Phó Tổng thống Harris lên án các hành động ‘đáng lo ngại’ của Trung cộng

Phó Tổng thống Harris phát biểu trên tàu USS Howard tại căn cứ Yokosuka, Nhật, ngày 28/9/2022.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris hôm 28/9 lên án các hành động “đáng lo ngại” của Trung cộng ở Thái Bình Dương, trong khi cam kết làm sâu sắc hơn “quan hệ không chính thức” với Đài Loan, vài ngày sau khi chính quyền Hoa Kỳ cam kết các lực lượng của họ sẽ bảo vệ hòn đảo này, theo Reuters.

Bà Harris đưa ra phát biểu trên khi bà đứng trên boong tàu khu trục USS Howard trong chuyến thăm tới cơ sở hải quân Hoa Kỳ ở nước ngoài lớn nhất trên thế giới tại Yokosuka, gần thủ đô Nhật Bản.

“Trung cộng đang phá hoại các yếu tố chính của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, bà Harris, người đang có chuyến đi 4 ngày tới châu Á, nói.

Bà nói thêm: “Trung cộng tăng cường sức mạnh quân sự và kinh tế của mình để cưỡng ép và đe dọa các nước láng giềng. Và chúng tôi đã chứng kiến những hành vi đáng lo ngại ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và gần đây nhất là những hành động khiêu khích qua eo biển Đài Loan”.

Trung cộng nói rằng Đài Loan là một trong những tỉnh của họ. Từ lâu, họ quyết sẽ đưa Đài Loan vào quyền kiểm soát của mình và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để làm như vậy.

Chính phủ Đài Loan phản đối mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng và nói rằng chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan vào tháng 8, khiến Trung cộng tức giận, nước sau đó đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay xung quanh hòn đảo này.

Bà Harris cho biết các lực lượng của Hoa Kỳ sẽ hoạt động trong khu vực “không hề nao núng và không sợ hãi” ngay cả khi Hoa Kỳ mong đợi các hành động “tiếp tục gây hấn” của Trung cộng.

Bà nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ khả năng tự vệ của Đài Loan, nhất quán với chính sách lâu đời của chúng tôi. Đài Loan là một nền dân chủ sôi nổi đóng góp vào lợi ích toàn cầu – từ công nghệ đến y tế và hơn thế nữa, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm sâu sắc các hoạt động của mối quan hệ phi chính thức của chúng tôi”.

Ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung cộng, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng Hoa Kỳ cần quay trở lại chính sách một Trung cộng và “dứt khoát nói rõ rằng nước này phản đối tất cả các hoạt động ly khai của Đài Loan”.

Reuters, (VOA, 28.09.2022)

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Phi bàn về Biển Đông, Đài Loan

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin

Giới chức quốc phòng Mỹ, Phi Luật Tân bày tỏ quan ngại những hành động “cưỡng ép” của Bắc Kinh khi khẳng định chủ quyền “trải dài từ biển Hoa Đông qua eo biển Đài Loan, Biển Đông, khắp các đảo Thái Bình Dương, đến khu vực Ấn Độ Dương”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến gặp người đồng cấp Phi Luật Tân Jose Faustino Jr tại Hawaii vào ngày 29/9 để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm Biển Đông và Đài Loan.

Bộ trưởng Austin sẽ rời Washing trong ngày 28/9 để đến California trước khi tới Hawaii. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên rằng ông Austin và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Faustino sẽ thảo luận về “toàn bộ mối quan ngại an ninh” của hai bên, theo Nikkei Asia.

“Chúng tôi thực sự xem Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực quan trọng”, vị quan chức cho biết hôm 27/9. Giới chức quốc phòng hai nước lo ngại những hành động “cưỡng ép” của Bắc Kinh khi khẳng định chủ quyền “trải dài từ biển Hoa Đông qua eo biển Đài Loan, Biển Đông, khắp các đảo Thái Bình Dương, đến khu vực Ấn Độ Dương”.

Việc mở rộng an ninh hàng hải và các cuộc tập trận quân sự sẽ nằm trong chương trình nghị sự giữa hai bên.

