28/11/2020

Việt Báo

blank    
“Dù ở trong hay ngoài nước, đối với đám người Kinh – nói chung – đồng bào Thượng có lẽ chưa bao giờ là đồng bào thiệt cả. Với tâm thức hẹp hòi này thì dân Việt sẽ còn gặp nhiều thảm kịch lớn về vấn đề chủng tộc, cho dù chế độ hiện hành không còn tồn tại.” K’ Tien

 

Vào cuối thế kỷ trước, tôi có viết cái truyện ngắn (dự tưởng) về chuyến bay hồi hương của một chàng thanh niên, đang hăm hở trở lại Việt Nam, ngay sau khi đất nước này vừa thoát khỏi hiểm hoạ cộng sản.

Tựa tuy đã quên nhưng tôi vẫn còn nhớ (loáng thoáng) đôi câu:

Phi cơ chao cánh, nhìn qua khung cửa sổ là một dòng sông yêu kiều lượn khúc, đang lấp lánh dưới ánh nắng chiều: Sông Sài Gòn. Tôi kêu khẽ và không ngăn được đôi dòng nước mắt!

Chiều qua, khi chiếc Airbus 320 của Vietnam Airlines nghiêng mình trên không phận Sài Gòn, tôi mới thực sự thấy lại hình ảnh của dòng sông (cũ) y như mình đã hình dung, mấy mươi năm trước. Chỉ khác có điều khác là tôi không còn khóc nữa. Tuổi già hạt lệ như sương.

Gã thanh niên năm xưa, nay, đã trở thành một công dân lão hạng mà đường về thì vẫn còn khoá kín. Xuống phi trường Tân Sơn Nhất, thay vì đi lấy hành lý như phần đông hành khách, tôi cùng vài người ngoại quốc rẽ qua lối khác – lối dành cho hành khách quá cảnh.

Dù đã biết rõ lộ trình như vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy nặng lòng và hơi hụt hẫng. Tôi đã ghé qua rất nhiều phi trường, với tâm trạng trống không, chỉ để chờ chuyến bay kế tiếp. Thực khó mà tưởng tượng, lại có lúc, mình phải “quá cảnh” ngay trên mảnh đất quê hương.

Tôi lặng người nhìn lại Sài Gòn từ sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi sinh ra ở thành phố này, và cũng bỏ đi biền biệt từ đây. Hơn ba mươi năm sau tôi mới có dịp trở về chốn cũ, bùi ngùi đứng ngó cố hương qua một khung cửa kính rồi (thở dài) đi tiếp.

Tôi chưa có lối về, đã đành; hàng triệu người dân Việt khác vẫn tiếp tục bỏ đi. Theo dữ liệu của Tổ Chức Di Dân Quốc Tế (IOM) “từ năm 1990 đến năm 2015 có hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư.”

Sự kiện trên đã được đạo diễn Song Chi ghi lại qua một bài viết ngắn (“Dòng Người Ra Đi Chưa Bao Giờ Dừng Lại“) với ít nhiều cay đắng:

“Thực tế, kể từ sau khi chiến tranh VN kết thúc, người Việt bắt đầu bỏ nước ra đi, và trong suốt 40 năm qua, dù có khi ồ ạt, có khi lặng lẽ, nhưng dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại. ..

Nhưng có vẻ như càng ngày số người tính chuyện ra đi càng nhiều hơn, thành phần đa dạng hơn, tạo cảm giác đất nước như một con thuyền đang đắm!”

Trong số “thành phần đa dạng” này, công luận vẫn thường hay vẫn bỏ quên những người bản địa. Sau những biến động khốc liệt xẩy ra ở Tây Nguyên (2001 – 2004) và Điện Biên (2011), không ít sắc dân miền núi ở Việt Nam cũng buộc phải rời bỏ bảng làng. Họ thường phải trải qua những chuyến đi vô cùng gian lao mà điểm đến thì hoàn toàn vô định, hay… vô vọng.

 

blank
Gặp gỡ và cụng ly ở Bangkok. Ảnh: Nguyễn Xuân Kim 


Trong 
những trang sổ tay trước, chúng tôi đã có dịp đề cập đến vài mảnh đời lưu lạc của đồng bào H’mong đến từ Mường Nhé. Những dòng chữ còn lại của S.T.T.D hôm nay xin được dành riêng cho những đồng bào Thượng đi từ Tây Nguyên mà chúng tôi đã có dịp tiếp chuyện – nhiều lần – ở ven đô Bangkok.

Sở dĩ họ chọn Bangkok là chỗ dừng chân vì nơi đây ngoài vòng ảnh hưởng của nhà nước CSVN nên an toàn hơn nhiều so với Phnom Penh. Thủ Đô nước Thái cũng phú túc hơn nên một di dân bất hợp pháp có thể kiếm sống, bằng cách này hay cách nọ, không mấy khó khăn.

