên thật là Y WÔ NIÊ, 52 tuổi, người sắc tộc Ê Đê, trú tại buôn Pưk Prông, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, nguyên là một chấp sự của Hội thánh Tin Lành Việt Nam tại địa phương. Ông có vợ và hai con cùng cư trú tại buôn Pưk Prông.
Ngày 20/5/2022, Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin đã đưa ông ra xét xử về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật hình sự và đã tuyên phạt ông 4 năm tù giam. Phiên tòa có sự tham gia của vợ con ông với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 3 người làm chứng và 1 thông dịch viên tiếng Ê Đê – tiếng Việt.
Hội đồng xét xử gồm có:
Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Ông Phạm Văn Đoàn
Các Hội thẩm nhân dân: Ông Nguyễn Thế Vinh và Ông Nguyễn Văn Hiếu
Thư ký phiên tòa: Bà Phan Thị Thanh Loan
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin: Ông Ngô Xuân Minh – Kiểm sát viên
Đây là bản án hình sự thứ 7 trong năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin: Bản án số 07/2022/HS-ST ngày 20/5/2022.
Ama Quynh bị cáo buộc vào tháng 6 năm 2020 đã đi Pleiku gặp đoàn Đại sứ quán Hoa Kỳ và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo thông tin về việc bản thân ông sau khi ra tù đã gặp nhiều khó khăn từ phía chính quyền; tình hình tôn giáo tại địa phương ông chưa được tự do.
Sau đó, ông tham gia các lớp học trực tuyến về Luật niềm tin tôn giáo, Luật dân sự Việt Nam và Luật nhân quyền Quốc tế.
Ông đã tự tay viết 03 bản báo cáo, chụp lại và gửi qua ứng dụng WhatsApp, gồm: Bản báo cáo thứ nhất “Về tình hình tôn giáo, nhân quyền của người sắc tộc Ê Đê ở Tây Nguyên”; Bản báo cáo thứ hai, nội dung trong báo cáo thể hiện gửi “Ủy ban nhân quyền Liên Hợp Quốc”, đồng kính gửi qua “Ủy ban tôn giáo quốc tế và Hoa Kỳ”; Bản báo cáo thứ ba “Về tình hình tự do tôn giáo nói chung và nói riêng cho người sắc tộc Cao nguyên trung phần”.
Tang vật là một điện thoại di động Samsung và một danh thiếp mang tên viên chức chính trị – Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh là đồ vật phương tiện sử dụng vào việc phạm tội không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy.
Vụ án khởi đi từ việc Ama Quynh tiếp xúc với cơ quan ngoại giao nước ngoài hợp pháp tại Việt Nam và những thông tin qua lại giữa Ama Quynh với các tổ chức ngoại giao và quốc tế, bản thân ông là người có uy tín cao trong đồng bào dân tộc thiểu số, nên theo điểm c khoản 2 Điều 268 Bộ luật tố tụng hình sự, thẩm quyền xét xử Ama Quynh thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Khoảng một tuần sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thức, Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin đã tống đạt bản án cho bà H Xuân Byă là vợ của Ama Quynh và thông báo miệng ông đã kháng cáo bản án. Tuy nhiên sau đó thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lại gửi Giấy triệu tập ba mẹ con bà H Xuân Byă đúng 8 giờ ngày 3 tháng 6 có mặt tại Tòa án Cư Kuin “để làm việc, liên quan đến vụ án Y Wô Niê”. Việc triệu tập này không có quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.
