Quang Nguyên

 

Khi được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo rằng lần này sẽ phải xếp Việt Nam vào Hạng 3, có lẽ nhà nước Việt Nam bị sốc nặng.

Phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng về việc bộ ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào hạng 3, hạng tệ hại nhất, về nạn buôn người.

 

 

Ngày 19/7 vừa qua, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo, đánh giá Việt Nam “không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và không có những nỗ lực đáng kể để làm vậy”, do đó Việt Nam bị xếp vào nhóm 3, gồm những quốc gia có thể bị hạn chế nhận viện trợ từ Washington trong tương lai.

Trả lời câu hỏi về nỗ lưc hơn 2 thập niên của BPSOS để có thành quả là bộ ngoại giao Mỹ đưa VN vào hạng 3, nghĩa là hạng tệ hại nhất, về nạn buôn người.

Nguyễn Đình Thắng: Năm 1999, chúng tôi bắt đầu quan tâm đến tình trạng nhà nước Việt Nam buôn công dân vào tình trạng nô lệ thời đại mới ở nhiều quốc gia qua chương trình xuất khẩu lao động trong chính sách xoá đói giảm nghèo.

Cuối năm 1999, qua sự giới thiệu của Ông Grover Joseph Rees, lúc ấy đang làm Giám Đốc Nhân Sự cho Dân Biểu Christopher Smith, chúng tôi hợp tác với một luật sư tình nguyện để can thiệp cho khoảng 250 người lao động Việt Nam bị buôn sang đảo American Samoa, lãnh thổ Hoa Kỳ. Họ bị đối xử như nô lệ tại công ty Daewoosa American Samoa, mà chủ là người Hàn Quốc.

Ngay khi luật phòng, chống buôn người của Hoa Kỳ, mà DB Smith là tác giả có hiệu lực đầu năm 2001, nhiều cơ quan chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã phối hợp để giải cứu các nạn nhân này. Để phi tang, chính phủ Việt Nam lập tức hồi hương một số nạn nhân có thể là nhân chứng. BPSOS tài trợ để gấp rút đưa một số nạn nhân sang Honolulu, Hawaii.

Nhờ có lời khai của nhiều nhân chứng, năm 2003 chủ sử dụng lao động người Hàn Quốc bị toà án liên bang Hoa Kỳ ở Honolulu tuyên án tù 40 năm. Đồng thời, 2 cộng ty xuất khẩu lao động quốc doanh của Việt Nam bị toà án American Samoa xử phải bồi thường cho các nạn nhân 3.5 triệu Mỹ kim. Đây là vụ buôn lao động lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ có sự can thiệp của chính quyền liên bang. Năm 2004, Việt Nam bị đưa vào Danh Sách Theo Dõi của Hạng 2.

Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người, mà DB Smith là tác giả, đòi hỏi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hàng năm phải báo cáo cho Quốc Hội tình trạng phòng, chống buôn người trên thế giới và phân loại các quốc gia làm 3 hạng. Hạng 1 là những quốc gia phòng, chống hiệu quả. Hạng 2 là những quốc gia có nỗ lực phòng, chống nhưng chưa đủ. Hạng 3 là những quốc gia tệ hại trong việc phòng, chống buôn người và có khi chính quyền lại là thủ phạm buôn người. Danh Sách Theo Dõi gồm các quốc gia ở cuối bảng Hạng 2, mấp mé Hạng 3.

Việt Nam đã rơi vào bảng này năm 2004. Nhưng qua năm sau, Bộ Ngoại Giao vội vàng tháo gỡ Việt Nam khỏi Danh Sách Theo Dõi dù không có bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào và dù 2 công ty quốc doanh vẫn không chịu bồi thường cho nạn nhân theo phán quyết của toà án American Samoa.