Từ Bangkok, thông tín viên Anh Vũ (RFA) đã gửi đi loạt bài phóng sự truyền thanh (“Làn Sóng Người Ti Nạn Từ Việt Nam“) cặn kẽ. Xin ghi lại một vài đoạn ngắn để rộng đường sư luận:

Trong những năm 2001 đến 2007, trước hiện trạng đất canh tác dần dần bị rơi vào tay các đồn điền cao su của người Kinh di cư từ miền xuôi lên, cộng với sự cấm đoán ngặt nghèo của chính quyền đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hàng loạt các cuộc biểu tình của người Thượng Tây nguyên đã nổ ra để đòi trả lại đất đai bị thu hồi và đòi nới rộng quyền tự do tôn giáo.

Để đối phó với các cuộc biểu tình đông người, chính quyền VN đã tiến hành nhiều đợt đàn áp nhằm vào người Thượng ở Tây Nguyên, từ đó nhiều người Thượng Tây nguyên tìm đường trốn chạy sang Campuchia để tìm qui chế tỵ nạn…

Ông Y Heo KNuil Ly dân tộc Ê đê ở tỉnh Đaklac đã chạy sang tỵ nạn tại Thái Lan từ năm 2008 nói với chúng tôi:

“Từ trại tỵ nạn ở Campuchia chúng tôi phải chạy trốn sang Thái Lan vào năm 2008, lý do tôi phải bỏ trốn khỏi đất nước quê hương tôi một phần cũng vì vấn đề chính trị. Trước việc đất đai của cha ông chúng tôi đã bị chính quyền thu hết thì chúng tôi đã đi biểu tình để phản đối cái đó và yêu cầu chính phủ Hà nội phải tôn trọng quyền của người Thượng ở Tây nguyên. Một phần nữa họ đã ghép tôi tội hoạt động tôn giáo Tin lành và họ đã ghét bỏ tôi nên buộc tôi phải chạy sang Campuchia để tỵ nạn.”

Nói về những khó khăn của những người Thượng Tây nguyên tỵ nạn ở Thái Lan đã và đang gặp phải trong thời gian vừa qua, ông Y Thoat Knul bày tỏ:

“Vì mình không có giấy tờ nên phải đi làm chui thôi, làm phụ hồ, làm rửa xe, làm đủ các công việc. Mỗi ngày phải làm việc từ 10-14 tiếng đồng hồ, không có nghỉ, phải chấp nhận làm nô lệ thôi. Với cuộc sống bơ vơ hiện tại thì không biết tin vào ai, không biết phải làm gì và không biết mình sẽ rơi vào tay ai. Đó còn chưa kể đến chuyện ốm đau, bệnh tật và biết bao các thứ chuyện khác…”

Tình cảnh những người Thượng Tây nguyên đang tỵ nạn ở Thái Lan khó khăn là như vậy, song sự quan tâm của các tổ chức và cá nhân người Việt đối với họ còn ở mức hết sức khiêm tốn. Trong một tâm trạng buồn tủi, ông Y Thoat Knul nói về nguyện ước của ông và bà con người Thượng Tây nguyên đang tỵ nạn ở Thái Lan. Ông nói:

“Cuộc sống của chúng tôi rất mong manh, không biết sẽ đi đâu, về đâu khi mà Cao ủy LHQ đã bỏ rơi chúng tôi hoàn toàn. Chúng tôi bây giờ chỉ cầu mong tất cả cộng đồng người Việt ở Hải ngoại và các tổ chức hãy quan tâm đến sự sống của người Thượng tỵ nạn. Đây là lời nói chân thành từ đáy lòng.”

Như đã thưa, tôi đã có dịp cụng ly với qúi ông Y Heo KNuil Ly, Y Thoat Knul, cùng nhiều ông bà, và trẻ em khác nữa. Chúng tôi đều là những kẻ sinh trưởng ở Tây Nguyên, đều rất hảo rượu, và thời tiết Thái Lan thì đặc biệt thích hợp cho loại bia Singha ướp lạnh nên câu chuyện (bên bàn nhậu) luôn luôn rôm rả và rất “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”… cho đến khi mọi người đều quá chén.

Vui quá rồi cũng hóa buồn. Sau khi uống mềm môi những người bạn đồng ẩm của tôi cứ thường nhắc đi nhắc lại những câu nói rất chí tình (tương tự) như lời như ông Y Thoat Knul:

“Chúng tôi bây giờ chỉ cầu mong tất cả cộng đồng người Việt ở Hải ngoại và các tổ chức hãy quan tâm đến sự sống của người Thượng tỵ nạn. Đây là lời nói chân thành từ đáy lòng.”

May nhờ có rượu nên những người ngồi chung bàn không biết rằng “lời nói chân thành từ đáy lòng” của họ đã khiến tôi đỏ mặt. Tôi xấu hổ vì biết chắc rằng chưa hề bao giờ có bất cứ tổ chức nào bận tâm đến số phận đến những người Thượng đang sống vất vưởng ở Phnom Penh hay Bangkok. Dù ở trong hay ngoài nước, đối với đám người Kinh – nói chung – đồng bào Thượng có lẽ chưa bao giờ là đồng bào thiệt cả. Với tâm thức hẹp hòi này thì dân Việt sẽ còn gặp nhiều thảm kịch lớn về vấn đề chủng tộc, cho dù chế độ hiện hành không còn tồn tại.

 

K’ Tien