Qua vụ án này cho thấy, ranh giới giữa Điều 117 và Điều 331 rất mong manh, đọc bản án tưởng như mình đang tham dự một phiên tòa xét xử về tội “tuyên truyền”. Và làn ranh giữa Điều 331 và các quyền tự do, dân chủ càng mong manh hơn nữa.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng
Saigon, Việt Nam
VNTB (04.06.2022)
Lê Hữu Minh Tuấn suy kiệt trong tù
Ông Lê Hữu Minh Tuấn bị phạt 11 năm tù vì tham gia Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam
“Ăn uống thì cực kỳ cực khổ, không có một chất gì hết, toàn ăn cơm trắng với “canh đại dương”, mắm muối cũng không có nữa, mà cơm thì cũng bị trộn cát hay là cơm sống chứ không phải là cơm bình thường,” người nhà ông Lê Hữu Minh Tuấn cho hay.
Ông Lê Hữu Minh Tuấn đã bị chuyển trại giam và sức khoẻ của ông đang trong tình trạng suy kiệt. Ông Tuấn được cho biết mắc nhiều chứng bệnh mà không được cán bộ quản giáo giải quyết cho đi khám chữa, điều trị.
Bà Na, em gái của ông Tuấn cho biết như vậy sau chuyến thăm gặp hôm 26/5. Đây là lần đầu tiên ông Tuấn được gặp gia đình sau hai năm bị bắt giam, xét xử:
“Vừa rồi tôi đi thăm thì sức khỏe của anh Tuấn tồi tệ lắm. Tôi không thể nhìn ra anh trai của mình nữa. Anh ốm với mắc nhiều bệnh lắm.
Tôi vào thì thấy ảnh như là chỉ còn da bọc xương, ảnh bị điếc, bị giãn xương đùi và bị ghẻ lở, suy dinh dưỡng, bởi vì ở trong đó ăn uống khắc nghiệt quá!”
Ông Tuấn có yêu cầu được đi khám chữa bệnh nhưng cán bộ trại giam từ chối, nói rằng gia đình có thể đem thuốc vào gởi tận tay, nhưng không được đưa đi cơ sở y tế điều trị.
Theo lời bà Na, ông Tuấn đang bị giam giữ trong điều kiện rất khắt nghiệt, còn gia đình thì luôn bị cán bộ gây khó dễ trong việc thăm gặp hay gởi đồ lưu ký cho ông Tuấn:
“Suốt hơn hai năm liền ảnh bị nhốt ở trại tạm giam số 4, Phan Đăng Lưu, TP.HCM, là hầu như chỉ ở trong phòng thôi, không được ra ngoài.
Khi đến trại này thì nghe nói là buổi sáng có được ra phơi nắng tầm 15 phút hay nửa tiếng nhưng rồi cũng vào phòng. Ăn uống thì cực kỳ cực khổ, không có một chất gì hết, toàn ăn cơm trắng với “canh đại dương”, mắm muối cũng không có nữa, mà cơm thì cũng bị trộn cát hay là cơm sống chứ không phải là cơm bình thường.
Đối với những tù nhân lương tâm như anh Tuấn thì cái quyền thăm gặp bị hạn chế. Thậm chí là mình có đăng ký mua đồ cho ảnh cũng bị hạn chế luôn. Đến nỗi anh ấy thèm trái cây với lại thiếu sữa. Tôi có ra căn tin để đăng ký mua mà họ không cho mua.”
Kể từ khi ông Tuấn bị bắt vào tháng 6/2020, cả gia đình hoàn toàn không được Bộ công an hay trại giam thông báo bất kỳ thông tin gì về ông Tuấn, chỉ biết là ông bị tạm giam điều tra ở trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu, để gởi hàng lưu ký mỗi tháng:
“Suốt hai năm mấy là không biết ảnh sống chết ở nơi nào luôn. Em có làm những đơn gửi cho Bộ công an và lãnh đạo trại giam ở Phan Đăng Lưu để hỏi tình hình anh Tuấn đang ở nơi nào, nhưng gia đình không hề có một thông báo gì luôn.”
Sau nhiễu nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng gia đình cũng có được thông tin rằng ông Tuấn đã bị chuyển đi trại Bố Lá, Bình Dương, từ ngày 14/4. Bà Na cho biết thêm rằng từ nay gia đình có thể đi thăm nuôi ông Tuấn định kỳ nên cũng đỡ lo hơn.
