„Lần đầu tiên trong lịch sử Việt-Nam, một chế độ chính trị chính thức vất bỏ truyền thống văn hóa tôn vinh con người siêu việt, tự do và nhân tính linh ư vạn vật qua hình ảnh của những người con của Âu Cơ và Lạc Long Quân, để nhắm mắt xây dựng một xã hội chỉ biết kinh tế và đấu tranh dành của cải, xã hội của con người duy vật…“
Ts Nguyễn Đăng Trúc
(Bài phát biểu ngày 08 tháng 10 năm 2022 tại Paris trong dịp ra mắt „Tuyển tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại“)
Nhân dịp ngày ra mắt tuyển tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris thực hiện, ban tổ chức đề nghị tôi phát biểu một đề tài về văn hóa. Tôi xin quí Anh Chị cùng tôi, chúng ta thử suy nghĩ một cách ngắn gọn về ý nghĩa văn hóa nói chung, và từ đó về bản sắc văn hóa Việt Nam. Chúng ta thường nói đến « văn hóa dân tộc». Nhưng câu hỏi đầu tiên cần được nêu lên là : văn hóa dân tộc VN chúng ta có phải là một thực thể thuần khiết, lý tưởng, bất biến, có từ muôn đời, ở bên ngoài thời gian và không gian hay không ?Theo thiển ý của tôi, « văn hóa nói chung » và « văn hóa dân tộc chúng ta» đều có một cấu trúc gồm hai phần gắn liền với nhau.
- Trước hết và trên hết, văn hóa phải được xây dựng trên nền tảng căn nguyên của nhân tính bất biến, siêu nhiên hoặc « linh ư vạn vật », vốn không do ý muốn, sự hiểu biết hay bàn tay con người làm ra qua lịch sử. Nền tảng đó là hồn sống, là cương thường (như Vũ Quỳnh đã nhắc đến trong lời tựa cuốn Lĩnh Nam Chích Quái) cho sinh hoạt của bất cứ cộng đồng nào của nhân loại, trong đó có cộng đồng dân tộc VN. Dựa trên sự xác tín về cương thường bất biến nầy, bất cứ ở đâu và bất cứ thời đại nào, mỗi một nền văn hóa, trong đó có «văn hóa dân tộc VN», không những có được chuẩn mực chung để có thể biện minh và đánh giá văn hóa của mình, mà còn có căn cơ để nhìn nhận, tiếp thu, trao đổi, hội nhập giá trị của các nền văn hóa khác.
- Mặt khác, bất kỳ một nền văn hóa nào, trong đó có «văn hóa dân tộc VN», đều được khai sinh và được triển nở, trước hết là qua lịch sử của cộng đồng con người, với những tài năng, sáng kiến và công trình tập thể hay cá biệt, tiếp đến là qua những dòng trao đổi, hội nhập sinh động và liên tục với các nền văn hóa quanh mình.
Như vậy, nói theo ngôn ngữ kinh điển, chính hai yếu bất khả phân ly – phần thể (nền tảng nhân bất biến tính chung) và phần dụng (sinh hoạt cộng đồng xuyên qua lịch sử) – làm nên căn tính của một nền văn hóa.
- Cũng cần lưu ý thêm rằng lịch sử luôn sinh động, đang và sẽ diễn tiến. Do đó khó mà nói rằng một vài tập tục hay hình thức biểu lộ nào đó trong một thời kỳ quá khứ nhất định lại là khuôn vàng thước ngọc cho văn hóa dân tộc. Trong « văn hóa dân tộc VN » có thể có những sinh hoạt thời trống đồng, thời cha ông mang khăn đóng áo dài…, nhưng những hình thức biểu lộ văn hóa đó không thiết định được bản sắc và toàn bộ văn hóa dân tộc VN.
Để dẫn chứng việc trình bày sơ phác về ý nghĩa và cấu trúc văn hóa mà chúng ta vừa đề cập, tôi xin nêu lên ba đoạn văn của các hiền nhân Việt Nam đã từng đề cập đến văn hóa, những hiền nhân mà cộng đồng người Việt chúng ta xem là đáng tin cậy trong lãnh vực nầy. Đó là :
– Truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh (thế kỷ 15)
– Truyện Kiều của Nguyễn Du (thế kỷ 19)
– Phàm lệ cuốn Khổng Học Đăng của Phan Bội Châu (thế kỷ 20).
1- Truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh (phát hành năm 1492).