Mỹ mong muốn tăng cường hợp tác với Phi Luật Tân không chỉ trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, mà còn các khả năng có thể xảy ra với Đài Loan.

Cũng tại Hawaii, ông Austin sẽ tham gia cuộc gặp ba bên với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hôm 27/9 cho biết Nhật Bản và Úc “là hai đối tác có cùng chí hướng và có năng lực nhất của chúng tôi ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Đất Việt (28.09.2022)

 

 

Phi Luật Tân hơn 400 lần phản đối Trung cộng ở Biển Đông, Đại sứ Trung cộng nói muốn duy trì quan hệ tốt với Manila

Tàu Trung cộng neo đậu tại Đá Ba Đầu hôm 27/3/2021  AFP

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân hôm 27/9 cho biết từ năm 2020 đến nay, nước này đã chính thức có 405 lần phản đối các hành động lấn lướt của Trung cộng ở Biển Đông mà Phi Luật Tân gọi là Biển Tây Phlippines.

Trong số 405 lần phản đối chính thức này có cả các công hàm phản đối về ngoại giao trước sự có mặt thường xuyên của các tàu Trung cộng tại khu vực đảo Pag-asa hay còn gọi là Thị Tứ và Julian Felipe Reef hay còn gọi là Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa.

Quần đảo Trường Sa hiện là đối tượng tranh chấp giữa các nước bao gồm: Trung cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan.

Trong các năm gần đây, Trung cộng liên tục điều các tàu dân quân biển ra các khu vực đang tranh chấp làm khiến các nước láng giềng phải lên tiếng phản đối.

Trong khi đó, hôm 27/9, trong bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm 73 năm Quốc khánh Trung cộng qua ứng dụng Zoom, Đại sứ Trung cộng tại Phi Luật Tân là Hoàng Khê Liên nói rằng Trung cộng luôn tìm kiếm việc giải quyết những khác biệt trong vấn đề về chủ quyền trên biển với Manila. Ông Hoàng Khê Liên còn khẳng định Trung cộng luôn duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp với Phi Luật Tân.

Vào tuần trước, trong chuyến thăm đến Hoa Kỳ, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand R. Marcos Jr. nói “Trung cộng đòi chủ quyền đối với vùng lãnh thổ thuộc Phi Luật Tân” khi nói về khu vực Biển Đông.

Trung cộng hiện là nước đòi chủ quyền khoảng 90% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển đòi chủ quyền lịch sử với vùng nước rộng lớn. Tòa Trọng tài Quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường này nhưng Trung cộng không chấp nhận phán quyết này.

RFA (27.09.2022)

 

 

Biển Đông: Ngư dân Việt Nam tiếp tục bị bắn, các nước cần có thỏa thuận về vùng đánh cá chung

Một ngư dân Việt Nam bị thương nặng trong một vụ nổ súng. Vụ việc này cho thấy rõ tình thế bấp bênh của ngư dân trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp.

Vị trí xảy ra vụ nổ súng vào ngày 9/9/2022. Google Maps

Một ngư dân Việt Nam bị thương nặng trong một vụ nổ súng. Vụ việc này cho thấy rõ tình thế bấp bênh của ngư dân trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp.

Ông Võ Minh Quân ở Bình Châu, một làng chài lâu đời ở tỉnh Quảng Ngãi nói với báo chí Việt Nam rằng thuyền của ông đã bị tấn công vào đêm ngày 9/9/2022 bởi một nhóm người nước ngoài có vũ trang. Họ cũng cướp đi cá và trang thiết bị trên tàu.

Tàu của ông neo đậu cách phía Đông Nam của Đảo đá Tiên nữ (Pigeon Reef), một tiền đồn của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, khoảng 40 hải lý (74 km).  Sau khi bị bắn, người đàn ông 52 tuổi này được chuyển đến đảo Phan Vinh (Pearson Reef), một đảo đá lớn hơn mà Việt Nam chiếm đóng từ năm 1978. Tại đó, ông được sơ cứu rồi đưa vào đất liền.

