“dòng nhạc bolero là một thực tế và thực thể, trở thành một thứ văn hóa phi vật thể đẹp khiến cho con người yêu nông thôn, yêu làng quê thanh bình êm ả của mình.”
Lê Tấn Thời
“Qua bến nước xưa lá hoa về chiều. Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa” và tiếp theo là “Những đồi hoa sim ơi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt”... Buổi tiệc rượu đơn sơ mừng hội ngộ sau bao năm xa cách thêm sống động với những giọng ca cây nhà lá vườn trong tiếng guitar bập bùng vào một buổi chiều tà nơi sân vườn.
Ca khúc Nắng chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh phổ thơ Hữu Loan với điệu bolero đưa anh về ký ức của những ngày dường như chưa xa lắm…
Cái chợ nơi xóm nhỏ ven sông ngày xưa ấy chợt lung linh miền thương nhớ bởi những đứa trẻ nhiều tuổi như anh bây giờ. Nghĩ cũng ngộ! Lưa thưa vài gian hàng tạp hóa, lèo tèo mấy gánh rau cải, thưa thớt người mua thế cũng gọi là chợ! Mẹ anh, mấy chị và mấy dì trong xóm hầu như đi chợ này mỗi ngày vì hàng hóa rẻ hơn nhiều so với chợ huyện. Ít khi nào người ta trả giá, nói bao nhiêu đưa bấy nhiêu không kì kèo thêm bớt. Cũng có lúc, có thể tìm thấy những thứ mà hiếm khi bắt gặp ở chợ huyện.
Này nhé, trên những chiếc xuồng ba lá những bó rau đồng tươi xanh mới hái hay con cá lóc đồng mập ú vừa giăng câu được. Chợ họp từ sáng sớm đến nửa buổi chiều thì tan và từ đấy cho đến tối là dành cho thời gian và không gian giải trí của bà con xóm nhỏ. Bọn trẻ con bày đủ thứ trò vui: đánh đáo, bắn bi, nhảy lò cò… Người lớn ngồi quây quần bên nhau khề khà ly rượu hay chén chè, nghe và hát bolero. Nhà bác Ba lúc ấy có một máy hát dĩa đã cũ nhưng vẫn còn sử dụng được. Lạ thay, chỉ có một vài bài hát trong những chiếc dĩa đơn nhưng nghe mãi không chán!
Thẩm thấu giai điệu và ca từ dần dần nhiều người trong số trở thành ca sĩ nghiệp dư lúc nào không hay! Chỉ một cây guitar thùng với giai điệu chân phương và những giọng ca chân quê nhưng làm say đắm biết bao nhiêu người, trong đó có bọn trẻ nhỏ như anh: Chú Hai với đôi đũa gõ vào chén làm nhịp phách và phiêu theo Giọng ca dĩ vãng của nhạc sĩ Bảo Thu: “Nhưng em nuôi mộng ước về tương lai, hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi… “ – giọng của chú như trách hờn nhưng thật da diết. “… Mây giăng giăng lối cho chiều nay mưa. Cây đa bến cũ, con đò năm xưa sông nước lững lờ. Ca khúc mong chờ xin ghép vào thơ” – giọng ca cô Út thật buồn và day dứt như trải lòng mình qua ca khúc Cánh buồm chuyển bến của nhạc sĩ Hoài Linh.
Những năm tháng sống xa quê, vào những đêm mưa, ngồi trong căn gác trọ, những hình ảnh thân thuộc ngày xưa bỗng đâu đó chợt về làm lòng anh nao nao và thế là ôm cây guitar để cho cảm xúc tuôn trào: “Ngoài hiên mưa rơi, mưa lạnh xuyên qua áo ai…” – những ca từ trong Mưa nửa đêm của Trúc Phương thật sâu lắng man mác một nỗi buồn mang màu sắc triết lý của một phận người cô đơn và nhớ đến những kỷ niệm xưa. Quả thật, người miền Tây ai cũng có một ca khúc bolero cho riêng mình!