Ông Lê Hữu Minh Tuấn, một thành viên của Hội nhà báo độc lập, bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiến hành bắt giữ vào ngày 12/6/2020 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”. Hai thành viên khác của hội này cũng bị bắt và khởi tố trong cùng một vụ án là ông Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ.
Ông Lê Hữu Minh Tuấn bị tuyên y án 11 năm tù giam trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra hồi tháng 2/2022.
RFA (04.06.2022)
Ngoại trưởng Mỹ lên án chính quyền Việt Nam sách nhiễu tín đồ tôn giáo thuộc nhóm chưa đăng ký
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu công bố phúc trình tự do tôn giáo năm 2021, ngày 2/6/2022.
Phát biểu khi công bố báo cáo tự do tôn giáo 2021 hôm 2/6/2022, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng chính quyền Việt Nam sách nhiễu các tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo độc lập.
Hôm 2/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam 2021 trong đó ghi nhận sự sách nhiễu liên tục của chính quyền đối với các nhóm tôn giáo độc lập và các nhóm không được nhà nước công nhận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu với sự hiện diện của Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain.
“Ở Việt Nam, chính quyền sách nhiễu các thành viên của các cộng đồng tôn giáo chưa đăng ký”.
Báo cáo viết về Việt Nam có đoạn: “Trong suốt năm qua, chính quyền Việt Nam không công nhận bất kỳ tổ chức tôn giáo mới nào.”
“Một số thành viên của một số nhóm tôn giáo tiếp tục báo cáo rằng một số chính quyền địa phương và chính quyền tỉnh đã sử dụng việc không tuân thủ các thủ tục đăng ký bắt buộc để trì hoãn, gây khó khăn và đàn áp các hoạt động tôn giáo của các nhóm chống lại sự quản lý chặt chẽ của chính quyền đối với vai trò lãnh đạo của các chức sắc, giảng dạy giáo lý, và các hoạt động khác”, báo cáo viết.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain.
Báo cáo cũng ghi nhận việc chính quyền đã “điều động” các thành viên thuộc các nhóm tôn giáo được công nhận gây ra các vụ hỗn chiến nhằm trấn áp hoạt động của các nhóm chưa đăng ký.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến vụ chính quyền ở Tuyên Quang bắt giam 56 tín đồ đạo Dương Văn Mình vào tháng 12/2021 khi các tín đồ tụ tập cho tang lễ của nhà sáng lập đạo này mà lý do chính quyền đưa ra là họ đã “tụ tập đông người”, “vi phạm an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19”.
Báo cáo cũng đề cập vụ 21 tín hữu Tin lành ở Đăk Lăk bị câu lưu từ ngày 16-18/7 hay 3 chức sắc Cao Đài độc lập ở Tiền Giang bị câu lưu và thẩm vấn hàng giờ vào tháng 9 vì các hoạt động tôn giáo của họ.
Chính quyền Việt Nam chưa lên tiếng về báo cáo mới này của phía Hoa Kỳ.
Trước đó, Hà Nội nói rằng các báo cáo của Hoa Kỳ “đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”.
VOA (03.06.2022)
Phạm Đoan Trang: Mẹ đến Geneva nhận giải thưởng nhân quyền thay con
NGUỒN HÌNH ẢNH,LUẬT KHOA TẠP CHÍ Chụp lại hình ảnh, Phái đoàn Việt Nam vận động cho bà Phạm Đoan Trang tại Geneva gồm bà Trần Quỳnh Vi, bà Bùi Thị Thiện Căn và ông Will Nguyễn
Tối 2/6 giờ Việt Nam, tại Geneva, Thụy Sỹ, giải thưởng nhân quyền Martin Ennals đã được trao cho nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù 9 năm với tội danh ‘Tuyên truyền chống nhà nước’.