Đó là vùng biển Việt Nam”-  ông Bùi Duy Tân, thuyền trưởng cho biết. “Đó là ngư trường truyền thống của chúng tôi và chúng tôi thường xuyên đánh bắt cá ở đây” – ông nói với báo Người Lao Động.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã mở cuộc điều tra về vụ nổ súng nhưng các thuyền viên của tàu cá cho biết sự việc xảy ra quá nhanh, trời tối nên họ không thể đoán biết được quốc tịch của những kẻ tấn công. Sự việc xảy ra không xa đảo Palawan của Phi Luật Tân cũng như bang Sabah của Mã Lai. Địa điểm xảy ra vụ việc cũng có thể dễ dàng tiếp cận từ một bãi đá do Trung cộng chiếm đóng ở Trường Sa.

Vào thời điểm này không thể nói những kẻ tấn công đến từ đâu” – ông Vũ Thanh Ca, một cựu cán bộ cao cấp của Chính phủ, người đã dành cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu về Biển Đông. “Họ thậm chí có thể là cướp biển.”

Viên đạn đã xuyên vào chân Quân và ông sẽ phải trải qua một số cuộc phẫu thuật và có thể sẽ phải giã từ nghề đánh cá.

Trong một vụ việc khác cách đây hai năm gần bang Kelantan của Mã Lai, một ngư dân Việt Nam đã chết sau khi bị lực lượng bảo vệ bờ biển Mã Lai bắn. Các thuyền viên khác trên tàu của ông đã bị Cơ quan Thực thi Hàng hải Mã Lai giam giữ với cáo buộc đánh bắt cá trái phép, nhập cảnh trái phép và cố ý giết người khi họ chống lại nỗ lực kiểm tra thuyền của lực lượng hữu trách Mã Lai.

Mã Lai bắt giữ hơn 400 ngư dân Việt Nam vào năm 2021. Vào tháng 6 năm nay, Mã Lai đã bắt giữ 42 ngư dân Việt Nam và trả tự do cho họ sau ba tháng.

Năm 2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam cáo buộc Hải quân Nam Dương rượt đuổi và bắn vào các tàu đánh cá của Việt Nam, khiến ba thuyền viên bị thương. Sau đó, một trong số họ đã chết vì vết thương do đạn bắn.

Riêng năm 2021, Nam Dương đã bắt giữ 42 tàu đánh cá Việt Nam, đánh chìm một số tàu và bắt giữ hơn 270 ngư dân Việt Nam.

Các tàu thuyền nước ngoài đã bị tiêu hủy tại một hòn đảo của Nam Dương sau khi bị cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của nước này. Ảnh: Reuters

Biển Đông đầy sóng gió

Theo một báo cáo được Đại học British Columbia ở Canada công bố đầu năm nay, nghề cá trong khu vực ở Biển Đông ước tính mang lại doanh thu 100 tỷ USD mỗi năm, hỗ trợ sinh kế của khoảng 3,7 triệu người.

Các nhà phân tích cho rằng việc đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu có thể góp phần gây căng thẳng nghiêm trọng và thậm chí là xung đột vũ trang trong khu vực.

John Quiggin, Giáo sư kinh tế học tại Đại học Queensland (Úc) cho biết: “Nếu các quốc gia trong khu vực thực sự quan tâm đến thủy sản, họ sẽ đàm phán một thỏa thuận hợp lý để quản lý chúng một cách bền vững”.

Ông Quiggin tin rằng các tranh chấp và tình trạng vô luật pháp gây áp lực to lớn lên nguồn cá và các cuộc xung đột chưa được giải quyết sẽ làm tăng nguy cơ đánh bắt quá mức và cạn kiệt.

Một số quốc gia giáp Biển Đông, chẳng hạn như Trung cộng và Việt Nam, cũng thúc đẩy đánh bắt cá như một biện pháp để củng cố tuyên bố chủ quyền của họ và điều này càng làm phức tạp thêm vấn đề.