Anh có một người bạn, anh ấy mê bolero và có cách thưởng thức âm nhạc rất độc đáo của riêng mình: Nghe theo tâm trạng và cần một khoảng không gian riêng để cảm nhận. Anh ấy thường chọn một nơi thật yên tĩnh, thả hồn theo từng câu hát của để quên đi bao lo toan của cuộc sống đời thường. Đặc biệt hơn là những nhận xét về bolero của bạn làm anh rất tâm đắc: “Đừng phân biệt nhạc cao, nhạc thấp, nhạc sang hay sến. Miễn sao nói lên được nỗi lòng của người nhạc sĩ và mình có đồng cảm là được”. Có một lần, sau khi đàn và hát cho anh nghe bài Những đóm mắt hỏa châu của nhạc sĩ Hàn Châu với những ca từ liên tưởng thật hay: “Có những đêm dài anh ngồi nhìn hỏa châu rơi. Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay quanh lưng trời…”. Bạn tâm sự: “Lịch sử đã để lại một dòng bolero như thế. Dẫu muốn hay không cũng phải ghi nhận là một thực tế của âm nhạc. Ta không thể làm gì để thay đổi quá khứ nhưng có thể sửa chữa nó hôm nay và ngày mai”.
Với cảm nhận của riêng mình, anh nghĩ rằng: bolero gắn liền với người dân miền Tây bởi những đề tài phong phú như tình yêu đôi lứa, tình bạn, tình yêu quê hương… Ca từ trong sáng, mạch lạc và minh thị trong phần nội dung nên dễ đem đến sự đồng cảm và thấu hiểu nơi thính giả, đặc biệt là giữa chốn trà dư tửu hậu của tình bằng hữu, xóm giềng.
Đó là miền đất thanh bình, tươi đẹp với những nét chấm phá đơn sơ, tạo ra một bức tranh thủy mặc về quê nhà yêu dấu:
Tôi thương miền quê nhớ hoàng hôn trên đất xưa
Nghe tiếng tiêu mơ màng chiều hè…
(Nhạt nắng – Xuân Lôi và Y Vân )
Chất thơ trong giai điệu đưa con người vào một giấc mơ đẹp của đời sống ấm no, của tình yêu đôi lứa ở nông thôn rất chung thủy, gần gũi và hiện thực:
Gió lay ao bèo,
Anh thương em không quản giàu nghèo,
Miễn là tình đặng sơn keo,
Núi cao anh cũng trèo,
Sông sâu anh cũng lội,
Vạn đèo anh cũng qua…
(Duyên quê – Hoàng Thi Thơ )
Những ca từ rất giản dị nhưng trang nhã không nói chuyện cao xa, chỉ nói những chuyện bình thường gần gũi. Đó là chuyện gặp nhau, thương nhau, nhớ nhung, đợi chờ, xa nhau, mất nhau:
Nửa đêm ngoài phố vắng
Giữa đường phố hoa đèn,
Có người mãi đi tìm
Một người không hẹn đến
Mà tiếng bước buồn thêm.
(Nửa đêm ngoài phố – Trúc Phương )
Bolero không chỉ là giải trí mà còn mang lại miếng cơm, manh áo cho những người nghèo, gặp cảnh không may phải tha phương cầu thực và mang theo cây đàn để làm kế sinh nhai. Giờ đây, mỗi lần về quê ngoại, ngồi bên thềm nhà xưa, anh chợt nhớ đến anh bán hàng rong với câu hát giản dị mà tha thiết: “... Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói, trút tâm tư vào đêm vắng canh dài…”. Nghe đơn giản như tả thực vậy thôi mà thấy tê tái như nói hộ cho tấm lòng của bao người.
Trên những chiếc ghe, thuyền ngược xuôi dòng nước, giọng ca ngẫu hứng và lãng tử của những khách thương hồ mang lại một nét chấm phá độc đáo cho vùng đất phương Nam. Nơi góc ruộng, bờ đê với những người nông dân chất phát, bolero được ngân nga để xua đi cái mệt nhọc của những buổi làm đồng. Trong những năm gần đây, bolero trở lại với những nhạc phẩm được làm mới với đa âm của nhiều nhạc cụ và những giọng ca đầy nâng niu trong những cuộc thi hát trên sóng truyền hình. Công nghệ truyền thông đã đánh thức được tiềm năng rung cảm của giới trẻ và khơi gợi lại trong huyết quản của những người xưa dòng nhạc như hơi thở của những con người miền Tây.
Thời gian có thể làm tàn hao những gì thuộc về vật chất, duy chỉ có những giá trị tinh thần là vĩnh viễn. Không chỉ là một loại hình ca khúc giải trí, dòng nhạc bolero là một thực tế và thực thể, trở thành một thứ văn hóa phi vật thể đẹp khiến cho con người yêu nông thôn, yêu làng quê thanh bình êm ả của mình. Yêu lắm bolero và những con người miền Tây quê tôi!
Lê Tấn Thời
An Giang
Nguồn: Bolero và Người Miền Tây