Bà Bùi Thị Thiện Căn, 81 tuổi, mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang, có mặt tại Geneva để nhận giải thưởng này thay con.
‘Tôi tự hào về con gái’
Trong buổi lễ trao giải diễn ra 23g ngày 2/6 giờ Việt Nam, bà Thiện Căn nói:
“Hôm nay tôi rất vui sướng, tự hào vì con gái tôi được giải và tôi đến đây nhận giải nhân quyền quốc tế năm 2022 thay mặt con gái vì con tôi đang bị cầm tù.”
“Cho đến nay, 4 ngày nữa là đầy 20 tháng tôi chưa được gặp con. Tôi rất yêu thương con tôi, tôi cảm thấy cháu là một người phụ nữ can đảm, kiên định đi theo con đường mà con đường đó rất nguy hiểm, gian khổ.”
“Cháu vẫn dấn thân, đấu tranh không mệt mỏi cho đất nước Việt Nam có được dân chủ, nhân quyền, cho người dân Việt Nam được tự do, hạnh phúc.”
“Bản thân tôi là người mẹ, tôi phải hy sinh tình mẫu tử để cho con tôi hoạt động. Tôi hy vọng một ngày nào đó, càng sớm càng tốt, đất nước Việt Nam có dân chủ, được tự do, hạnh phúc.” bà Căn rưng rưng khi nhắc về con gái.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 26/5, bà Căn cho biết: “Tôi cực kỳ tự hào vì sự dũng cảm cũng như sự đóng góp của con gái tôi vào công cuộc dân chủ hóa đất nước.”
Cũng trong ngày 2/6, trước thềm sự kiện, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, bà Michèle Taylor, đã tiếp bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang, tại trụ sở của Phái bộ Hoa Kỳ tại Geneva, Thụy Sĩ.
Đăng hình lên Twitter, bà Đại sứ nói: “Tôi vinh dự được gặp mẹ của Phạm Đoan Trang, một trong những người nhận Giải Martin Ennals năm nay, một nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo truyền cảm hứng, hiện đang bị giam giữ một cách bất công ở Việt Nam. Ngày hôm nay là lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của những việc chúng ta làm ở Geneva”.
NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH Chụp lại hình ảnh, Bà Michèle Taylor cùng mẹ của Phạm Đoan Trang – bà Bùi Thị Thiện Căn
Trong buổi trao giải. Đoạn phim tài liệu ngắn về Phạm Đoan Trang. Trong đó mở đầu là hình ảnh Đoan Trang ôm đàn ghi ta hát. Bà chia sẻ:
“Tôi cho rằng cái nghề mà ta gọi là hoạt động xã hội, hoạt động dân chủ, nó thực sự là một nghề không ở bối cảnh của Việt Nam, một nhà nước độc tài như Việt Nam, thì không chắc nó sẽ thay đổi được điều gì vì Đảng Cộng sản nắm chặt hết mọi thứ, toàn trị mà. Nhưng so với nghề báo, nó có thể tiếp cận trực tiếp hơn. Mình thấy bất công thì đấu tranh thay đổi nó, chứ không lòng vòng chờ đợi câu trả lời từ ai khác nữa. Đó là lý do khiến tôi dần dần trở thành nhà hoạt động.”
Trong đoạn phim, Đoan Trang cũng nhắc về những lần đi biểu tình đầu tiên của mình như biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, bà nói “Họ tấn công và hậu quả là tôi bị gãy hai chân, tràn dịch khớp gối và tôi nghĩ là tàn tật cả hai chân, vĩnh viễn. Công an còn tung tin việc tôi bị gãy hai chân là do hồi trẻ ăn chơi trác táng, trụy lạc nên bị giang mai.”