Nếu nhìn vào các khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Mã Lai trên Biển Đông, quý vị sẽ thấy các tranh chấp về quyền đánh bắt liên quan trực tiếp đến các tranh chấp về tuyên bố lãnh thổ” – nhà nghiên cứu Hoàng Việt, một chuyên gia pháp lý Biển Đông được nhiều người biết đến nói.  

“Sẽ mất nhiều năm để giải quyết các tranh chấp này” – ông nhận định.

Ngư dân Việt Nam trên tàu chiến Nam Dương ngoài khơi biển Natuna ở Anambas, tỉnh Kepulauan Riau, ngày 5/12/2014. Ảnh: Reuters

Sáu bên bao gồm Brunei, Trung cộng, Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam và Đài Loan có tuyên bố chủ quyền đối với các phần của Biển Đông nhưng yêu sách của Trung cộng bao phủ vùng diện tích rộng lớn nhất, chiếm gần 90% diện tích toàn bộ Biển Đông.

Với 800.000 tàu, cho đến nay, Trung cộng là quốc gia có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới. Ở Biển Đông, Trung cộng bị cáo buộc điều hành một đội dân quân đánh cá có vũ trang để thực thi các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của họ, xua đuổi các đội tàu đánh của các nước khác.

Về phần mình, Trung cộng đã chỉ ra cái mà họ gọi là “các hoạt động quan trọng của tàu cá Việt Nam”.

Theo số liệu theo dõi của Tổ chức Sáng kiến Điều tra Biển Đông (SCSPI) của Trung cộng, có tổng cộng 8.140 tàu cá Việt Nam ở Biển Đông trong tháng 8/2022,  tăng đáng kể so với 6.622 trong tháng trước.

Các nhà phân tích cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường nỗ lực để ngăn chặn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp. Họ cũng gợi ý cần có sự hợp tác tốt hơn giữa các quốc gia ven Biển Đông để ngăn chặn các cuộc xung đột trong tương lai.

“Vì các tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế vẫn xảy ra nên các quốc gia láng giềng trong khu vực cần cố gắng đạt được một thỏa thuận về các vùng đánh cá chung cũng như nên tổ chức tuần tra chung để tránh hiểu lầm.” – ông Hoàng Việt nói.

RFA (27.09.2022)

 

 

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung cộng mở rộng căn cứ tàu ngầm gần Biển Đông

Hình ảnh về căn cứ hải quân Yulin ở cực nam đảo Hải Nam vào ngày 31/7. (Ảnh: Maxar Technologies).

Các hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung cộng đang mở rộng căn cứ hải quân Yulin (Ngọc Lâm) ở Hải Nam, gần Biển Đông.

Hai bến tàu mới dài khoảng 240 m đang được xây dựng tại căn cứ hải quân Ngọc Lâm, ở ngoài khơi vịnh Á Long thuộc tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung cộng, theo hình ảnh vệ tinh Sentinel-2A chụp hôm 19/9, South China Morning Post đưa tin.

Công trình bắt đầu vào tháng 3 với những hoạt động giống như cải tạo đất, theo hình ảnh vệ tinh lúc đó. Đến cuối tháng 7, hai bến tàu mới phần lớn đã hình thành. Các tàu ngầm tiếp tục sử dụng căn cứ Yulin trong quá trình xây dựng.

Ngọc Lâm là căn cứ chính của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng (PLA) và là nơi đóng quân của hạm đội tàu ngầm tiên tiến. Vị trí của nó không chỉ cho phép Hạm đội Nam Hải tiếp cận Biển Đông, mà còn là tuyến đường vận chuyển sầm uất kéo dài từ Trung Đông đến Đông Á.

Căn cứ này đã được mở rộng trong nhiều năm, bao gồm cả các công trình xây dựng một bến tàu cho hàng không mẫu hạm Type 002.

Châu Thần Minh, nhà nghiên cứu từ viện khoa học và công nghệ quân sự ở Bắc Kinh, cho biết vị trí của các bến tàu ngầm mới có thể thay thế vị trí ban đầu ở phía tây vịnh Yalong và gần thành phố Tam Á hơn.