Qua kinh nghiệm vụ American Samoa và một số vụ giải cứu nạn nhân Việt ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, năm 2008, BPSOS khởi xướng Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, CAMSA). Chỉ trong vòng 2 năm, chúng tôi đã giải cứu khoảng 4 nghìn nạn nhân người Việt ở Malaysia, Jordani và Nga. Năm 2010 và 2011, Việt Nam lại bị xếp vào Danh Sách Theo Dõi trong 2 năm liền.

Năm 2011, Việt Nam ký Nghị Định Thư LHQ về chống buôn người (Nghị Định Thư Palermo) và bổ sung thêm một số điều khoản chống buôn người vào luật hình sự. Nhà nước xử phạt tượng trưng một ít doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Vin vào đó, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhanh chóng tháo gỡ Việt Nam khỏi Danh Sách Theo Dõi dù tình trạng buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động vẫn tệ hại. Việt Nam thoát, không bị rơi xuống Hạng 3.

Năm 2015, luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người được DB Smith bổ sung với điều khoản là một quốc gia nếu sau 2 năm liên tiếp ở trong Danh Sách Theo Dõi mà vẫn không cải thiện đáng kể thì sẽ tự động rơi xuống Hạng 3; Tổng Thống Hoa Kỳ có quyền đặc miễn một lần với hiệu lực một năm.

Để khai thác điều luật mới này, chúng tôi đổi chiến thuật. Chúng tôi không công bố các hoạt động của chương trình CAMSA nữa mà lẳng lặng lập hồ sơ và chuyển cho Dân Biểu Smith để gửi Bộ Ngoại Giao với yêu cầu giải trình. Như thế Bộ Ngoại Giao không thể bỏ sót những hồ sơ này trong báo cáo gửi cho Quốc Hội hàng năm. Vì không biết được chúng tôi đang sử dụng các hồ sơ nào, phía Việt Nam khó chống chế.

Năm 2019, Việt Nam lại bị xếp vào Danh Sách Theo Dõi và tiếp tục ở đó năm 2020. Năm 2021, lẽ ra Việt Nam phải tự động rơi xuống Hạng 3, theo luật Hoa Kỳ. Tuy nhiên,Tổng Thống Biden đã đặc miễn cho Việt Nam với lý do “chính quyền đã đầu tư đủ nguồn lực để soạn thảo một kế hoạch mà, nếu thực thi, có lẽ sẽ là những nỗ lực đáng kể để đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu.”

Thực ra, lý do này không chính đáng vì nó dựa trên giả định “nếu thực thi” trong khi luật Hoa Kỳ đòi hỏi việc phân hạng phải dựa trên thực trạng buôn người. Điều này cho thấy Hành Pháp Hoa Kỳ muốn lách luật để che chắn cho Việt Nam. Nhưng Tổng Thống cũng chỉ được dùng quyền đặc miễn một lần với hiệu lực một năm.

Bắt đầu tháng 5 năm 2021, chúng tôi thu gom bộ hồ sơ thật dầy về các trường hợp buôn nữ lao động Việt sang Ả Rập Xê Út. Chúng tôi lẳng lặng làm việc với một tổ chức quốc tế và Uỷ Hội Nhân Quyền của Ả Rập Xê Út để giải cứu các nạn nhân và không phổ biến thông tin ra ngoài.

Ngày 30 tháng 6, năm 2021, tại phiên họp của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ chúng tôi bất ngờ lên tiếng phản biện tuyên bố của Đại Sứ Việt Nam ở LHQ; tuyên bố này dĩ nhiên đánh bóng thành tích phòng, chống buôn người của nhà nước Việt Nam. Kế đến, chúng tôi làm việc rất chặt với văn phòng của Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về buôn người. Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, LHQ liên tiếp tố giác Việt Nam về tình trạng buôn người với sự nhúng tay của quan chức nhà nước.

Ngày 27 tháng 10, chúng tôi đưa số hồ sơ này vào cuộc điều trần của Quốc Hội Hoa Kỳ do Dân Biểu Smith đồng chủ toạ. Sau đó, Dân Biểu Smith chuyển các hồ sơ này cho Bộ Ngoại Giao.