Truyện được chia làm hai phần : phần thể và phần dụng.
Phần thể được diễn tả ở phần đầu truyện, xuyên qua những hình ảnh huyền thoại, gợi lên những nội dung siêu nhiên, vượt thời gian, không gian, ghi sâu trong lòng người, làm nền cho nhân tính hay còn gọi là hồn của văn hóa. Vũ Quỳnh gọi tên phần thể nầy là CƯƠNG THƯỜNG. Trong lời tựa, tác giả viết :
Than-ôi! Lĩnh-Nam có nhiều kỳ-trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ-ràng ở lòng người, bia truyền ở miệng người, ông già, con trẻ thảy đều thông-suốt, đem lòng ái-mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương-thường, quan ở phong-tục, há có phải ít bổ-ích đâu?[1]
Phần thứ hai là phần dụng với những tên gọi có nét lịch sử và địa lý nhất định, những phong tục tập quán cá biệt của cộng đồng dân tộc.
Truyện nầy còn nêu lên rằng sự nối kết bất phân ly và sinh động giữa thể và dụng, giữa trời và đất nơi nhân sinh, đó mới chính là sinh hoạt văn hóa :
Bây giờ phải ly-biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy-phủ phân-trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai-trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.[2]
Qua bản văn nầy, bản văn mà tôi đánh giá như là một Sách Sáng Thế của văn hóa VN, chúng ta chứng kiến trước hết trực giác của tổ tiên về nền tảng nhân tính, tiếp đó là tài năng sáng tác độc đáo về mặt văn chương với những cảm xúc tâm lý, những hình ảnh liên hệ đến khung cảnh địa lý, sinh hoạt kinh tế xã hội người Việt chúng ta.
Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng đọc được nơi bản văn vô số những hình ảnh, điển tích của hai nền văn hóa lớn trong vùng, văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa.
Như thế, tác giả Vũ Quỳnh mặc nhiên cho rằng việc « hội nhập » nầy không bác bỏ bất cứ điều gì liên quan đến bản sắc « văn hóa dân tộc VN » nơi bản văn Họ Hồng Bàng cả. Trái lại « hội nhập văn hóa » phản ảnh nét nổi bật của văn hóa Việt Nam, đó là tinh thần vô chấp và khai phóng.
Thực vậy, ngay trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái nầy, truyện Bạch Trĩ của Vũ Quỳnh ghi lại cuộc đối thoại có tính cách tượng trưng giữa Chu Công (là vị thầy của Khổng Tử) với sứ giả nước ta, để biện minh cho tinh thần vô chấp và khai phóng mà chúng ta vừa nêu lên :
Chu-Công hỏi :
– Vì sao mà đến đây ?
Sứ-giả thưa :
– Trời không gió lớn mưa dầm, biển không nổi sóng nay đã ba năm, ngỡ là Trung-quốc có thánh-nhân nên mới sang đây.[3]
Thánh nhân nêu lên trong trích đoạn của truyện Bạch Trĩ là người chu toàn nghĩa làm người, một con người linh ư vạn vật vượt lên trên giới hạn của chủng tộc hay lịch sử. Gặp thánh nhân ở phương bắc hay phương nam, ở phương đông hay phương tây, gặp thánh nhân thời xưa hay thời bây giờ để học hỏi, hội nhập và thực thi các giá trị cao cả của đạo làm người, đó không phải là nhìn nhận niềm tin vào nền tảng cao siêu và bất biến của nhân tính nơi bất cứ ai là người hay sao ? Đó không phải là xác tín mối tương giao nhân loại và tinh thần liên đới, đồng trách nhiệm cùng nhau hoàn thành nhân tính chung hay sao ? Đó không phải là thực thi đạo lý căn nguyên « tứ hải giai huynh đệ », trăm con trên trái đất nầy cùng sinh ra từ một bào thai chung hay sao ?
2- Bản văn Truyện Kiều của Nguyễn Du
Qua thời gian, truyện Kiều đã được con dân Việt Nam tiếp nhận như là một gia sản văn hóa dân tộc.
Chúng ta tự hỏi : phải chăng chỉ vì bản văn ấy phản ảnh tài làm thơ mô tả sâu sắc tình cảm nam nữ lứa đôi, hoặc tài viết truyện ghi lại được nhưng sinh hoạt kinh tế, xã hội của cộng đồng người Việt vào đầu thế kỷ 19, mà truyện Kiều là gia sản văn hóa của chúng ta ? Hoặc ngược lại, phải chăng vì truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ là một phóng tác của một truyện Tàu qua tiếng Việt, mà nay ta cần xét lại giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của bản văn ấy? Cách nầy hay cách khác, không thiếu những nhà phê bình văn học đã đánh giá truyện Kiều của Nguyễn Du xuyên qua những chuẩn mực đại loại như thế.