Theo ông, địa điểm ban đầu có vị trí không thuận lợi vì nó nằm đối diện với các khu nghỉ dưỡng.

Ông Zhou cho biết căn cứ cũ sẽ được sử dụng để đào tạo các thủy thủ tàu ngầm, trong khi căn cứ mới sẽ được sử dụng để khai triển các tàu ngầm như tàu ngầm tấn công Type 093.

Cựu sĩ quan quân đội Tống Trung Bình cho biết việc Trung cộng mở rộng các căn cứ tàu ngầm hạt nhân là điều đương nhiên khi chiến lược quân sự của họ là phát triển khả năng hạt nhân.

Đại Kỷ Nguyên (24.09.2022)

 

 

Tổng thống Phi Luật Tân tìm thỏa hiệp với Trung cộng về thăm dò dầu khí Biển Đông

Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. phát biểu tại Manila, Phi Luật Tân, ngày 30/06/2022. © 路透社图片

Trả lời phỏng vấn đài Bloomberg TV hôm nay, 24/09/2022, tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. cho biết Manila muốn nối lại các cuộc đàm phán với Trung cộng để đạt một thỏa hiệp về thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Theo lời ông Marcos Jr., mặc dù Phi Luật Tân và Trung cộng chưa đồng ý với nhau về việc nên áp dụng luật của nước nào, Manila sẽ cố tìm ra phương cách để cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông với Trung cộng và với Hoa Kỳ. 

Vào tháng 6 năm nay, người tiền nhiệm của ông Marcos Jr. là Rodrigo Duterte đã ngừng các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về thăm dò dầu khí Biển Đông, vì theo lời ngoại trưởng Phi Luật Tân lúc đó, ông Teodoro Locsin, các cuộc thương lượng này đã “đi xa đến hết mức mà Hiến pháp cho phép”.

Tổng thống Marcos Jr hiện đang muốn đẩy mạnh thăm dò khí đốt trong vùng biển của Phi Luật Tân ở Biển Đông để có một nguồn cung cấp nhiên liệu tạm thời đủ cho nhu cầu sử dụng, trong thời gian phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo hãng tin Phi Luật Tân PNA, cũng hôm nay, 24/09/2022 (theo giờ Manila), trước các thành viên của Hiệp Hội Châu Á (Asia Society) ở New York, Hoa Kỳ, nơi mà ông đang đi thăm, tổng thống Phi Luật Tân đã kêu gọi giải quyết các tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Manila với các nước có liên quan thông qua thương lượng ngoại giao.

Trong bài phát biểu này, ông Marcos Jr. nhấn mạnh Phi Luật Tân sẽ vẫn là “một láng giềng tốt” với tất cả các nước và “nếu có bất đồng thì chúng tôi sẽ thương lượng cho đến khi đạt được một thỏa thuận”.

Theo cái nhìn của tổng thống Phi Luật Tân, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN phải đóng một vai trò “mạnh hơn” trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông. ASEAN và Trung cộng hiện đang cố kết thúc nhanh chóng các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC), một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý. 

Ông Marcos Jr. cũng cho rằng Hoa Kỳ đóng vai trò “quan trọng” trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và chính quyền của ông có thể trông cậy vào Mỹ, vì đây là đồng minh duy nhất đã ký hiệp ước quân sự với Phi Luật Tân.

RFI (24.09.2022)

Biển vẫn là của ta nhưng tàu của ta chỉ có thể… bám bờ

Tàu ngư dân Quảng Nam QNa 91441 cập cảng Kỳ Hà sau khi bị cướp hải sản đánh bắt. Hình minh họa.