Trong 6 tháng tiếp theo, chúng tôi gửi hồ sơ ồ ạt cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và công bố thông tin về các cuộc giải cứu trên truyền thông báo chí. Ngoài bộ hồ sơ ở Ả Rập Xê Út chúng tôi còn mở thêm bộ hồ sơ về hơn 400 lao động Việt Nam ở Serbia. Do quá cận thời hạn bị xếp hạng, Việt Nam không kịp xoay xở, kể cả nếu như có sự mách nước của một vài giới chức thuộc Hành Pháp Hoa Kỳ.

Trước thực trạng tồi tệ về nạn buôn người kéo dài từ 2021 đến tận ngày Bộ Ngoại Giao phải nộp bản phúc trình cho Quốc Hội, việc nâng cấp Việt Nam ra khỏi Danh Sách Theo Dõi là không thể và luật Hoa Kỳ không cho phép Việt Nam tiếp tục ở trong danh sách này. Con đường duy nhất còn lại là hạ cấp Việt Nam xuống Hạng 3.

 

QN: Xin TS vui lòng giải thích rõ hơn nhận định của ông, “Lẽ ra Việt Nam đã phải bị đưa vào hạng 3 từ lâu, nhưng họ đã nhiều thoát nạn vì khai thác được những điểm yếu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ”, và rằng “ theo quy tắc ngoại giao, trước khi phân loại một quốc gia vào “danh sách theo dõi” của Hạng 2, hoặc vào Hạng 3 thì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ luôn luôn báo trước cho quốc gia ấy. Nhờ vậy mà Việt Nam biết trước và đã có động thái giả bộ, mà điển hình là hứa hẹn sẽ thông qua luật mới để gia tăng phòng, chống buôn người.” 

NĐT: Việt Nam đã từng khôn khéo khai thác 2 yếu tố để thoát khỏi Danh Sách Theo Dõi và tránh bị xếp vào Hạng 3.

Thứ nhất, theo quy tắc ngoại giao, khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chuẩn bị xếp một quốc gia vào Danh Sách Theo Dõi hoặc Hạng 3 thì họ báo cho chính quyền quốc gia ấy biết để giải trình hoặc phản biện trước khi có quyết định chung kết về xếp hạng.

Năm 2021, trước triển vọng bị rớt xuống Hạng 3, Việt Nam vội báo cho Hoa Kỳ biết là sẽ “đầu tư đủ nguồn lực để soạn thảo một kế hoạch mà, nếu thực thi, có lẽ sẽ là những nỗ lực đáng kể để đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu.” Rõ ràng đây chỉ là động thái chữa lửa phút chót. Thứ nhất, họ chỉ hứa là sẽ đầu tư nguồn lực chứ chưa thực sự đầu tư. Kế đến, nguồn lực này, nếu đầu tư, sẽ chỉ để lên kế hoạch chứ chưa phải để hành động. Cuối cùng, là nếu thực thi kế hoạch thì sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu của luật Hoa Kỳ về phòng, chống buôn người nhưng không bảo đảm sẽ thực thi. Nghĩa là 3 tầng giả định. Thế nhưng, Tổng Thống Biden vẫn mau mắn đặc miễn cho Việt Nam không bị xếp Hạng 3.

Yếu tố thứ hai là, một số giới chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao chủ trương phải mềm mỏng với Việt Nam để lôi kéo quốc gia này làm đồng minh đối đầu với Trung Cộng. Do đó, họ không muốn Việt Nam bị xếp Hạng 3 trong lĩnh vực buôn người.