Nhưng bên trên và bên ngoài những khen chê của các trào lưu văn học, đặc biệt trong thế kỷ 20 và những năm tháng gần đây, lời thơ của truyện Kiều luôn là nguồn cảm hứng của bất cứ tầng lớp nào trong cộng đồng người Việt, qua lời ru con, qua châm ngôn hướng dẫn cuộc sống thường ngày, qua dấu tích của cương thường giúp chúng ta lần mò tìm về ánh sáng của minh triết…
Sâu xa hơn, truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã dấy lên nơi tâm thức người Việt qua nhiều thế hệ một nguồn cảm hứng thi ca liên quan đến ý nghĩa của nhân tính. Thật vậy, người Việt chúng ta đã mặc nhiên chân nhận nhân vật Kiều của Nguyễn Du cũng như nhân vật Âu Cơ của Vũ Quỳnh là những hình ảnh thi ca làm nguyên tượng cho văn hóa. Chúng ta chân nhận như thế, vì chúng ta trực giác được rằng Kiều và Âu Cơ là hình ảnh của Đại Ký Ức về nhân tính ghi khắc trong thâm tâm của mỗi một người chúng ta, đã chuyển đạt được ý nghĩa cao cả của nhân sinh, của cõi người ta, nơi cuộc chiến làm người qua cuộc chiến của giữa Đế Lai và Lạc Long Quân, hoặc cuộc chiến giữa Tài và Mệnh, giữa Ác và Thiện.
Cũng chính vì chuyển đạt được trực giác về ý nghĩa nhân tính phổ quát, bất biến, và đạo lý làm người của mọi người trong mọi thời đại, mà thi hào Nguyễn Du đã từng được các dân tộc khác trên thế giới chân nhận là người hiền, là nhà văn hóa của toàn nhân loại.
3- Phàm lệ giới thiệu cuốn Khổng Học Đăng (năm 1929) của Sào Nam Phan Bội Châu.
Để dẫn nhập vào việc nhận thức về ý nghĩa văn hóa, cụ Phan viết rằng:
Cái danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân đai đâu ? Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hốt gạt mề đay kim-khánh đâu.
Hễ ai đọc bản sách nầy, trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng : Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (Platon), ta là Khang Đức (Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền ; ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi. Có chí khí ấy thời đọc quyển sách nầy mới thích.
Nếu ai chưa đọc sách nầy mà trước đã có một ý kiến sẵn : định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay thời xin chớ đọc. (… )
Mục đích người làm bản sách nầy là cốt phù trì nhân đạo ; nếu ai không để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc“.[4]
Qua lời dẫn nhập vào ý nghĩa văn hóa trên đây, cũng như Vũ Quỳnh và Nguyễn Du, Phan Bội Châu xác quyết mạnh mẽ rằng nền tảng bất biến của văn hóa là nhân đạo, là cương thường chung cho mọi người, mọi nơi mọi lúc. Khi mặc nhiên cho rằng thánh hiền là tinh hoa của văn hóa và đồng thời lại xác quyết rằng thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền, hẳn nhiên Phan tiên sinh muốn nhắc nhở thế nầy: những cái học cũ hay những cái học mới, những con người hôm qua, hôm nay hay ngày mai, tất cả mọi người trong mọi sinh hoạt không được lãng quên và vứt bỏ nhân đạo là hồn của văn hóa.