Không chỉ có thế, suốt từ giữa thập niên 2010 đến nay, chẳng riêng ngư dân mà những ngân hàng từng cho ngư dân vay tiền thường xuyên phải vật lộn với nguy cơ mất cả chì lẫn chài vì hưởng ứng Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Một số chuyên gia về hàng hải – chiến lược quốc phòng tiếp tục lên tiếng cảnh báo về dã tâm thống trị phần đại dương ở khu vực châu Á của Trung cộng. Qua AP, Gregory Poling – người đứng đầu Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế – lập lại điều mà giới của ông đã lưu ý nhiều lần: Ngoài việc phát triển lực lượng hải quân, nâng số lượng chiến hạm lên mức dẫn đầu thế giới, tiếp tục đóng thêm hàng không mẫu hạm, khu trục hạm,… Trung cộng gia tăng sự hỗ trợ ngư nghiệp, biến ngư dân thành dân quân và dùng tàu đánh cá như một loại phương tiện, lực lượng thực thi các yêu sách về chủ quyền trên biển.

Poling cho biết, Trung cộng đang trả cho chủ các tàu đánh cá khoản tiền cao hơn thu nhập từ đánh bắt hải sản nếu họ chịu thả neo ở vùng biển quanh quần đảo Trường Sa 280 ngày/năm. Poling nhận định, chính quyền Trung cộng đang dùng các tàu đánh cá như phương tiện để “ăn mòn chủ quyền trên biển của các lân bang”. Đáng lưu ý là sau vài thập niên áp dụng phương thức vừa kể, Trung cộng đang nâng số lượng tàu đánh cá hoạt động theo chỉ đạo của chính quyền để “khẳng định chủ quyền” lên rất cao. Riêng khu vực quần đảo Trường Sa, “Hạm đội trụ cột Trường Sa” có từ 800 đến 1.000… tàu đánh cá và luôn có từ 300 đến 400 tàu đánh cá của “hạm đội” này túc trực trong khu vực.

Ngoài việc đóng mới – hạ thủy các chiến hạm, Trung cộng còn đẩy mạnh việc gia tăng số lượng tàu đánh cá. Nhờ vậy, ngay sau khi Trung cộng đưa những quân cảng được thiết lập tại các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa vào hoạt động, chỉ… “trong một đêm” tại đó đã có sự hiện diện của vài trăm tàu đánh cá. Những tàu đánh cá loại này có thể tràn đến bất kỳ khu vực nào ở biển Đông, vào bất kỳ lúc nào. Có một sự phối hợp hết sức nhịp nhàng trong hoạt động của hệ thống đảo nhân tạo và “Hạm đội trụ cột Trường Sa”. Tàu đánh cá Trung cộng tới lui, thả neo tại các vùng biển Trung cộng tuyên bố là “có chủ quyền”. Chuỗi đảo nhân tạo trở thành những nơi cung cấp nhiên liệu, thực phẩm…

Song song với việc sử dụng thường dân kiếm sống trong lĩnh vực ngư nghiệp, biến tàu đánh cá của họ trở thành công cụ xác lập chủ quyền, Trung cộng đang nuôi đội ngũ phục vụ trên 200 tàu đánh cá tự nguyện tham gia lực lượng “dân quân biển”. “Ngư dân” trong lực lượng “dân quân biển” được huấn luyện quân sự, được vũ trang và được đặt dưới sự kiểm soát, điều động của hệ thống công quyền. Bởi được huấn luyện kỹ, trang bị tốt, nhiệm vụ của “ngư dân” và các “tàu đánh cá” trong lực lượng “dân quân biển” phức tạp hơn: Quấy rối hoạt động khai thác dầu khí và các chiếm hạm ngoại quốc vốn luôn bị buộc phải kiềm chế với ngư dân.

Chẳng riêng Việt Nam, Phi Luật Tân và Mã Lai đều đã cũng như đang phải đối diện với ngư dân, tàu đánh cá Trung cộng đang mang vác chủ quyền ở biển Đông về cho Trung cộng. Ông Jay Batongbacal – người đứng đầu Viện Hàng hải và Luật biển của Đại học Phi Luật Tân, xác nhận: Tàu đánh cá của Trung cộng ngăn cản tàu đánh cá của Phi Luật Tân đánh bắt hải sản và làm ngư dân Philippnes nản lòng đến mức từ bỏ ngư trường quen thuộc để chuyển sang khu vực khác. Hải quân Phi Luật Tân khó có thể can thiệp vì đó là… tàu đánh cá của… thường dân, nếu thiếu thận trọng có thể bị Trung cộng – vốn rất thạo khai thác “vùng xám” – vu cáo là “sử dụng vũ lực với thường dân và khiêu khích”.