“Mình không phải người hoang tưởng, không có ý ảo tưởng tới mức rằng ngòi bút của mình có thể thay đổi chế độ, làm cho quan chức, dân chúng sáng mắt ra… Tôi viết vì muốn viết, với hy vọng có thể thay đổi, giúp một ai đó.”
“Tôi muốn việc đi tù của mình sẽ mang lại ý nghĩa gì đó, có tác dụng thực sự là một sức ép để buộc chính quyền thay đổi. Chứ đó không phải là cái để nhà nước cộng sản lợi dụng. Chúng tôi không phải hàng hóa để mặc cả với nước ngoài, đổi lấy những hiệp định thương mại, đổi lại những lợi ích cho tập đoàn cầm quyền chứ không phải người dân,” Đoan Trang nói trong đoạn clip đucợ trình chiếu tại lễ trao giải.
NGUỒN HÌNH ẢNH,PHÁI ĐOÀN VN Chụp lại hình ảnh, Thân mẫu của nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cùng phái đoàn VN chụp ảnh cùng nhân viên của Tổ chức Martin Ennals
Thông báo hồi 19/1 của giải thưởng Martin Ennals nói Phạm Đoan Trang là “một nhà báo, biên tập viên và là nhà hoạt động dân chủ hàng đầu ở Việt Nam, nơi mà Đảng Cộng sản hầu như không chừa không gian nào cho các tiếng nói đối lập phát triển”.
Giải thưởng này dành cho những người bảo vệ nhân quyền được tặng cho bà Đoan Trang, Daouda Diallo ở Burkina Faso và Abdul-Hadi Al-Khawaja ở Bahrain.
Nhân dịp lễ trao giải thưởng nhân quyền Martin Ennals này, phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam đã tới Geneva gồm mẹ của bà Trang, nhà hoạt động Will Nguyễn và bà Trần Quỳnh Vi, Đồng Giám đốc của Luật khoa Tạp chí đã cùng đến Geneva.
Mục tiêu vận động
Cùng tới Geneva lần này với thân mẫu nhà báo Phạm Đoan Trang còn có nhà hoạt động Will Nguyễn và nhà đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí Trần Quỳnh Vi, mục tiêu là để vận động cho bà Trang.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 26/5, nhà hoạt động Will Nguyễn nhấn mạnh, nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị cầm tù gần 20 tháng trời mà không được liên lạc với thế giới bên ngoài, ngoại trừ các luật sư biện hộ cho bà.
Theo thông tin trên Luật khoa Tạp chí, bên lề buổi trao giải, phái đoàn sẽ gặp gỡ đại diện của các cơ quan Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức quốc tế và báo chí quốc tế ở Geneva trong những tuần tới.
Về nội dung làm việc tại Geneva, ông Will Nguyễn, đại diện phái đoàn vạch rõ:
“Mục tiêu chính của chúng tôi là để mẹ của Trang thay mặt Trang nhận được Giải thưởng Martin Ennals danh giá, được gọi là “Giải Nobel về nhân quyền”.
“Một vinh dự lớn như vậy nên có một người đại diện đích thân đến nhận giải, và chúng tôi không tìm thấy ai phù hợp để thay mặt cho Trang hơn mẹ của chị. Sự mạnh mẽ của bác Căn khi đối mặt với cảnh tù đày bất công của con gái và ý chí của bác ấy đấu tranh giành tự do cho con gái mình nên được cả thế giới nhìn thấy.” ông Will chia sẻ.
Bên cạnh đó, đại diện phái đoàn cũng cho biết họ đang yêu cầu các tổ chức phi chính phủ, phái đoàn và đại diện khác nhau mà họ gặp gỡ gây áp lực với chính phủ Việt Nam về ba điểm chính:
- Cung cấp cho Trang sự chăm sóc y tế đầy đủ và ngay lập tức cho bệnh tình và các khuyết tật của Trang;
- Cho phép quyền thăm thân của gia đình (không ai trong gia đình Trang có thể gặp chị từ khi chị bị bắt, chỉ có luật sư của Trang được gặp);
- Trả tự do cho Trang;
‘Sợ Trang không đợi được’
Ngày 7/10/2020, bà Phạm Đoan Trang bị bắt. Ngày 14/12/2021, bà bị kết án chín năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”.