4- Văn hóa và bước ngoặt đau thươg của lịch sử
Nhưng hồn hay cương thường của truyền thống văn hóa dân tộc được biểu thị qua hình ảnh của thánh nhân, thánh hiền, đạo làm người đã hụt hơi kể từ những đổi thay của xã hội Việt Nam vào cuối tiền bán thế kỷ 20. Những cuộc tranh cãi về học cũ – học mới như Phan-Bội-Châu đã nói đến, những nghiên cứu rất có giá trị về cổ học và nhân chủng học của Trường Viễn Đông Bác Cổ, những trào lưu canh tân xã hội v.v., tất cả những sự kiện đó vốn chỉ là những sinh hoạt bên ngoài của văn hóa, nhưng trong một bước ngoặt đau thương của lịch sử, mỗi một sinh hoạt cá biệt bên ngoài ấy đã bị đồng hóa, tuyệt đối hóa thành nền tảng chung cho toàn bộ văn hóa. Từ đó, TÍNH hay hồn của văn hóa bổng nhiên bị lãng quên, hoặc tệ hại hơn nữa là bị lên án và bị vất bỏ. Trước hiện tượng đứt đoạn của truyền thống văn hóa dân tộc, Phan-Bội-Châu đã từng mạnh mẽ lên tiếng cảnh giác như ta đọc thấy trong mấy hàng trích từ Phàm Lệ cuốn Khổng Học Đăng. Học giả Lê-Văn-Siêu trong cuốn Việt Nam Văn Minh Sử Cương còn nói rõ hơn : chỉ lưu ý tới phần xác của nó lắm khi khô khan và trơ trẽn.[5]
Tiên phong và tiêu biểu cho cuộc phiêu lưu lịch sử nầy là sự xuất hiện cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào-Duy-Anh. Sách được xuất bản năm 1938, chỉ sau cuốn Khổng Học Đăng của Phan-Bội-Châu chưa đến mười năm, nhưng định nghĩa văn hóa của đôi đường hoàn toàn cách biệt.
Ngay chương đầu, tác giả đi ngay vào định nghĩa thế nào là văn hóa:
Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng : Văn hóa tức là sinh hoạt. (…)
Vì lẽ gì văn hóa của các dân tộc khác nhau như thế ? Vì rằng các sinh hoạt của các dân tộc không giống nhau. Chính vì những điều kiện tự nhiên về địa lý khiến mỗi dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở kinh tế khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành khác nhau vậy. Bởi thế muốn nghiên cứu văn hóa của một dân tộc, trước hết phải xét xem dân tộc ấy sinh trưởng ở trong những điều kiện địa lý thế nào.[6]
Trước khi minh nhiên định nghĩa văn hóa là gì, Đào-Duy-Anh đã lưu ý việc cần phải phân biệt giữa một bên là học thuật tư tưởng, vốn chỉ một hình thái sinh hoạt văn hóa, và bên kia là nội dung văn hóa phổ quát và đúng nghĩa. Thật ra, chỉ qua việc lưu ý lạ thường nầy, dường như Đào-Duy-Anh đã xa lạ với truyền thống vốn chân nhận thánh nhân, thánh hiền là nguyên tượng cho văn hóa của cộng đồng người Việt mà Vũ Quỳnh, Nguyễn Du, Phan Bội Châu trước đó phản ảnh. Chúng ta tự hỏi :
– Phải chăng người con của truyền thống văn hóa dân tộc Vũ Quỳnh đã muốn đồng hóa văn hóa với học thuật ? Không phải hiền nhân ấy đã từng định nghĩa văn hiến là cương thường phát xuất từ tâm con người làm giềng mối cho bất cứ sinh hoạt nào của cuộc sống hay sao ?
– Không phải thánh nhân, thánh hiền nơi cảm nhận của mỗi người Việt Nam là những biểu tượng, những tinh hoa của văn hóa hay sao ? Thánh nhân, thánh hiền, những từ ngữ đó phải chăng nhằm nói đến người có nhiều kiến thức, người lập thuyết tài ba, người biện luận giỏi, hay chúng chỉ gợi lên hình ảnh người tuân thủ đạo làm người trong cuộc sống của mình ?