Trong cuộc trò chuyện với AP, ông Batongbacal nhắc lại một sự kiện xảy ra vào năm 2019 từng làm dư luận rúng động để minh họa: Tàu đánh cá vỏ thép của Trung cộng cố tình đâm chìm một tàu đánh cá bằng gỗ của Phi Luật Tân ở phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa rồi bỏ đi. Những ngư dân Phi Luật Tân lâm nạn, thoát chết nhờ tàu đánh cá của Việt Nam vớt. Khi Phi Luật Tân phản đối, đòi Trung cộng điều tra, truy cứu trách nhiệm của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn trên con tàu đánh cá đã cố chìm đâm chìm tàu đánh cá của Phi Luật Tân rồi bỏ mặc các nạn nhân giữa biển, Trung cộng khăng khăng xem biến cố đó chỉ là “vô tình va chạm” rồi thôi (1).

***

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam có biết thực tế biển Đông và có hiểu chuyện không? Câu trả lời là có! Vì có nên mới phát động những kế hoạch, những chương trình giúp ngư dân “bám biển” và quảng bá là vừa để hỗ trợ – phát triển ngư nghiệp, kinh tế, vừa để bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên trên thực tế, khi thực thi những kế hoạch, những chương trình như thế, ngư dân lại bị biến thành nạn nhân bởi trong mắt các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương, “bám biển” chỉ thuần túy là cơ hội kiếm tiền, thân phận ngư dân, kinh tế – ngư nghiệp, chủ quyền quốc gia tại biển Đông chỉ được dùng như… “bình phong”.

Năm 1997, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam công bố chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ”. Đến tháng 4 năm 2006, sau khi ngốn hết 1.400 tỉ, kết quả thanh tra cho thấy, 95% của khoản 1.400 tỉ này bị tham nhũng. Các tỉnh – thành phố, quận – huyện, phường – xã của 29 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình này đã thi nhau dựng ra những hợp tác xã ma, công ty ma để rút bằng hết nguồn vốn vay có tính ưu đãi cho ngư dân để chia chác với nhau (2)… Cuối thập niên 2000, chính quyền Việt Nam lại đề ra một chương trình hỗ trợ khác dành cho ngư dân. Đó là “lắp thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá”. Chương trình này đã thực hiện thí điểm với 2.000 tàu đánh cá và sau đó, hàng loạt thuyền trưởng của các tàu đánh cá được chọn “thí điểm” đã yêu cầu được trả lại thiết bị vì chất lượng tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc (3)…

Tới năm 2014, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP, khẳng định sẽ đầu tư – phát triển hoạt động thủy sản, đặc biệt là sẽ dành ra một “gói” trị giá 14.000 tỉ hỗ trợ ngư dân bám biển nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. 14.000 tỉ vừa kể chủ yếu được dùng vào việc chuyển đổi các tàu đánh cá bằng gỗ thành tàu có vỏ thép, hiện đại… Song sau đó, gần như các tàu đánh cá vỏ thép đều không thể ra khơi vì sau một hay vài chuyến hải hành, máy móc, thiết bị cùng hư, sửa chữa dù rất tốn kém nhưng không hiệu quả. Chẳng riêng máy móc, thiết bị không an toàn mà vỏ thép của các tàu đánh cá này cũng bị xem là đáng ngờ về chất lượng.