Trong bức thư để lại trước khi đi tù, bà Trang viết:
“Nếu có vận động để trả tự do cho tôi, xin các bạn bắt đầu từ năm thứ 3 hoặc thứ 4 (tình từ thời điểm bị bắt), và xin hết sức lưu ý gắn mọi chiến dịch vận động với việc thực hiện các mục đích tôi đã nêu.”
Trong thư, bà cũng nói: “Tôi không muốn tự do cho riêng mình; điều đó quá dễ dàng.”
Chụp lại video,
Phạm Đoan Trang: ‘Tôi chưa bao giờ ân hận vì đã về Việt Nam’
Về vấn đề vận động ở Geneva khi chưa tròn 3 năm, Will Nguyễn giải thích:
“Tôi nghĩ Trang sẽ tha thứ cho chúng tôi vì hành động sớm hơn, đặc biệt là khi sức khỏe của Trang ngày càng giảm sút. Trong mọi trường hợp, việc vận động như vậy phải bắt đầu sớm, vì thành quả cho các cuộc vận động thường phải đợi đến hàng tháng hoặc hàng năm sau đó.”
Trong suốt hơn một năm bị tạm giam, bà Phạm Đoan Trang chưa một lần được gặp mặt gia đình.
Bà chỉ được gặp các luật sư lần đầu tiên và cũng là duy nhất vào ngày 19/10/2021, tức sau hơn một năm kể từ ngày bị bắt.
Luật sư Luân Lê, một trong các luật sư được tiếp xúc với bà Phạm Đoan Trang kể lại về sức khỏe, hai chân bà Trang vẫn bị đau vì thời tiết lạnh làm cho xương khớp đau nhức hơn, do vài năm trước đó bà bị tấn công đến cả gãy xương ống chân.
“Bà nói, từ khi bị bắt giam, và đến lúc này, bà bị chảy máu (phụ nữ) nhiều, liên tục tới 15 ngày mỗi tháng, cộng thêm với tình trạng huyết áp thấp nên khá mệt và rõ ràng bà cho biết là có dấu hiệu của khối u (trước đó bà khám đã được bác sỹ nói có u nang) mà không được thăm khám và điều trị gì, và với tình trạng này kéo dài bà đã sụt 10 cân, từ 58kg xuống còn 48kg).” ông Luân Lê viết.
Còn luật sư Ngô Anh Tuấn thì nói:
“Bà Trang đã từng bị biệt giam nhưng sau đó được giam chung với những thường phạm khác. Cuộc sống trong phòng giam rất khắc nghiệt, bà đã phải đánh nhau 07 lần nhưng bà vui vẻ kể rằng mình đều là người giành chiến thắng, dù là người yếu thế hơn.”
Bình luận với BBC ngày 26/5, một nhà hoạt động giấu tên từng làm việc với bà Trang nói:
“Có thể những người thân và bạn bè của Trang cảm thấy tình hình sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của Trang không còn quá nhiều thời gian. Cần nhớ rằng, vào năm 2015, Phạm Đoan Trang tham gia cuộc biểu tình ôn hoà và bị công an đánh gãy cả hai chân. Sau đó là những cuộc đàn áp khác như tháng 8/2018, Trang bị đánh bể cả nón bảo hiểm, gây chấn động não. Thời gian trong nhà tù, các luật sư cũng nói sức khỏe của Trang xấu đi rất nhiều và không được điều trị y tế đúng cách nên tôi nghĩ, mọi người đều sợ Trang không đợi được 3,4 năm như lời chị mong muốn.”