Nói chung, Bộ Ngoại Giao có 2 loại cơ chế: (1) Các văn phòng chuyên trách một lĩnh vực như chống buôn người, như bảo vệ tự do tôn giáo – bộ phận này do Quốc Hội lập ra; (2) Các văn phòng chuyên trách khu vực, như văn phòng Đông Á – Thái Bình Dương. Các bộ phận chuyên trách một lĩnh vực nhân quyền thường yếu thế hơn và bị lấn lướt bởi bộ phận chuyên trách khu vực, vốn cân nhắc nhiều lĩnh vực lợi ích như mậu dịch, như quốc phòng, như địa chính trị…

Một ví dụ điển hình là, năm 2008 BPSOS đã giải cứu trên 150 nạn nhân bị buôn lao động sang Jordani. Đây là một vụ rất lớn và chúng tôi có chứng cứ là dính líu nhiều quan chức Việt Nam. Sau khi nhóm này hồi hương, viên chức đặc trách phòng, chống buôn người của toà đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam đã gặp gỡ các nạn nhân để lập hồ sơ báo cáo về cho văn phòng chuyên trách nạn buôn người của Bộ Ngoại Giao. Đại Sứ Hoa Kỳ lúc đó là Ông Michael Michalak ra lệnh cấm không được làm lớn vụ buôn người này và phải đóng hồ sơ.

Việt Nam giỏi khai thác 2 yếu tố này này để nhiều lần thoát nạn.

 

QN: Ngày 19/7 bộ ngoại giao Mỹ công bố bản đánh giá về tình trạng buôn người và xếp VN vào hạng 3. Ngay trước đó 1 ngày, 18/7, liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao VN họp, cùng ký quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Phải chăng Việt Nam đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ‘báo nguy’ trước nhưng không đỡ nổi? Và theo Tiến sĩ, ông thấy cái quy chế này sẽ thế nào? Việt Nam có thực hiện đầy đủ trong tương lai không?

NĐT: Khi được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo rằng lần này sẽ phải xếp Việt Nam vào Hạng 3, có lẽ nhà nước Việt Nam bị sốc nặng. Họ vẫn đinh ninh vào khả năng đu dây của mình và ỉ vào sự che chắn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Họ không hiểu rằng, ở Hoa Kỳ luật là luật; khả năng lách luật của Hành Pháp chỉ có hạn và khi không còn lách được nữa thì phải tuân thủ luật pháp.

Tôi đoán rằng chính Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã gợi ý cho phía Việt Nam là phải có một động thái đáng kể nào đó để chứng minh là họ thực tâm phòng, chống buôn người thì may ra mới được tháo gỡ khỏi Hạng 3 vào năm tới. Việc 4 bộ ký quy chế phối hợp để tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn người mang tính chất như vậy.

Cũng tốt thôi vì chúng tôi đã có sẵn nhiều hồ sơ để làm phép thử về thực tâm của nhà nước Việt Nam, như:

Điều tra, truy tố và trừng phạt các thủ phạm buôn người, trong đó có các giới chức chính quyền và rất nhiều các công ty xuất khẩu lao động — không ít các công ty này có thể là sân sau của các quan chức cao cấp.

Bảo vệ lợi ích của nạn nhân bằng cách cung cấp dịch vụ xã hội, tạo công ăn việc làm và đòi các thủ phạm phải bồi thường thoả đáng cho mọi thiệt hại vật thể, vật chất và tinh thần. Ngoài ra, nhà nước còn phải trả lại tiền vé máy bay hồi hương đã bị thổi giá cao ngất ngưởng.

Phòng ngừa nạn buôn người bằng cách phổ biến rộng rãi thông tin về các hồ sơ mà BPSOS can thiệp, đặc biệt là danh sách các công ty xuất khẩu lao động liên can đến các trường hợp buôn người được chúng tôi can thiệp.

Thực tâm hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự, các cộng đồng tôn giáo để phòng, chống buôn người.

Nếu không đáp ứng được các phép thử này thì Việt Nam sẽ tiếp tục ở Hạng 3 và lúc ấy khó tránh được bị chế tài theo luật của Hoa Kỳ.