Ngoài chuyện rỉ sét nhanh và nhiều, nhiều tàu như BĐ 99939 của ông Nguyễn Thư, ngụ ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, bị phá nước, chìm giữa biển lúc áp thấp nhiệt đới đang đổ đến ngay trong chuyến hải hành đầu tiên (2). Nói cách khác, Nghị định 67/2014/NĐ-CP chỉ có thể tạo ra một tác dụng, đó là tiếp tục dìm các chủ tàu đánh cá vỏ thép chìm sâu trong những khoản nợ hàng chục tỉ đồng/tàu! đang dìm các chủ tàu chìm sâu trong nợ. Những ngân hàng đã cho họ vay tiền đối diện với nguy cơ mất cả chì lẫn chài. Kế hoạch hỗ trợ ngư dân bám biển nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông coi như phá sản…

Không chỉ có thế, suốt từ giữa thập niên 2010 đến nay, chẳng riêng ngư dân mà những ngân hàng từng cho ngư dân vay tiền thường xuyên phải vật lộn với nguy cơ mất cả chì lẫn chài vì hưởng ứng Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Kế hoạch hỗ trợ ngư dân bám biển nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông không chỉ phá sản mà còn làm cả ngư dân lẫn hệ thống ngân hàng điêu đứng, đến bây giờ, hậu quả vẫn là một đống bùng nhùng, chưa biết bao giờ mới khắc phục xong (5). Cho dù diễn biến thực tế trên biển Đông càng ngày càng đáng ngại nhưng ngư dân bỏ nghề, bỏ tàu vì quá nhiều rủi ro, bất trắc càng lúc càng nhiều.

Gần đây, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN PTNT) loan báo, do đủ loại khó khăn, trong đó có cả yếu tố giá xăng dầu tăng vọt, hiện có khoảng 40% đến 55% tàu đánh cá của Việt Nam ngừng ra biển (6). Có nghĩa là đã và đang có từ 36.686 đến 50.443 tàu đánh cá trong tổng số 91.716 tàu đánh cá của Việt Nam… bám bờ bỏ biển. Một số viên chức hữu trách của Việt Nam lại vừa đề cập đến việc “hỗ trợ ngư dân” nhưng với “tâm, tầm” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền như đã biết, chẳng ai dám khẳng định những kế hoạch, chương trình… “hỗ trợ ngư dân” khả thi, thực chất. Ví dụ đến giờ, chuyện hỗ trợ chi phí xăng dầu cho cho ngư dân… “vẫn nằm trên giấy” (7)!

Giống như nhiều tiền nhiệm, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng NN PTNT – vừa lập ngôn, đại loại: Đừng chỉ nhìn ngư nghiệp qua những con số tăng trưởng, sản lượng khai thác, kim ngạch xuất khẩu, mà hãy ghi nhận từng đóng góp của những ngư dân chung tay tạo ra những con số đó. Cũng như đừng nhìn ngư trường chỉ là nơi khai thác tài nguyên biển, mà hãy cùng nhắc nhớ rằng đấy là tổ quốc thiêng liêng mà mỗi người thể hiện tinh thần yêu nước của mình… Tiếc rằng dẫu rất rổn rảng song mọi thứ vẫn thế, vẫn… không có gì! Trong bối cảnh như hiện nay, chẳng lẽ chỉ cần “tặng cờ cho ngư dân” là duy trì được ngư nghiệp, phát triển được kinh tế và khẳng định được chủ quyền?

Trân Văn (VOA, 29.09.2022)

 

Chú thích

(1) https://www.armytimes.com/flashpoints/china/2022/09/25/china-using-civilian-ships-to-enhance-navy-capability-reach/

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VNStopTroubleHighSeaFishing_TVan-20060212.html

(3) https://thanhnien.vn/ngu-dan-doi-tra-thiet-bi-ve-tinh-lap-tren-tau-ca-post14887.html

(4) https://www.sggp.org.vn/binh-dinh-them-mot-tau-vo-thep-bi-hu-hong-453200.html

(5) https://vtv.vn/kinh-te/chu-tau-ca-vo-thep-67-khong-the-tra-no-vay-ngan-hang-20220708204603877.htm

(6) https://vietnamnet.vn/qua-nua-tau-ca-nam-bo-dung-ngan-sach-ho-tro-de-doan-thuyen-lai-ra-khoi-2044758.html

(7) https://tuoitre.vn/tau-ca-nam-bo-cho-ho-tro-2022080109462337.htm