Đấu tranh ôn hòa và cực đoan
Những năm qua, nhiều người cho rằng phong trào dân chủ Việt Nam đang ngày một ảm đạm khi nhiều nhà hoạt động nổi tiếng đều bị bắt bớ, cầm tù. Những cuộc biểu tình cho các vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng không còn sôi nổi và những phong trào như tự ứng cử đại biểu quốc hội, bảo vệ môi trường hay các vấn đề về Trung Quốc cũng dần không còn được quan tâm.
Cùng với sự đàn áp các phong trào dân chủ ở Hong Kong, việc cầm tù biểu tượng dân chủ của Myanmar – bà Aung San Suu Kyi, nhiều người không mấy tin tưởng vào nền dân chủ, tự do nói chung trên thế giới và nói riêng ở Việt Nam.
Đơn cử, những cái tên nổi cộm như Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thúy Hạnh… đều bị cầm tù và bị tuyên những mức án nặng nề.
Tuy nhiên, ông Will Nguyễn lại ý kiến khác, ông cho rằng cuộc vận động mà ông đang đại diện thực hiện cho bà Phạm Đoan Trang có tính khả quan cao.
“Sự bất công nảy nở mạnh mẽ do sự im lặng, và vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng. Nói một cách ngắn gọn như bà Nguyễn Thị Định là “không có con đường nào khác để đi”. Vì vậy, miễn là chúng tôi tiếp tục tin rằng người Việt Nam xứng đáng được hưởng các quyền được bảo đảm trong hiến pháp của họ, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động.
“Chúng tôi sẽ không im tiếng.” ông Will khẳng định.
Trên mạng xã hội, qua những bài viết, những cuốn sách và các hoạt động của bà Trang, một số ý kiến cho rằng nhà báo Phạm Đoan Trang quá cực đoan. Bà chọn con đường đấu tranh trực diện tức đối đầu với chế độ, với chính phủ, nhà nước Việt Nam thay vì tiếp cận ở một cách ôn hòa. Và ở bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại, cách làm của bà Trang chỉ dẫn đến tù đày và đàn áp.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến ủng hộ cách thức đấu tranh của Phạm Đoan Trang. Một nhà hoạt động giấu tên từ Sài Gòn nói với BBC:
“Trong một tiến trình để đấu tranh cho điều gì thì cần rất nhiều người với đa dạng cách thức tiếp cận. Có người chọn ôn hòa, có người chọn cực đoan, không phải người chọn ôn hòa là hèn nhát hay người chọn cực đoan là tử chiến. Vì dù chọn như thế nào thì họ cũng cùng mục đích muốn cho xã hội tốt hơn. Với những người như Trang, tôi mong rằng mọi người sau này sẽ nhớ, như một câu nói rất hay tôi từng nghe được, đó là những thay đổi rất nhỏ và chậm chạp mà chúng ta đang được hưởng mỗi năm trôi qua, đến từ những người dám cầm búa đập vào những bất công và lắm khi trả giá vì nó, không phải những người luôn giơ ngọn cờ ôn hòa.”
Giải thưởng Martin Ennals được tổ chức hàng năm nhằm ghi nhận nỗ lực của các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới và vận động cho việc bảo vệ họ.
Giải thưởng này được thành lập năm 1992, đặt tên theo Martin Ennals, nhà hoạt động nhân quyền người Anh từng là Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế từ năm 1968 đến năm 1980.
Ngoài giải thưởng trên, hồi tháng 2/2022, bà Phạm Đoan Trang được Canada và Anh trao giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai nước khi bà đang bị cầm tù.
Vào tháng 9/2019, nhà báo Phạm Đoan Trang được Tổ chức Phóng viên Không biên giới trao cho Giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục “Ảnh hưởng”.
Hồi năm 2018, bà Trang cũng từng được nhận Giải thưởng Homo Homini 2018 từ tổ chức nhân quyền People In Need có trụ sở tại Séc.
BBC (03.06.2022)