 

QN: Việt Nam đỡ không kịp trong lần này lý do BPSOS đã “thu thập thông tin và can thiệp nhưng không công bố cho đến gần cuối năm 2021 thì mới gom lại và chuyển bộ hồ sơ dày cộm cho Bộ Ngoại Giao, và đã hợp tác chặt chẽ với một số báo cáo viên đặc biệt của LHQ chuyên về vấn đề buôn người để lên tiếng một cách độc lập với Việt Nam. Chiến thuật tạm gọi là đánh bại bộ ngoại giao Hoa Kỳ trong vấn đề đi đêm với Việt Nam này có làn sứt mẻ mối giao hảo của BPSOS với bộ này không?

NĐT: Hoa Kỳ là quốc gia thượng tôn luật pháp. Chúng tôi áp lực Bộ Ngoại Giao làm đúng luật để bảo vệ tính pháp trị của nền dân chủ Hoa Kỳ. Đó là điều rất bình thường.

Điển hình, năm 1995, qua Chương Trình Trợ Giúp Pháp Lý cho Thuyền Nhân Việt Nam (Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers, LAVAS), chúng tôi đã kiện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên đến Tối Cao Pháp Viện để giải cứu cho một số thuyền nhân ở các trại tạm dung. Trong lúc vụ kiện đang tiến hành, và sau đó, BPSOS vẫn hợp tác với Bộ Ngoại Giao trong nhiều lĩnh vực.

 

QN: Việt Nam có hy vọng trở về hạng 2 như những năm trước vào năm sau không? Và nếu muốn vậy họ phải làm gì?

NĐT: Việt Nam sẽ tiếp tục ở Hạng 3 nếu không qua được các phép thử công khai mà chúng tôi đã chuẩn bị và đã bắt đầu khởi động. Nếu vượt qua được các phép thử này thì may ra Việt Nam sẽ được trở lại Danh Sách Theo Dõi. Chỉ khi nào tình trạng buôn lao động thực sự giảm đi đáng kể thì may ra mới leo lên được Hạng 2. Chúng tôi sẽ theo dõi thật sát từng động thái của nhà nước Việt Nam để họ không thể giả đò, làm lấy lệ để qua mắt Hoa Kỳ và quốc tế.

Nhân đây, tôi kêu gọi sự hợp tác của các nhóm người Việt ở trong và ngoài nước, các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo ở trong nước, và những cá nhân quan tâm đến tệ nạn buôn người, hãy tiếp tay với chúng tôi trong 12 tháng tới đây. Đây sẽ là một lĩnh vực tương đối an toàn để xã hội dân sự công khai áp lực nhà nước. Nếu nhà nước Việt Nam trả thù hoặc hăm doạ những ai lên tiếng thì rõ ràng là chưa xứng đáng để thoát khỏi Hạng 3.

 

QN: Những chế tài của Mỹ đối với Việt Nam khi VN bị xếp hạng 3 có ảnh hưởng xấu đến dân Việt Nam không?

NĐT: Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người mà DB Smith là tác giả quy định nhiều biện pháp chế tài, như cắt các khoản viện trợ nhưng không cắt viện trợ nhân đạo hoặc viện trợ để phát triển mậu dịch với Hoa Kỳ. Luật cũng cho phép và khuyến khích Hành Pháp ngăn chặn các khoản vay từ những định chế tài chánh như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Ngoài ra, luật này còn cho phép Tổng Thống áp đặt các biện pháp chế tài lên cá nhân các thủ phạm và các thực thể liên quan, như các công ty xuất khẩu lao động hoặc các ngân hàng toa rập với đường dây buôn người. Nói tóm lại, các biện pháp chế tài được tính toán để giảm thiểu tai hại lên người dân mà nhắm vào các cơ quan nhà nước, các thủ phạm, và các thực thể liên can.

Trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Đình Thắng đã bỏ thời gian quý báu của ông để trả lời độc giả VNTB.

 

24.07.2022

https://vietnamthoibao.org