Tiếp đến, khi giải minh đâu là nền, là thể của văn hóa, và do đâu có sự khác biệt của các nền văn hóa, thì rõ ràng quan điểm của Đào-Duy-Anh đã tự tách ra khỏi truyền thống văn hóa dân tộc và xa lạ với tâm thức sâu kín của người Việt chúng ta. Mẫu người văn hóa của Đào-Duy-Anh không còn là thánh nhân, hiền nhân, người tuân giữ Đạo Làm Người, không còn là nhân đạo qua hình ảnh mối tương giao linh ư vạn vật mà mối tình Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân gợi lên và qua mối tương giao huynh đệ “trăm con cùng chung một bào thai”. Mẫu người văn hóa của Đào Duy Anh không còn là người “trọng nghĩa khinh tài”, cũng không còn là người chiến sĩ của cuộc chiến giữa Tài và Mệnh, giữa Thiện và Ác, nhưng là con người kinh tế đấu tranh với thiên nhiên để kiếm ăn và đấu tranh giai cấp, tranh dành của cải với đồng loại để sống còn. Với thước đo văn hóa dựa trên việc chinh phục và khai thác thiên nhiên như thế, Đào-Duy-Anh đã đánh giá văn hóa của các dân tộc Âu Mỹ thì cao, mà văn hóa của các dân tộc mọi rợ Phi châu, Úc châu cùng các giống người Mường, Mán Mọi ở nước ta thì thấp.[7]
Xuyên qua những dấu tích ấy của lịch sử, chúng ta có thể nhận định rằng : dước ánh sáng của truyền thống văn hóa mà các bậc hiền nhân của dân tộc chúng ta – trong đó có Vũ Quỳnh, Nguyễn Du, Phan Bội Châu – đã nỗ lực tô bồi và gìn giữ, thì sự đảo lộn ý nghĩa văn hóa nầy, sự tôn vinh con người thuần kinh tế làm cương thường, không phải là một đổi thay về phương cách biểu lộ tùy thuộc vào hoàn cảnh tâm lý, xã hội, địa lý chính trị… Nhưng đây là sự lãng quên hay đúng hơn là việc đánh mất hồn, mất cương thường, hay căn tính của văn hóa đó là nhân đạo.
Bước ngoặt lịch sử nầy, một bước ngoặt đánh mất hồn của văn hóa truyền thống dân tộc, đã đi kèm với việc du nhập vào quê hương chúng ta một chế độ chính trị chuyên chính dựa trên định nghĩa con người kinh tế và đấu tranh giai cấp. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt-Nam, một chế độ chính trị chính thức vất bỏ truyền thống văn hóa tôn vinh con người siêu việt, tự do và nhân tính linh ư vạn vật qua hình ảnh của những người con của Âu Cơ và Lạc Long Quân, để nhắm mắt xây dựng một xã hội chỉ biết kinh tế và đấu tranh dành của cải, xã hội của con người duy vật chọn Đế Lai làm tổ tiên. Trước nguy cơ bị mất hồn hay mất nguồn văn hóa hay nguy cơ bị mất con người siêu việt, tự do bởi một chế độ chọn Đế Lai làm mẫu mực, từng triệu người con của Âu Cơ và Lạc Long Quân đã quyết tâm làm người tị nạn ngay trên quê hương mình và làm người tị nạn nơi xứ người. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, cộng đồng từng triệu người Việt tị nạn đó được khai sinh dưới danh xưng Việt Nam Hải Ngoại. Người ta đã cố ý chuyển đổi ý nghĩa căn nguyên của tên gọi ấy khi đồng hóa Việt Nam Hải Ngoại với tập thể của những Việt kiều ở nước ngoài vì lý do kinh tế. Nhưng Việt Nam Hải Ngoại của những người Việt tôn vinh con người siêu việt, tự do là một thực thể luôn tồn tại và sinh động. Việc ra mắt tuyển tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris thực hiện được tổ chức hôm nay là một minh chứng hùng hồn.
Thật thế, việc ra mắt tuyển tập nầy là một trong những sinh hoạt văn hóa đa diện, thường xuyên của Việt Nam Hải Ngoại. Trong bối cảnh đó của Việt Nam Hải Ngoại, chúng ta chắc chắn một điều là những khuôn mặt văn hóa trong tuyển tập nầy, cũng như bao nhiêu khuôn mặt trong các sinh hoạt văn hóa khác, không ai, không tiếng nói nào, không một hình ảnh nào là cái loa tuyên truyền cho môt chế độ tôn vinh con người mà Đế Lai làm khuôn thước. Không khuôn mặt văn hóa nào trong họ là cái tấm bích chương quảng cáo cho sản phẩm của con người chỉ biết có kinh tế và thị trường.
Khiêm tốn nhưng trung thực, mỗi một khuôn mặt văn hóa của Việt Nam Hải Ngoại là một viên gạch, một miếng ngói của Ngôi Nhà Văn Hóa, nơi cư ngụ của những người con của Mẹ Ău Cơ và Cha Lạc Long Quân, Ngôi Nhà mà hiền nhân Sảng-Đình Nguyễn Hy Thích (1891-1978) đã gợi lên trong những ngày đen tối của lịch sử văn hóa Việt Nam ở thế kỷ qua :
Cái Nhà là Nhà của ta.
Công khó ông cha làm ra.
Cháu con luôn gìn giữ lấy.
Muân năm nhớ Nước Non Nhà
Nguyễn Đăng Trúc (07.10.2022)